Hoài Âm Hầu Liệt Truyện

H oài Âm Hầu Hàn Tín là người huyện Hoài Âm. Khi còn hàn vi, nhà nghèo, tài năng đức hạnh không có gì để được cử làm quan, lại không biết lo công việc làm ăn buôn bán. Thường theo người ta ăn bám, nhiều người chán ghét. Tín thường ăn bám ở nhà đình trưởng đình Nam Xương làng Hạ Hương. Được mấy tháng, người vợ của đình trưởng lo phiền, bèn nấu cơm từ sáng ngồi trên giường mà ăn. Đang lúc ăn thì Tín đến, họ không để Tín cùng ăn. Tín cũng biết ý họ, nổi giận tuyệt giao ra đi. Tín câu cá ở dưới thành, trong số những người đàn bà đập vải, có một bà thấy Tín đói, cho Tín ăn cơm suất mấy mươi ngày, cho đến khi đập vải xong. Tín mừng nói với bà:
- Thế nào tôi cũng đền ơn bà xứng đáng.
Bà ta giận nói:
- Kẻ đại trượng phu không có thể nuôi nổi thân mình, tôi thương cậu nên mời ăn, chứ có phải mong cậu báo đáp đâu?
Trong số những người hàng thịt ở Hoài Âm, có một người trẻ tuổi trêu Tín nói:
- Mày tuy cao lớn lại thích mang đao kiếm, nhưng trong lòng thì nhát thôi.
Y làm nhục Tín trước mặt mọi người:
- Tín? Mày dám chết thì hãy đâm tao, nếu không dám chết thì luồn dưới háng tao đây.
Thế là (l) Tín nhìn người kia đăm đăm, cúi xuống bò qua háng. Cả chợ đều cười Tín là nhát gan.
Đến khi Hạng Lương qua sông Hoài, Tin chống gươm đi theo, ở dưới cờ chẳng có tiếng tăm gì. Hạng Vương bại trận, Tín lại theo Hạng Vũ. Hạng Vũ cho làm trung. Tín nhiều lần bày mưu cho Hạng Vũ, nhưng Vũ không dùng. Khi Hán Vương vào đất Thục, Tín bỏ Sở theo về Hán. Cũng không có tiếng tăm gì (2), được làm chức liên ngao (3)! Tín phạm tội bị xử chém, cả bè lũ mười ba người đều đã chém hết; đến lượt Tín, Tín ngẩng đầu lên nhìn, chợt thấy Đằng Công liền nói:
- Nhà vua không muốn lấy thiên hạ hay sao? Tại sao chém tráng sĩ? 
Đằng Công thấy lời nói kỳ lạ, dung mạo hiên ngang nên tha mà không chém. 
2. Tín thường nói chuyện với Tiêu Hà. Tiêu Hà rất phục. Khi vua Hán đến đất Nam Trịnh, trên đường đi, các tướng bỏ trốn đến mấy chục người. Tín xem chừng bọn Hà đã mấy lần tâu với nhà vua, nhưng nhà vua không dùng mình, cho nên bỏ trốn. Hà nghe tin Tín bỏ trốn liền thân hành theo tìm, không kịp báo cho vua biết. Có người nói với nhà vua:
- Thừa tướng Tiêu Hà bỏ trốn rồi!
Nhà vua cả giận như người mất tay phải, tay trái. Được hai ngày, Tiêu Hà đến ra mắt nhà vua. Nhà vua vui mừng vừa mừng vừa giận mắng (5) Hà:
- Tại sao nhà ngươi lại bỏ trốn?
Hà đáp:
- Thưa thần không dám bỏ trốn, thần theo bắt người bỏ trốn đấy ạ.
Nhà vua hỏi:
- Nhà ngươi theo bắt ai? 
Hà đáp:
- Theo Hàn Tín!
Nhà vua lại mắng:
- Các tướng bỏ trốn đến hàng chục, nhà ngươi không đuổi theo ai, lại đuổi theo Hàn Tín, nói láo!
Hà đáp:
- Các tướng đều dễ kiếm thôi, còn như Tín là kẻ quốc sĩ (6) có một không hai. Nhà vua nếu cứ muốn làm vương mãi ở Hán Trung, thì chẳng cần Tín làm gì chứ nếu muốn tranh lấy thiên hạ thì ngoài Tín ra chẳng có thể bàn công việc với ai (7). Chẳng hiểu nhà vua định đi theo đường nào?
Vua nói:
- Ta cũng muốn sang Đông chứ lẽ nào lại bực bội ngồi ở đây mãi được ư? 
Hà nói:
- Nhà vua nhất định muốn sang Đông, dùng được Hàn Tín, Tín sẽ ở lại, nếu không dùng được thì Tín thế nào cũng bỏ trốn đấy (8).
Nhà vua nói:
- Ta sẽ vì ông, cho hắn làm tướng.
Hà nói:
- Tuy được làm tướng, Tín cũng không ở lại đâu.
Nhà vua nói:
- Thì cho làm đại tướng.
Hà nói:
- May lắm?
Vua bèn muốn mời Hàn Tín vào để phong. Tiêu Hà nói:
- Tính nhà vua vốn ngạo mạn, vô lễ, phong một đại tướng như gọi một đứa trẻ con đến, chính vì thế mà Tín bỏ đi đấy. Nếu nhà vua quả thật muốn phong cho ông ta thì phải chọn ngày tốt, trai giới, lập đàn, bày đủ lễ mới được.
Nhà vua bằng lòng. Các tướng đều mừng, ai cũng cho rằng mình sẽ được làm đại tướng. Đến khi phong đại tướng lại là Hàn Tín, cả ba quân đều ngơ nác (9).
Tín lạy xong, lên ngồi ở trên đàn, nhà vua nói:
- Thừa tướng nhiều lần nói đến tướng quân, tướng quân có kế gì để dạy bảo quả nhân?
Tín từ tạ, nhân đấy hỏi nhà vua:
- Nay nhà vua sang Đông tranh quyền thiên hạ, có phải là tranh với Hạng Vương không?
Hán Vương nói:
- Phải.
Hàn Tín nói:
- Đại vương thử xem mình với Hạng Vương, ai dũng cảm, dữ tợn, nhân từ và hùng mạnh hơn (10)?
Hán Vương im lặng hồi lâu, nói:
- Tôi không bằng.
Tín lạy hai lạy (l1) và nói:
- Tín cũng nghĩ rằng đại vương không bằng, nhưng thần đã từng thờ y, vậy xin nói Hạng Vương là người như thế nào. Hạng Vương khi hò hét, quát tháo, nghìn người đều khiếp vía, nhưng ông ta không biết tin dùng tướng tài, thì đó chẳng qua là cái dũng của kẻ thất phu mà thôi. Hạng Vương tiếp người thì cung kính, thương yêu, nói năng dịu dàng; người ta đau ốm thì chảy nước mắt khóc, cùng chia thức ăn, thức uống. Nhưng khi người ta có công đáng được phong tước thì để cho ấn khắc bị hư mòn, tiếc mà không đem cho. Như thế thì gọi là lòng nhân của đàn bà vậy. Hạng Vương tuy làm bá trong thiên hạ, các chư hầu thần phục, nhưng không ở đất Quan Trung, lại đóng đô ở Bành Thành. Hạng Vương trái lời giao ước của Nghĩa Đế phong những người thân tín của mình làm vương. Chư hầu bất bình, thấy Hạng Vương dời đuổi Nghĩa Đế đến Giang Nam nên cũng trở về đuổi chủ của mình mà tự lập làm vương ở nơi địa thế tốt. Hễ đi qua đâu Hạng Vương cũng tàn sát người ta, thiên hạ đều oán, trăm họ không gần gũi chỉ sợ uy mà miễn cưỡng theo đấy thôi. Tiếng tuy là lớn nhưng thực ra thì mất lòng thiên hạ. Cho nên nói rằng cái mạnh của ông ta dễ làm yếu đi. Nay nếu như đại vương có thể làm trái hẳn điều ông ta đã làm, dùng những người vũ dũng trong thiên hạ thì đánh đâu mà chẳng được? Lấy thành ấp trong thiên hạ, phong cho các công thần thì ai mà chẳng theo? Lấy nghĩa binh đi theo những quan sĩ muốn về Đông thì phá chỗ nào mà chẳng tan (12)? Vả chăng những người làm vương ở Tam Tần (l2) nguyên là các tướng Tần cai quản con em người Tần đã mấy năm, giết hại con em không kể xiết, lại lừa dối quân sĩ, đầu hàng chư hầu. Khi đến Tân An, Hạng Vương lừa chôn sống hai mươi vạn quân Tần đã đầu hàng, chỉ có Hàm, Hân và Ế là được thoát, bọn cha anh ở Tần oán ba người này đến tận xương tủy. Nay nước Sở dùng uy lực ép nhân dân đem ba người ấy làm vương, dân Tần chẳng ai ưa cả. Trái lại đại vương vào Quan Trung tơ hào không phạm đến, trừ bỏ những thứ luật pháp hà khắc của Tần, cùng với nhân dân Tần giao ước. Pháp luật theo ba khoản (14), dân Tần ai cũng muốn được đại vương làm vua đất Tần. Theo lời giao ước của chư hầu thì đại vương đáng làm vương ở Quan Trung, dân Quan Trung đều biết như thế. Đại vương mất chức vương ở Quang Trung phải vào Hán Trung, dân Tần ai cũng tiếc (15). Nay đại vương đem quân sang Đông, có thể truyền hịch mà bình địch được Tam Tần.
