Thế là Trịnh Công Sơn đã chính thức giã từ cõi tạm. Quá yêu cuộc đời, sợ hãi cô đơn và cái chết nên Trịnh Công Sơn đã tập sống thản nhiên trước hư vô và cát bụi từ rất lâu rồi, ấy thế mà khi anh ra đi ta vẫn sững sờ, đột ngột xúc động như thấy một người chơi ú tim nấp trong cát bụi đột nhiên lại trở thành cát bụi ngay trước mắt ta. Một niềm hoài cổ nỗi cô đơn, một chút xót xa day dứt, một lời khuyên nhủ tâm tình, một thoáng rợn ngợp trước cõi hư vô, một tiếng thở dài cam chịu, một lời than trách nhẹ như không, có biết bao nhiêu sắc thái khác nhau trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, thứ âm nhạc vút lên giữa tồn tại và hư vô, tiền kiếp và mai hậu, cát bụi và thiên đàng. Trịnh Công Sơn không đi trên ranh giới của các thái cực như một người làm xiếc, mà anh đã tạo dựng trên đường biên mong manh đó cả một thế giới riêng, hơn thế nữa một đạo riêng, đạo của cái đẹp, đạo của tình yêu. Có thể coi anh là một thiền sư, một thiền sư đã "ngộ" cái phù du tạm bợ của cõi thế và đã lựa chọn trước cho mình những nghi lễ của nhà Phật để giã từ cõi tạm. Âm nhạc của anh là những chiêm nghiệm vừa hàm súc, vừa thăm thẳm về một cõi yêu, cõi đẹp, cõi mơ mà trái tim anh đã bừng ngộ trong tình yêu và nỗi đau. Mỗi ca khúc là một cửa sổ mở ra cho chúng sinh nhìn thấy cõi tịch mịch huy hoàng. Mỗi giai điệu là một bàn tay ân cần chìa xuống từ cõi thiên thu, vừa xoa dịu cho con người những nỗi đau nhân thế, vừa vỗ về an ủi nó, vừa nhẹ nhàng trách móc nó, lại vừa ân cần dìu nó đến cái thế giới chói chang của một cảnh giới không có những hận thù, chia cách. Trịnh Công Sơn là một thiền sư du ca. Cõi đi về là cõi của người nghệ sĩ, ở đó, trong tư cách kẻ du ca, anh là con thoi đi về nối liền cõi đời và cõi đạo, nước mắt và tiếng cười trần thế và ảo mộng. Trong tư cách thiền sư du ca ấy, "cõi tạm" của Trịnh Công Sơn chính là cõi vĩnh hằng, là cõi yêu thương. Anh nhắc nhiều đến cõi tạm, không phải để xui con người nhấp nhỏm chia tay trần thế đắng cay này, mà để giác ngộ cho ta cái phù du của danh lợi, cái phi lý cua tranh chấp và thù hận, nhằm hối thúc ta hãy biết đem yêu thương chống lại cái mong manh tạm bợ của cõi đời. Anh nhắc nhiều đến cát bụi, không phải để thản nhiên chờ đón cái chết, mà chính là ú tim với cái chết, để mở rộng cõi thế và tình yêu trần gian sang thế giới bên kia. “Tôi là ai mà còn trần gian thế, tôi là ai mà yêu quá đời này". Như một đứa trẻ quá yêu đời, thỉnh thoảng lại thu mình lại trong trò ú tim nấp sau cát bụi, để nhấm nháp cái thiếu vắng của mình, để dõi theo cái tìm kiếm của đời, để nhẹ nhàng hờn dỗi và trách móc. “Yêu quá đời này" nên anh đã bằng tài năng âm nhạc của mình nới rộng cuộc đời sang cõi hư vô, nối liền khoảnh khắc với trăm năm và nối liền tình yêu vào cái chết. Những người thích rạch ròi, náo nhiệt có thể thấy âm nhạc của anh chỉ là những khúc ca dao đơn giản. Nhưng âm nhạc của Trịnh Công Sơn có một sự phức hợp và hoành tráng trong chiều kích thẩm mỹ, tâm linh. Một tiết tấu ám ảnh tưởng như là đơn điệu, nhưng nó gợi lên một sự tĩnh tại của thiền sư, một sự kiên nhẫn vô bờ của tình yêu, một nhịp trống dân gian sinh động và hối thúc. Những lời ca vừa trong sáng như dân ca, vừa thăm thẳm như lời kinh, vừa gần gũi giản dị như lời tâm tình trong tình yêu, gợi truyền thống hát nói của sân khấu Việt. Những ca khúc có thể hát trong sa-lông cho một người nghe, có thể hát ở quảng trường cho nhiều người hưởng ứng. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn luôn là âm nhạc dung hoà các thái cực, hoà trộn tình yêu đời, yêu người, yêu quê hương máu thịt và cái cảm thức vừa thản nhiên vừa day dứt trước cõi hư vô. Cái cốt cách lưỡng cực, dung hợp và cái xu hướng nhân bản, khoan dung, đặt tình người cao hơn tất thảy ấy, đó là những cái làm cho âm nhạc của Trịnh Công Sơn thấm đẫm tinh thần văn hoá Việt. Cho nên, cái hạt - bụi - Trịnh - Công - Sơn ấy trong tư cách sứ giả của cõi vĩnh hằng, cõi hư vô vẫn chỉ là hạt bụi Việt Nam kết đọng tình yêu Việt, nhân cách Việt, thân phận Việt.