Bản dịch của Nguyễn Chiến
Chương 3
TỰ NHIÊN LÀM SỬNG SỐT

"Thế gian này nhiều điều kỳ lạ …"
Những lời ấy được thốt lên vào thế kỷ 17. Nhà thơ và nhà soạn kịch vĩ đại người Anh U. Sêcxpia đã gởi gắm những lời đó qua miệng Hămlet, hoàng từ nước Đan Mạch. "Thế gian này nhiều điều kỳ lạ, đến các bậc thông thái đâu đã nằm mơ thấy".
… Ở thành phố Enxa vào thế kỷ trước đã xảy ra một câu chuyện lạ lùng. Người ta chuẩn bị mai táng nhà buôn Tanđưkin. Khi quan tài người quá cố vừa hạ xuống mộ, bỗng nhiên trong khoảng khắc nó tụt biến đi đâu mất hút. Những người hoang mang đứng đó chỉ còn nhìn thấy cái hố tối tăm trống vắng! Rõ rồi, gã nhà buôn ấy là kẻ có tội lớn và đất đã không muốn lấy thi hài của gã - những người theo đạo của thành phố đều có ý kiến như vậy.
Một chuyện còn kinh hoàng và bí ẩn hơn đã xảy ra ở làng Phêđôroopka trên bờ sông Vonga ở mạn trung lưu con sông ấy. Một đêm (cũng vào thế kỷ trước), bỗng nhiên cả làng bắt đầu… trườn xuống sông. Những người dân làng kinh sợ chạy tháo ra khỏi nhà. Đất nổi vồng lên như bột nhào được trộn men, đây đó xuất hiện những vết nứt rồi lại biến mất. Suốt ba ngày liền, những con đường làng dịch xuống phía sông, hơn bảy mươi nóc nhà bị phá hủy hoàn toàn. Tất cả dân làng đều quả quyết tin rằng những sức mạnh của quỷ đã can dự vào đấy.
Những bí ẩn dưới lòng đất
Nhà văn Nga nổi tiếng N Lexkôp có viết một truyện dài "Ngọn núi". Những sự kiện được mô tả trong đó xảy ra vào những năm đầu công nguyên ở thành phố Ai Cập Alêcxanđria. Nơi đây có người thợ kim hoàn Dênông sống và hành nghề. Cô gái góa giầu có Nêphora yêu Dênông. Nhưng người thợ khước từ tình yêu đó. Khi biết Dênông theo đạo Cơ Đốc, người phụ nữ bị xúc phạm ấy bèn thuyết phục người trị vì thành phố buộc tất cả những người theo Cơ Đốc giáo đang sống ở Alêcxanđria phải làm một việc không thể nào làm được, đó là chuyển dời ngọn núi Ađer, đưa nó tới ngăn dòng nước sông Nin. Năm ấy, lũ sông Nin đến muộn, và điều đó đe dọa đất nước trước một tai ương là mất mùa. Dòng sông Nin vẫn đưa lại cho những cánh đồng của người Ai Cập loại đất bùn màu mỡ và độ ẩm đất quý báu. Nếu ngăn được dòng sông Nin, khi nước dâng lên, sông sẽ lại tưới tắm cho các cách đồng.
Tính toán của Nêphora thật đơn giản. Khi dân chúng hiểu ra rằng những người Cơ đốc giáo đã không thể giúp được gì cho họ, cuộc chém giết bắt đầu.
Biết được về cái yêu sách không thể thực hiện nổi đó, đại giáo chủ ở Alêcxanđria đã bỏ chạy sau khi trao lại quyền thánh lễ cho giám mục, Bị triệu tới người trị vì thành phố, giám mục được lệnh phải cầu nguyện sao cho ngọn núi Ađer rời đi. Vào ngày đã định, toàn thành phố đã tới bên ngọn núi ấy, những giáo dân theo đạo cơ đốc cũng bị lùa tới đấy và trong vòng canh giữ nghiêm ngặt.
Mọi người bắt đầu cầu nguyện, chẳng bao lâu sau mưa rào ập xuống và ngọn núi đứng sừng sững bên bờ sông Nin… bò dần xuống sông.
Tất cả các tín đồ Cơ Đốc giáo lúc đó đều tin rằng thượng đế đã đoái thương tới những lời thỉnh cầu của họ và đã ra tay làm cái việc con người không thể nào làm được là chuyển dời ngọn núi. Nhưng, ngày nay chúng ta đã biết được nguyên nhân thực sự của hiện tượng tự nhiên hiếm có này.
 Ở Alêcxanđria đã diễn ra chính sự kiện đã từng xảy ra trên bờ sông Vonga vào thế kỷ trước - nước ngấm là nguyên nhân gây nên sự việc đó. Dân làng Phêđôrôpka đã xây dựng nhà cửa trên triều dốc của bờ cao con sông Vonga, mà phía dưới làng lại có một lớp bùn chịu nước theo đó nước ngầm chảy ra sông Vonga. Trước khi xảy ra tai họa đó, ở đây đã có những trận mưa rào, và lớp đất nằm trên lớp bùn chịu nước đó đã thấm nước và trở nên nặng hơn, rồi nó bắt đầu trượt theo lớp bùn như trên mặt bờ xuống dưới.
Cũng bằng con đường hoàn toàn tự nhiên như thế, nước ngầm cũng đã đẩy cả một ngọn núi Alêcxanđria chuyển dời đi, nhưng hiện tượng tự nhiên đó lại được lý giải như một "sự huyền bí vĩ đại". Tất nhiên, những hiện tượng thiên nhiên đó xảy ra làm chuyển dời cả ngọn núi quả đã buộc con người ở thế kỷ trước phải kinh hoàng, bởi họ đâu có biết đến những nguyên nhân tự nhiên của các tai biến khủng khiếp đến như thế xảy ra trong thiên nhiên. Kết quả là đã ra đời những truyền thuyết trong đó dứt khoát phải có những đấng thần linh của thế giới khác lạ với con người tham gia vào đó.
Một sự biến giống như trong truyền thuyết Ai Cập đã xảy ra vào năm 1955 ở cộng hòa liên bang Đức. Ngọn núi Bêrenkhôp (Đầu gấu) gần thành phố Đônhôphen đã rời khỏi vị trí và dịch chuyển tới phía làng Gunxenxrit. Ngọn núi đó dịch chuyển trong vài tuần, mỗi ngày đêm đi được chừng 1 m. Các cách đồng và đồng cỏ gần làng bị biến thành một thứ đất nhằng nhịt các vất nứt nẻ đầy sỏi đá, mặt trên bở tơi vì sự xáo trộn các lớp đất. Rõ ràng, nước ngầm đã hoành hành cả ở đây.
Vào đầu thế kỷ 17, thành phố Plurxơ ở miền bắc Italia đã bị phá hủy. Từ thủa xa xưa, cư dân thành phố Plurxơ đã khai thác các tài nguyên dưới lòng đất ở núi Môngtê - Côngtô, nơi mà dưới chân ngọn núi đó thành phố đã mọc lên.
Ở đây họ khai thác các loại "đá mềm" dùng để chế tạo nhiều đồ vật khác nhau. Các sản phẩm chế ra từ loại "đá" đó (có lẽ đây là loại đất sét chất lượng cao) được tiêu thụ rất dễ dàng ở nhiều nước châu Âu. Thành phố mỗi năm một thêm giầu có.
Và rồi tai họa đã tới. Ngày mùng 4 tháng chín năm 1618, vào lúc hoàng hôn, tiếng ầm ầm trong lòng đất nhanh chóng chuyển thành tiếng nổ vang ghê gớm đã vọng tới tai cư dân thành phố… khi lớp sương mù bao phủ cả một khối bụi lớn bốc lên không trung đã tan đi, trước mắt một vài người còn sống sót đã mở ra một cảnh tượng khủng khiếp. Núi Môngtê - Côngtô đã đổ ập xuống thành phố và chôn vùi tất cả mọi nhà cửa dưới đống đất đá khổng lồ.
Còn vào mùa hè năm 1966, những sức mạnh trong lòng đất đã giáng tai họa xuống hàng ngàn người sống trong thành phố Agrigicutô trên đảo Xixin. Người đầu tiên nhận thấy sự khác thường là người gác bảo tàng địa phương đặt trong một tòa nhà của nhà thờ. Trước mắt ông ta, đất dưới tòa nhà bắt đầu trôi "như da những quả mơ chín nẫu". Sau đó điều ghê gớm hơn bắt đầu diễn ra. Một tòa nhà sụp đổ, rồi tòa nhà thứ hai, thứ ba… Cả một vùng đất trườn theo dốc nghiêng ra phía biển. Cư dân thành phố cuống cuồng tháo chạy ra khỏi nhà. Đường ống dẫn nước bị phá hỏng. Tuyến đường sắt bị phá hoại.
