Bản dịch của Nguyễn Chiến
Chương 7
NƠI NHỮNG NGÓC NGÁCH CỦA TÂM LÝ

Về những bóng ma và bệnh loạn thần kinh hàng loạt
"… Đột nhiên ở phía trước, cách chừng mười bước, tôi nhìn thấy một bóng người dang rộng đang tiến lại gần tôi. Trong cơn hoảng hốt tôi những muốn bỏ chạy, nhưng một ý nghĩ lại thoáng qua: mình định làm gì thế này, làm gì còn có ai xuống đây? Và tôi trấn tĩnh lại nhắm mắt mũi lấy hết sức mình đâm bổ về phía trước tới chỗ có hình bóng đó và tóm lấy "nó". Tôi kiệt sức và ngã xuống bất tỉnh.
Khi tỉnh dậy tôi thấy ngọn đèn mỏ đang cháy. Dưới ánh sáng mờ đục tôi dần dần nhìn rõ mọi thứ xung quanh và lập tức nhận ra rằng dọc bức tường có một thứ bùn lỏng đang chảy và khi rơi lộp độp nó phát ra những tiếng động mà tôi ngỡ là tiếng chân người đang đi lại gần.
Tôi đã tóm lấy ai vậy khi đâm bổ tới với đôi mắt nhắm nghiền?" (V. Emêlianôp. "Những câu chuyện không bịa đặt").
Như vẫn thường xảy ra
Cô bé nằm trên giường không dám động đậy. Một ý nghĩ làm tê liệt ý thức cứ ám ảnh đầu óc cô: "Bây giờ đây… Bây giờ đây nó sẽ xuất hiện!" Trong bóng tối hiện ra những đường nét của bàn, tủ và cây si nhỏ đứng trong góc phòng. Tất cả những thứ còn lại ẩn náu trong bóng tối và tản mác thành những bóng ma mờ ảo ghê sợ.
Nỗi kinh hoàng đè nén đã bóp bẹp ý thức. Đặc biệt đáng sợ là cái góc phòng đằng xa lẩn sau lò sưởi. Bóng tối vô bờ của nó cứ như rình rập lôi kéo. Tiếng sột soạt của những con gián bò sau lớp giấy bồi tường vọng vào tai thành tiếng vang to tướng…
"Lạy chúa! Cứu con với! Con là kẻ có tội". Sinh linh bé nhỏ ấy lắp bắp thì thào những lời cầu nguyện, còn đôi mắt chăm chăm dõi vào bóng tối của căn phòng. Cô bé nhắc đi nhắc lại không thành tiếng những lời cô em nói với em ban chiều: "Cháu lại phạm lỗi rồi? Thế nào rồi quỷ sứ cũng sẽ hiện lên…".
Và nó đã xuất hiện! Nó xuất hiện đúng như nó đã được hình dung: hai mắt cháy rực, cặp sừng nhỏ như của con dê nhà hàng xóm. Nó xuất hiện ở ngay góc phòng, đứng dừng lại trong khoảnh khắc và bỗng nhiên chìa cái chân đen sì của nó lại phía cô bé.
Cô bé thét lên và ngất đi.
Những bóng ma… Có biết bao những điều mê tín, những chuyện kể ghê gớm lưu truyền về chúng! Trong những câu chuyện đó đôi khi rất khó tách bạch cái thật và cái giả để phát hiện ra cơ sở tự nhiên vật chất của điều đã được nhìn thấy. Tuy vậy, những nguyên nhân của các hiện tượng tương tự đã được các bác sĩ tâm thần biết rõ.
Điều đó xảy ra như thế nào? Đây là một trường hợp đơn giản. Bạn nằm trong căn phòng tối không quen thuộc. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, đường nét các đồ vật hiện ra mờ ảo. Bạn đã buồn ngủ nhưng giấc ngủ còn chưa tới. Trong đầu lần lượt lướt qua đủ mọi ý nghĩ. Và bỗng nhiên bạn cảm thấy rõ rệt là ở cửa ra vào hiện ra cái bóng đen của người mà bạn vừa nghĩ tới. Bạn giật mình tỉnh cơn buồn ngủ, ảo ảnh biến mất.
Ở đây sự tự kỷ ám thị đã làm việc. Trong các ảo tưởng, chúng ta dường như "điều chỉnh" các ý nghĩ của mình theo một hướng nhất định, và khi đó bất kỳ đồ vật gì nom tựa như người đều có thể được coi là hình người. Ý thức của chúng ta đã được chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ấy, còn trí tưởng tượng thì vẽ nốt cho xong những đường nét của điều đang được chờ đợi ở "bóng ma".
Trong khu rừng tối, một người nhút nhát sẽ nom thấy ở mỗi lùm cây những hình người đang ẩn náu, với một đứa trẻ bị kích động bởi câu chuyện cổ tích khủng khiếp thì trong bóng tranh tối tranh sáng của căn phòng, mọi đồ vật bình thường nhất cũng có thể hoá thành những con vật sống. Nói tóm lại, bản chất các "bóng ma" tương tự dễ dàng được giải thích bằng các tính chất của tâm lý chúng ta, bằng tâm trạng suy nghĩ của chúng ta. Các ảo giác lại có tính chất khác. Thường thường các ảo giác gắn liền với những rối loạn nào đấy của tâm lý, với hệ thần kinh bị lệch lạc. Đôi khi thiết tưởng ảo giác lại phát triển dưới ảnh hưởng của các ấn tượng mạnh mẽ đã trải qua như cảm giác sầu muộn, những ý nghĩ ám ảnh, cũng như ở các giáo dân cuồng tín. Ở những người khoẻ mạnh cũng có ảo giác - sau đây, chúng ta sẽ nói về điều đó diễn ra như thế nào.
Khi nghiên cứu hiện tượng tâm lý đó, các nhà khoa học đã xác định rằng ảo giác xuất hiện khi trong vỏ não, sự hưng phấn của các tế bào đột ngột trội hơn quá trình ức chế; có thể gọi chúng là giấc ngủ mơ. Đồng thời cũng như ở các giấc mơ bình thường, những hình ảnh và cảnh tượng sinh ra trong não nhiều khi đan quyện vào nhau thành hình ảnh huyễn tưởng ly kỳ nhất. Nhiều khi chính sự tự kỷ ám thị lại góp phần thúc đẩy sự xuất hiện ảo giác. Nói cách khác đi, nếu một người bắt đầu liên tục nghĩ hay tự thuyết phục mình tin vào điều gì đó thì "điều gì đó" sẽ có thể xuất hiện trong ý thức dưới dạng các hình ảnh ma. Chính bằng cách đó mà ảo giác hình quỷ sứ đã xuất hiện trong óc cô bé ốm yếu dễ xúc cảm kia. Câu chuyện đó được mô tả trong cuốn sách "Ghi chép của bác sĩ tâm thần". Tác giả cuốn sách, bác sĩ L. Bôđanôvich, đã kể về một phụ nữ bị đau thần kinh nặng. Vào những năm thơ ấu, bầu không khí tôn giáo trong gia đình đã tác động đến cô thật khủng khiếp. Những lời cầu nguyện làm mòn mỏi, việc đi lễ nhà thờ, sự đe doạ về địa ngục - tất cả những cái đó rốt cục đã dẫn đến bệnh thần kinh.
