VÀI CẢM NGHĨ VỀ MỘT CUỘC ĐỜI

Người ta ít nói đến đời Mác. Nếu nghĩ rằng một người như Mác, sáng lập một chủ nghĩa đã và còn đang gây những đảo lộn lớn lao trong lịch sử chắc hẳn phải có một đời tư đặc biệt khác thường, thì thật là lầm, vì đời tư của Mác chẳng có gì đặc biệt đáng nói, hoặc có thể nói Mác không có đời tư, hiểu như là những bận tâm, lo lắng cho riêng mình về phương diện quyền lợi hay nhận thức.
Mác ít khi nghĩ đến mình, không phải vì sợ nghĩ đến mình, nên luôn luôn hiếu động, bận tâm về người khác như kiểu người “chạy trốn” để quên mình (l’homme de divertissement) bằng hành động, tranh đấu, phiêu lưu mà Pascal đã mô tả. Trái lại Mác có một bản ngã rất vững, một đời sống tinh thần rất phong phú, hoàn toàn làm chủ được mình và hiểu biết rõ rệt những mục tiêu mà mình theo đuổi.
Nhưng mục tiêu này liên quan đến những vấn đề thời đại, đến số phận nhân loại đau khổ bị áp bức và ông cũng đã cống hiến tất cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp giải phóng nhân loại đau khổ đó.
Sở dĩ Mác có thể bình tâm quên mình để chỉ nghĩ đến người khác, tranh đấu cho người khác là vì Mác đã có những lựa chọn dứt khoát và đơn giản về vấn đề liên quan đến bản thân.
Mác không không có những thắc mắc riêng tư về tình cảm hay về nhận thức, chẳng hạn hoang mang lưỡng lự không biết phải chọn quan niệm sống này quan niệm sống kia, hoặc day dứt khổ cực về những mâu thuẫn giữa các giá trị đạo đức trước những tình cảnh bi đát như sự ngộ nhận giữa các thế hệ. Mác rất ghét cả hai thái độ quá khích: thái độ đóng kịch, kênh kiệu, chững chạc, cái gì cũng coi là quan trọng, thái độ “ông cụ” và ngược lại thái độ bừa bãi, phóng khoáng chẳng coi cái gì là gì cả, thái độ kiểu nghệ sĩ không nhà, không vợ con nhất định, ăn ngủ “đầu đường xó chợ”, bất cần đời và chửi đời. Một đàng dựa trên những giá trị sai lầm, một đàng tiêu biểu cho một phẫn nộ, phản kháng cá nhân, tiêu cực, nhằm chống lại những hình thức, trật tự xã hội, nhưng chẳng giải quyết được gì, cho ai.
Ngay cả trên bình diện tranh đấu, Mác cũng rất đơn giản, dứt khoát. Ông tin rằng ông có một lý tưởng để phụng sự: lý tưởng Cộng sản, vô thần, ông đã dùng suy nghĩ, nhận thức để đi tới lý tưởng đó mà không phải trải qua những “chiến đấu” khủng hoảng tinh thần lâu dài như Engels để trở thành người vô thần, người cộng sản. Lý tưởng đó khi ông đã tìm ra, ông cũng không bao giờ thắc mắc, hoài nghi hay “thử đặt lại vấn đề”; ông tin nó đúng và sau cùng ông sẽ thắng, nghĩa là lý tưởng Cộng sản sẽ thắng. Do đó, ông chỉ thắc mắc và suy nghĩ bận tâm về phương thức thực hiện lý thuyết Cộng sản, vô thần mà thôi.
 Trên con đường tranh đấu, Mác cũng phân biệt bạn thù một cách dứt khoát, hoặc đứng về phía ông, hoặc là đứng về phía thù địch của ông. Ngay cả những người bạn đồng chí khi đã đi lệch đường, Mác cũng không ngần ngại tố cáo, đả kích, làm nhục không chút thương hại vì coi họ còn nguy hiểm cho phong trào cách mạng hơn kẻ thù thực sự là Phong kiến, Trưởng giả Tư Bản. Đối với đồng chí đã ly khai cũng như với kẻ thù, thái độ của Mác là thái độ nhằm tiêu diệt bằng châm biếm, chế riễu chua cay tàn nhẫn hay bằng lý luận đanh thép.
