---~~~mucluc~~~---


Chương 2
ĐI LÍNH

TÔI được gọi lên huyện Ma-lô-ya-rô-xla-vét tỉnh Ca-lu-ga vào ngày 7-8-1915. Thế chiến thứ nhất lúc đó đương ở vào giai đoạn khốc liệt.
Người ta đưa tôi vào kỵ binh, tôi rất mừng. Tôi vẫn mê binh chủng đầy lãng mạn này. Các bạn của tôi phải vào bộ binh cả và nhiều cậu muốn được như tôi lắm.
Sau đấy mấy tuần, tất cả những người được gọi nhập ngũ đều phải có mặt tại địa điểm tập trung. Chúng tôi được chia về các đội, và tôi không được ở với các bạn đồng hương cùng tuổi. Xung quanh đều là người lạ và trẻ như tôi cả.
Đến tối, người ta nêm chúng tôi vào các toa chở hàng và đưa đến chỗ đã định - Ca-lu-ga.
Lần đầu tiên tôi cảm thấy buồn bã và cô độc. Tuổi trẻ của tôi đã hết. Tôi tự hỏi, đã sẵn sàng bước vào cuộc đời gian khổ của người lính chưa, và, nếu cần, đã có thể chiến đấu được chưa? Cuộc sống trước đây đã tôi luyện tôi, và tôi chắc rằng, sẽ hoàn thành một cách vẻ vang bổn phận một người lính.
Các toa chở hàng này mà mỗi toa phải nhét đến 40 người, cho nên suốt dọc đường chúng tôi phải đứng hoặc ngồi ngay trên sàn toa bẩn thỉu. Có người hát, có người bói bài, người thì khóc và thổ lộ tâm sự với người bên cạnh. Có người ngồi cắn chặt răng, mắt chăm chăm nhìn vào một điểm cố định và ngẫm nghĩ về số phận người lính tương lai của mình.
Chúng tôi đến Ca-lu-ga vào lúc ban đêm. Chúng tôi xuống xe hỏa ở một đoạn đường cụt nào đó trên sân ga hàng hóa. Rồi chỉ huy hô “Tập hợp”, “Nhìn trước... thẳng”. Chúng tôi đi ngược lối về thành phố. Có cậu nào đó hỏi viên hạ sĩ rằng, họ đưa chúng tôi đi đâu. Viên hạ sĩ, có lẽ cũng là người tốt bụng, thân mật bảo chúng tôi:
- Này các cậu, đừng bao giờ hỏi cấp chỉ huy như vậy. Lính là phải lẳng lặng thi hành mệnh lệnh, còn đưa lính đi đâu thì chỉ có chỉ huy mới biết thôi.
Như để xác minh lời nói của anh ta, từ đầu hàng, tiếng đội trưởng vang lên:
- Đi trong hàng không được nói chuyện. 
Cô-li-a Xíp-xốp - người bạn mới của tôi - lấy cùi tay thúc vào người tôi, thì thầm:
- Thấy không! Bắt đầu đời lính đấy.
Đi được độ 3 giờ, tương đối mệt rồi thì chúng tôi được nghỉ một lúc. Trời đã gần sáng, mọi người buồn ngủ quá, vừa ngồi xuống đất, đã nghe tiếng ngáy khắp lượt.
Nhưng mệnh lệnh lại vang lên: “Tập hợp”. Lại lên đường và sau một giờ nữa, chúng tôi đến một trại lính. Chúng tôi được đưa vào một lán gỗ và nằm ngay trên sàn. Chỉ huy bảo có thể nghỉ đến 7 giờ sáng. Ở đây đã có trên 100 người đến trước. Gió thổi vào các khe hở và cửa sổ mở toang. Mặc dù “thông gió” như thế nhưng cũng không ăn thua gì, trong lán vẫn rất ngột ngạt.
Sau khi ăn sáng xong, người ta tập hợp chúng tôi và tuyên bố chúng tôi hiện thuộc tiểu đoàn bộ binh dự bị 189. Ở đây sẽ thành lập trung đoàn kỵ binh dự bị 5. Từ nay cho đến lúc phiên chế vào kỵ binh, sẽ học chiến thuật bộ binh.
Họ phát cho chúng tôi súng bộ binh để tập, tiểu đội trưởng, hạ sĩ quan Sác-vô-rô-xtốp, công bố nội quy và nhiệm vụ của chúng tôi. Anh ta nghiêm khắc cảnh cáo rằng, ngoài trường hợp cần thiết, không ai được đi đâu cả, nếu không muốn bị đưa về tiểu đoàn kỷ luật. Anh ta nói nhát gừng, the thé, nói câu nào cũng nắm tay khoa theo. Trong con mắt ti hí của anh, lộ ra một vẻ độc ác tưởng chừng như chúng tôi là những kẻ thù đáng nguyền rủa của anh ta.
- Vâng, - bọn lính trả lời - Chúng tôi không mong đợi điều đó.
Sau đó một thượng sĩ đi tới. Viên hạ sĩ hô “Nghiêm”.
- Tôi là trung đội trường Ma-li-áp-cô, - thượng sĩ nói - tôi mong các anh hiểu rõ những điều giải thích của tiểu đội trường, và như thế là các anh sẽ phục vụ trung thành Sa hoàng và Tổ quốc. Tôi sẽ không tha thứ những kẻ ương ngạnh đâu.
Ngày đầu tiên tập đội ngũ bắt đầu. Ai nấy đều cố gắng chấp hành đúng mệnh lệnh, làm đúng động tác đội ngũ và phương pháp sử dụng vũ khí. Nhưng làm hài lòng chỉ huy đã không phải là dễ, thì chuyện được khen lại càng khó. Nếu có ai trong số chúng tôi làm sai thì cả tiểu đội phải ở lại tập thêm. Chúng tôi về ăn cơm tối sau cùng, thức ăn đã nguội ngắt.
Cảm tường về ngày đầu thật khó chịu. Mong cho chóng vào ngả lưng xuống sàn và ngủ một giấc. Nhưng trái với ý muốn của chúng tôi, tiểu đội trưởng lại ra lệnh tập hợp và tuyên bố rằng, vì ngày mai phải điểm danh ban đêm, nên tối nay phải học thuộc bài quốc ca “Cầu Chúa phù hộ Sa hoàng”. Tập hát mãi đến khuya, 6 giờ sáng hôm sau đã bị dựng dậy để tập thể dục.
