rên bãi biển thoai thoải dốc, bờ cát dài nhuộm đẫm ánh vàng cam. Thứ màu da cam trộn lẫn màu lựu chín làm cho khung cảnh bừng lên một sức sống vào những ngày cuối đông. Rải rác, từng cụm lau thưa khô xác xơ, loang lổ như những mảng lông heo không được cạo sạch xao động theo những cơn gió heo hắt nồng mùi nước biển. Mùi nồng và ngai ngái đến lộn lạo cả ruột gan.
Mặt nước phẳng lặng đến ghê sợ. Cả một màu đen xậm mênh mông ngập tràn ánh nắng chiều, loang loáng những lớp cam vàng như giát thêm thủy ngân lan rộng đến tận chân trời nhưng vẫn không đủ sức giảm bớt vẻ lạnh lùng cay nghiệt của biển cả. Lơ lửng trên dãy núi xa, mặt trời đã xuống thật thấp. Từng cụm mây đặc bị khối lửa khổng lồ nung chín, rắc đều xuống những thứ ánh sáng khủng khiếp trong vũ trụ. Thứ ánh sáng bị phản chiếu từ mặt nước không đủ nấu sôi biển cả nhưng đủ mãnh lực nung chín ruột gan con người.
Thiên nhiên dễ đi vào lòng con người bằng những mối xúc cảm lạ lùng; dễ tạo cho họ những buồn vui bất chợt nên đã Thắm ngồi sừng sững trên mỏm đá với đôi mắt mở trừng. Hình ảnh gia đình ghê sợ, nhờm gớm, những ấn tượng hãi hùng kinh khiếp đã choán ngập, đã phủ chụp lên thân thể, ngấm sâu trong mạch máu, đục đẽo tận xương tủy tim óc nàng. Thắm tưởng mình không còn sức chống cự, vậy mà vẫn bị vực lên để đối diện, để phân định đâu là phải trái. Còn gì dã man bằng người ta lôi một xác chết đã mục rữa ra để tra tấn; còn gì độc ác bằng kẻ mù loà vẫn bị chọc thủng hai mắt, kẻ điếc vẫn bị đục hai lỗ tai để phải nghe, phải thấy thảm kịch gia đình. Và trái tim kia, trái tim của Thắm, nó đã héo chết mà vẫn bị mang ra cắt gọt lần mòn...
Thắm chẳng trách ai cả, chẳng trách mẹ, trách cha, trách bạn bè mà chỉ trách mình; tại sao đã quá nặng nề tình cảm để không có thái độ dứt khoát như bạn bè bao đứa đã làm: bỏ nhà ra đi, lấy chồng hoặc chết.
Ba con đường chọn lựa và ba con đường chúng đã xông xáo bước vào để rồi ngày tháng trôi đi vẫn chỉ mang đến duy nhất một kết luận: Những con đường cũng phải nhập lại như những nhánh sông nhỏ nhập vào biển cả, như những mạch máu phải trở về tim; và con đường nào cũng dẫn đến sự chết và nỗi đau đớn. Làm sao thoát ra khỏi sợi dây tình cảm khi cuộc sống là những ràng buộc liên đới? Giống như cây sống được nhờ ở lá xanh, nhờ hấp thụ những diệp lục tố; trong khi lá tươi tốt là nhờ thân cây và thân cây sống được là nhờ những phân bón được hút lên từ gốc rễ. Cuộc sống tình cảm cũng như cây cỏ, nó có những liên hệ dây chuyền; khác chăng chỉ thêm nỗi đau khổ và nước mắt chứ không phải chỉ có mỗi sự sống và sự chết.
Chính vì sự ràng buộc vô hình đó mà chưa bao giờ Thắm có ý định sẽ bỏ nhà ra đi. Vả lại, đi đâu bây giờ? Gia đình là mái ấm mà còn không ở được phải chạy trốn thì nơi nào sẽ là chỗ yên thân? Gia đình là địa ngục thì nơi đâu sẽ có thiên đàng? Gia đình đã lấy mất của nàng sự sống, sự hồn nhiên thì có đi đến đâu cũng chỉ tự dấn thân vào nỗi chết.
Còn tình yêu? Thắm thở dài cho nỗi chua chát vơi đi, có cũng như không, nó chỉ là chiếc bánh tưởng tượng, chỉ là mâm cơm vẽ vội vàng trong lúc đói khát nhưng thực tế đói khát vẫn hoàn đói khát.
Đã không có tình yêu thì đâu thể nghĩ đến chuyện lấy chồng. Mà lấy ai bây giờ? Ai sẽ cho nàng cuộc sống mới, một hạnh phúc mới hay hạnh phúc cũng chỉ là tưởng tượng như thơ, như mơ cho cuộc đời có chút hy vọng để tiến tới. Với Thắm, hy vọng chỉ là thứ ánh sáng lóe lên từ viên ngọc thạch chứ không phải là thứ ánh sáng thiên nhiên của trời, của một khe hở từ ngoài vào vì đường hầm đã bị bít kín. Đường hầm không có lối thoát, không đủ dưỡng khí để thở; một đường hầm đã giam hãm nàng từ khi bé đến tuổi trưởng thành; một đường hầm nồng nặc mùi đất ẩm và ngột ngạt; một đường hầm được trải bằng những thứ đá vân hoa hoè, bằng danh từ hoa mỹ: mái ấm gia đình.
Thắm thấy nặng trong lồng ngực. Sự ghê sợ lẫn chán chường như vẫn còn bám chặt trong đó. Không ai muốn để cho nàng yên dù rằng sự yên bình của một xác chết.
-Thắm, mày nghĩ xem ai là người có lỗi? Ai là kẻ phách tướng trong cái nhà này? Ai là người...
-Phải kể thì nó mới biết để mà phân định chứ. Chưa gì mà cứ ong óng cái miệng.
Dù nhắm mắt lại Thắm vẫn thấy hình ảnh bố mẹ đang múa may xỉa xói trước mặt. Khi cãi nhau, ai chẳng dành phần phải về mình và lẽ dĩ nhiên những danh từ ghê tởm hãi sợ, những đòn độc được lôi ra đánh tới tấp, đánh thẳng tay, đánh để cho đối phương phải gục ngã, phải chết.
-Đấy thì kể cho nó nghe đi xem ai phải ai trái.
Chưa bao giờ Thắm được nghe bố mẹ ngồi kể một cách ôn tồn và trung thực; cũng chưa lần nào nàng đủ can đảm nghe hết những câu chuyện của người lớn, của bực làm cha mẹ vì sự cãi nhau của họ cho Thắm cảm tưởng không phải để giải quyết một vấn đề hệ trọng mà mục đích chỉ dìm danh giá người khác xuống cho mình nổi lên. Điều nàng thấy rõ ràng nhất là hình như cả hai đều muốn Thắm ngả về họ y như rằng nàng là đại diện cho sự tốt lành và lẽ phải.
-Ai đời tao vừa bỏ cái chén vào sink định rửa tay thì mẹ mày đã ném ngay ra và quát tháo như bà chủ nhà: "Rửa, rửa, rửa. Ăn xong là phải rửa, ở đây chẳng có đứa nào hầu đứa nào." Đứa nào là đứa nào? Không tao thì còn ai vào đó? Vợ gì mà lộng ngôn hỗn láo.
-Tại sao tôi lộng ngôn hỗn láo? Làm chồng ở không phải thì vợ khinh cho là đúng. Thứ chó dái rẽo cả ngày ngoài đường, lê liếm từ nhà nọ đến nhà kia, rúc hết vào váy những con đàn bà không từ một đứa. Ghê tởm thế mà bảo im được à!
-Hễ cứ động tới là kéo nhây kéo nhợ. Tôi đang kể cho nó nghe cái vụ chén đũa cơ mà!
-Không chui vào váy người ta thì làm gì có vụ chén đũa.
Bố nàng hùng hổ đứng lên giống như sắp sửa muốn bóp cổ vợ như đã bao nhiêu lần muốn làm:
-Câm ngay con quỷ sứ, đừng có bày lêu.
-Không làm xấu sao sợ xấu? Không dâm loàn sao sợ bày lêu?
Nói xong bà nghến cao cổ cho vừa một cái vặn:
-Có ngon thì cứ nhào vô. Đánh không lại bà cũng bóp cho thọt dái.
Thắm bưng chặt lấy hai tai, khi cãi nhau người ta thù hận khinh bỉ nhau đến nỗi dùng bất cứ danh từ nào cũng cảm thấy như chưa vừa ý. Bao ngôn ngữ đao to búa lớn lượm lặt từ những tay anh chị, từ những xóm chị em ta, từ những dân vô học đá cá lăn dưa đã được bố mẹ nàng trộn lẫn lộn để sát phạt. Khi cãi nhau mẹ nàng đâu còn mang hình ảnh cô nữ sinh Gia Long hiền lành thưở nào, bố nàng đâu còn mang hình ảnh oai phong lẫm liệt của ông giáo sư toán đệ nhị cấp. Thời gian như những cơn mưa lớn liên tiếp làm tróc những bức tượng đất giả hình, đã lột trần cái mô phạm, trí thức hão của những người chỉ muốn sống vì vỏ bên ngoài.
-Đồ đĩ, nói thế mà nghe được à. Chẳng thà đánh con chó còn không sợ bị bẩn tay.
-Anh nói ai con đĩ? Tôi là đĩ vậy anh là ma cô vì chỉ có ma cô mới dám lấy đĩ.
