Chương Bốn

Người đi, đi không thôi

Ngày thế giới lên nguồn vui...
Lữ Hành

Vào thời điểm này, Bảo Đại đã được Pháp thừa nhận là Quốc Trưởng của một nước Việt Nam độc lập và thống nhất. Nhưng vì những chánh phủ đều do những người nổi danh là thân Pháp như Trần Văn Hữu hay Nguyễn Văn Tâm cầm quyền và Việt Nam vẫn phải gia nhập Liên-Hiệp-Pháp với tư cách một quốc gia liên kết thì sự độc lập và thống nhất đó không thuyết phục được ai cả.
Sinh hoạt của Nguyễn Đức Quỳnh và tôi cũng không chỉ đóng khung trong báo chí hay âm nhạc. Ban ngày gặp nhau ở toà soạn ĐƠI MƠI, ban đêm chúng tôi kéo nhau đi coi Cải Lương. Hồi còn làm việc ở Khu IV với tướng Nguyễn Sơn và Đặng Thai Mai, anh Quỳnh phụ trách công tác trí vận (vận động trí thức), nói cho sát hơn là vận động văn nghệ sĩ, đặc biệt là giới Cải Lương để tích cực tham gia kháng chiến. Bây giờ không có tối nào anh không kéo tôi và đạo diễn Hoàng Trọng Miên tới các rạp hát. Chúng tôi làm quen với các ông bà bầu và các đào kép của nhiều gánh hát Cải Lương như THANH MINH, HOA SEN, PHƯƠC CHUNG... và hay lui tới rạp ARISTO để khuyến khích vua Cải Lương Bắc Hà là Trần Viết Long đã dám cả gan đem tiếng chuông vàng (gánh KIM CHUNG) từ Hà Nội vào khua tại cái nôi của Vọng Cổ này. Giống như thời tôi đi theo gánh hát, tôi lại được sống với ánh sáng và âm thanh của sân khấu là những thứ dễ dàng tạo nên sự hứng khởi trong lòng người.
Khi anh Quỳnh và tôi tới chơi với anh chị em trong ngành Cải Lương, chúng tôi nhận thấy, ngoài những vở tuồng bắt chước phim Mỹ, phim Nhật như SAMSON & DALILAH và RASHOMON, đã có những soạn giả đứng đắn với những vở tuồng có nội dung cao. Người nổi tiếng nhất là soạn giả Trần Hữu Trang. Về sau, anh ta sẽ là Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Sĩ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Lúc đó, giới Cải Lương bị giới làm chính trị rất chú ý. Nghệ sĩ Duy Lân, đang diễn tuồng LUNG CẦY NHUM MAU (hay LẤP SÔNG GIANH?) tại rạp Nguyễn Văn Hảo thì bị ném lựu đạn. Anh (thoát chết nhưng) bị cụt chân. Sự khủng bố ở Việt Nam không lúc nào ngưng và không chừa một ai cả!
Dù đã được hân hạnh quen biết các đào kép thượng thặng như Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân v.v... từ năm 1944 nhưng mãi tới bây giờ, nhờ anh Quỳnh kéo tôi vào sinh hoạt sân khấu tôi mới được các anh Bẩy Nhiêu, Duy Lân... tặng cho những tài liệu đánh máy để tôi dùng trong việc biên soạn một chương viết về nhạc Cải Lương trong cuốn sách ĐĂC KHẢO VỀ DÂN NHAC VIÊT NAM.
Nhưng ngoài thú giao dịch chặt chẽ với các giới làm văn học nghệ thuật, lúc này Nguyễn Đức Qùynh hoạt động chính trị tích cực hơn hồi ở Khu IV. Tình thế lúc đó sôi nổi vì lá bài Bảo Đại vừa được tung ra để đối đầu với Hồ Chí Minh. Một người rất trung thành với Bảo Đại là Phan Văn Giáo lại là bạn đồng học khi xưa của anh Quỳnh. Ông ta mời anh ra Huế cộng tác. Anh được trao toàn quyền để tổ chức một tờ báo với mục đích tranh thủ nhân tâm. Nhận làm việc cho một ông vua mà anh Quỳnh lại đặt tên báo là DÂN TRÊN HẾT. Điều này khiến cho bà Từ Cung, mẹ của Bảo Đại không bằng lòng. Toà báo ngưng hoạt động, nhưng không phải vì vậy mà anh Quỳnh bỏ về Saigon ngay. Khi ra Huế, anh Quỳnh rủ tôi đi theo để tổ chức một thứ làng văn nghệ giống như ở Khu IV trước đây. Chúng tôi cùng với Võ Đức Duy, Vĩnh Phan làm việc trong một thời gian nhưng khi nhận thấy ông Thủ Hiến Trung Việt không phải là Khu Trưởng Nguyễn Sơn và ông Bảo Đại không được lòng dân thì chúng tôi kéo nhau về Saigon.