Ngày nào cũng như ngày nào, thật là đơn điệu. Đến ngày chủ nhật đầu tiên, tưởng đã được nghỉ ngơi, tắm rửa, nhưng người ta lại bắt chúng tôi đi dọn bãi tập và xung quanh trại. Dọn dẹp mãi đến lúc ăn trưa. Sau giờ nghỉ thì lau súng và viết thư cho gia đình. Hạ sĩ báo trước cho biết, trong thư không được phàn nàn gì cả, vì kiểm duyệt sẽ không bỏ qua cho đâu.
Kéo dài như thế này mãi thật là gay go. Nhưng được cái là trước đây khi chưa vào lính, chúng tôi không được cuộc sống luôn luôn nuông chiều cho nên chỉ trong khoảng hai tuần lễ, phần lớn chúng tôi đã quen với kỷ luật nhà binh.
Vào cuối tuần lễ học tập thứ hai, đại úy đại đội trưởng Vô-lô-din tới kiểm tra trung đội tôi. Người ta nói rằng ông ta uống rượu rất dữ, khi nào ông ta say thì tốt nhất là đừng để ông ta nhìn thấy. Trông bề ngoài, đại đội trưởng của chúng tôi thì không khác gì những sĩ quan khác, nhưng có điều dễ nhận thấy là ông ta kiểm tra rất qua loa việc huấn luyện chiến đấu của chúng tôi. Sau khi kiểm tra, ông dặn chúng tôi phải cố gắng hơn vì “thờ Chúa thì cầu kinh, thờ Sa hoàng thì phải cúc cung tận tụy”.
Trước khi chuyển đến trung đoàn kỵ binh dự bị 5, chúng tôi còn gặp đại đội trưởng mấy lần và hình như lần nào ông cũng ngà ngà hơi men. Còn tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn dự bị 189 như thế nào, suốt thời gian tập ở đây chúng tôi không hề gặp.
Tháng 9-1915, người ta chuyển chúng tôi về U-crai-na tới trung đoàn kỵ binh dự bị 5. Trung đoàn này đóng ở Ba-lắc-lê-ya, tỉnh Khác-cốp. Qua Ba-lắc-lê-ya, đơn vị chúng tôi đến ga Xa-vin-xa để chuẩn bị bổ sung cho sư đoàn kỵ binh 10. Các hạ sĩ quan và sĩ quan kỵ binh mặc quân phục mới toanh ra đón chúng tôi ở sân ga. Người thì mặc theo kiểu kỵ binh nhẹ, người thì mặc theo kiểu thương kỵ binh, người thì mặc theo kiểu long kỵ binh[1]. Sau khi được phân lẻ ra, chúng tôi - những người ở các tỉnh Ma-lô-ya-rô-xla-vét, Mát-xcơ-va và một số ở tỉnh Vô-rô-ne-giơ được đưa về đội long kỵ binh.
Chúng tôi bực mình vì không được vào kỵ binh nhẹ, không phải chỉ vì kỵ binh nhẹ ăn mặc đẹp hơn. Người ta còn nói với chúng tôi là ở đơn vị ấy tốt hơn và điều chủ yếu là ở đó có những sĩ quan có lòng nhân đạo hơn. Mà trong quân đội Sa hoàng, số phận người lính nằm trong tay các hạ sĩ quan.
Ngày hôm sau người ta phát quân phục kỵ binh cho chúng tôi và giao cho mỗi người một con ngựa. Tôi được giao một con ngựa cái rất bướng bỉnh có bộ lông màu xám và thuộc loại ngựa “Cha-sét-nai-a”.
Phục vụ trong kỵ binh có vẻ thú vị hơn bộ binh, nhưng lại khó hơn nhiều. Ngoài những môn học chung, còn phải tập cưỡi ngựa, sử dụng gươm giáo và chăm nom ngựa. Chúng tôi dậy không phải lúc 6 giờ như bộ binh, mà từ 5 giờ và đi ngủ muộn hơn một giờ.
Khó nhất là những khoa mục của lính kỵ mã nghĩa là phi ngựa, leo dây và tập gươm giáo. Trong thời gian đi ngựa có lúc sầy chân chảy máu nhưng không được kêu ca. Người ta chỉ nói với chúng tôi một điều: Hãy chịu đựng, anh chàng Cô-dắc ơi, anh sẽ trở thành quan đấy”. Và chúng tôi đã chịu đựng mãi cho đến khi ngồi vững trên yên ngựa.
Trung đội trưởng của chúng tôi là thượng sĩ Du-rắc-cốp[2] nhưng ngược lại với tên đó, anh ta tỏ ra khá thông minh và tốt bụng. Anh rất nghiêm khắc, nhưng lính bao giờ cũng chịu nghe theo và không bao giờ giận anh. Trái lại, trung sĩ Bô-rô-đáp-cô thì hoàn toàn trái ngược, hay la lối, bồng bột và rất hách dịch. Những người kỳ cựu ở đây nói rằng hắn ta đã nhiều lần đánh gãy răng lính.
Hắn ta đặc biệt tàn nhẫn khi chỉ huy cưỡi ngựa. Chúng tôi nhận rõ điều đó trong những lần trung đội trưởng nghỉ ngắn ngày. Bô-rô-đáp-cô, khi tạm thay trung đội trưởng được dịp dở đủ trò. Hắn làm khổ, làm nhục anh em lính chúng tôi không biết bao nhiêu! Ban ngày thì hắn thúc tập cho đến khi ngã gục tại chỗ, đặc biệt hắn trù những người trước khi vào lính đã ở hoặc làm việc tại Mát-xcơ-va vì hắn cho đó là những người thông minh và hiểu biết hơn. Ban đêm thì hắn đi kiểm tra canh gác đến mấy lần, nếu gặp trực ban nào ngủ gật là hắn đánh ngay. Bọn lính chúng tôi căm ghét hắn đến cực độ.
