- Vy! Vy! Dậy đi Vy! Dậy đi Vy! Tiếng kêu lớn và liên tiếp của con chị đánh thức con em tỉnh giấc. Nó mở mắt ra ngơ ngác trong bóng tối một lúc rồi nhắm mắt lại ngay sau đó. Không nghe em trả lời, con chị gọi to hơn:- Vy dậy đi nghe Vy!Con em bị quấy, rên vài tiếng ư ứ trong miệng rồi trở người vào trong. Con chị nói lẩm bẩm: - Nói là muốn đi lượm hột bàng khô mà không chịu dậy sớm! Dậy trễ thì đừng có nói là đi lượm hột bàng khô nữa! Con em không trả lời, tiếp tục im lặng ngủ. Thua cuộc, con chị đành phải leo lên giường, kéo vai em:- Vy! Dậy! Dậy đi! Có muốn đi lượm trái bàng khô không vậy? Có muốn không Vy?Con em mở mắt, bớ xớ:- Đi lượm bàng hả chị? Em đi chớ!- Muốn đi thì phải dậy ngay bây giờ đi!Con em lồm cồm nhỏm người dậy, nhìn dáo dác:- Mình đi bây giờ hả chị? Má đi bán chưa vậy?- Má đi rồi! Má kêu chị dậy đóng cửa cho má là chị gọi Vy dậy liền nè! Đi đánh răng rửa mặt mau lên.Luyến tiếc với giấc ngủ ngon, con em ngáp dài:- Trời còn tối mà. Cho em ngủ thêm một chút nữa đi.- Không được đâu! Tại chị chưa mở cửa ra cho nên trong “buồng ngủ” tối như vầy chớ ở ngoài trời sáng rồi. Lẹ lên mà đi lượm trái bàng chứ đi trễ tụi trong trường thấy, tụi nó cười chị em mình đó.Con em lồm cồm leo xuống giường:- Vậy để em đi “đánh” răng rửa mặt đã! Chờ con em làm vệ sinh sáng xong, con chị chải đầu thắt bím cho nó rồi cả hai hối hả đi về phía cái cổng gỗ trước nhà bác Cả. Buổi sáng, trời vẫn còn mờ mờ trong màn sương sớm. Khu vườn im lặng. Ngôi nhà lớn im lặng. Hai chiếc cổng gỗ khép kín và sân trước không có một người. Không gian và cảnh vật xung quanh hoàn toàn đồng lõa với sự đi lại âm thầm và lén lút của hai chị em con nhỏ.Sau khi gài hai chiếc cổng gỗ lại với nhau, hai con nhỏ ôm cặp bước nhanh trên đường như bị ma đuổi. Không nói nhau một lời nào, cả hai đồng hành qua hai ngã tư, và hai con đường vắng để tiến đến con đường Phan Chu Trinh rộng lớn và quang đãng với vài chiếc xe qua lại. Xa xa, cuối con đường ấy là vùng trời sáng rực mà bên trên nhiều cụm mây đen xanh lẫn tím thẫm đang lơ lửng lấp chồng lên nhau. Con em chỉ tay về phía vùng trời sáng, nói như reo:- Mặt trời đang mọc lên ở chỗ đó kìa chị Hạ!Con chị ngửng đầu lên, đáp gọn:- Chỗ đó là biển đó Vy!Con em trố mắt:- Sao chị biết chỗ đó là biển? Bộ chị được đi tới đó rồi hả?- Chưa, chị chưa đi nhưng chị nghe bạn chị nói! Con em nhìn chằm chằm về phía mặt trời mọc, thỏ thẻ:- Vậy thì hôm nào tụi mình đi biển chơi nghe chị Hạ!Con chị bước chậm gần như đứng lại. Nó lắc đầu và nói với giọng đầy nghiêm trang:- Không được đâu Vy. Không có người lớn, mình không được đi đâu hết. Đi chỗ lạ phải có người lớn dẫn đi mới được.- Chị là người lớn của em. Chị dắt em đi được mà!- Chị không dắt được đâu!- Chị dắt được!- Không được!- Được!- Sao dám cãi chị? Muốn hỗn hả?- Không phải hỗn, mà vì được mà chị nói là không được!- Làm sao được được? Chị có phải là người lớn đâu mà dắt Vy đi biển?- Vậy sao chị dắt em đi học được?