Khi các chuyên gia bắt tay vào tìm hiểu những nguyên nhân của tai biến thì một sự thật tồi tệ đã lộ ra: chính ở đây, những kẻ trục lợi trong giới doanh nghiệp đã tiếp tay cho các sức mạnh của tự nhiên. Họ đã mua với giá hời những khoảng đất trượt hở ở mạn đông nam thành phố và bắt đầu xây dựng những ngôi nhà nhiều tầng sinh lợi ở đó. Đất không chịu được tải trọng quá lớn của các nhà hộp bê tông cốt thép đã trườn xuống biển…
Những bí ẩn dưới lòng đất
Trước mắt các bạn là một số câu chuyện gắn liền với hiện tượng nước ngầm. Nhưng chỉ có một trong số đó - sự việc xảy ra với núi Ađer - là có thể gợi ra ở một số người sự ngạc nhiên: đó là cái gì nếu không phải là điều huyền diệu? Vì sao chính câu chuyện này lại đưa người ta tới những ý nghĩ huyễn hoặc? Nó khác với những sự kiện khác tương tự với nó ở điểm nào?
Câu trả lời thật đơn giản: Sự trùng lập hai sự kiện đã biến nó trở thành huyền bí. Các tín đồ cơ đốc giáo cầu nguyện và ngọn núi trườn xuống sông. Chính ở đó nhiều khi là cội nguồn sinh ra sự mê tín vào những sức mạnh siêu nhiên. Chúng ta có thể đã hàng chục hay hàng trăm lần quan sát thấy một hiện tượng tự nhiên nào đó và không lưu tâm đặc biệt đến nó, không thấy ở đó có sự huyền bí nào, nhưng ví thử nó lại trùng lặp về thời gian với một sự kiện khác, chẳng có liên quan gì với nó cả, thì bất giác sự chú ý của chúng ta lại bị lôi cuốn ngay vào sự trùng hợp đó.
Với người mê tín, sự trùng lặp ấy lập tức gợi lên những ý tưởng về mối liên hệ thần bí siêu nhiên nào đó của một sự kiện này với sự kiện khác, mặc dầu đó chỉ là sự trùng lặp của hai sự kiện hoàn toàn chẳng dính dáng gì với nhau cả.
… Vào năm 1979, tôi đến bên cái hố đã từng bất thình lình hiện lên ngay trước mắt mọi người ở vùng núi Apkhadia. Sự chấn động trong lòng đất đã làm rung chuyển cả vùng sông Kêlaxuri, và cả một ngọn núi đã đổ ập xuống vực, ngăn cản dòng nước. Chỉ sau có vài giây, nơi đây tự nhiên đã dựng nên một cái đập khổng lồ cao đến bốn chục mét. Hai tuần sau, ở hẻm vực Kêlaxuri đã có một cái hồ nước lớn được hình thành.
Ngày nay, những "sáng tạo kỳ diệu" của tự nhiên đã không còn gợi nên những suy tư mê tín nữa. Đó chỉ là hiện tượng tự phát của tự nhiên chứ không thể là gì khác cả. Nhưng xưa kia tất cả những hiện tượng như vậy được giải thích theo một lẽ: đó là sự can dự của các sức mạnh siêu nhiên ở thế giới bên kia. Ở miền Kapkax người ta còn kể lại một truyền thuyết nói rằng thời gian xa xưa có hai vị thần núi khổng lồ cãi nhau. Khi họ nhảy vào quyết đấu, đất rung chuyển và sấm nổ vang trời, còn khi một vị khổng lồ không chịu được nữa và bỏ chạy, vị thần kia ném theo một tảng đá to. Tảng đá rơi xuống ngăn dòng sông lại, và ở đó sinh ra một hồ nước.
Thế còn câu chuyện gì xảy ra với huyệt mộ của nhà buôn Tanđưkin thì giải thích ra sao?
Hoá ra, lời giải đáp cũng đơn giản thôi. Người ta biết rõ rằng, khi nước chảy ở dưới đất, nó hoà tan ở đó nhiều lớp đất. Đặc biệt, nước dễ hoàn tan đá vôi và các lớp muối mỏ. Ở những nơi như thế, dưới đất hình thành nên những khe rỗng lớn, tức là các hang động. Đôi khi các khe đó nằm ngay bề mặt đất. Và chính vì vậy đã xảy ra những hiện tượng "huyền bí" như sự biến mất chiếc quan tài đựng thi thể gã nhà buôn Tanđưkin.
Huyệt chôn gã nhà buôn được đào ngay trên một trong những khe rỗng ngầm đó. Ở bên trên có một lớp đất sét mỏng phủ khe ngầm. Khi chiếc quan tài nặng được hạ xuống, lớp đất kia vỡ ra, và người chết liền biến ngay tăm tích.
Sự hoạt động của nước ngầm đôi khi gây ra nhiều điều "huyền diệu" khác. Chẳng hạn, người ta đã biết nhiều cái hố ma. Những hố ấy khi ẩn khi hiện. Nhà địa lý học Nêtraep có kể về hồ Simodê, một trong những hồ ma như thế. Vào đầu hè, hồ đầy nước, đến tháng sáu nước cạn đi, đáy hồ hiện ra những hòn đảo nhỏ. Tới mùa thu, nước trong hồ cạn sạch: nước đã thấm sạch xuống lòng đất. Ở vùng phía đông nam hồ Simodê có một thung lũng lòng chảo hình tròn nổi tiếng có tên là Hồ quỷ. Nước đầy ắp vào đầu mùa hạ lúc nào cũng xoáy. Nếu thả lưới đánh cá xuống, nước sẽ cuốn nó xuống đáy và cuộn lại thành một cục. Khi nước ở hồ Simodê cạn, hồ biến thành một vực sâu toang hoác bùn lầy. Tuy vậy, ở đáy hồ vẫn còn lại ít nước, mực nước lúc dâng lên, lúc hạ xuống "Cái vực đang thở" - dân địa phương bảo thế.
Lẽ nào một cái hồ lạ lùng như thế lại không làm cho người mê tín hoảng sợ? Song ở đây chẳng có điều gì khó hiểu cả. Như trong câu chuyện vừa kể, những cái hồ ẩn hiện ăn thông với những nguồn nước trong lòng đất, những nguồn nước này khi thì cấp nước, khi lại hút nước ở các hố đó đi. Ở Liên Xô không hiếm gì những hồ ma như thế, bởi trong lòng đất có nhiều đá cacxtơ bị nước làm hoà tan. Những đá này thường gặp ở Uran, ở miền trung lưu đồng bằng sông Vonga, ở tỉnh Arkhanghenxcơ, ở phía nam hồ Ônêga và Lađôga, ở các tỉnh Lêningrat và Nôvgôrôt, ở miền nam Ukraina và miền đông Xibir.
Nếu đường đi của những dòng nước ngầm thay đổi, nhất định sẽ diễn ra sự sụp lở vòm trên của hang động, dòng nước ngầm trở nên mạnh đột ngột - tất cả những điều đó có thể gây ra sự dao động mức nước ở các hồ nước trên mặt đất, nếu như các hồ nước đó ăn thông thế nào đó với các hang ngầm.
"Những linh hồn lang thang"
Nhà văn A. Vêlkanôp hồi tưởng lại một câu chuyện như sau:
- Chuyện ấy xảy ra đã lâu. Nội chiến vừa kết thúc. Khi đó tôi đang tại ngũ trong Hồng quân và đi cắt cỏ trên thảo nguyên Kastanxkaia gần thành phố Gidăc cho đơn vị mình. Chỗ đó cách thành phố Xamarkan độ một trăm hay hai trăm km gì đó về phía đông bên triền núi bắc của dãy Thiên sơn. Vào mùa đông, chúng tôi làm công việc của mình thật yên ổn, nhưng đến mùa xuân thì tình hình trở nên đáng lo ngại; đây đó chúng tôi thấy xác các cán bộ Xô Viết bị giết chết, thỉnh thoảng lại xảy ra các cuộc tiến công của bọn phỉ.
Một lần, vào buổi tối tôi phải đi ngựa một mình về bản Kastan. Ở vùng núi tối đến rất nhanh. Trên các đỉnh núi vừa tắt ánh vàng của hoàng hôn là bóng tối đã trùm khắp thung lũng như đổ hắc ín vậy. Tôi vội vàng thúc ngựa. Bất ngờ, phía trước tôi xuất hiện một đốm lửa nhỏ. "Cái gì vậy? Có thể, đó chỉ là cảm giác thế thôi. Nhưng không, có ai đó cầm chiếc đèn to đang đứng trong thung lũng và chiếu sáng đường cho tôi đi. Căn cứ theo độ cao chỗ cây đèn thì người cầm đèn đang đi ngựa.
Bỏ khẩu súng trường trên vai xuống, tôi tiến lên độ ba chục bước và quát to: "Ai đấy? Ai?"
Không một tiếng trả lời.
Vì sao người ấy lại im lặng? Nếu đấy là phỉ thì hẳn đã bắn ngay, nếu không phải phỉ thì tại sao người đó không đáp lại? Hay ma quỷ gì chăng?
Tôi thúc ngựa, nhưng rồi lại ghìm cương ngay: bên phải tôi lại xuất hiện thêm một chiếc đèn nữa. Phải thừa nhận là tôi đã chờn chợn. Đêm tối, lại ở giữa thảo nguyên hoang vắng …
Nhưng bỗng tôi nhớ đến con ngựa của mình. Tôi sực nhớ ra và nổi cáu: làm sao tôi lại có thể quên được bộ máy phát hiện nguy hiểm rất đáng tin cậy là đôi tai của người bạn bốn chân này cơ chứ! Thị giác, thính giác và khứu giác của ngựa tinh xảo hơn ở người rất nhiều. Đôi tai cảnh giác của con vật là một điều nhắc nhở rất nghiêm chỉnh: gần đó có người. Tôi liếc nhìn con ngựa và thở dài nhẹ nhõm: ngựa đứng bình tĩnh.