Có một lần sau khi đã bàn với nhau, rình hắn đi vào một góc tối chúng tôi lấy vải bạt chụp lấy đầu và đả cho một trận bất tỉnh nhân sự. Cứ tưởng rằng tất cả chúng tôi phải ra toà án binh, nhưng cả trung đội không ai việc gì cả, trái lại Bô-đô-đáp-cô phải chuyển sang binh đoàn khác.
Đến mùa xuân năm 1916, về căn bản, chúng tôi đã trở thành những kỵ binh được huấn luyện. Người ta báo cho chúng tôi biết sẽ tổ chức thành đại đội kỵ binh chuẩn bị ra trận, và trước khi đi, chúng tôi còn được huấn luyện dã chiến. Những người sinh năm 1897 mới được động viên sẽ thay chúng tôi, còn chúng tôi chuẩn bị chuyển đến một địa điểm khác - làng La-ghe-ri.
Người ta chọn 30 người trong số những người học khá đưa đi đào tạo hạ sĩ quan. Tôi cũng nằm trong số đó. Tôi không muốn vào học lớp này, nhưng trung đội trưởng là người tôi rất kính trọng về trí thông minh, tính kỷ luật và tình yêu đối với binh lính đã khuyên tôi nên đi học.
- Ra trận thì cậu còn chán cơ hội, - anh nói, - nhưng trước hết cậu phải học tập quân sự cho sâu đã, nó sẽ lợi cho cậu về sau. Tôi chắc cậu sẽ trở thành một hạ sĩ quan khá đấy.
Suy nghĩ một lát, anh nói tiếp:
- Tôi cũng chưa vội trở lại mặt trận. Một năm ở tiền tuyến tôi đã hiểu nó ra sao rồi. Tôi hiểu khá nhiều. Tiếc, tiếc quá... nhân dân ta đã hy sinh một cách dại dột và tôi tự hỏi: Hy sinh để làm gì?...
Anh không nói gì nữa. Nhưng tôi cảm thấy rằng trong thâm tâm, anh đã nhìn thấy cái mâu thuẫn giữa nhiệm vụ của người lính và nhiệm vụ công dân không chịu nổi ách chuyên chế của Sa hoàng. Tôi cám ơn anh đã khuyên tôi và đồng ý vào lớp đào tạo hạ sĩ quan. Lớp này đóng ở thành phố I-di-um, tỉnh Khác-cốp. Số anh em chúng tôi đến học có tất cả khoảng 240 người tập hợp từ nhiều đơn vị khác nhau.
Người ta bố trí tất cả chúng tôi vào những căn nhà riêng và lệnh chuẩn bị vào học tập ngay. Không may cho chúng tôi đã gặp phải một cấp chỉ huy rất tệ. Đại úy phụ trách chúng tôi có lẽ còn tệ hơn anh chàng Bô-rô-đáp-cô. Tôi không nhớ tên hắn, tôi chỉ nhớ rằng lính gọi hắn là lão “Bốn rưỡi”, vì ngón tay trỏ bên phải của hắn bị cụt mất một nửa. Nhưng ngón tay cụt không trở ngại gì khi hắn ta nắm tay lại đấm ngã lính. Hắn không thích gì tôi hơn những người khác, nhưng không hiểu vì sao hắn lại tránh không đánh tôi. Trái lại hắn xét nét tôi từng li từng tí, đôi khi chỉ vì một sơ suất nhỏ tôi cũng bị phạt rồi.
Không ai phải “mang đầy đủ trang bị chiến đấu đứng nghiêm” hoặc phải vác bao cát từ chuồng ngựa đến lán, cũng không ai phải trực nhật vào ngày lễ nhiều như tôi. Tôi cho rằng đó đều là sự độc ác của một tên ngốc và xấu bụng. Tuy nhiên tôi lại mừng vì hắn không thể kiếm chuyện với tôi trong việc học tập được.
Biết không làm gì được tôi, hắn thay đổi chiến thuật. Có thể là hắn muốn cản trở việc học tập của tôi vì tôi luôn luôn là người khá hơn cả.
Một hôm, vào ngày chủ nhật, hắn gọi tôi vào phòng của hắn và nói:
- Này tôi thấy anh là một thanh niên có bản lĩnh, hiểu biết và có khiếu về quân sự. Nhưng anh lại là người Mát-xcơ-va, là công nhân, anh học làm gì cho tốn mồ hôi, mệt xác? Anh làm thư ký nghiệp dư cho tôi đi. Anh sẽ thảo các nhật lệnh, làm thống kê báo cáo học tập và những việc khác tôi sẽ giao cho anh.
- Tôi đến đây để học chứ không phải để làm những việc linh tinh, - tôi đáp - Tôi muốn học quân sự một cách đầy đủ và trở thành hạ sĩ quan.
Hắn tức giận, dọa tôi:
- Được rồi xem! Tôi sẽ làm cho anh không bao giờ trở thành hạ sĩ quan!
Đến cuối tháng 6, khi lớp học của chúng tôi sắp hết thì bắt đầu phải thi. Theo thường lệ, những học sinh giỏi trong lớp, khi tốt nghiệp, sẽ được phong hạ sĩ, còn những người khác mang danh hiệu phó hạ sĩ, tức là chuẩn bị làm hạ sĩ quan. Bạn bè tôi ai cũng tưởng là tôi sẽ đỗ đầu, nhất định sẽ được phong hạ sĩ quan và sẽ được bổ sung làm tiểu đội trưởng, vì đây còn khuyết một.
Nào ngờ trước khi tốt nghiệp hai tuần, người ta tuyên bố trước đơn vị là tôi bị khai trừ ra khỏi lớp học vì vô kỷ luật và không phục tùng cấp chỉ huy trực tiếp. Mọi người đều biết đó là “Bốn rưỡi” trù tôi Nhưng không còn làm gì được nữa.
Không ngờ lại có người giúp tôi. Nguyên ở trung đội tôi có một học viên tình nguyện là Scô-rin-nô, em của đại đội phó đại đội cũ của tôi.
