Sau khi được giảng quan Trần Khắc Chung giảng giải về nhiệm vụ cao cả của các công chúa đời trước khi lấy chồng ngoại tộc, vẻ bi quan của Huyền Trân chợt biến hẳn. Nàng vui vẻ trở lại và càng chăm chỉ trong việc học hành. Vua Anh Tôn thấy vậy hài lòng lắm. Ngài nói với Khắc Chung: -Trong số các giảng quan, em ta chịu nghe ông nhất. Nhờ ông khéo giảng mà em ta đã trút bỏ được mọi ưu phiền. Ta không quên ơn ông đâu! Gắng chỉ bảo thêm cho em ta! -Muôn tâu! Hạ thần xin hết lòng vì bệ hạ và công chúa mà ra sức! Vua Anh Tôn lại nói: -Còn một việc rất quan trọng nữa. Huyền Trân rồi đây sẽ phải sang sống trên đất Chiêm, không thể không biết tiếng Chiêm và phong tục nước Chiêm để cư xử cho thích hợp. Nhà ông hiện có viên quan cũ của nước Chiêm là Trà Hoa đang giúp việc phải không? Ông có thể khiến hắn dạy tiếng Chiêm và phong tục tập quán nước Chiêm cho Huyền Trân được chứ? Khắc Chung ra vẻ ngẫm nghĩ rồi tâu: -Về khả năng thì Trà Hoa có thừa. Nhưng về tư cách thì Trà Hoa không thể dạy công chúa. -Tại sao vậy? -Tâu bệ hạ, Trà Hoa tình nguyện ở lại nhà thần với danh phận một tên nô lệ. Nếu để một tên nô lệ đào luyện văn hóa cho công chúa thì còn thể thống gì nữa? -Người Chiêm ở đây không thiếu gì. Nhưng kẻ có danh vọng, có kiến thức lại tìm không ra. Vậy biết chọn ai làm công việc đó? -Hạ thần xin thân hành đảm nhận việc ấy! Vua Anh Tôn chợt nhớ ra: -À, phải rồi! Khanh đã từng học tiếng Chiêm với Trà Hoa mà ta quên mất. Tuy nói vậy nhưng vua Anh Tôn lại ngẫm nghĩ: Thế này chắc Khắc Chung muốn dành độc quyền dạy văn hóa cho Huyền Trân – Ngài mỉm cười khôi hài: -Khanh là một Tể tướng lại học tiếng Chiêm với Trà Hoa được sao công chúa lại không nên? Khắc Chung nghiêm trang đáp: -Công chúa là con vua một nước. Người dạy dỗ công chúa cần phải có một danh phận xứng đáng. Còn thần xuất thân từ hang dân dã, Trà Hoa lại là người trong nhà. Việc thần học Trà Hoa chỉ có tính cách người trong nhà giúp nhau mà thôi. Vua Anh Tôn cười: -Khanh nói khi nào cũng có lý. Nhưng khanh đâu có rảnh rang nhiều? Khanh không phải chỉ lo việc này mà còn phải lo nhiều việc quan trọng khác cho quốc gia. Dù sao Trà Hoa gốc cũng thuộc giới quan lại của triều đình nước Chiêm chứ không phải giới hạ tiện. Hắn lại luôn rảnh rỗi. Trẫm sẽ cho hắn một phẩm hàm nhỏ để cùng giảng dạy công chúa với khanh. Khắc Chung bèn nói theo: -Bệ hạ quyết định như vậy là hợp lý lắm! Từ đó, Huyền Trân công chúa được Khắc Chung và Trà Hoa dạy thêm về ngôn ngữ và phong tục, tập quán của Chiêm Thành. Vì đã có ý chí sẵn, công chúa học các môn này cũng không mấy khó khăn. Khắc Chung cũng chăm lo giảng dạy cho công chúa nhiều hơn. Thật ra, Trà Hoa vẫn là người chủ yếu trong việc giảng dạy tiếng nói, phong tục, tập quán nước Chiêm cho công chúa. Khắc Chung cũng chẳng cần mất thêm bao nhiêu thì giờ. Cứ việc giảm