- Tiến!
Thật lạ lùng! Những ánh lửa liền lao theo tôi và trôi trong không trung. Tôi đi nước kiệu, rồi chuyển sang phi nước đại - những ánh lửa cứ bám riết lấy tôi. Tới thung lũng gần đó, có thêm ngọn lửa thứ ba nhập vào nhập vào hai ngọn lửa trước, sau đó con số đó tăng lên năm. Thật là lý thú. Dường như những ngọn lửa đùa rỡn với tôi, chúng vượt lên trước, cắt ngang đường, nhảy múa. Tôi ghìm ngựa lại thì chúng cũng dừng lại! Tôi giật ngựa phi nhanh thì chúng cũng lao vút đi. Đến chỗ rẽ vào bản Kastan, những ngọn lửa tắt đi như tan vào không khí …
Xưa kia, những người mê tín đã gắn hiện tượng bí ẩn (mới thoạt nhìn) này của tự nhiên với những "linh hồn lang thang" của người chết. Như ta thấy, chiến sĩ hồng quân đó đâu phải là người nhát gan. Song những ngọn lửa đó có thể làm cho những ai tin vào "thế giới bên kia" phải kinh hoàng.
Khi tôi còn học phổ thông, tôi đã có dịp làm quen với những "linh hồn lang thang" đó. Cha tôi là một người rất say mê với các câu chuyện bí ẩn khác nhau. Tôi còn nhớ một buổi sáng mùa đông ông đã đọc cho tôi và lũ bạn tôi một câu chuyện … Nội dung câu chuyện như sau.
Vào mùa hè năm 1879 có một học sinh trung học sống ở tỉnh Tsernigôp. Nơi đó ẩm ướt và có nhiều đầm lầy. Cách không xa một trang viên, bên bìa khu rừng rậm là nghĩa địa làng. Vào tiết xuân, con sông nhỏ chảy cạnh đó dâng nước lên làm ngập cả những ngôi mộ cũ. Một lần, sau cả ngày mưa dầm dề, trăng lên thật đẹp vào buổi đêm. Ngoài sân rất ẩm thấp vì mưa. Ngồi trên thềm nhà, mọi người ngắm cảnh đêm trăng rồi bắt đầu kể về những bóng ma trong ngôi nhà cũ xưa bên trang viên làng xóm, về những người đã chết nay dường như đêm đêm chui ra khỏi mộ. Một số người ngây thơ tin ngay những điều bịa đặt ấy, số khác thì cho là có sự ngộ nhận nào đó về tất cả những bóng ma và điều kỳ lạ ấy.
- Thế nào, anh bạn trẻ, - ông chủ nhà quay sang nói với anh học sinh trung học, - sau khi nghe hết cái mà anh gọi là nhảm nhí ấy, anh có dám đi ra nghĩa địa không?
Chủ nhà cho rằng thể nào anh chàng học trò cũng từ chối ngay nhưng anh ta lại đồng ý đi.
Anh chàng học sinh ra cổng và đi theo hướng nghĩa địa. Anh ta đi đến rừng thật mau mắn và bình tĩnh, nhưng khi phải xắn quần lội qua đầm lầy thì chỉ thiếu chút nữa là anh ta quay trở lại. Anh liều mình lội qua những mô đất nhấp nhô đến nghĩa địa và đã muốn quay trở lại, nhưng bỗng dưng cách anh ta độ ba mét hiện ra hình hài trong suốt của một sinh vật gì đó dài ngoẵng. Hình hài đó dang rộng hai tay và đứng nguyên tại chỗ. Chàng thanh niên thấy ớn lạnh trong người. Run rẩy vì sợ hãi, anh ta cẩn thận đi men theo các mô đất mà không dám ngoảnh lại sau. "May ra, - anh ta nghĩ thầm, - nó sẽ biến đi …" Ở giữa đám lầy có một hòn đảo nhỏ trên mọc một cây bạch dương còn tươi non. Đến đấy, anh chàng học sinh không kìm được nữa bèn ngoái lại. Thật kinh hoàng khi anh thấy cách độ năm mét vẫn chính bóng ma ghê sợ ấy. Nó còn vẫy tay nữa chứ! Chàng thanh niên không còn tự chủ được nữa. Làn gió nhẹ thoảng qua, bóng ma run rẩy rồi lại lặng đi. Anh chàng học sinh đứng chôn chân tại chỗ. Đôi chân giờ đây không còn vững theo ý muốn của anh ta nữa …
Đi qua hết đầm lầy thế nào anh ta không nhớ nữa. Khi chạm chân lên nền đất cứng, anh chàng ngoái lại phía sau: bóng ma vẫn lẽo đẽo bám theo. Thế là anh chẳng còn hồn vía gì nữa, anh ta vùng chạy bán sống bán chết.
… Cha tôi ngừng đọc, nhìn chúng tôi bằng đôi mắt tươi cười và hỏi:
- Thế nào, có sợ không? Sau đây các cháu còn dám đi đến nghĩa địa như thế nữa không?
Chúng tôi im lặng bối rối.
Cha tôi cười rồi bảo:
- Ái chà! Các cháu tin rồi à?… Ồ, những nguyên nhân của hiện tượng ấy đơn giản lắm…
Rồi ông giải thích cho chúng tôi điều đó xảy ra như thế nào.
Ai cũng biết, các vật thể khác nhau bốc cháy ở những nhiệt độ khác nhau. Và còn có những chất tự bốc cháy. Thuộc về số những chất đó là hợp chất hoá học phôtpho và hiđrô, tức là hiđrô phôtphorơ, một loại khí có mùi cá trơn. Khi thoát ra ngoài không khí, nó bùng cháy với ngọn lửa sáng.
Ở đầm lầy, cũng như ở nghĩa địa, nhưng nơi ẩm thấp, loại khí này được tạo ra trong quá trình thối rữa thực vật và cơ thể động vật. Điều đó giải thích vì sao có thể thấy hiện tượng đó ở những nơi như vậy: ngọn lửa nhỏ nhợt nhạt mà người mê tín gọi là tâm hồn "bất an" của những người chết lúc thì tắt đi, lúc thì bùng cháy ở những chỗ khác nhau, lúc run rẩy đung đưa. Hiđrô phôtphorơ thoát ra khỏi lòng đất liền tự bốc cháy và sáng lên trong không khí. Hiện tượng bí ẩn của tự nhiên thật đơn giản và đương nhiên, một khi chúng ta đã biết được nguồn gốc của nó.
Trong thế giới những âm thanh lừa dối
Còn có thể kể nhiều điều về những bí ẩn của thế giới ngầm trong lòng đất. Sau đây là một trong những hiện tượng của nó - đó là những ảo giác về âm thanh. Nhà nghiên cứu hang động nổi tiếng người Pháp N. Caxtêrê đã hơn mười năm sống dưới mặt đất có kể lại rằng: "Có lần hai chúng tôi bò theo một khe hẹp. Trong lúc dừng lại nghỉ, khi cả hai chúng tôi đều bị ép sát giữa nền và trần cái khe, bỗng tôi nghe thấy những tiếng đập ngắt quãng làm rung cả nền. Tôi bảo người cùng đi chú ý đến những tiếng động ấy và đề nghị anh ta nằm im nghe. Anh ấy ở sau tôi chỉ độ 15 phút (1 phút (foot) bằng 30,5 cm(ND), nhưng không nghe thấy gì cả. Rốt cuộc, điều bí ẩn được phát giác: thật lạ lùng, tôi đã nghe thấy… nhịp đập của trái tim anh bạn đã mệt phờ của tôi. Đó là những tiếng đập nặng nề mà toàn thân tôi đã cảm nhận thấy thông qua nền đá xtalacmit đầy những lỗ rỗng, chính nền đá này đã đóng vai trò bộ khuếch đại, bởi vì ngực người bạn đồng hành của tôi áp sát vào nền đá. Về điều đó thì không còn nghi ngờ gì nữa, bởi vì tôi đã có thể thậm chí đếm được cả nhịp đập của tim anh ấy. Nếu tôi là bác sĩ, tôi có thể nghe tim anh ta rất chi tiết nhờ chiếc ống nghe tự nhiên ấy".
Những sự đánh lừa thích giác như vậy không phải là hiếm ở các hang động ngầm. Nhiều nhà nghiên cứu hang động đã kể về thứ âm nhạc lạ lùng nghe thấy được trong bóng tối của hang động. Đôi khi nó giống như một bản nhạc được lặp đi lặp lại sau những khoảng thời gian nhất định. Dường như ai đó đan tập thổi sáo bằng cách chơi đi chơi lại bài đã học. Nhưng đợi cho đến khi bài học kết thúc thì thật vô ích, hàng giờ trôi qua mà chiếc sáo vô hình vẫn tiếp tục réo rắt…
"Nhạc công" ở đây chính là những giọt nước rơi từ vòm hang xuống. Sau nhiều năm tháng, các giọt nước ấy ăn xuyên xuống nền đá vôi của hang thành những lỗ sâu tựa như ống sáo vậy. Khi rơi vào đó, các giọt nước ép không khí bắt nó thoát ra với tiếng réo rắt êm dịu.