Hán Vương cả mừng, tự cho là gặp Hàn Tín quá muộn, bèn nghe theo lời Hàn Tín, sắp đặt các tướng để nhằm tấn công.
3. Tháng tám, Hán Vương đem binh sang Đông, đi ra khỏi huyện Trần Thương, bình định đất Tam Tần. Năm thứ hai nhà Hán (năm 205 trước Công nguyên), đem quân ra cửa ải thu đất Hà Nam của Ngụy. Hán Vương và Ân Vương đều đầu hàng. Hán Vương hợp với Tề và Triệu cùng đánh Sở. Tháng tư đến Bành Thành, quân của Hán bị đánh bại, tan tác trở về. Tín thu binh họp với Hán Vương ở Huỳnh Dương, lại đánh phá quân Sở ở miền giữa đất Kinh và đất Sách. Quân Sở vì vậy vẫn không thể đi ra hướng Tây.
Sau khi quân Hán bị thua trận ở Bành Thành, Tắc Vương là Hàn và Địch Vương là Ế bỏ Hán đầu hàng Sở. Nước Tề, nước Triệu cũng phản lại Hán mà hòa với Sở. Tháng sáu Ngụy Vương là Báo xin nghỉ để về thăm cha bị bệnh. Về Đến nước, Ngụy Vương liền cắt đường giao thông ở Hà Quan, phản lại Hán, giao hiếu với Sở. Vua Hán sai Lịch Sinh thuyết phục Báo, nhưng Báo không nghe. Tháng tám năm ấy nhà vua phong Tín làm tả thừa tướng để đánh Ngụy. Vua Ngụy đem nhiều binh đến Bồ Bản chặn cửa sông Lâm Tấn, Tín dàn thêm nghi binh, bày thuyền bè như muốn vượt qua sông Lâm Tấn; nhưng trái lại dùng phục binh đi đường đất Hạ Dương, lấy thùng gỗ để cho quân vượt qua sông, đánh úp đất An Ấp. Ngụy Vương Báo cả kinh, đem binh đến đánh Tín. Tín liền bắt Báo cầm tù, bình định đất Ngụy, làm thành quận Hà Đông, Hán Vương sai Trương Nhĩ cùng với Hàn Tín đem binh sang Đông đi về hướng Bắc, dành nước Triệu, nước Đại. Tháng chín nhuận năm ấy, Tín phá quân Đại, bắt được Hạ Duyệt ở đất Ứ Dự. Sau khi Tín lấy được nước Nguỵ phá được nước Đại, Hán Vương liền sai người thu tinh binh của Tín đem đến Huỳnh Dương để chống Sở.
Tín và Trương Nhĩ cầm quân mấy vạn, muốn đi về phía Đông xuống Tỉnh Hình để đánh Triệu. Vua Triệu và Thành An Quân là Trần Dư nghe tin quân Hán sắp đánh úp, bèn tụ tập quân đội ở Tỉnh Hình, phao là hai mươi vạn. Quảng Vũ Quân là Lý Tả Xa nói với Thành An Quân:
- Nghe nói tướng Hán là Hàn Tín vượt Tây Hà bắt Ngụy Vương, bắt sống Hạ Duyệt, vừa mới đổ máu ở Ứ Dự, nay lại thêm Trương Nhĩ giúp sức, ý muốn lấy nước Triệu. Đó là họ thừa thắng và đi xa nước mà đánh, tình thế khó đương đầu với nó. Tôi nghe nói: vận lương nghìn dặm, quân sĩ có dáng đói; đợi hái củi cắt cỏ mà nấu ăn, lính tráng không được no. Nay đường ở Tỉnh Hình không thể cùng đi hai xe một lần. Quân kỵ không thể sắp thành hàng, đi vài trăm dặm thì thế nào lương thực cũng tụt lại sau. Xin túc hạ cho tôi ba vạn kỳ binh, đi theo đường tắt để chẹn đường vận tải; còn túc hạ thì đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, giữ chặt lấy thành, đừng đánh với họ. Quân của họ tiến lên trước không được đánh, mà rút lui lại không được về, tôi dùng kỳ binh chẹn đằng sau, khiến cho họ không thể cướp được gì ở ngoài đồng. Như thế không đầy mười ngày, đầu hai tướng sẽ nộp ở dưới cờ. Xin ngài lưu ý đến kế của tôi. Nếu không thế nào cũng bị hai tên ấy bắt.
Thành An Quân vốn là nhà nho, thường nói rằng: “Nghĩa binh thì không dùng mẹo lừa dối, mưu kỳ lạ”, nói:
- Tôi nghe nói theo binh pháp “mình gấp mười thì vây, gấp đôi thì đánh” (16). Nay Hàn Tín binh phao là mấy vạn người nhưng thực ra chẳng qua chỉ mấy nghìn. Họ vượt nghìn dặm đánh úp chúng ta thì cũng đã mỏi mệt lắm rồi. Nếu như chúng ta trốn tránh không đánh, về sau có quân địch đông hơn, ta làm sao thắng được? Như thế chư hầu sẽ bảo ta là nhát và coi thường việc đánh ta.
Vì vậy không nghe mưu kế của Quảng Vũ Quân. Hàn Tín sai người sang thám thính, biết mưu của Quảng Vũ Quân không được dùng, cả mừng, bèn đem quân thẳng xuống. Chưa đến cửa Tỉnh Hình, cách ba mươi dặm, dừng lại cắm trại. Nửa đêm truyền lệnh xuất phát. Chọn hai nghìn quân kỵ trang bị nhẹ, mỗi người cầm một lá cờ đỏ đi theo đường tắt lén lút sang nói theo dõi quân Triệu. Tín ra lệnh: “Triệu thấy ta chạy, thế nào cũng bỏ trống thành mà đuổi ra. Chúng mày tiến vào ngay trong thành, nhổ cờ của Triệu dựng cờ đỏ của Hán”. Khiến bọn tý tướng truyền bảo ăn cơm lót lòng thôi, và nói:
- Hôm nay phá quân Triệu xong sẽ họp nhau ăn tiệc.
Các tướng không ai tin, giả vờ đáp:
- Dạ.
Lại nói với tướng sĩ:
- Quân Triệu đã giữ địa thế tiện lợi trước để xây đồn lũy, chúng lại chưa thấy cờ trống, đại tướng của ta nên chưa chịu tiến lên đánh đội tiên phong vì chúng sợ ta đến nơi đường hẹp, hiểm trở thì quay lại.
Tín bèn sai một vạn người đi trước bày trận quay lưng ra sông.
Quân Triệu ở xa nhìn thấy, cười vang.
Lúc bình minh, Tín dựng cờ đại tướng, đánh trống lên, kéo quân ra cửa Tỉnh Hình. Quân Triệu mở cửa lũy, đánh nhau to một hồi lâu. Bấy giờ Hàn Tín, Trương Nhĩ vờ bỏ cờ trống chạy đến đạo quân gần sông. Đạo quân gần sông rẽ ra, đón lấy họ, rồi lại chiến đấu dữ dội. Quân Triệu quả nhiên bỏ thành ra tranh lấy cớ trống của Hán, đuổi theo Hàn Tín,Trương Nhĩ. Sau khi Hàn Tín, Trương Nhĩ đã nhập vào đạo quân ở gần sông thì quân đội đều liều chết chiến đấu không thể nào đánh bại được. Hai nghìn quân kỵ mà Tín đã cho đi từ trước chờ đến khi quân Triệu bỏ lũy trống để đuổi theo để lấy cờ trống của Hán, liền ruổi nhanh vào trong thành, nhổ tất cả cờ xí của Triệu để dựng hai nghìn lá cờ đỏ của Hán. Quân Triệu đã không thắng không bắt được bọn Tín, muốn quay trở về đồn, nhưng trong thành toàn là cờ đỏ của Hán thì cả sợ, cho rằng quân Hán đã bắt được tướng của Triệu Vương rồi. Quân sĩ hỗn loạn bỏ chạy. Tướng Triệu chém cũng không ngăn được. Quân Hán hai bên áp lại, phá tan quân Triệu, chém Thành An Quân trên sông Chi Thủy, bắt Triệu Vương là Yết.
