Dịch giả: Huy Tưởng
Chương 4
Vườn rau cần

Tôi đã nói một vài điều về việc viết truyện ngắn này trong "Tuyên ngôn của một nhà văn", rồi độc giả sẽ thấy trong tập truyện này, nhưng có lẽ tôi cũng nên nói thêm vài lời. Trong đời người ta, ai lại chả có lúc làm bậy, hoặc việc mình cho là bậy, hoặc xã hội lên án là bậy, và chắc chắn là bất cứ một thằng nhỏ nào ở bất cứ nơi đâu mà lại không từng ăn cắp vặt một cái gì đó. Thằng bé trong truyện này ăn cắp một cái búa của một cửa tiệm. bây giờ, đó không phải là cái đáng giá để ăn cắp. Dĩ nhiên nó không phải là tiền. nhưng nó cũng là một cái gì vậy chứ. Và truyện ít ra cũng nói được một tí về những gì thực sự xảy ra khi nó ăn cắp cái búa, kho nó bị tóm cổ, và những gì sau đó. Luận điệu là, có cái thiện như mọi sự mọi nơi, nếu thực sự có.
 
Một ngày tháng tám, Al Condraj đi lang thang qua tiệm Woolwoth, trong túi chẳng còn lấy một xu để tiêu thì nó thấy một cái búa nhỏ, không phải là đồ chơi, nhưng là một cái búa thật mà nó vẫn hằng mong mỏi có. Nó tin rằng đó đúng là cái nó cần để đập vỡ nỗi buồn tẻ và có thể dùng để làm một cái gì đó. Nó đã nhặt được một ít đinh loại thượng hạng của nhà máy đồ hộp Foly, nơi những người thợ làm việc và họ đã vô ý đánh rơi, ít ra cũng đáng giá mười lăm xu. Nó sung sướng  nhặt nhạnh từng cái một, bởi vì đối với nó, một cái đinh như vậy không phải là một cái gì đáng để phí phạm. Số đinh, có lẽ phải đến nửa cân, cỡ chừng hai trăm cái chứ đâu phải ít, đựng trong cái bao giấy hộp táo cất đồ cũ ở nhà.
Giờ đây với cái búa đáng giá mười lăm xu này, nó tin chắc rằng với mớ đinh đó, có thể làm cái gì bằng gỗ hộp, mặc dù chưa biết sẽ là cái gì. Có thể là một cái bàn hoặc một cái bảng nhỏ gì đó cũng nên.
Có sao đi nữa thì nó vẫn lấy cái búa và nhét vào túi áo khoác, nhưng ngay khi ấy, một người nắm chặt lấy tay nó, chẳng nói chẳng rằng một lời, đẩy nó ra sau tiệm, vào một căn phòng nhỏ. Một người khác, già hơn ngồi sau bàn giấy trong văn phòng, ngổn ngang những giấy tờ các thứ. Tên bắt nó, trẻ hơn, giận lắm và trán vã đầy mồ hôi.
Anh ta nói, Hừ, lại một thằng cóc nhái nữa.
Người ngồi sau bàn giấy đứng dậy và nhìn Al Condraj từ đầu đến chân.
Nó chớp cái gì vậy?
Một cái búa, người thanh niên giận dữ nhìn Al, Anh ta nói. Đưa nó lại đây.
Thằng bé lấy cái búa ra khỏi túi và đưa nó cho người thanh niên, anh ta nói, Tao nện cái búa này lên đầu mày, đáng ra tao phải làm như vậy đấy.
Anh ta quay về phía người già, ông chủ tiệm, và nói, Ông muốn tôi phải xử nó ra sao đây?
Người già nói, Để nó đó cho tôi.
Người thanh niên bước ra khỏi căn phòng, và người già ngồi xuống, tiếp tục làm việc như chưa hề có gì xảy ra. Al Condraj đứng như thế trong mười lăm phút người già mới ngẩng lên nhìn nó lần nữa.
Ông hỏi, sao hả?
Al không biết nói gì cả. Ông kia không nhìn nó, ông nhìn ra phía cửa sổ.
Cuối cùng Al nói, Cháu không muốn ăn cắp. Chả là vì cháu cần nó chút đỉnh và cháu lại không có tiền.
Ông kia nói, Chỉ vì không có tiền, đâu có nghĩa là mày có quyền ăn cắp. Nào, có phải vậy không?
Dạ, phải ạ.
Ờ, phải làm gì với mày đây? Giao cho cảnh sát nhá?
Al không nói gì cả, nhưng chắc chắn nó không muốn mình bị giao cho cảnh sát tí nào. Nó ghét người này, nhưng đồng thời nó cũng hiểu rằng, là một ai khác chắc còn bất nhân hơn ông già này nhiều.
Nếu để mày đi, mày có hứa là không bao giờ còn ăn cắp ở tiệm này nữa không?
