THỜI NIÊN THIẾU

Thành phố Trêves, thời Mác sinh ra, vẫn được coi là một trong những thành phố cổ kính nhất của nước Đức. Nhưng nhìn theo con mắt của một người cách mạng, cái cổ kính đó trở thành bảo thủ, áp bức như Goethe đã mô tả Trêves 20 năm trước khi Mác ra đời: "Thành phố tự nó có một đặc điểm rất đáng chú ý. Nó tự cho là có nhiều cơ sở tôn giáo hơn bất cứ thành phố nào tương tự, và dĩ nhiên không ai dám chối cãi cái vinh dự của nó. Vì ở bên trong những tường lũy nó bị vướng cẳng (encombrée), à, không, bị ngột ngạt bởi những nhà thờ, nhà nguyện, trường đạo, nhà dòng, nhà hội của Hiệp sĩ, hay của các cộng đồng tu sĩ; ở bên ngoài, nó bị ngăn chặn, à, không, bị bao vây bởi những nhà dòng, hội tu, nhà kín (charteuses)".
Bị ảnh hưởng sâu đậm của cuộc cách mạng Pháp, vùng Rhénanie, trong đó có thành phố Trêves, tương đối "cấp tiến" về kinh tế, lẫn tư tưởng hơn các miền khác của nước Đức. Mác sinh ngày 5-5-1818 trong một gia đình trưởng giả, có ông bố làm luật sư và tư tưởng rộng rãi, cởi mở, cả về học thức chính trị lẫn tôn giáo. Gia đình Mác dòng dõi Do Thái, nhưng lại chống đối truyền thống chật hẹp, giáo điều của đạo Do Thái và chủ trương một thái độ lãnh đạm trước mọi tôn giáo. Những điều đó rất tác động vào tuổi niên thiếu của Mác và dĩ nhiên cũng làm cho Mác, ngay từ thuở nhỏ đã lãnh đạm về những vấn đề tôn giáo như Mác đã nói hồi 25 tuổi: "Đạo Do Thái chỉ làm cho ta kinh tởm". Khi đề cập đến vấn đề Do Thái sau này, Mác viết: "Đừng tìm hiểu cái bí nhiệm của người Do thái trong đạo Do thái nhưng nên tìm cái bí nhiệm của đạo đó ở nơi người Do thái chính cống. Đâu là cơ sở trần gian của Đạo Do thái? Đó là sự thoả mãn những nhu cầu vật chất và sự ích kỷ. Đâu là nơi thờ phượng trần gian của người Do thái? Đó là việc buôn bán bẩn thỉu. Đâu là Thượng đế trần gian của họ? Tiền bạc. Vậy thời đại ta tự giải thoát bằng cách thoát khỏi sự buôn bán, tiền bạc, nghĩa là thoát khỏi đạo Do thái thực tiễn và cụ thể”.
Ông bố tự do, phóng khoáng bao nhiêu thì bà mẹ bảo thủ, chật hẹp bấy nhiêu. Bà mẹ của Mác là điển hình của con người trưởng giả. Về sau hầu như là bà “từ” con khi thấy Mác đi vào một con đường hoàn toàn trái ngược, phủ nhận nếp sống, lý tưởng của tầng lớp bà. Nhất là những lúc Mác túng thiếu, bà nhẫn tâm không giúp đỡ và thường phàn nàn một cách mỉa mai: “Giá nó biết kiếm được một “Tư bản” thay vì viết về “Tư bản”. Ngoài thái độ lãnh đạm về tôn giáo, ông bố còn tham gia những tổ chức khoa học, văn hoá có tinh thần rộng rãi, tự do, cởi mở, như “Hội nghiên cứu những điều ích lợi” và “Hội văn của câu lạc bộ” Heinrich Marx thỉnh thoảng cho Karl đi dự với mình những buổi sinh hoạt của hai tổ chức trên.
Karl đi trường năm 1830. Học trung bình, nhưng rất nghịch ngợm và hay làm thơ mỉa mai để đả kích những kẻ thù trong nhà trường. Đó là đặc tính mà Mác sẽ giữ mãi suốt đời tranh đấu của ông.