Mác không phân biệt người với lý thuyết để chỉ phê bình, đả kích lý tưởng, cũng không chủ trương đối thoại, tìm hiểu, chẳng hạn cố gắng giải thích quan điểm của mình mong thuyết phục được đối phương để “hiểu” họ, tha thứ cho họ, v.v...
Thái độ của Mác là một thái độ chiến tranh: ngòi bút là khí giới và viết là chiến đấu. Trong một cuộc giao tranh, bạn thù đã phân định rõ rệt. Không có vấn đề tìm hiểu hay biện hộ, mà chỉ có vấn đề làm sao diệt được đối phương, để thắng lợi như Mác đã nói: “Đối tượng của phê bình là một kẻ thù không phải để bắt bẻ về lý luận nhưng để tiêu diệt... Một phê phán như thế là một phê phán trong lúc hỗn chiến, và trong lúc hỗn chiến, vấn đề không phải là tìm xem kẻ thù là kẻ thù đúng hạng, kẻ thù cao cả hay đáng tiên, nhưng nhằm đánh nó mà thôi”.
Thái độ trên của Mác phảng phất hình ảnh con người cộng sản mà Đạo đức cách mạng đã quy định những đức tính căn bản như quên mình, để chỉ nghĩ đến lý tưởng... Trong thực tiễn, đã có nhiều lệch lạc biến người cộng sản thành một người “cứng cỏi” sắt đá về tình cảm, thành một người có đầu óc mà không tim, nhẫn tâm, vô nhân đạo, kiểu người được mô tả trong truyện “Những người khổng lồ” của Trần Duy (nhóm Nhân Văn Giai phẩm). Tình cảm cá nhân, đời tư, trong quan niệm lệch lạc của một số người cộng sản, đã trở thành những yếu hèn, tội lỗi đồng nghĩa với thoái hóa, tiểu tư sản phản động, có thể làm bạc nhược tinh thần tranh đấu, do đó phải cương quyết tiêu diệt đời tư, cá nhân, tình cảm.
Thực ra chính những người đi làm cách mạng mới giàu tình cảm nhất nhưng tình cảm thực sự không phải là cảm tình yếu ớt, lãng mạn tiêu cực.
 Đời tư chính đáng cũng không là phải phóng túng cà lơ thất thểu khinh đời kiểu nghệ sĩ, cho có vẻ “ta đây”. Mác, ngay cả lúc nghèo nàn, cơ cực ở Luân đôn, cũng vẫn cố ăn mặc tử tế, không quá chú trọng chải chuốt vẻ bề ngoài, nhưng cũng không “phớt”, bất chấp vẻ bề ngoài để cho bọn trưởng giả không thể khinh chê và coi Mác thuộc thành phần “phiến loạn xã hội”.
Mác cũng không có thái độ lúc nào cũng đăm chiêu chỉ nghĩ đến cách mạng và quan trọng hóa mọi khía cạnh đời sống trong tinh thần cách mạng “toàn diện”. Trái lại, Mác rất nhân loại, rất “người”, rất tình cảm đối với gia đình, con cái, bạn bè. Ngày chủ nhật, Mác dành cho gia đình, bạn bè để nô đùa, giải trí như những trang nhật ký của Liebknecht đã ghi lại sau đây:
Những cuộc du ngoạn ở Hampstead Heath của chúng tôi thật tuyệt, tôi có thể sống ngàn năm cũng không quên được. Mỗi chủ nhật ở H.H là nỗi vui thú nhất của chúng tôi. Trẻ con còn nhắc lại suốt tuần, cả người lớn nữa, ông già cũng như thanh niên. Đi đường đã là một hội vui rồi. Những cô gái bước thật khoẻ, không biết mệt và dẻo dai... khi đến nơi, chúng tôi tìm chỗ cắm lều, và sửa soạn mua sắm chè, bia.