Với nỗi kinh hoàng, cô bé đã nghe những câu chuyện của người cô mộ đạo đến cuồng tín về quỷ Sa tăng. Dần dà trong ý thức non nớt của cô bé đã hình thành hình ảnh rõ rệt của quỷ sứ. Cô bé hình dung ra nó rõ đến mức như thể nhìn thấy nó ngay trước mắt mình. Ban đêm, một tiếng sột soạt bất kỳ cũng làm cô bé hoảng sợ. Một lần, người cô nhìn thấy khuôn mặt hoảng hốt của em đã quả quyết rằng em "đã phạm tội" và dẫn quỷ sứ ra dọa em. Đêm đến, ý nghĩa rằng "vị khách" ghê sợ kia sẽ mò đến bắt đầu đeo đẳng cô bé không thôi. Và quỷ sứ đã xuất hiện. Đúng như cô bé đã hình dung trong trí tưởng tượng của mình.
Trong các truyền thuyết, các cuốn sách tôn giáo, trong các chuyện kể của những người theo đạo đều có thể đọc và nghe thấy về việc người ta đã từng nhìn thấy Đức mẹ, quỷ sứ, các thiên thần, các thánh. Chẳng những họ nhìn thấy mà còn nghe thấy cả giọng nói nữa. Trong kinh Côran có thuật lại rằng Môhamet đã được tiếp chuyện với thượng đẳng thiên thần Giêbrain, Gian Đa đã nghe thấy giọng nói phán bảo nàng ra đi cứu nước khỏi ách xâm lược của quân Anh. Hoàn toàn rõ ràng, tất cả những cái đó đều là ảo giác, chúng không chỉ là ảo thị, mà còn là ảo thính nữa.
Trường hợp người theo đạo có ảo giác không phải là hiếm. Những lời cầu nguyện, những đợt ăn chay kéo dài làm cơ thể suy kiệt, những ý nghĩ về tội lỗi, về nỗi đau khổ nơi địa ngục và sự cứu rỗi - tất cả những cái đó dẫn đến việc là người sùng đạo trở thành người mắc bệnh tâm thần, và những "ảo hình" sẽ đến cùng bệnh tật. Người đó có thể nhìn thấy ngay trước mắt mình khuôn mặt của Đức Mẹ hay của một vị thánh mà người đó tôn sùng hệt như đã từng thấy và ghi nhớ trên các tượng thánh. Những "ảo hình" như thế đôi khi rõ ràng như hình hài những người chúng ta thường thấy trong mơ. Nhưng ở đây con người đâu phải ngủ! Và người đó tin chắc rằng trước mắt mình là hiện thực chứ không phải hình bóng ma quái. Thậm chí có khi người bệnh quyết định kiểm tra chính mình. Người đó mở và nhắm mắt, bịt tai, nhưng hình bóng không mất đi, người đó vẫn tiếp tục trông thấy cả những người chết từ lâu, nghe thấy giọng nói của họ.
Tất nhiên, cũng như trong các giấc mơ, tính chất của các ảo giác được xác định bởi khối lượng các ấn tượng được con người lưu giữ trong ý thức và tiềm thức của mình…
Có lẽ, phương cách bóc trần có tính thuyết phục nhất đối với "tính chất siêu nhiên" của các ảo giác là sự kiện cho thấy rằng có thể tạo nên các ảo giác một cách nhân tạo. Để nghiên cứu những điều kiện và nguyên nhân xuất hiện các bóng ma, ngay từ thế kỷ trước, một nữ bác sĩ người Anh đã tạo nên các ảo giác bằng cách náu mình trong một căn phòng biệt lập và cố triệt bỏ tất cả các ấn tượng bên ngoài. Bà chăm chú nhìn vào bề mặt một đồ vật nào đó sáng lờ mờ, chẳng hạn như bề mặt tinh thể hay mặt gương. Điều đó làm cho óc mệt mỏi và trên nền ý thức hoàng hôn hiện lên những hình ảnh ảo giác. Những nhà nghiên cứu khác đã tự đưa mình vào trạng thái giữa ngủ và thức nhờ các chất mà tuý khác nhau và ảo giác đã nảy sinh trong tâm trí họ.
Cuối cùng, khi chúng ta làm quen với "những bóng ma hiển hiện" đủ loại thì không thể không nói rằng đôi khi chúng có thể làm cho cả người không có thiên kiến phải hoảng sợ. Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm khoa học Liên xô V. Emêlianôp đã kể một câu chuyện như thế. "Lúc còn là sinh viên, - ông nhớ lại, - khi cả nhóm chúng ta đi thực tập nhà máy trở về, trong toa tầu hoả chúng tôi gặp lại một sinh viên quen biết học khoa mỏ. Thật khó nhận ra được anh ấy: cả một lọn tóc bạc phơ rủ xuống bên trán. Khi thấy chúng tôi chưa dám hỏi chuyện mình, anh ta nói: "Các bạn không nhận ra sao? Mình cũng ở viện mỏ mà. Phải, tóc tớ bạc rồi, nhưng không sao đâu, đôi khi vẫn xảy ra như vậy"..
Ở mỏ than Kưdưn - Kia, nơi anh chàng đó thực tập đã xảy ra một vụ sập lò. Ba thợ mỏ bị đất vùi. Sau một thời gian người ta bới lên được hai người, còn người thứ ba không tìm thấy. Công việc lại tiếp tục, và vào ngày đầu tiên bỗng lan ra tin đồn: có ai đó đi lại trong hầm lò.
Không ai dám xuống mỏ. Lúc đó chàng sinh viên thực tập nói:
- Tôi sẽ đi.
Sau khi hỏi rõ xem những người thợ mỏ đã nghe thấy gì và ở đâu về "người ấy'', anh xuống hầm lò với cây đèn mỏ. Trong hầm lò ẩm ướt. Khi người sinh viên đi đến đứng nơi các thợ mỏ nghe thấy tiếng "người đó", anh dừng lại và cảm thấy rành rọt những bước chân lép nhép trên bùn. Rồi sau đó anh nhìn thấy chính cái mà các bạn đã đọc ở đoạn trên.
Anh ta gặp ai trong mỏ vậy?
