Chương 4

    
ã là người đầu tiên của đại đội trợ chiến ào lên đỉnh cao điểm 517. Đạn cày xới hoang tàn. Dấu vết nóng hổi của chiến trận gợi cho gã một cảm xúc khác thường. Đừng nghĩ gã là người yếu đuối. Không, mới chỉ hơn năm ở miền Đông và cũng mới sơ sơ vài ba chục lần chạm súng, gã đã tỏ ra là một người lính chiến thực thụ. Bản lĩnh của gã không thể hiện ở độ dày từng trải mà ở sức bền bỉ chịu đựng. Ưu điểm này giúp gã chế ngự được mọi trạng thái tình cảm. Có một lần, hồi mới vào chiến trường được ba tháng, gã đi gùi gạo, bị thám báo phục. Gã thoát chết nhưng bị đẩy vào một tình thế khốn đốn. Kẹt trong một hốc đá không có đường thoát. Phía ngoài là bãi phục của khoảng một trung đội biệt kích áo đen. Nguy quá, đã ba ngày đêm bọn áo đen vẫn lì lợm, bám dai như đỉa, chưa chịu rút. Chết mất, khát thì còn liếm láp chút rong rêu ở kẽ đá. Nhưng đói thì chịu. Nếu gặm đá khoả được cái rỗng của dạ dày, hẳn gã chẳng thương tiếc gì bộ răng để không gặm. Bụng réo òng ọc. Tỉnh còn khá, cứ thiếp đi lúc nào là lập tức gã mơ được mời mọc đánh chén. Mắt mục kích hẳn hoi những món ăn bầy gọn ghẽ. Song chỉ chạm vào là lập tức gã bị đánh thức. Khi thì một tiếng cười của bọn biệt kích. Khi thì một con dế nhóc con phốc qua mặt. Lần nào cũng vậy, gã toàn bị ăn hụt. Sau giấc mơ ngắn ngủi, hình như cái dạ dày  càng hành hạ gã dữ hơn. Gã không phải loại phàm ăn nhưng vào dạo ấy, lính miền Đông ít khi bị thả đói. Sức trai bị giã những ba ngày, làm gì chả khốn. Ngày thứ tư, cơn đói đẩy gã đến chỗ tuyệt vọng. Giá lúc bị tấn công không văng mất khẩu súng, hẳn bây giờ gã đã liều mạng nhào ra để chấm dứt tình trạng này. Bố mày chết ít cũng đổi được vài mạng. Lãi thế, cũng có thể sánh ngang với một bữa tiệc thịnh soạn. Song tay không thì chịu. Lọ mọ ra, quá chui đầu vào rọ. Có sống cũng tù đầy nhục nhã. Thà chết đói còn hơn. Nhờ ý nghĩ ấy, gã dằn xuống được cơn tuyệt vọng. Ráng mà chịu. Chẳng nhẽ bọn kia đủ sức trụ mãi. Ngày thứ năm. Gã lại mơ được ăn. Lần này thức ăn rất quái đản. Một rổ khoai luộc vừa vớt, hơi đang còn ngùn ngụt. Khoai cũng tốt chán. Gã nhẹ nhàng sờ tay, sợ rổ khoai kia lại biến mất như những lần trước. Cẩn thận vẫn chẳng hơn gì. Bất thần, rổ khoai biến thành một con rắn khoanh tròn. Gã rụt phắt tay, hoảng hốt. Mắt mở trừng trừng, rắn thật, không phải mơ. Con rắn cạp màu lá mục, loại rắn giống rắn ráo ở đồng bằng nhưng rất độc, to bằng tầm điếu cày, khoanh tú hụ như cái rế, đầu ngóc dựng đứng. Không biết nó từ đâu lọt vào và vào từ bao giờ. Có lẽ con rắn tưởng gã là xác chết nên không bận tâm. May thế, nếu không, chỉ cần một phát mổ, hồn gã sẽ lìa khỏi xác, chết thế thật uổng phí một đời trai. Thoạt đầu, sợ hết hồn, gã co dúm người, cố tránh không cử động để bảo toàn tính mạng. Nhưng được một lúc người gã bắt đầu chùng ra. Cơ bắp ngọ nguậy. Đang đói liệt người, lại phải gồng gánh thế, bố ai chịu được. Phải giết nó trước khi nó giết mình. Nhưng giết