“Sau khi ăn và nghỉ ngơi, chúng tôi nô đùa chạy đua, thi ném đá, vật lộn, đủ trò... và trò chơi cưỡi ngựa là thú vui nhất của chúng tôi. Biết bao chuỗi cười. Biết bao cảnh buồn cười! Mác đã vui đùa và đã làm cho chúng tôi vui đùa thế nào!...
“Trên đường về, mọi người thường hát. Rất ít khi hát những bài ca chính trị, chỉ hát những bài ca dân ca hay trữ tình... hoặc trẻ con hát những bài ca mọi rồi nhảy múa... Trong khi đi, Mác cấm không được nói đến chính trị, người ta cũng quên luôn cả những cơ cực của cảnh lưu đày. Trái lại, chúng tôi nói nhiều về nghệ thuật văn chương và Mác làm cho mọi người phục tài nhớ của Mác. Mác ngâm những đoạn dài trong tập “Hài kịch linh thiêng” (Divine Comedie) hay của Shakespeare, và bà vợ Mác, cũng là một tay mộ mến Shakespeare, thường ngâm tiếp sau Mác
”.
Trong gia đình, đối với bạn thân, Mác không phải là một người cha nghiêm khắc, nhà cách mạng toàn diện đăm chiêu, mà chỉ là một ông “nâu” (Le maure) hay ông “già đen”, một tên mà bạn bè con cái gọi để đùa trêu Mác, cũng như bà vợ, con cái của Mác đều có mỗi người một tên riêng để trêu chọc... Cái cảnh Mác vừa viết sách, trong đó toàn nói chuyện tranh đấu gắt gao, vừa làm ngựa cho con cưỡi chơi đủ chứng tỏ Mác không phải là một người chiến sĩ cách mạng chỉ có óc mà không có tim. 
°
Mác rất ghét phong kiến, Trưởng giả, Tư bản và có thái độ chiến tranh đối với ba kẻ thù trên. Lối viết bút chiến hay lập luận của Mác đầy một khí thế căm hờn và tức giận nhưng Mác nhân danh sự thực công chính mà tố cáo, tuyên chiến với Phong kiến, Trưởng giả, Tư bản như là một chế độ giả dối, bất công.
Nếu tìm hiểu những nguyên nhân, động lực sâu xa nào đã thúc đẩy Mác có thái độ thù địch với phong kiến, trưởng giả, tư bản, người ta thấy không phải những tỵ hiềm cá nhân, càng không phải căm thù giai cấp đã làm cho Mác trở thành thù địch giai cấp, trưởng giả, phong kiến. Mác không thuộc thành phần giai cấp bị bóc lột áp bức, không phải là con nông dân hay lao động vô sản bị giai cấp phong kiến, tư bản thống trị chà đạp nên căm thù và vùng lên chống đối.
Gia đình Mác thuộc giai cấp trưởng giả. Gia đình vợ Mác còn thuộc tầng lớp quí phái. Từ bé đến lớn, Mác sinh ra và sống trong một bầu không khí gia đình khá giả, tự do về tư tưởng, không bị ép buộc về giáo dục tôn giáo. Ông bố Mác là một người cởi mở, rộng rãi, lãnh đạm với tôn giáo. Tuổi trẻ của Mác không gặp một tai họa, oan ức nào của mình, hay của gia đình, trái lại Mác được ăn học, vui chơi đùa nghịch đầy đủ, có một tương lai sáng lạn “trưởng giả, hạnh phúc”, lúc bước chân vào đại học, Mác chỉ lo chóng tốt nghiệp để lấy vợ đẹp và được bổ nhiệm làm giáo sư đại học.
Do đó Mác không có:
a) Căm thù tôn giáo như trường hợp người bị một người theo tôn giáo làm nhục, ăn hiếp...
c) Căm thù xã hội (bị hắt hủi, khinh bỉ oan uổng về một chuyện gì đó).
Nhưng Mác đã từ chối tầng lớp của mình, địa vị xã hội cao tương lai “trưởng giả” mà mình có thể mơ ước.