Tín ra lệnh cho quân đội không được giết Quảng Vũ Quân, ai bắt sống được ông ta thì thưởng ngàn vàng. Có người trói Quảng Vũ Quân nộp dưới cờ, Tín bèn cởi trói cho ông ta và cho ngồi quay mặt về hướng Đông(17), còn mình ngồi quay mặt về hướng Tây, thờ làm thầy.
Các tướng đem thủ cấp và tù binh đến nộp đâu đấy và chúc mừng. Các tướng nhân dịp hỏi Tín:
- Binh pháp nói “Bên phải sau lưng thì núi gò, trước mặt bên trái thì sông đầm” (18) nay tướng quân lại sai bọn chúng tôi quay lưng ra sông mà bày trận, nói rằng phá xong quân Triệu sẽ ăn cơm. Bọn chúng tôi không phục nhưng kết quả lại thắng, không biết đó là thuật gì?
Tín nói:
- Điều đó ở trong binh pháp, chỉ có điều các anh không xét đến nà thôi. Chẳng phải binh pháp có nói: “Hãm vào đất chết thì sau nó mới sống, dắt vào chỗ mất thì sau nó mới còn” (19) đó sao? Vả chăng Tín không phải có những tướng sĩ đã từng được huấn luyện. Đây cũng như người ta nói là kéo những người ngoài chợ bắt họ đi đánh. Tình thế này nếu không đặt họ vào nơi đất chết khiến cho người nào cũng vì mình mà chiến đấu thì không được. Nếu như ta để cho họ vào nơi đất sống thì họ đều bỏ chạy, ta còn làm sao dùng họ được nữa.
Các tướng đều phục mà rằng:
-Hay lắm, quả chúng tôi không nghĩ đến được.
Tín bèn bỏi Quảng Vũ Quân: 
- Tôi muốn phía Bắc đánh nước Yên, phía Đông đánh nước Tề, làm thế nào thì thành công?
Quảng Vũ Quân từ tạ mà rằng: 
- Tôi nghe nói “làm tướng mà quân đã thua trận thì không thể nói là dũng cảm, quan đại phu của nước đã mất thì không thể bàn đến việc bảo tồn nước” (20). Nay tôi là tên tù bại trận đâu có xứng đáng bàn đến việc đại sự.
- Tôi  nghe nói Bách  Lý Hề ở  nước Ngu thì nước Ngu mất, ở nước Tẩn thì nước Tần làm bá, không phải ông ta ở nước Ngu thì ngu mà về nước Tần thì khôn, chỉ vì ông  ta được dùng hay không, được nghe hay không đó thôi. Giả sử Thành An Quân nghe theo kế của túc hạ thì bọn Tín cũng đã bị bắt rồi. Chỉ vì ông ta không đùng mưu của túc hạ cho nên Tín mới được hầu chuyện đó thôi.
Tín bèn van nài mãi:
- Tôi hết lòng nguyện theo kế của túc hạ xin túc hạchỗ từ chối.
Quảng Vu Quân nói: 
- Tôi nghe nói “người khôn nghĩ một nghìn điều, thế nào cũng có một điều sai; người ngu nghĩ một nghìn điều, thế nào cũng có một điều đúng” (21), cho nên có câu “lời nói của  người cuồng cũng được thánh nhận xét đến” chỉ sợ mưu kế của tôi chưa chắc đã dùng được, nhưng cũng xin bày chút trung thành dại dột. Thành An Quân có kế bách chiến bách thắng, không may phút chốc thất bại, quân đội bị thua ở gần đất Cảo Thành, thân chết trên sông Chi Thủy. Nay tướng quân vượt Tây Hà, cầm tù vua Ngụy, bắt sống Hạ Duyệt ở Ứ Dự; đánh một trận lấy Tỉnh Hình; chưa trọn buổi sáng đã phá được hai mươi vạn quân Triệu, giết Thành An Quân. Danh tiếng nổi trong nước, uy thế rung động thiên hạ. Người nông phu không ai không nghỉ việc, buông cày, mặc áo đẹp, đem thức ăn ngon, nghiêng tai để chờ quyết định vận mệnh (22). Đó là cái sở trường của tướng quân. Nhưng nay quân mệt, lính mỏi, đóng lâu ở dưới chân thành kiên cố của nước Yên. Muốn đánh thì sợ đánh lâu mà sức không thể lấy được. Thực tình sẽ lộ ra uy thế bị giảm, lâu ngày hết lương mà nước Yên yếu thế kia vẫn không phục, nước Tề thế nào cũng giữ biên giới để tự cường. Nước Yên, nước Tề đều chống cự không chịu đầu hàng, thì chưa biết họ Lưu hay họ Hạng sẽ nắm phần thắng lợi. Đó là sở đoản của tướng quân. Tôi là người ngu, trộm cho kế của ngài là sai. Vì vậy kẻ giỏi dùng binh không lấy cái sở đoản để đánh cái sở trường mà lấy cái sở trường để đánh cái sở đoản
Hàn Tín nói:.
- Như vậy thì làm thế nào?
Quảng Vũ Quân đáp:
- Nay tính mưu kế cho tướng quân, không gì bằng xếp giáp cho quân nghỉ ngơi, bình định nước Triệu, vỗ về những người con mất cha, trong vòng trăm dặm, vò rượu ngày nào cũng đem đến để thết sĩ phu, khao quân lính, hướng về nước Yên ở phía Bắc mà đóng quân. Sau đó sai người biện sĩ mang một bức thư, nói rõ cái sở trường của mình với nước Yên, chắc chắn nước Yên không dám không nghe theo. NướcYên đã nghe theo, sai người biện sĩ đi về hướng Đông nói với Tề, nước Tề thế nào cũng nghe theo như cỏ lướt trước ngọn gió dẫu có người mưu trí cũng không biết bày cách gì cho Tề. Như thế thì có thể lấy được thiên hạ. Việc binh vốn có cái thuật “trước hư trương thanh thế rồi sau mới dùng thực lực”, tức là như thế (23).
Hàn Tín nói:
- Phải (24).
Tín theo theo mưu kế ấy, cho sứ sang nước Yên, nước Yên như ngọn cỏ lướt trước ngọn gió. Tín lại sai sứ báo với Hán, nhân tiện xin lập Trương Nhĩ làm Triệu Vương để cai trị và vỗ về nước này. Vua Hán ưng thuận, bèn lập Trương Nhĩ làm Triệu Vương (25).
4. Nước Sở mấy lần sai kỳ binh vượt qua sông Hà đánh Triệu. Triệu Vương là Nhĩ và Hàn Tín đi đi lại lại để cứu Triệu, nhân lúc đi lại bình định các thành ấp ở Triệu, đem binh đến giúp Hán Vương. Nước Sở đang bận vào việc vây Hán Vương ở Huỳnh Dương, Hán Vương đi ra về phía Nam, đến giữa miền Uyển và Diệp, gặp được Kình Bố, chạy vào Thành Cao. Quân Sở lại bao vây rất gấp. Tháng sáu, Hán Vương ra khỏi Thành Cao, đi về hướng Đông, vượt qua sông Hoàng Hà, chỉ có một mình Đằng Công cùng đi. Hán Vương theo quân của Trương Nhĩ đến Tu Vũ. Đến nơi, Hán Vương nghỉ ở ngoài quán trọ. Sáng sớm, Hán Vương tự xưng là sứ thần nhà Hán, phi ngựa vào trong thành Triệu. Trương Nhĩ, Hàn Tín chưa dậy, Hán Vương vào trong phòng ngủ (26), cướp ấn tín và binh phù, dùng cờ mao (27) để triệu tập cái tướng, thay đổi chức vị các tướng. Tín và Nhĩ thức dậy, mới biết là Hán Vương đã đến, cả sợ. Hán Vương sau khi đoạt quân của hai người liền ra lệnh cho Trương Nhĩ giữ lấy đất Triệu, phong Hàn Tín làm tướng quốc, thu quân đội của Triệu chưa phái đến Huỳnh Dương để đánh Tề (28).