- Đi học là khác! Vì má biểu chị dắt Vy đi học nên chị dắt Vy đi được. Không ai chỉ chỗ biển ở đâu, cũng không ai biểu chị dắt Vy đi biển, làm sao chị dắt Vy đi được?Con chị nói chậm và rõ từng chữ rồi dứt câu với hai chữ “làm sao” để khẳng định sự phủ nhận hoàn toàn việc làm do con em yêu cầu khi hai đứa đứng lại chờ hết xe trên đường cái. Buổi sáng quá sớm, chưa có một đứa học trò nào đi học và cũng không có nhiều xe trên đường. Một chiếc xe hơi chạy nhanh về hướng biển, vài chiếc xe đạp qua lại trên đường, hai chiếc xe xích lô chở đầy hàng và một chiếc xe ngựa chật ních người lẫn hàng chầm chầm quẹo về phía chợ Đầm. Con chị nắm tay em cẩn thận bước qua đường khi thấy vắng xe. Đến lề đường đối diện, con em vẫn không từ bỏ ý định đang lôi cuốn tâm trí nó:- Nếu chị Hạ dắt em đi biển sớm như đi học sáng hôm nay, má đâu có biết đâu!Con chị lắc đầu nguây nguẩy:- Không được đâu!- Sao không được hả chị? Như bây giờ mình trốn má đi học sớm, má đâu có biết?- Đi học là khác, đi biển là khác!- Cũng là đi bộ, em đâu có thấy khác?- Vì đi học sớm mình kiếm hột bàng khô để ăn. Chớ đi biển làm gì?Con em nhìn về hướng sáng trước mặt, nói buồn bã:- Em muốn biết biển ra sao. Có lẽ đi biển sẽ vui lắm, chớ mình không có gì khác hơn ngoài mấy trò chơi ở nhà!Lời của con em khơi sự tò mò nao nức trong lòng con chị. Nó cũng muốn tìm hiểu biển Nha Trang như thế nào. Đến lúc ấy, tuổi lên tám, nó chưa ý niệm được biển là gì vì chưa một lần thực tế với biển. Khi ba nó còn sống có lẽ ông đã từng đưa nó dạo biển chơi nhưng lúc ấy thì nó còn quá nhỏ để nhớ được biển ra sao. Suy nghĩ trong im lặng một lúc, con chị thành thật thú nhận:- Chị cũng muốn trốn má dắt Vy đi biển chơi một lần nhưng chị không biết đường đi đến biển. Chị sợ lạc đường, về nhà trễ má đánh mình chết! Chị chỉ nghe bạn chị nói chỗ đó là biển thôi chứ chưa đi lần nào cả Vy à!Nghe chị nói vậy, con em thôi tranh luận. Nó đưa đôi mắt luyến tiếc nhìn lại những đám mây tím thẫm đang được nắng nhuộm ửng hồng lơ lửng trôi về vùng trời lam nhạt một lần nữa trước khi rẽ về phía tay phải để đi theo con chị trên con đường Hoàng Hoa Thám, con đường cuối cùng dẫn đến trường. Con đường này tối hơn con đướng lớn Phan Chu Trinh vừa đi qua bởi hàng cây cao ngọn dọc hai bên vỉa hè. Hàng ngàn lá cây xanh vờn theo gió sớm, tạo nên những luồng không khí lành lạnh. Hai đứa nhỏ đi sát vào nhau hơn và đồng bước nhanh hơn như đi diễn hành.Đến trường, hai đứa dáo dác nhìn vào trong sân và các lớp học xuyên qua cái cổng phụ làm bằng sắt sơn nâu. Con chị với tay vào trong loay hoay tìm chốt để mở cổng. Khi các ngón tay của nó chạm phải cái ổ khóa, nó càu nhàu:- Cổng này bị khóa rồi Vy ơi! Ông cai khóa cổng này rồi, mình phải đi tới cái cổng chính thôi. Bất chợt, một cơn gió mạnh thổi đến làm lá rơi xuống ào ạt. Liên tiếp, vài ba cơn gió khác lại thổi đến. Những cơn gió như đang đuổi nhau, vù vù cuốn theo những chiếc lá trên sân, trên vỉa hè và trên đường xe