So với hai lần trước, lần này tôi ở Huế khá lâu. Tôi có đủ thời giờ để biết Huế hơn xưa, biết yêu những con đường thật nhỏ và yên tĩnh (yêu nhất con đường mang tên Âm Hồn) dẫn tôi đi vào những căn nhà êm đềm và gặp cuộc sống rất thầm lặng của những người tôi đã vô phép gọi là của xứ dân gầy. Tôi ít khi gặp một phụ nữ Huế béo tốt, ngoại trừ Mụ Tôn là chủ nhân của một con đò sông Hương để tôi xuống nằm chơi với Vĩnh Phan, Võ Đức Duy, Tchya (Đái Đức Tuấn, nhà thơ đàn anh chúng tôi gọi là "Tẩy Chià") và vài nhạc sĩ cổ truyền của xứ Huế, khi hút thuốc phiện, khi nghe ca kỹ sông Hương hò hát. Kết tình với một người đẹp tên là Ngọc Túy, tôi cao hứng soạn lời ca cho điệu Nam Bình để nàng hát giữa đêm thâu. Chao ôi, còn gì sung sướng hơn được nằm gối đầu vào lòng người ca kỹ trong khoang thuyền nhỏ bé của con đò Vỹ Dạ, nghe tiếng hát lan xa trên mặt nước im lìm, tiếng hát mơn trớn làn da, vỗ về trái tim, xúi giục yêu đương. Được ôm ấp những cô gái Huế khác, tôi thấy đó cũng là những núi lửa đang ngủ yên, chỉ cần một chút động đất là nổ tung lên.
Tuy nhiên, dù là kẻ rất ham mê những thú vui nhục dục, tôi cũng biết đi tìm con người và cảnh vật của Huế để thấy được khía cạnh thanh tao của những ngày ở nơi cố đô này. Lững thững đi chơi một mình nơi chùa Thiên Mụ hay tại những lăng tẩm vô cùng thầm lặng. Làm quen với những người nếu không là Công Tằng Tôn Nữ thì cũng thuộc thành phần cao trong xã hội, có lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ duyên dáng dễ thương, tôi có nhiều cảm hứng để soạn bài Dạ Lai Hương:
Đêm thơm như một giòng sữa
Lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà...
Những ngày ở Huế, tôi cảm thấy đời ngon như men say và vui như ong bay. Vì tình (tình đây là tình người) lên phơi phới, tôi xin được nhẹ bàn chân, nhẹ bàn tay để nâng niu mật sống lâu dài. Soạn bài hát thơm tho này cũng là để nhớ tới mẹ một ngày Hưng Yên xa xôi nữa. Về sau, lần nào trở về Huế, tôi cũng cảm thấy đêm thơm như trong bài Dạ Lai Hương vậy.
Khi tôi ra Huế để cùng Nguyễn Đức Quỳnh giúp chính quyền trong vấn đề văn nghệ và sau khi được coi như một người bạn thân rồi, tôi tìm hiểu thêm về anh Quỳnh và thấy anh là người rất bạo trong ý nghĩ, trong lời nói, nhưng lại rất e dè trong hành động. Đã nhiều lần, trong những công tác ở đây, anh không trực tiếp hành động mà giao việc cho tôi. Có một lần Thủ Hiến Phan Văn Giáo muốn anh Quỳnh từ Huế lên Đà Lạt gặp Bảo Đại để bàn chuyện chính trị thì anh đùn cho tôi đi thay. Tôi lại có dịp yết kiến cựu hoàng một lần nữa, lần này, tôi rất ngượng vì tự thấy không đủ kiến thức về chính trị để trình bày với một quốc trưởng. Khác với lần gặp gỡ trước, tôi thấy ông vua bây giờ có vẻ mặt buồn của một người cô đơn.