Có lần, hai nhà du lịch nọ khi mới vào một hang lạ được vài ba mét bỗng nghe thấy như có ai đó đang nói chuyện trong ngách tối tăm. Cả hai người hoảng sợ lui ra ngoài. Thế là tiếng đồn trong hang có người ẩn náu liền lan truyền khắp nơi. Họ là ai? Hôm sau, những người khác lại vào hang, và tất cả trở nên rõ ràng: dòng suối ngầm róc rách trong hang đá đã "nói chuyện".
Tuy nhiên, để gặp gỡ những nghịch lý âm thanh, không nhất thiết phải đi vào lòng đất. Những nghịch lý ấy luôn có quanh ta.
Mọi người đều biết rằng ở gần thì nghe rõ âm thanh hơn. Nhưng thực tế nhiều khi không phải đúng như vậy. Có lúc ở gần mà chẳng nghe thấy gì, trong khi ở xa lại nghe rất rõ. Một lần, ở Anh, tại nhà máy chế tạo vũ khí xảy ra một vụ nổ. Tất cả những người sống cách xa nhà máy 180 kilomet đều nghe rõ tiếng nổ ấy. Nhưng ở cách đấy có 30 kilomet, người ta thậm chí còn hoài nghi về chuyện xảy ra.
Nguyên nhân của nghịch lý ấy là gì? Đó là do không phải chỗ nào không khí cũng là đồng nhất đối với âm thanh, trên đường truyền bá của âm thanh có thể có những "vùng im lặng". Hướng và tốc độ của gió, nhiệt độ các lớp không khí khác nhau đều có ảnh hưởng đến sự truyền các sóng âm trong bầu khí quyển. Do đó làm xảy ra chuyện nơi này âm thanh biến đi, rồi tiếp đó xa hơn nó lại xuất hiện. Chúng ta nói âm thanh đi ngược chiều gió. Trong trường hợp này, đường truyền của nó bị uốn đi và hướng lên trên. Nhưng nếu sau đó đường đi của sóng âm gặp một lớp không khí chuyển động chậm thì đường truyền của nó lại đổi hướng và có thể trở lại xuống mặt đất. Các "vùng im lặng" sinh ra như vậy.
Có thể, ai đó trong số các bạn đọc đã từng chú ý đến hiện tượng sau đây. Bạn đi dọc một hành lang dài hoặc đến chỗ ngoặt thì dường như bạn cảm thấy trước mặt có một bức tường cản đường đi của bạn. Vì sao vậy? Hóa ra là chính thính giác của bạn đã mách bảo cho bạn biết điều đó. Khi bị đi dọc hành lang, những bước đi của bạn phát ra âm thanh. Các âm thanh ấy lan truyền tới bức tường và phản xạ quay trở lại tai bạn. Càng gần tới bức tường bao nhiêu, âm thanh quay về càng nhanh bấy nhiêu. Khi nghe thấy những âm thanh dội lại đó, con người bạn liền bất giác tự đánh giá khoảng cách ngăn cách bạn với bức tường hay một vật cản nào đó, và như vậy bạn sẽ tự cảm thấy rằng sắp sửa va vào tường bây giờ.
Như ta thấy, cảm giác đó đặc biệt phát triển ở những người mù. Thường thường, lần đầu tiên tới một căn phòng, sau vài câu nói, người mù liền xác định được một các khá chính xác các kích thước của căn phòng đó bằng thích giác của họ. Những điều bí ẩn của một số tòa nhà có liên quan với những tiếng dội của âm thanh. Ở Lônđôn người ta vẫn thường giới thiệu cho các khách du lịch điều "huyền diệu" ở nhà thờ thánh Pôn. Nếu bạn nói thì thầm bên một bức tường ở trong nhà thờ người ta sẽ nghe thấy tiếng bạn ở bất kỳ chỗ nào, thậm chí cả ở đầu đối diện của tòa nhà thờ đó. Chỉ cần đứng đủ gần tường là nghe thấy. Và người ta liền có cảm tưởng rằng chính các bức tường đang thì thầm.
Còn ở Italia có một cái động rất nổi tiếng gọi là "tai của thần Điônit". Do vòm động có hình dạng đặc biệt nên ở đây có hai vị trí rất lạ. Mặc dù ở cách xa nhau, nhưng tất cả những gì bạn nói khi đứng ở chỗ này đều được nghe thấy rất rõ ở chỗ kia. Có cảm giác rằng người ta đang nói chuyện ngay chỗ đó vậy. Giải đáp hiện tượng này rất đơn giản: những âm thanh phát đi từ nơi này được vòm dội lại thế nào đó khiến cho chúng tập trung lại ở nơi kia. Bạn chỉ cần nhích sang một tí chút thôi là các âm thanh liền biến mất.
Trong câu chuyện kể về những nghịch lý âm thanh có thể nhắc tới các ảo thính. Hiện tượng này không phải vô hại như sự đánh lừa thính giác đơn thuần. Các ảo thính thường liên quan đến những tổn thương tâm lý và bệnh tâm thần. Chúng tôi sẽ kể tỉ mỉ hơn trong phần tiếp theo, ở đây chỉ muốn nhắc tới những ảo thính mà đôi khi không chỉ những người mắc bệnh tâm thần mới gặp phải. V. Kômarôp, tác giả cuốn sách "Bên cạnh những điều kỳ lạ" đã kể một câu chuyện như sau:
Một lần tôi đi giảng về đề tài vô thần ở một xí nghiệp may. Bài giảng kết thúc, có hai cô gái đi đến gặp tôi.
- Chúng cháu không muốn hỏi bác về tất cả mọi điều đâu, - hai cô gái bắt đầu vẻ bẽn lẽn, - nhưng vừa rồi có một chuyện rất lạ. - Rồi họ kể cho tôi nghe câu chuyện ấy.
Ở nhà một nữ công nhân ở xưởng may có việc sửa chữa các căn phòng. Gia đình cô đông người, nhưng tất cả đều đi làm hoặc đi học, nên mọi việc trong nhà đều trút lên bà mẹ, một người phụ nữ đau ốm bị áp huyết cao. Người ta quét vôi, sơn cửa, dán giấy bồi tường, sửa sàn gỗ mất vài ngày. Cần phải chăm nom theo dõi mọi việc còn sau đó là lau dọn nhà cửa.
Sau cùng, vào cuối tuần mọi công việc sửa chữa bộn bề cũng chấm dứt, và cả gia đình quây quần bên bữa ăn sáng.
Bỗng bà mẹ thốt lên ngắt đứt cuộc nói chuyện sôi nổi:
- Hình như ngoài cửa có ai gọi chuông…
Trong cuộc nói chuyện chung ấy chẳng có ai ngoài bà mẹ ra là nghe thấy tiếng chuông, nhưng anh con trai cả vẫn đứng dậy và ra mở cửa. Ngoài cầu thang không có ai cả.
Vài phút sau, bà mẹ lại nói:
- Họ đang gọi chuông đấy… Các con không nghe thấy sao?
Mọi người im lặng trên bàn ăn. Tất cả đều lắng nghe.
- Đúng họ gọi chuông mà, - bà mẹ nhắc lại.
Chẳng ai nghe thấy gì hết. Lần này, cô con gái đi ra phòng ngoài. Cô mở cửa và không thấy có ai.
- Có thể là lũ trẻ con nghịch, - có ai đó bảo vậy.
Khi bà mẹ lần thứ ba lại nói về tiếng chuông gọi cửa, cả gia đình đổ ra phòng ngoài. Cậu con trai mở giật cánh cửa lớn, nhưng ngoài cầu thang vắng tanh. Một câu con trai khác chạy xuống cầu thang, nhưng cũng chẳng gặp được gì hết.
Ăn xong bữa sáng, cả nhà đứng dậy và tản đi làm việc của mình. Bà mẹ sách túi đi chợ và ra cửa hàng thực phẩm ở đối diện. Khi bà vừa bắt đầu đi tắt qua phố ở chỗ không phải lối qua đường quy định bà đã bị ô tô cán…
Hôm sau, cô con gái của người mẹ đã mất, nước mắt giàn giụa kể cho các bạn gái nghe về tai họa đó và một mực khẳng định:
- Đấy đúng là tiếng chuông gọi cửa từ… thế giới bên kia. Tiếng chuông báo trước. Chúng tôi chẳng ai nghe thấy gì, vậy mà bà cụ lại thấy. Đúng rồi, số phận mẹ tôi đã bị định đoạt phải chết vào ngày hôm ấy.
Chúng ta có thể hiểu được cô gái phần nào vì đó là một cái chết bi thảm của người thân thiết nhất. Do tác động của nỗi bất hạnh lớn lao ấy mà bất kỳ ý nghĩ lạ lùng nào cũng có thể bất giác len vào tâm trí cô ta. Những người bạn của cô đều là đoàn viên thanh niên cộng sản. Nhưng họ đã chần chừ và không tranh luận gì với cô. Theo hành vi của họ, tôi cảm cảm thấy là đâu đó trong thâm tâm, họ vẫn duy trì ý nghĩ về khả năng có thể có của những tiếng chuông gọi từ "thế giới bên kia".