chạy. Lá chơi vơi xoay tròn trong không khí như múa lượn với gió rồi xào xạc rơi xuống mặt đất. Hai con nhỏ chạy dọc theo bức thành dài của trường đến hai cánh cổng chính. Chiếc cổng lớn bằng sắt sơn nâu này cũng bị khép kín. Con em run cầm cập vì lạnh, đứng sát cột gạch dưới tấm bảng trường nữ tiểu học Nha Trang.Con chị lại thò tay qua cổng sắt, rên rỉ:- Cái cửa này cũng bị khóa nữa Vy à!Không nghe tiếng con em trả lời, thay vào đó một giọng nói xa lạ vang lên sau lưng nó:- Chưa đến giờ học thì trường phải đóng cổng chứ!Con chị quay người về phía tiếng nói. Một con bé trạc tuổi nó đang chăm chú nhìn hai chị em. Con bé này mặc đồ bộ trắng, tóc kẹp sau lưng. Trên tay nó là những chiếc lá bàng. Con chị chưa biết mở lời ra sao, con bé ấy lại nói tiếp:- Bộ tụi mày không biết ông cai chỉ mở cổng trường mười lăm phút trước lúc vào học sao?Con nhỏ em quên lạnh, chỉnh con bé lạ:- Đang đứng trước trường sao còn dám xưng hô mày tao?Con bé lạ bị sửa lưng, không giận. Nó hỏi con chị:- Sao...đi học sớm vậy?Con chị lúng túng định kiếm một cớ gì đó để nói láo nhưng đôi mắt nhìn thẳng của con bé lạ khiến nó đành phải khai thật: - Tui định dẫn em tui vô trường để lượm mấy trái bàng khô.- Đi “lượm” hạt bàng lúc này để khỏi bị bạn cười chớ gì? Nhưng mà đi sớm như vầy làm sao vào trường được? Phải đến bảy giờ ông cai mới mở cửa lận!Thương hại nhìn con chị đang đứng đực mặt, con bé lạ nói tiếp:- Nhưng mà cần gì nhặt bàng khô trong trường chứ! Ngoài đường này thiếu gì!- Ở đâu đâu?Con bé lạ chỉ tay về cái gốc bàng to mọc trên khu vực phân chia con đường cái ngay trước cổng trường.- Chỗ cây bàng lớn đấy. Con chị trợn mắt:- Lượm bàng ở giữa đường xe chạy vậy hở?- Sáng sớm đâu có xe nhiều! Chờ lúc nào không có xe thì nhặt, thấy có xe thì đứng sát vào gốc cây đó.- Huệ ơi! Đến đây nhặt lá mau đi. Lá rơi bao nhiêu là lá mà không lo nhặt, lắm điều lắm chuyện gì đấy?Mấy con nhỏ quay về hướng người kêu. Gió thổi vù vù như cố tình tuốt hết những chiếc lá vàng trên cây. Những chiếc lá chưa kịp rơi xuống đất đã bị những cơn gió khác kéo đến đưa vụt lên cao, xoáy tròn. Gió và lá như đang múa lượn và đùa vui với nhau trong không khí. Giữa lòng đường, dưới gốc cây bàng to, một người đàn bà đội nón, mặc quần đen áo bà ba thẫm đang chao đảo trong gió. Bà vừa cố gắng giữ người thăng bằng, vừa gọi con ơi ới.- Có đến ngay không Huệ?Con bé trả lời vọng lại: - Con đang nhặt lá đây mà mẹ!Quay sang con chị, nó hỏi vội:- Có muốn nhặt hạt bàng không? Tôi dẫn tới gốc cây đó cho, nhiều lắm!Con chị ngần ngại:- Nhiều? Nhiều mà sao không lượm đi, chỉ người khác làm gì?