bớt những buổi chơi bài với Nguyễn Sĩ Cố là đủ. Sự gần gũi một nàng công chúa thông minh kiều diễm dù sao cũng hấp dẫn hơn nỗi đam mê với những quân bài. Nhất là công việc này lại làm cho đấng quân vương vui lòng nữa! Và biết đâu cơ may trời cho lại chẳng đến với ông? Quyền ước mơ của ông ai tước đoạt được? Vua Anh Tôn thấy Huyền Trân vui vẻ, học hành tấn tới càng mừng. Huyền Trân cũng càng ngày càng tỏ ra trìu mến, thân thiết với Khắc Chung hơn. Nhưng việc này cũng dần đẩy Khắc Chung vào cái thế không hay. Một số giảng quan, học viên đã nẩy sinh lòng đố kỵ với Khắc Chung. Họ ngầm thêm mắm thêm muối vào mối liên hệ giữa thầy trò Khắc Chung và Huyền Trân. Lời đồn dần đến tai các vị quan lớn trong triều. Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng có lần nói với vua Anh Tôn: -Bệ hạ coi chừng Khắc Chung nó làm hư sự đó! Nhưng vua Anh Tôn chỉ cười: -Xin nhạc phụ yên tâm! Dẫu ông ấy có tà ý cũng chẳng dám thực hiện đâu! Điều cần thiết là làm sao cho công chúa được vui vẻ trong thời gian sắp xa gia đình và sau này ít bị lúng túng trong khi về sống ở Chiêm Thành. ° Tháng hai năm Ất Tỵ°, vua Chiêm Chế Mân sai Chế Bồ Đài và bộ đảng hơn 100 người sang dâng vàng bạc châu báu để xin cầu hôn. Vua Anh Tôn xem sớ xong nói với Chế Bồ Đài: -Tuy đã có lời hứa của Thượng hoàng nhưng hôn nhân là việc rất trọng đại, không thể không bàn kỹ. Nhất là cuộc hôn nhân này có tính cách quốc gia nữa! Vậy, sứ đoàn hãy tạm lui nghỉ ngơi để trẫm bàn luận với triều thần rồi sẽ có quyết định sau. Sau khi sứ Chiêm trở về quán dịch, vua Anh Tôn mở đầu: -Trong chuyến Chiêm du năm Tân Sửu, Thượng hoàng có hứa gả Huyền Trân công chúa cho Chiêm vương Chế Mân. Vì hồi đó Huyền Trân còn quá nhỏ nên việc ấy chưa thực hiện. Nay Huyền Trân đã đến tuổi lấy chồng nên Chiêm vương vừa cho sứ sang cầu hôn. Vậy, các khanh thấy việc đó thế nào, cứ thẳng thắn trình bày! Quan Học sĩ Nguyễn Sĩ Cố tâu: -Thần nghe Chiêm Thành vốn là nước theo Bà La Môn giáo. Tập tục của họ khi vua mất các hoàng hậu phải bị thiêu theo vua. Giờ vua Chiêm nay đã lớn tuổi trong khi công chúa còn quá trẻ. Thần lo lỡ một mai vua Chiêm qua đời, không biết số phận công chúa sẽ ra sao? Vua Anh Tôn đang suy nghĩ thì Tả bộc xạ Trần Thời Kiến lại tâu: -Nếu bệ hạ không hỏi, thần không dám nói. Nhưng nay bệ hạ đã cho phép, thần xin thưa: Bản triều vốn rất trọng dân ý. Như hồi kháng Nguyên, các vị Tiên vương đã triệu tập hội nghị Diên Hồng để hỏi ý các bô lão. Từ khi cái tin công chúa sẽ được gả cho Chiêm vương loan ra, trong dân gian phát sinh hai câu ca dao “Tiếc thay cây quế giữa rừng, Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”. Như vậy chứng tỏ ý dân không được mặn mà với cuộc hôn nhân này. Hạ thần xin kính trình rõ để bệ hạ xét! Hưng Nhượng vương Quốc Tảng nói: -Công chúa còn quá trẻ lại đẹp như tiên