Những tiếng gào chửi tiếp tục xoay tròn từ a tới z rồi lại đáo ngược, ấy thế mà cứ từ ngày này qua ngày khác không ngừng nghỉ. Hình như bố mẹ nàng cãi nhau thay nói, cãi nhau để mà sống và để lần mòn nuốt phần không khí còn lại trong đường hầm mịt mù bóng tối. Thắm không còn không khí để thở, nàng cũng chẳng thể chia xẻ được gì vì thực ra bố mẹ không ở chung cùng tầng lớp. Lớp trẻ bây giờ dám làm, dám nhận hậu quả chứ không ném đá dấu tay; không ăn vụng rồi cố chùi mép hoặc chùi không sạch đổ vội sang cho người khác.
-Thằng bố mày bây giờ đổ đốn, hết rờ mông con này đến rờ ngực con kia. Báu bổ gì ba cái thứ ấy mà phải chụp giựt cho chúng nó khinh. Thà chẳng phải ông nọ bà kia thì muốn bôi tro trát trấu thế nào cũng được; đàng này cũng con ông cháu cha, cũng ăn học bằng cấp mà lại làm giống tôm lộn cứt lên đầu.
Thắm nghe mẹ nói mà lòng không hề một mảy may xúc động ngoài sự khó chịu vì cảm thấy mình bị lừa bịp và bị coi như một đứa trẻ con. Mẹ nàng cũng đâu hiền lành gì, chuyện ông ăn chả bà ăn nem hầu như xảy ra quá thường ở mỗi gia đình.
-Con nghĩ nếu không còn yêu nhau sao bố mẹ không tính chuyện ly dị mà cứ phải sống khổ sống sở như thế này. Chẳng ngày nào mà không có tiếng cãi cọ.
-Ly dị thì thằng nào còn dám lấy mày?
Tự dưng khí nóng ở đâu bốc lên, Thắm thấy máu huyết sôi sục và cảm tưởng như danh nghĩa mình bị mang ra lợi dụng:
-Mẹ đừng vì con mà hãy sống cho mẹ. Người xưa bảo phúc đức tại mẫu nhưng thực ra không có điều đó. Con chẳng cần phúc đức của ai hết cũng như lấy vợ người ta nhìn ở người định lấy chứ không phải nhìn ở tông ti họ hàng.
-Con này cho ăn học rồi ăn nói láo lếu, tao chẳng đập cho vỡ mặt ra ấy chứ lỵ.
-Con thấy bố mẹ làm những điều không đúng. Bố mẹ sống ích kỷ cho riêng cá nhân. Bên ngoài nói sống cho con cái nhưng thực ra chỉ biết lấy mình; miệng nói hy sinh nhưng thực tâm trong lòng đã lợi dụng nó để làm những điều không tốt. Đã vậy từ mai con ở nội trú không về nhà nữa.
-Con mất dậy, cho mày đi để học những điều khôn ngoan ai ngờ học thói mất nết. Dẹp hết, từ mai ở nhà xem có thằng nào dám rờ tới không mà chưa nứt mắt đã tại mẫu tại bà. Thời buổi này chứa con gái trong nhà giống như là chứa bom nguyên tử. Cầu trời cho có đứa tới rước mày đi là khỏi cần phải nhắc tao cũng ly dị bố mày ngay chứ sống mãi thế này cho tàn phí cuộc đời à!
-Con chẳng lấy ai cả. Chuyện bố mẹ bỏ hay ở không dính líu gì đến hôn nhân của con.
-Tại sao không ăn thua? Tao hỏi mày chứ ai dám làm xui gia với người bỏ chồng?
Thắm thở dài. Bố mẹ không muốn hay không dám ly dị? Vì tương lai của nàng hay vì căn nhà đồ sộ? Tại sao mẹ không dám nói thẳng là vì cái vỏ bề ngoài; ly dị là sẽ mất hết, ngôi biệt thự sẽ tự động bị tịch thu vì không tiền trả note. Rồi xe cộ, tiệm tùng, hàng quán? Như vậy đâu phải vì nàng?
-Thắm này, hôm qua tao nghe mẹ mày bảo mày định ở nội trú, tháng mới về một lần?
-Vâng, dạo này bài vở nhiều quá đi về không còn giờ học. Hơn nữa con chẳng còn tâm trí nào nữa cả. Chuyện bố mẹ cãi cọ cứ tràn ngập trong đầu óc con. Theo con nghĩ bố mẹ nên ly dị sớm để tránh trường hợp quá phẫn uất mà làm bậy.
-Vì mày thôi con ạ!
Nhìn ánh mắt cha, Thắm không tin là ông nói thật nhưng vẻ già nua héo hắt và những vết nhăn hiện đầy trên vầng trán không thể che dấu số tuổi đã ngoài 50 của mình làm cho lòng Thắm phần nào se lại. Ở Việt Nam, tuổi này là tuổi an nhàn sung sướng, tuổi của những người già bên túi thơ bầu rượu, làm bạn với trăng với gió chứ đâu phải đắm say bên tửu sắc như mẹ nàng vẫn thường quát mắng.
-Bố ạ! Đừng đi lang thang đây đó nữa. Con nghĩ mẹ thương bố nên mới ghen.
-Thương gì, mẹ mày đang mê thằng thầu khoán Vinh; nó có những ba cái apartment cho thuê lại thêm một hiệu sách ở đầu phố.
-Nhà mình cũng đâu nghèo đói gì.
-Bởi vậy tao mới buồn. Bà ấy mê cả người lẫn của, có mắt cũng như mù, cứ đứng núi này tưởng núi kia cao. Tao bảo thật, cứ đốt đuốc đi tìm khắp thiên hạ xem có đứa nào tài giỏi như tao không? Một tay xây dựng sự nghiệp, mày tưởng xứ sở này dễ kiếm được đồng bạc. Nếu không khôn khéo, nếu không có mưu trí thì chưa chắc đã có cái chòi con mà ở chứ đừng nói đến dinh thự nguy nga như thế này. Mày xem ngay như lão Thạch sang đây 16 năm rồi mà có cái gì đâu; rồi đến lão Tánh cũng thế, gia đình tướng tá cả đấy mà cũng chỉ được cái quán nhỏ sống qua ngày.
Thắm thở dài, càng phô trương thành tích tài giỏi chỉ càng chứng minh sự thua sút của mình.
-Bố nói thế chứ biết bao nhiêu người qua đây đều công thành danh toại; đa số đi học lấy lại bằng cấp và làm việc cho chính phủ, ăn sung mặc sướng chẳng phải lo gì.
-Chúng chỉ được cái mã bề ngoài chứ có mẹ gì đâu, bên trong rỗng tuếch. Nhà cũng là nhà chính phủ, xe cũng thuê và không chừng ngay đến vợ con cũng chưa chắc là thật của họ.
-Con thấy cuộc đời mà cứ nhìn xuống để thấy không ai bằng mình thì đâu có khá hơn gì.
-Tao chẳng nhìn lên mà cũng chẳng thèm nhìn xuống, cứ quanh đây thôi cũng đủ thấy chẳng ai hơn được bố mày đâu con ạ!
-Nhưng ít ra họ cũng không phải là người xấu, cũng có địa vị trong xã hội.
-Thằng nào mà chẳng là thằng, cởi truồng ra thì ai cũng như ai, có chăng chỉ mập với gầy. Thằng nào có tiền là thằng đó hét ra lửa. Còn mày bảo họ trí thức, có tư cách? Lão bác sĩ Đ. vợ con sờ sờ ra đấy còn cặp với vợ tên y tá làm việc lậu cho mình. Bà dược sĩ H. cũng đâu kém, một lúc hai thằng bồ Mỹ. Thấy mà bắt rùng mình.
Ông bố chợt khựng lại khi thấy Thắm nhìn mình bằng cặp mắt ghê sợ lẫn mất thần sắc; giống như mắt của kẻ đang cơn hấp hối chợt nhìn thấy tử thần. Đôi mắt như ngàn vạn lời van xin thống thiết: "Xin đừng đầu độc, đừng giết lần mòn những ý nghĩ tốt lành, trong sạch và sự sống của con mình." Ông chép miệng tiếc rẻ câu chuyện phải bỏ dở để hướng sang một lối khác:
-Mày còn học gì nữa mà cứ học hoài? Tuổi này khi xưa mẹ mày đã tay ẵm tay bồng.
Thắm cúi gầm mặt như không muốn để những lời nói đó lọt vào tai.
-Tao thấy cậu Tài tướng tá cũng được, người có tiền của lại có học.
Lớp già vừa bị tố khổ xong thì lớp trẻ trong cùng một xã hội có hơn gì thế mà ông tuyên dương một cách tài tình, Thắm cảm thấy thấy khó chịu:
-Hắn là con mọt sách, ngoài việc học ra không biết một sự gì.
-Vậy chứ thằng Tuấn mày cũng chê?
-Vừa xong bố bảo mẹ nó có hai thằng bồ Mỹ thì thằng con nào có khá hơn.
-Mày lấy nó chứ có lấy mẹ nó đâu mà rộn.
-Nhưng con người huênh hoang phét lác.
Ông bố nhìn Thắm, giọng bắt đầu bực:
-Tóm lại con bà bác sĩ Cầu là thằng dược sĩ Cửu mày cũng chê ngu dốt nốt?