Tín đem quân sang Đông, chưa vượt qua bến sông Bình Nguyên thì nghe tin sứ thần của Hán Vương là Lịch Tự Cơ đã thuyết phục được nước Tề đầu hàng. Hàn Tín muốn dừng lại. Người biện sĩ đất Phạm Dương là Khoái Thông (29) bàn với Hàn Tín:
- Tướng quân nhận chiếu đánh nước Tề, nay Hán Vương chỉ sai một người ly gián mà khiến nước Tề đầu hàng, nhưng đã có chiếu chỉ bảo tướng quân dừng lại đâu? Tại sao tướng quân lại không đi? Vả chăng Lịch Sinh là một kẻ sĩ kính cẩn múa ba tấc lưỡi mà hạ được hơn bảy mươi thành của nước Tề, tướng quân cầm mấy vạn quân hơn một năm mới hạ được hơn năm mươi thành của Triệu. Làm tướng quân mấy năm mà công không bằng một anh nhà nho hay sao?
Tín cho là phải, theo kế của Thông, vượt qua sông Hà, nước Tề đã nghe lời Lịch Sinh nên giữ Lịch Sinh ở lại uống rượu, triệt bỏ các quân đội để phòng ngự quân Hán.
Tín nhân đó đánh úp quân Tề ở Lịch Hạ, đi đến Lâm Tri. Vua Tề là Điền Quảng cho rằng Lịch Sinh lừa mình nên nấu Lịch Sinh và trốn đến đất Cao Mật, sai sứ đến nước Sở để cầu cứu. Sau khi đã bình định Lâm Tri, Hàn Tín đi về hướng Đông, đuổi Quảng đến phía Tây đất Cao Mật. Sở cũng sai Long Thư làm tướng, phao là hai mươi vạn quân, đem quân đến cứu Tề.
Vua Tề là Quảng cùng Long Thư dồn quân để đánh nhau với Tín. Lúc chưa giao chiến, có người bàn với Long Thư:
- Quân Hán thừa thắng đi đánh xa, xuất toàn lực để chiến đấu ở đất mình thì quân dễ thua và rối loạn. Chi bằng đào hào sâu, đắp lũy cao, bảo vua Tề cho người tôi tin cẩn kêu gọi vỗ về những thành đã mất. Các thành đã mất, nghe tin vua mình vẫn còn, quân Sở lại đến cứu thì thế nào cũng phản lại quân Hán. Quân Hán ở nơi đất khách, cách quê nhà hai nghìn dặm, các thành của Tề lại làm phản, thì thế nào cũng không có gì ăn, có thể không đánh mà bắt họ đầu hàng.
Long Thư nói:
- Ta bình sinh biết Hàn Tín là người như thế nào rồi. Nó cũng xoàng thôi! Vả chăng, cứu Tề mà không đánh nó, khiến nó hàng thì không có công cán gì? Nay ta đánh thắng nó thì có thể được một nửa nước Tề, tại sao lại không đánh?
Rồi bày trận hai bên sông Tuy Thủy. Hàn Tín đang đêm sai người làm hơn một vạn cái dấy đổ đầy cát chặn lấy thượng lưu dòng sông rồi đem quân qua nửa chừng đánh Long Thư, giả vờ không thắng, quay lưng bỏ chạy về. Long Thư quả nhiên mừng rỡ nói:
- Ta biết Hàn Tín nhát gan mà?
Bèn đuổi theo, qua sông. Tín cho người phá các bao đựng cát, nước sông chảy ào ào, đại quân của Long Thư quá nửa không qua được, quân Tín liền đánh gấp, giết Long Thư. Bộ phận quân của Long Thư phía Đông dòng sông bỏ chạy toán loạn. Vua Tề là Quảng chạy trốn. Tín liền đuổi theo đến đất Thành Dương, bắt bỏ tù tất cả lính Sở.
Năm thứ tư nhà Hán (năm 203 trước Công nguyên) tất cả đều đầu hàng. Hàn Tín bình định nước Tề, sai người nói với vua Hán:
- Nước Tề là nước gian dôi, hay gây biến, tráo trở. Biên giới phía Nam là nước Sở, nếu không lập giả vương (30) để giữ thì không thể bình định được. Xin cho làm giả vương.
Lúc bấy giờ quân Sở đang vây Hán Vương rất gấp ở thành Huỳnh Dương. Sứ giả của Hàn Tín đến, Hán Vương mở phong thư ra, cả giận mắng:
- Tao đang nguy khốn ở đây, sớm chiều trông mày đến giúp thế mà mày lại muốn tự lập làm vương à?
Trương Lương, Trần Bình giẫm vào chân Hán Vương, nhân đấy ghé vào tai Hán Vương nói:
- Nhà Hán hiện nay bất lợi, có thể cấm không cho Tín làm vương được không? Chi bằng nhân đấy mà lập, đối xử với ông ta cho tử tế, khiến ông ta vì mình mà giữ. Nếu không sẽ sinh biến.
Hán vương tỉnh ngộ, nhân đấy lại mắng (31):
- Đại trượng phu đã bình định được chư hầu tức là vua “thật” rồi, chứ làm vua “giả” gì nữa?
Hán Vương liền sai Trương Lương đi lập Tín làm Tề Vương, trưng dụng binh của Tín đến đánh Sở (32).
5. Sau khi Sở mất Long Thư, Hạng Vương sợ sai Vũ Thiệp, người Vu Thai đến nói với Tề Vương Tín:
- Thiên hạ đều khổ vì nhà Tần đã lâu rồi, nên cùng nhau chung sức đánh Tần. Tần đã bị phá, định công, cắt đất làm vương, để cho sĩ tốt nghỉ ngơi. Nay Hán Vương lại dấy binh, đem quân sang Đông, lấy phần đất của người khác, cướp đất đai của người ta. Hán đã phá Tam Tần, đem binh ra cửa ải, thu quán đội của chư hầu để sang Đông đánh Sở. Ý của ông ta là chưa nuốt hết cả thiên hạ thì chưa chịu thôi, không biết thế nào là vừa, thực là quá đáng. Vả chăng, số mệnh của Hán Vương chưa có gì là chắc chắn. Đã mấy lần chính ông ta nằm trong tay Hạng Vương. Hạng Vương thương hại tha cho sống; nhưng vừa thoát ra đã bội ước ngay, lại đánh Hạng Vương. ông ta là người không thể thân tín như vậy, nay túc hạ tuy tự cho rằng Hán Vương đối đãi với mình rất hậu, nên đem hết sức ra cầm quân, nhưng rốt cục thế nào tức hạ cũng bị ông ta bắt mà thôi. Túc hạ sở dĩ còn được sống sót đến nay là vì Hạng Vương hãy còn. Hiện nay Hán Vương, Hạng Vương ai thắng, ai bại là ở túc hạ. Túc hạ theo về phía bên phải thì Hán Vương thắng, theo về phía bên trái thì Hạng Vương thắng. Hôm nay Hạng Vương mất thì hôm sau đến lượt túc hạ đấy. Túc hạ sao lại không phản lại Hán mà hòa với Sở, chia thiên hạ làm ba mà làm vương một phần? Nay túc hạ có cơ hội này, đem hết tâm lực để theo Hán đánh Sở. Làm người mưu trí lại như thế ư.
Hàn Tín từ chối mà rằng:
- Tôi thờ Hạng Vương, quan chẳng qua là lang trung, địa vị chẳng qua là cầm kích đứng hầu ở điện, lời nói ra không được nghe, mưu kế đưa ra không được dùng, cho nên tôi bỏ Sở mà theo Hán. Hán Vương trao cho tôi ấn thượng tướng quân, giao cho tôi mấy vạn binh, cởi áo của mình để cho tôi được dùng. Cho nên tôi mới được như thế này. Phàm người ta hết sức tin cậy mình thành thực như thế mà mình phản lại là điều chẳng lành. Tôi dù chết cũng không thay lòng đổi dạ. Nhờ ông thưa lại với Hạng Vương rằng Tín từ chối.
Sau khi Vũ Thiệp đi rồi, người nước Tề là Khoái Thông biết rằng thiên hạ ai thắng ai bại là ở Hàn Tín, muốn dùng kế lạ để làm Tín cảm động nên dùng thuật xem tướng để thuyết phục Hàn Tín. Khoái Thông nói: 
- Tôi đã từng học thuật xem tướng.
Hàn Tín nói:
- Phép xem tướng của tiên sinh như thế nào?
Thông đáp:
- Sang hay hèn là ở cốt cách. Vui hay buồn là nét mặt, được hay thua là ở quyết đoán. Gộp cả ba điều ấy mà xem thì vạn người không sai một (33).
Hàn Tín nói:
- Hay đấy? Tiên sinh xem quả nhân như thế nào?
Thông đáp:
- Xin cho vãn người chút đã.
Tín nói:
- Tả hữu lui ra rồi.
Thông nói:
- Mặt của tướng quân chẳng qua chỉ được phong hầu, lại còn nguy hiểm không yên. Lưng (34) của tướng quân thì sang không thể nói hết.