Mác chống tư bản, Trưởng giả, Tôn giáo không phải vì một uất ức trả thù, nhưng vì một lựa chọn hoàn toàn có ý thức và tự do; thường thường người ta vùng lên tranh đấu là vì bị hoàn cảnh thúc đẩy như thể bị dồn vào chân tường, ngõ cụt, không thể có con đường nào thoát ngoài con đường làm cách mạng. Đối với những người ở trong trường hợp trên, thật ra họ không có tự do lựa chọn, vì họ bắt buộc phải lựa chọn con đường độc đạo, giải pháp duy nhất. Trái lại không có gì bắt buộc Mác từ bỏ tất cả để đi với thợ thuyền, vô sản, để lao đầu vào một tranh đấu gian khổ nguy hiểm.
Vậy Mác đã tự ý quyết định, lựa chọn đứng về phía cách mạng chống lại với tầng lớp của mình, xã hội của mình.
Chính vì thái độ chống Tư bản, Tôn giáo của Mác xuất phát từ một nhận thức, một Tự do lựa chọn, mà Mác đủ can đảm, kiên nhẫn chịu đựng tất cả những hậu quả của sự tự do lựa chọn trên. Điều đó giải thích thái độ của Mác khi bị cha mẹ lìa bỏ không giúp đỡ lúc nghèo cực lưu đầy ở Luân đôn, khi bị túng thiếu về vật chất và bị dư luận xuyên tạc, hiểu lầm, vu khống.
Trong những giờ phút đó, Mác vẫn giữ được bản ngã, sự bình tĩnh sáng suốt, niềm tin tưởng, vui tươi, hy vọng, và không giận dữ cay cú chán nản tuyệt vọng, cũng không oán ghét cha mẹ họ hàng vì biết rằng mình đã tự ý lựa chọn cuộc đời đó, cuộc tranh đấu đó. Một cuộc đời, một tranh đấu tất nhiên đưa tới những khó khăn, cùng cực gian khổ trên.
Tuy nhiên phải nhìn nhận sở dĩ Mác chịu đựng nổi những cơ cực vật chất tinh thần của một cuộc đời tranh đấu chắc hẳn một phần lớn cũng nhờ sự nâng đỡ, chia sẻ của bà vợ. Thật hiếm hoi có một hôn nhân và gia đình hòa hợp, nhất trí như của Ông bà Mác.
Bà Mác không trực tiếp tham dự vào công cuộc tranh đấu của chồng (viết lách, làm chính trị...) nhưng cũng không phải hoàn toàn không biết gì việc làm của chồng. Bà hiểu và chấp thuận lý tưởng, cuộc đời tranh đấu của chồng, và sự chấp thuận đó cũng xuất phát từ một nhận thức, một tự do chọn lựa như Mác. Bà thuộc giòng quý phái, là hoa khôi của thành phố Trêves, hơn Mác bốn tuổi, nhưng cũng có tư tưởng cấp tiến, óc xã hội, giàu lòng quảng đại; khi lấy Mác, bà tự ý từ chối giai cấp để lao vào cuộc phiêu lưu cùng với Mác. Do đó, cũng như Mác bà đã nhẫn nại chịu đựng mọi ngộ nhận cực khổ vì Mác. Giả sử Mác có một bà vợ không đồng ý với lý tưởng cộng sản, nhân danh gia đình ngăn cản Mác hoạt động, hoặc vì thương chồng, đành để cho chồng tự do hoạt động nhưng chịu đựng một cách âm thầm, không hiểu gì, thì Mác sẽ xử trí ra sao và gia đình như thế liệu có ảnh hưởng gì tới cuộc đời tranh đấu, và do đó, phong trào Cộng sản hay không?
  Ngoài ra, Mác còn có một người bạn cũng rất hiếm có trên đời này. Một người bạn thân vì đồng một lý tưởng một đường lối tranh đấu, đôi khi còn cao quý hơn cả tình vợ chồng, gia đình. Engels đã kết thân với Mác gần 40 năm trời và là bạn trung thành với Mác đến giờ phút cuối cùng. Hai người bổ túc cho nhau. Mác có vốn hiểu biết chu đáo về triết học nhưng kém về kinh tế; còn Engels lại hiểu hơn Mác về những vấn đề kinh tế, nhưng kém Mác về những vấn đề triết học; hai người cộng tác cùng bàn cùng viết chung, đôi cuốn, không còn biết ai là tác giả.