Scô-rin-nô học rất kém và không thích quân sự, nhưng lại là người tốt và giao thiệp rộng. “Bốn rưỡi” cũng gờm anh ta. Scô-rin-nô liền đến ngay cấp chỉ huy nhà trường báo cáo về trường hợp bất công của tôi.
Hiệu trưởng nhà trường cho gọi tôi đến. Tôi rất lo lắng vì từ trước đến nay chưa hề nói chuyện với các sĩ quan của tiểu đoàn, Tôi nghĩ bụng: “Thôi thế là trượt rồi, chắc là phải sang tiểu đoàn kỷ luật thôi”.
Chúng tôi rất ít tiếp xúc với hiệu trưởng. Nghe nói ông ta được làm sĩ quan vì lòng dũng cảm và được thưởng nhiều huân chương Thánh Gioóc và huy chương khác. Trước chiến tranh, hình như ông phục vụ trong trung đoàn U-lan làm chức thượng sĩ kỵ binh chuyên nghiệp. Chúng tôi chỉ trông thấy ông trong các buổi điểm tên buổi tối; người ta nói rằng sau khi bị thương nặng, ông đau ốm luôn.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông ta có đôi mắt hiền từ, thậm chí có thể nói là cái nhìn của ông ấm áp và vẻ mặt của ông chân thật vô cùng.
- Sao, phục vụ trong quân đội không chịu nổi à? - ông hỏi và chỉ ghế cho tôi ngồi. Tôi vẫn đứng không dám ngồi - Ngồi xuống chứ, đừng sợ!... Hình như cậu là người Mát-xcơ-va?
- Thưa ngài, vâng ạ. - Tôi trả lời, cố gắng nói to và rành rọt từng tiếng.
- Tôi cũng người Mát-xcơ-va đây. Trước khi nhập ngũ, tôi làm thợ mộc ở Ma-ri-nai-a Rô-sa. Nhưng mắc kẹt trong quân ngũ, nên bây giờ có lẽ phải hiến thân cho quân sự thôi - ông nói một cách êm dịu - Đây này, bản nhận xét về anh xấu lắm! Ghi là trong bốn tháng học tập anh đã bị phạt mười lần và, trước mặt đồng đội, anh gọi trung đội trưởng là “bộ da gấu” và những tiếng không tốt khác. Có đúng không?
- Thưa ngài, đúng ạ - Tôi đáp - Nhưng chỉ có một điều tôi có thể báo cáo với ngài được là: Ai ở địa vị tôi cũng phai làm như thế.
Tôi thành thật kể lại cho ông nghe mọi việc đã xảy ra. Ông chăm chú nghe và cuối cùng nói:
- Thôi, anh về trung đội và chuẩn bị thi đi.
Tôi rất hài lòng vì mọi việc đã kết thúc một cách tốt đẹp. Nhưng khi tốt nghiệp tôi không được đậu đầu. Scô-ri-nô được phong hạ sĩ quan, còn tôi và những người khác được phong phó hạ sĩ quan.
Bây giờ đánh giá lại các khoá huấn luyện quân sự của quân đội cũ, tôi có thể nói là nói chung người ta dạy rất kỹ, đặc biệt là huấn luyện về đội ngũ. Mỗi học sinh tốt nghiệp đều nắm vững động tác cưỡi ngựa, sử dụng vũ khí và phương pháp huấn luyện chiến sĩ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều hạ sĩ quan quân đội cũ sau Cách mạng tháng Mười đã trở thành những chỉ huy quân sự giỏi của Hồng quân.
Công tác giáo dục, về cơ bản là thô bạo. Những hạ sĩ quan tương lai đó không có thói quen đối xử nhân đạo với binh sĩ, không chú ý đến tâm tư tình cảm của binh sĩ. Người ta chỉ nhằm có một mục đích là làm thế nào để biến các binh sĩ thành những người phục tùng mệnh lệnh một cách máy móc. Kỷ luật xây dựng trên cơ sở tàn bạo. Tuy quy định không được dùng nhục hình, nhưng thực tế đã được dùng khá rộng rãi.
Về quân đội Sa hoàng, người ta viết đã nhiều và thiết tưởng không cần phải nhắc thêm. Tôi chỉ kể lại một số trường hợp mà tôi thấy cần thiết.
Đặc điểm rõ nhất của quân đội Sa hoàng là gì? Trước hết là sự xa cách và không nhất trí giữa quần chúng binh sĩ và hàng ngũ sĩ quan cao cấp.
Trong chiến tranh, đặc biệt là năm 1916 và đầu năm 1917, vì tổn thất quá nhiều nên đội ngũ sĩ quan được bổ sung bằng nhiều đại biểu lao động trí óc, những công nhân, nông dân có học và cả những binh lính, hạ sĩ quan chiến đấu xuất sắc, vì vậy sự khác biệt đó (từ tiểu đoàn đến sư đoàn) mới phần nào giảm bớt. Nhưng nó vẫn còn tồn tại trong các binh đoàn. Sĩ quan và tướng lĩnh không hề gần gũi đông đảo binh sĩ, không hiểu binh sĩ sống và nghĩ như thế nào. Họ hoàn toàn xa lạ đối với binh sĩ. Tình trạng đó và sự dốt nát khá phổ biến về chiến thuật - chiến lược của bọn tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp đã dẫn đến chỗ là các chỉ huy - chỉ trừ một vài người cá biệt - không có uy tín đối với binh sĩ. Trái lại, trong hàng ngũ sĩ quan trung cấp, gần cuối chiến tranh, có nhiều người gần gũi với binh sĩ. Những người chỉ huy như vậy đã được binh sĩ tin yêu và sẵn sàng làm theo trong mọi việc.
Chỗ dựa để quân đội cũ có thể đứng vững dược là hàng ngũ hạ sĩ quan. Họ là những người đào tạo, huấn luyện, gắn liền đông đảo binh sĩ lại với nhau. Hạ sĩ quan được lựa chọn kỹ lưỡng. Những người được lựa chọn phải qua những khoá học đặc biệt, mà ở đó họ được đào tạo thành những lính chiến mẫu mực. Thêm vào đó, như tôi đã nói ở phần trên, nếu phạm một sai sót nhỏ nào là họ lập tức bị phạt, đánh đập và nhục mạ. Do đó, những hạ sĩ quan tương lai, sau khi ra trường, có kỹ thuật chiến đấu giỏi, đồng thời có “kinh nghiệm” bắt các cấp dưới phải tuân theo những đòi hỏi của quân đội Sa hoàng.