- Khi nhướn cặp mắt lên tôi nom thấy cây cột chống lò có dựng chiếc thang… Tôi leo lên. Thật bực mình và tức cười. Chẳng gì tôi cùng sắp thành kỹ sư rồi! Điều gì đã buộc tôi phải run sợ và cũng mắc chứng loạn tinh thần như mọi người? Khi đã lên mặt đất, tôi mỉn cười kể lại cho những người thợ mỏ đứng vây lấy tôi về cuộc gặp gỡ với "người đó"… Thế nhưng cơn chấn động thần kinh dẫu sao cũng vẫn để lại dấu vết.
Vâng, cũng có thể xảy ra như thế đấy!
Nỗi cô đơn, sự đau khổ của sáng tạo và chuyện mê tín
Và đây là những câu chuyện về những ảo giác không dính dáng gì đến bệnh tâm thần.
Năm 1956, bác sĩ người Đức K. Linđêmah vượt Đại Tây Dương trên một con thuyền nhỏ. Hơn hai tháng trời ông một mình lệnh đênh trên biển cả, và điều đó đã tác động đến tâm lý của ông. Những "ảo hình" bắt đầu xuất hiện trong trí óc con người khoẻ mạnh đó. Có lần, trong trạng thái nửa mơ nửa tỉnh bỗng nhiên ông trông thấy một chiếc tàu viễn dương. Người ta hạ tàu xuống chiếc xuồng, một thuỷ thủ da đen nhảy vào xuồng và bơi lại phía ông. Và sau đó bắt đầu các huyễn tưởng: từ đâu đó hiện ra con ngựa đen và kéo theo sau mình chiếc xuồng… Linđêman đã phải hết sức cố gắng để cho ảo giác đó hết đi.
Khi nghiên cứu các hiện tượng đó, phó tiến sĩ y học V. Lêbêđep đã đạt được những kết quả lý thú tại một trong những nông trường khai hoang ở miền Antai. Trong số mười bốn thợ lái máy kéo thì ba người đã trải qua những trạng thái tâm lý kỳ lạ khi họ làm việc một mình ở thảo nguyên Kulunđa. Một người trong số đó đã cảm thấy một vực thẳm bất ngờ nứt ra trước chiếc máy kéo và anh phải phanh ngay máy kéo lại. Người thứ hai trông thấy một đám cưới nông dân trên thảo nguyên. Trong tiếng động cơ đang làm việc anh ta nghe thấy rõ tiếng nhạc và tiếng hát. Khi chiếc máy kéo tiến lại gần thì đám cưới biến mất. Những người thợ đó đều hoàn toàn khoẻ mạnh, không mê tín, và họ đã ngạc nhiên không ít bởi cái "huyễn ảnh" đó. Một số người cho rằng "ở đó có điều gì đấy".
Vì sao sự cô đơn lại có ảnh hưởng kỳ lạ đến thế tới con người? Lời giải đáp cho thấy là vào trạng thái đó, số tác nhân kích thích tác động tới các cơ quan cảm giác giảm đi đột ngột, tính đa dạng của chúng mất đi. Tác động vào não chỉ còn có các xung thần kinh đơn điệu, một mặt chúng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của não, làm giảm trương lực não, mặt khác, chúng đẩy con người vào trạng thái nửa thôi miên. Vì thế nảy sinh "những gián đoạn" trong hoạt động bình thường của tâm lý.
Lâm vào những điều kiện như thế trong những giai đoạn kéo dài là các thuỷ thủ trong các chuyến đi biển một mình, những thợ lái máy kéo làm việc ở thảo nguyên, các phi công lái máy bay tầm cao một chỗ ngồi.
Cùng với việc con người bay vào vũ trụ, một nghành khoa học mới - nghành tâm lý học vũ trụ - đã ra đời. Để chuẩn bị người cho các chuyến bay vũ trụ, các nhà bác học nghiên cứu trạng thái và hành vi của con người trong điều kiện thiếu nghiêm trọng các tác nhân kích thích từ bên ngoài. Người ta đưa họ vào các phòng đặc biệt không có âm thanh lọt vào - các phòng tiêu âm. Một phóng viên báo chí đã tham gia một thí nghiệm như thế. Ngồi trong trạng thái biệt lập hoàn toàn, anh ta ghi lại tỉ mỉ vào nhật ký tất cả những gì anh ta cảm thấy. Sau đây là những gì người phóng viên đó đã "nghe thấy" vào ngày thứ tư của sự giam hãm cô đơn:
"Tôi cảm thấy thế nào ư? Thỉnh thoảng tôi hài lòng, thỉnh thoáng thấy rầu rĩ. Một nỗi lo lắng âm thầm nào đó, nó bộc lộ ở chỗ tôi luôn luôn lắng nghe… Tôi nhớ lại rất rõ những giai điệu quen biết… Tôi đi nằm "lúc ban sáng", dậy vào buổi trưa, và trong tai vang lên bản giao hưởng số Chín của Bethôven" do dàn nhạc Đức thực hiện. Một khoái cảm không thể tả nổi. Lắng nghe Rakhmaninôp … tôi bỗng nhìn thấy rất rõ toàn bộ quang cảnh gian lớn ở nhạc viện và thậm chí nghe thấy giọng người phụ nữ giới thiệu chương trình. Vang lên khe khàng hơn là những vở kịch nói, những khúc aria và rômăng tôi yêu thích, rồi một mớ hỗn độn những cái hiên nhảy ở các thành phố nghỉ buồn chán quay tròn thành một đám rác nhiều màu. Chúng cứ ảm ảnh tôi một cách trực tiếp".
Những con người có tài năng sáng tạo lớn lao như các nhà văn, hoạ sĩ, nghệ sĩ đều có thiên hướng rõ ràng đối với các "ảo hình". Banzăc viết rằng buổi tối khi ông ngồi viết trong căn phòng có các cửa sổ buông rèm kín thì "tất cả mọi thứ đều chuyển động, một công việc điên cuồng và tuyệt vời bắt đầu. Sự thiếu vắng các ấn tượng thị giác cho phép tất thảy những hình ảnh quái dị sinh ra lúc ban ngày lớn vượt lên trong cảch tranh tối tranh sáng. Đến đêm chúng trở nên mạnh mẽ và độc lập".
I.A. Gôntsarôp thừa nhận, khi ông viết, các nhân vật không làm cho ông an tâm, chúng xuất hiện làm điệu bộ trên sân khấu, ông còn nghe thấy cả những đoạn hội thoại của nhân vật nữa.
Cần phải nói rằng, mặc dù những hình ảnh xuất hiện trước mắt con người trong các giai đoạn cảm hứng sáng tạo về bản chất cũng là các ảo giác nhưng về tính chất thì chúng khác xa những "ảo hình" không điều khiển được ở những bệnh nhân mắc chứng ixtêri, khác với bệnh loạn thần kinh và suy sụp tinh thần. Trái hẳn lại những bức tranh rõ ràng nảy sinh trong ý thức nhà văn giúp cho người viết tái hiện cuộc sống với một sức thuyết phục sâu sắc đặc biệt.
Đôi khi những nhà sáng tạo đó làm chúng ta sửng sốt bởi sự mãnh liệt của trí tưởng tượng. Mà đó lại là tưởng tượng thị giác. Khi bắt đầu vẽ chân dung một ai đó, hoạ sĩ trứ danh người Anh Râynônx mời người ấy đến chỉ trong buổi vẽ đầu, sau đó ông làm việc bằng trí nhớ. "Khi người mẫu ngồi trước mắt tôi, - ông giải thích, - tôi chăm chú quan sát người ấy trong vòng nửa tiếng, thỉnh thoảng phác những nét của người đó lên mặt vải; tôi không cần một buổi vẽ dài hơn thế. Tôi cất tấm vải vẽ đó lại và chuyển sang người khác. Khi tôi muốn tiếp tục vẽ bức chân dung đầu tiên kia, tôi hình dung là đã đặt người đó ngồi trên ghế và nhìn thấy mọi chi tiết rõ rệt đến mức dường như đích thực người đó đang ngồi trước mắt tôi vậy; thậm chí tôi có thể nói rằng hình dáng và màu sắc còn sắc nét và sống động hơn. Tôi nhìn vào hình người tưởng tượng một lúc và bắt tay vào vẽ; nhiều lần tôi ngừng công việc của mình để quan sát thế ngồi, hoàn toàn như lúc nguyên mẫu ngồi trước mắt tôi, và bất cứ lúc nào nhìn lên ghế tôi đều thấy người đó".
Nếu có ai đó trong số bạn bè ông đi vào xưởng vẽ mà che mất chiếc ghế trống không với "người mẫu", thì họa sĩ liền đề nghị người đó tránh sang bên (!)
Những nguyên nhân trần thế của thế giới "ảo hình" hoàn toàn là như vậy. Song điều đó lại chẳng mảy may làm bối rối những con người nô lệ của sự thần bí. Hiếm có ngày nào mà trên các tờ báo nước Anh lại không có những tin tức, chuyển kể về ma quỷ. Người ta mô tả những nơi có ma xuất hiện, kể lại những cuộc đàm đạo với ma và thậm chí còn đưa ra những chỉ dẫn về cách xử thế khi gặp ma. "Hội khoa học nghiên cứu ma" vẫn thường khuyên, chẳng hạn như: "Nếu bạn nhìn thấy một bóng ma bất thần hiện ra thì bạn hãy bình tĩnh, tính thời gian và nhận xét nơi nó xuất hiện, và nếu bạn muốn nó biến mất, bạn hãy hướng về phía nó một vật nhọn nào đó, dẫu chỉ là một cái ghim băng…"
Hoàn toàn cách đây không lâu, chủ tịch "Câu lạc bộ ma" (ở nước Anh có câu lạc bộ như thế), ông Anđơvut đã lợi dụng ma quỷ kiếm tiền bằng cách cho xuất bản "Cẩm nang địa lý về ma ở Anh; hướng dẫn tham quan 236 địa điểm ma thường lui tới". Trong lời nói đầu cho "tác phẩm" này, tác giả đã viết với tình cảm tự hào dân tộc: "trên quần đảo Anh quốc, mà thường gặp nhiều hơn ở bất kỳ một nơi nào khác".
Thế đấy, người ta đã tin mà không hề suy luận, không hề nghi ngờ gì về niềm tin của mình, vào sự tồn tại của những đối tượng thuộc thế giới bên kia, và không có sự kiện nào, không lời thuyết phục nào lại có thể làn thay đổi được quan điểm của những con người đó.
Ở nước Nga người ta gọi họ là Klikusa
Từ thủa xa xưa, loại bệnh tâm thần này đã làm biết bao người kinh sợ. Trước mắt nhiều người, một ai đó bỗng trở nên "điên khùng" - người ấy la hét bằng nhiều giọng khác nhau, buông những lời báng bổ thánh thần, gào rú trong cơn điên loạn. "Hắn ta bị quỷ ám" - những người sùng đạo bảo, họ tin rằng có một "sức mạnh tà ma" đang tồn tại. Ở nước Nga người ta gọi những người bệnh này là Klikusa (bắt nguồn từ chữ "klikat" nghĩa là gào rú, gầm thét điện loạn).
Những kẻ "điên khùng" có ở mọi thời đại và ở tất cả các dân tộc. Hai ngàn rưởi năm trước đây ở Hy lạp và La mã đã có không ít những người bệnh như thế. Khi đó người ta nghĩ rằng họ bị thần Điônit, thần rượu nho và vui chơi ám. Người ta bảo: "Hắn ta bị các thần làm cho phát điên". Khi đạo Cơ Đốc xuất hiện, người ta nói rằng đó là những người "bị quỷ ám đến phát điên"'. Chỉ vẫn một bệnh đó mà khi thì được coi là do tác động của "thần thánh", khi lại được coi là do "quỷ sứ" bỡn cợt. Thế mà hàng triệu người đã thành kính tin vào cả điều này lẫn điều kia.
Việc sĩ V. M. Bêkhtêrep đã nghiên cứu bản chất của bệnh này. Ông viết: " Theo như tôi có thể phát biểu ý kiến về chứng điên loạn này thì làm sao có thể nghi ngờ một điều rằng đó chính là một bệnh thật sự trong đại đa số trường hợp, chứ không phải là sự giả vờ mà một số người cho đến tận bây giờ vẫn cho là như thế. Thậm chí tôi nghĩ rằng, nếu trong số những người bệnh này có những phụ nữ giả vờ, thì bất luận thế nào đi nữa, những người như thế phải rất ít. Điều chứng thực rằng đó là bệnh chứ không phải giả vờ chính là sự giống nhau như hệt trong các triệu chứng riêng biệt hiện ra nơi những người bệnh ở cách xa nhau.