Thắm buồn bã nhìn bố, và lần đầu tiên bằng giọng thê thảm nàng nói thẳng ý nghĩ của mình:
-Con không dám chê ai hết nhưng con sợ hạnh phúc hôn nhân cũng sẽ giống như bố mẹ.
Thắm nhìn thấy bố mình giật nảy người như bị điện chạm, trong một thoáng mặt ông xạm đi và đôi mắt trở nên thất thần... Tâm hồn Thắm đã từng bị xâu xé như thế nào thì giờ đây cũng tan nát như làm vậy khi nhìn thấy đôi mắt ấy...
Những tháng ngày sống trong nội trú Thắm mới thấy rõ chỉ có gia đình mới là mái ấm, mới mang đến một hạnh phúc thực thụ; chỉ có gia đình mới là nơi trú thân và nương tựa tuyệt vời nhất. Nhiều buổi trưa trong giờ ăn, nhìn chúng bạn tụ năm tụ ba bên chiếc pizza tròn to như cái mâm, bên bịch chicken hoặc những cái bánh mì hot dog, nhìn những mái tóc đỏ, vàng lẫn lộn bên màu da trắng tái, lòng Thắm lại rộn lên một sự nhớ thương khó tả. Thắm nhớ đám bạn học cùng lớp hồi còn ở trung học, nhớ những buổi trưa mỗi đứa thay phiên mang cơm chia nhau ăn. Con Hạnh chuyên môn mang bánh téc vì má nó nấu bánh bỏ bán ở mấy chợ VN. Con Châu hay mang thịt kho trứng chim cút với vài khoanh cơm nắm. Thắm độc đáo hơn mang thịt chưng mắm tôm ăn với dưa leo; mùi mắm thum thủm bay khắp phòng ăn làm mấy tụi Mỹ dáo dác đi tìm. Những lần sau đó bất cứ mùi gì khác lạ là chúng chỉ đưa mắt nhìn vào đám Việt Nam quái đản. Cả trường chỉ có trên hai mươi đứa đầu đen mà làm rối lên, nhất là vào những dịp tết, lễ Nguyên Đán. Xong lớp 12, đứa đi làm; đứa lấy chồng; đứa thì ở nhà phụ giúp đỡ đần cha mẹ; chỉ có mình Thắm là tốt số hơn, đâu ai ngờ bây giờ lại ngồi đây tìm kiếm từng mái tóc đen trong đám người lố nhố lạc lõng.
Cả trường đếm được khoảng mười mái đầu đen, ngoài Thắm ra còn toàn là Nhật, Đại Hàn, Đài Loan và Phi Luật Tân. Chúng cùng màu da nhưng khác tiếng nói; cùng màu tóc, màu mắt đen nhưng tư tưởng, văn hóa cách biệt; nhất là cùng bộ răng trắng, cùng chiếc miệng rộng, cùng màu lưỡi đỏ mà mỗi đứa tự chọn cho mình một món ăn ưa thích. Nhìn những thức ăn Mỹ khô khan lấy thịt làm căn bản, Thắm thấy ngớn lên tới tận cổ. Chẳng thà ăn một gói mì với vài cọng hành hoặc vài lá rau còn ngon hơn cái Big Mac to tướng, nhưng ăn mì riết cũng nóng xót ruột gan, mà lái xe ra ngoài ăn steak hay rib roast thì có chết tiền. Cho nên đôi lúc lười lĩnh Thắm bèn ăn cơm hàm thụ cho được việc. Thích nhất là món cá kho tộ còn sền sệt chút nước để chan, rồi đến món thịt kho tàu chung với hột vịt mà bao giờ Thắm cũng chỉ dích có chút lòng đỏ và chan miếng nước kho rồi miết đều. Thức ăn ngon, con bé Thắm sáu tuổi quất cho một mạch hai chén; nào đã xong nó còn được thưởng thêm trái mãng cầu dai. Tuổi thơ sao mà êm đềm và dễ thương quá, Thắm nhớ những ngày cuối tuần về Lái Thiêu thăm nội tha hồ hái măng cụt và mận sọc; cùng bố mẹ rượt đuổi khắp vườn sầu riêng mà không chịu đội nón sắt bị ông nội bắt gặp la cho một trận nên thân; nhớ những lần giỡn với mẹ lăn tròn trên đám lá khô bị con nái chích; nhớ lần đua với bố phóng ngang con lạch bị té lọi giò. Ôi, cái ngày xưa sao mà giống chuyện thần thoại, sao mà mật ngọt êm đềm như thế; cái ngày xưa có con bé Thắm hay ngủ gật trong lớp học bị cô giáo ký đầu; có con bé Thắm hay nhõng nhẽo mẹ cứ bắt cõng cả ngày...
Cái ngày đó mới thật là hạnh phúc, mới thật là mái ấm gia đình. Nhiều khi nhớ lại trong muôn vàn tiếc nuối, nàng thường tự an ủi mình rằng hồi đó còn quá nhỏ nên không thể nhìn thấy bề trái của cuộc sống để rồi khi qua đến Mỹ tình cảm bố mẹ nàng dần dần biến thành máy móc, suốt ngày chỉ nghe đến tiền bạc, danh vọng, trách nhiệm, bổn phận. Phải chăng bằng ấy thứ đã giết lần mòn tình cảm con người?
Sau giờ ăn trưa, Thắm thường hay mang khăn trải một mình kiếm góc vắng nằm đọc sách. Thực ra đó chỉ là hình thức ngăn cản bạn bè đến gần quấy rầy; chẳng ai nỡ phá hay làm phiền khi thấy bên cạnh nàng ngổn ngang một chồng sách vở. Vì thế Thắm đã được yên thân thả hồn theo mộng mị, để nhớ về dĩ vãng xa xưa nhưng bao giờ dĩ vãng và thực tại cũng đi liền, nó đã mau chóng kéo nàng về với những nỗi buồn phiền ray rứt. Dĩ vãng như đặt Thắm nằm trên một đám mây bồng bềnh nhẹ bay, theo gió rười rượi mát dạo chơi khắp dương gian nhưng chỉ được trong thoáng chốc vì từng luồng gió mạnh từ đâu ào ào tới xô đẩy, đám mây vật vã nhào lộn trong màu sắc đen sậm, u ám để rồi dội bật khi gặp khí lạnh trên cao; mây tan tác và rớt rơi như những giọt nước mắt. Gia đình Thắm là thế đó, là đám mây xám bay giăng khắp khung trời, là những giọt nước lạnh ngắt, lạnh tái tê rưới lên thân thể đang cóng buốt, là những khắc khoải buồn phiền, là những chán nản buông lơi ở cuộc sống mai sau.
-Hi Thắm, ngủ ở đây hả?
Thắm giật mình, thằng Am, thằng Đại Hàn Hong Soo Am, đã ngồi bên mép khăn trải tự lúc nào. Am nhìn khoé mắt ướt của Thắm khẽ ngập ngừng:
-Ngày nào cũng thế! Sao vậy?
Không trả lời, Thắm lồm cồm bò dậy. Giá gặp thằng Bob hay thằng Joe có lẽ phải mất công uốn lưỡi năm lần bẩy lượt mới có thể nói đúng giọng, còn đàng này nó cũng ăn nói ngọng nghịu đâu thua gì mình.
-Phá thiên hạ khi đang ngủ là bất lịch sự.
Am tròn mắt nhìn nàng, lòng con ngươi đen nhánh với hai hàng lông mi thật rậm, mắt Am tròn thật, tròn xoe như hai viên đá bằng thủy tinh mà hồi nhỏ Thắm vẫn dùng để chơi bắn bi. Viên đá trong suốt chứa một hột nhân đủ màu toẽ 4 nhánh mỏng dính sặc sỡ. Mắt Am đẹp rực rỡ, một điều trái ngược với những tụi Đại Hàn một mí, ti hí. Thấy Thắm nói sẵng giọng, nó ngây người một thoáng.
-Một lần thì không sao, lần sau là có chuyện.
Nhìn Thắm cười, hai hàm răng đều như bắp, nó thở ra một hơi nhẹ nhõm:
-Đừng giận, tại thấy khóc nên mới hỏi.
-Khóc? Ai khóc?
-Ai khóc thì biết.
A! Ra thằng này cũng đáo để, vậy mà từ lâu nàng cứ coi thường nó.
-Đi dạo một vòng không? Nằm đây buồn chết.
Thằng cóc cắn không biết thân phận dám giở trò tán tỉnh. Nhìn vết bớt to bằng ba ngón tay nằm ăn sâu dưới lớp da ngăm đen, Thắm cảm thấy thú vị:
-Anh con một?
-Ừ hứ! Sao biết hay vậy?
Mắt nó lại tròn xoe, mọi sự hiền lành chân thật thể hiện qua ánh nhìn. Thắm chỉ tay lên cổ mình:
-Thì sợ lạc nên mới phải đóng dấu.
Cố nín cười vì lối trêu của Thắm nhưng người nó vẫn không sao giữ cho khỏi rung lên từng chập, như con mèo muốn ho mà chỉ phát ra tiếng khọt khẹt. Nhìn động tác quái dị của hắn, Thắm bật cười. Tiếng cười làm Am rũ người ra và ôm bụng khọt khẹt một hồi lâu:
-Ngộ há! Thắm cười mà nước mắt cũng chảy.
Thắm làm bộ sụ mặt:
-Vừa xong ai bảo nước mắt chảy là khóc?