bằng cách nào thì gã chưa nghĩ ra. Giống rắn, gã không lạ. Nó nhanh lắm, vả lại gã đang yếu. Nếu chụp được cổ nó thì khỏi bàn. Thần kinh gã căng như dây đàn, tưởng chừng có thể đứt phựt được. Rất lâu, con rắn vẫn ngồng cao cổ. Có lúc, đầu nó hướng về phía gã. Bây giờ gã mới thấm thía thế nào là mắt rắn. Nhỏ và dài như hạt thóc tám chiêm. Mắt gã bập vào mắt của nó. Gã thấy mắt mình mọng lên, mờ đi, bởi những tia sáng lành lạnh sắc lẹm phát ra từ hạt thóc bé xíu kia. Mẹ mày, máu gã sôi dần bốc thành câu chửi thầm. Đúng vào lúc gã sắp sửa kết thúc sự chịu đựng, bằng động tác vồ lấy cổ nó, thì có tiếng lá rừng loạt soạt. Một thằng biệt kích đứng trân tráo ngay trước hốc đá. Trong rắn, ngoài giặc, họa đến thế là cùng. Chưa kịp phản ứng sao thì con rắn quăng đến phách một cái. Đuôi rắn chạm cả vào mặt gã lạnh buốt. Thằng biệt kích kịp ngả người tránh được. Con rắn ngoằng ngoằng quăng tiếp. Thằng người ù té chạy. Một tràng AR15 rộ lên. Lát sau gã thấy bọn biệt kích cuốn xéo. Thoát rồi. May thế, không biết có phải vì con rắn không. Chắc ăn, đến sâm sẩm tối gã mới mò ra. Vị cứu tinh của gã nằm oải sát mép vực. Máu loang thành vũng đã khô, tanh nồng. Chào nhé, đêm ấy, gã cuốc một mạch về đơn vị an toàn. Gã kể lại chuyện này. Cũng có người không tin, cho gã bịa chuyện hài hước. Song từ đấy gã có biệt danh Vịnh lì.
Nhưng lần này gã không bình tĩnh được. Cảm xúc rất lạ. Người gã ngập tràn một thứ gì đó mang mang. Lạ nhỉ, tất cả vẫn lặp y nguyên dấu tích của những trận chiến trước. Chả có gì khác. Vẫn mùi thuốc súng khét lẹt. Vẫn ngần ấy thứ ngổn ngang. Và cái chết. Dẫu rằng cảm giác này không thể trơ lì nhưng nó quá đỗi bình thường. Cái bình thường tất yếu của quy luật. Gã chạy đến hầm chốt đầu tiên. Đập vào mắt gã là hình hài tơi tả của Lệ. Giá đôi mắt không còn sinh khí chứng tỏ sự sống, chắc chắn gã đã không nhận ra đấy là Lệ. Máu bết cứng toàn thân. Thịt da không chỗ nào còn nguyên vẹn. Tóc sém sụi. Mắt Lệ không một chút đau đớn, trong vắt. Giọng nói, không thể tin được phát ra từ cái thân thể kia:
- Vịnh ơi, chúng nó…
Vịnh hiểu. Cùng với đồng đội vừa đến, gã đào bới góc hầm bị sập. Cảm giác mang mang ban nãy càng tăng. Lúc tiểu đội trinh sát lôi ra được thi thể còn ấm nóng tươi nguyên của thằng Đinh và Quang thì bất thần gã oà lên khóc. Gã nhào đến. Đồng đội gạt gã ra. Gã vẫn sấn vào bằng sức mạnh của cảm giác kia. Cảm giác không bao giờ gã có thể cắt nghĩa được. Tiếng của ai đó quất vào mặt gã:
- Dễ chỉ mình mày đau đớn chắc!
Mặc kệ, nước mắt gã rỏ giọt vào thi thể bạn bè. Gã khóc rất to, vừa thương xót, vừa tức tưởi. Rồi gã quay lại bên Lệ. Lệ vẫn chưa chết. Đúng hơn, chỉ đôi mắt và tiếng nói Lệ còn sống. Gã ngạc nhiên lắm. Có một điều phi thường tiềm ẩn mới duy trì nổi sự sống của Lệ. Suốt đời không bao giờ gã có thể quên những gì Lệ nói lúc ấy. Rành mạch, tỉnh táo, da diết. Tiếng nói không phải của cõi sống và tuyệt nhiên không thể của sự chết.