Dạ, cháu xin hứa.
Ông kia nói, Được rồi, đi ra lối này và nhớ đừng lai vãng đến tiệm này cho đến khi nào mày có chút tiền rủng rỉnh.
Ông mở cửa phòng lớn dẫn ra đường, và Al Condraj vội vã ra phòng rồi chạy biến ra giữa đám đông.
Việc đầu tiên nó làm khi được tự do là, cười, nhưng nó biết rằng nó đã bị sỉ nhục ghê gớm và nó thấy xấu hổ. Nó đâu có cái thói chôm chỉa, cầm nhầm đồ đạc chẳng phải của mình. Nó hận cái gã thộp cổ nó và cũng không ưa gì cái bản mặt ông chủ tiệm đã hành hạ nó đứng như trời trồng. Ôi! Nó cay đắng xiết bao với cái giọng của người thanh niên khi nói rằng anh ta muốn nện cái búa lên đầu nó.
Lẽ ra anh ta cần có can đảm nhìn thẳng vào mặt nó mà nói, Mày chứ còn ai nữa?
Dĩ nhiên nó đã ăn cắp cái búa và đã bị tóm tại trận, nhưng nó cảm thấy người ta không nên làm nhục nó quá vậy.
Sau khi đi bộ qua ba dãy phố, nó quyết định không về nhà ngay, nó quay lại và bắt đầu xuống phố. Nó hầu như tin rằng nó cố ý trở lại và nói một cái gì đó với người thanh niên đã túm áo nó. Rồi nó lại không chắc rằng nó không có ý định trở lại để ăn cắp cái búa lần nữa, và lần này sẽ không để cho bị bắt. Dù sao, người ta đã làm cho nó cảm thấy mình như một tên trộm, thì ít ra nó cũng phải ăn trộm cho được cái búa chớ. Giận thật!
Nói thì nói vậy chứ khi vừa bước chân đến bên ngoài cửa tiệm, nó mất bình tĩnh ra mặt. Nó đứng lóng ngóng ngoài đường, nhìn vào, ít ra cũng đến mười phút.
Rồi thì, đã bị giày vò, lại bối rối và bây giờ lại tự hổ thẹn chua chát, trước nhất vì đã ăn cắp một cái gì, rồi bị bắt quả tang, rồi  bị làm nhục, rồi vì không đủ can đảm để trở lại ăn cắp cho bằng được, nó lại bắt đầu tản bộ về nhà, tâm thần bấn loạn đến nỗi nó chẳng thèm chào thằng bạn Pete Wawchek khi hai đứa đối mặt ngoài tiệm Graf.
Về tới nhà, nó quá xấu hổ đến không dám vào xem xét mớ đồ cũ của nó, nên nó uống nước thật lâu ở vòi nước ngoài sân sau. Vòi nước được mẹ nó dùng để tưới rau cỏ các loại, nào bắp cầy, tiêu, cà chua, dưa chuột, hành tỏi, bạc hà, bí và cần.
Mẹ nó gọi cả công nghiệp này là vườn rau cần, và mỗi đêm hè bà thường mang ghế ra đặt quanh cái bàn mà bà đã nhờ Ondro, bác hàng xóm khéo tay, làm giúp cho với giá mười lăm xu, và bà ngồi ở bàn để tận hưởng cái dịu mát của khu vườn cùng hít thở cái mùi ngan ngát của cây lá do chính tay bà trông nom chăm chút.
Đôi khi bà còn trộn sa lách và phết một lớp pho mát trắng mỏng lên thứ bánh dẹt của nhà quê, rồi bà cùng Al ăn cơm chiều ngay trong vườn rau cần. Cơm nước xong, bà lại gắn vòi vào máy nước và tưới cây. Khu vườn trở nên mát mẻ hơn lúc nào hết và, thật là thơm tâm hồn, thật là tươi tắn xanh tốt. Nhiều loại cây khác nhau khiến khu vườn như đầy sinh khí của cây cỏ, của không khí và của hơi nước.
Sau khi uống một hơi nước dài, nó ngồi xuống nơi ngay chỗ rau cần mọc. Nó nhổ lên một nắm và nhai lai rai. Rồi bình tĩnh vào nhà và kể cho mẹ nó nghe chuyện đã xảy ra. Nó còn kể cho mẹ nó nghe cả việc nó định làm sau khi được thả, trở lại ăn cắp cái búa cho bằng được lần nữa.
Mẹ nó nói bằng thứ tiếng Anh tồi, tao không muốn mày ăn cắp. Này, mươi xu đây. Mày hãy trở lại với họ, đưa họ tiền và mua cái búa đó về.