Am ngẩn người. Ôi thằng Đại Hàn, thằng Am ngố, ngố nên rất hiền lành và ngoan ngoãn. Am theo đuổi Thắm từ lâu nhưng chỉ biết đứng xa nhìn để hộ tống. Cái thằng lù khù thế mà giỏi, chẳng có đứa nào dám xàm sở với Thắm trừ phi có sự đồng tình. Chúng sợ thằng Oriental có võ đai đen.
-Sao anh cứ theo rình tôi hoài vậy?
-Rình? Tại sao lại phải rình?
-Không rình sao lúc nào tôi cũng thấy anh lẩn quẩn?
Am cười, mặt nó đỏ rần vì ngượng ngùng:
-Thích nói chuyện nhưng sợ cho là quấy rầy nên chỉ dám đứng đàng xa.
-Đứng đàng xa sao biết là khóc?
Am ú ớ. Trò nói ngọng ngoẹo thế mà hay vì mỗi câu hỏi đâu phải đối đáp ngay được. Đa số Am chỉ trả lời vắn tắt, còn những điều không cần thiết chỉ thổ lộ bằng ánh mắt. Kể ra Am cũng khôn ngoan vì không trả lời vào câu hỏi:
-Nhờ tôi lảng vảng nên không có đứa nào dám phá chứ dễ gì mấy thằng bạch chủng để cho Thắm ngủ yên.
-Cái gì bạch chủng trong đó? Không ngờ anh kỳ thị dữ a!
Thắm đùa cho qua câu chuyện nhưng Am lại nghĩ khác; nó đỏ mặt:
-Họ không kỳ thị bọn da vàng mũi tẹt mình là phước, có đâu là...
-Bộ dân tộc anh không có gì để tự hào kiêu hãnh hết hay sao mà bi quan như vậy? Đâu phải cứ da trắng là hơn da vàng; đâu phải cứ to con là hơn những người thấp bé?
Có lẽ không hiểu kịp hoặc ý tưởng Thắm không đủ ngôn ngữ diễn tả nên Am cứ đưa tay lên gãi đầu, những sợi tóc cứng ngắc và ngắn ngủn nằm trơ trọi trên lớp da màu xậm phơi rõ dưới ánh nắng. Mặt trời đã đứng sừng sững trên đỉnh đầu, qua khe lá ánh sáng mang muôn dạng hình thù rắc đều những đốm sáng chập chờn nhảy múa theo từng cơn gió nhẹ rung. Trời nắng nhưng gió vẫn hây hây mát, đó là cái lý do tại sao Thắm thích nằm ngoài đây.
-Có mang theo kiếng soi mặt không?
-Để làm gì?
-Thì đưa đây.
Thắm cầm chiếc gương nhỏ trong lòng bàn tay hứng lấy đốm sáng lớn nhất và xoay nghiêng. Qua sự phản xạ, đốm nắng biến thành tia sáng nhỏ nhưng bỏng rát chạy lăng quăng trên mặt Am.
-Ê, muốn ăn thịt thui, bê thui hay lưỡi thui?
Luống cuống dấu mặt trong lòng bàn tay, Am lụng bụng:
-Ác, ác thật.
Nói thế nhưng đôi mắt tròn ve kia đã cho Thắm tia nhìn thật đầm ấm đầy những an ủi, chia xẻ. Lòng Thắm bỗng rung lên một cảm giác thật lạ kỳ. Phải chăng trò nghịch đùa trẻ con đang lôi kéo Thắm tìm về những tháng ngày xa xưa đã mất?
-Đi dạo một vòng không Thắm?
-Trẻ con vừa thôi.
-Mình đi kiếm cái gì uống?
-Sao lại mình?
-Tôi mời mà!
Thắm lắc đầu:
-Không thích đi.
-Uống gì tôi mua về cho?
-Không khát.
Từng nghe Thắm nói chuyện nhát gừng, khó ưa nhưng Am vẫn kiên nhẫn. Hình như Am đã học được tính nhẫn nại và bền bĩ đeo, cứ lì là được. Thắm không ghét Am, cũng chẳng có cảm tình đặc biệt mặc dù nhìn đám bạn chung quanh, xét về tính tình thì Am thuộc vào loại khá.
-Cuối tuần đi movie không?
Cuối tuần? Thắm chợt xốn xang. Về nhà thì như địa ngục, nằm chèo queo ở đây thì có nước chết khô mà đi chơi với người mình không thích thì chán quá.
-Chưa hứa với John nhưng có lẽ tôi đi với nó.
Đang vui mặt Am bỗng sa sầm, tuy nhiên vẫn không chút thất vọng:
-Tuần tới nhé!
-Không hứa đâu.
Am ngồi khoanh tay bó gối, giọng trầm xuống:
-Thắm thích thằng John?
-Cũng như Am vậy thôi.
Ngập ngừng một hồi Am mới có thể nói được câu ngắn nhưng rất thành thật:
-Đi vui nhé!
-Ơ hay đã đi đâu?
-Thì chúc trước.
Kể cũng lạ, trong đời Thắm chưa thấy người đàn ông nào khi yêu lại đủ bình tĩnh nghe người mình thầm yêu kể chuyện sẽ đi chơi với người khác mà không tỏ thái độ khó chịu ghen ghét.
-John đẹp trai chứ hả?
-Dĩ nhiên, mắt anh ta xanh biếc như da trời.
Theo tia nhìn, Thắm ngước lên trời tìm màu mắt John. Lòng nàng bất chợt rúng động khi thấy đám mây sáng rực dưới ánh nắng, màu trắng hiền hoà, trong sạch và nhẹ trôi bồng bềnh như bông goòng.
-Nhìn kìa! Đẹp quá.
Lần này mắt Am lại tròn lên và trong đôi con ngươi đen nhánh, một đám mây nhỏ, rất nhỏ sáng lấp lánh.
Thế là Thắm phải tạm thời nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ vào ngân quỹ gia đình đang hồi kiệt quệ. Thắm hiểu đó không phải là lý do chính đáng vì vào một chiều cuối tuần mẹ nàng lên đây thăm, cuộc sống xô bồ trong khu nội trú đã cho bà những quyết định ngấm ngầm nhưng dữ dội. Cũng rủi cho Thắm, hôm ấy lại là ngày nàng sống buông thả và trụy lạc nhất.
Ma men đã nhập vào người Thắm từ sáng, trưa và cả tối. Phòng John khóa cửa nguyên ngày, thằng bạn ở chung đã bỏ đi chơi để mặc hai người tự do. Trong vòng tay thằng bạn ngoại quốc, Thắm nghe tiếng được tiếng mất nhưng lời tỏ tình nàng không bỏ sót một chữ.
-Ừ hứ! Tao yêu mày, mày yêu tao như đàn ông yêu đàn bà, như giống đực yêu giống cái -- Thắm dụi mặt vào ngực John, hơi thở nồng nặc mùi men chua -- Sao mày ngu vậy? Mày đâu có giống bố tao. Bố tao gặp đàn bà là không tha một mống nào.
John không dám đẩy Thắm ra, nó ngồi im chịu trận:
-Em say quá rồi, nằm ngủ một chút đi.
-Nhờ say nên tao mới đến tìm mày. Giúp tao quên buồn đi John. Tao muốn quên, quên hết.
Mặt Thắm nhạt nhòa nước mắt, đôi mắt trũng sâu chứa những hố buồn. John thở dài:
-Nhưng tại sao phải làm như vậy chứ! Em đã suy nghĩ kỹ chưa?
-Có gì mà phải suy nghĩ. Bộ nó hệ trọng lắm sao?
-Nhưng là lần đầu.
Thắm cảm thấy bực dọc vì vẻ đạo đức vờ vĩnh của John. Đầu hay cuối cũng bất cần, bố Thắm đã tằng tịu, đã có con với người ta thì việc làm này cũng là từ hậu quả của ông.
-Nhưng tại sao phải làm thế? John e dè.
-Đừng nghĩ rằng đây là một cái bẫy. Tao đã qua tuổi vị thành niên từ lâu.
-Nhưng...
-Thằng ngốc, mày giả vờ đạo đức tao sẽ đi tìm đứa khác. Đời tao chúa ghét đứa nào sống giả dối.
Thắm vẫn gục đầu trên bộ ngực lông lá của John mặc nước mắt chảy ra nhớp nháp.
-Đừng buồn nữa, gia đình nào chả như thế!
-Tao đâu có gia đình mà buồn, đâu có hạnh phúc mà sợ mất và đâu có linh hồn để mà giữ cái thể xác hôi thối này.
-Thắm, em say quá rồi. Tôi đưa em về phòng thôi.
Tiếng Thắm từ miệng thằng Mỹ phát âm thật rõ ràng khiến người nghe giật mình. Thắm, cái tên bố mẹ vẫn gọi khi xưa, tiếng Thắm đầm ấm ngọt ngào và tiếng Thắm như một nhịp cầu, một thiên đàng tuổi thơ đã nối lại yêu thương, nhưng bây giờ... Thắm nhìn John bằng đôi mắt lạc thần, mắt của ma men sầu khổ:
-Johny.
Người John run lên, nó cố chống cự:
-Đừng buồn nữa, ông ấy có con thì đã sao?
-Xã hội tao không thể chấp nhận được chuyện đó, chuyện người đàn ông đã có gia đình lại còn vợ một vợ hai.
-Vẫn có thể tha thứ được.
