- 5 -
PHONG TÌNH CỔ LỤC

Hiền Vương là một ông chúa có tài quân sự, đêm ngày để tâm lo toan những việc ích nước lợi dân, không chuộng yến tiệc, vui chơi. Bỗng… vào tháng tư năm Nhâm Thìn (1652) xuất hiện giữa đám ca nhi trong vương phủ chúa Nguyễn một áng “đào kiểm” thanh quý, lộng lẫy mười phân vẹn mười! Nhan sắc ấy đã làm phai nhạt, lu mờ tất cả những vẻ thanh tân, tứ lệ của đám phi tần đã dày công trau chuốt sắc tài… Đóa hoa diễm lệ đó là nàng Đào Thừa – sinh trưởng ở đất Nghệ An, nàng vừa có nhan sắc, vừa nết na đúng mực trăm anh, cành vàng lá ngọc, lại thêm biệt tài đàn ngọt hát hay!
Nhan sắc, tài hoa cùng với ma lực của sóng mắt khuynh thành, nàng Thừa đã chinh phục được trái tim cứng rắn của Hiền Vương.
Từ khi có nàng, HIền Vương dấn thân vào giữa cõi mịt mờ của đám mê vân sắc dục, trời đất ngả nghiêng mọi việc quốc quân trọng yếu suốt tuần suốt tháng Chúa chẳng màng để ý tới…
Dưới trướng Hiền Vương, nhiều người có tài kinh luân, có nghĩa khí đã từng vào sinh ra tử với Chúa từ lúc còn là thế tử, trước sa ngã của Hiền Vương, họ đã mạnh dạn đứng ra can gián.
Chướng dinh Nguyễn Cửu Kiều – chồng bà Ngọc Đỉnh, con gái chúa Sãi, bà là bà cô của Hiền Vương – một hôm đã vào thẳng thắn vạch rõ cho Hiền Vương thấy cái họa nữ sắc như thế nào và khẩn cầu Chúa sớm xa lìa con đường sắc dục, hãy rút lại tấc lòng sủng ái đã dành cho ả ca nhi xứ Nghệ… Hiền Vương cả giận mắng rằng:
Ta đã từng nằm gai nếm mật để bảo vệ cơ đồ, nay giống nòi đã vững vàng, trăm họ đã an lạc, há ta chẳng có quyền được cung dưỡng bằng cái vui thanh sắc, yến ẩm hay sao?
Tiếng nói của chính khí không chịu im, Nguyễn Cửu Kiều vẫn chắp tay, điềm tĩnh tâu:
Thần vẫn biết chúa Thượng có quyền, nhưng không được buông lung theo sở thích, mê đắm trong tửu sắc đến độ lãng quên trọng trách trị quốc, an dân. Cổ kim những người đắm mê sắc dục chưa ai tránh được cái họa nghiêng đổ giềng mối. Hiện nay, quân Trịnh tuy bị thảm bại nhưng vẫn chưa bỏ âm mưu thôn tính đất Thuận Quảng, Gương Oai Mục đế và Tương Dực đế đâu đã phai nhòa mai một… Chúa Thượng há sớm quên sao!
Hiền Vương hơi chau mày suy nghĩ, Cửu Kiều vội lui ra. Đêm hôm ấy, không biết vô tình hay hữu ý, có người nào đặt lên án thư của Vương một cuốn “quốc ngữ”. Trong lúc bâng khuâng tư lự, thoáng thấy cuốn sách, Hiền Vương giở ra đọc…
Hiền Vương rất chăm chú đọc truyện vua nước Ngô yêu nàng Tây Thi: “Vua nước Việt là Câu Tiễn đánh nhau với nước Ngô, bị thua. Được Phạm Lãi bày mưu, Câu Tiễn dùng kế mỹ nhân dâng người đẹp Tây Thi cho vua Ngô là Phù Sai. Phù Sai mê nàng Tây Thi quên cả quốc sự, thừa cơ Câu Tiễn đem quân đánh, quân nước Ngô đại bại. Sau khi thắng được Ngô, Phạm Lãi rước Tây Thi về dong chơi vùng Ngũ Hồ rồi mới mất”. Đọc xong, Hiền Vương giật mình, bàng hoàng: Ôi! Phải chăng nàng Thừa là Tây Thi của chúa Trịnh đưa từ Nghệ An vào để mê hoặc ta?
Lầu khuya tựa cửa, nhìn về phương Nam, núi Bằng Sơn thấp thoáng, Hiền Vương trầm ngâm tư lự… Đột nhiên ông thở dài, nói một mình, giọng cương quyết:
Chính người đã can gián ta mới có đủ bản lĩnh để thi hành ý định của ta…
Sáng hôm sau, nàng Thừa, người đẹp sủng ái của Chúa, vâng theo mỹ ý của Hiền Vương mang đến tư thất Nguyễn Cửu Kiều một bộ triều phục mới tinh… Nàng Thừa không làm sao biết được những gì đang diễn biến trong thâm tâm vị chúa tuổi trẻ tài cao đã từng nâng niu âu yếm ấy, được lệnh là nàng ngoan ngoãn vâng theo…
Nàng Thửa đem bộ triều phục đến nhà Chướng dinh Nguyễn Cửu Kiều, rồi chẳng ai còn thấy nàng trở lại Vương phủ với Hiền Vương nữa. Vì chính nàng cũng không biết được trong tay áo của bộ triều phục mới có bức mật thư ủy thác cho Cửu Kiều: kết liễu đời nàng Thừa để tránh cho non nước xứ Đàng trong cái họa Tây Thi!
Phải chăng Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần sáng suốt hơn Ngô Phù Sai? Hay vì không đủ nghị lực để kiềm chế dục vọng, lòng ích kỷ thấp hèn nên đã mượn tay của ông dượng trung quân giết hại một ca nhi vô tội?
Lịch sử đã ca ngợi Hiền Vương, mãi đến nay chưa thấy dòng nào nhắc đến hành vi bất nhân này. Một hành vi thâm độc nơi một vị chúa mệnh danh là “Hiền”, thật đáng tiếc.
 
(Theo Thực lục tiền biên – Phủ biên tạp lục và Mộng Kinh sư)