Hàn Tín nói:
- Tại sao lại nói như vậy?
Khoái Thông nói:
- Lúc thiên hạ mới khởi sự, các anh hùng hào kiệt đều xưng vương, hiệu triệu kẻ sĩ trong thiên hạ như mây họp, sương mù tụ lại, nhan nhản như vẩy cá, tấp nập như lửa bốc, như gió thổi... Lúc bấy giờ, họ chỉ lo nghĩ đến việc tiêu diệt nhà Tần đang suy vong mà thôi. Nay Sở và Hán tranh giành nhau khiến cho gan mật của những người trong thiên hạ phơi dầy đất, cha con bỏ xương ở ngoài đồng nội, kể không sao xiết. Người Sở nổi lên ở Bành Thành, vừa đánh vừa đuổi mãi đến thành Huỳnh Dương, thừa tình thế thuận lợi, cuốn như cuốn chiếu, uy thế vang lừng trong thiên hạ. Tuy vậy, quân của họ bị khốn ở giữa miền đất Kinh, đất Sách, bị núi Tây cản trở không sao tiến lên được (35), đã ba năm nay rồi. Vua Hán cầm mấy chục vạn quân, giữ đất Củng, đất Lạc, dựa vào núi sông hiểm trở, nhưng một ngày đánh mấy lần vẫn không được chút công lao gì, thua chạy không sao tự cứu, bị đánh bại ở Huỳnh Dương, bị thương ở Thành Cao, sau đó chạy sang giữa miền đất Uyển đất Diệp, có thể nói là người khôn hay người mạnh cũng đều bị khốn (36). Nay nhuệ khí bị nhụt ở trước cửa ải hiểm trở, lương thực ở trong kho lại hết, trăm họ mỏi mệt, hết sức oán giận, nháo nhác không nơi nương tựa. Theo tôi, tình thế này nếu không có kẻ hiền thánh trong thiên hạ thì không sao dẹp nổi tai họa trong thiên hạ. Hiện nay tính mạng của hai vua đều treo ở tay túc hạ. Túc hạ theo Hán thì Hán thắng, theo Sở thì Sở thắng. Tôi xin phơi bày gan ruột, nói rõ lòng thành, trình bày cái kế ngu muội của tôi, chỉ sợ túc hạ không biết dùng. Nếu quả túc hạ nghe theo mưu kế của tôi, thì không gì bằng làm lợi cho cả đôi bên khiến họ đều sống chia ba thiên hạ, đứng theo thế vạc ba chân. Trong tình thế ấy thì cả hai bên không ai dám động binh trước. Túc hạ là người hiền thánh, quân sĩ đông, giữ lấy nước Tề hùng mạnh, bắt nước Yên, nước Triệu theo mình, xuất quân ra miền đất trống ở đằng sau lưng họ mà kiềm chế hậu phương họ (37), thuận theo dân mong muốn quay đầu về hướng Tây để cho trăm họ được sống (38) thì thiên hạ thế nào cũng chạy theo như gió thổi, như tiếng vang, còn ai dám không nghe! Túc hạ cắt đất nước lớn, làm yếu nước mạnh, để lập chư hầu. Sau khi chư hầu đã được lập, thiên hạ lại nghe theo mà cảm tạ ân đức của nước Tề. Túc hạ cứ giữ lấy nước Tề cũ, nắm lấy đất Giao, đất Tứ, lấy đức của mình để vỗ về chư hầu, kín đáo nhún nhường (39) thì các vua trong thiên hạ thế nào cũng kéo nhau đến chầu vua Tề vậy. Tôi được nghe: “Trời cho mà không lấy, thì sẽ mang lấy tội, thời cơ đến mà không theo thì sẽ mang lấy họa, xin túc hạ suy nghĩ cho kỹ”.
Hàn Tín nói:
- Vua Hán đối đãi tôi rất hậu, lấy xe của mình để cho tôi đi, lấy áo của mình để cho tôi mặc, lấy cơm của mình để cho tôi ăn. Tôi nghe nói “đi xe người ta thì lo điều lo của người ta, mặc áo của người ta thì mang điều lo nghĩ của người ta, ăn cơm người ta thì chết cho công việc của người ta” (40). Tôi lẽ nào lại chạy theo lợi mà quên nghĩa?
Khoái Thông nói:
- Túc hạ tự cho là mình thân với vua Hán, muốn xây dựng cái công nghiệp muôn đời. Tôi trộm cho thế là lầm (41). Xưa kia, lúc Thường Sơn Vương và Thành An Quân (42) còn là kẻ áo vải thì cùng kết nghĩa, làm bạn sóng chết có nhau. Sau đó, vì câu chuyện cãi nhau về Trương Yêm, Trần Trạch mà hai người thù oán nhau. Thường Sơn Vương phản lại Hạng Vương, mang đầu Hạng Anh bỏ trốn về với Hán Vương. Hán Vương phái Thường Sơn Vương đem quân xuống miền Đông, giết Thành An Quân ở phía Nam sông Kỳ, đầu một nơi, chân một nẻo. Rốt cục làm trò cười cho thiên hạ. Hai người ấy chơi với nhau thân thiết nhất trong thiên hạ, rốt cục lại giết lẫn nhau. Tại sao thế? Đó là vì ham muốn nhiều thì sinh lo nghĩ và lòng người khó lường. Nay túc hạ muốn làm việc trung tín để kết giao với Hán Vương thì thế nào tình bạn cũng không vững chắc hơn tình bạn của hai người kia. Đã thế, công việc lại nhiều và lớn hơn việc Trương Yêm, Trần Trạch, cho nên tôi cho rằng nếu túc hạ tin rằng Hán Vương thế nào cũng không làm hại mình là lầm to? Ngày xưa, Phạm Lãi, đại phu Chủng làm cho nước Việt sắp mất được tồn tại, làm cho Câu Tiễn dựng lên nghiệp bá, lập nên công, thành được danh, thế mà người thì chết, kẻ thì bỏ trốn. Thú trong đồng nội đã hết thì chó săn bị nấu. Nói về mặt bạn bè thân thiết thì túc hạ với Hán Vương không bằng Trương Nhĩ đối với Thành An Quân. Nói về mặt trung tín thì chẳng qua như đại phu Chủng, Phạm Lãi đối với Câu Tiễn là cùng, Túc hạ cứ xem hai người đó là đủ rõ. Xin túc hạ suy nghĩ cho sâu (43) vả chăng, tôi nghe nói (44) dũng cảm mưu lược át cả chủ thì nguy đến thân, công lớn bao trùm cả thiên hạ thì sẽ không được thưởng. Tôi xin nói về công lao và mưu lược của túc hạ. Túc hạ vượt Tây Hà, cầm tù Ngụy vương, bắt Hạ Duyệt, đem quân xuống Tỉnh Hình, giết Thành An Quân, chiêu hàng đất Triệu, uy hiếp đất Yên, bình định đất Tề, sang đất Nam đánh gãy hai mươi vạn quân Sở, sang Đông giết Long Thư, quay về Tây để báo công. Như thế có thể nói công ấy không có hai ở trong thiên hạ mà mưu lược ấy không phải đời nào cũng có. Bây giờ túc hạ mang cái uy lấn át cả chủ, ôm cái công không có cách nào thưởng, theo Sở thì người Sở không tin, về Hán thì người Hán hoảng sợ. Tức hạ muốn mang cái công lao, cái mưu lược ấy về đâu? Mình ở địa vị bầy tôi mà có cái uy lấn át cả chủ, có cái danh cao nhất trong thiên hạ, tôi trộm thấy làm nguy cho túc hạ.
Hàn Tín cảm ơn nói:
- Tiên sinh hãy về nghỉ, tôi sẽ nghĩ lại xem.
Vài ngày sau Khoái Thông lại đến, nói:
- Nghe là để chuẩn bị mà làm (45), kế là then chất của việc. Nghe sai, kế hỏng mà vẫn ở yên được lâu là việc ít có vậy. Người nghe mà phân biệt được việc nên chăng, thì không thể dùng lời nói để làm rối loạn. Bàn mưu mà không bỏ quên điều gốc và điều ngọn thì không thể lấy lời lẽ văn hoa để làm rối loạn. Cam tâm làm phận sự của bọn tôi tớ thì sẽ mất cái quyền của người muôn cỗ xe; cứ bo bo lấy cái lộc ít ỏi thì bỏ lỡ đia vị khanh tướng. Cho nên kiên quyết là cái quyết định người khôn. Ngờ vực làm hại công việc; cứ xét cái kế nhỏ tủn mủn thì sẽ bỏ sót việc lớn trong thiên hạ. Một khi trí đã biết rõ mà không dám làm thì đó là điều gây nên mọi thứ tai họa. Cho nên có câu nói “con mãnh hổ do dự không bằng con ong, con bọ cạp liều đốt. Ngựa ký dùng dằng không bằng ngựa hèn bước chắc chắn. Mạnh Bồn hồ nghi không bằng con người tầm thường kiên quyết đi đến mục đích. Khôn như Nghiêu, Thuấn mà ngậm miệng không nói thì không bằng kẻ câm người điếc lấy ngón tay chỉ trỏ”. Những điều trên đây, nói rằng cái quý là ở chỗ biết hành động. Đại phàm công lao thì khó thành mà dễ bại; thời cơ thì khó được mà dễ mất. Ôi! Thời cơ không trở lại. Xin túc hạ xét rõ cho.