Không hiểu sao John lại biện hộ cho một người chưa từng biết mặt, nhất là người có một cuộc sống buông thả. Hình như nó cảm thấy cần phải thức tỉnh Thắm, đứa con gái khờ khạo thật đáng thương; Thắm có thức tỉnh nó mới tránh được những ham muốn xác thịt đang cố tình đè nén. Trong khi Thắm lại như con thiêu thân muốn chết trong sự sôi bỏng của men cay.
-Johny, Johny, em yêu anh.
Thắm kéo cổ nó xuống, hôn vào cái cằm dài và cười như điên dại:
-Tao muốn tìm cảm giác của thể xác để quên đi đau khổ trong tâm hồn.
-Càng đau đớn thêm
Có thể John là người tốt, cũng có thể nó có tự ái của thằng con trai là không nên lợi dụng thể xác của người con gái khi họ đang buồn, đang khủng hoảng. Còn bố Thắm? Hẳn ông đã không có ý nghĩ đó, ông chi biết hưởng thụ để thỏa mãn.
-Tại sao ông ta không ly dị với má tao để lấy mụ ấy?
-Có lẽ cùng thương nên không muốn mất cả hai.
Thắm phát cười sặc sụa, nụ cười đau thương của kẻ đã mất hết nguồn sống:
-Tham lam. Mày nói đúng, là con người ai chẳng tham lam.
Thắm rúc mặt vào ngực John như thể muốn chứng minh điều mình vừa nói. Nàng đã tham lam như một đứa trẻ, đứa trẻ với đầu óc cằn khô và hành động tập tành của một loài quỷ. Lần này thì John không để Thắm mời mọc thêm. Nó đang sống thật với bản tính loài người, của một giống đực, của một loài thú; và rồi nó cũng như bố, trước thân thể của một giống cái. Thắm cong người lên trong tư thế sẵn sàng hiến dâng nhưng cũng chính là sẵn sàng khai chiến; nàng khai chiến vì muốn trả thù.
Thắm thù bố thù mẹ, người đã sinh ra vóc dáng hình thù này nhưng không muốn cho nó trở thành con người; đã nhồi nhét trong đầu óc nó những xấu xa ê chề của cuộc sống...
Trong tích tắc, một tích tắc thôi, cơn say như không còn và Thắm chợt cuống cuồng với sự tỉnh thức nhưng không kịp, sự phản ứng chậm hơn ý tưởng vì John đã đổ kềnh, cả tấm thân to lớn phủ trên người nàng, cứng đơ. Nước mắt Thắm vỡ ra với trọn niềm mất mát, buồn khổ và thù hận. Cảm nhận cô đơn, bẽ bàng mới thật ghê gớm, bây giờ thì Thắm đã hiểu tại sao bố mẹ lại "làm" thế!
Hôm sau nghỉ học, Thắm nằm lì trong phòng John người gai gai như muốn sốt. Nó cũng muốn ở nhà để tiếp tục chấm phá trên bức tranh dù đã vẽ xong đêm hôm qua, một bức tranh quá tang thương thiểu não và mỏng manh trước cơn bão tố. Thắm nằm co rút người ôm lấy cái gối với nỗi đau chưa từng thấy.
-Honey dậy đi, ăn cái sandwich gà với ly sữa rồi mình lái xe dạo chơi một vòng.
Cái thằng chịu khó tẩm bổ cho tính dục của nó. Lò mò từ sáng sớm cứ đi ra đi vào, cuối cùng nó lái xe ra phố mua thức ăn về để nhét vào miệng cho lại sức. Thắm thở dài ngao ngán, chẳng vậy mà mẹ nàng có nhiếc mắng, xỉa xói; bố nàng có nói mánh nói khóe thì cả hai vẫn không thể bỏ được những đam mê của xác thịt. Thắm kéo nó nằm xuống bên cạnh, nước mắt ráo hoảnh:
-Tao muốn nằm đây nghỉ một chút. Mày đi học đi, hôm nay có text mà!
-Nhưng...
Môi nó tham lam ngậm chặt môi Thắm thay câu trả lời. Có một cái gì thèm khát, ham muốn đang choán ngập Thắm; nỗi thèm khát lạ kỳ, nó rung lên từ phần dưới của cơ thể.
Thắm tránh nụ hôn sàm sỡ và bắt cười khan:
-Tao biết rồi.
-Biết gì?
-Biết tại sao bố mẹ tao lại thích có bồ bịch.
Nghĩ là Thắm đòi hỏi, nó không ngừng đôi tay như những sợi râu bạch tuộc nhồi nắn trên bộ ngực chưa toàn vẹn nảy nở.
-Johny.
-Gì đó cưng?
John chột dạ vì thấy giọng nói và khuôn mặt Thắm lạnh như tiền.
-Ngồi dậy đi.
-Sao vậy?
-Tao bảo mày ngồi dậy.
-Chuyện gì vậy? Thắm, em không trách anh đấy chứ! Mình sẽ cưới nhau mà!
Thắm ngồi dậy kéo tấm drap cuốn quanh người:
-Chuyện đêm qua coi như không có. Từ giờ chúng mình chỉ là bạn, thích thì tao sẽ đến mày không có sự ràng buộc gì cả.
John nhìn chưng hửng. Có lẽ trong đời nó chưa gặp đứa nào như Thắm, nhất là người Á đông coi chuyện ăn nằm là hệ trọng ràng buộc cả đời người.
-Nhưng...
-Mày không có trách nhiệm bổn phận gì cả cũng như đừng nên nghĩ tao đến với mày là vì cảm tình hoặc muốn dâng hiến. Cứ cho như hôm qua mày đã gặp may và dịp may bao giờ cũng chỉ đến một lần.
Thắm đứng dậy thản nhiên cho tấm drap rớt xuống để thân hình lồ lộ trần truồng trước mặt nó, tấm thân chắc nịch của đứa con gái vừa hưởng duy nhất một lần ân ái.
-Tao về để mày đi cho kịp. Hình như đã trễ rồi đó.
Thắm nhón cao chân cho nó cái hôn cuối cùng trước khi ra về. Ngoài đường, sương mù vẫn còn rơi xuống thật thấp...
Mẹ đã chờ sẵn ở cửa phòng, con Nancy đi học mười phút trước khi Thắm thất thểu bước vào. Đôi chân Thắm như không thể khép lại được và cái mông muốn bè thêm ra trước đôi mắt dò xét xoi mói của bà.
-Mày đi đâu suốt đêm vậy con ranh?
Nhìn mặt mẹ, khuôn mặt đầy phấn son nhưng vẫn không thể che đậy được sự lo âu và đôi mắt thâm quầng của một đêm mất ngủ, lòng Thắm bỗng thấy hả hê:
-Mẹ đến từ hồi nào sao không bảo con Nancy tìm con về?
-Có đi đâu thì đêm cũng phải về ngủ. Chỉ có thứ mèo mả gà đồng mới không biết đến nhà cửa.
Thắm quét ánh mắt lạnh lùng và để nó dừng lại ngay trước mặt mẹ; lần đầu tiên nàng có thái độ hỗn láo đó. Phải chăng khi những người con gái vừa nếm xong mùi vị đàn ông đều nghĩ rằng mình đã lớn, đã có thể chống chọi được với tất cả những ai muốn dòm ngó vào cuộc đời riêng tư của mình? Chỉ một lần chung đụng thì Thắm cũng đã trở thành đàn bà, con đàn bà gớm ghê, già dặn trước tuổi.
-Con có nhà đâu mà về?
Không phải chỉ có nhuốc nhơ tiếp hơi mà cơn sốt của mất mát đã khiến cho Thắm có những bạo miệng sắt thép.
-Mày trả treo với tao thế hả? Chỉ có đi ngủ với trai đêm hôm mới không về.
-Cũng như bố mẹ nhiều đêm đâu có về.
Mặt bà trong thoáng chốc biến sang trắng bệch, đôi mắt tóe ra sự giận dữ tột độ. Chính ra phải tru tréo như thói quen đã thường làm với chồng, trái lại miệng bà như á khẩu, đôi vai gầy run lẩy bẩy và những giọt nước mắt chợt thi nhau rơi lả chả xuống mặt. Có phải cả đêm đợi chờ đã biến thần trí kiệt quệ hay bà cảm thấy không nên có thái độ mạnh với con ngựa đang muốn trở chứng, hung hăng?
Nhìn mẹ khóc, lòng Thắm thoáng chút dày vò:
-Mẹ đến đây làm gì vậy?
Bà bất chợt ngừng khóc, hình như đã tỉnh, giọng rắn rỏi của người hỏi cung, đầy uy quyền làm mẹ:
-Tao hỏi đêm qua mày đi đâu?
Thắm lừng khừng thả người xuống ghế, nhát gừng, chát chúa:
-Con ngủ ở nhà thằng John.
-Cái gì? Bà đứng bật dậy như chiếc lò so.
-Mày làm gì với nó cả đêm qua?
Thắm nhìn thẳng, không lẩn tránh mẹ khi trả lời:
-Con làm những gì bố mẹ đã làm với người ta.
