Chương Năm

Văn nghệ sĩ và ký giả di cư đã làm sinh động cái không khí văn nghệ, báo chí Sài gòn. Hai nhật báo Tự Do của nhóm Tam Lang, Mặc Đỗ, Đinh Hùng, Như Phong, Mặc Thu và Dân Chủ của Vũ Ngọc Các thể hiện rõ phong cách của báo có chính kiến rõ rệt. Hai báo này quy tụ những nhà báo bậc thầy. Nội dung và hình thức của nó khác hẳn nội dung và hình thức nhật báo do người Sài gòn chủ biên. Lối viết phiếm luận của Tam Lang (Vũ Đình Chí) và Ba Vui (Trọng Lang Trần Tán Cửu) hấp dẫn các cây viết phiếm luận miền Nam. Người ta bắt đầu nghĩ tới nghệ thuật chơi chữ và bút pháp sâu sắc của danh sĩ miền Bắc. Về lãnh vực ca hát, các ca sĩ Sài gòn cũng học tập cách hát theo đúng giọng ca sĩ Hà nội, ngoại trừ nữ ca sĩ Ngọc Hà và nam ca sĩ Trọng Nghĩa. Về lãnh vực ăn mặc, nữ sinh Gia Long cố gắng đuổi theo cách ăn mặc của nữ sinh Trưng Vương. Sau này thì tiến vọt. Đường phố Sài gòn bớt các công tử diện py dza ma, quần ống túm thắt lưng trệ quá rốn. Có thể nói, cuộc di cư năm 1954 của dân Hà nọi đã làm thăng hoa văn hóa đất mới miền Nam. Tuy nhiên, về lãnh vực chính trị lại chẳng lấy gì làm đẹp đẽ cho lắm. Một số trí thức, sinh viên thân Pháp và thân cộng đã công khai chống dân di cư. Theo họ, đất nước hòa bình, độc lập, người miền Bắc nên ở lại miền Bắc tự do, dân chủ.
Sự xung đột giữa trí thức, sinh viên thân cộng Sài gòn và trí thức, sinh viên Hà Nội di cư, khởi sự bằng những khẩu hiệu đuổi dân di cư viết tiếng Pháp và tiếng Việt trên mặt đại lộ Norodom, rồi bằng những cuộc diễn thuyết chống cộng và thách thức những kẻ thân cộng trong rạp hát Norodom. Tiếng nói của sinh viên di cư là tờ Lửa Việt. Tờ báo chiến đấu này gồm những cây bút đã tạm cư ở trường Gia Long, được dời về sống dưới những lều vải căng tại một khoảng sân Khám Lớn bị san bằng vào ngày tổng khởi nghĩa 19-8-1945. Những cây bút đầy lửa của Lửa Việt: Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Sĩ Tế, Minh Đạo, Trần Thanh Hiệp. Lửa Việt được sự ủng hộ tinh thần của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, chủ biên tuần báo danh tiếng Đời Mới của Trần Văn Ân.
Tôi không quan tâm tới sự xung đột chính trị. Cũng chẳng thèm chú ý “âm mưu phản loạn” của tướng Nguyễn Văn Hinh, tướng Lê Văn Viễn, tướng Lê Quang Vinh … Tôi nằm ở chuồng cu Nhà Hát Tây đọc báo văn nghệ. Tôi thấy văn nghệ di cư có hai khuynh hướng: khuynh hướng tố cộng và khuynh hướng hoài hương. Thi sĩ nhớ quê dữ dội lắm. Sát cánh bên thi sĩ là các nhạc sĩ. Ông nào ông nấy hì hục khiêng đất lấp sông Bến Hải đòi nối lại đôi bờ để mau chạy về gặp người em cũ se tình xưa. Đề tài sáng tác tiền di cư là quê hương khói lửa. Đề tài sáng tác hậu di cư là quê hương chia cắt. Nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ em, nhớ anh, nhớ người yêu, nhớ ông nội bà ngoại, nhớ ruộng vườn, ao chuôm cứ loạn cào cào. Một đề tài phong phú cho các thi sĩ mầm non. Như tôi. Mái xùy mạnh, tôi phải nghiên cứu các nỗi nhớ để tổng hợp một quả nặng nề.