Hàn Tín do dự không nỡ phản lại nhà Hán. Lại tự cho rằng mình lập được nhiều chiến công, nhà Hán dẫu sao cũng không lấy mất nước Tề của mình. Bèn từ tạ Khoái Thông.
Khoái Thông nói không được, bèn giả điên, làm người thầy cúng.
Hán Vương bị nguy khốn ở Cố Lăng, dùng kế của Trương Lương, triệu Tề Vương là Tín, rồi đem binh họp nhau ở Cai Hạ. Sau khi Hạng Vũ đã bị phá, Cao Tổ cướp mất (46) quân của Tề Vương. Năm thứ năm tháng giêng đời Hán (năm 202 trước Công nguyên) Cao Tổ dời Tề Vương Tín làm Sở Vương, đóng đô ở Hạ Bì (47).
6. Tín về nước, cho gọi bà giặt vải đã cho mình ăn để thưởng ngàn vàng. Lại gọi đình trưởng Nam Xương ở Hạ Hương thưởng một trăm quan tiền nói:
- Ông là kẻ tiểu nhân, làm ơn không trót.
Sai gọi người thanh niên đã bắt Tín luồn qua háng cho làm trung úy nước Sở. Tín nói với các tướng văn võ:
- Hắn là tráng sĩ đấy, lúc hắn làm nhục ta, ta có phải không giết được hắn đâu? Nhưng giết hắn thì không có danh nghĩa gì (48).
Viên tướng bỏ trốn của Hạng Vương là Chung Ly Muội nhà ở núi Y Lô, Chung Ly Muội vốn chơi thân với Tín. Sau khi Hạng Vương chết, Ly Muội bỏ trốn về với Tín. Hán Vương giận Muội, nghe nói Muội ở Sở, ra chiếu cho Sở Vương bắt Muội. Tín mới về đến nước, đi tuần hành ở các huyện các ấp nơi ra vào đều dàn binh sĩ hộ vệ. Năm thứ sáu đời nhà Hán (năm 201 trước Công nguyên) có người đưa thư lên báo Sở Vương Tín làm phản. Cao Đế dùng mưu kế của Trần Bình, thiên tử đi tuần thú hội họp chư hầu. Ở phương Nam có đất Vân Mộng, Hán Vương sai sứ báo cho chư hầu sẽ họp ở đất Trần: “Ta sẽ đi chơi Vân Mộng”. Kỳ thực nhà vua muốn bắt Tín, nhưng Tín không biết.
Cao Tổ sắp đến Sở, Tín muốn khởi binh làm phản, tự nghĩ mình vô tội (49), muốn yết kiến nhà vua, nhưng sợ bị bắt.
Có người nói với Tín:
- Chém Muội để ra mắt nhà vua, nhà vua thế nào cũng mừng, không có gì phải lo.
Tín đến. gặp Muội để bàn việc ấy, Muội nới:
- Nhà Hán sở dĩ không dám đánh lấy Sở là vì Muội ở nhà ông. Nay ông muốn bắt ta để nịnh nhà Hán, thì ta hôm nay chết nhưng ông cũng chết theo như trở tay mà thôi.
Bèn mắng Tín:
- Nhà ngươi không phải bậc trưởng giả.
Sau đó đâm cổ chết.
Tín ôm đầu Muội ra mắt Cao Tổ ở đất Trần. Nhà vua sai võ sĩ trói Tín lại chở ở xe sau. Tín nói:
- Đúng như người ta nói: “Thỏ khôn hết thì chó giỏi bị nấu, chim cao hết thì cung tốt bị cất, nước địch bị phá thì mưu thần hết đời”. Thiên hạ đã bình định rồi, ta bị nấu là đáng lắm.
Nhà vua nói:
- Người ta bảo nhà ngươi làm phản.
Bèn trói Tín. Đến Lạc Dương thì tha tội (50) cho Tín làm Hoài Âm Hầu. Tín biết Hán Vương sợ và ghét tài năng mình, cho nên thường cáo bệnh không đi chầu. Tín vì vậy ngày đêm oán giận, vẫn thường bực bội, thẹn thùng vì thấy mình đứng ngang hàng bọn Giáng, Quán (51). Tín thường qua chơi nhà tướng quân Phàn Khoái. Khoái quỳ lạy đón và tiễn ra cửa, xưng là “thẩn”, nói:
- Đại vương lại chịu quá bộ đến nhà “thần” sao?
Tín bước ra cửa, cười mà rằng:
- Ta nay hóa ra ngang hàng với bọn Khoái.
Nhà vua có lúc thung dung nói chuyện với Tín về tài năng của các tướng, xem tài năng họ như thế nào. Nhà vua hỏi:
- Như ta thì có thể cầm được bao nhiêu quân?
Tín nói:
- Bệ hạ chẳng qua chỉ cầm được mười van.
Nhà vua hỏi:
- Thế còn nhà ngươi thì cầm được bao nhiêu?
- Thần thì càng nhiều càng tốt?
Nhà vua cười nói:
- Càng nhiều càng tốt thì sao lại bị ta bắt.
Tín nói:
- Bệ hạ không thể cầm quân, nhưng giỏi chỉ huy các tướng, vì vậy cho nên Tín mới bị bệ hạ bắt. Vả chăng có thể nói là trời trao cho bệ hạ, chứ không phải sức người có thể làm được.
Trần Hy được bổ làm thái thú ở Cự Lộc. Hy từ giã Hoài Âm Hầu. Hoài Âm Hầu nắm lấy tay Hy, đuổi những người xung quanh, cùng Hy dạo bước ở ngoài sân. Tín ngẩng đầu lên trời thở dài mà rằng:
- Ta có thể nói với nhà ngươi được không? Ta muốn nói với nhà ngươi một lời.
Hy đáp:
- Xin tướng quân chỉ giáo.
Hoài Âm Hầu nói:.
- Chỗ nhà ngươi ở là nơi tinh binh trong thiên hạ ở đấy. Nhà ngươi lại là người tôi được bệ hạ tin yêu. Nếu người ta nói nhà ngươi làm phản thì thế nào bệ hạ cũng không tin. Nói lần thứ hai thì bệ hạ sẽ nghi. Nói lần thứ ba thì thế nào bệ hạ cũng nổi giận, mà thân hành cầm quân. Ta vì nhà ngươi từ bên trong nổi dậy, thì có thể lấy được thiên hạ.
Trần Hy vốn biết tài năng Hàn Tín cho nên tin theo, nói:
- Xin vâng lời chỉ giáo (52).
Năm thứ mười một nhà Hán (năm 116 trước Công nguyên). Trần Hy quả nhiên làm phản. Nhà vua thân hành làm tướng, đem quân đi. Tín cáo bệnh không đi theo, ngầm sai người đến nói với Trần Hy:
- Ông cứ cử binh, tôi ở đây sẽ giúp ông.
Tín bèn bàn mưu với các gia thần đang đêm giả làm chiếu nhà vua tha những người phạm tội và làm nô lệ của nhà nước, muốn dùng họ để đánh úp Lữ Hậu và thái tử. Bố trí đã xong xuôi, đợi Hy báo tin. Người môn hạ có tội với Tín bị Tín bỏ tù, muốn giết đi. Em của người này ra đầu thú báo tin, tố cáo Tín muốn làm phản. Lữ Hậu muốn gọi Tín vào, nhưng sợ đảng của Tín đông, Tín không đến, nên bàn với tướng quốc Tiêu Hà, giả vờ sai người từ chỗ vua ở về nói rằng Hy đã chết, các chư hầu, các quan đều đến mừng. Tướng quốc lừa Tín:
- Tuy ngài ốm, cũng xin cố gắng vào mừng.
Tín vào, Lữ Hậu sai võ sĩ trói Tín, chém ở nhà treo chuông trong cung Trường Lạc. Lúc sắp bị chém,Tín nói:
- Ta hối hận không dùng mưu kế của Khoái Thông, cho nên mới bị bọn đàn bà con nít lừa dối. Há chẳng phái là vì trời muốn thế hay sao?