- Tôi chỉ cần lá bàng thôi, không cần trái bàng. Tôi đi qua lại hai bên đường lượm lá mà có sợ xe đâu. Miễn là cẩn thận để ý xe qua lại là được rồi! Muốn đi thì chóng lên chứ mẹ tôi đang gọi, tôi phải đến đấy ngay. Quay người nhìn về phía gốc cây bàng to vàmẹ con Huệ, con chị lưỡng lự. Nó không quyết định được nên hay không nên dẫn em đi theo con bé mới gặp đến chỗ mà con này vừa chỉ.Con Huệ cất giọng lên lớp: - Đã đến đây sớm mà không chịu đi nhặt bàng! Uổng công!Con chị nhìn mặt con Huệ ngạc nhiên với lời trách cứ vừa nghe. Tuy nhiên, lời nói thành thật của đứa bé mới quen này thu phục nó hoàn toàn. Nó kéo tay em:- Đi lượm bàng với chị, Vy!Ba con nhỏ xuyên qua những cơn gió, chạy ra giữa đường hướng về gốc cây bàng to. Cũng may là con đường trước cổng trường vào lúc sáng sớm thỉnh thoảng mới có một chiếc xe hơi hay một chiếc xe gắn máy xuất hiện nên ba đứa nhỏ lăng xăng qua lại trên mặt đường cái như thể đi trên vỉa hè dành cho khách bộ hành. Mẹ của con bé Huệ hỏi:- Mấy đứa nào đấy?Con Huệ cố gắng nói to hơn tiếng gió thổi:- Học trò của trường Nữ Tiểu Học Nha Trang như con đó mẹ ạ. Chúng nó muốn nhặt hạt bàng.- Đến cái gốc này thì nhặt hàng khối! Đấy! Đấy! Tha hồ mà nhặt!Con chị lễ phép ngỏ lời cám ơn, rồi dắt em đi theo hướng bà mẹ con bé Huệ chỉ. Hai đứa hí hửng khi thấy rất nhiều trái bàng khô nằm kẹt giữa những gốc lồi. Đi gập ghềnh trên những rễ lồi xung quanh gốc cây, và nhặt từng trái bàng khô bỏ vào cặp, cả hai chị em dường như không để ý mẹ con bé Huệ đang lẩm bẩm một mình khi bà đi hướng về quang gánh đang đặt trước cổng trường.- Không hiểu bố mẹ nhà nào mà cho trẻ ra đường sớm như thế? Chắc chắn là tự ý đi mình dấy thôi!Con bé Huệ chạy theo gió tóm hết những chiếc lá bàng rơi. Thỉnh thoảng nó vừa nhặt lá bàng vừa nhặt những trái bàng. Xếp những chiếc lá thứ tự vào cái rổ nhỏ xong, nó trao tất cả những trái bàng cho hai chị em con nhỏ. Con chị chớp mắt:- Sao... không lấy trái bàng vậy?- “Ấy” cần thì ấy lấy đi. Tôi chỉ cần lá bàng thôi.- Lấy lá làm gì nhiều vậy?- Má tôi bán xôi bắp nên phải lượm lá bàng để gói xôi.- Lá bàng dưới đất dơ như vầy mà gói xôi hả?- Tôi phải lau lá cho sạch nữa chứ! Mẹ tôi còn lấy giấy vở học của tôi gói bên trong trước khi gói lá bàng nữa. Kỹ lắm chứ bộ! Nếu “ ấy” muốn mua thức ăn sáng, nhớ mua xôi cho mẹ tôi nghe! Mẹ tôi bán ở trước cổng trường đó!Con chị định nói là không có tiền mua thức ăn sáng và nó thường nhịn đói khi đi học, nhưng nó không thích than thở với người lạ.- Tui có thấy xôi bắp hay bị dính mấy chữ mực tím của giấy vở.- Ủa? Nói vậy “ấy” đã ăn xôi của mẹ tôi rồi hả? Giấy vở cũ của tôi đấy! Mẹ tôi xé làm giấy gói xôi.- Không có mua, nhưng tui thấy tụi học cùng lớp ăn xôi bắp ăn cả mực tím....Ơ... “ bà” học ở trường này hả? - Ừ.- Học lớp mấy vậy?- Lớp ba, ba A- Tui học lớp ba C.- Tôi làm lớp trưởng lớp ba A- Hèn chi tui không biết “bà”! Tui không thèm để ý mấy con làm lớp trưởng!- Sao vậy? Ganh hả?- Ganh gì đâu! Con nhỏ lớp trưởng lớp tui ỷ học giỏi khinh người và ích kỷ lắm. Không ưa tính như vậy thôi!