Đầu tiên là nỗi nhớ mẹ giao duyên thơ nhạc giữa thi sĩ Thái Thủy và nhạc sĩ Nguyễn Hiền:
Mẹ ơi thôi đừng khóc nữa
Cho lòng già nặng sầu thương
Con đi say tình viễn xứ
Đâu có quên tình cố hương
Thương ngóng về quê cũ
Gót thù xéo thảm thê
Bầy trai thầm rơi lệ
Súng gươm hẹn mai về
Con về tầm đẹp lứa
Mẹ cười vun khóm dâu
Mái tranh nghèo vươn khói
Vườn thơm ngát hương cau
Mẹ ơi thôi đừng khóc nữa
Cho lòng già nặng sầu thương
Con đi say tình viễn xứ
Đâu có quên tình cố hương
Vẫn thi sĩ Thái Thủy và nhạc sĩ Nguyễn Hiền giao duyên nỗi nhớ em:
Tôi có người em nhỏ
Xanh xanh đôi hàng mi
Môi hồng vừa đương độ
Chưa biết sầu biệt ly
Ngày tôi đi vàng nắng
Nghiêng nghiêng một hàng cau
Mai ta nhìn mây trắng
Gửi lời về thương nhau
Chiều nay buồn viễn xứ
Nhớ người em gái xưa
Tôi thấy chân trời cũ
Dăng dăng một hàng mưa
Mơ về đôi môi thắm
Cười ngày tôi lên đường
Quê ta chừng xa lắm
Giờ em có mến thương
Tôi có người em nhỏ
Xanh xanh đôi hàng mi
Môi hồng vừa đương độ
Đã biết sầu biệt ly
Hai ông Thái Thủy và Nguyễn Hiền phải cám ơn tôi đã ngưỡng mộ hai nỗi nhớ đến thuộc lòng. Tôi nghĩ, ngoài tôi, ít ai có thể nhớ thơ nhạc hai ông này mà ghi lên giấy. Nhắc tới sông Bến Hải thì có nhạc sĩ Nhật Bằng:
Người ơi nước Nam của người Việt Nam
Vì đâu oán tranh để lòng nát tan
Đây Bến Hải° là nơi ngăn cách đôi tình
Đứng lên tìm chốn yên vui thanh bình
Người ơi sống chi cuộc đời thương đau
Về đây áo cơm đùm bọc lấy nhau …
“Hướng về miền Bắc” có nhạc sĩ Phó Quốc Thăng. “Giấc mơ hồi hương” có nhạc sĩ Vũ Thành. Em Hà nôi, em Hải phòng réo rắt. “Hận ly hương” có nhạc sĩ Anh Hoa. Ái chà, phong trào hoài hương trăm hoa đua nở. Nhạc sĩ miền Nam Lam Phương cũng “sầu cố đô”:
Buồn nhìn về xa xôi
Hà nội ơi đã xa mất rồi
Mịt mùng ngàn trùng khơi
Thành phố cũ khuất sau núi đồi …
Lấy đấu mà đong không hết nỗi nhớ quê hương trong thi ca, âm nhạc hậu di cư. Công viên, ghế đá, năm cửa ô, dòng sông, khe suối và những lời thề giải phóng sát khí đằng đằng đều có chỗ định cư tốt, “oeo phe” cao ở ba tiểu bang Thi ca, Âm nhạc và Tùy bút. Nhớ mãi đâm nhàn, nhạc sĩ Trọng Khương sách động thanh niên yêu nước “Về miền Nam”:
Đứng vùng lên nào bao thanh niên yêu nước
Hướng về đây miền Nam quê hương nắng ấm
Theo gót chân người xưa
Ta bước trên đường đi
Bao nắng mưa sương gió nào ngại chi
Ông “Bánh xe lãng tử” quên béng mất di cư tự do, có ai cần đứng vùng lên đâu, di cư bằng tầu bay, tầu thủy chả bị nắng mưa sương gió gì sốt cả. Ông Phó Quốc Thăng kêu gọi “Dựng một mùa hoa”. Nói thật, hàng trăm bài hát hoài hương 1954 không địch nổi một Chiều quê của Hoàng Quý 1940, một Tình quê hương của Việt Lang 1948. Tình hoài hương của Phạm Duy và Xuân tha hương của Phạm Đình Chương không nằm trong “thơ nhạc mùa nhớ nhà”. Tôi đã đọc bài thơ của Lan Sơn, thi sĩ tiền chiến, diễn tả cảnh chạy giặc, bỏ quê ra đi tản cư thật cảm xúc. Bài thơ nhan đề Giàn thiên lý.
Mỗi khi mơ lại bờ thương cũ
Lòng nhớ quê hương vạn dặm dài
Có một mùa xưa hoa rỡn lá
Trĩu cành thiên lý góc vườn ai
Thiên lý giang sơn khuất bóng cây
Giàn hoa lạc chủ cánh hoa gầy
Trồng hoa giữa lúc quần thù tới
Duyên với hoa chưa đậu mấy ngày
Từ đấy ra đi vạn dặm dài
Nước dòng Tam Bạc quyện lòng ai
Hải Tần một giải xa xôi lắm
Thiên lý giàn xưa nay thắm phai
Bao được về trông thấy Hải Phòng
Tủi giàn thiên lý nở trời không
Tình ta giăng mắc tình thiên lý
Hồn ướp bên hồn thơm mấy bông
Hoa lạc tay thù có ố gương
Bao về lại ngắt đóa hoa thương
Bên lòng lại ấp lòng thiên lý
Tình cũ cờ bay đẹp phố phường°°.
Bạn nhớ Lan Sơn chứ? Lan Sơn của “Đám ma đi trong mưa phùn thê thảm quá, Đi trên đường và đạp xéo lòng tôi” đấy mà. Bài thơ Giàn thiên lý của ông có vẻ nghèo vận, nghèo chữ (hai lần vạn dậm dài, hai lần ai, hai chữ bao) nhưng tôi thấy nó vẫn kín đáo, nhẹ nhàng và không đao to búa lớn kiểu “súng gươm hẹn về” như thi sĩ hoài hương hậu di cư. Thi sĩ không đeo súng, không giết người. Những kẻ đeo súng, sát nhân không phải là thi sĩ. Những kẻ chuyên phì nọc rắn rết cũng không phải là thi sĩ, dù chúng nó làm thơ. Bọn này thuộc trường phái Mai Diên Thọ.
Nghiên cứu khuynh hướng thi ca hoài hương hậu di cư xong xuôi, tôi cởi trần đánh vật với vần điệu, chữ nghĩa “sáng tác” một bài thơ nhớ quê theo toa đặt hàng của người yêu. Tôi không hiểu tại sao em không “còm măng” tôi thơ tình yêu mà lại “o đơ” tôi thơ tình quê. Thế thì tôi nhớ quê hương Thái Lọ của tôi. Tôi “thời trang thơ tuyển” chơi một bài thơ giữ gái bằng nhớ quê. Quê hương ơi, tôi lạy Người, xin hãy phù hộ tôi. Bạn làm ơn cho tôi tất cả sự khoan hồng đại lượng khi đọc “thi phẩm” đầu đời thơ của tôi nhé, bạn nhé! Bạn cứ cười, càng cười bò lê bò càng tôi càng thành công. Vì khuynh hướng hoài hương biến hóa sang khuynh hướng hoạt kê. Và sẽ, rất có thể, tôi thành văn sĩ hoạt kê số một Việt Nam là Đồ Phồn, tác giả Khao hay thi sĩ hoạt kê Tú Mỡ, tác giả Giòng nước ngược. Bài thơ của tôi nó giống con cua rụng càng. Ấy vậy mà có ngày tôi đã bò vào thi ca. Xin chép ra đây với cả lòng chân thành:
Thái Bình ơi!