Tháng 9, 1953. Các đảng phái Việt Nam công kích Chính Phủ (Nguyễn Văn Tâm) quá thân Pháp khiến có những dư luận cho rằng Việt Nam muốn từ bỏ Liên Hiệp Pháp. Bảo Đại, từ Pháp, phái Hoàng thân Bửu Lộc về triệu tập Quốc Dân Đại Hội. Đại Hội sẽ gồm 200 đại biểu chọn trong các đảng phái, đoàn thể tôn giáo, kinh tế, xã hội... để phát biểu về hai vấn đề: 1) chủ quyền quốc gia phải được tới mức nào? 2) thể thức hợp tác với Pháp ra sao?
Từ Huế trở về Saigon sau đó, cùng với Trần Văn Ân, anh Quỳnh trở thành quân sư cho các lực lượng chính trị miền Nam. Rồi trong Đại Hội Quốc Dân mà Bảo Đại giao cho Bửu Lộc tổ chức, với tài ăn nói và sự hiểu biết sâu rộng về chính trị, anh Quỳnh đóng một vai trò khá quan trọng. Tôi bị anh lôi kéo vào làm đại biểu của Đại Hội. Với tuổi mới ngoài 30 và cái tính rất tò mò, tôi cũng đi ra đi vô các giới Hoà Hảo, Bình Xuyên, Cao Đài (°) như một chính trị gia thực thụ. Tôi được gặp lại thầy Trần Trọng Kim, lúc đó là chủ tịch Quốc Dân Đại Hội và thấy thầy già hẳn đi. Thấy tôi đã phần nào trưởng thành trong khói lửa (sic), thầy Kim hết coi thường cái thằng Cẩn ngỗ nghịch ngày xưa rồi. Đó là lần cuối cùng tôi gặp người cha đỡ đầu.Vài năm sau, thầy qua đời ở Dalat.
Đây là lúc tôi có thêm một người bạn mới là Hồ Hán Sơn. Anh thanh niên người Hà Tĩnh này, tên thật là Hồ Mậu Đề, mới từ vùng Việt Minh vào miền quốc gia. Tại Saigon, anh tìm đến những người cựu kháng chiến như anh Quỳnh và tôi. Rồi do đó, gặp những người bạn khác. Là người giỏi về chính trị, Hồ Hán Sơn được chính trị gia miền Nam có cảm tình ngay. Anh được mời viết cho báo ĐƠI MƠI và mời làm đại biểu trong Đại Hội Quốc Dân. Trong Đại Hội, anh làm quen với Nguyễn Thành Phương và gia nhập hàng ngũ Việt Nam Phục Quốc Hội. Rồi được giới thiệu với Hộ Pháp Phạm Công Tắc để nhận chức Đại Tá của Cao Đài. Cộng tác với báo ĐƠI MƠI, với sự thúc đẩy của anh Quỳnh, Hồ Hán Sơn mở ra mục Trả Lời Thắc Mắc. Anh tạo ra những câu hỏi để giáo dục độc giả về chính trị. Cộng tác với Cao Đài, anh viết cuốn Nghệ Thuật Chỉ Đạo Chiến Tranh khiến cho Tướng Trình Minh Thế rất phục. Hồ Hán Sơn được tháp tùng phái đoàn Việt Nam đi dự Hội Nghị A-Phi ở Bandung, Nam Dương vào năm 1955. Liên hệ giữa tôi với Hồ Hán Sơn là một bài thơ của anh nhan đề Chầy Tre Cối Đất (đăng trên báo dưới bút hiệu Hồng Nam) do tôi phổ nhạc thành một bài dân ca nhan đề Tình Nghèo:
Nhớ thuở nào, anh cầy thuê, em dắt trâu
Đôi ta cùng gặp nhau dưới cầu...
Nhớ thuở nào, anh làm công, em gánh rong
Miếng trầu cau nên đôi vợ chồng...
Đôi vợ à chồng...
Lúc đó chúng tôi còn ngây thơ lắm. Đều mong đôi tình nhân nghèo thành vợ thành chồng, sớm có ngày chầy tre cối đất phải được thay thế bằng cầy xe cối máy để hằng năm hai mùa lúa chín ngô nhiều. Bao nhiêu năm đã trôi qua, Hồ Hán Sơn đã chết từ lâu, tôi xa quê hương đã gần cả đời mình, người nông dân ở nước nhà tiến lên cảnh cầy xe cối máy hay lùi lại cảnh người bừa thay trâu cầy? Bài Tình Nghèo đi theo bài Vợ Chồng Quê và còn kéo thêm một bài nữa, bài Hò Lơ, là chủ trương phát triển dân ca mới của tôi. Hình thức là nhạc ngũ cung, nội dung diễn tả đời sống thôn ổ, sau khi nói tới mối tình của người miền Bắc, tôi vẽ ra tâm tình của người miền Trung và miền Nam. Bài Hò Lơ này còn có pha nét nhạc Vọng Cổ:
Yêu em tấm áo thô sơ dãi dầu nắng mưa
Vẫn chưa phai mối tình...
