ên chiếc bàn thật thấp kê ngoài sân, mấy ông láng giềng của gia đình Dì Tư ngồi nhậu lai rai hồi mới đỏ đèn. Bà lão ăn mày ngồi trên chiếc đôn gỗ bên thềm gạch lở lói. Mấy người đàn ông đang bàn chuyện chiến tranh. Họ nói chuyện với nhau bằng thứ giọng lè nhè, không đầu không đuôi, nói hết chuyện chiến tranh lại sang chuyện bùa ngải, chuyện lên đồng rồi chuyện ma, chuyện hồi còn thanh niên đi làm phú–lit, đi làm đồn điền, có người kể cả chuyện đi buôn lậu. Dĩ nhiên những chuyện do họ kể trong những lúc như vậy thì không biết đường nào mà tin và họ nói để mà nói, nói cho khỏi buồn miệng lúc chờ món nhậu, nói cho bữa rượu kéo dài… vì thế rồi ra họ cũng chẳng kém gì mấy mụ đàn bà ngồi lê đôi mách. Câu chuyện dần dần sang thời sự. Họ bàn đến chuyện chiến tranh, đến chuyện lính tráng. Bà lão ăn mày nãy giờ ngồi lắng nghe mấy người đàn ông nói chuyện liền lo lắng hỏi: -Trời ơi, thằng con tôi nó bị bắt lính đã gần năm nay. Nghe nói đánh nhau ở đâu bên Lào dữ lắm, không biết sống chết ra sao. Người đàn ông mặc áo kaki vàng nãy giờ thao thao bất tuyệt, bây giờ sau một hồi rượu dài, có vẻ say nhừ. Lão hỏi: -Nó đi lính gì? -Lính gì tui có biết đâu. -Bà đừng lo. Không có chết chóc gì đâu. Để hồi nào rảnh tôi coi dùm bà một quẻ. Biết liền. Người đàn ông có cái răng vàng nói xen vô: -Say rồi hả cha nội? Làm gì có chết với không chết. Mấy thằng cha chúa tổ cao bồi như thằng Hợi nhà này có đi lính cũng làm cha người ta, ai giết chóc gì nó đâu mà chết với không chết. Câu chuyện cứ lần quần lè nhè như thế mãi. Ban đầu bà lão còn lắng tai nghe người ta nói về con mình, nghe riết một hồi thì không còn biết trời trăng gì nữa nên bà đứng dậy, lủi thủi mò vào chỗ ngủ nơi chái nhà sau bếp. Nói cho đúng, gia tài bà còn được một cái mền nhà binh đáng giá, ngoài món đồ vật dụng trong nhà bà toàn là của hàng xóm cho hoặc thải ra vì quá cũ. Đầu hôm bà gấp mền lại lại gối, đến gần sáng, lúc trời lạnh thì bà lại tung mền ra mà đắp. Sáng sớm, khi xách cây gậy và cái bị gạo đi ăn xin, bà đem cái mền gửi ở nhà con Lý. Lần nào Mẫn cũng cho bả mười đồng gọi là mở hàng. Dĩ nhiên chỗ bả nằm thì trống trải, không có cửa nẻo chi cả. Tuy xóm này nổi tiếng ăn trộm và ăn cắp vặt nhưng bà có gì để mà sợ mất ngoài nồi cơm nhỏ mà tối nào bà cũng phải đậy kỹ, đè một viên gạch lên trên nắp vung để mèo chó khỏi ăn vụng. Thế thôi. Và bà đã đậy điệm kỹ lưỡng. Nửa đêm, lũ mèo trên mái nhà gọi nhau như tiếng trẻ con gào khóc vang động làm bà vừa mới ngủ được một chút thì đã thức dậy. Tiếng mèo gào càng lúc càng nhiều. Chúng đuổi nhau sột soạt trên mái nhà hoặc trong các bụi cây điệp thấp ngoài rào. Tự nhiên bà thấy tỉnh táo, bà vừa nghe có tiếng ai đi bên ngoài. Rõ ràng là tiếng bước chân người chớ không phải tiếng mèo chạy. Một cái bóng đen đã hiện ra ở cái chái nhà, cao dong dỏng. Bóng ấy lần mò tiến lại chỗ bà già nằm một cách êm ái. Tuy không nhìn thấy nhưng bà già vẫn nghe được tiếng bước chân đến gần. Bà lão nín thở. Bà định lên tiếng hỏi thì cái bóng đen đã gọi: -Má, má, con là Hợi đây. Nhờ trời con đã về được đến đây. Bà già cầm tay đứa con trai rồi gượng gạo ngồi dậy. Bà hỏi: -Sao con về giữa đêm hôm, lén lút như thế? -Con đào ngũ. Con biết má ở nhà khổ lắm, con biết vợ con con nheo nhóc lắm nên con phải liều chết mà trốn về đây. Bà lão níu lấy vai đứa con trai mà khóc. Hợi cảm động ngồi xuống bên mẹ. Người mẹ già vuốt mái tóc bờm xờm của đứa con. Bàn tay nhăn nheo của bà sờ soạng khắp mình mẩy đứa con thân yêu: -Con có bị thương ở đâu không? -Nhờ trời con không sao cả má à. Bà lão lấy tay quệt nước mắt. Hợi hỏi: -Còn vợ con đâu rồi má? -Vợ con nó đi ở đợ cho người ta trên Phú Nhuận. Còn thằng Hà nó ngủ bên nhà con Lý. -Vợ con nó ở luôn nhà người ta sao? -Người ta bắt nó ở luôn chớ đâu có về được. Bà lão ăn mày thút thít khóc. Hợi ôm lấy mẹ. Trong bóng tối lờ mờ anh còn thấy được khuôn mặt tối tăm nhăn nheo của mẹ. Anh vuốt ve từng miếng vá to, dày cộm và chằng chịt sau lưng, trên vai, trên cánh tay áo, trên ống quần. Anh thấy người mẹ khốn khổ của mình run lên trong từng tiếng nấc. Anh cố giữ cho khỏi khóc nhưng khi bàn tay anh rờ đến bàn chân cũ mòn, nứt nẻ, xác xơ và lấm đầy cát thì nước mắt anh trào ra. Anh gục mặt xuống đôi bàn chân ấy, khóc nức nở: -Má ơi, sao má khổ quá vầy nè. Sự im lặng kéo dài một lúc. Cơn gió khuya thổi xào xạc trên mái tranh. Lũ mèo đã biến đi mất. Người mẹ chợt hỏi: -Con về rồi có tính đi đâu nữa không? Hợi ngẩng lên đáp: -Con không đi đâu nữa. Con về ở luôn với má. -Nhưng con trốn về đây rồi ở yên được sao? Hợi cúi đầu xuống, không đáp. Mãi một lát sau, anh mới thở dài, nói: -Con cũng nhờ bà con lôi xóm đùm bọc chớ biết sao.