Lữ Hậu bèn giết cả ba họ nhà Tín. Sau khi Cao Tổ đã dẹp xong quân của Trần Hy trở về kinh đô, thấy Tín đã chết nhà vua vừa mừng vừa thương hỏi:
- Lúc chết, Tín có nói gì?
Lữ Hậu nói:
- Tín nói tiếc không dùng mưu kế của Khoải Thông.
Cao Tổ nói:
- Khoái Thông là người biện sĩ của nước Tề.
Bèn ra chiếu cho nước Tề bắt Khoái Thông. Khoái Thông đến, nhà vua nói:
- Nhà ngươi dạy cho Hoài Âm Hẩu làm phản phải không?
- Vâng, tôi có dạy cho hắn, thằng trẻ ranh kia không dùng kế của tôi cho nên đến nông nỗi này. Giá nó dùng kế của tôi thì bệ hạ làm sao diệt nó được.
Nhà vua nổi giận nói:
- Đem nấu nó đi.
Thông nói:
- Trời ơi! Bị nấu thật là oan.
Nhà vua nói:
- Nhà ngươi dạy cho Hàn Tín làm phản còn oan uổng nỗi gì nữa?
Thông nói:
- Kỷ cương nhà Tần bị đứt, miền Sơn Đông nổi loạn, các miền khác đều nổi lên. Các anh hùng tuấn kiệt họp lại nhiều như quạ. Nhà Tần mất con hươu, thiên hạ cùng nhau đuổi bắt (53). Lúc bấy giờ ai tài cao, chân nhanh thì bắt được trước. “Chó của Chích (54) cắn vua Nghiêu không phải vì vua Nghiêu bất nhân, nhưng là chó thì bất kỳ ai không phải chủ của nó là nó cắn”. Lúc bấy giờ thần chỉ biết có Hàn Tín, không biết có bệ hạ. Vả chăng những kẻ mài giáo, cầm mũi nhọn, muốn làm điều bệ hạ đã làm cũng rất nhiều, nhưng chỉ vì họ không dủ sức đấy thôi. Bệ hạ có thể nấu tất cả dược không?
Cao Đế nói:
- Tha cho hắn?
Bèn tha tội cho Thông (55).
7. Thái sử công nói:
- Tôi sang đất Hoài Âm, người Hoài Âm nói với tôi: lúc Hàn Tín còn là kẻ áo vải, chí khí ông ta khác người thường. Mẹ ông mất, nhà nghèo không có gì chôn, nhưng ông vẫn sang sửa cất vào chỗ cao ráo để bên cạnh mộ có thể chứa nổi vạn nhà.
Tôi xem mả người mẹ ông ta, quả có thế thực. Cứ gì Hàn Tín biết học đạo (56)  nhún nhường, không khoe công lao của mình không tự phụ tài năng của mình, thì ngõ hầu công ông ta đối với nhà Hán có thể sánh ngang với Chu Công, Thái Công, Thiệu Công và đến đời sau vẫn được cúng tế. Nhưng ông không lo làm thế. Thiên hạ đã định rồi, lại mưu việc phản nghịch kia chứ! Dỏng họ bị giết, chẳng phải đáng đời sao! (57).
...........................................................
(1). Ý nói vội vàng.
(2). Dùng phản phúc pháp, trong một trang nhắc năm lần “không có tiếng tăm gì”, khiến người đọc càng yên chí rằng Hàn bất tài.
(3). Liên ngao: chức coi việc tiếp tân. 
(4). Đoạn 1: Thời hàn vi của Hàn Tín sống cực khổ, bị khinh rẻ, không có tiếng tăm.
(5). Một nét điển hình của tính cách Lưu Bang: hay mừng người, ăn nói suồng sã.
(6). Quốc sĩ: người kiệt xuất nhất nước. 
(7). Tất cả then chốt của bài là ở câu này.
(8). Câu nói kỳ lạ. Trong mắt Tiêu Hà phải là người có chí nguyện phi thường mới dùng được con người phi thường như Hàn Tín. Cái khó là ở Lưu Bang.
(9). Bài Hoài Âm Hầu liệt truyện là một bài rất thành công xét về mặt biến hóa của câu chuyện. Từ sự kiện này sang sự kiện kia thực là đột ngột, hấp dẫn, lạ thường, như ảo mà lại là sự thực nhưng tại khó tin. Người đời sau gọi vần của Tử Trường trùng trùng như núi, luôn luôn mới, luôn luôn lạ là vì vậy. 
(10). Tín dùng phương pháp thuyết phục của các thuyết khách đời Chiến Quốc, đặt câu hỏi để nhà vua tìm thấy sự thật.
(11). Ngày xưa các vua cầu hiền khi nghe lời nói hay thì phải lạy. Tín lạy là lạy lời nói “Tôi không bằng”. Tín cho đó là lời nói của bậc đế vương. Hạng Vũ trong con mắt của Hàn Tín cũng như của Tư Mã Thiên hơn hẳn Lưu Bang về cái tài cũng như về đạo đức cá nhân, nhưng kém mặt nhận thức về tình thế và không biết dùng người.
(12). Trong mấy câu tóm tắt tất cả chỗ mạnh và chỗ yếu của Hạng Vũ. Tất cả đường lối của Hàn Tín giúp Lưu Bang là ở chỗ này.
(13). Xem Hạng Vũ bản kỷ: Đây nói Chương Hàm làm Ung Vương, Tư Mã Hân làm Tắc Vương. Đồng Ế làm Địch Vương. Ba nước Ung, Tắc, Địch nói gộp lại là Tam Tần.
(14). Xem Cao Tổ bản kỷ.
(15). Đoạn 2: Hàn Tín được phong làm thượng tướng quân và trình bày đường lối của mình.
(16). Câu trích trong “Tôn Tử binh pháp”.
(17). Khi tiếp khách để khách quay mặt về hướng Đông là tỏ ý tôn kính.
(18). Trong thiên “Tôn Tử hành quân” nói: khi đóng quân thì trước mặt là sông đầm, sau lưng và bên phải gần núi gò. Ý nói như thế thì tránh được việc bất trắc.
(19). Thiên “Cửa địa” cũng của “Tôn Tử binh pháp”. Ý nói để cho quân đội ở vào địa thế bất lợi thì nó sẽ chiến đấu hăng.
(20). Một câu thành ngữ đương thời.
(21). Đó là những câu tục ngữ đương thời.
(22). Ý nói dân không biết sống chết thế nào nên dừng làm việc, đem đồ đẹp ra mặc, thức ăn ngon ra ăn, để chờ quyết định số phận của mình.
(23). Ý nói trước hết phải làm cho người ta sợ uy lực của mình, sau đó mới đánh.
(24). Đoạn này văn lại biến hóa một từng nữa. Sau khi kể những chiến công oanh liệt và tài dùng binh của Hàn Tín nói ngay đến việc Quảng Vũ Quân “dạy” binh pháp cho Hán Tín.
(25). Đoạn 3: Hàn Tín đánh lấy các nước Ngụy, Triệu, Yên lập chiến công lừng lẫy và phương pháp dùng binh kỳ diệu của Tín.
(26). Lưu Bang phải “cướp ấn”, vì sợ các tướng thấy mình ở trong cảnh khốn đốn sẽ không nghe theo. Tác giả nêu lên một cách kín đáo thái độ sợ Hàn Tín của Lưu Bang.
(27). Cờ dùng để triệu tập các tướng.
(28). Hán Vương sau khi thu quân đội của Triệu thì trao quân cho Hàn Tín đem đi đánh Tề. 
(29). Khoái Thông tên là Triệt, nhưng vì sau này Vũ Đế tên là Triệt nên tác giả hủy chữ Triệt mà đổi là Thông.
(30). Giả vương: Người tạm làm vương.
(31). Chú ý: Cách ăn nói của Lưu Bang, Tư Mã Thiên không vì có Lưu Bang là vua của mình mà che giấu tính tình lỗ mãng của ông, thái độ can đảm ấy đã giúp ông điển hình hóa Lưu Bang một cách cao độ. Hễ Lưu Bang mở miệng là mắng.
(32). Đoạn 4: Hàn Tín đánh lấy Tề, đánh bại quân Sở làm Tề Vương. Mâu thuẫn giữa Hàn Tín và Lưu Bang dần dần hình thành.
(33). Theo phép du thuyết điều quan trọng là phải có kế lạ để bắt người nghe để ý đến mình ngay. Cách tả lời của Thông về thuật xem tướng có thể xem là kế lạ. Đoạn xem tướng này hết sức sinh động, quá khứ sống lại như hiện ra trước mắt.