Sau cơn khói lửa tơi bời
Gia đình tan nát bao người cách chia
Đau buồn giây phút phân ly
Thái Bình hãy đợi người đi sẽ về
Nước sông Trà vẫn đục
Dòng sông Trà vấn vương
Ta nhắn gửi niềm thương
Sau chuỗi ngày ly biệt
Ta đang xây mộng đẹp
Mai trở về Thái Bình
….
Bài thơ của tôi còn dài nhưng trí nhớ của tôi nó chê. Với lục thập nhất tú hoài hương khuynh hướng thi ghi trên đây, tưởng đã đủ đánh dấu mốc thứ hai của cuộc đời văn nghệ của tôi. Tôi cam đoan bài thơ này là của tôi, nếu man trá tôi xin chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật. Vất vả chân lấm, tay bùn mới hoàn tất bài thơ, tôi chép lại sạch sẽ, vưa rít Ruby vừa đọc lẩm nhẩm. Rồi cao hứng, tôi ngâm váng. “Đệ tử” Lê Như Quỳnh hớt hơ hớt hải chạy vào:
- Ông ngâm thơ của ai đấy?
- Gì?
- Tôi hỏi ông ngâm thơ của ai.
- Thơ của ai mắc mớ gì mày?
- Mắc mớ chứ.
- Sao?
- Nó khiến tôi nhớ quê, tôi muốn khóc.
- Thật à?
- Thật. Thơ của ai? Ông cho tôi chép nhé?
Tôi anh dũng phưỡn ngực:
- Thơ của tao.
Lê Như Quỳnh nuốt nước miếng:
- Hay quá, hay quá! Ông dạy tôi làm thơ đi!
- Tao sẽ dạy mày.
- Chép trước cái đã.
- Ừ.
- Ông đọc chầm chậm.
Thánh tổ nghề thơ đãi ngộ tôi lẹ ghê. Thơ chưa khô mực đã có độc giả ái mộ đòi chép. “Đệ tử” Lê Như Quỳnh chép xong, gạ tôi:
- Ông cho phép tôi xập xí xập ngầu nhé?
- Là gì?
- Lắp Nam Định vào Thái Bình, vẽ địa đồ lại, thay sông Trà bằng sông Hồng.
- Để làm chi?
- Đem trộ các em gái.
- Tao sẽ dạy mày làm thơ mà.
- Tôi khoái bài này, dễ lắp ghép.
- Đồng ý.
“Đệ tử” Lê Như Quỳnh đem “thi phẩm” của “sư phụ” khoe “sư huynh” Nguyễn Xuân Nhân. Thằng Nhân chép lại, đem khoe “sư đệ” Tạ Văn Ân. Thế là Thái Bình hóa thành Nam Định, Phủ lý, Ninh Bình và dòng sông Trà Lý của tôi hóa thành đủ các thứ sông! Tôi thành công mau chóng. Tôi vác mặt tôi lên. Rồi Đặng Xuân Côn khen, Vũ Khắc Niệm khen. Tôi bỏ xa thi sĩ Hoài Hương. Tôi đã là thi sĩ! “Thi phẩm” của tôi qua vòng loại, vô bán kết, sắp vào chung kết, đoạt giải … hôn. Khả năng thi ca của tôi buộc chắc chân con mái rồi.
- Anh làm thật nhiều thơ nhớ quê hương và tùy bút về quê hương. Nếu anh yêu em, anh đừng đăng báo, anh cho em luôn bản thảo.
- Em yêu dấu, sáng tác còn ướt mực anh đã cho em rồi.
Tôi thức khuya làm thơ nhớ quê. Sẵn có trớn thơ, tôi cứ nhắm thơ mà đấm đá huỳnh huỵch. Mỗi ngày em lên nhận một bài thơ, có ngày hai, ba bài. Nhuận bút của tôi là … hôn môi em. Làm thơ nhớ quê riết, quê hương gầy mòn, ốm teo. Tôi sợ quê hương ho lao, bèn chuyển hướng nhớ trường lớp, bạn bè. Em gái Ngọc Anh nhận tuốt. Thừa thắng xông lên, tôi rẽ sang truyện ngắn, tùy bút …

o O o

Bài thơ đầu đời thơ của tôi đã soi sáng một điều này: Đọc thơ của các thi sĩ bậc thầy nhiều lắm, thuộc thơ của các thi sĩ bậc thầy nhiều lắm, phê bình thơ của người khác kỹ lắm nhưng khi mình làm thơ thì thơ của mình nó rơi tõm xuống khuynh hướng thơ kẹo kéo. Bạn biết khuynh hướng thơ kẹo kéo? Xin đan cử vài áng thơ của trường phái ấy:
Kẹo kéo
Càng kéo càng dài
Càng nhai càng ngọt
Chạy tọt về nhà
Xin bà một xu
Ra mua kẹo kéo
Ông Tây mà lấy bà Đầm
Thấy hàng kẹo kéo chạy ầm ra mua
Cô kia má đỏ hồng hồng
Không ăn kẹo kéo nên chồng cô chê
Con mắt kẻm nhẻm kèm nhèm
Ăn đồng kẹo kéo sáng như đèn ô tô
Trường phái thơ kẹo kéo gần gũi với trường phái văn xi nê ma thùng. Thi sĩ kẹo kéo có thể vừa kéo kẹo vừa sáng tác thơ ca ngợi kẹo kéo:
Ngọt như đường cát
Mát như đường phèn
Ăn hết ho hen
Bổ tim bổ phổi