Engels cũng giúp đỡ Mác rất nhiều về tài chánh không phải một cách làm ơn, nhưng như một cách phân công. Mác không lo được về vật chất, Engels cáng đáng thay Mác để Mác có thể viết cho Phong trào cộng sản.
Trong cuộc đời tranh đấu, những lúc thất bại bị hiểu lầm, người chiến sĩ không thể không cảm thấy cô độc, đau khổ, nhất là với người cho mình là thiên tài; những lúc đó cần một người bạn đường hiểu, thông cảm, đồng ý nâng đỡ tinh thần. Engels đã là người bạn đó của Mác.
°
Một đặc điểm khác nơi con người của Mác là tác phong trí thức, lý thuyết. Mác không phải là một lãnh tụ quần chúng như Bakounine, Lénine, có tài ăn nói, thuyết phục quần chúng bằng một ngôn ngữ bình dân giản dị. Thực ra Mác không chú ý đến những con người cụ thể, tìm hiểu tâm trạng, tâm lý của họ để lôi cuốn, thuyết phục. Quần chúng cũng ít biết đến Mác. Mác là một người làm cho bạn, thù phải phục, sợ, vì trí thông minh, óc sáng suốt, tinh thần dũng cảm của Mác nhưng không hẳn được yêu mến, tôn sùng như một vĩ nhân, một lãnh tụ.
Mác rất ghét những ý tưởng rỗng, những lý thuyết suông vì không xuất phát từ thực tiễn và không gắn liền với thực tiễn. Không một phong trào tranh đấu nào nhấn mạnh vào tầm quan trọng của giác ngộ chính trị, của học tập đường lối bằng phong trào cộng sản; suốt đời Mác đã chống lại những khuynh hướng hiếu động, bạo động vô tổ chức, thiếu lãnh đạo, đường lối và luôn luôn đề cao tính cách cần thiết phải giáo dục ý thức chính trị của thợ thuyền, đảng viên. Trong "Tuyên ngôn Cộng sản" Mác không nói rõ vai trò chủ yếu của đảng cộng sản là cướp chánh quyền và nắm chính quyền nhưng nói rõ vấn đề giáo dục ý thức chính trị người thợ phải là vai trò chủ yếu của đảng. Dĩ nhiên, Mác cũng thấy cần thiết đảng phải cướp chính quyền, nhưng coi quyền bính chính trị chỉ là tạm thời vì một khi đã chấm dứt chế độ người thống trị người, thì chỉ còn người cai trị sự vật, nghĩa là không còn quyền bính chính trị nữa. Đó là một không tưởng. Sau này Lénine đã sửa lại quan niệm trên của Mác khi Lénine nhấn mạnh vai trò của nhà nước như một công cụ chính thực hiện chủ nghĩa cộng sản.
Mác là người trí thức, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của tư tưởng, lý thuyết gắn liền với thực tiễn tranh đấu, nhưng lại không coi Tư tưởng như những chân lý vĩnh cửu. Mác chống lại thái độ giáo điều coi tư tưởng như tín lý, và tranh đấu là bắt thực tại uốn nắn theo lý thuyết tín lý. Trái lại thái độ đứng đắn của người tranh đấu cách mạng là luôn luôn phân tích thực tại để rút ra một đường lối hành động từ thực tại. Thực tế biến đổi, lý thuyết biến đổi theo. Trong tinh thần đó, thái độ xét lại gắn liền với chủ nghĩa Mác vì tiêu chuẩn hành động của phong trào Cộng sản là hiệu nghiệm nếu hành động xuất phát từ những đòi hỏi của thực tại và đáp lại đúng những đòi hỏi đó.
