“hiếu tá Morane Khi ông đọc lá thư này thì tôi đã phải chết. Tôi tính trao thư cho người bạn đồng thời là người tin cậy của tôi là ông Graham Lowbridge. Tôi cũng gửi ngay lúc đó một lá thư về chỗ khách sạn ông ở, yêu cầu ông tức thì đến gặp tôi. Nếu ông tới trễ thì Lowbridge sẽ liên lạc với ông để trao cho ông lá thư này. Ông nên biết, thiếu tá ạ, tôi chẳng muốn ép ông phải liều mạng trong một cuộc phiêu lưu nguy hiểm, và có thể là không có lối thoát. Tôi để ông tự suy nghĩ xem có nên hay không. Tôi nhờ đến ông là vì trong thư từ trao đổi, người bạn chung của chúng ta là ông Clairembart thường nói với tôi về sự can đảm và tận tụy của ông. Theo ông ấy thì khi có lý do chính đáng bao giờ ông cũng sẵn sàng nhập cuộc. Thế mà trong câu chuyện dưới đây, liệu có lý do nào chính đáng hơn, hay ít nhất cũng nhân đạo hơn nữa chăng? Cách đây nhiều ngày, ngay sau khi ông vừa tới Ấn, tôi có thể để ông liên lạc với tôi, để tôi nói cho ông biết rành rẽ sự việc. Nhưng rồi tôi cứ ngần ngại mãi, là vì không biết sự việc còn đưa tới thảm trạng nào trong những ngày sắp tới. Chắc chắn ông đã nghe nói tới Kâli, Hắc thần của sự Phá hoại và Chết chóc. Theo tín ngưỡng của người Ấn thì vị thần ấy là hậu thân của Pârvatê, vợ của thần Siva, là Ma vương Ấn Độ, thần của các sức mạnh ma thuật. Chuyện khá vô lý, vì thần Siva là vị thần của sự khôn ngoan, và chỉ nhờ ngài mà tín đồ mới có thể tri thức sự vật. Chuyện huyền thoại kể rằng - tôi đi vào phần chính của câu chuyện đây - khi Kâli đánh thắng Ma vương Raktivaji, kẻ thù hăm dọa các vị thần, thì chồng bà đưa biếu bà một pho tượng nhỏ bằng vàng tráng men, tạc theo hình bà. Vẫn theo huyền thoại, các tín đồ thờ thần Kâli đã đem đặt pho tượng nhỏ đó để thờ trong một ngôi đền bí mật mà chỉ những tăng sĩ chân truyền mới được biết. Vào thế kỷ trước, khi người Anh quyết định tận diệt hội đoàn khủng bố của người Thug - những kẻ siết cổ người gieo kinh hãi khắp xứ với mục đích duy nhất là để lảm hài lòng thần Kâli - thì quả nhiên họ khám phá ra tại một ngôi đền trên núi có một pho tượng nhỏ của vị Hắc thần. Pho tượng đó nghe đâu bằng vàng nguyên chất, được tráng men rất đẹp. Trong một thời gian lâu dài nó nằm trong tay của chính quyền Anh. Đại tướng Sleeman, người chiến thắng bọn Thug đi cho đúc một pho tượng giống hệt, nhưng bằng chì dành cho bộ sưu tập riêng của ông ta. Pho tượng nguyên bản thì ra sao? Không có ai biết rõ được. Vào cuối thế kỷ trước nó đã biến mất, và người ta huyên truyền là các tín đồ của Kâli đã lấy lại được pho tượng, đem đặt trong một ngôi đền bí mật khác, cũng ở trên núi, đâu đó trong địa phận Javhalpur. Khi tôi đến Ấn cách đây gần ba mươi năm, tôi đã tìm cách mua lại được một phần bộ sưu tập của tướng Sleeman, trong đó có pho tượng bằng chì. Tôi giữ gìn cẩn thận không phải vì giá trị riêng của pho tượng mà vì tính cách sử liệu của nó. Nhiều năm đã trôi qua, cách đây sáu tháng một nhà thám hiểm người Anh tên là Osborne có đến tìm tôi. Ông ta từ vùng đất Javhalpur trở về. Ở đó, tại một vùng sâu của một dãy núi, ông ta đã khám phá ra một ngôi đền cổ đúc vào trong núi mà vô tình ông ta lọt tới. Tại