vậy mà ép phải lấy một ông già cũng tội nghiệp lắm! Như quan Học sĩ nói, khi Chiêm vương băng thì công chúa sẽ ra sao? Tôi nghĩ nếu Quan gia vì thương em mà từ chối cuộc hôn nhân này chắc Thượng hoàng cũng không quở trách đâu! Thế là các quan mỗi người một lời khuyên vua Anh Tôn từ chối việc cầu hôn của vua Chiêm. Giữa lúc tưởng chừng như vua Anh Tôn sắp quyết định nghe theo ý số đông triều thần thì Văn Túc vương Đạo Tái° thưa: -Thượng hoàng đã hứa gả công chúa cho Chiêm vương tức ngài đã có chủ định. Hơn nữa, lời hứa của một đấng chủ tể, dù ngài đã xuất gia, ta không thể xem nhẹ. Lời hứa đó mang nặng tính chất quốc thể. Thần nghĩ bệ hạ không nên từ chối cuộc hôn nhân này. Cần chăng là bàn luận vấn đề nghi lễ cho cuộc hôn nhân mà thôi! Văn Túc vương nói xong, Nhập nội đại hành khiển Trần Khắc Chung lại tiếp lời: -Tâu bệ hạ, thần biết khi Thượng hoàng hứa gả công chúa cho Chiêm vương, ngài đã có chủ ý hẳn hòi. Kẻ thù chung của hai dân tộc vẫn còn đó. Ngài không muốn Việt – Chiêm mất đoàn kết để rồi cùng rơi vào tay quân Mông Cổ! Nếu bệ hạ từ chối vụ cầu hôn này, trước nhất là làm phật ý Thượng hoàng, kế đến là Chiêm vương bị mất mặt sẽ sinh hiềm khích. Nếu quân Bắc lại sang việc sẽ xảy ra thế nào? Thần nghĩ bệ hạ nên xét kỹ lợi hại để quyết định! Vua Anh Tôn nói: -Thật tình ta đâu muốn làm trái ý Thượng hoàng. Nhưng phong tục Chiêm Thành thì rắc rối mà em ta còn thơ dại quá ta chẳng lo sao được? Việc này dân Đại Việt hầu hết không muốn. Sau này lỡ công chúa gặp rủi ro điều gì chắc ta ân hận lắm! Khắc Chung nói: -Bệ hạ hi sinh tình cảm gia đình để lo việc nước ai dám trách bệ hạ? Thần chỉ sợ bệ hạ làm ngược lại ý Thượng hoàng có khi phải ân hận gấp bội. Việc đem các công chúa gả cho các phiên vương để tạo vòng phên dậu vững chắc cho quốc gia xưa nay nhiều vị anh quân đã từng làm! Triều Nguyễn° trước đây đã từng gả sáu vị công chúa cho các phiên vương. Ngay bản triều cũng nhờ gả công chúa Ngọan Thiềm mà yên được giặc Nguyễn Nộn. Còn việc nếu Chiêm vương qua đời sớm, lúc ấy thiếu gì cách để xử trí! Huệ Vũ vương Quốc Chẩn nói: -Vậy sau này nếu chuyện đó xảy ra, chắc triều đình phải nhờ tới Khắc Chung? Khắc Chung hăng hái đáp: -Tôi rất hân hạnh nếu được gánh vác việc ấy! Vua Anh Tôn nhìn Khắc Chung gật gật đầu có vẻ ưng chịu. Nhưng liền đó Tri Khu mật viện sự Đoàn Nhữ Hài lại thưa: -Lập luận của Văn Túc vương và của quan Nhập nội Đại hành khiển hẳn đáng nghe rồi. Tuy thế, tại sao ta không làm khó dễ một tí để Chiêm vương phải lòi ra một chút sính lễ lợi ích cho đất nước hơn chứ vàng bạc châu báu đâu có lạ gì? Vua Anh Tôn nhìn Đoàn Nhữ Hài mỉm cười: -Còn sính lễ gì lợi ích cho đất nước hơn châu báu nữa? Khanh đã nghĩ ra điều đó chắc khanh cũng là người thực hiện được điều đó. Vậy trẫm phiền khanh hôm nay đến ủy lạo sứ đoàn Chiêm Thành và dò ý tứ bọn họ xem sao? Trẫm hi vọng khanh sẽ thu lượm được kết quả tốt đẹp! Vua tôi nhìn nhau tâm đắc. Trong giây lát, Nhữ Hài vui vẻ xá vua mà nói: -Hạ thần xin vâng mạng! ° Sau khi rời khỏi triều môn, Đoàn Nhữ Hài liền đi thẳng tới quán dịch. Đối với Chế Bồ Đài, Nhữ Hài không xa lạ gì. Hồi đi sứ sang Chiêm, hai người đã từng qua lại với nhau khá mật thiết. Vừa thấy Nhữ Hài đến, Chế Bồ Đài mừng rỡ hỏi: -May quá, tôi đang nóng lòng chờ nghe tin tức thì ngài đến! Vừa rồi chắc ngài có vào chầu thiên tử? -Thưa vâng, tôi vừa hầu thiên tử về. Nghe ngài đang ở quán dịch nên vội đến thăm đây! -Quí hóa quá! Như vậy ngài đã nghe thiên tử quyết định ra sao về cuộc cầu hôn của quốc vương tôi? Nhữ Hài lắc đầu: -Việc đó gay cấn lắm! Hầu hết các quan trong triều đều chống lại vụ này! -Sao lạ vậy? Việc này do ý Thượng hoàng chủ động đề xướng ra, chẳng lẽ các quan trong triều nghịch lại ý của Thượng hoàng? Nhữ Hài nói: -Ngài không nghe nói tướng ở ngoài mặt trận đôi lúc có quyền không tuân mệnh vua ư? Mọi vấn đề phải tùy hoàn cảnh mà xử trí. Huống hồ hiện giờ Thượng hoàng đã xuất gia, không còn dính líu tới việc triều chính nữa! Chế Bồ Đài lo lắng hỏi: -Nếu việc này không thành, tôi biết ăn nói sao với quốc vương tôi? Ngài có cách gì giúp tôi không? Nhữ Hài lắc đầu nói: -Thiên tử vốn trọng ý kiến của triều thần mà hầu hết triều thần đều chống lại việc này. Tôi dẫu muốn giúp ngài cũng khó làm nổi. -Ngài biết vì sao triều thần chống cuộc hôn nhân này không? Đây là cuộc hôn nhân do chính Thượng hoàng chủ động đề xướng ra. Quốc vương tôi chỉ làm theo ý Thượng hoàng và cũng chưa có lỗi gì với thượng quốc. Vậy trở ngại do đâu? -Ngài tự kiểm điểm xem có điều gì thiếu sót không? -Thưa ngài, thế này thì khó hiểu thật. Việc triều cống hàng năm nước tôi cũng không bê trễ! Việc biên giới hai nước vẫn hoàn toàn yên lành, tốt đẹp! Về lễ vật, chính quốc vương tôi thân hành chọn lấy, toàn những thứ trân bảo hiếm hoi, chẳng lẽ còn thiếu sót? -Như vậy thì khó hiểu thật đấy! Hay là… -Xin ngài cứ nói! -Điều này tôi chỉ đoán thôi, chưa chắc đã đúng. Tuy Thánh lượng bao la nhưng lòng dạ đám quần thần lại không được cởi mở. Đa số chỉ biết nghĩ đến điều lợi. Lễ vật dù toàn trân bảo, nhưng những thứ đó Đại Việt cũng không thiếu cho nên họ vẫn coi thường. Ngài có thể trình với quí Quốc vương thử đổi sính lễ bằng một thứ khác Đại Việt cần hơn may ra nên việc! -Tôi làm sao biết được ý muốn của thượng quốc? Ngài có thể vì tôi mà cho biết món gì Đại Việt cần thiết hơn chăng? Nhữ Hài lại lắc đầu: -Tôi chưa biết được rõ ràng lắm nên chưa dám nói. Ngày mai ngài cứ vào chầu xem thiên tử quyết định sao rồi tính. Xin cầu chúc ngài không gặp trở ngại! Chế Bồ Đài năn nỉ: -Thôi, chỗ quen biết, xin ngài cứ thật tình chỉ bảo giúp những chỗ thiếu sót để tôi kịp bổ túc chứ đợi khi thiên tử đã quyết định