- Các bạn này, - tôi hỏi, - các bạn có tin vào thượng đế không?
- Sao bác lại hỏi vậy! - Không chút suy nghĩ, cả hai cô gái cùng thốt lên một lúc. Nhưng điều đó được nói ra một cách tự động, thuộc lòng, dường như là theo thói quen. Có cảm giác rằng sau những từ ấy chẳng có gì là thật sự nghiêm túc.
- Nếu các bạn không tin, - tôi tiếp tục nói, - thì làm sao các bạn lại có thể cho rằng đó là các tín hiệu từ thế giới bên kia được?
Hai cô gái ngập ngừng, nhìn nhau lúng túng, sau đó một cô đánh bạo nói giọng thiếu tự tin.
- Thế thì phải giải thích khác đi như thế nào?
Trong trường hợp này, đi tìm lời giải thích tự nhiên cho sự việc đã xảy ra không phải là khó lắm. Không cần phải có những tìm kiếm đặc biệt hay những tri thức chuyên biệt nào. Chỉ cần suy nghĩ một các bình tĩnh, phân tích thực chất các sự kiện, đồng thời tin chắc rằng trong việc đó không có và không thể có điều gì là siêu nhiên cả.
Trong căn hộ đã có việc sửa chữa, sau đó là dọn dẹp lau chùi. Người phụ nữ lớn tuổi phải làm việc không ngơi tay những ngày đó đã quá mệt mỏi. Vì vậy áp huyết bà tăng lên. Và ai cũng biết một trong những hậu quả của chứng tăng áp huyết là cảm giác có tiếng vang trong tai. Chính điều đó giải thích cho những tiếng chuông bí ẩn mà bà mẹ trong bữa ăn đã nghe thấy trong khi những người khác thì không.
Trạng thái đau ốm của người phụ nữ có tuổi đã trở thành nguyên nhân cái chết bi thảm của bà. Vì thấy mệt mỏi, khó chịu, bà không muốn đi đến tận ngã tư, nơi có đèn hiệu và lối qua đường, mà quyết định chạy tắt ngang qua phố thẳng tới cửa hàng, không hề nhận thấy chiếc ô tô đang lao nhanh tới.
Như vậy, cả "những tiếng chuông gọi cửa" và cả cái chết do ô tô đều là hệ quả của cùng một nguyên nhân hoàn toàn tự nhiên: do trạng thái bệnh tật của người đã luống tuổi.
- Ồ hóa ra mọi điều thật đơn giản, - một trong hai cô gái nói.
Kẻ thù lặng lẽ
Đúng, đối với những người mê tín, trong tự nhiên có bao điều bí ẩn. Đôi khi để cho một người nghĩ tới điều huyễn hoặc của thế giới bên kia, thì chẳng cần gì to tát cả. Anh ta nhìn thấy một cái gì đó hiếm hoi, lạ lùng hay ghê gớm là lập tức nghĩ ngay rằng anh ta gặp điều bí ẩn, siêu nhiên. Mặc dù hiện tượng đó đã không còn là bí mật đối với khoa học.
Nhưng cũng có khi chúng ta gặp điều bí ẩn mà bản chất của nó chưa được làm sáng tỏ.
Những hiện tượng chưa được giải thích có thể sinh ra những ý nghĩ mê tín, thậm chí cả ở những người đang cố gắng phân tích để hiểu được điều đã thấy hay đã nghe thấy. Bởi điều bí ẩn chưa được lý giải có nghĩa là chưa ai biết giải thích nó như thế nào.
Sau đây là một ví dụ rõ ràng về một điều bí ẩn như thế, một điều bí ẩn có thể gây nên sự mê tín.
… Giáo sư Gavrô rất lo lắng cho các công việc ở phòng thí nghiệm của ông. Đã hai tuần nay rồi, một việc lạ không giải thích được đang diễn ra tại phòng thí nghiệm. Tất cả các cộng việc của ông, kể cả ông nữa, đều thấy sức khỏe suy sút đi. Chẳng cần ở trong phòng quá hai giờ đồng hồ là mọi người đã thấy lả đi; một sự mệt mỏi không tài nào chế ngự được choán lấy cơ thể, đầu óc quay cuồng, khả năng tư duy bị rối loạn. Tất cả các nhân viên trong phòng thí nghiệm đều như thế, không trừ một ai cả!
Gavrô làm việc trong lĩnh vực âm học, và ông đoán được nên đi tìm kẻ thù ở chỗ nào. Hạ âm (tức các âm thanh có tần số thấp) hơn ai hết là thủ phạm gây ra thể trạng ốm yếu của con người. Bản chất của những âm thanh không nghe thấy này còn được nghiên cứu rất sơ sài: người ta chưa rõ chúng ảnh hướng đến con người ra sao. Đồng thời, hạ âm lại là bạn đồng hành thường xuyên của chúng ta. Các cơn giông và những trận gió mạnh, các vụ bùng nổ trên mặt trời đều sinh ra hạ âm. Hạ âm cũng đi kèm theo những tiếng súng và tiếng nổ, các vụ sụt lở và động đất. Hạ âm công nghiệp là hiện tượng phổ biến thường ngày. Những máy thông gió công nghiệp và các máy nén khí, nhưng động cơ điêden, các máy quay chậm đều phát ra hạ âm. Một nguồn thường xuyên tạo ra các âm thanh đó nữa là giao thông thành phố.
Giả định của nhà nghiên cứu người Pháp đó đã tỏ ra đúng đắn. Người ta đã phát hiện thấy là các dao động hạ âm công suất lớn đã được tạo ra do hệ thống thông gió của một nhà máy vừa được xây dựng gần phòng thí nghiệm. Tần số của các sóng âm đó gần bằng bảy hec (tức là bảy dao động trong một giây), và chúng đã ảnh hưởng rất nguy hại đến con người.
Thế đấy, "vị chúa tể ngẫu nhiên" đã hiến cho các nhà khoa học một điều bí ẩn mới làm xao động mọi người; hạ âm và trạng thái cơ thể con người, sức khỏe con người và sự an toàn.
Chẳng bao lâu sau người ta biết rõ rằng thậm chí hạ âm có cường độ không lớn lắm cũng có khả năng làm rối loạn hoạt động của não chúng ta, gây ra choáng, dấn đến chứng mù tạm thời. Còn những âm thanh mạnh với tần số bảy hec có thể làm tim ngừng đập, phá vỡ các mạch máu. Các nhà khoa học đã từng thử trên cơ thể mình xem hạ âm cường độ lớn tác động tâm lý như thế nào, cho biết là đôi khi trong lúc thử nghiệm sinh ra cảm giác hoảng sợ vô căn cứ. Những tạp số khác gây ra trạng thái mệt mỏi, cảm giác buồn chán hoặc chứng say nóng kèm theo chóng mặt và nôn nao.
Trong phòng thí nghiệm của Gavrô, ngay trước mắt những người có mặt, các đồ vật để trong túi như bút, sổ tay, chìa khóa … đều tung lên. Hạ âm với tần số mười sáu hec đã tỏ sức mạnh như thế đấy.
Trên cơ sở nhiều sự kiện và quan sát, hiện nay các chuyên gia đặt nghi vấn rằng chính các hạ âm yếu là một trong những nguyên nhân gây mệt mỏi thần kinh ở người thành phố. Và chúng ta đều biết rằng trong các thành phố, thực tế có những hạ âm hơn những nơi khác. Như đã nói, nguồn thường xuyên sản sinh ra hạ âm là giao thông thành phố và nhiều ngành sản xuất.
Điều gì ảnh hưởng đến việc tái tạo ra hạ âm và quá trình đó như thế nào? Cần phải làm gì để cái "nền tiếng ồn" sinh ra hạ âm không tăng lên một cách không kiểm soát được? Những giới hạn cho phép của hạ âm là thế nào? Hiện nay tất cả những điều đó đang được các nhà khoa học ngiên cứu. Song tôi muốn kể một điều rất bí ẩn mà có lẽ cũng liên quan đến hạ âm.
Năm 1890, chiếc tàu buồm "Manbôrô" chở thịt cừu đông lạnh và lông thú đi từ Niu Dilân sang Anh. Chiếc tàu đã không tới cảng. Và con tàu được coi như đã bị đắm. Hơn hai mươi năm sau, người ta bỗng nhiên phát hiện ra nó ở vùng ven bờ đất lửa. Con tàu chạy hết buồm. Thuyền trưởng con tàu đã gặp chiếc tàu buồm đó đã viết một báo cáo tường trình tỉ mỉ những gì ông ta đã thấy. Tất cả mọi thứ đều ở nguyên vị trí của chúng. Thậm chí cả các thuỷ thủ đã chết nữa: một bộ xương nằm trên bánh lái, ba bộ xương khác nằm trên boong bên cửa nắp, sáu bộ xương các thuỷ thủ trực ban ở vị trí của họ, còn sáu bộ xương khác "đang nghỉ ngơi" ở bên dưới. Trên các bộ xương đó vẫn còn lại những mảnh quần áo.
Điều gì đã xảy ra với đội thuỷ thủ?