- Tôi làm lớp trưởng hai năm rồi, lớp hai A năm ngoái và lớp ba A năm nay, mà tôi đâu có bao giờ khinh ai! Mỗi lần mấy đứa trong lớp không hiểu bài, hỏi tôi là tôi chỉ cho tụi nó cách làm ngay. Tôi chẳng thích tính ích kỷ thì ích kỷ làm gì chứ? Bộ ai làm lớp trưởng cũng ích kỷ sao? Con chị chưa kịp trả lời, con Huệ nói tiếp:- Chưa có ai giúp mẹ như tôi đâu nhá! Tôi phụ mẹ tôi bán xôi trước giờ học mỗi ngày mà tôi chả có sợ mấy đứa trong trường cười nữa kia! Nếu tôi thích nhặt hạt bàng trong trường, tôi nhặt ngay trong giờ ra chơi hay lúc lớp chưa vào học. Tôi chẳng sợ tụi trong trường cười ngạo đâu. Tụi nó cũng “lượm” hạt bàng hàng khối chứ đâu có phải là chỉ có mỗi mình “lượm” đâu mà mắc cỡ?Con chị thua lý, tảng lờ nhìn quanh cảnh trước mặt. Cảnh vật lúc này đang từ từ hiện ra rõ hơn. Những cơn gió, dường như mỏi mệt sau khi nô đùa, thổi nhè nhẹ và cùng những tia nắng sớm vờn xôn xao trên những cành lá trên cao. Con bé Huệ không nghe con chị nói gì, nhắc lại câu hỏi:- “Ấy” có còn nghĩ mấy đứa lớp trưởng có tính ích kỷ nữa không vậy? Tôi có ích kỷ không?Con chị đưa mắt ngơ ngác nhìn con Huệ, lắc đầu. Hành động và lời nói của con nhỏ mới quen thực sự đã khiến nó khâm phục. Chưa bao giờ nó gặp một đứa con gái cùng trang lứa có tính tình dễ thương, cởi mở, và thẳng thắn như thế. Con Huệ này đã hết lòng chỉ cho chị em nó chỗ nhặt trái bàng, nhặt giúp và còn cho hết thảy những trái bàng mà nó có được nữa. Con nhỏ em ngước mắt nhìn con Huệ:- Mình làm bạn với nhau nghe chị Huệ!Con Huệ ngập ngừng:- Không biết!Con chị hỏi:- Nhà Huệ ở đâu?- Ở tại rọc Rau Muống Hà Thanh. Mấy “ bồ” muốn đến nhà tôi chơi không? Con em rối rít:- Đi học về mình tới nhà chị Huệ chơi nghen chị Hạ!Con chị lắc đầu, nhăn mặt:- Chị không biết chỗ, sợ đi lạc lắm!Con Huệ xen vào:- Nếu hai chị em “bồ” muốn đi, tôi sẽ dẫn đường cho! Không bị lạc đâu mà sợ!Con chị nhìn con Huệ, nói ngập ngừng:- Chắc chỗ rọc Rau Muống Hà Thanh xa lắm vì tui chưa bao giờ nghe cái tên lạ như vậy!Quay sang con em, con chị nói:- Đi theo chị Huệ đến nhà thì được rồi nhưng chị không biết đường dẫn Vy đi trở về nhà đâu! Mà “nhà” mình không cho chơi với người lạ, Vy có nhớ bà nội, mấy bác và mấy cô dặn mình điều gì không? Không chơi với người lạ kể cả mấy đứa hàng xóm.Con em lý sự:- Nhưng mà mình cũng đâu có bạn quen? Nhiều khi mấy người lớn bà con trong nhà mình không muốn cho mình chơi với con họ nữa!Con chị không vừa:- Vy chơi với bạn trong lớp của Vy được rồi!Con em không trả đũa, nó mè nheo:- Nhen! Nhen! Nhen chị Hạ! Mình chơi bạn với chị Huệ đi nhen! Tới nhà chị Huệ chơi nhen!Đôi mắt con chị trở nên đăm chiêu. Nó lắc đầu nhè nhẹ:- Không được đâu Vy. Chị không biết nhà Huệ này đâu. Chị không dám dắt Vy tới nhà người lạ và chị cũng sẽ không dám dắt em đi học sớm như vầy nữa đâu.Con Huệ chia tay:- Tụi học trò bắt đầu đến trường nhiều rồi đó.Tôi phải phụ mẹ tôi bày hàng trước khi tôi đi vào trường. Tôi đi nghen! “Bồ”nhớ dắt em “bồ” đi qua đường cẩn thận đó!Con Huệ rảo bước hướng về cổng lớn của trường, con nhỏ chị dắt em theo sau. Vừa khệ nệ ôm cặp đi sang đường, con nhỏ em vừa lải nhải:- Không có đồ chơi, không được đi biển, không có bạn, không có gì hết! Ghét chị Hạ! Ghét chị Hạ!