Khi ba ngôi mộ được đắp điếm cẩn thận trên đỉnh ngọn 517 thì trời sập tối. Tám người lính của tiểu đội trinh sát dàn hàng ngang trước mộ. Không hương khói, không nước mắt, không một lời tiễn biệt. Cả gã nữa, nước mắt đã cạn kiệt nhưng cảm giác kia vẫn vẹn nguyên. Khi những phát súng nối nhau vang lên vĩnh biệt những người nằm lại thì gã khuỵ xuống. Gã hoàn toàn kiệt sức. Gã thấy mình bay đi. Cùng bay với gã là cả đỉnh ngọn 517. Gã chấp chới tan dần trong màn đen của đêm. Một màn đêm không mùi vị, quánh vào, tan ra. Màn đêm sau này giam giữ gã suốt một quãng đời.
Đạn găm vào vách đá toé lửa. Mảnh đá sắc văng cả vào mặt gã. Gã vuốt mặt. Vệt máu đỏ tươi loang trên tay. Hình như màu đỏ của máu làm gã điên thêm lên. Gã vừa bắn, vừa chạy, vừa hét. Cũng có lần gã ngoái nhìn. Lửa ngụt ra từ trong hang dơi. Lửa vẫn đùng đùng giật trên người gã. Nóng quá. Chợt gã thấy một khúc nước xâm xấp. Gã hốt hoảng vọt đến như sợ nó biến mất. Như con trâu ngày nực, gã đằm mình rất lâu. Rồi gã leo lên một phiến đá bằng, xoải chân nằm. Gã ngủ mê mệt như chưa bao giờ được ngủ. Ngày rồi đêm qua, gã tỉnh dậy lúc mặt trời là qua ngọn rừng, rót nắng vào mặt gã. Gã bật dậy ngơ ngác trước một khúc sông mùa cạn vàng rờ rỡ. Những mỏm đá lạnh lùng. Nước cạn nhưng vẫn thành dòng chảy lấp loáng. Rìa sông, cánh rừng khộp khô khốc, nửa trên chết vàng, nửa dưới mầm xanh đang nảy. Hai bên bờ, rậm rì những vệt rau tàu bay xanh um. Tai gã nghe rõ cả tiếng chim lảnh lót. Gã giật mình, đây là đâu? Gã nhìn xuống, quần áo rách bươm, khẩu AK lăn lóc gần đấy. Đầu gã ong ong. Đây là đâu? Bồng bềnh như một giấc mơ diễn lại. Gã giật tóc mai định thần. Tất cả lộn xộn, chắp nối. Chợt gã thấy è è tiếng của thằng L19. Gã xách súng đi vào vạt rừng. Nắng vẫn nhảy nhót. Người đau như dần. Mặt cồm cộm. Gã bóc ra được những mảnh máu khô. Gã lại lần xuống nước. Gã soi mình. Một thằng người lạ hoắc. Mặt vẹo vọ, biến dạng. Tóc bết bệt. Đây là thằng Vịnh lì ư? Thì còn thằng chó nào khác nữa. Chính mày đấy Vịnh ạ. Hồi dần những gì vừa xảy ra. Thôi chết, thằng Phương? Thằng Phương nằm trong hang dơi. Nó vẫn sống. Mày đã bỏ nó. Vịnh. Chính mày đã bỏ nó, chạy lấy thân. Gã lắc mạnh đầu. Có tiếng nói khác: “Không phải, nó chết rồi!” – “Nó vẫn sống. Mày đã bỏ nó!”. Đầu gã muốn nứt toác. Gã chụp lấy khẩu súng. Tạch – súng đã hết đạn. Gã trợn mắt phang khẩu súng vào kè đá. Tay gã rùng mạnh như bị điện giật, tê dại. Nó vẫn sống, thằng Phương vẫn sống. Gã băm bổ phi theo lòng sông cạn.