Phải nói rằng, sĩ quan phụ trách các phân đội hoàn toàn tin cậy giao phó việc huấn luyện và giáo dục binh sĩ cho các hạ sĩ quan. Sự tin cậy đó nhất định đã làm cho hạ sĩ quan phải đề cao tinh thần chủ động, sáng tạo và có ý thức trách nhiệm tự giác. Trong khi chiến đấu, hạ sĩ quan đặc biệt là hạ sĩ quan đào tạo chính quy, phần lớn là những người chỉ huy giỏi.
Qua nhiều năm thực tiễn tôi thấy rằng ở đâu mà các cán bộ cấp trên cứ bao biện, không tin vào các sĩ quan cấp dưới, thì ở đó không bao giờ có được những cán bộ cấp dưới xứng đáng, vì vậy không thể có những phân đội tốt được.
Vào đầu tháng 8, trung đoàn ra lệnh gửi các học viên kỵ binh vừa mãn khoá vào binh đoàn bổ sung đi chiến đấu. Mỗi tốp 15 người được đưa thẳng ra mặt trận, nhập vào sư đoàn kỵ binh 10. Trong danh sách 15 người, tôi đứng vào hàng thứ hai và tôi không ngạc nhiên mấy về điều đó vì tôi thừa hiểu do bàn tay ai xếp đặt rồi.
Khi người ta đọc danh sách trước đơn vị, “Bốn rưỡi” mỉm cười, tỏ ra rằng: số phận mỗi người chúng tôi phụ thuộc vào hắn ta. Sau đó chúng tôi được ăn một bữa theo tiêu chuẩn ngày lễ, rồi lệnh chuẩn bị lên đường. Mang ba-lô lên vai, chúng tôi đi đến nơi tập trung và sau mấy giờ, đoàn chúng tôi đã lên đường đi về phía Khác-cốp.
Đoàn chúng tôi đi rất lâu, có khi phải dừng lại hàng giờ ở ngã tư chờ cho sư đoàn bộ binh nào đó đi qua. Những người bị thương nặng đưa từ mặt trận về, đoàn tàu quân y cũng phải nhường đường cho các đoàn tàu ra mặt trận. Qua những người bị thương, chúng tôi biết nhiều chuyện, trước hết là chuyện quân đội ta trang bị rất tồi. Binh lính nói rất xấu về các sĩ quan cao cấp, họ đồn là ở bộ chỉ huy tối cao có người được bọn Đức mua chuộc làm phản. Binh lính ăn uống rất khổ. Những tin tức ấy từ mặt trận đưa về làm cho chúng tôi khó chịu. Chúng tôi im lặng, đi lại xung quanh đoàn tàu.
Sáng hôm sau, người ta đổ chúng tôi xuống vùng Ca-mê-nét Pô-đôn-xcơ. Đồng thời đơn vị bổ sung cho trung đoàn 10 kỵ binh nhẹ Tu-giéc-man-lan và 100 ngựa của trung đoàn 10 long kỵ binh Nốp-gô-rốt cũng được đổ xuống đây.
Vừa xuống tàu xong thì có báo động. Ai nấy vội vã chạy tìm lấy chỗ nấp. Một máy bay trinh sát của địch đảo trên đầu chúng tôi mấy vòng, ném mấy quả bom nhỏ rồi cút về phía tây. Một người lính chết và năm con ngựa bị thương.
Đây là trận đầu của chúng tôi. Từ nơi xuống tàu chúng tôi đi theo trật tự hành quân tiến về phía sông Đờ-ne-xtơ-rơ. Lúc đó sư đoàn chúng tôi đang đóng tại đấy làm lực lượng dự bị của Phương diện quân Tây - nam.
Khi đến đơn vị, chúng tôi được tin Ru-ma-ni đã tuyên chiến với Đức và sẽ chiến đấu bên cạnh người Nga chống lại người Đức. Có tin là sư đoàn chúng tôi sẽ ra tiền tuyến trong một ngày rất gần, nhưng chiến trường nào thì không ai biết.
Đầu tháng 9, sư đoàn chúng tôi hành quân tới vùng rừng núi Bư-xtơ-rít-xki. Ở đây sư đoàn phải trực tiếp tham chiến nhưng phần nhiều phải chiến đấu như bộ binh vì điều kiện địa lý ở đây không dùng kỵ binh được.
Chúng tôi luôn luôn nhận dược những tin tức đáng lo ngại. Quân ta bị thiệt hại nặng. Thực tế không còn tấn công nữa. Mặt trận đã ngừng tại chỗ. Phía quân đội Ru-ma-ni tình hình cũng không tốt đẹp hơn. Họ chưa được huấn luyện kỹ, thiếu vũ khí, nên ngay trong những trận chiến đấu đầu tiên với quân Đức và Áo, đã bị thiệt hại nặng.
Trong binh lính, sự bất mãn ngày càng tăng, nhất là khi họ nhận được thư nhà báo tin về nạn đói và tình trạng rối loạn ở quê họ. Cảnh tượng đó, chúng tôi cũng nhìn thấy ngay trong các làng gần mặt trận ở U-crai-na, Bu-cô-vi-na và Môn-đa-vi. Nông dân ở đây cũng phải chịu những tai hoạ như vậy dưới ách Sa hoàng; cũng do sự liều lĩnh của Sa hoàng mà ba năm nay máu của nông dân và công nhân đã đổ? Binh lính đã hiểu rằng: họ sẽ trở thành những người tàn tật, sẽ chết không phải vì quyền lợi của họ, mà vì “những kẻ quyền thế trên đời này”, vì quyền lợi của những kẻ đang bóc lột họ đến xương tủy[3].
Tháng 10-1916, tôi gặp điều không may: trong khi cùng hai người bạn đi trinh sát ở đường vào Xai-rê-ghen, tại một đồn tiền tiêu của địch, chúng tôi đụng phải mìn. Hai người kia bị thương nặng, còn tôi bị sức ép hất tung xuống yên ngựa. Đến ngày hôm sau tôi mới tỉnh lại trong viện quân y. Vì bị chấn thương nặng, tôi được đưa về Khác-cốp và nằm điều trị ở đấy cho đến cuối tháng Chạp.