Cơ sở của bệnh này là những chứng loạn thần kinh chức năng ixtêri cũng như ở các ảo giác. Căn bệnh phát triển trên nền những quan niệm đã ăn sâu trong ý thức về "những kẻ thù của loài người" có thể gây tác hại lớn cho con người. Đặc biệt kinh khủng khi quỷ nhập vào chính con người. Làm sao có thể như thế được thì chẳng ai nghĩ tới. Đức tin mù quáng mà không cần suy xét vào một thức "ám" như vậy đã quyết định tất cả. Một khi được nghe nói, thậm chí đôi khi được trông thấy những kẻ "điên loạn" quằn quại trong cơn vật vã, thì một người đã có thiên hướng tin vào bệnh đó liền bắt đầu nghĩ: liệu có phải "quỷ dữ" đã nhập vào người ấy không?! Dần dà ý nghĩ ám ảnh đó "tự kỷ ám thị" loại ra khỏi ý thức tất cả những cái còn lại, và chỉ ý nghĩ ấy đeo đẳng tâm trí đau ốm đó mà thôi. Rồi tâm lý người đó không chịu đựng nổi được …
Sự bại hoại tâm lý như thế hay xảy ra trong các nhà nguyện hơn cả. Qua các câu chuyện kể rằng quỷ sứ không chịu được việc làm dấu thánh, cầu nguyện, rước lễ, những người bị bệnh ixtêri đó khi đã tin chắc rằng họ "bị quỷ ám" đã phải chịu đựng một sự căng thẳng thần kinh rất mạnh trong thời gian hành lễ. Chính vào những phút đó bắt đầu các cơn ixtêri. Người bệnh gào thét dữ dội, đập đầu xuống sàn, lăn lộn quằn quại trong cơn co giật, lăng mạ tất cả các thánh thần: vốn quỷ sứ là kẻ thù của thần thánh mà.
Ngày nay, chứng bệnh ixtêri kiểu điên dại đó là một hiện tượng rất ít gặp. Thời xưa đó là chuyện cơm bữa. Bệnh này đặc biệt phổ biến ở nữ nông dân nước Nga trước cách mạng. Lao động cưỡng bức khổ nhọc, tình trạng hoàn toàn không có quyền hành gì trong gia đình, những trận đòn, cuộc sống tối tăm - tất cả những cái đó nhiều khi dẫu người phụ nữ đến chứng bệnh thần kinh - tâm thần. Gần mười lăm năm trước đây, bà A. V. Sisakina ở thành phố Bugunma (nước cộng hoà tự trị Tataria) đã gửi cho tôi những hồi ức của mình. "Dưới thời Xa hoàng, - bà viết, tôi đã đến làm giáo viên ở một trường làng lớn và có dịp làm quen với các klikusa và biết được cuộc sống cơ cực của họ". Rồi sau đó bà nhớ lại những gì mà những con người bất hạnh ấy đã kể cho bà hay. "Tôi mồ côi cha, - một trong những phụ nữ klikusa ấy kể, - tôi không biết cha, bọn tôi sống với mẹ rất nghèo túng. Chúng tôi đi làm mướn. Quần áo lành lặn không có. Chúng tôi đi giày bện. Tôi đã đến tuổi thành hôn nhưng đám thanh niên không muốn cưới tôi. Ai cần một đứa con gái nghèo xác không của hồi môn cơ chứ. Có một người goá vợ từ một làng xa tới quan tâm đến cảnh ngộ của tôi. Mẹ tôi đồng ý, bà đã đến xem nhà cửa của anh ta và về bảo tôi: "Cửa nhà tươm tất, ngoài sân có một con ngựa, một con bò cái, ba con cừu, một con lợn và ba đứa trẻ". Người ta đã cầu phúc cho tôi, làm lễ cưới và đưa tôi đi suốt năm mươi vecxta (vecxta: dặm Nga (bằng 1,06 km) đến một làng xa lạ. Tôi bước vào nhà, và trong đó không phải là ba đứa trẻ, mà là năm đứa - Thế có nghĩa là người ta đã lừa tôi. Tôi khóc, còn chồng tôi bảo: "Nếu tôi nói với cô tôi có năm đứa thì cô đã chẳng theo tôi". Hôm sau, hàng xóm đến dắt cừu về, lũ cừu ấy là của người khác, họ đem chúng tới đây chỉ để loè thôi, họ mang cả lợn đi, con lợn ấy cũng của người khác. Vậy họ đã mang tới nơi như thế đó! Tôi nướng bánh, cho lũ trẻ ăn (đứa con gái lớn nhất chín tuổi, đứa bé nhất mới hai tháng), rồi tôi leo lên bếp lò ở góc nhà và khóc; sau đó tôi bắt đầu rống lên làm cho hàng xóm phải chạy đến xem. Những đứa trẻ khóc rống lên vì hoảng sợ, người chồng tôi chửi mắng, còn hàng xóm láng giềng thì khuyên bảo, người nói phải lấy roi liễu quất, người khuyên đưa tôi tới nhà thờ. Tôi quyết định bỏ trốn về nhà, và đến mùa đông tôi đã bỏ về nhà với mẹ. Tôi chưa kịp tháo giầy thì chồng tôi đã xuất hiện sau lưng tôi, hắn và mẹ tôi đánh tôi, rồi hắn đặt tôi lên xe trượt tuyết và đưa về nhà. Cuộc sống còn khủng khiếp hơn nữa, tôi muốn thắt cổ tự tử, nhưng lũ trẻ cứ cặp kè bên gót, muốn trẫm mình nhưng chẳng có sông, còn bên giếng lúc nào cũng có người; muốn cắt cổ nhưng dao chỉ có trong túi người chồng. Tôi quyết định lại chạy trốn về với mẹ để rồi phủ phục dưới chân bà xin cứu giúp. Chồng tôi đi xay bột, thừa cơ hội đó tôi bỏ trốn. Tôi vừa về đến bên mẹ thì chồng tôi đã xuất hiện. Lần này tôi không bị đánh. Chồng tôi lấy dây thừng trói tôi vào càng xe để tôi chạy cùng với ngựa, và bắt đầu dong ngựa dọc làng trong tiếng cười của mọi người. Cứ một roi quất ngựa hắn lại quất tôi một roi. Ngựa phi và tôi phải chạy, thỉnh thoảng tôi ngã vập xuống đất. Đến cổng làng, chồng tôi cởi trói cho tôi, hắn ném tôi lên xe và bảo: "Tao sẽ dạy cho mày biết sống với chồng như thế nào. Tao sẽ bẻ gẫy hết xương mày để mày không bao giờ bỏ trốn nữa". Sau đó tay trái tôi, cánh tay bị buộc vào càng xe, bi liệt, chân tôi đau nhức, nhưng tôi nín lặng. Tôi làm tất cả mọi việc trong nhà, nhưng vẫn nghĩ xem chạy trốn đi đầu và chạy thế nào. Chồng tôi canh riết tôi và bắt lữ trẻ theo dõi tôi".
Những người có số phận cơ cực không thể chịu đựng được như thế đã dần dần biến thành những người mắc chứng ixtêri, thành các klikusa. Rồi sau đó nỗi thống khổ của họ còn trở nên sâu sắc hơn nữa do cái lẽ người ta "chữa chạy" cho các klikusa tại nhà thờ. Người ta đọc những lời nguyện cầu "đuổi quỷ" trên đầu họ cho đến khi con người bị hành hạ ngất xỉu đi. Thật dễ hiểu là những kiểu "chữa trị" như thế chỉ làm xấu đi thêm tình trạng của những người bệnh ixtêri này.