Gã không còn khái niệm thời gian. Như con người thuở hồng hoang đi về phía bầy đàn. Gã bươn bả hết ngày này, ngày khác. Gã đang đi trên con đường mòn. Con đường rất rộng vẫn không đủ cho bàn chân gã lấn lướt. Cây lá kết thành vòm. Có những vệt sáng mảnh, dài chăng chăng. Gã dừng lại. Bàn tay run rẩy của gã chìa ra. Vệt nắng hào phóng tụ thành giọt nhỏ đậu vào tay gã. Này một, này hai, ngày nhỏ dù là con trai, gã vẫn rất thích chơi chuyền nắng. Ấy là những tia đọt vào từ kẽ cửa đóng kín. Này ba, này bốn, giọt nắng nhảy múa lung linh. Trong căn nhà của gã ngày đó, chơi chán gã bèn nằm ngửa, há miệng để đọt nắng chui vào. Gã tưởng tượng, mình là con khỉ Tề thiên đại thánh, đang hớp lấy những phép thần mầu nhiệm của cõi nhân gian. Bất chợt mẹ gã vào. Bà bảo:
- Thằng Vịnh, con làm sao thế?
Miệng gã vẫn hóng như cá đớp bọt.
- Thôi chết, con tôi làm sao thật rồi.
Bà hoảng hốt vồ lấy gã. Sự hoảng hốt có lí và rất chính đáng. Gã được sinh ra trong một gia đình con đàn, nếp, tẻ đủ cả. Song từ nhỏ, thiên hướng của gã đã vượt trội cả cái đàn nếp, tẻ kia. Thậm chí trên tầm cộng đồng làng quê – Một vùng rất trù phú và giàu có ở ngoại thành. Gã học rất giỏi. Những ông giáo làng, luôn hãnh diện về tri thức của mình, không giấu giếm nổi sự thán phục về sức học của gã. Vèo vèo một lèo hết cấp ba, gã xênh xang bước vào cổng trường đại học kinh tế. Hết năm thứ nhất, gã trúng tuyển vào bộ đội. Gã xếp bút nghiên nhẹ nhàng. Chiến tranh mà. Gã vô tư về sự hiện diện của mình trong cuộc chiến.
Bất chợt, gã cười khinh khích. Ngày nhỏ nghịch nắng, gã cũng cười hệt như thế khi mẹ gã hoảng hốt. Gã chụm tay vốc nắng. Thích quá, được những một vốc đầy. Chơi chán gã lại đi. Đến một khúc rừng thưa, rặt loại săng lẻ cao vút. Những thân cây mầu ngà mốc meo, nham nhở vệt chém, chặt. Gã trân mắt nhìn, miệng lẩm nhẩm đọc. Những kí hiệu chồng chéo. Cả những dòng tên khắc nguệch ngoạc. Gã nhớ rồi, đây là bãi đáp cuối đường giao liên. Song giờ đây, chiến trường đã lấn sâu, nên bãi bị bỏ phế. Gã lẩn mẩn nhặt những hòn đá nám khói. Gã lượm những vỏ đồ hộp hoen gỉ chất thành đống. Chính tại bãi đáp này, tiểu đoàn tân binh của gã bị xé lẻ đi về các hướng mặt trận. Lẽ ra gã thuộc quân số một tiểu đoàn tên lửa vác, đất đối không. Thứ lính cậu nhàn nhã nhất của miền Đông. Nhưng số phận xếp đặt cho gã một tay chỉ huy trung đội chẳng ra gì. Tay kia tên là Tánh – chuẩn uý Tánh. Tánh người lùn, độ một mét năm nhăm. Người lùn bao giờ cũng được trời bù cho thêm cân nặng. Thứ bù trừ này thành ra báo hại. Nom Tánh lù lù như đụn rạ mùa. Hình thể chẳng nên nói làm gì nhiều. Bởi, cũng chẳng quan trọng mấy. Đáng nói là tính tình Tánh. Lão thuộc loại thâm trầm, hay cười mỉm, rất kiệm lời, tai bao giờ cũng vểnh lên nghe ngóng. Nghe được những gì, lão nạp hết. Khổ chính ở chỗ đấy. Giá cương vị của lão kha khá, hẳn những gì lão tiếp nhận sẽ có cơ được phát tiết. Chết nỗi, lão chỉ quản có ba chục thằng tân binh choai choai. Lão lại là loại cán bộ khung chuyên nghiệp, đưa quân vào, đón quân ra nên rất nhiều kinh nghiệm. Nghe đồn, lão có quyển sổ công tác ghi chép tỉ mỉ từng đợt huấn luyện. Chuyện này thì không đồn. Tánh phân chiến sĩ trong trung đội thành ba loại thứ tự. Loại một, theo đánh giá của Tánh, là loại có phẩm chất, được ưu tiên. Loại hai trung bình và loại sau cùng gồm những chiến sĩ cá biệt. Đợt gã vào chiến trường có rất nhiều sinh viên. Càng tốt chứ sao. Đừng đùa, bởi Tánh văn hoá thấp, rất dị ứng với đám sinh viên cậy chữ ngông nghênh. Quả nhiên gã trúng đạn của Tánh. Nội chỉ mỗi chuyện thế này. Ngay từ đầu khoá huấn luyện, đám lính mới gọi giấu mặt B trưởng của mình bằng cái tên “Xéc-văng-téc.”. Của đáng tội, cái tên nghe cũng được. Nhưng được ở đâu không biết, Tánh chỉ thấy nó ù ù, cạc cạc thế nào ấy. Vì không hiểu. Sau, Tánh mọ mẫm dò hỏi, mới mang máng biết được rằng, “Xéc-văng-téc” na ná giống tên một lão nhà văn xứ Tây. Cái lão nhà văn xỏ lá ấy có dựng một nhân vật rất nổi tiếng. Song khó chịu ở chỗ, nhân vật ấy có chiều cao quá khiêm tốn. Không biết đích xác bao nhiêu nhưng ở xứ Tây cũng như xứ ta ngữ ấy gọi là lùn. Ừ thì lùn đấy, gọi mẹ nó Tánh lùn cho xong. Từ ngày lớn, cái tên kèm đấy của lão nào có oan thác gì. Đằng này lại đánh đố văn veo, chữ nghĩa. Lão cú, để bụng tìm ra thủ phạm. Dò mãi không ra. Trong đám lính sinh viên, có mỗi gã ham hố đọc sách nhất. Tánh nhủ thầm, đích thị là thằng Vịnh rồi. Nó đọc nhiều nên mới thâm nho. Được, mẹ mày, thích “téc” ông cho “téc”.
Quả nhiên, Tánh thù thật. Lúc bổ sung quân, lão khăng khăng đòi đưa gã vào đơn vị bộ binh để có điều kiện rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, mặc dù đã có gợi ý của trên đưa lính sinh viên vào các đơn vị kĩ thuật. Sau này gặp lại bạn bè cùng lứa đi đánh trận mà phởn phơ, nhàn nhã gã cũng có oán Tánh hơn. Một tẹo thôi, chứ có trách móc cũng bằng thừa.
Từ bãi giao liên này, gã được bổ sung về đại đội trợ chiến trong biên chế A trinh sát. Rời bãi giao liên, gã tiếp tục đi. Theo đúng hướng gã cùng đơn vị hành quân dạo trước. Có tiếng ầm ì của xe xích. Tiềm thức mách bảo gã tránh đi. Biết đâu ta hay địch. Gã tạt ngang. Gã lọt vào một lòng suối cạn. Gã không nhận biết được chính đó là dòng Đa quýt đổ vào sông Bé. Gã cứ tha thẩn dọc sông. Khát thì uống nước sông. Trong văn vắt, ngon lành. Đói thì quả tươi, rau dại. Rừng miền Đông dẫu cằn cụi vì chất độc rải thảm, vẫn hào phóng đãi đằng gã. Đến một khúc nước rộng có những nẹp đá xanh xám, gã dừng lại nghe ngóng. Đúng rồi, ở những nẹp đá này, loài cá mợt lúc về già thường rúc vào các hốc đá chờ chết. Gã là đứa bắt giỏi nhất. Hôm nào hên, gã vớ được hàng chậu. Những con cá mợt già, mắt mù, mình dẹt, trầy trợt lở loét, gầy giơ xương, to chỉ nhỉnh hơn bàn tay chút ít, không có tẹo thịt nào nhưng nấu canh thì ngọt nhất hạng. Có thêm quả bứa chua dậy vàng. Ăn xong cứ gọi là lịm mê hồn, ngon đến độ quên chết. Gã xăng xái kiếm được một cái que dài. Cá mợt chờ chết thường quay đầu vào đá. Phải khôn khéo lựa đầu que gợi khẽ, đẩy đầu cá quay ra. Con cá mợt yếu sức, thấy động, cố vét lực cắm đầu vào đá. Bởi thế, nên nó bị lừa phi ra ngoài. Cá mợt già gặp nước không còn đủ sức bơi, chết ngửa bụng. Cứ thế vớt tống vào chậu ngon ơ.