Có lẽ lúc đó một là quỷ nhập, hai là chính Thắm cũng không biết mình đã làm gì, nói gì ngoài trừ khối óc đang toé lửa hận thù. Chính vì hận thù nên Thắm chỉ nghĩ một điều duy nhất là phải đánh gục, phải nhìn thấy sự đau khổ của đấng sinh ra mình, phải bắt họ cùng chia xẻ sự đau khổ triền miên đó. Tiếc rằng Thắm đã đánh gục bố mẹ bằng sự quá liều lĩnh ngu dại. Với đôi mắt thách thức và điệu bộ mất dậy kia, Thắm tưởng chừng như bà sẽ lột áo mình ra để tìm tòi, khám xét những vết nhơ nhuốc trên thân thể, sẽ cào nát mình mẩy, vò tóc vò tai cho rối nùi rồi xoắn vòng tròn quay tít cho đến khi nào từng chân tóc long ra để lộ cái đầu trọc lóc đỏ hỏn.
"Tao cạo đầu bôi vôi mày." Đó là những mẫu chuyện bà vẫn kể cho Thắm nghe mỗi khi gia đình bên hàng xóm có con gái đi hoang. Thắm ngẩng cao đầu như một sẵn sàng thách thức vì biết rằng bất cứ hành động cuồng bạo nào xảy ra cũng là khởi nguồn từ sự đau đớn của mẹ.
-Mày... Mày làm ô nhục...
Chỉ nói được có thế để cố gắng đứng lên nhưng bà lại lảo đảo ngã ngược trở lại. Con voi già không còn hung hăng, không còn gào thét tỏ oai quyền, không còn biết dùng đôi ngà sắc bén để tấn công đối thủ vì đối thủ chính là con của bà, là người đã và đang nối tiếp vai trò lăng loàn của mình. Ai bảo có vay mà không có trả?
Con voi già khổng lồ đã ngã gục, nó rít lên những tiếng kêu bi thương, tiếng kêu như cắn xé ruột gan Thắm. Tại sao mình mất mát thiệt thòi mà mẹ lại đau đớn quá như vậy? Tại sao bà không đánh đập la mắng để Thắm có thể công khai kết án bố mẹ? Tại sao bà không cắn cấu cho tan xương nát thịt để đòi lại công dưỡng nuôi bao nhiêu năm trời? Tại sao bà không nguyền rủa nhục mạ Thắm lăng loàn để Thắm có thể đốp chát chính Thắm là hiện thân của bà? Tại sao? Tại sao? Tim Thắm như bị ai bóp nghẹt. Cảm tưởng hụt hẫng hoang mang giống như đã đánh lầm người. Thắm rùng mình. Đánh lầm người? Nàng không tin là thế! Không, ngàn lần không, vạn lần cũng không vì càng lầm lẫn thì mất mát càng lớn. Và sự mất mát rõ ràng nhất là Thắm đã đánh ngay trúng huyệt tử của mẹ. Con voi già rên xiết, con voi già biết khóc khi thấy con mình đang đi vào hư hỏng chỉ vì cố theo bước chân của mình. Nhưng tại sao? Tại sao mẹ lại làm thế chứ! Mặt Thắm đanh lại, không thể lầm lẫn được, nàng phải đánh cho rớt hẳn mặt nạ ra. Cương quyết nên Thắm nhất định chiến đấu tới cùng.
Khóc chán bà lấy khăn lau nước mắt, khuôn mặt loang lổ phấn hiện đầy những vết nhăn, mặt trái của cuộc đời:
-Mẹ chết mất, bố mày...
Thắm chợt thấy mình trở nên hung hăng dữ tợn, hình như bà vừa đụng vào vết thương trầm trọng nhất của con mình.
-Con không muốn nghe nữa. Cả tuần nay mẹ gọi phone chưa đủ hay sao mà bây giờ lại lên đây để nhồi nhét thêm?
Giọng nàng đặc nghẹn:
-Như vậy cả đêm qua mẹ thức chờ con về cũng chỉ vì chuyện ấy? Những chuyện của mẹ và riêng cho cá nhân mẹ?
Thắm vẫn chưa thể khóc được, uất ức còn đè nặng lồng ngực:
-Mẹ về đi từ mai đừng đến đây nữa.
Hình như Thắm cũng rít lên như con voi già mà chỉ có cùng ruột thịt mới cảm nhận được điều đó, chỉ có cùng máu mủ mới bắt được tín hiệu dãy chết của nhau. Chính vì cảm nhận được nên tiếng khóc ngưng bặt, trong thoáng giây thảng thốt bà ôm lấy mặt:
-Trời ơi tôi giết con tôi.
Có thế chứ! Thắm cười hả hê. Ít ra mẹ cũng nếm được phần nào đau khổ mà Thắm đã nhận chịu. Ít ra mẹ cũng cảm nhận được việc làm của mình từ bấy lâu nay là sai, là thiếu sót và buông thả và ít ra đêm qua Thắm không về, một đêm thức trắng mẹ đã nhìn ra tội lỗi của mình. Có điều sự đánh trả của Thắm ghê tởm quá, của một kẻ bần cùng nhắm mắt đánh càn, của một kẻ không còn nguồn sống nên ích kỷ muốn chung quanh cũng dãy chết theo mình.
-Thắm, dọn sách vở quần áo về với mẹ. Bố mày bỏ nhà đi rồi.
Thắm đứng như trời trồng không tin ở đôi tai mình cũng như không tin rằng trong cảnh huống này mẹ có thể bịa ra một cách tài tình như thế để lôi kéo Thắm về.
-Ba ngày nay tao tìm kiếm khắp nơi nhưng chúng nó bồng bế nhau đi về Miami xây tổ ấm.
Như thế là mẹ đang cần Thắm, mẹ đang cô đơn và đau khổ. Lòng nàng chùng xuống, sự giận hờn như vơi đi.
-Về đi làm phụ với mẹ trả tiền nhà chứ không thôi bị nhà băng lấy mất.
Giá mẹ tế nhị một chút đừng nói trong lúc này thì hay biết mấy; vô tình bà đã khơi dậy trong Thắm sự ê chề chưa từng thấy. Như vậy là mẹ cần tiền để trang trải nợ nần chứ không phải tình thương. Thắm nhếch môi cười cay đắng:
-Mẹ tìm lầm người rồi. Sao không lại nhà ông Thái, ông Vinh và những người bạn thân nhất, mặn nồng tình nghĩa nhất để họ giúp đỡ gọi là có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu.
Người mẹ mà Thắm cho là không đau khổ vì con cái một chút nào cố gắng lắm mới đứng lên trong run rẩy:
-Đừng cắn xé nữa, mẹ khổ quá rồi chỉ còn đường chết thôi.
Nhìn mẹ, Thắm thấy lòng dửng dưng, tàn nhẫn:
-Mẹ về trước đi để con tính lại.
-Tính gì nữa bây giờ? Bà cố nài nỉ.
Bực dọc Thắm gắt lên:
-Thì cũng phải cho con thời gian thu xếp chứ!
Có lẽ đời bà cũng nhận chịu nhiều đắng cay, nên sau câu nói đã để lại cho con tia nhìn héo hắt não nuột rồi lặng lẽ thất thểu ra về. Sự ra về nhục nhã của kẻ bại trận.
Còn lại một mình trong căn phòng vắng lặng, nơi mà Thắm mới chỉ ở được hơn 4 tháng; nơi đã cho nàng những buồn nản, cô đơn chán chường; nơi đã khiến lòng Thắm quặn thắt khi hình dung đến những buổi tối gia đình nàng mỗi người đi mỗi ngả tìm thú vui riêng tư; nơi mà có những đêm phát ra tiếng la thất thanh vì gấu ó ghen tuông và cũng là nơi mà các bạn chung quanh Thắm sống tận hưởng những lạc thú của xác thịt, thản nhiên coi chuyện ăn nằm giữa trai gái là cần phải có như ăn và ngủ.
Thắm buồn bã đứng dậy đến bên cửa sổ, cánh cửa được mở ra ngay sau đó. Cuối Đông, không khí tinh khiết nhưng cũng lạnh ghê hồn. Qua ô cửa vuông, bóng dáng còm cõi của mẹ từ từ khuất sau tấm bảng khu nội trú để lại con đường ciment trơ trọi và những thân cây khẳng khiu chưa kịp nhú lá cao vừa khỏi đầu người. Dọc theo lối đi, hai hàng pensé tím vàng ủ rũ dưới ánh sáng èo ọt của mặt trời lười biếng tiếc nuối giấc ngủ trốn sau làn mây dầy đặc. Cảnh vật buổi sáng buồn bã, khung trời trắng một màu sương, thứ sương mù ướt và loãng quyện trong không khí bám chặt lấy nỗi buồn con người. Thắm thẫn thờ trở lại giường và nằm vật xuống, nỗi đau đớn lại trở về và tràn ngập, càng lúc càng tích lũy không sao vượt thoát. Nàng thở dài từng chập và cứ thế nước mắt ứa ra...
Những ngày sau đó Thắm không đến lớp. Không phải quyết định trở về khiến nàng lười biếng với những ngày còn lại mà thực ra Thắm không muốn thấy mặt John. Nói cho đúng, Thắm không dám đối diện để nhớ lại những gì mình đã làm, và có phải bố mẹ nàng cũng thế? Cũng biết nhìn ra lầm lỗi nhưng không sao tránh khỏi và vẫn có những vấp ngã triền miên?
Cũng thời gian này, Am thường tìm cách đến thăm. Hình như nó biết chuyện kinh khủng ấy nhưng vẫn làm mặt tỉnh:
-Đi học lại nghe Thắm, sang năm ra trường rồi.