Thật ra, ở đây cũng có những kiểu chữa bệnh "kỳ diệu". Bạn biết điều đó có thể xảy ra như thế nào rồi. Tác nhân chữa bệnh chính là lời nói, ám thị… Nhà văn A. Xêrêhrôp đã từng là người chứng kiến một trường hợp như thế; trong cuốn sách "Thời đại và con người", ông đã mô tả cảnh tượng cha Ioan ở nhà thờ Anđrêep ở Krônstat chữa trị cho một nữ bệnh nhân mắc bệnh tâm thần. "Người ta kéo một phụ nữ trẻ đến nhà thờ. Cô ta gào thét và cố thoát khỏi tay những người đang giữ cô. Chiếc khăn trên đầu cô ta sổ ra, khuôn mặt nhợt nhạt sáng lên, hai mắt nhắm nghiền. Khi nghe thấy tiếng kêu cha Ioan đi tới và có vẻ lo lắng chờ đợi cho đến khi người ta kéo người phụ nữ đi tới khán thờ. "Tên gì! - Đức cha hỏi giọng nghiêm khắc. Người phụ nữ nhe răng và kêu lên như chó sủa. "Mở mắt ra!…" - Cha Ioan nghiêm giọng ra lệnh. "Thả tôi ra" - người bệnh rên rỉ và cố vùng ra khỏi tay những người đi theo. Và lập tức tôi nhìn thấy một sự việc lạ lùng, có lẽ, thậm chí còn có tính chất lăng nhục nữa: cha Ioan thẳng cánh nện chiếc búa con vào chán người phụ nữ bất hạnh và quát vang khắp nhà thờ: "Mở mắt ra!" Người phụ nữ kêu ối một tiếng và nhướn đôi tròng mắt mở to vì hoảng sợ. Nhìn thẳng vào cặp mắt ấy, cha Ioan phán giọng dứt khoát và rành rọt:
- Nhân danh chua Giêxu Crixt của ta… hãy cút ra khỏi người này, đồ quỷ kia!
Ông ta đọc câu thần chú ba lần. Và sau mỗi lần, ông ta thổi theo hình chữ thập vào nmặt người phụ nữ klikusa. Cô ta trở nên mền nhũn và sau khi trườn ra khỏi tay những người đang giữ, cô ngồi phịch xuống sàn…
- Các người đi đi… Mụ ấy khoẻ rồi".
Những bệnh dịch tâm thần
Năm 1885, ở Italia xảy ra dịch tả. Vào những ngày kinh khủng đó, bỗng nhiên cư dân thị trấn nhỏ Côranô gần Naplơ đã nhìn thấy Đức mẹ mặc áo choàng màu đen đang cầu nguyện cứu giúp chúng sinh ở trên mặt ngọn đồi gần đó, nơi có nhà nguyện.
Tiếng đồn về điều "huyền diệu" truyền đi khắp vùng và người ta bắt đầu đổ tới Caranô. Thực tế là tất cả, hay hầu như tất cả đều nhìn thấy rõ Đức mẹ đang cầu nguyện. Ảo giác này lan truyền như bệnh dịch vậy. Điều đó đe doạ nhiều người sẽ bị điên. Chính phủ đã phải thi hành các biện pháp. Nhà nguyện được chuyển đến chỗ khác, và... các bóng hình tưởng tượng liền chấm dứt.
Tất cả điều đó rất giống với những chuyện xảy ra với người bị quỷ ám. Nhưng sự điên dại ngay lập tức bao trùm hàng trục và hàng trăm người, nó lan truyền đi khắp vùng. Năm 1630, ở một tu viện tại Mađrit một nữ tu bắt đầu bị các cơn ixtêri. Cô ta kêu thét không phải bằng giọng của mình, hai tay cô ta bị co giật, thân thể co quắp. "Tôi bị quỷ ám rồi!" - cô ta nói vào những phút tỉnh táo. Và chẳng bao lâu chứng bệnh tâm thần này đã lan khắp tu viện: Suốt đêm các nữ tu sĩ gào rú, kêu meo meo, sủa gâu gâu. Giới tăng lữ cao cấp phải can thiệp vào cuộc đấu tranh chống "ma quỷ"- cách ly những người bị "quỷ ám" và đưa họ phân tán về các tu viện khác nhau. Một năm trôi qua, bệnh dịch như thế lại lây lan ở tu viện nữ thánh Urxula ở Pháp. Đêm đến, các nữ tu sĩ nhìn thấy các bóng ma - vị tu viện trưởng chết đã lâu nay lại xuất hiện bên họ. Trong cơn hoảng hốt họ nhảy khỏi giường, bò khắp sàn, nguyền rủa thánh thần. Toà án giáo hội đã tiến hành điều tra "vụ" này, Kẻ có tội "đã được tìm ra". Từ lâu người ta đã nghi ngờ linh mục Grăngđê có liên hệ với quỷ sứ; sau những cuộc tra tấn vô cùng tàn khốc, ông này đã bị đem thiêu sống.
Năm 1642, một bệnh tương tự đã lây lan khắp các nữ tu sĩ ở tu viện nữ thánh Elidabet tại Luivơ (Pháp). Lối mô tả tỉ mỉ của người chứng kiến câu chuyện đáng buồn này còn lưu lại cho đến ngày nay: "Các nữ tu sĩ, - ông ta viết, - trong lúc hành lễ đã nhăn nhó mặt mày, thè lưỡi, buông lời báng bổ thánh thần với bộ dạng thô bỉ kinh khủng. Vài lần trong ngày họ lại bị những cơn điên dại và giận dữ, họ tự gọi mình là quỷ. Cơ thể họ thể hiện những động tác co giật khác nhau. Khi ngất lịm đi, ở họ không có chút dấu hiệu rõ rệt nào là còn thở cả. Sau đó họ dần dần tỉnh lại".
Và sau đây là một bệnh dịch tâm thần có tính chất khác. Vào cuối thế kỷ trước, ở Braxin có một "Giêxu Crixt tự xưng". Con người này quả quyết rằng ông ta đã bị đóng đinh câu rút trên cây thập tự, đã phục sinh và giờ đây "trở xuống trái đất" - tất cả đều phù hợp với truyền thuyết trong kinh thánh. Những người mộ đạo nghe ông ta nói và, rất sôi nổi và rạng rỡ họ tụ hợp lại thành nhóm trao đổi về điều đã được nghe. Chẳng bao lâu, có mười hai người đi thuyết phục những người xung quanh, như thể họ là những thánh tông đồ của Chúa Cứu thế vừa mới hiện diện. Bệnh dịch tâm thần lan tới càng nhiều nạn nhân mới. Sau vài tuần ở nước này đã có gần 12 ngàn người không chịu nghe theo tiếng nói của lý trí, họ bỏ bê mọi công việc để chỉ nói về "sự giáng thế lần thứ hai" của chúa cứu thế.