Tôi thân với Hồ Hán Sơn vì anh là một tay chơi khủng khiếp. Anh hay kéo tôi tới Khu Bình Khang, một khu nhà chứa vĩ đại được mở công khai gần Ngã Bẩy, nơi có hàng trăm căn phòng ân ái, phòng nào cũng gắn gương chung quanh tường và trên trần khiến cho khách làng chơi có thể soi gương nhau nhớ mãi hình hài như trong lời ca của bài Giã Từ Ac Mộng của tôi sau này. Tôi phải công nhận Hồ Hán Sơn là một người tình dữ dội. Gái giang hồ cũng phải vỗ đít chàng, tấm tắc ngợi khen.
Xa Hồ Hán Sơn trong hai năm, sau khi đi du học ở Pháp về, tôi nghe tin anh bị người em -- tên Danh -- của Nguyễn Thành Phương (Cao Đài) thủ tiêu, xác bị ném xuống giếng. Đi tìm người chết, người em tên Hồ Mậu Hoè nhận ra xác anh qua giây đai nịt mang chữ S. Cái chết của anh Đại Tá họ Hồ này thật oan nghiệt vì anh có tài nhưng rất kiêu căng nên bị nhiều người ghen ghét. Theo nhà cách mạng Nhị Lang trong cuốn sách viết về Tướng Trình Minh Thế, chỉ vì nhận lời mời ăn cơm với Bộ Trưởng Trần Chánh Thành mà anh bị nghi là phản bội anh em trong thời gian Cao Đài chống lại ông Diệm. Đã từng được hưởng một bài học về sự cạnh tranh bất chính của mấy ca sĩ mật thám, sau cái chết của Hồ Hán Sơn, tôi học thêm một bài học khác: Sống trong vùng quốc gia, phải biết nhũn nhặn, phải biết giấu tài (!), phải biết kìm hãm sự háo thắng được chừng nào hay chừng nấy.
Có mặt trong Đại Hội Quốc Dân là một hân hạnh lớn cho tôi vì được tham dự một cuộc tập tành thực hiện dân chủ qua những cuộc thảo luận sôi nổi của người quốc gia, đòi Việt Nam phải được đứng ngoài Liên Hiệp Pháp và chỉ liên hệ với Pháp qua một hợp ước liên minh bình đẳng. Đại Hội còn yêu cầu Quốc Trưởng Bảo Đại biến Quốc Dân Đại Hội này thành Quốc Hội Lập Hiến. Phản ứng của người Pháp là một bản công hàm chất vấn Bảo Đại về yêu cầu này. Bửu Lộc được lệnh phải can thiệp để Đại Hội sửa lại một câu trong bản tuyên ngôn: Việt Nam độc lập không tham gia Liên Hiệp Pháp dưới hình thức hiện thời.
Trước khi tham gia đại hội này, tôi đã nuôi giấc mộng xuất ngoại. Chiến tranh Việt-Pháp là cơ hội cho giới tài phiệt thuộc địa và các tay đầu cơ chính trị đẻ ra vụ chuyển ngân, cho phép những người có chương mục ở Banque de l'Indochine (hay những ngân hàng phụ) được chuyển tiền qua Pháp với hối suất 1$ Đông Dương ăn 17 Francs (gấp đôi hối suất thường). Trong hai năm liền, tôi gửi được một số tiền francs khá lớn qua Pháp. Không cần tới học bổng của chính phủ, tôi đã có đủ tiền để đi du học tự túc.