Văn sĩ xi nê ma thùng có thể vừa canh chừng phú lít vừa kể những câu chuyện hấp dẫn ăn khớp với chuyện đang diễn ra trong … thùng. Tôi có triển vọng thi sĩ kẹo kéo kiêm văn sĩ xi nê ma thùng. Sa đích phê bình văn nghệ rẻ tiền – chữ của thi sĩ nọ – chính là bọn thi sĩ kẹo kéo kiêm văn sĩ xi nê ma thùng vậy. Trần Phong Giao nhất định không coi Hoàng Hải Thủy, tác giả bộ tiểu thuyết dày cộm, Môi thắm nửa đời là nhà văn, nhưng anh ta viết tập truyện Ngồi lại bên cầu có ra cái gì đâu! Nguyễn Quốc Trụ chê tập truyện Những ngày vui của Đặng Trần Huân, nhưng anh ta viết truyện ngắn, ký tên Sơ Dạ Hương, cũng tầm thường như truyện ngắn họ Trần, có ra cái gì đâu. Hồ Nam phê bình văn nghệ khủng khiếp lắm, nhưng Hồ Nam làm thơ ký tên Vương Tân có ra cái gì, Hồ Nam chưa biết viết tiểu thuyết! Uyên Thao phê bình đao to búa lớn nhất Sài gòn (Thanh Tâm Tuyền miệt thị Uyên Thao là nhà phê bình ít học), nhưng thơ văn Uyên Thao có cái gì ra cái gì đâu! Hình như, Nhất Linh đã viết ở đâu đó: Phê bình gia là những kẻ không có tài sáng tác, là những kẻ sáng tác thất bại ê chề. Con đường văn nghệ đã đưa tôi đi xa khỏi khuynh hướng thơ kẹo kéo, văn xi nê ma thùng và dẫn tôi đến chỗ quen biết phê bình gia văn học Thượng Sĩ. Ông là bạn thân của Tam Lang, viết thường xuyên trên Tin Mới tiền chiến. Không hiểu giữa Thượng Sĩ và Nguyễn Tuân có xích mích gì nặng nề mà, ngay từ Vang bóng một thời, Thượng Sĩ đã “đánh” Nguyễn Tuân tơi tả. Nguyễn Tuân xuất bản tác phẩm mới, Thượng Sĩ theo dõi đả kích, không mệt mỏi. Bây giờ, Nguyễn Tuân đã chết, đã để lại cho đời sống Vang bóng một thời, Tóc chị Hoài, Thiếu quê hương, Chiếc lư đồng mắt cua, Tàn đèn dầu lạc, Chùa Đàn, Tùy bút … hàng triệu độc giả biết Nguyễn Tuân, trong nước như ngoài nước. Bây giờ, Thượng Sĩ đã già lắm rồi, sắp về đất rồi, Thượng Sĩ không hề có bất cứ một cuốn sách loại nào để lại cho đời sống. Và ít ai biết tên Thượng Sĩ.
Từ bài thơ khuynh hướng kẹo kéo của tôi, tôi muốn nói với các bạn văn nghệ tuổi nhỏ của tôi điều này: Các bạn đã viết văn, làm thơ thì các bạn cứ lo trau dồi kỹ thuật và nghệ thuật viết văn làm thơ để văn thơ các bạn thật hay, đừng xía vào phạm vi phê bình văn học, nhận định văn học. Phê bình văn học đòi hỏi kiến thức văn hóa sâu rộng và tuổi tác chín muồi. Kiến thức văn hóa sâu rộng để khỏi bị chê trách là thiếu học. Tuổi tác chín muồi để công bình, khách quan và cảm thông được tác phẩm, tác giả và thời đại. Phê bình một tác phẩm không có nghĩa là đè tác giả của nó ra bêu nhục, lăng mạ vì đố kỵ hay vì bất đồng chính kiến hay vì một âm mưu đê tiện nào đó. Phê bình càng không phải là đánh du kích vài dòng chữ bần tiện trong những chỗ gọi là Hộp thư, Sổ tay văn nghệ. Người phê bình văn học lương thiện là người soi sáng tác phẩm cho cả độc giả lẫn tác giả. Kẻ phê bình văn học bất lương là đứa bôi bẩn tác phẩm, vấy nhơ tác giả và dè bỉu độc giả. Người trên được kính trọng. Kẻ dưới bị khinh bỉ.
Tôi đã phê bình thơ văn của văn sĩ Đỗ Tiến Đức, thi sĩ Hoài Hương tầm thường và tôi đã làm một bài thơ quá đỗi tầm thường. Nếu tôi nhớ hết để ghi ra, thơ tôi còn thua thơ kẹo kéo, thơ quảng cáo thuốc lậu của Xuân tóc đỏ trên xe điện Hà nội. Nhưng cần gì, cứu cánh biện minh cho phương tiện, tôi đã dùng thơ tôi … giữ gái yêu tôi, còn thơ tôi kẹo kéo, thuốc lậu, tôi bất kể. Tôi có … dám gửi đăng báo đâu? Văn nghệ của tôi không vị nghệ thuật, vị nhân sinh. Mà vị giữ gái. Ít ra đã có ba “độc giả” chép thơ tôi và một em ái mộ độc quyền cất kín bản thảo của tôi. Em cho tôi hôn nhiều quá. Thi sĩ không thể sống bằng hôn. Dạo này, tàu buôn của Pháp ghé bến Kho 5 thưa thớt, Đặng Xuân Côn mất khả năng nuôi tôi ăn chơi rông dài làm thơ tặng gái. Em Ngọc Anh yêu dấu nhậ thơ mà quên cho gạo, dầu hôi, nước mắm, thịt, rau … Để căng bao tử tiếp tục làm thơ kẹo kéo, tôi phải đi viết “fiche” ở Phủ tổng ủy di cư, lương chấm công mỗi ngày 50 đồng. Tôi trở thành đồng nghiệp của Y Vân. Y Vân đón đồng bào di cư. Tôi ghi danh sách từng gia đình di cư vào tấm “fiche”. Nhờ làm nhân viên chấm công của Phủ tổng ủy di cư, tôi được biết, người di cư bằng máy bay cũng có trợ cấp 700. Tôi gom thẻ học sinh của Nguyễn Xuân Nhân, Lê Như Quỳnh, Vũ Khắc Niệm, Đặng Xuân Côn. Năm đứa là có 3500 đồng rồi. Giá “đệ tử” Tạ Văn Ân đừng thuộc thành phần Bắc kỳ cũ, tôi sẽ thêm một đầu người. Thằng này, bố có tiệm may Văn Can ở Chợ Cũ, mê Bắc kỳ mới, tối ngày quẩn quanh tại Nhà Hát Tây cho tôi sai vặt.