Vì sao lại xuất hiện những bệnh dịch lạ lùng như vậy? Chỉ có một nguyên nhân: đó là sự ám thị lẫn nhau và tự kỷ ám thị,và tất nhiên, cả hoàn cảnh tương ứng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bệnh tâm thần hàng loạt nữa.
Có thể nhớ lại xem những bệnh dịch tương tự - các ảo giác hàng loạt - đã phát sinh trong chiến tranh ra sao. Chẳng hạn, vào thế kỷ trước, trong thời gian chiến tranh Pháp - Phổ, hàng trăm nông dân ở tỉnh ven sông Ranh tại những nơi có chiến sự đã nhìn thấy trên các đám mây hình ảnh Đức mẹ và Chúa cứu thế bị đóng đinh câu rút. Những con người bị lũ lính tráng làm cho khánh kiệt giờ chỉ còn hy vọng vào thượng đế.
Một trường hợp rất lý thú về ảo ảnh và ảo giác đã xảy ra với những thuỷ binh vào thế kỷ trước. Hai chiếc tàu Pháp - chiến hạm "Ben - Pun" và hải phòng hạm "Becxô" gặp một trận bão mạnh khủng khiếp ở Ấn Độ Dương. Chiếc tầu đầu tiên kể trên vượt bão an toàn, chiếc tàu thứ hai mất tích. Chỉ huy chiến hạm ra lệnh đưa tàu đến bờ biển Mađagaxca, nơi cả hải phòng hạm "Becxô" cũng phải cập bến. Nhưng ở đấy cũng chẳng thấy tăm hơi con tàu đó. Một tháng trôi qua trong nỗi lo cho số phận của bạn bè. Bỗng nhiên người quan sát ngồi trên cột buồm nhìn thấy ở phía tây gần bờ có một con tàu mất cột buồm. Toàn đội tàu liền lao lên cao. Đúng, người quan sát đã không nhầm. Tất cả bọn họ đều nom thấy con tàu.
Nỗi xúc động trở nên càng mạnh hơn lên khi các thuỷ thủ nhìn thấy trước mắt họ không phải là con tàu bị thương tích, mà là chiếc bè trên có người được những chiếc sà lúp đi biển kéo theo sau. Thuỷ thủ trên các con thuyền đã làm tín hiệu cấp cứu. "Ảo hình" đó kéo dài vài giờ, hơn nữa cứ mỗi phút trôi qua lại bộc lộ thêm một chi tiết mới mẻ hơn của bức tranh đang chứng kiến. Chiếc tuần dương hạm "Acsimet" đậu trong quân cảng đã ra khơi cứu nạn. Khi nó tới gần con tàu bị nạn thì trời đã về chiều. Và chỉ lúc đó ảo ảnh lạ lùng mới tan đi: "Chiếc bè có người" hoá ra chỉ là nhiều cây gỗ lớn bị cuốn ra khỏi bờ và được dòng chảy đưa lại đó.
Không nghi ngờ gì nữa, trong sự tiến triển của ảo giác hàng loạt này, ám thị và tự kỷ ám thị đã giữ vai trò to lớn. Tất cả những điều nếm trải đã kích thích mạnh thần kinh các phù thuỷ. Vì lo lắng cho số phận những đồng chí của mình, họ chỉ nói chuyện về những người đó mà thôi. Lúc ấy người quan sát đã nhìn thấy nơi chân trời một vât lạ có những đường nét không rõ rệt. Ý nghĩ về chiếc hải phòng hạm gặp nạn lập tức đã làm nảy sinh trong trí tưởng tượng của anh ta hình ảnh con tàu bị đắm. Anh ta liền thông báo về "điều đã nhìn thấy" và những lời của anh ta đã ám thị nên ảo tưởng đó ở tất cả những người khác. Sau đó, khi trao đổi cảm tưởng về hình ảnh ở chân trời, mọi người đều thống nhất: không, đó không phải là con tàu bị thương, mà chỉ là chiếc bè trên có người bị thương mà thôi. Thậm chí nhiều người còn nghe thấy những tiếng kêu cứu nữa. Ảo tưởng và ảo giác tập thể đã kéo dài cho đến khi những chiếc xuồng được phái đi đâm vào lá của những cái cây đang trôi.
Còn một câu chuyện nữa có sắc thái thần bí - đó là chuyện về người đầu bếp thọt trên tàu. Là một người khoẻ mạnh, ông ta đã chết một cách đột ngột đối với tất cả mọi người. Cái chết của người đầu bếp đã làm các thuỷ thủ xúc động mạnh. Vào ngay hôm đó người ta an táng ông ta theo phong tục của biển cả là thả xác xuống biển. Nhưng buổi tối nhiều người nom thấy người đã chết đi trên mặt nước ở đằng sau con tàu và cà nhắc một chân! Cả đêm, những người mê tín không tài nào chợp mắt được. Đến sáng, mọi chuyện đã trở nên sáng tỏ: bóng ma người đầu bếp chính là đoạn gỗ buộc ở đuôi tàu.
Ngày nay những ảo giác tập thể không phải là điều hiếm thấy trong những buổi cầu nguyện đông người. Ảo giác xuất hiện ở một người đang cầu nguyện, sau đó chuyền sang những người khác. Ở tất cả mọi người đều có một tâm trạng như nhau, sự ám thị lẫn nhau gắn liền với những cuộc nói chuyện thường xuyên về cùng một sự vật, những cái đó đã dẫn đến việc ảo giác trở thành chung cho tất cả mọi người.
Và sự kiện sau đây có thể là ví dụ đơn giản nhất về ám thị lẫn nhau: ai cũng biết là tâm trạng sẽ thay đổi ra sao khi giữa đám người đang buồn chán xuất hiện một anh chàng vui vẻ. Những người khác sẽ rất nhanh chóng lây cái vui của anh ta cho dù họ không chủ tâm nghĩ tới điều đó.
"Chiếc búa của lũ quỷ sứ"
Đó là tên gọi cuốn sách của hai tu sĩ Thiên chúa giáo. Nó xuất hiện vào thế kỷ 15. Đó là "cuốn sách đê nhục nhất trong số tất cả những cuốn sách đểu cáng đã được bọn cuồng tín viết trước kia" - M. Gorki đã nói như vậy sau khi đọc nó. Đúng là nên nói vài lời về cuốn sách này, phải không các bạn?