Vì ủng hộ giải pháp Bảo ĐEại, Bình Xuyên là lực lượng chính trị và quân sự nòng cốt của miền Nam và được hưởng những quyền lợi to lớn như tiền chứa thổ đổ hồ của hai sòng bạc Đại Thế Giới, Kim Chung và của khu Bình Khang nói trên. Việc xuất ngoại nằm trong tay Lai văn Sang, Giám Đốc Cảnh Sát Công An và Lai Hữu Tài, cố vấn chính trị của lãnh tụ Bình Xuyên Lê Văn Viễn tức Bẩy Viễn. Đóng vai trò đại biểu trong Đại Hội giúp tôi gặp gỡ các ông này hằng ngày và tôi được cấp giấy thông hành đi Pháp một cách dễ dàng. Trong khung cảnh Đại Hội Quốc Dân, sự giao thiệp giữa tôi với Bẩy Viễn rất tốt đẹp nên khi được Bảo Đại hứa giao cho chính quyền, ông ta nghe lời Nguyễn Đức Quỳnh đề nghị, mời tôi cộng tác và hứa cho làm Giám Đốc Đài Phát Thanh. Tôi từ chối vì tự thấy mình không đủ khả năng.
Tháng 11 năm 53, Pháp mở cuộc hành quân CASTOR, đổ bộ sáu tiểu đoàn chiếm đóng Điện Biên Phủ để lập một căn cứ với mục đích ngăn không cho quân đội Việt Minh tràn qua Lào và đồng thời cũng là để bảo vệ miền trung du Bắc Việt. Tướng Navarre còn muốn dùng căn cứ này để nhử quân đội Việt Minh tới đánh, hi vọng sẽ diệt tan lực lượng quân sự đối phương. Qua năm 54, tình hình Việt Nam mỗi ngày một khẩn trương. Pháp đã bị khó khăn trong việc chống đỡ những cuộc tấn công của Việt Minh tại Điện Biên Phủ, lại còn phải đàm phán với Việt Nam quốc gia để kiện toàn nền độc lập của nước này và ấn định sự liên kết giữa hai nước Việt-Pháp trong khuôn khổ mới của Liên Hiệp Pháp. Hội Nghị Genève khai mạc vào tháng 4, 54 để vào tháng 7 sẽ bế mạc với sự kết liễu của nền bảo hộ Pháp tại Đông Dương.
Tôi chuẩn bị xuất ngoại trong không khí chính trị rộn ràng. Bửu Lộc thay thế Nguyễn Văn Tâm lập chính phủ mới. Các lực lượng tôn giáo gia nhập Quân Đội Quốc Gia. Năm lớp thanh niên được gọi nhập ngũ. Bạn bè thuộc lớp tuổi tôi như Tạ Tỵ, Đức đen... đều bị động viên. Ly kỳ nhất là sĩ quan phụ trách việc động viên thanh niên quốc gia nhập ngũ không phải ai xa lạ, đó là Vũ Văn Thiết, người nhẩy dù xuống Bắc Kạn năm xưa (bây giờ bị hư mắt nên mang danh là Thiết mù). Tôi đã có passeport đi Pháp nên thoát khỏi vụ đi lính.
Ngày 8-5-54, căn cứ Điện Biên Phủ bị tràn ngập. Quân Đội Pháp phải đầu hàng sau 55 ngày cầm cự. Tháng 6, chính phủ Bửu Lộc từ chức. Bảo Đại chỉ định ông Ngô Đình Diệm về nước thành lập chính phủ mới. Tháng 7, tôi giã từ Saigon đi du học. Khi nghe tin chính phủ thay đổi thành phần bộ trưởng, tôi rất vui vì thấy bạn mình là Phạm Xuân Thái nắm chức Tổng Trưởng Thông Tin và Chiến Tranh Tâm Lý, nhất là thấy anh mình là Phạm Duy Khiêm làm Bộ Trưởng đặc nhiệm phủ Thủ Tướng.
_________________________
(°) Để bạn đọc trẻ tuổi biết qua về ba tổ chức đã trở thành những lực lượng tôn giáo và chính trị trong Đại Hội Quốc Dân này, xin thưa rằng: ngoại trừ lực lượng Bình Xuyên xuất xứ từ những băng đảng có tính chất giang hồ hảo hán, hai giáo phái Hoà Hảo và Cao Đài đều chống Pháp ngay trong thời kỳ Việt Nam bị Pháp bảo hộ. Khi có cuộc kháng chiến toàn quốc, cả ba lực lượng đó đều đi theo Việt Minh rồi sau một thời gian đã chống lại những người trong phe tả của Mặt Trận này và trở về cộng tác với Quân Đội Pháp trong việc tiêu diệt kháng chiến. Sau này trong thành phần của các lực lượng đó, có những người chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm và có những người cộng tác chặt chẽ với chính phủ này.