Mờ mắt, mỏi tay viết “fiche” và sái quai hàm cười vì những cái tên rất nhà quê Bắc kỳ, đêm đêm tôi vẫn thơ và tùy bút. Số lượng “văn nghệ” nộp em xuống dốc. Em chỉ còn lên Nhà Hát Tây chiều thứ bảy. Tôi ăn lương chấm công tròn một tháng thì bị đuổi sở. Trừ bốn chủ nhật, tôi lãnh được 1300 đồng Đông Dương. Rồi được lãnh 5000 đồng trợ cấp di cư. Di cư bằng máy bay không lãnh vải, sữa, gạo nên mỗi đầu người 1000 đồng. Chúng tôi đi ăn cơm tiệm lu bù. Tôi mua 10 cuốn “an bum” nhạc soạn riêng cho lục huyền cầm về tập búng “xô lô cờ lát xích”. Hôm ngang qua tiệm bán đàn sáo, kèn trống Au Ménestrel phố Catinat, tôi nhớ Tôn thổi. Thằng này ở lại với cụ Hồ. Tôi say mê ngắm cây kèn clarinette. Giá đề bán là 7500 đồng. Tôi không đủ tiền. Đành mua cuốn phương pháp dạy chơi clarinette làm kỷ niệm. Giá tôi có tiền mua clarinette, tôi đã thành thợ kèn. Hệ lụy của nghiệp và oan khiên của nghề sẽ không bủa vây, săn đuổi tôi. Không đủ tiền mua clarinette, chúng tôi ăn tiêu vung vít, chụp ảnh vỉa hè lia lịa, coi xi nê tưng bừng. Khi cháy túi, chúng tôi đói. Vũ Khắc Niệm chán sống đời nghệ sĩ, “về với gia đình”. Nhờ thế, nó thành bác sĩ, phục vụ lính nhảy dù, đeo lon trung tá. Chức vụ cao nhất của nó trước 1975 là Chỉ huy phó Trường quân y. Hiện nó đang sống cạnh vợ đẹp, con khôn, hái ra đô la tại Arlington, Texas. Tính tình vẫn tốt và vẫn tồ như hồi Nhà Hát Tây, đi chợ Bến Thành mua nước mắm Hoài Hương bị rớt đổ tung vỉa hè Bonard. Hai “đệ tử” Nguyễn Xuân Nhân và Lê Như Quỳnh không nuôi nổi “sư phụ” bằng chuối và hột vịt luộc mua chịu của “nghệ sĩ bán sắn” dưới chân cầu thang lầu hai. “Nghệ sĩ bán sắn” rất tốt. Anh ta làm nghề thợ kim hoàn, có hai cái răng vàng, tập chơi accordeon, chuyên ngồi bán sắn đợi … việc làm nên chúng tôi gọi chàng là “nghệ sĩ bán sắn”. Chàng thân với Y Vân, thường đãi Y Vân và tôi ăn sắn và hột vịt luộc. Còn thằng “đệ tử” Bắc kỳ cũ Tạ Văn Ân thì vắt cổ chày ra nước. Nó đem tặng “sư phụ” cái áo sơ mi sờn cổ, cái quần kaki rộng thênh thang, dài lê thê. Tôi đoán cái quần này của tên lính Ma rốc nào may rồi chê, không thèm đến lấy.
Đang lúng túng chuyện áo cơm thì Đồng Văn Khải mò lên Nhà Hát Tây rủ tôi theo dự khóa Cán bộ thanh niên sơ cấp. Tôi khăn gói quả mướp tới sân vận động Richaud, ăn uống tập thể no nê, tắm táp thả cửa. Phải tội thức ngủ đúng giờ, tập thể dục sáng sớm và học “Hội nghị Genève” và “Cuộc đời tranh đấu của Ngô thủ tướng”. Tôi đang cay thơ, không có thì giờ và nơi chốn làm thơ, đâm ra tương tư thơ. Lại bị Đặng Xuân Côn dụ dỗ: “Tầu buôn Pháp vào nhiều lắm, hết đói rồi”, tôi khăn gói quả mướp rời trường, được lĩnh 200 đồng sau khi trừ tiền ăn hai tuần lễ. Ôi, nếu tôi bằng lòng làm Cán bộ thanh niên sơ cấp, tốt nghiệp, tôi trở thành thầy dạy võ ở các trường tiểu học công lập đấy. Tôi sẽ, mỗi sáng, mỗi chiều, mặc quần xoóc trắng, may ô trắng, đeo cái tu huýt trước ngực dạy các em nhỏ chim bay, cò bay, ếch nhảy, khom lưng, ưỡn ngực … Đó là các động tác thể dục thường thức. Và, chắc chắn, tôi sẽ thoát cảnh tù tội, chụp mũ sau này.
