ôi xuống tàu. Trời rét cắt da cắt thịt. Mưa phùn phủ lên tóc, lên áo một lớp ám ướt và trắng mịn như rây bột. Răng tôi va lập cập vì chưa quen lạnh, lại chỉ phong phanh chiếc áo khoác mỏng tanh.Bóng những người cùng khoang tàu đã khuất hẳn sau cửa nhà ga. Tôi nhìn đồng hồ. Hai giờ kém năm. Tàu đến chậm gần hai tiếng thế này, chắc bạn tôi đã bỏ về hết. Tôi tức phát khóc, loay hoay nhìn đống đồ bề bộn một cách tuyệt vọng. Tôi nhớ năm trước, cả lũ ra đón tôi, cười đùa vang sân ga, rồi lại rồng rắn đưa tôi về nhà trọ.Mưa vẫn lây rây và lạnh buốt. Tôi gập người ráng kéo chiếc vali vào sát mái hiên. Lúc ngẩng lên thấy một cô gái quấn chiếc khăn len trắng, chỉ hở đôi mắt trong veo và hàng lông mi dày cộp, hai tay thọc sâu trong chiếc áo len sặc sỡ. “Chào em - Tiếng chị khàn khàn, vẳng qua lớp khăn len như nói từ xa lại - Em là bạn của Kiên phải không?”. “A! Chị Nhiên - Tôi reo lên hồ hởi - Sao chị lại ra đây?”. “Kiên nhờ chị ra đón em. Chúng mình đi thôi”. Chúng tôi khệ nệ tha vác đồ đi. Ra đến cổng tôi vẫn cố lục lọi trong đám đông hình dáng quen thuộc của Nhữ nhưng vô vọng.Chị cởi khăn quàng cho tôi như quàng cho em bé. Lúc này tôi mới nhận ra chị rất đẹp. Môi bậu, miệng tươi trên làn da trắng mịn màng. Một kiểu gương mặt của Đức Mẹ Đồng Trinh. Đẹp nhưng thật buồn. “Em ở đây, chị lấy xe”. Chị đập khẽ vào vai tôi. “Nghĩ gì thế?”. “Dạ không - Tôi cười - Em chỉ thấy chị xinh quá”. “Ôi cô bé này!”. Chị khe khẽ lắc đầu, quay lưng bước đi.“Ê!”. Tôi quay phắt lại. Nhữ nhăn răng nhìn tôi cười: “Giận chưa vậy?”. “Còn phải hỏi. Bắt người ta đợi muốn chết - Tôi phụng phịu - Thôi tha cho lần này đó”. Nhữ thôi cười bước xuống ôm chầm lấy tôi “Ôi, nhớ bạn quá. Hơn một năm rồi còn gì. Xin lỗi nhé”. Chị dắt xe ra hỏi: “Bạn em à?”. “Dạ, bạn thân”. “May quá - Chị vui vẻ - Nếu không hai chị em mình làm sao chở hết đồ”.Tôi ngồi vắt vẻo sau lưng Nhữ. Một năm, Hà Nội chẳng khác bao nhiêu. Đường vẫn vàng hoe và đầy cây. Đây đó lại lộp độp nhổng lên những ngôi nhà cao tầng bé như hộp diêm. Nhữ bảo: “Ngồi sát vào cho ấm”, mắt ngóng về phía trước “Chị đó là ai vậy? Xinh nhỉ”. “Bạn của anh Kiên”. Tôi trả lời. Tự nhiên thấy nhớ anh, nhớ nhà ghê quá. Mới chỉ trôi qua hai ngày trên tàu mà thấy lâu như mấy tháng. Nhữ nắm tay tôi: “Lại nhớ nhà à?”. Tôi gượng cười: “Không, nhớ anh Kiên”. “Vậy thì khác”. Nhữ lấm nhấm câu gì đó và im lặng suốt quãng đường còn lại.Tôi về ở nhờ nhà Nhữ, trong căn phòng bé tí rò rỉ hơi lạnh với em gái Nhữ. Cô bé học năm II Nhạc viện đi biền biệt. Thỉnh thoảng lại kéo về đám bạn hát ồn ĩ cả nhà. Nhữ ở trên gác xép, trông xuống khu phố bày bán quần áo lạnh, tấp nập như hội chợ.Tôi tỉnh dậy, thấy nhà vắng hoe. Ráng hết sức tôi mới vùng ra khỏi chăn, lò dò ra cửa. Đường phố xám xịt một màu của những chiếc áo lạnh. Chẳng bù trong thành phố, mỗi hôm lạnh, đường phố lại như một vườn hoa rực rỡ. Tôi khoác thêm áo ấm, ngồi thừ mặt. Một lúc mới nhìn thấy tờ giấy trên bàn, chữ Nhữ rất tháu “Ngủ dậy có bánh dầy trong chạn. Nhữ đi học. Chị Nhiên đến nhưng sợ Châu mệt, hẹn lát nữa quay lại. Muốn đi chơi cứ khóa cửa ngoài. Mẹ Nhữ về quê rồi”. Tôi chẳng thấy đói chút nào. Tôi lui hui soạn đồ, lôi ra một đống thư từ của anh và ba mẹ nhờ chuyển, bày đầy ra giường.Có tiếng gõ cửa lộc cộc. Chị thò đâu vào, cười “Bé đã dậy chưa?”