Ở trường Mác chịu ảnh hưởng Wyttenbach, một ông thầy rộng rãi, cởi mở, duy lý. Trong những bài luận văn làm lúc 16, 17 tuổi, Mác đã để lộ những nét chính một quan niệm về con người, về tôn giáo dựa trên một thái độ duy lý nhân bản. Đặc biệt trong bài luận về đề tài: “Suy nghĩ của một người niên thiếu trước việc chọn nghề” Mác đã viết những câu có giá trị như một lời tuyên ngôn nhân bản: “Lịch sử vẫn coi là vĩ nhân những người tranh đấu cho hạnh phúc của mọi người, kinh nghiệm cũng đã chứng minh rằng những người sung sướng hơn cả là những người làm cho nhiều người được hạnh phúc, còn tôn giáo thì dạy chúng ta biết con người lý tưởng mà ai cũng phải bắt chước, là người hy sinh cho nhân loại… Khi chúng ta đã chọn một nghề nghiệp cho chúng ta dễ dàng phục vụ nhân loại hơn cả thì những nặng nhọc không làm cho ta nản chí vì đó chỉ là những hy sinh đem lại hạnh phúc cho tất cả. Lúc đó, chúng ta sẽ không hưởng những thú vui ích kỷ, ty tiện, nhưng là một niềm vui sướng được hàng triệu người chia sẻ, những việc làm của chúng ta kéo dài mãi mãi những hậu quả của nó trong thầm lặng và những tro tàn của chúng ta sẽ được tưới bằng nước mắt nóng hổi của những người có trái tim quảng đại”.
Ở thời kỳ đó, chỉ những người “thiên tả” mới chủ trương một thứ nhân bản: Phục vụ nhân loại, tranh đấu cho hạnh phúc nhân loại. Cho nên ngay từ lúc niên thiếu Mác đã lựa chọn đứng về phe cấp tiến trong công cuộc chống lại những khuynh hướng bảo thủ, phản dân chủ.
Năm 1835, Mác đến Bonn để vào Đại học. Theo ý của ông bố, Mác ghi tên vào trường luật, nhưng vì thích văn chương, nên Mác cũng ghi tên học một vài môn bên Văn khoa. Hình như chỉ năm ở Bonn là Mác chú trọng đến việc học; Tuy nhiên không vì thế mà Mác sao nhãng những hoạt động khác. Mác gia nhập những tổ chức của sinh viên, chẳng hạn “Câu lạc bộ quán rượu” chỉ có mục đích du hí (uống rượu, nhảy, đánh lộn). Một lần Mác và đồng bọn bị cảnh sát bắt giam vì uống rượu say và phá rối trật tự ban đêm. Hoặc vào “Câu lạc bộ của thi sĩ” vì Mác vừa thích thơ, vừa thích những ý tưởng cách mạng phảng phất trong câu lạc bộ. Kỳ hè năm đó, Mác về Trêves và đính hôn một cách bí mật với Jenny Von Westphalen, người bạn gái từ lúc còn thơ ấu, thuộc một gia đình quý phái trưởng giả. Nàng là “hoa khôi” của tỉnh nhỏ, hơn Mác bốn tuổi nhưng mến phục Mác. Lòng mến phục đó đã làm cho nàng không ngần ngại từ chối một tương lai chắc chắn hạnh phúc để gắn liền cuộc đời mình vào đời một thanh niên còn bấp bênh vô định.
Quả thật, sau  này vì Mác nàng sẽ phải chịu đựng với một tinh thần nhẫn nại, hào hiệp không thể lường được bao nỗi khó khăn, cùng cực về vật chất, như không đủ tiền để mua cỗ quan chôn cất đứa con nhỏ chết vì thiếu thuốc trong thời kỳ lưu đày ở Luân đôn.
Hết hè, Mác đi Berlin để tiếp tục học Luật với ý định chỉ mong cho chóng xong để có thể lập gia đình với Jenny. Trong thời gian này, Mác vừa chú tâm học hành vừa làm thơ rất nhiều để gởi tặng Jenny!
Qua những tập thơ nhan đề “Thơ tình yêu” tặng “Jenny Von Westphalen người yêu muôn đời”, người ta thấy một Mác thanh niên 18 tuổi vừa say mê yêu đương lãng mạn, vừa pha trộn những lo lắng tư lự về cuộc đời vào những ước mơ yêu đương lãng mạn trên. Nhận định về thơ của Mác, nhà viết sử cuộc đời Mác, Mehring đã viết: thơ Mác rất dở, chẳng chú trọng gì về kỹ thuật, chỉ thấy biểu lộ một cách cuồng nhiệt những ý tứ, đôi khi đã là công thức sáo ngữ. Không phải vì Mác không có tâm hồn thơ hay không có tài làm thơ, nhưng chỉ vì khát vọng của Mác vô cùng mà thơ lại chỉ bộc lộ đến giới hạn nào, do đó mà có sự rối loạn, sự “bất thành cú” trong lời thơ.
Chẳng hạn, trong một bài nhan đề: “Tiếng hát của người thuỷ thủ”. Mác tự ví như một người đi tàu trong cơn bão táp, cố gắng vượt sóng gió cuồng loạn.