Ra viện lâu rồi mà tôi vẫn chưa được bình phục, nhất là tai nghe không rõ. Hội đồng quân y gửi tôi tới đại đội bổ sung ở làng La-ghe-ri. Tới đây, tôi gặp lại các bạn cùng đại đội tân binh trước kia. Họ đến đóng ở đây từ mùa xuân. Lẽ tất nhiên, tôi rất mừng.
Trước đây, từ đại đội vào lớp huấn luyện, tôi còn là một người lính trẻ, giờ đây trở lại, tôi đã là một hạ sĩ quan có kinh nghiệm chiến đấu và được gắn hai huân chương Thánh Gioóc trên ngực vì đã có công bắt được sĩ quan Đức làm tù binh và vì bị thương nặng.
Khi chuyện trò với binh lính, tôi hiểu rằng họ không ham gì “ngửi thuốc súng”, không muốn chiến tranh. Họ có những suy nghĩ khác, không nghĩ tới lời thề với Sa hoàng, mà họ nghĩ về ruộng đất về hòa bình, về người thân của họ. Cuối năm 1916, trong binh lính càng xôn xao về những tin công nhân Pê-téc-bua, Mát-xcơ-va và những thành phố khác đình công, biểu tình. Họ bàn tán về những người Bôn-sê-vich đang đấu tranh chống Sa hoàng để giành hòa bình, ruộng đất và tự do cho nhân dân lao động. Bây giờ, ngay chính binh lính cũng cương quyết đòi chấm dứt chiến tranh.
Mặc dù tôi là hạ sĩ quan, nhưng binh lính vẫn tin tôi và thường nói với tôi những chuyện quan trọng. Tất nhiên lúc đó tôi ít hiểu về chính trị, nhưng tôi cũng biết chỉ có những người Bôn-sê-vich mới đem lại hòa bình, ruộng đất và tự do cho nhân dân Nga. Ngoài họ ra, không còn ai khác. Tôi đã cố hết sức gợi lên ý nghĩ đó trong binh lính và vì thế tôi đã được họ hoan nghênh.
Và sự việc đã diễn ra như dưới đây.
Sáng sớm ngày 27-2-1917, binh đoàn đang đóng ở làng La-ghe-ri, bỗng có báo động. Bộ đội tập hợp ngay gần chỗ ở của đại úy đại đội trưởng kỵ binh, Nam tước Phôn-đéc Gôn-xờ. Tất nhiên là không ai hay biết gì cả. Sĩ quan trung đội tôi là trung úy Ki-ép-xki.
- Thưa ngài, người ta tập trung chúng ta đi đâu mà báo động thế vậy? - Tôi hỏi ông ta.
Ông đáp lại tôi bằng câu hỏi:
- Theo anh thì thế nào?
Tôi nói là binh lính cần biết họ sẽ phải đi đâu, đặc biệt khi thấy người ta phát đạn thật cho chúng tôi.
- Thế thì sao? Có thể cũng cần dùng đến đạn đấy!
Câu chuyện chấm dứt vì đại úy Nam tước Phôn-đéc Gôn-xờ đi tới.
Y là một đại úy phụ trách tác chiến. Y có gươm vàng, có huân chương Thánh Gioóc của quân đội và nhiều huân chương khác. Nhưng y lại là một người đáng ghét, nói năng thô bạo với binh lính nên họ không ưa mà chỉ sợ y thôi.
Sau khi hô “Nghiêm”, đại úy chào đại đội.
Nam tước Phôn-đéc Gôn-xờ ra lệnh cho chúng tôi xếp thành hàng ba và cho ngựa đi nước kiệu. Đại đội đi theo đường dẫn tới thành phố Ba-lắc-lê-ya. Bộ tham mưu trung đoàn dự bị 5 đóng ở đây. Khi đến trại trung đoàn, chúng tôi thấy đoàn long kỵ binh Ki-ép và kỵ binh nhẹ In-ghéc-man-lan đã tập hợp chỉnh tề. Đại đội của tôi cũng triển khai thành hàng ngang. Những bộ phận khác cũng đã tới. Không ai biết việc gì đang xảy ra.
Một lúc sau mới rõ sự tình như sau. Ở một góc bên cạnh, thấy xuất hiện những người biểu tình mang cờ đỏ không biết từ đâu đến. Viên chỉ huy đại đội chúng tôi thúc ngựa phi về phía ban tham mưu trung đoàn. Những viên chỉ huy các đại đội khác đi theo hắn ta. Trong lúc đó thì có một quân nhân và công nhân từ trong ban tham mưu đi ra.
Một quân nhân dáng cao cao nói chuyện với binh lính, giọng sang sảng. Anh ta nói: giai cấp công nhân, binh lính, nông dân nước ta từ nay không công nhận Sa hoàng Ni-cô-lai II nữa, cũng không thừa nhận bọn tư bản và địa chủ nữa. Nhân dân Nga không muốn tiếp tục cuộc chiến tranh đế quốc đẫm máu này nữa. Họ cần hòa bình, ruộng đất và tự do. Anh ta kết thúc những lời nói ngắn gọn đó bằng các khẩu hiệu: “Đả đảo Sa hoàng! Đả đảo chiến tranh! Hòa bình giữa các dân tộc muôn năm! Xô-viết đại biểu Công Nông Binh muôn năm! Hoan hô!”.
Không ai ra lệnh cho binh lính nữa. Tự lòng mình, anh em hiểu phải làm gì. Từ trong hàng ngũ vang tiếng hô đáp lại: “Hoan hô! Hoan hô!...”. Binh lính hòa lẫn với đám biểu tình...
Sau đó chúng tôi mới biết đại úy Nam tước Phôn-déc Gôn-xờ và nhiều sĩ quan khác đã bị ủy ban binh sĩ bắt. Ủy ban này đã ra hoạt động công khai và bắt giữ những ai có thể ngăn cản công tác cách mạng.