. “Chị Nhiên. Mời chị vào đây. Nhữ đi vắng em ở nhà một mình buồn quá”. Chiều nay chị khoác thêm áo dạ màu nâu lù xù trông to tướng. Mặt vẫn xinh nhưng da tái đi vì lạnh. Chị đập đập hai tay vào nhau: “Lạnh thế này bé chịu nổi không?”, “Được chứ. Năm ngoái em ra vào dịp Tết còn lạnh gấp mấy thế này”. Tôi giở xấp thư: “Anh Kiên gửi hình ra cho chị đây”. “Thích thế. Cho chị xin”. Chị nhìn vẩn vơ ra ngoài cửa rồi bảo: “Để chị xem cái nào”. Chị lần giở từng bức hình, miệng chúm chím cười. Tôi lặng lẽ quan sát chị. Trong lời kể của anh, chị lúc nào cũng dịu dàng, thùy mị và chững chạc. Những đức tính mà chưa bao giờ tôi có được. Cũng chưa bao giờ tôi muốn có. Vì như thế tôi lại trở thành một tôi khác.Chị giơ cao một bức hình lên trước mặt. Tôi tò mò nhìn dòng chữ ghi phía sau “Thương yêu và nhớ em nhiều”. Tôi cảm thấy chóng mặt, đất chòng chành dưới chân. Có lẽ vì trời lạnh quá. Gió ở ngoài thổi vào lạnh quá. Chưa bao giờ anh nói với tôi một câu như thế cả. Tôi đưa tay lên dụi mắt. Mắt vẫn khô rang. Chị đã lật ra mặt sau. Mắt chị chớp chớp. Chị nhìn tôi một thoáng rất nhanh. Tôi giả không để ý, vẫn thao thao nói rằng; Sài Gòn bây giờ nóng lắm. Nắng cháy cả da. Đường đầy xe, người và hàng quán. Tôi giả không biết gì nhưng tim tôi đau nhói. Tay tôi bám vào thành ghế tê cóng.“Phải không em?”. Tôi giật mình: “Sao cơ chị?”. “Anh Kiên làm ở công ty mới có tốt không em?”. Tôi đau đớn nghĩ, chị biết hết mà, còn hỏi tôi làm gì nữa. Nhưng sau cùng chỉ bảo: “Được chị ạ”. Tôi ráng nhoành miệng ra cười, thấy mình như một con rối - “Anh Kiên hay kể cho em nghe về chị. Anh Kiên quý chị lắm”. Một giọt nước nhỏ xuống tay tôi lạnh buốt “Anh ấy lúc nào cũng chê em ngang bướng và thiếu nữ tính”. Chị cười hiền lành: “Anh ấy cũng kể cho chị nghe về em”. Im lặng một lúc, chị rủ “Chị chỏ em đi chơi Hà Nội nhé”. “Dạ thôi, Nhữ về chở em đi cũng được. Em vẫn còn hơi mệt”. Chị đứng dậy, bỏ xấp hình vào túi, thong thả: “Chừng muốn đi đâu em gọi điện cho chị số này. - Chị vuốt nhẹ tóc tôi - Thôi chị về để em nghỉ”. “Vâng chị về”.Tôi dụi đầu vào chăn, nước mắt thi nhau chảy ra như suối. Tôi thấy mình bị bỏ rơi. Cô đơn và đau khổ. Mọi thứ vỡ tan dìm tôi xuống cái hang đen ngòm đầy mệt mỏi.Nhữ đánh thức tôi dậy, dúi vào tay tôi chiếc áo ấm dày sụ, kéo tôi ra đường: “Nào, muốn đi xe hay đi bộ?”. “Đi bộ. Ở Hà Nội phải đi bộ mới thú”. Chúng tôi lững thững đi qua những con phố nhỏ. Những cây bàng mùa đông trụi hết lá, đan vào nhau trên những mái phố mốc đen vì thời gian và giá rét. Nhữ dắt tôi vào một quán phỏ, giọng kẻ cả: “Quán này ra dáng Hà Nội nhất đấy”. Tôi cười: “Quan trọng là gu ăn như thế nào. Mình đang ăn kiêng”. “Sự béo à?” - Nhữ hốt hoảng. “Không, kiêng ăn đồ dở”. Nhữ bật cười: “Thế thì yên chí”. Tôi nhìn quanh. Quán thấp bé, tăm tối và hơi bẩn. Những bộ bàn ghế bằng gỗ cũng thấp tè, có vẻ cũ kỹ dưới ánh đèn vàng mắc trên ô cửa sổ. Mọi người cắm cúi ăn. Tiếng húp nước soàm soạp, hơi ấm phả ra khắp quán. Tôi ăn một miếng thấy nóng ran cả người “Ngon. Nhưng giá có thêm chút đường thì tuyệt”. “Để thành chè à?”