thì vấn đề thành rắc rối thêm. Chuyến đi của tôi thất bại, tôi về nước bị khiển trách, liệu ngài có vui được không? Nhữ Hài ngồi trầm ngâm suy nghĩ một hồi. Chế Bồ Đài lại giục: -Ngài giúp tôi lúc khó khăn, tôi sẽ không quên ơn ngài! -Thôi, ngài đã tin cậy hỏi tôi thì tôi cũng vì ngài mà bày tỏ. Đại Việt đất chật dân đông. Người Việt bản chất vẫn rất thực tế. Nhiều người vẫn coi trọng đất đai hơn châu báu đấy! Tôi thấy vùng đất cực bắc của quí quốc cằn cỗi hoang vắng chỉ mất công bảo vệ mà không thu được bao nhiêu lợi ích, nếu quí quốc đem cái đất vô dụng đó phụ vào sính lễ biết đâu công việc của ngài lại chẳng dễ dàng êm xuôi? Chế Bồ Đài giật mình. Ông đã hiểu ra ý đồ của triều đình Đại Việt. Nhưng ở cái thế của ông thà biết cũng coi như không biết cho đỡ khổ trí. Ông nói với giọng nặng nhọc: -Nếu quả đúng các quan Đại Việt có ý ấy tôi ắt phải về không rồi! Tôi đâu có thể quyết định vấn đề trọng đại ấy được? -Thật tình thiên tử không có ý gì nhưng triều thần lại khác. Điều đó chắc ngài hiểu. Tôi nghe vậy nên phải cho ngài biết để tùy cơ ứng biến. Ngài nên hết sức khéo léo để giữ mối quan hệ giữa hai nước khỏi bị sứt mẻ. Tôi nghĩ ngài trình bày lại thế nào Chiêm vương cũng nghe. Chắc quí quốc chẳng tiếc chi một khoảnh đất hẹp hòi đầy sỏi đá mùa đông giá rét mùa hè nắng thiêu như rẻo đất cực bắc ấy! Chế Bồ Đài nói với giọng chua chát: -Việc đời khó thật! Xin đa tạ ngài đã chỉ giáo! Tôi sẽ cố gắng xem sao. ° Hôm sau Chế Bồ Đài vào bệ kiến vua Anh Tôn. Sau khi xem biểu văn tường trình về cống lễ hàng năm và quốc thư xin cầu hôn, vua Anh Tôn nói: -Trẫm rất muốn cuộc hôn nhân được sớm định. Ngặt nỗi Thái hậu rất cưng công chúa, Người sợ công chúa còn thơ ấu quá, về nhà chồng có thể mắc nhiều sơ thất. Ý Thái hậu trẫm không thể không vâng. Vậy, phiền khanh trở về trình với quí Quốc vương xin hoãn thêm một thời gian nữa. Về lễ vật dâng cống thường lệ ta cho thâu nhận, riêng lễ vật cầu hôn, khanh hãy tạm mang về. Ta sẽ cho Đoàn Nhữ Hài sang Chiêm để cùng bàn lại. Chế Bồ Đài đã được Đoàn Nhữ Hài mớm trước nên biết rõ mồn một ý muốn của vua Anh Tôn. Nhưng giờ mang lễ vật trở về Chiêm ư? Coi như vụ cầu hôn bị từ chối rồi còn gì? Làm sao Chiêm vương không buồn bực được? Cơn thịnh nộ không trút được cho vua Đại Việt biết đâu lại chẳng được trút lên đầu ông? Chế Bố Đài hết sức lo sợ. Ông suy nghĩ một lát rồi tâu: -Thần vâng mạng Quốc vương đến Đại Việt để cầu hôn. Số lễ vật tuy đơn bạc nhưng đường sá lại xa xôi hiểm trở nên việc vận chuyển rất bất tiện. Trước khi ra đi, Quốc vương thần có dặn: Về lễ vật cưới hỏi, Đại Việt và Chiêm Thành mỗi nước có mỗi lệ khác nhau. Lễ vật của ta đây chỉ là lễ vật riêng của Chiêm Thành. Vậy, khi sang Đại Việt khanh phải tìm hiểu lệ luật ở thượng quốc thế nào để bổ khuyết cho đúng. Cúi xin thánh thượng cho thâu nhận số