Để chống lại với sóng gió, tôi ngước nhìn lên Đấng Tối cao vạn năng, và tung cánh buồm, tôi theo vì sao hướng dẫn…”
“… Nhưng làm sao có thể ghép vào chữ chỉ là những hình thù mông lung và rung động chóng qua, cái vô biên là khát vọng của tâm hồn, như tâm hồn của em, và như tâm hồn của cả vũ trụ”…
Nhưng mơ ước yêu đương không thể làm cho quên học hành vì học hành chính là cái cầu dẫn đến chỗ thực hiện yêu đương. Lúc đầu Mác chú ý đến luật. Nhưng về sau, Mác nhận thấy “không có một hệ thống triết lý, không thể đi tới cái gì liêm chính”. Mác đâm nhào vào triết học, đọc các tác giả cổ điển, nhất là Hegel. Cuối năm 1837, Mác trở thành đồ đệ của Hegel. Do sự chú ý đến triết học, Mác có dịp làm quen với “Câu lạc bộ các tiến sĩ” (Doktorklub) là một tổ chức qui tụ nhiều sinh viên, giáo sư, trí thức để ý đến những vấn đề văn hoá, triết học. Về triết học: những ý kiến của Hegel gây ảnh hưởng hơn cả và do đó phân tán những câu lạc bộ thành hai khuynh hướng. Những người như Rutenberg, Koppen, Bruno Bauer lãnh đạo khuynh hướng “tả” và hăng hái hơn cả.
Phần đông hội viên của “Câu lạc bộ các tiến sĩ” đều (không?) lớn tuổi hơn Mác, mặc dầu Mác mới có 19 tuổi. Họ thường họp hằng ngày ở nhà một người trong nhóm hay trong các quán bên cạnh Đại Học. Lúc đầu “những vấn đề tôn giáo được đề cập nhiều hơn cả”. Thoạt tiên người ta mới chỉ trích những hình thức “huyền thoại” của Tôn giáo. Sau đó, tấn công luôn Tôn giáo mà họ coi là huyền thoại. Cuốn “Đời Giêsu”, của Strauss đả kích tận nền tảng Kitô giáo là Mặc khải, gây xúc động mãnh liệt trong xã hội còn lấy tôn giáo làm căn bản. Những hội viên của “Câu lạc bộ các tiến sĩ” trở thành vô thần và có khuynh hướng chống chính quyền quân chủ mà họ cho là dựa vào tôn giáo. Chính quyền phản ứng lại, loại trừ những phần tử cấp tiến theo Hegel chống đối trong Đại học. Bauer phải ra khỏi Đại học và nhường chỗ cho những giáo sư bảo thủ, Mác không dám nuôi hy vọng làm luận án tiến sĩ ở đại học đó nữa. Trong thời gian ở Berlin hình như Mác không viết gì ngoài trừ một vở kịch một tiểu thuyết bỏ dở và một số bài thơ nữa… Những “tác phẩm” này không có giá trị gì về mặt văn chương nhưng biểu lộ những chuyển hướng nhận thức và thay đổi tâm trạng của Mác.
Vở kịch “Oulanem” mô tả những thảm trạng do định mệnh gây ra và là một tiếng kêu chống lại định mệnh, một định mệnh không những lôi cuốn những nạn nhân của nó, mà còn cả vũ trụ vào cái phi lý, hư vô.
Mác soạn vở kịch này trong những ngày hoang mang lo lắng hầu như tuyệt vọng vì những trắc trở bấp bênh Mác gặp phải trong mối tình với Jenny. Trái lại cuốn tiểu thuyết cũng bỏ dở nhan đề là “Scorpion và Felix” nhằm châm biếm, chế diễu nếp sống trưởng giả ở Bá Linh.
Cuốn tiểu thuyết trên cũng như những tập thơ tình viết vào thời kỳ này để gửi cho Jenny không còn mang nặng tính chất lãng mạn, mà đã phản ảnh một tình tự chống đối xã hội đương thời dưới mọi hình thức, qua mọi nếp sống của nó. Mác chỉ trích thái độ chật hẹp, bảo thủ, đạo đức của trưởng giả, chống lại những khoa học chính xác như Lý Hoá, Toán học vì những bộ môn này nhìn nhận yếu tố vật chất là thực tại và giản lược mọi khía cạnh tinh thần sống động vào những công thức toán học hay những quá trình biến chuyển máy móc.
Ngày 30-3-1841, Mác được đại học Berlin cấp phát chứng chỉ mãn khoá và 6-4-1841 Mác gửi luận án tiến sĩ “Sự khác biệt giữa Triết học về Thiên nhiên của Démocrite với Epicure” đến Đại học “Iena” và được bênh vực luận án tuần sau. Mác học và thi cử xong năm 23 tuổi.