Nhìn khuôn mặt rầu rầu và đôi mắt thoáng những nếp buồn, Thắm không nỡ nói dối:
-Gia đình đang kẹt tiền,Thắm phải nghỉ học một thời gian để đi làm phụ giúp.
-Cần đến cỡ nào mà phải nghỉ học như vậy?
-Sang năm Thắm trở lại đây.
-Lúc đó Am cũng đi rồi.
-Không có Am thì sẽ có những người khác.
Mặt nó thất vọng thấy rõ, những khoé nhăn nơi đuôi mắt hiện ra, chẳng biết có từ lúc nào. Lần đầu tiên Thắm nhìn thấy sự khắc khổ già nua của Am:
-Dạo này anh mất ngủ hay sao mà hốc hác quá vậy?
-Thì cũng như Thắm vậy thôi.
Thắm hơi sững sờ, hình như nó muốn nói đến một điều gì đó.
-Em yêu John không?
À thì ra thế! Trâu buộc ghét trâu ăn, cùng bọn đàn ông với nhau cả. Thắm sẵng giọng:
-Hỏi để làm gì? Sao tò mò quá vậy?
-Hơi lấy làm lạ, nếu yêu thì em đã không xuống dốc một cách thảm hại như thế. Còn bảo thằng John dùng thủ đoạn để được em thì đã chẳng dại đem khoe tùm lum.
Thắm đón nhận lời Am một cách bình thản, chấp nhận mặt trái cuộc đời như đã chấp nhận sự chiến thắng của John trên thân xác mình.
-Có đụng chạm gì đến Am không?
Am im lặng nhưng đôi mắt đã nói lên tất cả, đôi mắt như một an ủi chia xẻ, như một xót xa và đôi mắt như một chở che, bao bọc. Người Thắm run lên và cảm thấy mình bé nhỏ hẳn lại. Hình ảnh trẻ thơ ôm cặp chạy theo bóng mát của đám mây che mặt trời bỏng rát hiện ra. Thắm nhớ ra rồi, cái bóng mát mà từ lâu nàng luôn đòi từ bố mẹ nó đang ở đây, thật gần tầm tay nàng. Cái bóng mát phát xuất từ đám mây mà mây đang nằm trong đôi mắt kia, đôi mắt tròn đen như hai hòn bi.
-Thắm, anh yêu em.
Am chỉ có thể nói được như vậy rồi im lặng vụng về đan những ngón tay vào nhau; đôi mắt cũng thoáng khép lại. Qua hàng mi Thắm vẫn nhìn thấy bóng mây rợp mát, nàng run rẩy lắc đầu:
-Trễ quá rồi.
-Anh nghĩ bây giờ mới là lúc thuận tiện nhất để tỏ tình và cũng để chứng tỏ tình yêu của anh với lời cầu hôn.
Dù biết Am yêu mình nhưng tỏ tình trong lúc này, trong lúc xác thân Thắm đã ban phát cho người khác, trong lúc nàng quyết định nghỉ học, trong một hoàn cảnh, không gian và thời gian không thích hợp và nhất là quá đột ngột vội vàng nhưng vẫn khiến cho lòng Thắm rúng động, cái rúng động phát sinh từ cảm phục và kính trọng. Tuy nhiên Thắm vẫn không trả lời, không hứa hẹn và cũng không có một thái độ gì hết vì thực ra nàng cảm thấy không còn can đảm để nghĩ đến tình cảm riêng tư của mình...
-Đi về đi, mày lại ra đây ngồi phơi hồn phơi xác cho quỷ nó nhập vào.
Không quay lại nhưng Thắm biết mẹ đang chống nạnh nhìn nàng với đôi mắt toé lửa. Từ hôm về đến nay mới có hơn một tuần mà nàng cảm thấy dài đằng đẵng. Học hành dang dở, xin việc làm thì khó vì không kinh nghiệm, mà việc nặng thì không thể làm được cho nên tạm thời Thắm là cái nợ trong nhà.
-Ai làm gì mà mày chạy xồng xộc như chó vậy con kia? Mày là thánh là tướng gì trong cái nhà này mà tao không được nói động đến?
Thắm không trả lời, uể oải tuột xuống mỏm đá. Cử chỉ nhẹ nhàng trầm tĩnh khác hẳn với ý nghĩ thù hằn đang xoáy buốt trong đầu. Thắm biết một khi trở về nhà là đã chấp nhận thua cuộc; mẹ muôn đời vẫn thắng, thắng trên tình thương yêu và sự thù hận của nàng. Tình thương khiến Thắm quay trở về nhưng thù hằn đã khóa chặt miệng lưỡi; nàng không thể thốt ra một lời dù chua chát hay cay đắng. Hành động điên cuồng trả thù nửa tháng về trước đã quật ngược Thắm bằng những cơn đau đục đẽo tận cùng trong da thịt.
Sự trả thù nào mà không bị mất mát; chiến tranh nào lại không có sự tổn thất? Thắm đã tự an ủi trong những đêm nuốt từng giọt nước mắt mặn chát vì sự trả thù của nàng đã chẳng giải quyết được gì cả. Có chăng chỉ kéo dài thêm giờ giấc đi về và sự nhiếc móc mắng chửi của mẹ. Khốn nạn cho nàng, tưởng rằng lấy trứng chọi đá thì đá sẽ đau; ai ngờ trứng vỡ ra tan nát. Hồn và xác Thắm cũng rách bươm không thể vá víu chỉ còn có chết, chết là giải thoát.
-Thằng bố mày về từ hồi chiều, đồ đạc nó đập nát hết không chừa một thứ gì. Về liệu mà ăn với nói.
Thắm lẳng lặng đi dọc theo giải cát thoai thoải, tâm tư khắc khoải nặng nề với mỗi bước chân lún sâu xuống mặt cát. Mặt trời đã chìm khuất sau chân núi; màu rám vàng chỉ còn vướng vất như có như không hoà chung với bóng đen choạng vạng. Không quay lại nhưng Thắm vẫn biết mẹ đang lẽo đẽo theo sau và đôi mắt đang dán dính trên mông, từ mông chạy xuống dưới chân và từ chân lại kéo ngược lên đỉnh đầu. Toàn thân Thắm nóng ran dưới sức đốt vô cùng mãnh liệt dù rằng mới trước đó mấy phút tưởng như gió biển sẽ biến nàng lạnh cứng như đá.
-Cóc chết ba năm quay đầu về núi, đàng này mới chỉ được vài tuần bố mày đã lết cái thân tàn ma dại về; mà nào có xong, còn hoạnh hoẹ đập phá...
Hình như chỉ có những lúc cần trút bực dọc trong người bà mới tìm đến Thắm. Tình mẹ con là thế sao? Thắm muốn hỏi nhưng miệng ngậm như hến; tình thương cũng khoá chặt.
-Con ranh, ai làm gì mà mày mặt xưng mày xỉa không thèm nói lời nào? Liệu hồn, tao mà bảo thì thằng bố mày cạo đầu bôi vôi...
Gió biển thổi lồng lộng kèm theo cơn buốt xoáy vì mặt trời đã tắt nắng. Dọc theo bãi cát không bóng người dù chỉ là một chấm đen thật xa thật nhỏ. Cô đơn len lỏi và hơi lạnh bỗng từ đâu phủ chụp, người Thắm run lên; một thứ lạnh kỳ lạ từ cảm giác. Phải chăng nó phát xuất từ lời mẹ nàng vừa nói. Cạo đầu bôi vôi, hình phạt dành cho những đứa con gái lẳng lơ, cho những đứa không chồng chửa hoang hoặc tệ hại hơn nữa bỏ nhà theo trai. Hình phạt mà từ hôm ở nội trú Thắm đã dám trả treo hỗn láo với bà; ngang nhiên công bố tội trạng của mình. Cái án treo lơ lửng giờ mới được nhắc tới và lát nữa đây sẽ bị mang ra xét xử.
Thắm chợt thấy như mình bị lừa bịp, phỉnh gạt và bị đe dọa một cách thô bỉ; bố mẹ cũng nào có tốt lành gì mà đòi xử tội nàng? Bảo rằng Thắm làm điều bại hoại gia phong thì trong 3 người ai sẽ nặng tội hơn ai? Ai sẽ đáng bị phỉ nhổ hơn ai? Đâu phải cùng một hành động mà kẻ bị nhắc tới mới là có tội, và cũng đâu phải cùng một hành động mà chỉ có người con mới là có tội? Tội của Thắm rành rành không thể chối cãi; đó là tội lăng loàn, ngủ với trai, tội hư thân mất nết nhưng bố mẹ nàng sẽ còn có thêm những tội gì nữa...? Thắm không dám nghĩ thêm, nói cho đúng không dám định tội của bố mẹ để giảm tội mình xuống. Bố mẹ làm sai đã có lương tâm và những người trên xét xử. Còn Thắm, là con thì phải nhận chịu những roi vọt của bậc sinh thành...