Bộ đội được lệnh trở lại hàng ngũ và đợi lệnh của ủy ban binh sĩ. Đứng đầu ủy ban binh sĩ của trung đoàn là đảng viên Bôn-sê-vich Ya-cốp-lép (tôi tiếc rằng không nhớ tên và phụ danh của đồng chí ấy). Sáng hôm sau đồng chí phái tới đại đội tôi một sĩ quan. Sĩ quan đó ra lệnh tập hợp bộ đội để chọn đại biểu vào Xô-viết trung đoàn, đồng thời bầu ủy ban binh sĩ đại đội.
Trung úy Ki-ép-xki, tôi và một người lính nữa ở trung đội 1 (tiếc rằng không nhớ tên họ người lính này) được bầu làm đại biểu Xô-viết trung đoàn.
Vào đầu tháng 3, Hội nghị toàn Xô-viết đại biểu binh sĩ trung đoàn họp ở Ba-lắc-lê-ya. Đồng chí Ya-cốp-lép giải thích rất rõ về nhiệm vụ các Xô-viết, về sự cần thiết phải củng cố sự nhất trí giữa binh lính, công nhân và nông dân để tiếp tục cuộc đấu tranh cách mạng. Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh lời phát biểu của đồng chí.
Sau đó một hạ sĩ phát biểu tiếp. Lúc đầu anh ta nói cũng hay, hầu như là ủng hộ cách mạng, nhưng gần cuối anh ta lại tán dương chính phủ lâm thời, tán dương việc động viên quân đội ra mặt trận. Những người lính tức giận phản đối nhao nhao. Đến khi bầu Xô-viết trung đoàn, người ta chi bầu những ai ủng hộ lập trường của người Bôn-sê-vich. Thế là Xô-viết trung đoàn chúng tôi đã trở thành Bôn-sê-vich.
Đến tháng 5, đồng chí Ya-cốp-lép phải đi công tác nơi khác. Sau khi đồng chí ấy đi, Xô-viết làm việc kém hẳn đi, không bao lâu các đại biểu bị bọn xã hội cách mạng Men-sê-vich lái, Xô-viết trở lại ủng hộ chính phủ lâm thời. Cuối cùng, đến đầu mùa thu, một số đơn vị chuyển sang phía Pét-liu-ra.
Trong đại đội tôi phần lớn là người Mát-xcơ-va và Ca-lu-ga. Ủy ban binh sĩ đại đội cho phép ai nấy trở về nhà. Chúng tôi cấp cho binh sĩ giấy giải ngũ và khuyên họ đem theo súng và đạn. Sau đó chúng tôi được biết đội cảnh giới Gai-đa-mác[4] ở Khác-cốp đã tịch thu vũ khí của phần lớn các binh sĩ này. Tôi phải trốn ở Ba-lắc-lê-ya ở làng La-ghe-ri mất mấy tuần vì bọn sĩ quan chạy sang phục vụ cho bọn dân tộc chủ nghĩa U-crai-na lùng bắt.
Ngày 30-11-1917, tôi về được đến Mát-xcơ-va. Ở đây chính quyền đã nắm vững vàng trong tay Đảng Bôn-sê-vich và đại biểu công nông binh từ tháng Mười.
Tháng Chạp năm 1917 và tháng Giêng năm 1918, tôi về làng với cha mẹ, và sau khi nghí ngơi, tôi quyết định tham gia đội Cận vệ đỏ. Nhưng đầu tháng Hai, tôi bị sốt phát ban nặng và tháng Tư tôi lại bị sốt trở lại. Mãi nửa năm sau, đến tháng 8-1918, tôi mới tình nguyện xin vào được trung đoàn kỵ binh 4 thuộc sư đoàn kỵ binh Mát-xcơ-va, từ đó mới thực hiện được nguyện vọng chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân của mình.
Lúc đó Đảng Cộng sản và Chính phủ Xô-viết bắt đầu giải quyết những nhiệm vụ khó khăn và quan trọng là giải thể quân đội cũ và thành lập quân đội mới, quân đội của công nhân và nông dân. Đồng thời mở rộng việc dân chủ hóa quân đội. Chính quyền trong quân đội giao cho ủy ban binh sĩ và các Xô-viết, mọi người trong quân đội đều bình đẳng về quyền lợi, hàng ngũ chỉ huy từ trung đoàn trở xuống do hội nghị toàn thể binh sĩ bầu. Nhờ đó từ trong binh lính, thủy thủ và cả trong sĩ quan nữa đã xuất hiện nhiều cán bộ quân sự có tài đi theo chính quyền Xô-viết.
Trong một bản báo cáo của ủy ban quân sự thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng toàn Nga, đã viết: “Nếu lúc nào đó có thể nghiên cứu một cách khách quan về tình hình quân đội ta vào thời kỳ cách mạng, thì mọi người đều thấy rằng: chỉ có dân chủ hóa hoàn toàn quân đội, thừa nhận quyền hạn của các cơ quan quân đội do quần chúng rộng rãi binh lính bầu ra và chỉ có chính sách hòa bình mà Hội đồng các Ủy viên nhân dân đã thực hiện mới có thể giữ được quân đội trên các mặt trận cho đến giữa mùa đông năm 1918 và cứu nước nhà ra khỏi tình trạng quân đội tự tiện rút lui về hậu phương”.
Đại hội Xô-viết toàn Liên bang lần thứ III họp tháng Giêng năm 1918 nhất trí quyết định thành lập lực lượng vũ trang của nước ta. Tại Đại hội này đã thông qua “Tuyên ngôn về quyền của người lao động và nhân dân bị bóc lột” do V.I. Lê-nin thảo, trong đó có đoạn nói rõ: “Nhằm bảo đảm toàn vẹn chính quyền của quần chúng lao động và loại trừ khả năng phục hồi chính quyền của giai cấp bóc lột nay ra sắc lệnh vũ trang cho nhân dân lao động, thành lập Hồng quân xã hội chủ nghĩa của công nông...”.
