Ở núi Xuân Đài, xã Thọ Vực, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) có động Hồ công. Phía trước động ngoảnh về sông Mã. Trong động có hai tượng đá. Tục truyền khi xưa, có một ông già và một thằng bé đi bán thuốc ngồi nghỉ ở đó, rồi tự nhiên biến mất. Người ta cho là hậu thân của ông Hồ Công và Phí Trường Phòng. Bởi vậy tạc tượng để thờ. Câu chuyện Việt Nam lại liên quan chuyện của Tàu. Vì truyện Hồ Công và Phí Trường Phòng là truyện Tàu. Cả hai người đều là người Tàu. "Liệt tiên truyện" chép: Khoảng đời Tây Hán (206 trước D.L.-8 sau D.L.) có ông Hồ Công hằng ngày bán thuốc ở chợ Trường An. Ông thường đeo một cái bầu bên hông. Tối đến thì chun vào bầu ấy mà ngủ. Phí Trường Phòng là người hằng ngày dâng bánh cho Hồ Công ăn, thấy thế làm lạ kỳ. Một hôm, yêu cầu Hồ Công cho mình vào bầu thử một lần xem sao. Hồ Công bằng lòng, đưa Phí vào bầu. Trong bầu có những lầu đài tráng lệ, có những kẻ hầu hạ rất lịch sự trông như cảnh thần tiên. Phí Trường Phòng cực kỳ kinh ngạc nói: - Không ngờ đây lại chiếm riêng một cõi càn khôn. Hồ công nói: - Ta vốn là tiên bị trích xuống trần nên tạm ngụ ở đây. Trường Phòng yêu cầu, xin theo Hồ công học đạo tiên. Hồ công bèn dẫn vào núi dạy phép tu luyện. Khi từ biệt, Hồ công trao cho Trường Phòng một cây gậy tre rút đất, có phép thâu ngắn đường đi. Từ đấy, Trường Phòng xách gậy, rày đây mai đó, công danh phú quý gác bỏ ngoài tai. Hàng ngày, Phí thường la cà nơi quán rượu; nhân đó quen biết một anh lính thú. Anh này rất kính trọng Phí, và thường trút túi đãi rượu thẳng tay. Một hôm trên đường về chỗ trọ, Phí thấy anh lính vẻ mặt buồn bã, thỉnh thoảng lại thở dài thườn thượt, mới hỏi cớ sự. Anh lính thú thực là ba năm rồi, chẳng được phép về quê thăm vợ con. Anh nhớ lắm. Phí vui vẻ nói: - Tưởng là việc gì khó, chớ muốn thăm vợ con thì ta giúp cho. Đêm nay về chung vui vợ con, sáng đến có mặt cho khỏi bị quan quở. Cho là lời bỡn cợt vô duyên, anh lính tức bực bảo: - Trông ông có vẻ tiên phong đạo cốt, tôi kính trọng ông, không ngờ ông lại tàn nhẫn chế giễu, cười cợt trước sự đau khổ của tôi. Từ đây về quê tôi, đường trải hàng vạn dặm lại gay go hiểm trở, phải đi trót tháng mới về đến nơi. Thế mà ông bảo đêm nay về, sáng đến! Phí Trường Phòng không hờn giận, vẫn vui vẻ, cười bảo: - Ta nói thật đấy. Ta có phép tiên. Từ trước đến nay, ta vốn thọ ơn hậu đãi, nay ta làm phép mọn để gọi là trả ơn chút ít đó. Đoạn, bảo anh lính ngồi lên cây gậy và nhắm mắt lại, chừng nào nghe hết hơi gió sẽ mở mắt ra. Và, khi sáng sớm cũng ngồi trên gậy trở lại, thực hành như lúc về. Anh lính mừng rỡ, vâng lời. Vừa trèo ngồi lên gậy xong thì gió ù ù thổi đến, anh lính nhắm chặt mắt lại. Rồi cảm thấy thân mình nhẹ bổng như bay giữa thinh không. Thoáng chốc, gió lặng, anh mở bừng mắt ra thì trước mắt anh quả thực đây là nhà của mình. Vợ chồng nhìn nhau mừng mừng tủi tủi, tưởng chừng như sống trong mộng. Thế là đêm đó, vợ chồng mặc tình trút nỗi tâm sự những ngày xa vắng nhớ nhau. Rồi sáng sớm, anh lại lên gậy trở về biên thú. Phí Trường Phòng còn giúp anh lính được nhiều lần như thế nữa. Một thời gian lâu sau, Phí Trường Phòng ném cây gậy tre ấy ở xứ Cát Bi, hóa ra rồng mà bay đi mất. Từ đó, người ta không tìm thấy hình bóng của Phí đâu nữa. Trong "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn có câu: Hận vô Trường Phòng xúc địa thuật. Bà Đoàn Thị Điểm diễn nôm: Gậy rút đất dễ khôn học chước. "Trường Phòng", "xúc địa thuật" (phép rút đất) hay "gậy rút đất" đều do điển tích trên. Vua Lê Thánh Tông đời Hậu Lê (1428-1788) có làm bài thơ về động Hồ công: Thần chùy quỷ tạc vạn trùng san, Hư thất cao song vũ trụ khoan. Thế thượng công danh đô thị mộng, Hồ trung nhật nguyệt bất thăng nhàn. Hoa dương long hóa huyền châu trụy, Bích lạc tuyền lưu bạch ngọc hàn. Ngã dục thặng phong lăng tuyệt lĩnh, Vọng cùng vân hải hữu vô gian. Bản dịch của Thiện Đình: Khuông thiêng khéo tạc núi muôn trùng, Cửa động thênh thênh gió dễ thông. Cuộc thế công danh mơ tưởng hão, Bầu tiên phong nguyệt thú vui cùng. Hạt châu rơi đất ghi rồng hóa, Giọt ngọc tuôn trời rõ suối trong. Muốn cưỡi gió lên chơi đỉnh núi, Trông mây, trông nước tít từng không.