Từng bước chân hụt hẫng, chơi vơi như rơi vào khoảng không, Thắm bước nhanh hơn cho kịp vì bà đã vượt nàng một khoảng khá xa. Từ nhà ra biển phải đến hai mươi phút, bà dáo dác một cây số dài đi tìm và bây giờ không chịu nỗi lạnh bà đi như chạy. Nhìn bóng dáng nhỏ loắt choắt từ từ chìm theo bóng tối, lòng Thắm thoáng dậy lên chút xót xa. Thân phận đàn bà như thế sao? Là những nhơ nhớp buộc chặt từ khi biết chuyện xác thịt? Không tin ở mẹ, ở cô nữ sinh Gia Long trong trắng tinh khiết thưở nào thì làm sao Thắm tin được ở mình, tin được những nổi trôi trong cuộc sống còn quá dài. Đã không định được hướng đi thì con đường nào trước mặt cũng là gai góc, là mờ mịt tăm tối. Thắm đang bước trên con đường không ánh sáng, con đường dẫn về nhà; nơi đó có người cha tội lỗi và người mẹ chẳng ra gì; và nơi đó cũng có Thắm, đứa con gái thân đã lấm vết nhơ. Tất cả đang cùng chui rúc trong một nấm mồ...
Thắm đưa đôi mắt thất thần nhìn vị linh mục trẻ. Bên cạnh, tượng Chúa chịu chết đóng đanh trên cây thập giá; những dấu đinh dính đầy vết máu loang lổ chảy từng vệt dài từ lòng bàn tay, bàn chân và cả bên cạnh sườn; trên đầu, một vương miện bằng gai nhọn cắm sâu trong da thịt. Tự dưng Thắm thấy lòng chùng hẳn xuống; không chỉ có nàng mới là người đau khổ; không chỉ có nàng mới là người duy nhất cảm thấy xác thân đau đớn mà còn có Chúa; người chịu chết trên cây thập giá còn kia. Có điều Chúa đã nhận chịu những thử thách gớm ghê, phải hy sinh cả cái chết để cứu chuộc tội lỗi loài người. Còn Thắm, không có quân dữ nào muốn đóng đanh; cũng chẳng ai đòi sự hy sinh mà tự nàng muốn tìm cái chết để chạy trốn.
-Ai đưa con vào đây vậy thưa cha?
Cha Bảo vẫn ngồi im và nhìn Thắm bằng ánh mắt thật hiền từ, ngài hỏi lại:
-Con cảm thấy thế nào?
Nước mắt Thắm trào ra và trong nỗi tủi nhục nàng ôm lấy mặt:
-Con không xứng đáng để sống vì có sống cũng chỉ là cặn bã của xã hội. Một khi con đã ghê tởm chính mình thì chung quanh, người ta sẽ còn nhờm gớm con đến như thế nào?
-Tại sao con lại coi rẻ sự sống Chúa đã ban cho?
-Nhưng người con đầy ô uế.
-Ai cho con quyền kết án chính con? Ai cho con quyền để chấm dứt mạng sống của con?
Thắm bưng lấy mặt cố giữ tiếng khóc:
-Con biết làm thế là không đúng nhưng ngoài sự chết thì còn đường nào để lựa chọn? Hơn nữa con nghĩ ai làm lỗi thì phải nhận chịu hình phạt, hoặc như luật nhân quả, kiếp này làm ác, kiếp sau đầu thai làm thú vật để trả nợ.
-Nếu làm ác mà biết ăn năn xám hối, biết làm lành lánh dữ thì tội ác sẽ được rửa sạch. Cũng như con, biết nhìn ra lỗi lầm của mình để mà sửa đổi thì đó mới là điều quan trọng và chỉ có thế Chúa mới tha.
Thắm không tin rằng những điều cha Bảo vừa nói với mình là đúng:
-Làm sao con biết được Chúa sẽ tha?
-Trong Tân Ước, người đàn bà bị mọi người lên án phạm tội tà dâm; Chúa có kết án bà ta đâu!
Thắm nhìn sững cha Bảo, những lời nói hoàn toàn trái ngược với lời bố mẹ nàng. Tại sao cũng là con người, cùng trên một quả đất, cùng một đức tin mà ý tưởng khác hẳn:
-Con quỷ, mày làm điều ô nhục thì chờ xem, Chúa sẽ phạt mày nhãn tiền, cả đời không thể ngóc đầu lên được. Quỷ sẽ móc mắt, sẽ cắt lưỡi, sẽ bằm nát thân thể tanh hôi của mày.
-Mày nghe bố mày nói chưa? -- Mẹ xen vào khi bố đang chửi Thắm như tát nước -- Sẽ phạt nhãn tiền chứ không phải đời cha ăn mặn đời con khát nước nữa; không phải làm chó dái rẽo khắp thiên hạ rồi bảo là con cái sẽ nhận tội thay cho mình...
Thắm đang bị xâu xé bởi những vết dao nhọn và sắc phóng ra từ miệng bố mẹ. Cái án muôn đời bị treo lơ lửng trong đe dọa, ám ảnh...
-Nhưng gia đình con tăm tối quá, ai cũng chỉ biết sống riêng cho mình.
-Và bây giờ có phải chỉ vì sợ theo con đường đó nên con đã tìm cái chết?
Thắm tránh không dám nhìn vào đôi mắt của cha, tia nhìn đâm suốt ruột gan mình.
-Cuộc sống con người cần phải có đức tin. Có đức tin phần linh hồn mới được nuôi sống. Linh hồn loài người lại là món ăn ngon mà ma quỷ vô cùng thèm khát; nó chỉ chực chờ những ai sa ngã và lúc nào cũng sẵn sàng ra tay đỡ lấy sinh mạng mình...
Thắm im lặng nghe cha Bảo nói bằng những lời lẽ mạch lạc dễ hiểu, nó như những giọt nước từ từ thấm vào các rễ cây sắp chết; loại cây chỉ sống trường tồn bằng duy nhất một thứ nước tưới. Đó là nước đức tin...
-Nhưng con đã làm những điều ghê tởm đáng phỉ nhổ. Lỗi lầm con rồi mọi người cũng sẽ biết.
Cha Bảo vẫn ôn tồn:
-Chúa đã tha lỗi lầm cho con thì không ai có quyền kết án con cả. Ngay đến chính con cũng không có quyền đó.
Thắm lại nức nở, tức tưởi như đứa trẻ bị đòn oan:
-Nhưng con vẫn thấy thế nào ấy. Người ta bảo có những vết nhơ muôn đời không bao giờ rửa sạch. Nhất là tự mình cố tình tạo ra những lầm lỗi đó.
Cha Bảo hơi nhíu mày, hình như đang suy nghĩ trước những lời buộc tội quá khắt khe cho chính nàng.
-Con vẫn không tin rằng Chúa sẽ tha nếu con ăn năn, sống tốt lành hơn?
-Con tin nhưng lòng vẫn thấy đè nặng và cảm tưởng những lỗi lầm vẫn còn nằm trong đó.
Thắm oà lên khóc sau câu nói và tuột khỏi ghế ngồi, lết đến gục mặt trên đùi cha Bảo.
-Con khổ quá!
-Con nghe cha hỏi, con có tin rằng Chúa tha tội cho con không?
-Dạ có. Thắm bệu bạo.
-Con có nghĩ rằng những lỗi lầm con phạm đến người khác họ cũng sẵn sàng tha thứ không?
-Con tin.
-Vậy con có sẵn lòng tha thứ cho chính con không?
Tiếng nức nở chợt nín bặt, hình như Thắm đã thấm được những gì cha nói.
-Con xin nghe lời cha dạy. Có điều con không hiểu ai đã dẫn con lại đây?
-Vậy ra con không nhớ gì hết sao? Nhà thờ khóa vì không phải giờ nguyện, con chạy vòng ra sân sau và gặp cha ở đó. Con trình cha muốn xưng tội; con nói rằng con muốn sạch hết các tội để được vào nước Chúa. Muốn vào nước Chúa mà lại muốn giết mình thì làm sao vào được. Nghe cha nói vậy, con khóc và kể hết những đau khổ đè nén trong lòng.
Thắm lắng nghe trong cảm xúc bàng hoàng; những gì vừa xảy ra giống như có bàn tay của bề trên sắp đặt:
-Con nhớ ra rồi.
-Như vậy con đã chấp nhận tha thứ cho con?
-Vâng, sự tha thứ trong con đã mở rộng. Chấp nhận được tội lỗi của con để thay đổi là con đã chấp nhận được tội lỗi của mọi người. Con sẽ không bao giờ kết án bố mẹ con như xưa rày nữa.
Thắm đứng dậy lấy napkin lau nước mắt, vô tình liếc vào sọt giấy thấy tissue đã cao quá nửa, nàng nói như van nài:
-Cha đã dùng quyền năng của Chúa mang đến cho con sự sống và niềm sống. Xin thương và cứu lấy bố mẹ con.
Cha Bảo rời khỏi ghế, lại bàn giấy lấy giấy bút đưa cho Thắm:
-Ghi số phone vào, khi rảnh cha sẽ gọi cho họ. Còn việc đến đây gặp cha, con không nên nói cho bố mẹ biết kẻo hai ông bà lại tự ái. Cứ để như tình cờ cha hỏi thăm mà thôi.
-Vâng.
Thắm đứng lên chào cha Bảo với lòng nhẹ nhàng thơ thới hơn bao giờ hết. Con đường chạy bộ về nhà như thâu ngắn lại, cây hai bên đường từ từ đẩy lui. Nền trời xanh ngắt, vài cụm mây trắng lờ lững bay. Thắm đã nhìn thấy bóng mát dưới từng cụm mây đó, bóng mát học đường, bóng mát gia đình, bóng mát tình yêu. Tình yêu với Am, thằng có đôi mắt tròn xoe và bóng mát cho chính mình, sự ngủ yên của tâm hồn đã qua tháng ngày giông bão.
LÊ THAO CHUYÊN