Tôi hỏng nhân viên chấm công Phủ đặc ủy di cư. Tôi hư Cán bộ thanh niên sơ cấp. Trở lại Nhà Hát Tây, tôi y hệt thái tử Đan thoát cảnh con tin về nước Yên ấy. Chúng “đệ tử” mừng rỡ. Đặng Xuân Côn ngày ngủ đêm đi làm. Sáng sớm nó khuân cam, táo, nho, lê, phó mát về. Cuối tuần lĩnh lương rả rích. Một hôm, Đặng Xuân Côn bảo tôi:
- Tao thấy mày làm thơ, viết văn càng ngày càng hay đấy.
- Thì sao?
- Mày cứ đem cho gái hết, uổng lắm.
- Không cho giữ lại làm con mẹ gì?
Tôi “lập chí” văn chương:
- Bài tập, giữ chật chỗ.
Côn nói:
- Thử gửi đăng báo xem sao.
Tôi nín thịnh Bấy giờ, tuần báo Việt Bút của Trúc Khanh, bạn thân của Nguyễn Bính, đã đình bản. Trúc Khanh qua làm chủ bút tuần báo Thợ Thuyền, 8 trang, khổ nhật báo. Trúc Khanh và Nguyễn Bính cùng sống ở Sài gòn trước 1945 và cùng phiêu lãng trọn vẹn 9 năm Nam Bộ kháng chiến. Trúc Khanh về Sài gòn năm 1952, Nguyễn Bính ở lại bưng biền. Trong bài Hành phương Nam, Nguyễn Bính đề tặng Trúc Khanh, mở đầu:
Hai ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua én nhạn bay …
Và kết thúc:
Nhà ngươi ơi hề nhà ngươi ơi
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi
Vào tề đã lạnh, ở lại với kháng chiến càng lạnh. Sao tôi yêu Nguyễn Bính thế! Tôi có cảm tình với Trúc Khanh vì Trúc Khanh thi sĩ là bạn của Nguyễn Bính thi sĩ thần tượng của tôi. Tôi bèn loay hoay viết một truyện ngắn lấy nhan đề “Đình công”. Truyện ngắn diễn tả cành đình công kéo dài 10 ngày của phu bến tàu. Tình tiết trong truyện khá éo le. Công nhân vừa phải đối phó với chủ bóc lột cương quyết không tăng lương, vừa phải đối phó với vợ mình sợ mất việc đói rách áp lực chồng đầu hàng. Còi tầu hụ dọa rời cảng, không thèm xuống hàng hóa nữa. Cuối cùng, nhờ lòng quả cảm đấu tranh kiên nhẫn, công nhân thắng lợi. Truyện ngắn “Đình công” gửi tuần trước, tuần sau đăng liền ở trang 2. Tôi ký tên cúng cơm Vũ Mộng Long. Ngay dưới truyện, Trúc Khanh nhắn tin: “Bạn Vũ Mộng Long, tiếp tục gửi truyện ngắn đề tài xã hội. Chờ đợi. Thân ái”. Tôi không nghĩ Thợ Thuyền đói bài mà nghĩ rằng truyện của tôi hợp với khuynh hướng Thợ Thuyền. Nếu tôi gửi “Đình Công” cho Thẩm Mỹ của Thanh Nam, bài của tôi sẽ bị liệng vào thùng rác. Vì Thẩm Mỹ chuyên đăng truyện tình sũng lệ.
Vậy bạn tuổi nhỏ thích làm văn nghệ của tôi, muốn bài của bạn được đăng tải, bạn cần chọn báo hợp khuynh hướng với bài của bạn. Bạn gửi truyện chống cọng sản cho tờ báo trung lập hay tờ báo thân cọng, truyện của bạn nghệ thuật cách mấy, vẫn bị loại bỏ. Cũng vậy, bạn đừng gửi truyện tranh đấu xã hội cho báo huê tình. Và cũng vậy, bạn chớ nên gửi truyện tình dục cho báo … chấn hưng đạo đức! Tôi nghĩ nhiều tài năng văn chương đã bị thui chột vì cứ gửi bài cho báo không hợp với khuynh hướng của mình, gửi hoài không thấy đăng, đâm ra nản chí, bỏ viết. Bạn nên suy nghĩ vấn đề này.
Cảm giác lần đầu tiên thấy truyện ngắn của mình xuất hiện trên báo do Trúc Khanh làm chủ bút là sung sướng và hãnh diện. Tôi mua 5 số báo. Đêm ấy, Đặng Xuân Côn, Nguyễn Xuân Nhân, Lê Như Quỳnh và tôi ngao du, tốn một trăm đồng. Đêm ấy, tôi được nghe Quách Đàm hát Duyên Anh của Nguyễn Thịnh trên đài Pháp Á. “Cơ” văn nghệ của tôi leo thang tại Nhà Hát Tây. Hung hăng con bọ xít, tôi chơi bài thơ xã hội, diễn tả sự nhọc nhằn của người lao động dưới nắng lửa Sài gòn. Tôi gửi báo Nhân Loại và được đăng ngay. Bài thơ “xã hội” của tôi, tôi chỉ còn nhớ bốn câu cuối:
Nắng, nắng mãi trời ơi
Mát, mát lần đi thôi
Những người dân lao động
Đã khổ quá nhiều rồi
Với một truyện ngắn đăng trên tuần báo Thợ Thuyền và một bài thơ đăng trên tuần báo Nhân Loại, Vũ Mộng Long ngỡ nó thơ văn toàn tài. Tôi bỗng phân vân giữa tình yêu và sự nghiệp. Chợt nhớ thi sĩ Văn Nghĩa đã dạy dỗ mình: “Anh là nhạc sĩ kiêm văn sĩ, anh cần suy nghĩ hai câu thơ của Nguyễn Bính”, tôi ngâm vang:
Một trăm con gái thời nay ấy
Đừng nói ân tình với thủy chung
Thêm con nhà Đặng Xuân Côn trách móc tôi đem thơ văn “cho gái hết, uổng lắm”, tôi nhất định cúp viện trợ vô điều kiên thơ, tùy bút, truyện ngắn cho em Ngọc Anh. Để dò lòng em xem em yêu tôi hay yêu thơ văn của tôi. Em lên Nhà Hát Tây, không đưa thơ, em không cho hôn. Tôi ôm đại em, hôn gỡ tưng bừng hoa lá, hôn cho bõ công lao thức đêm gò vần của tôi. Em ngúng nguẩy. Em hờn dỗi. Hai lần nhạt son môi mà không có thơ đem về, em Cung thị Ngọc Anh không lên Nhà Hát Tây nữa. Tôi cóc cần em. Tôi đã có Thợ Thuyền, Nhân Loại. Tôi đá đít em, chứ không phải em đá đít tôi. Tôi chiếm thế thượng phong về tình yêu đàn bà, con gái. Luôn luôn thượng phong. Còn thượng mã phong thì đợi ngày bắt chuồn chuồn mới dám tuyên bố.