chính giữa ngôi đền, trên đỉnh của một thứ như kim tự tháp có đặt pho tượng nhỏ của thần Kâli. Vì ngôi đền vắng người, Osborne đã lấy pho tượng, cậy thử một miếng men tráng, nhận ra rằng pho tượng đúc bằng vàng. Osborne biết rành về việc thờ cúng thần Kâli, tin chắc rằng mình đã tìm thấy pho tượng của truyều thuyết và là vật đã bị đánh cắp khỏi tay chính quyền Anh. Khoái chí trước vật tìm thấy, Osborne giấu nó vào trong túi xách của mình và đã ra thoát ngôi đền mà không ai biết. Vừa trở về Calcutta, ông ta tới tìm tôi đề nghị bán cho tôi với giá gấp năm lần giá vàng theo trọng lượng của pho tượng. Nghiên cứu kỹ chẳng bao lâu tôi xác nhận được rằng quả đúng là pho tượng chính nên tôi đồng ý mua ngay. Pho tượng truyền thuyết thế là thuộc quyền sở hữu của tôi, và tôi không để hở với ai một câu nào về chuyện đó. Bốn tháng trời qua đi, cách đây vài tuần, vào một buổi sáng, người ta tìm thấy tử thi của Osborne tại một bãi đất hoang, không xa bờ sông Hoogly bao nhiêu. Trên cổ Osborne rành rành dấu vết bị thắt cổ bằng một chiếc khăn quàng hay một vật gì gần như vậy. Tôi hiểu liền: đây là dấu vết của bọn Thug, dấu vết của Kâli... Phải chăng Osborne đã nói ra sự khám phá của mình và kẻ nào đó trong các tín đồ của Hắc thần đã khám phá ra dấu tích ông ta? Từ hôm ấy, tôi thường nghe những nguồn tin theo đó thì đã rải rác tìm ra có đến mấy chục người, tất cả đều là người Hồi giáo bị thắt cổ ở nhiều nơi, hầu như khắp cả miền Bengale. Tại sao lại là người Hồi? Tôi nhớ tới những biến động quan trọng xảy ra cách đây nhiều năm. Khi quân đội Anh ra đi, Ấn Độ chia làm hai khối Liên bang Ấn và Hồi quốc. Hai bên Ấn, Hồi đã xung đột và theo sự ước tính thật khiêm tốn thì đã có tới trăm ngàn nạn nhân bỏ mình. Việc đánh cắp pho tượng nhỏ thần Kâli liệu có gây lại một cuộc chiến tranh tôn giáo nữa hay không? Tại sao các tín đồ của Kâli lại thanh toán người Hồi giáo, trong khi chính Osborne đã đánh cắp pho tượng? Hành động đó của bọn Thug không khỏi khiến tôi phải lo lắng. Từ hơn nửa thế kỷ nay họ đã không có hoạt động gì để người ta phải nói đến. Từ khi người Anh ra đi họ có lợi dung những sơ hở để hoạt động trở lại hay không? Tất nhiên là tôi cũng khó trả lời. Nhưng khi cảm thấy gặp nguy, tôi đã đem pho tượng thiêng giấu vào một nơi an toàn, chỉ giữ lại trong nhà bản sao bằng chì thôi. Bọn Thug có tìm cách đụng đến tôi chăng? Cách đây hai ngày có một người khách lạ đến thăm, hắn xưng tên là Kao Maimaitcheng, tự nói là nhà buôn đồ cổ. Hắn nói rằng qua một nguồn tin chắc chắn, hắn được biết pho tượng thiêng đang thuộc quyền sở hữu của tôi và hắn trả giá cho tôi tới mười ngàn đô-la. Lẽ tất nhiên là tôi từ chối, quả quyết rằng tôi chưa từng nghe nói đến pho tượng đó. Maimaitcheng ra về, quả quyết bằng một giọng hăm dọa; dù sớm hay muộn, dù tự ý hay bị ép buộc, tôi cũng phải chấp nhận việc trả giá của hắn. Từ lúc Maimaitcheng tới thăm, tôi cảm thấy gặp nguy. Có những kẻ lạ mặt rảo quanh ngôi nhà tôi, và tối nay tôi hãi hùng nhận ra rằng tất cả đầy tớ đã bỏ tôi mà đi, chỉ còn có một người. Dây điện thoại nhà tôi bị cắt từ bên ngoài, khẩu súng lục trong ngăn kéo bàn