Việc điều tra tỉ mỉ nhất cũng chẳng đem lại điều gì. Sổ nhật ký tàu bị rêu phủ, toàn bộ các dòng ghi chép đều không thể đọc được.
Một chuyện còn ly kỳ hơn xảy ra vào năm 1948 với chiếc tàu thuỷ chạy bằng hơi nước "Urang Mêđơt". Điện báo viên của tàu sau khi phát tín hiệu SOS đã thông báo: "Toàn bộ các sĩ quan và thuyền trưởng đã bị chết … Tôi cũng đang hấp hối". Những người đến cứu nạn đã nhìn thấy một cảnh tượng lạ lùng: tất cả mọi người trong đội tàu đều đã chết và nằm tại chỗ của họ, trên mặt vẫn đọng lại nét kinh hoàng…
Trên các đại dương, các thuỷ thủ đã nhiều lần gặp những con tàu như vậy bị bỏ rơi vì nguyên nhân nào đó không rõ. Người ta đã từng biết nhiều tấn bi kịch xảy ra trên biển như vậy, chúng được nghiên cứu rất cẩn thận ở mức có thể được. Không nghi ngờ gì nữa về tính xác thực của những chuyện đó. Câu hỏi chính vẫn chưa có trả lời; chuyện gì đã xảy ra trên những con tàu bị đội tàu bỏ đi đột ngột hoặc tiếp tục lênh đênh trên đại dương với những người chết cũng đột ngột như thế.
Điều bí mật của biển cả ấy đã từ lâu làm các nhà viết lịch sử hàng hải phải vương vấn, băn khoăn. Những cảnh huống mà trong đó xảy ra các tai biến ấy, thật lạ lùng và khó giải thích. Toàn bộ đội tàu đều chết một cách bất ngờ và cùng lúc vì những nguyên nhân bí ẩn. Trong những trường hợp khác thì tất cả đội tàu biến đi khỏi con tàu bị hư hỏng, hơn nữa nhiều khi họ biến đi rất bí hiểm - các xuồng cứu nạn vẫn còn trên tàu. Điều đó đã xảy ra vào năm 1953 với chiếc tàu thuỷ chở hàng không lớn lắm "Hônchu". Còn vào tháng sáu năm 1969, các báo đều đưa tin: hai chiếc thuyền buồm không người đã được tìm thấy ở vùng quần đảo Axo. Trên boong các tàu đó vẫn còn chứa thức ăn dự trữ, nước uống và các thiết bị cứu nạn.
Có thể dự đoán biết bao nguyên nhân để giải thích điều bí ẩn này! Chẳng hạn các con bạch tuộc khổng lồ đã tấn công tàu, hay đã xảy ra một bệnh dịch bí hiểm nào đó do một thủy thủ mang lên tàu; người ta không loại trừ thậm chí cả khả năng như thế này: người đầu bếp bị điên đầu độc tất cả mọi người trên tàu rồi tự mình nhảy xuống biển…
Song cũng có giả định khác: liệu hạ âm có dính líu đến các sự kiện lạ lùng đó hay không?
Tiện đây ta cũng nên nhớ lại một câu chuyện lý thú xảy ra vào những năm 30. Một đoàn thám hiểm Liên xô làm việc trên tàu "Taimưr" ở Bắc Băng Dương. Các nhà khoa học nghiên cứu các lớp trên của khí quyển. Một lần, khi tiến hành thả quả cầu thám không (người ta gọi các quả cầu "trinh sát" được bơm đầy khí hiđrô có lắp các thiết bị đo lường khác nhau và một máy phát vô tuyến điện như vậy), các nhà nghiên cứu đã chú ý đến một hiện tượng lạ: khi quả cầu được đưa lên với ngang tai thì người ta thấy đau nhói trong tai như có ai đó ép mạnh vào màng nhĩ.
Viện sĩ V. Sulâykin đã quan tâm đến điều bí ẩn này. Trước hết, ông lắng nghe các máy thám sát vô tuyến ở Maxcơva. Chúng tỏ ra hoàn toàn vô hại. Thế có nghĩa biển là thủ phạm? Các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm ở vùng ven bờ biển Hắc hải và khẳng định: đúng hiện tượng lạ có liên quan đến biển. Thủ phạm hóa ra là các hạ âm sinh ra trong các trận bão và cuồng phong trên các vùng biển mênh mông. Gió to và sóng lớn trở thành nguồn sản sinh ra những dao động hạ âm rất mạnh trong không khí. Thậm chí một trận bão không lớn lắm cũng sinh ra những hạ âm công suất cũng hàng chục kilôoat. Chùng lan truyền đi xa hàng trăm và hàng ngàn kilômet xung quanh.
Khi bay đi xa, những âm thanh lặng lẽ không nghe thấy này dường như báo trước cho mọi loài về cơn giông tố sắp đến. Và nhiều sinh vật biển cảm nhận được rất đúng điều báo trước đó. Những con sứa bơi ngay ra khỏi bờ trước lúc con sóng đầu tiên của trận bão ập tới, còn những con bọ chét biển thì nhảy lên bờ. Chính "giọng nói của biển cả" mà chúng nghe thấy rõ đã báo cho chúng biết về cơn giông tố sắp đến.
Nhân dân ở nhiều vùng ven biển thường truyền tụng các câu chuyện kể về những người có biệt tài đoán không sai về khả năng có bão. Biển còn hoàn toàn êm ả, nhưng ông lão đánh cá đi ra bờ biển đã bảo với mọi người rằng sắp có bão. Có lẽ, những người như thế cũng nghe thấy "giọng nói của biển khơi". Những dao động hạ âm mạnh trong không khí từ xa truyền đến được những người này cảm thụ như những cảm giác đau trong lỗ tai. Ở người khỏe mạnh thì không có hiện tượng ấy, nhưng những người mắc một số bệnh, chẳng hạn như bệnh thấp khớp lại cảm nhận được "giọng" của cơn bão đang ập tới.
Nhưng vì sao tất cả những người tham gia đoàn thám hiểm trên tàu "Taimưr" lại "nghe thấy" hạ âm? Hóa ra là những dao động hạ âm không nghe thấy được đó khi tác động qua lại với hiđrô có trong quả cầu thám không đã làm sinh ra những hạ âm còn mạnh hơn nhiều.
Một trong những điều bí ẩn liên quan đến hạ âm đã được làm sáng tỏ như vậy. Hiện nay ở Liên xô người ta đã chế tạo ra một thiết bị dự báo giông tố. Như những con sứa, thiết bị này tiếp nhận các hạ âm lan truyền tới, tức là tiếng vọng của cơn bão còn cách xa.
Vậy những sóng hạ âm có liên quan đến những tấn bi kịch trên biển cả không? Chúng ta đã biết rằng hạ âm mạnh với tần số bảy hec gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó các sóng hạ âm sinh ra trong cơn bão có tần số xấp xỉ, trung bình chúng có tần số sáu hec. Vậy có lý khi giả định rằng, đôi khi trong cơn bão mạnh ở vùng nhiệt đới, tần số dao động của hạ âm đạt tới bảy hec.
Vì vậy, khi sóng hạ âm mạnh như thế ập tới "che phủ" cả con tàu thì trong khoảnh khắc nó có thể giết chết tất cả mọi người. Việc nghiên cứu tỉ mỉ nhất đều không phát hiện ra sự đầu độc hoặc bệnh dịch nguy hiểm nào. Kẻ giết người vô hình "chỉ" làm tê liệt hoạt động tim mà thôi.
Rất thực tế khi cho rằng các bức xạ hạ âm mạnh với tần số xấp xỉ bảy hec có thể gây ra những cơn điện dại. Một số sự kiện đã nói lên điều này. Người ta biết, chẳng hạn, khi ngoài biển có một cơn bão hình thành và mạnh lên, thì ở trên bờ không chỉ số các vụ tai nạn giao thông mà cả số vụ tự tử cũng tăng lên nữa.
Điều bí ẩn lạ lùng còn đang đợi những nhà nghiên cứu. Nó hoàn toàn bên cạnh chúng ta, nhưng vẫn khó phát hiện biết bao.
Còn bây giờ chúng ta cùng nói về những hiện tượng lạ lùng liên quan đến bầu khí quyển của trái đất.
Những "kỳ quan" từ trên trời rơi xuống
Nhiều khi những "kỳ quan" lạ thường ấy lại làm cho cả những người tĩnh trí nhất cũng phải băn khoăn.
Chẳng hạn chuyện xảy ra năm 1940 ở tỉnh Gorki. Ở làng Mêsêra huyện Palôvô vào một ngày hè nóng nực đã xảy ra một cơn giông lớn. Và cùng với những giọt mưa đầu tiên rơi xuống đất là … những đồng tiền bằng bạc. Khi cơn giông đi qua, các em học sinh ở Mêsêra đã thu nhặt được gần một ngàn đồng tiền đúc từ thời xa hoàng Ivan hung đế…
Các bạn đừng nghĩ đó là "kỳ quan" duy nhất như thế. Vào tiết trời trong sáng, từ trên trời đã từng đổ xuống lúa mì, cả … cam và những chú nhện cũng đã rơi từ trên trời xuống; rồi ếch và cá cũng rơi xuống đất theo những giọt mưa từ các đám mây trên trời…
Năm 1954, ở thị trấn Đavơnpot (Mỹ), mọi người vô cùng ngạc nhiên chứng kiến cơn mưa đêm đã nhuộm tất cả thành một màu xanh da trời. Còn năm 1933, gần làng Kavalerôvô ở Viễn Đông, một trận mưa rào đã trút xuống rất nhiều sứa.