Tôi trải qua cái Tết 1955 vui vẻ. Cuối tháng 2-1955, ông bô của Đặng Xuân Côn khiêng bà nàng hầu di cư. Ông bà tìm lên Nhà Hát Tây. Những ngày vui của chúng tôi chấm dứt. Tôi có ông cậu họ làm y tá ở Phủ đặc ủy di cư, đọc báo Nhân Loại thấy tôi là “thi sĩ” thì hân hoan ra mặt, cứ gạ tôi về sống chung với gia đình ông ta. Tôi hẹn hoài hẹn hủy. Bây giờ, tôi đành khăn gói quả mướp, đeo thêm túi thơ về Quai de Belgique tá túc ông cậu. Ông ta chiêu đãi tôi nồng nhiệt, nhường cả xe đạp hộp cho tôi xử dụng. Bà mợ tôi thì ít thiện cảm với tôi. Một hôm, ông cậu dúi vào tay tôi vài trăm, bị đứa con gái 8 tuổi trông thấy. Ông ta dặn dò con bé: “Đừng nói cho mẹ biết nhé!”. Tôi bắt đầu cám cảnh. Đêm khuya, cậu mợ tôi cãi nhau. Mợ tôi không bằng lòng chứa chấp tôi. Tôi nghe lọt tai. Trên gác, dưới nhà cách nhau cái sàn ván. Sáng sớm hôm sau, nhạc sĩ kiêm văn sĩ kiêm thi sĩ Vũ Mộng Long, tác giả đã có truyện đăng Thợ Thuyền, có thơ đăng Nhân Loại khăn gói quả mướp, đẩy nhẹ cửa, lặng lẽ ra đi. Tôi “lê gót chân phong trần tha hương” nhiều hè phố mà không tìm thấy chỗ nào tuyển dụng cu ly đồn điền cao su hay tuyển mộ lính. Leo xe thổ mộ, tôi xuống gần ngã ba Ông Tạ, vào trại lính nhảy dù, tình nguyện đăng lính. Người ta bảo chiến tranh chấm dứt rồi, không cần lính. Thế là tôi mất cơ hội làm thiên thần Mũ Đỏ.
Rốt cuộc, “trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn”, tôi lại mò về Nhà Hát Tây. Người tôi gặp ở của nhà hát là Hoàng Văn Bảo, em cùng cha khác mẹ với ông Hoàng Huy Bích, chủ hiệu sách Học Hải thị xã Thái Bình. Thằng này đã bị chột mà mũi còn tẹt và nói to là nhễu nước miếng. Nó đon đả hỏi tôi:
- Cậu đi chơi xa về à?
- Sao mày biết?
- Thấy khăn gói quả mướp. Với lại, hai tuần nay, nhìn lên chuồng cu, không thấy cậu.
- Ông bô thằng Côn rồi đại gia đình chú nó xâm lăng đất của tao. Tao “mất nước” phải giang hồ.
- Bây giờ ông tính ở đâu?
- Chưa biết.
- Hay ông về ở với tôi đi?
- “Nhà” mày đông không?
- Có bà cụ tôi và tôi thôi.
- Được. Nhưng tao tự túc cơm nước.
- Ồ, lo gì.
Tôi vào “nhà” thằng Bảo ở tầng dưới có sân khấu. Nơi sân khấu, nghe nói có tay văn nghệ Dương Kiền. “Nhà” Bảo kê hai cái giường lớn, vách giấy dầu kín mít. Tôi có thể làm thơ, viết văn ở đấy. Còn vài trăm ông cậu dúi cho, tôi cứ đến hẻm Casino ăn cơm sườn nướng, cơm hoay quay kho quán của cô Cúc. Đặng Xuân Côn than thở nỗi buồn riêng của nó. Nó gạ tôi đi giang hồ.
- Bỏ ông bô ai nuôi?
- Tao nản gia đình mới bỏ vào Nam. Tưởng sống một mình quên quá khứ, ai dè quá khứ nó theo mình vô tận Sài gòn.
- Chờ ông bô mặc sơ mi gỗ rồi tính chuyện giang hồ.
- Mày lên ở với tao.
- Không.
- Tại sao?
- Cuộc vui tàn mẹ nó rồi.