Chính Mác đã nêu gương không bảo thủ những ý kiến, quan điểm của mình khi thấy chúng không còn phản ảnh thực tại. Lúc đó ý kiến, quan điểm trở thành những thiên kiến và phải can đảm gạt bỏ đi. Chẳng hạn Mác thường có nhiều ác cảm với Nga, đánh giá thấp khả năng cách mạng của những phong trào tranh đấu Nga, và của giai cấp nông dân Nga; nhưng về cuối đời, Mác thấy những khó khăn của phong trào Cộng sản ở những nước kỹ nghệ, đồng thời nhận ra những khả năng cách mạng của các đảng xã hội Nga, Mác không ngần ngại duyệt lại quan điểm cách mạng vô sản của mình, không tất nhiên phải trải qua giai đoạn tư bản kỹ nghệ và do thợ thuyền lãnh đạo, mà có thể bùng nổ ở một nước bán phong kiến, do tầng lớp nông dân lãnh đạo. Mác đã già, kiệt sức, nhưng cũng bắt đầu học tiếng Nga, để có thể đọc những sách vở báo cáo liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của nước Nga dưới chế độ quân chủ, Mác đã thu lượm được rất nhiều tài liệu, ghi chú để viết về nước Nga, nhưng Mác đã mất trước khi tận dụng được những tài liệu đó.
  Cho nên, có thể nói trong tinh thần của Mác, chủ nghĩa Mác thiết yếu là một chủ nghĩa xét lại, hiểu như một đòi hỏi luôn luôn phải đối chiếu lý thuyết với thực tế.
Và trong viễn tưởng đó, giả sử Mác còn sống thì sẽ nghĩ thế nào và sẽ có thái độ như thế nào về những vấn đề của thế giới hiện đại, những vấn đề chưa đặt ra, trong thời Mác. Vấn đề những nước chậm tiến, vấn đề bom nguyên tử và chung sống hòa bình, thuyết phân tâm học, Teilhard de Chardin, Cộng đồng Vatican II v.v...
Chắc hẳn Mác sẽ không ngần ngại duyệt lại chẳng hạn thái độ vô thần, hay chủ nghĩa duy vật, căn cứ vào những kiến thức phổ quát khoa học và trí thức hiện đại đã thu lượm được, hoặc căn cứ vào những dữ kiện khách quan của hoàn cảnh lịch sử thế giới ngay nay.
Nếu dùng một trong những khái niệm của ngôn ngữ hiện đại để phân tích nhận thức, là khái niệm huyền thoại, có thể nói chủ nghĩa Mác là một nỗ lực lớn lao phê phán triệt để mọi huyền thoại ảo tưởng để trở về với thực tại, nhưng phải chăng chính nỗ lực phê phán đó cũng là một thứ huyền thoại hoặc sinh ra những huyền thoại khác?[1]
Dù sao, có thể nói Mác sẽ duyệt lại chủ nghĩa Mác và sự xét lại đó có thể không phù hợp với quan điểm chính thức và chính thống của các chính quyền cộng sản, do đó Mác có thể sẽ bị kết án theo chủ nghĩa xét lại hiểu như một “phản bội” chủ nghĩa Mác chính thống và rút cục Mác có thể bị loại ra khỏi đảng cộng sản và dưới thời Staline, chắc chắn sẽ bị đày đi Siberie.
Nhưng may mắn là Mác không thể sống lại được và chỉ có những người theo tinh thần Mác để xét lại như Mác có thể làm, bị kết án, tù đày...
Tuy nhiên, Staline vẫn nhân danh Mác để kết án, tù đày, và gây biết bao tội ác; hoặc nói rộng hơn nữa, những cuộc cách mạng mác-xít cũng đã nhân danh Mác gây biết bao lỗi lầm, tội ác...
Phải chăng Mác trách nhiệm những lỗi lầm đó? Nếu đổ tội cho Mác phải trách nhiệm tất cả những lỗi lầm, tội ác bạo động của phong trào Cộng sản, thì cũng có thể đổ tội cho Đức Kitô phải trách nhiệm những tàn bạo tội ác bạo động mà giáo hội Thiên chúa giáo đã làm trong lịch sử (thời Inquisition, Croisade v.v...)