giấy biến mất. Tôi biết rằng mình bị bọn Thug đe dọa và chúng muốn lấy pho tượng thiêng của tôi. Tôi có nên báo cảnh sát không? Không, chẳng ai tin chuyện tôi nói đâu. Chính thức thì bọn Thug đã biến hẳn ở Ấn từ nhiều năm, chẳng còn ai muốn khơi lại chuyện cũ. Vì thế, tôi đã cầu cứu đến ông, thiếu tá Morane ạ. Người hầu duy nhất còn trung thành với tôi là Bhopal sẽ tìm cách ra khỏi nhà, mang một bức thư cho người bạn tin cẩn của tôi là ông Graham Lowbridge, và một lá thư gửi tới địa chỉ của ông, thiếu tá ạ. Nếu ông tới quá trễ không thể nghe chính miệng tôi kể chuyện trên kia thì lá thư này cũng cho ông biết tường tận. Tôi đã dặn kỹ Graham Lowbridge chỉ trao lá thư này cho ông sau khi tôi chết. Bây giờ, còn một việc nữa, thiếu tá ạ, là tôi sẽ trao cho ông một sứ mạng. Tôi có những lý do đáng tin cậy để nghĩ rằng các tín đồ Kâli đang tìm cách khơi dậy một cuộc thánh chiến giữa người Ấn và người Hồi. Hiện nay chỉ có vài người bị thắt cổ ở vài chỗ, nhưng mai kia có thể sẽ là một cuộc tàn sát. Làm sao để ngăn chặn? Tôi thấy chỉ có một giải pháp: đem pho tượng thiêng trả lại ở chỗ nó bị lấy đi, trong ngôi đền bí mật trên ngọn núi vùng Javhalpur. Khi đó hận thù sẽ tự dập tắt. Biết tôi chú tâm đến ngôi đền đó, Osborne đã để lại cho tôi một bản đồ nhỏ có thể tìm lại đường đi, tôi vẽ lại ở cuối lá thư này. Pho tượng thiêng hiện nằm trong tay một người bạn tôi là John Singar, một người Ấn theo đạo Thiên Chúa, ông ta là một người thẳng thắn và lương thiện, ông có thể tin cậy òng la. Ông hãy tới gặp ông ta, chỉ cần nói một câu vắn tắt “Trafalar và tháp Luân Đôn”, đó là ám hiệu để nhận nhau mà chúng tôi đã thỏa thuận. Ông ta sẽ trao lại ngay pho tượng nhỏ. Còn một lời dặn thêm: chắc chắn khi thi hành sứ mạng ông sẽ gặp nhiều khó khăn, vậy ông nên tìm gặp Shedar Sing. Sẽ có lợi cho ông nhiều đấy. Có lẽ ông cũng đã nghe nói nhiều về ông này ở Ấn Độ, người ta coi ông ta là người kế nghiệp tinh thần của thánh Gandhi, là người chống đối bạo lực rất mạnh mẽ, có thể khuyên nhủ và giúp ích nhiều cho ông. Bây giờ tôi xin ngừng bút, vì thời giờ cấp bách lắm rồi. Tôi xin nhắc lại, thiếu tá ạ, hãy vì tình bạn chung của chúng ta đối với Clairembart, vì công lý và hòa bình mà đem pho tượng thần Kâli đặt trở lại trên bệ thờ bằng đá trong ngôi đền bí mật ở Javhalpur. Cecil Mainright” Tái bút: “John Sjngar ngụ tại số 85 đường Gopal, lầu một”. Bob nhìn chăm chú lá thư: chữ viết nguệch ngoạc chứng tỏ người viết đã rối trí lắm rồi. Bây giờ thì mọi việc sáng tỏ: sau khi Bhopal, người đầy tớ được ủy thác mang hai bức thư vừa đi khỏi, một tên đã đột nhập vào nhà giáo sư Mainright, lựa dịp thắt cổ ông, rồi tưởng rằng đã chiếm được bức tượng thiêng, bèn quấn vào trong một cái khăn buộc chặt chã đem đi, nhưng lại chỉ đem đi được có phó bản bằng chì. Lúc ra khỏi nhà hắn đụng phải Morane, dùng dao định đâm Morane. Nhưng thấy mình dưới cơ, đành chuồn mất, để lại pho tượng giả trên mặt đất. Đột nhiên một chi tiết xoáy vào đầu Morane: tên Thug đã dùng đến dao. Bob nhớ lại đã đọc ở đâu đó nói rằng người Thug không được làm đổ máu, vì làm vậy thần Kâli sẽ giận. Vì lý do đó mà