Tôi tá túc “nhà” thằng Bảo, gần nhẵn túi thì vớ được cứu tinh. Cứu tinh là thằng học trò Bùi Chu lên trọ học Hà nội, tên là Trần Văn Thông. Nó đang theo học khóa Cán bộ thông tin mở tại Khám Lớn, do Quốc Phong làm giám đốc. Thông nhẩy vào Ban báo chí. Nó tìm tôi, thuê tôi viết thơ chống cọng, mỗi bài 15 đồng, mỗi ngày hai bài. Tôi bèn làm nhẩm hai con tính cộng trừ. Hai đĩa cơm 18 đồng. 30 đồng trừ 18 con 12. 12 đồng rỉ rả cà phê, thuốc lá đủ. Tôi bằng lòng. Thế là tôi “cho thuê bản thân”, làm thơ chống cộng kiếm cơm. Được đúng tuần lễ, thay vì tiền trao thơ múc hoặc thơ múc tiền trao, Trần Văn Thông đề nghị dẫn tôi tới Câu lạc bộ ăn cơm, uống cà phê ghi sổ. “Không phải là mỗi ngày tao được lĩnh lương”. Tôi đành theo nó, ngày hai bữa, vào Khám Lớn ăn cơm Câu lạc bộ. Ăn uống no nê, ghi sổ xong xuôi, trên đường về tôi mới móc bài thơ đưa nó. Tôi bán luôn bản quyền, bán cả quyền để nó ký tên. Tôi sợ đưa thơ trước, nhỡ gặp trục trặc ghi sổ thì xấu hổ lắm.
Nghề làm thơ chống cộng thuê, giá bình dân, giúp tôi no bụng, đồng thời, giúp tôi xử dụng niêm luật dễ dàng. “Trăm hay không bằng tay quen”. Vì thi ca của tôi lúc này vị … bao tử, nên tôi đã quên Thợ Thuyền, Nhan Loại. Tôi chưa biết ngày mai của tôi ra sao. Tất cả phụ thuộc vào Trần Văn Thông. Giữa tháng 4-1955, khách hàng thơ của tôi báo tin buồn:
- Mãn khóa cán bộ thông tin rồi!
- Mày hết thuê tao làm thơ.
- Ừ.
- Còn thuê gì khác không?
- Không.
Nó rút tặng tôi hai trăm.
- Tao vừa lĩnh lương, mày cầm tiêu đỡ.
Nó khao tôi chầu cơm tấm giò chả Quốc Hương. Rồi mỗi đứa một ngả. Tôi ăn dè 200 đồng. Cuối tháng, tiền cháy. Cứu tinh thứ hai xuất hiện. Lại thằng đầu bự Đồng Văn Khải. Nó cũng đã bỏ Cán bộ thanh niên sơ cấp.
- Mày đi làm cách mạng không?
- Chống ai?
- Lung tung.
- Đi đâu?
- Ban mê thuột.
- Rừng rú hả?
- Rừng rú. Chiến khu đấy.
- Có lương không?
- Bảo đảm cơm no.
Tôi đang lo đói, có thằng rủ đi làm cách mạng, bảo đảm cơm no thì mừng quýnh. Thú thật, tôi đã chán Nhà Hát Tây. Những chuyến tầu vét chở từ Hải phòng vào đây rặt cặn bã của xã hội miền Bắc. Công chức, giáo chức và các gia đình khá giả lần lượt giã từ Nhà Hát Tây hết. Đỗ Tiến Đức gạ tôi xuống trại học sinh Phú Thọ. Cảm thấy mình không có khiếu học, tôi cám ơn nó. Nhà Hát Tây còn gì đâu? Em Long phốp pháp. Em Hải đen gầy đét. Em Trinh vô duyên. Và cái cầu tiêu công cộng ngập phân. Tôi cần thoát khỏi xã hội Nhà Hát Tây ô hợp, giẻ rách. Tôi cần thay đổi không khí.
- Mày nhận lời chứ?
- Chắc chắn cơm no không?
- Chắc chắn.
- Tao nhận lời.
- Mai tao tới dẫn mày gặp thằng Truyền.
- Truyền nào?
- Dân Hưng Yên, nó lo vé xe đò.
Hai hôm sau, sáng sớm tinh mơ, tôi đã ngồi trên xe đò Sài gòn – Ban mê thuột, hàng ghế cuối cùng. Tôi đi làm cách mạng! Bố ơi, con đi làm cách mạng chống lung tung. Con đi làm cách mạng được bảo đảm cơm no mà không nghe nói được bảo đảm áo ấm. Đói đầu gối phải bò. Bò trên đường cách mạng kể như vẻ vang cho đầu gối. Tạm biệt Sài gòn. Tạm quên thi ca, tiểu thuyết. Đã có dấu mốc thứ hai trong “sự nghiệp văn chương” của tôi. Đó là dấu mốc sau 1954. Dấu mốc này được tính bằng những bài thơ, những tùy bút tặng luôn bản thảo cho em gái Ngọc Anh; những bài thơ chống cọng bán đứt cho Trần Văn Thông; một truyện ngắn đăng trên Thợ Thuyền; một bài thơ đăng trên Nhân Loại. Dấu mốc thứ hai rõ nét và tiến bộ hơn dấu mốc thứ nhất.
Văn học sử Việt Nam hiện đại đã bị tôi cầm dao thọc cổ máu chảy ròng ròng …
Chú thích:
° Trong một băng nhạc sản xuất tại Mỹ, Bến Hải đã biến thành biển rộng tức là Thái Bình dương. Biển hóa kiểu này, nhạc sĩ Nhật Bằng có thể bị bắt lại sau ngót 7 năm tù tội. Nó còn giả dối ở chỗ, không có áo cơm đùm bọc nhau bên Mỹ đâu, chỉ có ăn cướp cơm chim của nhau. Thí dụ tác quyền của Nhật Bằng.
°° Đây là bài Giảng văn lớp đệ nhất năm 1947 (đệ thất 1950 vùng tề) ở trường trung học Trình Phố, Thái Bình. Tôi học trung học nửa năm ở đây rồi bỏ học 3 năm liền. Bài thơ, có thể, tôi nhớ sai vài chữ.