(34). Lưng là “bối” có thể đọc là “bội”. Ý nói phản là Hán Vương đấy dùng lối chơi chữ.
(35). Ý nói bị chặn ở ngọn núi phía Tây Thành Cao.
(36). Ý nói cả hai đều nguy khốn, người khôn là chỉ Lưu Bang, người mạnh chỉ Hạng Vũ.
(37). Đây là nói đem quân từ Yên, Triệu xuống phía Nam uy hiếp hậu phương của Lưu Bang và Hạng Vũ. Đó là nơi đất trống vì không có quận đội của hai bên.
(38). Ý nói đem binh về hướng Tây khiến cho quân Hán và quân Sở phải thôi không đánh nhau nữa do đó cứu sống được trăm họ.
(39). Bên ngoài tỏ vẻ khiêm nhường để bảo vệ thực lực bên trong.
(40). Lại dùng một thành ngữ để đáp lại thành ngữ của Khoái Thông.
(41). Vì Hàn Tín nói đến chuyện trung thành, nên Khoái Thông đem những thí dụ về sự trung thành và thân tín ra bẻ lại.
(42). Thường Sơn Vương tức là Trương Nhĩ, Thành An Quân là Trần Dư (xem Hạng Vũ bản kỷ và Trương Nhĩ, Trần Dư liệt truyện).
(43). Câu này nhắc đi nhắc lại nhiều lần có chủ ý.
(44). Một biện pháp khác của các thuyết khách không nói thẳng đó là ý của mình mà gói ghém nói dưới hình thức châm ngôn, tục ngữ cho nó có cái vẻ dễ tin.
(45). Tác giả lột tả hết sức công phu ngôn ngữ của hạng thuyết khách. Họ thường gói ghém ý của họ ở trong hình thức châm ngôn, nhìn bên ngoài cái vẻ khách quan vĩnh viễn bình thản như một quyển sách đạo lý, nhưng có sức thuyết phục rất mạnh. Chỉ thấy bàn là cách ngôn tục ngữ, so sánh vu vơ, không nhắc một chữ đến đối tượng. Mạnh Tử nhiều lúc cũng viết như thế. Chú ý phần lớn là câu không chủ ngữ.
(46). Nguyên văn: “Tập đoạt Tề Vương quân” theo nghĩa đen là đánh úp cướp mất quân của Tề Vương. tức là nhân lúc Hàn Tín không phòng bị, Lưu Bang cướp mất binh quyền. Câu này ám chỉ Lưu Bang đã xem Tín là đối thủ của mình.
(47). Đoạn 5: Hàn Tín không chịu nghe theo lời Vũ Thiệp, Khoái Thông khuyên phản lại nhà Hán. Đoạn này gộp hai nuộc du thuyết, nội dung và ý nghĩa như nhau, nhưng cách trình bày khác hẳn nhau, một cái là khách, một cái là chủ.
(48). Cũng như nói không có lý do xác đáng.
(49). Hai câu này ở liền nhau, trái hẳn nhau, chứng tỏ Tín không những không có tội mà lại không có làm phản. Tất cả bài này đều có những câu biểu lộ tác giả không tin rằng Tín làm phản.
(50). Vì không có tội nên mới tha.
(51). Giáng tức là Giáng Hầu Chu Bột, Quán là Quán Anh.
(52). Về cái tội của Tín đó là một nghi án. Sách Sử ký chí nghi của Lương Ngọc Thắng nói: Tín chết oan vậy! Những người hiền ngày trước đều thấy ông không có tội trạng gì tỏ ra làm phản chỉ có mấy lời tố giác vu vơ đấy thôi... Qua Sử ký, dựa vào giấy tờ làm án mà viết ra cũng thấy rõ là sai. Bữa cơm ngàn vàng, cởi áo nhường cơm, lẽ nào phụ bạc Cao Đế. Không nghe Thiệp, Thông, không giữ quân làm vua đất Tề thì thế nào cũng không làm liều khi nhà ở Hoài Âm. Không nghĩ đến việc liên kết các vua lớn như Kinh Bố, Bành Việt thì ắt không giao ước dễ dàng với viên tướng ở ngoài biên giới xa xôi... Ai nghe lời nói “khi nắm tay đuổi người xung quanh ra”, việc mưu phản chưa chắc lại sơ xuất như vậy? Số người và năng lực bọn tôi tớ bao lăm, Tín tất không dùng họ một cách liều lình. Mới hay Cao Tổ sợ Tín không phải một sớm một chiều, Trương Lương giẫm vào gót chân, ghé tai mà nói ở Vu Thai, Cao Tổ cướp binh phù, đoạt quân dội, bắt trói cũng chưa cho là vừa, giết cả họ mới mừng. Xét câu: “Dẹp xong quân Trần Hy trở về vừa mừng vừa thương”, đủ rõ Tín không có tội mà chết.
(53). Lộc: Con hươu chỉ địa vị đế vương, vì nó đồng âm với lộc là tước lộc lại có nghĩa là địa vị.
(54). Chích: Tên người ăn trộm hung ác trong truyền thuyết cổ.
(55). Đoạn 6: Hàn Tín hai lần bị vu làm phản, bị giáng chức rồi bị giết và Khoái Thông được tha.
(56). Đạo: Đây chỉ đạo của Lão Tử: Đạo đức kinh: “Không khoe nịnh nên có công, không tự phụ nên sống láu”. Ý trách Hàn Tín sao không làm như Trương Lương.
(57). Đoạn 7: Ý kiến tác giả về Hàn Tín.
Văn của Tư Mã Thiên bắt chước văn Xuân Thu. Lời nói kín đáo, nếu đợc qua thì hiểu lệch ngay. Đây là văn mỉa mai, cảm thương cho cái tài, cái công vô song của Hàn Tín và uất ức cho cảnh ngộ của vị anh hùng. Cho nên nói: “đã định rồi lại mưu phản nghịch kia chứ”, thực ra Hàn Tín đâu đến nỗi ngu như vậy. Vì vậy nói “đáng đời”. Đó là giọng nói uất ức trách Lưu Bang, tệ bạc không đối xử với Tín như Vũ Vương đối xử với Chu Công. Thái độ cho Hàn Tín ngang với Chu Công xứng đáng xếp Tư Mã Thiên vào hàng du hiệp!
o0o

Truyện Sử Ký Tư Mã Thiên Lời giới thiệu THÁI SỬ CÔNG TỰ ĐỀ TỰA THƯ TRẢ LỜI NHÂM AN TẦN THỦY HOÀNG BẢN KỶ TẦN THỦY HOÀNG BẢN KỶ (tiếp theo) HẠNG VŨ BẢN KỶ HẠNG VŨ BẢN KỶ (tiếp theo) CAO TỔ BẢN KỶ CAO TỔ BẢN KỶ (tiếp theo) LỮ HẬU BẢN KỶ BÌNH CHUẨN (1) THƯ KHỔNG TỬ THẾ GIA KHỔNG TỬ THẾ GIA (tiếp theo) VIỆT VƯƠNG CÂU TIỄN THẾ GIA TRẦN THIỆP THẾ GIA LƯU HẦU THẾ GIA TRẦN THỪA TƯỚNG THẾ GIA TÔN TỬ , NGÔ KHỞI LIỆT TRUYỆN TRUYỆN LÃO TỬ TRUYỆN TRANG TỬ THÂN BẤT HẠI , HÀN PHI LIỆT TRUYỆN TƯ MÃ NHƯƠNG THƯ LIỆT TRUYỆN NGŨ TỬ TƯ LIỆT TRUYỆN THƯƠNG QUÂN LIỆT TRUYỆN Truyện Tô Tần Truyện Trương Nghi Mạnh Tử, Tuấn Khanh liệt truyện Bình Nguyên Quân, Ngu Khanh liệt truyện Ngụy Công Tử Liệt Truyện Phạm Thư, Thái Trạch Liệt Truyện Nhạc Nghị Liệt Truyện Liêm Pha, Lạn Tương Như Liệt Truyện Điền Đan Liệt Truyện Khuất Nguyên liệt truyện Truyện Lã Bất Vi Thích khách liệt truyện Lý Tư liệt truyện Trương Nhĩ, Trần Dư liệt truyện Kình Bố liệt truyện Hoài Âm Hầu Liệt Truyện Lịch Sinh, Lục Giả Liệt Truyện Quý Bố, Loan Bố Liệt Truyện Trương Thích Chi, Phùng Đường liệt truyện Ngụy Kỳ, Vũ An Hầu liệt truyện Lý Tướng Quân liệt truyện Nam Việt Úy Đà liệt truyện Cấp Ảm liệt truyện Du Hiệp Liệt Truyện Hoạt Kê Liệt Truyện