họ chỉ dùng “dây thiêng” để thắt cổ nạn nhân. Bob mỉm cười, nói thầm: “Hề! Hề! Vái trời tên Thug kia quả thật không phải là người Thug nhỉ!” Ngay khi đó có tiếng chuông điện thoại reo. Bob nhấc ống nghe. Điện thoại viên của khách sạn lên tiếng: - Thưa ông, có người muốn gọi dây nói cho ông. Để tôi mắc đường dây liên lạc nhé! Bob đợi vài giây đồng hồ thì có tiếng người hỏi: - Phải đúng thiếu tá Morane đấy không? Bob nhận ngay được giọng nói. Chàng hỏi: - Ông muốn gì ở tôi nữa đây, ông Maimaitcheng? - Tôi chỉ muốn nói chuyện trở lại với ông về pho tượng thôi. Morane không trả lời ngay. Chàng biết là tay Mông Cổ kia muốn đi đến đâu rồi, nhưng chàng giả bộ như không biết. - Dẹp đi, không có tượng tiếc gì hết! Bọh thủ hạ của ông vừa tới lấy từ trong tủ sắt của khách sạn đem về cho ông rồi, còn gì nữa? À này, có sòng phẳng thì ông gửi trả cho tôi năm ngàn đô-la đi nhé! Thật ra Bob chẳng muốn mó tay vào món tiền của nợ này, nhưng chàng vừa đặt ra một chương trình nho nhỏ nên tiếp tục đóng trò vậy thôi. Trong ống nghe có tiếng cười nhạo rộ lên: - Năm ngàn đô la! Ông muốn riễu đấy chứ, thiếu tá? Cái giá đó chỉ thực hiện nếu ông thuận lòng trao cho tôi pho tượng kia. Pho tượng thật. Tiếp tục trò đùa, Bob giả bộ ngạc nhiên: - Pho tượng thật? Tôi không hiểu. - Đừng giả bộ ngây thơ, ông thiếu tá! Pho tượng trong tủ sắt đúc bằng chì, ông biết rõ quá mà! - Tất nhiên là tôi biết... Thế ông tưởng là nó bằng thứ gì. Bằng bạc, bằng vàng, bạch kim hay kim cương? Giọng của tay Mông Cổ khô khốc, hình như hắn rất giận mà cố nén: - Coi chừng, ông thiếu tá! Cái gì cũng có giới hạn, dù là lòng kiên nhẫn đi nữa! Đến lượt Morane vẫn tiếp tục trò khôi hài, cười rộ lên: - Ái chà! Ông Maimaitcheng, ông bắt đầu dựng chuyện đấy! Tôi chỉ biết có một pho tượng mà ông vừa lấy cắp của tôi. Tôi tới Ấn là để viết một thiên phóng sự về sông Hằng. Một trong những người bạn Pháp của tôi là giáo sư Clairembart đã giới thiệu tôi với một người bạn của ông ta ở Calcutta. Nhà bác học, giáo sư Mainright biết tường tận về Ấn Độ và người Ấn. Vừa tới nơi tôi gọi điện thoại liên lạc ngay với ông ta. Tối hôm qua ông Mainright gửi cho tôi một lá thư cầu cứu, tôi đến nhà ông ngay và đã đụng độ với tên sát nhân. Chúng tôi đã đánh lộn và tên kia bỏ trốn, để lại trên mặt đất pho tượng nhỏ thần Kâli mà ông đã biết... Đó là tất cả những gì tôi biết, còn ông thì chẳng cho tôi biết chuyện gì khác. Dầu sao, tôi cũng chẳng nhúng tay vào những mưu mô mờ ám của ông. Kao Maimaitcheng lặng yên một lát, rồi dịu giọng hỏi lại: - Thì ra ông không biết rằng pho tượng chỉ là phó bản của phó tượng chính, quý hơn nhiều, cũng thuộc quyền sở hữu của giáo sư Mainright hay sao? - Làm sao tôi biết được? Tôi mới nhìn thấy giáo sư Mainright lần đầu tiên trong đời, là tối hôm qua, lại đã chết. - Thế mà ngay sáng nay ông đã tới chỗ ông Graham Lowbridge là người được giáo sư Mainright tin cẩn ủy thác các áp-phe của ông ấy. Bob thừa nhận đòn hiểm nhưng chàng trấn tĩnh lại ngay. Vô ích khi chối cãi chuyện mình đã tới chỗ ông Lowbridge, phải tìm ra một cớ gì để che giấu và chàng tìm được ngay. - Cảm ơn ông đã săn sóc