. Nhữ chế giễu. Dạo vào Nam, Nhữ không ăn được gì ngoài hàng quán. Cứ bảo người ta sao nấu cái gì cũng ngọt ngọt lợ lợ chẳng ra sao hết.Lòng vòng một lúc đã mỏi chân. Nhữ hỏi: “Giờ thích gì nào?”. “Uống chè chén. Lâu lắm rồi không ngồi mấy quán cóc ở Hà Nội”. Gió vẫn rin rít thổi qua đầu. Bà già lùm xùm trong mớ khăn len, móm mém: “Cô ở trong kia ra à? Trong ấy chắc ấm lắm”. Tôi vâng dạ. Trong bụng nghĩ, với tình trạng của tôi thế này, ở đâu cũng lạnh lẽo cả. Chất đắng của chè làm tôi tỉnh táo lại. Tôi kéo tay Nhữ: “Thôi về”. Đi ngang qua các gallery tôi nhìn vào. Vô số tranh chân dung thiếu nữ lớn bé treo đầy trên tường. Cái vui, cái buồn, cái thờ ơ, cái tuyệt vọng... Có gương mặt nào là của tôi lúc này? Nhữ hỏi: “Gì thế?”. “Không - tôi chối - Chỉ buồn”.Chúng tôi trèo lên gác xép. Nhữ thắp thêm mấy cây đèn cầy để sưởi ấm. Tôi đề nghị: “Lâu lắm rồi không nghe Nhữ hát”. Tôi ngồi cuộn tròn trong chăn, thấy cảnh êm ấm thế này mà chưa bao giờ có được với anh.Nhưng còn anh với chị Nhiên, chắc chắn là đã có nhiều đêm tuyệt diệu bên những quán cóc, bên những hàng cây cuối thu trụi lá.Nhữ bỏ đàn, thọc chân vào chăn, đầu hơi gục xuống để mớ tóc bồng phủ lòa xòa xuống mắt. “Nhữ ơi. Nhữ báo mình với anh Kiên hợp nhau không?”. “Vớ vẩn. Hai người phải tự biết chứ”. “Còn chị Nhiên”. “Mình nói thật - Nhữ xoắn hai bàn tay vào nhau - Anh Kiên với chị Nhiên hợp nhau hơn. Từ trước đến giờ mình chỉ thấy anh Kiên xem Châu như em gái”.Như em gái. Chỉ như em gái. Tại sao chưa hao giờ tôi nhận ra điều đó. Trong khi Nhữ ở xa tôi hàng ngàn cây số. “Tại sao anh Kiên không nói với mình điều đó”. “Châu trẻ con và cứng đầu lắm. Châu chẳng chịu nhận ra đâu là tình yêu, đâu là tình bạn. Nhưng đến lúc nào đó người ta cũng phải nhận ra sự thật”.Nhữ nhìn sâu vào mắt tôi: “Có chuyện gì thế?”. Tôi kể cho Nhữ nghe, rằng tôi buồn, buồn lắm. Chưa bao giờ anh Kiên nói với tôi một lời như thế. Anh Kiên, chị Nhiên đều tốt với tôi. Nhưng họ chỉ cho tôi là con rối ngốc nghếch. Thật khó mà chịu đựng nổi.“Rồi sẽ qua hết thôi”. Nhữ lại cầm đàn. Ngoài kia gió thổi như có mưa rào. Em gái Nhữ về, hát ầm ĩ dưới nhà. Nhữ bảo: “Nó lúc nào cũng vô tư”. “Mình cũng muốn vô tư như thế” - Tôi chua chát. Tôi nhớ ngày sinh nhật anh tặng tôi một bó cúc trắng. Tôi phơi khô và cất kỹ trong tủ. Với tôi chẳng có gì dễ dàng trôi qua được.Toi nhìn qua ô cửa nhỏ. Trời mờ mịt mây. Những cành cây đâm ngang dọc rạch bầu trời thành những đường kỷ hà ngộ nghĩnh. Chú mèo đất ngồi trên kệ sách nheo mắt cười chế giễu. Nước mắt tôi lại chảy nhòe trên má.Nhữ quay lại hoảng hốt: “Châu khóc à - Nhữ vụng về đưa tay lau nước mắt cho tôi - thôi nín đi. Ra đây thực tế một vài tháng là mọi chuyện sẽ qua đi. Quanh Châu còn có bao nhiêu người yêu thương”.Cái siết tay mạnh mẽ của Nhữ làm lòng tôi ấm lại. Chao ôi, tôi quả là cô bé ngốc nghếch, tôi toan chạy đi tìm những gì mơ hồ mà quên rằng ngay cạnh mình đang có biết bao nhiêu điều kỳ diệu. Tôi se sẽ mỉm cười. Ngoài kia giá rét mà trong căn phòng này, nắng như vỡ òa ra trên những ngọn nến lung linh thắp quanh ô cửa nhỏ.