Gã dán người vào kè đá. Sức gã bây giờ cũng chả hơn gì lũ cá mợt chờ chết. Lẩy bẩy mãi, gã cũng vớt được hai con. Gã ném nó lên bờ, vơ củi khô để nướng. Xương xẩu cũng tốt chán. Nhưng không đào đâu ra lửa. Gã, trên người chỉ còn độc mỗi bộ quần áo rách. Gã quanh quẩn, điệu bộ nhong nhóng. Cuối cùng gã giận dữ vớ một hòn đá ném mạnh. Đá va nhau toé lửa, khiến cái đầu đặc, u mê loé sáng. Gã xếp cành khô và vơ một ôm tướng lá nỏ. Đá ghè đá, gã hì hụi đập. Chán chê mê mỏi, lửa cũng bắt cháy. Đấy là do trời hanh hao. Bằng không cứ gọi là đập ốm xác. Lửa giật đùng đùng. Hai con cá nhép cháy quắt queo. Gã nhai ngon lành. Tuyệt quá. Xương cá cháy, nghiến vào răng rào rạo. Gã mò xuống làm căng một bụng nước. Gã lại mọ mẫm bắt tiếp. Trên bờ, lửa bắt vào cây khô lan rộng. Cháy rừng, gã cười ngô nghê. Ngọn lửa ngày một lớn, bốc cao, khói cuồn cuộn. Bất chợt “bụp” một cái rất khẽ. Đụn khói xì xì tuôn ra. Bỏ mẹ, đấy là khói chỉ điểm của máy bay L.19. Dẫu u u, minh minh đến mấy, gã cũng không quên được động tác co giò phóng thật nhanh ra khỏi vùng nguy hiểm. Quả nhiên sau phát pháo khói, không biết núp đâu từ bao giờ, hai thằng F5E đã bổ thẳng xuống. Tiếng động cơ rít chói tai. Tiếng bom còn kinh hơn. Gã bị hất văng khỏi lòng sông cạn. May, một nệm cỏ dày trên khoảnh đất bằng ven sông đã cứu gã. Đau còn hơn hoạn, song gã vẫn vùng dậy chạy. Cứ chạy, vấp ngã lại vùng dậy. Gã thoát hiểm một cách khó tin.
Bây giờ gã đang chơ vơ cạnh một cái thác. Sông Bé có ti tỉ thác biết cái nào mà gọi. Song cái thác này có vẻ quen. Gã lồi mắt định thần. Chịu, quen cũng chịu. Nom gã bây giờ vô cùng thảm hại. Có lẽ chỉ bộ gọng là nguyên vẹn. Tóc tai dựng ngược bơ phờ, mang thứ mầu quành quạch không có tên trong bảng chuẩn. Mặt, may gã thuộc loại bất nghì không râu nên còn phân biệt được mồm, mũi. Da dẻ queo quắt như cá khô. Gã yếu lắm rồi. Gã ngước mặt lên. Thác réo ầm ầm hung dữ. Nước dội ngầu bọt. Hơi bốc trắng xoá. Chợt cặp mắt cá chết của gã sáng lên. Bên kia thác có một ngọn núi. Núi Quýt. Phải vượt sang bên ấy. Đó là căn cứ trung đoàn. Chính gã được tham dự trận đánh giải phóng núi Quýt sau hiệp định Pa-ri. Dạo đó, nửa bên này núi còn thuộc quyền kiểm soát của lính Sài Gòn. Từ đại đội trợ chiến, gã được biệt phái về đơn vị giám sát thi hành hiệp định, trực thuộc Bộ tư lệnh. Gã nằm trong một nhóm công tác ở trạm hoà hợp núi Quýt. Trạm đặt ngay chân núi phía sông. Núi Quýt không cao lắm nhưng rộng. Từ thời chín năm, vẫn là vùng tranh chấp giữa hai bên. Núi có nhiều hang, rất thuận tiện cho việc tác chiến và hậu cần. Nhóm công tác của gã luân phiên trực tại trạm. Trạm, đơn giản chỉ là một căn nhà bằng tre nứa nhưng chắc chắn, do lính của hai bên xây dựng. Buồn cười lắm, đánh nhau chí chát, giờ dàn mặt nhau, hết đấu khẩu đường lối đến thăm hỏi xã giao, thậm chí có lúc phiễu phão, như thể chưa hề có chiến tranh bao giờ. Vẫn biết gã là sinh viên. Nhưng trình độ ấy đã lấy gì làm ghê gớm. Vậy mà sự hiểu biết của gã không những làm các thành viên trong nhóm nể phục mà còn khiến đối phương kinh ngạc. Có một thằng sĩ quan tâm lí chiến, từng tốt nghiệp văn khoa Sài Gòn, ngày đầu vênh vác lắm. Sau vài lần tiếp xúc, thằng kia tỏ ra dè dặt, thận trọng, cuối cùng thì chịu hẳn. Gã có thể nghênh tiếp tay tâm lí chiến kia hàng giờ, về đủ mọi lĩnh vực. Đại loại, luận bàn nguồn gốc và bản chất chiến tranh bằng mọi thứ chủ nghĩa, không loại trừ cả thuyết phân tâm của Freud. Tay sĩ quan nể lắm. Đến món sở trường của hắn là văn chương, gã vẫn cao giọng được. Không biết đọc từ bao giờ, gã bình phẩm làu làu các trào lưu văn học trong và ngoài nước. Gã viện cả đến cái chết của Nhất Linh để chỉ trích sự bế tắc của văn chương Sài Gòn thì cha sĩ quan tâm lí chiến hết chịu nổi. Hắn hỏi giọng thán phục:
- Thưa ông, trình độ như ông trong quân đội liệu được mấy phần trăm?