Al Condraj nói, Không, con không lấy tiền của mẹ vì một cái mà thật ra con cũng chưa cần lắm. Chả là con nghĩ con nên có một cái búa để có thể làm một cái gì nếu con thấy thích. Con có một ít đinh, một ít gỗ hộp, mà lại thiếu cái búa, thế thôi.
Mẹ nó nói, Đi mua cái búa ấy đi.
Al nói, Không.
Mẹ nó nói, Cũng được, câm đi.
Bà luôn luôn nói vậy khi bà không biết nói gì khác.
Al ra ngoài ngồi trên bậc thềm. Cái việc bị nhục bây giờ mới thực sự làm  tổn thương nó. Nó  bỏ đi thẩn thơ dọc theo đường xe lửa, đến tiệm Foley, xem Johnny Gales đóng đinh hộp trong mười phút, nhưng Johnny bận quá không buồn để ý hay chuyện trò với nó, mặc dù một hôm ở lớp chủ nhật, hai hoặc ba năm trước đây, Johnny đã chào nó  và nói "Mạnh giỏi không nhỏ?" Johnny làm việc nhanh nhẹn với một cái rìu be bé dễ thương và mọi người ở Fresno cho rằng hắn là một tay đóng hộp vô địch trong tỉnh. Hắn là một cái gì gần như là một cái máy nhất mà bất cứ nhà đóng hộp nào từng thấy. Chính Foley cũng rất hãnh diện về Johnny Gale
Cuối cùng, Al Condraj lại cũng lãng đãng đi về nhà vì nó không muốn bị quấy rầy. nó không muốn một người đang cặm cụi làm việc nhận thấy rằng mình đang bị nhòm ngó và không chừng lại càu nhàu "Ê bố, xéo chỗ khác chơi giùm con". Nó không muốn Johnny Gale giở cái giọng kiểu cha nội như vậy. nó không muốn rước thêm mối nhục nào nữa.
Trên đường về, nó tìm cách moi ra tiền nhưng chỉ thấy toàn những miếng kính vỡ, những chiếc đinh hoen gỉ ngán ngẩm, toàn cái thứ chỉ chờ chút sơ hở là có thể cứa đứt chân trần ta ngay.
Về đến nhà mẹ nó đã trộn xà lách ra bàn, nó ngồi xuống ăn, nhưng khi đút đồ ăn vào miệng, nó không sao nuốt cho trôi. Xong, nó đứng dậy đi vào buồng, lấy cái hộp táo trong góc ra và sục sạo mớ đồ cũ. Tất cả đều còn đó, y chang ngày trước.
Nó lêu bêu trở lại thành phố, tần ngần trước cửa tiệm đã đóng, vẫn căm hận người thanh niên đã bắt nó, rồi đi lai rai đến trường đua và xem hình quảng cáo hai phim chiếu ngày hôm đó.
Rồi nó lại tiếp tục thả bộ đến thư viện, xem qua loa mấy cuốn sách, nhưng nó chả thích được cuốn nào, nên lại lất phất quanh thành phố thêm chút nữa, rồi vào khoảng tám giờ rưỡi tối, nó về nhà. Ngủ.
Mẹ nó ngủ sớm hơn vì ngày mai bà phải dậy lúc năm giờ để đi làm cho hãng Inderrieden, đóng hộp trái vả. Có hôm thì làm cả hai buổi, có hôm chỉ nửa ngày, nhưng dù bất cứ việc gì chăng nữa thì tiền bà kiếm được trong mùa hè cũng tằn tiện cho hai mẹ con suốt cả năm.
Đêm đó nó không ngủ được nhiều vì không sao dứt khoát được với những gì đã xảy ra, nó lan man nghĩ ra năm bảy cách để giải quyết vấn đề cho ổn. Thậm chí, nó còn tin là cần thiết phải giết người thanh niên đã bắt nó. Nó cũng tin là cần phải ăn cắp có hệ thống và kết quả suốt cả đời. Đêm đó nóng và nó không sao chợp mắt cho được.
Nửa khuya, mẹ nó thức dậy và đi chân đất xuống bếp để uống nước. Lúc trở lên bà nói khẽ với nó, Câm đi.
Vào năm giờ sáng khi bà thức giấc thì Al đã đi khỏi, nhưng việc đó đã xảy ra nhiều lần trước đây. Nó là một thằng táy máy, và cứ như một thói quen, mùa hè là nó chạy rông suốt ngày. Nó làm bậy và phải rước lấy hậu quả. Vừa rồi nó định ăn cắp rồi bị bắt quả tang, và nó bực dọc. Bà mẹ dọn đồ ăn sáng, gói thêm phần trưa rồi vội vã ra đi, hy vọng bữa đó sẽ làm việc trọn ngày.