tới bản thân tôi, ông Maimaitcheng ạ! Nhưng cuộc thăm viếng của tôi ở văn phòng ông Graham Lowbridge chẳng có gì là bí ẩn. Giáo sư Mainright không muốn thấy bộ sưu tầm khảo cổ của ông bị bọn cháu phân tán, đã đem ủy thác cho giáo sư Clairembart ở Paris, là người bạn chung của chúng tôi. Qua báo chí, ông Lowbridge biết tôi có mặt ở Calcutta đã gọi tôi lại ngay để hỏi tôi có chịu nhận lãnh đặng làm thủ tục chuyển nhượng tại chỗ hay không. Trong các thủ tục đó có một việc là phải lấy cho được sự xác nhận của ông Clairembart. Ở đầu dây bên kia có tiếng cười nhỏ, tỏ ý không tin: - Ông có óc tưởng tượng phong phú lắm, thiếu tá ạ. Nhưng tôi chẳng dễ bị bịp đâu. Tôi biết chắc ông biết chỗ cất giấu pho tượng thần Kâli thứ thật đấy nhé, và chẳng lâu đâu, ông sẽ cho tôi biết chỗ cất giấu. Ông nghe chứ: chẳng lâu đâu. Bob nghe một tiếng “cách” khô khan. Kao Maimaitcheng đã cúp máy, chàng cũng bỏ ống nghe xuống. Sau đó chàng đứng dậy, đi tới đi lui trong phòng, mặt đanh lại: “Thằng cha Kao Maimaitcheng này, bắt đầu làm ta sợ thật sự đây. Ta đoán hắn đủ sức nhai nát xác ta ra”. Một hồi lâu, chàng cứ tiếp tục lượn đi lượn lại như con cọp trong chuồng. Sau cùng chàng ngừng lại, cất cao giọng: - Dẫu sao thì cũng không vì anh bạn Kao nhe nanh mà ta lại từ bỏ một cách dễ dàng cho được. Trong đời, ta đã gặp bao kẻ khác khó nhẳn mà có hề hắn gì đâu? Chàng lấy lá thư của giáo sư Mainright mà chàng để trên giường, xé rời cái phần có vẽ bản đồ chỉ đường đi tới ngôi chùa bí mật ở Javhalpur. Phần còn lại chàng xé nát ra từng mảnh nhó, vất vào trong lavabô, mở vòi nước. Rồi chàng gấp tấm bản đô thành một hình chữ nhật nhỏ, mỗi chiều chừng hai phân rưỡi, nhét vào một bao đựng lưỡi lam, bỏ vào trong một cái túi, bỏ túi này vào trong ngăn đựng khăn lược. “Bây giờ theo lời khuyên nhủ của giáo sư Mainright, ta sẽ tới thăm Shedar Sing để hỏi ý kiến, qua đó ta mới quyết định được phải hành động theo hướng nào. Hiện thời, đừng có quyết định lấy lại pho tượng thiêng vội. Nếu nó ở nhà ông John Singar thì nó vẫn ở đó, thêm một vài giờ hay một vài ngày thì cũng chẳng sao”. Có tiếng gõ cửa, và giọng người hầu phụ trách tầng lầu kêu qua khe cửa: - Có kiện hàng gởi cho ngài Morane đấy! Kiện hàng đó được gói cẩn thận bằng giấy màu nâu và buộc dây đàng hoàng, đựng pho tượng bằng chì. Một tấm thiệp mang tên Kao Maimaitcheng được đính kèm. Một vài chữ viết tay bên dưới dòng chữ in như sau: “Đồ chơi này chẳng dùng được việc gì cho tôi, xin hoàn trả lại ông. Nhưng thiếu tá Morane ạ, chớ quên rằng nữ thần Kali chủ về sự Chết”. Bob lẩm bẩm: “Quả thật anh chàng Kao này là người bạn vui tính. Hắn có ý đồ rõ rệt... vì qua việc này hắn lại có tính riễu cợt”. Chàng nhìn đồng hồ đeo tay, thấy đã quá 12 giờ mới giật mình, cảm thấy đói bụng, và đã tới giờ xuống phòng ăn. Chàng thầm nghĩ: “Đói hả? Chuyện này cũng nguy hiểm vì có tay Maimaitcheng ở bên. Nhất là hắn lại có vẻ rất muốn hại ta. Dám có một loại độc dược của rừng núi ở trong món xốt cà hoặc có những rầm nứa trong món cháo của ta”. Bob chẳng ưa thuốc độc lấy trong rừng cùng là rầm nứa. Tuy nhiên chàng vẫn ăn bữa trưa rất ngon lành.