Nhưng như Kitô giáo vượt qua những lỗi lầm, bạo động lịch sử, đã đem lại một vài đòi hỏi căn bản, đã và vẫn còn là những giá trị chi phối văn minh Tây phương, chủ nghĩa Mác và phong trào cộng sản, vượt qua những lỗi lầm, bạo động lịch sử, đã và còn đang là một đóng góp tích cực vào công cuộc chống bất công xã hội để thiết lập một xã hội công bình hơn... Ngay cả những người muốn chống cộng triệt để và do đó phủ nhận sự đóng góp tích cực, ít ra cũng phải nhận sự đóng góp tiêu cực của cộng sản trong công cuộc trên. Nếu xã hội tư bản ngày nay có đỡ “dã man, vô nhân đạo” hơn, ít ra ở các nước tư bản Tây phương[2] nếu nó có cải tổ khá hơn thời Mác, thì là vì bị bó buộc phải cải tổ, do sự có mặt sự tranh đấu của cộng sản. Cộng sản là một sự tố cáo liên tục, một ý thức khốn cực của trưởng giả (mauvaise conscience). Không thể yên lương tâm để bóc lột đàn áp một cách ý thức hay vô tình.
Cộng sản cũng là một áp lực càng ngày càng mạnh buộc Tư bản phải nhượng bộ, cải tạo. Sự tố cáo của cộng sản buộc ngay cả những thế lực tôn giáo chống đối, như Thiên chúa giáo phải thức tỉnh, xét lại đồng thời cũng đi vào con đường tố cáo tư bản dù với những chiều hướng khác. Chữ tư bản, trưởng giả trở thành xấu và ngay cả người tư bản, trưởng giả cũng không muốn nhận mình là tư bản, trưởng giả. Vậy giả sử không có cộng sản, cái gì sẽ cầm chân sự thao túng của tư bản?
Riêng đối với con người Mác thật khó mà kết án được Mác, ngay cả những điều mà ta cho là Mác sai lầm; vì một đàng Mác không hề bám víu vào những tư tưởng của mình khi biết chắc là sai lầm; ai cũng có thể sai lầm, nên chỉ có người cố chấp, không chịu nhận sai lầm mới đáng trách. Vậy làm sao ta có thể trách móc một người khi người đó sẵn sàng sửa chữa những sai lầm của mình. Hơn nữa, càng khó trách móc khi những nhận định sai lầm đều bắt nguồn từ một dự phóng nền tảng: Giải phóng con người nghĩa là từ một ý hướng đạo đức cao cả. Không ai có thể cho rằng Mác chỉ nói mồm những lý tưởng cao cả; khi đọc qua đời Mác phải nhìn nhận Mác là một người trí thức “dấn thân” thực sự, nói theo ngôn ngữ hiện đại không phải chỉ bằng ngòi bút kiểu Sartre, Camus nhưng bằng cách từ chối cả cuộc đời trưởng giả địa vị cao sang của mình, để làm người vô sản giữa những vô sản kiểu các “linh mục thợ” hay Simone Weil, nữ thạc sĩ triết học từ bỏ nghề dạy học vào xưởng thợ như mọi người thợ khác, và sống cuộc đời của họ. Một điểm đặc biệt của cuộc đời vô sản, không hẳn là những thiếu thốn vật chất mà là tính cách bất an thường xuyên, vì không có gì đảm bảo cho một ngày mai luôn luôn là vô định, như một nhà viết tiểu sử Mác đã nhận xét “Mác đã chia sẻ số phận của người vô sản hiện đại, không những trong cảnh nghèo túng đời sống hằng ngày mà còn cả trong tình trạng bất an hoàn toàn của cả cuộc đời.” (Franz Mehring).
Người ta có thể không đồng ý với quan niệm nọ chủ trương kia của Mác, nhưng đứng trước một con người, một cuộc đời như cuộc đời của Mác, làm sao có thể không cảm phục được?. 
Chú thích:
[1] Sẽ nói tới trong phần II
[2] Ở các nước chậm tiến, chế độ đế quốc, thực dân kiểu mới vẫn không kém phần dã man, chỉ tinh vi và ít lộ liễu hơn thôi.