Hôm đó được làm trọn ngày thật, lại thêm giờ phụ trội nữa, cho dù chẳng còn đồ ăn đem theo, dẫu sao bà vẫn nhất định làm vì số tiền phụ trội đó. Hầu như tất cả những thợ gói khác cũng đều ở lại, và cả bà láng giềng Leeza Ahboot, đang làm việc cạnh bà, nói, Tụi mình làm cho đến khi hết cả việc, rồi về nhà dọn cơm tối ra ăn trong vườn rau cần nhà chị, mát tuyệt. Hôm nay trời nóng quá mà không kiếm thêm năm hay sáu mươi xu thì vô lý hết sức.
Khi hai người đàn bà về đến khu vườn thì đã gần chín giờ, nhưng trời vẫn còn mờ mờ sáng và bà thấy con trai của bà đang hì hục đóng những tấm ván hộp vào với nhau để làm một cái gì đó với một cái búa. Trông giông giống một cái ghế. Nó đã tưới vườn và dọn dẹp sạch sẽ cả sân nữa, khu vườn thêm vẻ xinh xắn, còn thằng con của bà thì đầy vẻ nghiêm trọng và bận bịu. Bà và bà Leeza vào làm cơm chiều ngay, họ hái ớt, xẻ cà chua, dưa chuột và nhiều rau cần để trộn xà lách.
Đoạn bà Leeza về nhà lấy thêm bánh mì đã nướng hôm qua, thêm một ít pho mát trắng. Và vài phút sau họ dùng cơm chiều với nhau, chuyện trò rôm rả về cái ngày thành công vừa rồi của họ. Cơm xong, họ nấu cà phê Thổ Nhĩ Kỳ trên một ngọn lửa đốt ngoài sân. Họ nhấm nháp cà phê, hút thuốc và kể cho nhau nghe những câu chuyện cùng trao đổi vài kinh nghiệm của họ ở quê nhà và ở Fresno đây, đoạn họ nhìn vào tận đáy tách để xem coi có điều gì may mắn không, và có: sức khoẻ, việc làm, cơm tối ngoài trời vào mùa hè và đủ tiền tiêu suốt năm.
Al Condraj loay hoay làm việc và nghe lỏm một vài chuyện họ bàn thảo, đoạn bà Leeza về nhà để ngủ, xong mẹ nó quay sang hỏi, Mày lấy cái búa đó ở đâu vậy, Al?
Con lấy ở tiệm.
Mày lấy bằng cách nào? Bộ ăn cắp nữa hả?
Al Condraj đóng xong ghế, ngồi lên. Không, nó nói, Con không ăn cắp.
Thế mày lấy bằng cách nào?
 Al nói, Con làm việc ở tiệm để đổi lấy nó.
Cái tiệm mà hôm qua mày lấy cắp ấy à?
Vâng.
Ai cho mày việc làm?
Ông chủ.
Mày làm những gì?
Con khiêng các món hàng đến các quầy.
Bà mẹ nói, Ờ thế thì hay đấy. Thế mày phải làm bao lâu để đổi lấy cái búa nhỏ này?
Al nói, con làm cả ngày. Con mới làm được một giờ thì ông Clemmer cho con cái búa, nhưng con cứ tiếp tục làm việc.  Cái anh bắt con hôm qua chỉ cho con việc phải làm, và tụi con làm chung. Tụi con không nói chuyện, nhưng tối đến anh ta đưa con đến văn phòng ông Clemmer và bảo với ổng là con đã làm việc chăm chỉ suốt ngày và phải được trả ít nhất là một đồng.
Bà mẹ nói, Hay! Hay đấy.
Thế là ông Clemmer đặt một đồng bạc lên bàn cho con, đoạn cái anh bắt con hôm qua bảo với ông chủ là tiệm cần một thằng bé như con mỗi ngày, một đồng một ngày, và ông Clemmer nói con có thể nhận việc đó.
Bà mẹ nói, hay quá, vậy là mày có thể kiếm được tiền cho chính mình.
Al Condraj lại nói, Con để đồng bạc lại trên bàn ông Clemmer, và con bảo với cả hai người là con không muốn làm việc đó.
Bà mẹ nói, Sao mày lại nói vậy? Một đồng mỗi ngày cho một thằng bé mười tuổi là khá quá đấy chứ. Sao may khờ quá vậy con?
Thằng bé nói, Vì con ghé cả hai người họ. Không bao giờ con đi làm cho những người như vậy. Con chỉ nhìn họ rồi nhặt cái búa của con lên và, đi ra. Con về nhà và đóng cái ghế này.
Mẹ nó nói, Được rồi, Câm đi.
Mẹ nó vào nhà đi ngủ, nhưng Al Condraj nấn ná ngồi lại trên cái ghế mà nó vừa mới đóng xong, thưởng thức hương thơm vườn rau cần và không còn thấy nhục nhã nữa.
Nhưng không  gì ngăn nó căm ghét hai người kia được, cho dù nó vẫn biết rằng họ không có cách gì hành động khác hơn.