Giải thích những hiện tượng kỳ lạ đó như thế nào?
Thủ phạm ở đây chính là những cơn xoáy lốc không khí. Các bạn còn nhớ vào những ngày hè nóng nực, trên mặt đất bị thiêu đốt hay xuất hiện những xoáy bụi nhỏ. Nếu chú ý quan sát ta sẽ dễ dàng nhận thấy cột không khí xoáy đó hút theo từ mặt đất các vật khác nhau - phoi bào, giấy vụn v. v… Những xoáy lốc mạnh (vòi rồng) được hình thành trong các cơn giông. Khi đó, cột không khí xoáy có thể nhấc lên cao cả những vật rất nặng. Nếu trên đường đi của vòi rồng có sông, ao hoặc hồ, nước ở những nơi đó sẽ bị cuốn lên và tạo thành một cột nước. Có nhiều trường hợp vòi rồng hút trơ cả đáy. Chẳng hạn như vào mùa hè năm 1904 trên đoạn sông Maxcơva chảy ra Maxcơva.
Chính ở đây chứa đựng lời giải đáp cho trận mưa tiền bạc chưa từng thấy ở tỉnh Gorki. Các trận mưa rào trước đó đã rửa trôi đất và trên mặt đất lộ ra chiếc bình đựng các đồng tiền chôn trong đất. Vòi rồng xuất hiện trong cơn giông đi qua chỗ đó đã nhấc bổng những đồng tiền lên trên không. Và sau đó, khi dòng không khí yếu đi, những đồng tiền ấy cùng với các giọt mưa rơi xuống đất.
Ví dụ này là một bằng chứng cho thấy thường thường sau một điều hoàn toàn bí hiểm là một sự tự nhiên nhất, và chủ yếu, là hoàn toàn có thể giải thích được mang tính vật chất.
Cũng chẳng khó khăn gì để hình dung ra cảnh xoáy lốc không khí cuốn lên cao cả ếch nhái, cá, nhện hay sứa, mang chúng đi đôi lúc tới hàng chục cây số để rồi sau đó, khi xoáy tan, "thả rơi" chúng xuống đất.
Điều đó cũng đã xảy ra với những trái cam ở tỉnh Ôđexa. Cơn xoáy lốc ập tới đã nuốt vào "bụng" nó những quả cam từ quầy hàng của một người bán cam. Và rồi những trái cam ấy trở thành của giời ơi! Mùa hè năm 1890, ở một làng tỉnh Tula, cơn xoáy lốc đã "chộp" lấy những tấm vải lanh trải trên đồng cỏ để tẩy trắng. Những người đàn bà nom thấy thế liền chạy bổ theo. Chẳng mấy chốc họ đã thấy những tấm vải ấy bay mất hút, nhưng vẫn tiếp tục chạy về phía cơn xoáy lốc đã đi.
Người ta chỉ tìm thấy những tấm vải bị gió cuỗm đi ở một làng khác. Dân làng đã tận mắt thấy hàng chục tấm vải lanh dài 30 - 40 mét từ trên trời rơi xuống đến kinh ngạc và hoảng sợ. Nhiều người quả quyết rằng đó chính là "phép màu của thượng đế".
Gió có thể mang các vật khác đi rất xa. Năm 1904, một trận cuồng phong ở Marôc đã phá huỷ những kho lúa mì lớn. Gió mang lúa đi đến tận bờ biển Tây Ban Nha. Và ở đó, lúa được trút xuống bất thình lình ngay trước những người dân đứng ngây ra vì quá kinh ngạc. Ở đây, các cơn gió mạnh thổi ở các lớp trên cao của khí quyển đã trợ giúp xoáy lốc.
Còn trận mưa màu xanh ở Đavơnpot thì sao? Người ta phát hiện ra rằng phấn hoa chưa chín của cây dương châu Mỹ và cây đu trong đó có một chất màu hoà tan được trong nước chính là sắc tố. Gió mạnh đã mang lên cao nhiều phấn hoa và khi mưa rơi, phấn hoa nhuộm màu cho trận mưa đó.
Trận mưa vô hại nhưng khác thường đó đã gây ra trong nhiều người Mỹ mê tín không ít những câu chuyện về điều huyền diệu, và cái không lý giải được. Song những trận mưa kỳ lạ có màu đỏ mới làm dư luận xôn xao hơn nhiều. Vào những thế kỷ trước, hiện tượng tự nhiên này là cho người ta khiếp hãi. Nhiều người nghĩ rằng trời khóc những giọt nước mắt pha máu vì tội lỗi của loài người, trời báo điều bất hạnh trong tương lai. Điều này có thể đọc thấy trong trước tác của các nhà viết sử. Đây là một trong những dòng ghi như thế:
"Năm 764. Ở Tua, cuộc sống phóng đãng của các tu sĩ tại nhà thờ thánh Mactinơ đã làm Chúa trời nổi giận: máu đã rơi từ trên trời xuống.
Năm 787. Mưa máu trút xuống ở Hungari, tiếp theo đó bắt đầu nạn dịch hạch".
Vào năm 1117, miền bắc Italia bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Thành phố và làng mạc xứ Lômbacđi bị đốt cháy tan hoang. Người già và trẻ con chết vì nạn đói. Binh lính dày xéo các cánh đồng và cướp đoạt hoa màu còn lại. Tỉnh dậy lúc sáng sớm, dân chúng Lômbacđi không biết liệu còn có sống được đến chiều nữa hay không. Thật dễ hiểu vì sao trong những điều kiện như thế, mưa "máu" được mọi người ở khắp nơi coi là điều cảnh báo của trời về "sự tận thế của thế giới". Ở Milanô người ta triệu tập khẩn cấp hội đồng các giám mục. Các giám mục tuyên bố rằng "trời tuôn những dòng nước mắt máu vì loài người phạm những tội lỗi tày đình. Chỉ có thể bằng nhịn nhục, cầu nguyện và ăn chay nhiều tuần mới có thể cầu xin được chúa trời không lập toà án phán xử khủng khiếp của mình".
Những người dân quá kinh sợ đã hiến tế cho nhà thờ những món đồ cuối cùng. Họ quỳ suốt hàng giờ liền để cầu xin sự tha thứ của đấng toàn năng là chúa trời.
Xưa nay, "máu" rơi từ trên trời xuống đã nhiều lần làm người ta phải kinh sợ.
Dân cư thành phố Catandarô ở Italia còn nhớ mãi ngày 14 tháng ba năm 1813. Chúng tôi xin nhường lời cho nhà viết sử:
"Một đám mây giông hiện ra từ phía biển. Đến trưa nó đã bao phủ những ngọn núi lân cận và bắt đầu che lấp mặt trời; đám mây ấy lúc đầu có màu hồng nhạt sau trở thành đỏ rực như lửa. Chẳng bao lâu thành phố đã bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày đặc đến nỗi người ta phải thắp đèn lên ở trong nhà… Sương mù tiếp tục trở nên dày đặc hơn, và toàn bộ bầu trời như được cấu tạo từ sắt nung đỏ vậy. Trời nổi sấm và bắt đầu trút xuống những giọt chất lỏng to màu đỏ mà một số người cho là máu, còn những người khác coi đó là kim loại nóng chảy. Chỉ đến đêm không khí mới trở lại trong lành, sấm chớp mới thôi".
Ấn tượng về điều đã nhìn thấy mạnh đến nỗi dân thành phố không còn muốn lắng nghe những người còn tỉnh táo chứng minh rằng những giọt "máu" đã khô chỉ là bụi mịn cấu tạo từ những hạt khoáng nhỏ xíu có màu phớt đỏ mà thôi.
Các nhà hoá học đã nhiều lần phân tích những giọt mưa như thế; họ phát hiện thấy trong đó có sắt, crôm, canxi, silie và các nguyên tố hoá học khác. Các nhà bác học thời trung cổ đã từng đoán định về điều này. Vào giữa thế kỷ thứ 9, khi có những trận mưa chứa bột màu đỏ giống như máu, một nhà bác học thời đó viết: "Cái mà dân chúng gọi đó là máu chỉ đơn thuần là hơi được nhuộm thần sa hay phấn đỏ mà thôi". Nhưng sau đó ông ta viết thêm: "Nếu từ trên trời rơi xuống máu thực mà không thể phủ nhận được, thì tất nhiêu đó là phép màu do ý chí của thượng đế tạo nên".
Có khi vòi rồng cũng gây ra những trận mưa "máu" "lạ lùng". Vào mùa hè, nước đọng ở ao hồ thường có màu xanh, đôi khi có sắc nâu đỏ: nước "đổi màu". "Máu" đó chính là vô số các loài thực vật và động vật nhỏ bé khác nhau sống trong nước tù. Nếu muốn nhìn thấy chúng riêng từng con một thì phải dùng kính lúp. Nhưng khi các loài đó có số lượng rất lớn thì chúng làm cho nước có màu xanh nhất định. Thường thường là giống động thực vật có màu đỏ nhạt, do đó nước có sắc hung đỏ.