Gã trả lời tỉnh bơ:
- Nhằm nhè gì. Tôi thuộc số đông. Thú thực trình độ văn hoá của tôi mới chỉ hết cấp ba, tương đương với tú tài toàn phần trong này – gã hạ mình rất khéo.
Thằng sĩ quan tâm lí chiến nín lặng. Hắn không một mảy may nghi ngờ. Mắt hắn chứa một điều gì đó không nói ra được. Sau này khi ngừng bắn bị phá, trong trận đánh ở núi Quýt gã có gặp lại tay sĩ quan kia. Hắn trúng thương, bị đồng bọn bỏ lại khi lấn sang đất ta. Gã nhận ra hắn ngay. Thằng sĩ quan đã gần tắt thở, tay với với, miệng phều phào điều gì đó. Gã cúi xuống nắm lấy tay hắn. Gã đọc được trong mắt tay kia cái điều ngày trước hắn không nói được. Gã nhận được từ bàn tay đã lạnh buốt của kẻ tử trận một chút gì đó từa tựa như là sự trao gửi. Gã vuốt mắt cho cái xác rất kĩ. Gã muốn nói một vài lời để an ủi linh hồn con người xấu số. Nhưng thôi, ích gì nữa. Định mệnh đã an bài cho mọi số phận.
Đã vượt qua đoạn thác khá xa, gã vẫn chưa tìm được cách gì vượt sông. Nước sông Bé mùa nào cũng vậy đều chảy xiết. Mải láo liêng tìm, gã lại bị mất phương hướng. Núi Quýt đã khuất dạng. Trí óc u mê của gã không bận tâm điều ấy. Gã vẫn đi. Đi miên mải, chừng nào sức lực gã còn. Gã đến một vùng đồi vừa quen, vừa lạ. Có những đụn đất, đá nhấp nhô. Phải chúng mày nằm đây không Đinh, Lệ, Quang? Không phải! Bạn gã nằm ở mỏm 517 cơ mà. Đêm ấy, sau khi chôn cất xong ba thằng, gã bị đắm vào cơn hôn mê của trận sốt rét ác tính đúng nửa tháng, phải điều trị tại viện quân y K71. Thiếu chút nữa gã toi mạng. Dứt sốt gã mò về đơn vị. Ai cũng tưởng gã quỵ vì sợ. Không phải. Còn lâu gã mới sợ. Song từ ngày đấy gã trở nên lầm lì hẳn.
A trinh sát của gã còn lại tám thằng. Gã được giao nhiệm vụ A trưởng. Tám thằng lính, mỗi thằng một tính gắn bó với nhau hơn, sau cái chết của đồng đội. Nhiều lúc gã ngẫm ngợi, cố lí giải điều gì xảy ra sau cái chết. Tuyệt nhiên không phải là một kiếp sống khác, để rồi lại nhận một cái chết khác. Nhưng tại sao thằng Lệ, toàn thân bầm giập, thở những hơi cuối cùng, đôi mắt và giọng nói vẫn tràn trề sự sống? Cả thằng sĩ quan tâm lí chiến kia nữa, bàn tay của tử thần lạnh giá, vẫn muốn trao gửi lại đời một điều gì đó. Gã không lí giải nổi. Gã đem chuyện này nói với Ngọc khợp. Thằng Ngọc trợn mắt chửi:
- Thủi thui cái mồm mày. Định bán chúng tao cho thần chết hay sao mà nói những chuyện ấy. Câm đi!