lễ vật mà hạ thần đã mang đến. Phần lễ vật bổ túc, cúi xin Thánh thượng cho Đoàn đại nhân cùng sang Chiêm để sớm lo cho xong việc thì tiểu quốc đội ơn Thánh thượng vô cùng! Đoàn Nhữ Hài cũng nói giúp sứ giả: -Về lễ vật cầu hôn để sứ giả phải mang đi mang lại đường sá xa xôi hiểm trở bất tiện lắm. Cúi xin Thánh thượng cứ tạm cho nhận lấy cho sứ đoàn đỡ phần vất vả. Vua Anh Tôn nhìn sứ giả với vẻ thông cảm: -Được, theo thỉnh cầu của khanh, trẫm cứ tạm cho thâu số lễ vật khanh đã mang đến. Giờ trẫm sẽ cho mở tiệc khoản đãi và ban thưởng một ít tiền bạc, gọi là đền công lao khó nhọc của các khanh. Xong việc các khanh cứ về quán dịch nghỉ ngơi đợi Đoàn Nhữ Hài sửa soạn xong sẽ cùng sang Chiêm sẽ bàn thêm việc này. Hai hôm sau Đoàn Nhữ Hài và đám tùy tùng theo chân sứ đoàn Chế Bồ Đài đi Chiêm Thành. ° Khi nghe Chế Bồ Đài tâu trình kết quả cuộc đi sứ xong, Chiêm vương tức giận nói: -Tại sao Đại Việt lại lật lọng đến thế chứ? Khi hứa hôn với ta Thượng hoàng Đại Việt có nói đến đất đai đâu? Ai nói với khanh điều đó? -Thưa, chính là Tri Khu mật viện sự Đoàn Nhữ Hài! -Thôi, mắc phải tay bợm rồi! Thật nó khinh lờn ta lắm! Bây giờ nó lại sang đây muốn đòi thêm sính lễ ư? Ta muốn giết nó cho hả giận quá! Một vị quan là Bảo Lộc Kê tâu: -Đoàn Nhữ Hài giảo hoạt lắm. Chúa thượng không nên để nó biết mình bất mãn. Nên từ từ liệu cách mà đối phó mới được! Một vị quan già bước ra thưa: -Hạ thần là Trà Ngô xin dâng lời để Chúa thượng xét định: Dù sao việc cũng đã lỡ rồi. Sính lễ mình đã gởi Đại Việt muốn đòi lại cũng khó. Không chừng đã mất của lại còn chịu mang lỗi. Kẻ yếu không bao giờ thắng lý được. Chỉ có cách hòa dịu để thương lượng thôi. Nếu nó không chịu, Chúa thượng cũng nên nhượng bộ thêm một chút cho xong chuyện. Chiêm vương vẫn chưa nguôi cơn giận: -Nếu Đại Việt đòi thêm cái gì khác còn dễ tính. Đây họ lại muốn ta cắt đất cho họ, ta biết ăn nói sao với quốc dân? Chiêm vương lại quay sang hỏi Chế Bồ Đài: -Đoàn Nhữ Hài nói với khanh thế nào? Chế Bồ Đài thưa: -Y nói vùng đất cực bắc của nước ta chỉ là chốn hoang vắng cằn cỗi, thời tiết lại khắc nghiệt, chỉ mất công sức canh giữ mà chẳng thu được bao nhiêu lợi tức. Nên đem nó phụ thêm vào phần sính lễ chắc hẳn vụ cầu hôn sẽ dễ dàng êm xuôi. -Đúng là giọng điệu lưu manh! Y chê đó là chỗ hoang vắng cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, mất công gìn giữ mà không thu được bao nhiêu lợi tức vậy sao y lại muốn đưa chỗ đất ấy về Đại Việt? Ta vì tình tri ngộ của Thượng hoàng Đại Việt mà cầu hôn chứ đâu phải là hạng mê gái đến nỗi phải đem đất mà dâng! Thật tình ta đã biết Huyền Trân công chúa nhan sắc ra sao đâu? Lỡ gặp một công chúa thiếu nhan sắc, quốc dân mặc sức chê cười ta! Chế Bồ Đài thưa: -Khải bẩm, về nhan sắc của công chúa Huyền Trân thần tin chắc là rất đẹp. Đoàn Nhữ Hài và nhiều đại