Vòi rồng cuốn tới đầm nước, hút nước lên rồi sau đó trút xuống một nơi nào đó ở xa dưới dạng mưa có màu hệt như máu.
Người ta còn thấy cả băng có màu trong tự nhiên. Vào thế kỷ trước, nhà băng hà học người Mỹ Côn khi nghiên cứu các băng hà vùng Alaxca đã thấy rằng bề mặt băng trải dài suốt vài cây số có màu hung đỏ. Băng có sắc màu như thế là do có một số lượng rất lớn những loài thực vật được gọi là hoa băng hà. Chúng sinh trưởng ở trên các tảng băng vĩnh cửu.
Ở các vùng phía bắc, người ta còn thấy cả tuyết màu đỏ. Hiện tượng này do vô số các vi khuẩn nhỏ xíu gây nên, chúng có khả năng sinh sản ở trên mặt tuyết. Người ta còn biết đến hàng chục loài rong đỏ sinh sản trên đá, cát, trên thân cây và một số loài sống trên tuyết.
Có một loài thực vật đơn giản nhất là tảo Colutea. Loại tảo này không nhìn thấy được bằng mắt thường, nó không sợ lạnh và có thể mọc thậm chí ở trên tuyết. Nó sinh sản rất nhanh. Loài tảo này có màu đỏ. Nếu gió thổi đưa phôi loài tảo này từ nơi nào đó đến mặt tuyết thì chỉ sau vài giờ chỗ tuyết đó sẽ trở nên đỏ. Tảo Colutea sẽ bao phủ toàn bộ bề mặt tuyết đó.
Người ta đã thấy cảnh tượng hiếm có đó ở Alaxca. Một thuỷ thủ viết rằng vào đầu tháng tám, các cách đồng tuyết lấp lánh màu đỏ tươi. Tuyết được nhuộm màu không chỉ trên bề mặt, mà cả ở độ sâu vài centimet. Điều này được giải thích bằng sự hiện diện của hàng triệu đơn vị thực vật nhỏ nhoi có mày đỏ này. Dường như tuyết bị ớt đỏ phủ lên vậy …
Truyền thuyết mất thiêng
Trong kinh thánh có kể rằng, một lần ở Ai Cập, bất ngờ có một đêm lạ nọ: "… bóng tối dày đặc che phủ khắp nước Ai Cập ba ngày liền. Người ta không nhìn thấy nhau và không ai rời khỏi chỗ trong suốt ba ngày".
Một đêm dài bằng ba ngày! Ta có thể dễ dàng hình dung được người ta hoảng sợ đến thế nào khi gặp hiện tượng kỳ lạ như thế. Mọi người đã nhìn thấy trong đó cánh tay trừng phạt của thần thánh. Ai mà biết được bóng tối ghê gớm ấy còn kéo dài bao lâu. Và có thể, mặt trời sẽ chẳng ló rạng nữa?! Chính các nhà hàng hải từng ngang dọc khắp các biển đã kể về "biển sương mù" trên đại tây dương ở vùng bán đảo Canari. "Mặt trời không ló ra ở nơi đây. Tại đó là bóng đêm vĩnh cửu!" - những thủy thủ lão luyện ấy cam đoan với những người nghe.
Có người tin và cũng có người không tin họ. Thế mà giờ đây đất nước của dòng sông Nin vĩ đại chìm đắm trong bóng tối.
Ở đây nảy sinh một câu hỏi quan trọng và lý thú: liệu các huyền thoại có phản ánh một hiện thực nào đó hay một điều gì đó hoàn toàn trần tục, tự nhiên hay có tính cách xã hội đã từng xảy ra trên thực tế và đem lại sức sống cho điều được tưởng tượng ra? Những câu chuyện tô vẽ bằng trí tượng tượng phong phú của con người, được bổ sung bằng sự huyền bí và bị biến dạng đi qua hàng thế kỷ tồn tại và đã phục vụ cho những mục đích nhất định của các giai cấp, và tất nhiên, toàn bộ những truyền thuyết như thế đã và đang không phản ánh gì lịch sử thật sự của các dân tộc. Song liệu chúng co xuất hiện một cách vu vơ không, cho dù chúng có hình thức hoàn toàn huyễn tưởng?
Quả là tất cả những quan niệm tôn giáo, mặc dù có tính chất huyễn tưởng và xuyên tạc, đều mang trong mình dấu ấn của thực tế, chúng phản ánh đời sống tập tục và những quan niệm của dân tộc mà từ đó chúng sinh ra.
Không cần phải nói nhiều về việc một quan điểm như vậy nhằm giải thích một số điều bí ẩn của lịch sử lại có thể có ý nghĩa tích cực như thế nào. Đúng, điều này này đã được cuộc sống khẳng định. Chỉ có nhờ đến phát hiện thành Troa của Sliman là đủ thấy điều đó, bởi kẻ dẫn đường cho ông trong phát kiến này chính là truyền thuyết do Hôme kể lại.
Tôi nghĩ rằng trong nhiều truyền thuyết và huyền thoại của các dân tộc đang ẩn giấu một sự kiện lịch sử nào đó. "Hiện đang tồn tại một ý kiến khá phổ biến nhưng sai lầm một cách sâu sắc. - viện sĩ B. Rưbakôp phát biểu, - cho rằng các truyền thuyết (huyền thoại, tráng sĩ ca) là điều thuần túy bịa đặt và phục vụ cho các mục đích giải trí. Trên thực tế, chỉ cần bắt tay vào nghiên cứu một sáng tác truyền miệng dân gian bất kỳ nào trong số các tác phẩm tương tự là ta sẽ phát hiện ra những cội nguồn lịch sử sâu sắc, những tuyến truyện lý giải hiện thực rõ ràng, dấu vết của những sự kiện đã từng có trên thực tế. Không nghi ngờ gì nữa, những truyền thuyết là các đối tượng nghiên cứu khoa học nghiêm túc của các ngành khác nhau".
Truyền thuyết trong kinh thánh kể về "bóng đêm Ai Cập" có thể là một ví dụ minh họa cho điều đã nói. Mặc dù hiện tượng tự nhiên đó được trình bày như một sự kỳ lạ chưa từng có, song trong lịch sử người ta đã biết đến nhiều trường hợp tương tự.
Vào mùa xuân năm 1901, trên sa mạc Xahara ở châu Phi nổi lên một trận bão cát rất mạnh. Một ngày sau, ở thành phố Tuynix suốt vài giờ liền có một đám bụi đổ từ trên không xuống dày đặc đến nỗi người ta phải đốt đèn ở trong nhà. Vào tháng mười một năm 1962, gió mang từ sa mạc Arabi một lượng bụi lớn đến mức ở Cairô người ta phải đóng cửa sân bay, sự đi lại trên kênh Xuyê phải ngừng lai vài ngày. Theo lời những người được chứng kiến, trong thành phố "tối đen như mực" - người ta không thể nhìn thấy được cả ngón tay trên cánh tay đưa ra trước mắt!
… Mùa thu năm 1938. Những người dân Nênet ở làng Khanmer - Xêđê gần vịnh Ôbi thật ngạc nhiên khi thấy vào những giờ buổi sáng trời tự nhiên tối đi. Bóng tối mỗi lúc một thêm dày đặc. Trên trời xuất hiện những đám mây màu hung đỏ. Vào mười giờ sáng trời tối hẳn. Bầu trời và mặt đất không còn phân định được ranh giới giữa chúng với nhau nữa, tất cả dường như đã tắt hẳn ánh sáng.
Có một lúc ở phía tây bắc ló ra một dải sáng rộng, nhưng rồi lại biến đi rất nhanh. Chỉ sau hai giờ trời mới sáng dần ra, song ánh sáng ban ngày đâu có làm người ta vui mừng vì nó có màu sắc hung đỏ.
Chẳng bao lâu người ta biết rằng nhật thực không lường trước được đó đã quan sát thấy trên một vùng rộng ở miền bắc Xibir trong phạm vi đó có các thành phố Đuđinka và Nôrinxcơ. Đó là gì vậy?
Khi khảo sát hiện tượng "nhật thực" đó, các nhà khoa học đã tìm được lời giải thích tự nhiên cho câu hỏi này. Người ta nêu ra hai nguyên nhân. Một trong hai nguyên nhân đó là những đám cháy rừng mạnh. Vài ngày trước khi xảy ra hiện tượng nói trên, ở miền Uran đã bị cháy rừng. Những khối khói và tro được gió đưa lên cao hàng chục kilômet và sau đó theo các dòng không khí truyền lan đi theo hướng đông bắc dưới dạng đám mây thẫm màu. Ở những nơi đám mây đó đặc biệt dày đặc, nó che khuất mặt trời và thế là bóng đêm "buông xuống".
Khi phân tích một số đặc điểm của hiện tượng hiếm hoi ấy, một số nhà khoa học đi đến kết luận khác: vào những ngày đó, một đám mây bụi vũ trụ đã lọt vào khí quyển trái đất và phá vỡ sự luân chuyển ngày và đêm.
Như vậy ngày nay đã có hàng ngàn người được thấy "bóng tối Ai Cập", một hiện tượng hoàn toàn giải thích được bằng những nguyên nhân tự nhiên.