Đoạn, thằng Ngọc rút chiếc bật lửa Tàu mầu lục bật choanh choách. Nó đốt vía. Gã nín lặng nhưng vẫn không thôi ngẫm nghĩ. Hình như chết và sống là trang sau, trang trước của một kiếp người. Đến lượt Bình ních la toáng:
- Mày ngu thế. Nghĩ làm chó gì đến chuyện ấy. Chết, ừ nếu đến lượt, tao chỉ tiếc chưa từng biết một con đàn bà nào. Nhưng đừng tưởng bở. Chết không phải dễ!
Điều ấy đúng với nó. Chính ở trận chiếm núi Quýt, thằng Bình tưởng đã mười mươi đi đứt. Vậy mà thoát. Nó dẫn đường cho một đại đội phối thuộc đánh tập hậu tiểu đoàn dù. Bị lộ, cả đại đội bộ binh bị đánh tan tác. Thằng Bình rút không kịp, ém vào một hang đá. Cái hang hẹp có mỗi một lối vào. Bọn ngụy thả chó sục kĩ. Một con béc giê lừng lững như con bê thốc từ ngoài vào. Thằng Bình không kịp nổ súng vì con chó nhanh quá. Con béc giê chồm hẳn lên người. Cú táp mạnh làm thằng Bình ngã vật ngửa. Chết vì chó, nhục để đâu cho hết. Đầu óc nó tê dại, chân tay đờ đẫn. Nhưng không, con chó liếm láp rất kĩ mặt, mũi, chân, tay thằng người rồi hực hực mấy tiếng bỏ đi. Phía ngoài đặc lính ngụy. Thoát rồi. Như có một phép màu huyền diệu. Mãi sau, mới phát hiện được căn cớ. Nguyên, thằng Bình một lần đi săn, bắn được con chó sói có bộ lông rất đẹp. Mượt, dầy dặn, xám nhức màu chì. Tiếc của giời, nó hì hục thuộc da con vật. Cái thằng lớ ngớ mà khéo léo đáo để. Không biết học được ở đâu, sau một hồi luộc nấu, phơi phóng, nó gạn được tấm da con vật. Lại cắt cắt, khâu khâu thành chiếc áo gilê gọn ghẽ. Thằng Bình khoái lắm, mùa lạnh nó vận chiếc áo với bộ mặt đầy hãnh diện. Cái áo được cất giữ cẩn thận trong bồng lẫn với quân phục. Mùi chiếc áo da thuộc ám vào thằng Bình, đã cứu thoát nó. Con béc giê hít hít, nhận ra đặc trưng giống nòi mình nên bỏ đi. Một phen đại hú vía. Sau đận ấy, thằng Bình có biệt danh ních (tên tục lính tráng đặt cho giống cẩu thời Ních xơn).
Chết được không phải dễ – Đúng là lời cảnh báo. Sau này, nhiều lần gã mong mỏi tìm đến cái chết song chẳng bao giờ được tọai nguyện. Có những loại người, cả đến cái chết cũng không được chấp nhận.
Gã ngã vật giữa đống cồn, gò nhấp nhổm. Hình như là một nghĩa địa. Mặc mẹ nghĩa địa. Bây giờ gã đếch cần gì nữa. Gã thở dốc. Gió lành lạnh trườn vào người gã. Mắt gã díu lại, kiệt sức đến mức mộng mị cũng không còn. Gã ngủ mê mệt. Gã chỉ tỉnh, khi thấy chân đau buốt. Cái gì thế kia, ùn ụn một đống như cái thúng, lấp đầy chân gã. Bỏ mẹ, mối. Gã đã chết đâu mà mối dám đùn. Gã bật thật mạnh mới văng được chân ra khỏi tổ mối đang say mồi. Hốt quá, gã vùng chạy. Chân thập thễnh như chân đi mượn. Đến bìa rừng, gã đổ gục vào gốc cây dẻ dại. Lại thoát. Gã tiếp tục cơn mộng du vào kí ức của đời mình.