Binh đoàn Hồng quân đầu tiên được thành lập cũng vào tháng Giêng năm 1918 ở Pê-tơ-rô-grát, lấy quân từ mấy trăm chiến sĩ Cận vệ đỏ[5] và binh lính các trung đoàn dự bị của thành Pê-tơ-rô-grát. Đó là quân đoàn 1 của Hồng quân công nông. Cùng lúc đó, một đội quân xã hội chủ nghĩa đầu tiên nữa cũng được phái từ Pê-tơ-rô-grát ra mặt trận phía tây, đội quân này gồm hàng ngàn chiến sĩ Cận vệ đỏ.
Trong buổi long trọng tiễn đưa đội quân này, Lê-nin đã phát biểu ý kiến. Người nói: “Qua các đồng chí, tôi chào mừng những người chiến sĩ tình nguyện anh hùng đầu tiên của quân đội xã hội chủ nghĩa, những người sẽ lập nên quân đội cách mạng hùng mạnh”.
Thủ tục nhận các chiến sĩ tình nguyện vào Hồng quân tiến hành như sau: Mỗi người tình nguyện phải có giấy giới thiệu của ủy ban quân sự, Đảng và các tổ chức quần chúng ủng hộ chính quyền xô-viết khác. Nếu gia nhập thành nhóm thì phải có sự bảo lãnh tập thể. Các chiến sĩ Hồng quân công nông được Chính phủ trợ cấp hoàn toàn, ngoài ra ban đầu mỗi người được lĩnh đến 50 rúp một tháng, sau đó, từ giữa năm 1918, người không có gia đình được lĩnh 150 rúp, người có gia đình - 250 rúp. Mùa xuân năm 1918, Hồng quân đã có đến 20 vạn chiến sĩ, sau đó số tình nguyện gia nhập ngày càng giảm.
Tất nhiên, việc tuyển mộ bộ đội dựa trên cơ sở tình nguyện có những nhược điểm của nó. Không có lực lượng dự bị chiến đấu, không có hệ thống đào tạo quân bổ sung, quân số không đủ đảm bảo mở những chiến dịch lớn, công tác huấn luyện kém, kỷ luật lỏng lẻo.
Thấy vậy, Ban Chấp hành trung ương Đảng toàn Nga đã ra chỉ thị đặc biệt về việc huấn luyện quân sự cho toàn thể nhân dân lao động. Mỗi người lao động từ 18 đến 40 tuổi phải qua một kỳ huấn luyện quân sự 96 giờ, không thoát ly sản xuất, phải thi hành nghĩa vụ quân sự và gia nhập Hồng quân ngay khi có lệnh gọi của Chính phủ Xô-viết.
Trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga chỉ thị cho các đảng viên phải tham gia học tập quân sự ngay. Việc bầu các cấp chỉ huy được bỏ, thay vào đó là chế độ bổ nhiệm cán bộ chỉ huy. Các cán bộ quân đội phải do các cơ quan quân sự quyết định và được chọn lọc ừ những người đã qua huấn luyện quân sự hoặc những người xuất sắc trong chiến đấu. Đại hội Xô-viết toàn Nga lần thứ V đã ra nghị quyết “Về xây dựng Hồng quân” trong đó đã thông qua các biện pháp của Đảng và Chính phủ về xây dựng quân đội thường trực. Nghị quyết đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung lãnh đạo luân đội và đề cao ý nghĩa của một nền kỷ luật sắt, có tính cách nạng trong quân đội.
Đại hội củng cố về mặt pháp lý chế độ chính ủy. Chế độ này đã bắt đầu thi hành từ tháng Mười năm 1917, khi nhiều ủy viên của ủy ban quân sự cách mạng được phái tới nắm các đơn vị và cơ quan quân sự của quân đội cũ. Lúc này các chính ủy đã dựa vào các chi bộ Đảng để giáo dục binh lính, kiểm tra các hoạt động quân sự của các chuyên viên và đồng thời xây dựng trong quần chúng binh sĩ lòng tin tưởng vào các chuyên viên tốt và trung thành. Sau này ta còn có dịp nói đến các chính ủy, nhưng bây giờ tôi muốn nói ngay rằng đó là những người đảng viên cộng sản hoàn toàn tốt, trung thực và sẵn sàng hy sinh.
Đại hội yêu cầu xây dựng quân đội trên cơ sở một nền khoa học quân sự, sử dụng kinh nghiệm các quân đội cũ và đồng thời mở rộng việc đào tạo các cán bộ chỉ huy xuất thân từ công nông. Nghị quyết của Đại hội Xô-viết lần thứ V và Ban Chấp hành trung ương toàn Nga đã được các tổ chức Đảng, công đoàn, các ủy ban dân nghèo và quần chúng công nông giác ngộ thực hiện. Do đó, khi tôi gia nhập Hồng quân thì trong quân đội đã có trên nửa triệu người. Trong những năm khó khăn đó, bằng nhiều nghị quyết và bằng công tác thực tiễn to lớn, Đảng đã đặt cơ sở cho các Lực lượng vũ trang Xô-viết, đã củng cố hạt nhân vô sản vững vàng về chính trị cho Hồng quân và Hải quân làm chỗ dựa cho việc xây dựng quân đội sau này.
---
[1] Ba loại kỵ binh trong quân đội Sa hoàng - ND.
[2] Tiếng Nga “du-rắc” là “thằng ngốc” – ND.
[3] nguyên văn: “đến lượt da cuối cùng” - ND.
[4] lính phản cách mạng trong thời kỳ nội chiến ở U crai-na - ND
[5] Năm 1917, Cận vệ đỏ là tên của các đội công nhân vũ trang trung thành với cách mạng. Trước cuộc vũ trang khởi nghĩa tháng Mười, những người Bôn-sê-vích mở rộng việc huấn luyện quân sự cho Cận vệ đỏ. Ảnh hưởng của những người Bôn-sê-vích phát triển nhanh chóng ngoài mặt trận, trong các thành phố lớn ở hậu phương và cả ở hạm đội Ban-tích. Các hoạt động của Cận vệ đỏ, của quần chúng bính sĩ và thủy quân trong thời kỳ Cách mạng và ngay sau cách mạng đều do cơ quan quân sự của Trung ương Đảng Xã hội - dân chủ Nga (b) trực tiếp chỉ đạo và phối hợp lại.