thần Đại Việt cho thần biết, Thượng hoàng Nhân Tôn có hai người con đẹp nổi tiếng là vua Anh Tôn và Huyền Trân công chúa. Thần chưa thấy được công chúa nhưng đã diện kiến vua Anh Tôn. Trông ngài dáng dấp thanh thoát như thần tiên, gương mặt tươi sáng đẹp đẽ khó ai sánh kịp. Ngài thuộc phái nam mà còn thế huống là công chúa! Chiêm vương nghe xong có vẻ động lòng. Mắt ngài sáng lên. Một lát sau ngài nói: -Nếu quả thật công chúa đẹp đến thế thì sự đòi hỏi ấy cũng không quá đáng. Nhưng nếu cắt đất cho Đại Việt, ta phải nói thế nào để quốc dân khỏi oán hận ta? Lão quan Trà Ngô thưa: -Đất nước này là của Chúa thượng. Nếu không có Chúa thượng lãnh đạo trong cuộc kháng chiến chống Mông Cổ thì đất nước này đã nằm dưới ách nô lệ của giặc Mông rồi. Vậy sao Chúa thượng không thể sử dụng một rẻo đất cỏn con theo ý muốn? Nhất là khi bỏ rẻo đất không mấy ích lợi ấy đi ta lại bảo vệ được cuộc sống hòa bình cho toàn dân Chiêm? Quả thật người Chiêm vốn chẳng quí trọng chi phần đất cực bắc ấy. Đó là một vùng đất ít màu mỡ, dân thưa thớt, khí hậu lại khắc nghiệt nhiều so với vùng lãnh thổ từ đèo Mây (Hải Vân) trở vào nam. Để bảo vệ nó, nước Chiêm phải tốn kém rất nhiều về nhân lực lẫn tài lực. Những người lính được đưa ra trấn đóng vùng ấy luôn khốn khổ mọi mặt. Phần đông trong số đó luôn mang mặc cảm bị lưu đày, rất dễ sinh lòng bất mãn. Chính Chiêm vương cũng biết rõ điều ấy. Bởi thế, khi nghe lão quan Trà Ngô đề nghị dùng mảnh đất xấu ấy để đổi lấy sự an ninh cho dân Chiêm, Chiêm vương cũng thấy hợp lý. Thế rồi Chiêm vương thay đổi thái độ. Ngài cho triệu Đoàn Nhữ Hài đến gặp riêng, mềm mỏng bàn chuyện. Sau khi thảo luận, Chiêm vương trao cho Nhữ Hài xem hai tấm bản đồ và nói: -Đây là châu Ô và châu Rí. Bản quốc đồng ý cắt hai châu này để bổ sung vào sính lễ xin cưới công chúa. Việc trao nhận đất đai sẽ thực hiện sau khi cuộc hôn nhân thành tựu. Vậy, phiền ông về trình với thiên tử thành ý của ta. Ta cũng rất mong được thiên tử chấp thuận cho ta rước công chúa vào năm tới. Ông có thể giúp ta được việc đó không? Đoàn Nhữ Hài nói: -Xin Quốc vương yên chí. Tôi sẽ trình lại thiên tử nguyện vọng của ngài. Thế rồi Chiêm vương cho mở yến đãi sứ giả Đại Việt và các quan. Hôm sau, Đoàn Nhữ Hài xin giã từ vua Chiêm trở về Đại Việt.
Chú thích:°Năm Ất Tỵ: năm 1305.°Văn Túc vương Trần Đạo Tái: Con của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải.°Triều Nguyễn: tức triều nhà Lý. Sau khi đoạt ngôi nhà Lý cho nhà Trần, Trần Thủ Độ tất cả những người họ Lý trong nước đều phải đổi sang họ Nguyễn.
Chú thích:°Năm Ất Tỵ: năm 1305.°Văn Túc vương Trần Đạo Tái: Con của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải.°Triều Nguyễn: tức triều nhà Lý. Sau khi đoạt ngôi nhà Lý cho nhà Trần, Trần Thủ Độ tất cả những người họ Lý trong nước đều phải đổi sang họ Nguyễn.