Trong cuốn sách đó, các đức cha chí thánh, - các quan toà giáo hội - đã chứng minh quyền của nhà thờ công giáo được theo dõi và giết tất cả những ai bị nghi ngờ liên hệ với sức mạnh "đen tối". Suốt hai trăm trang sách, hai gã tu sĩ đã rườm rà viết về quỷ sứ và 'những âm mưu" của chúng, về những mụ phù thuỷ "reo rắc" bệnh tật và mất mùa, biến người thành súc vật và tự hoá thành chó sói v. v… Những kẻ cuồng tín đó đã đề ra thật cặn kẽ trật tự các cuộc xét hỏi và các phương pháp tra tấn để đạt được ở những người bất hạnh rơi vào tay chúng lời thừa nhận về những tội phi lý nhất.
Vào thời gian ấy, ở nhiều nhà thờ có đặt thứ thùng xẻ rãnh để ai cũng có thể bỏ đơn cáo giác vào đó: trong đơn cáo giác nêu tên, họ và nơi ở của phù thuỷ, quỷ sứ, kẻ đó đã có hành động khả nghi ở đâu và trong hoàn cảnh như thế nào. Cứ hai lần trong tháng, các quan toà lại cào ra khỏi thùng hàng đống đơn cáo giác. Ngoài ra còn có những viên "hỗ quan về quỷ sứ" - chúng đi khắp mọi nơi nghe ngóng những chuyện ngôi lê đôi mách, nói chuyện với những kẻ tố cáo và chỉ điểm, thu thập các bằng chứng.
Những phiên toà xử phù thuỷ và quỷ sứ thật là trò hề ở toà án. Để cho nhanh, các bị cáo bị tra hỏi mười người liền một lúc. Họ phải thú nhận đồng thanh, những lời khai của họ được ghi vào một biên bản chung. Đồng thời, lời khai sẽ không được coi là trọn vẹn nếu bị cáo không nêu được tên những kẻ đồng loã. Những cuộc tra tấn còn kéo dài cho đến khi nào người phụ nữ ngắc ngoải vì đau đớn và kinh hoàng nêu đủ tên của 10 - 30 người. Rồi "những kẻ đồng loã" cũng bị bắt và bị tra khảo, và những người này lại khai ra những cái tên mới.
Nhiều người bị treo cổ và thiêu sống chỉ vì lời cáo giác của trẻ con. Ở nước Anh, hai đứa trẻ đã khai trước toà chống lại ba và mẹ chúng. Bà mẹ bị đưa tới giá treo cổ. Quan toà khen ngợi những đứa con gương mẫu.
Thật là đau buồn khi viết về những nạn nhân của toà án giáo hội "chí thánh". Trong lịch sử loài người, toàn bộ hoạt động của toà án đó đã trở thành một di chứng nhực nhã về sự mị dân về những tội ác của những kẻ cầm đầu tôn giáo. Nhưng, tất nhiên là nảy sinh ra câu hỏi: làm sao lại có thể xảy ra như thế được?!
Không thể trả lời một cách phiến diện. Trước hết, chúng ta cần nhớ lại xem toà án giáo hội đã hoành hành vào thời đại nào. Đó chính là những thế kỷ mà những điều mê tín phi lý nhất và sự cuồng tín tôn giáo trở thành phổ biến rộng rãi. Các dân tộc sống trong cảnh đối kém thường xuyên, chiến tranh tàn phá, bệnh dịch lan tràn, những tai hoạ đã đưa tất cả những thành phố và các vùng đất đai đến sự diệt vong … Đức tin vào "quỷ sứ", vào các thầy phù thuỷ lan tràn khắp nơi.
Ngay những kẻ phục vụ giáo hội cũng là những kẻ ngu dốt. Nhân câu chuyện của chúng ta cũng nên nhắc tới sự đánh lừa mà nhà văn, nhà chính luận người Pháp Lêô Tacxia đã dành cho các tín đồ đạo thiên chúa vào thế kỷ trước.
Tuyệt giao ngay từ khi còn trẻ với thế giới quan tôn giáo, Tacxia đã viết những tiểu phẩm sắc bén vạch trần bộ mặt của tôn giáo. Ông châm biến sâu cay thói đạo đức giả của các cố đạo, linh mục nhà chung, ông kể về những sự việc xâu xa của chúng. Các tác phẩm của Tacxia: "Kinh thánh giải trí", "ổ gian phi thần thánh" và các cuốn sách khác được hàng ngàn người đọc với sự hài lòng thực sự, các cuốn sách đó đã mở mắt cho nhiều người sùng đạo. Đó là kẻ thù nguy hiểm của nhà thờ! Nhưng bỗng nhiên tất cả đã thay đổi.
Năm 1884, giáo hoàng La Mã Lêông 8 đã gửi thông điệp cho tất cả các tín đồ Thiên chúa giáo, kêu gọi họ đấu tranh với các hội viên hội Tâm điểm (những thành viên của một tổ chức bí mật có tính chất thần bí), mà theo chính kiến của giáo hoàng, họ đã phá hoại quyền lực của nhà thờ và ngai vua. Một chiến dịch ồn ào của đủ các nhà thờ chống lại hội tam điểm bắt đầu. Tacxin quyết định lợi dụng tình hình và bất ngờ đối với tất cả mọi người, ông công khai tuyên bố đoạn tuyệt với những điều lầm lạc vô thần của mình và quay trở lại với nhà thờ thiên chúa giáo.
Khỏi phải nói ở Vaticăng người ta vui mừng trước cái tin đó như thế nào. Kẻ trọng tội đã ăn năn! "Các đức thánh cha" liền yêu cầu Tacxin hướng ngòi bút sắc bén của ông vào việc bảo vệ đức tin của chúa Giêxu Crixt. Nhà văn không từ chối. Một năm sau, ông cho in cuốn sách trong đó với vẻ nghiêm túc ông kể về những mối liên hệ giữa người và ma quỷ. Trong cuộc họp của hội viên hội Tam điểm, Tacxin cam đoan, chính quỷ sứ đã chủ toạ. Như "người chứng kiến", ông mô tả từ đầu đến cuối những cảnh kết nạp hội viên mới vào các tổ chức Tam điểm với đầy những thứ đồ quỷ quái.
Nhà thờ Thiên chúa giáo hân hoan đón chào "sự vạch trần" của nhà báo Pháp. Chính giáo hoàng đã đích thân tiếp ông ở La mã, giáo hoàng nói rằng những cuốn sách viết gần đây của nhà văn đã giữ một vị trí danh dự trong thư viện riêng của ngài. Ở những tác phẩm mới này của Tacxin, độc giả tìm thấy những chuyện hư cấu còn phi lý hơn nữa về những mối liên hệ giữa con người và quỷ. Khi người ta lưu ý tác giả rằng chẳng có ai tin các câu chuyện của ông viết thì ông trả lời: "La mã và nhà thơ thiên chúa giáo tin!"
Những "bậc tai to mặt lớn" của nhà thờ thiên chúa giáo thực tế đã tin vào những chuyện nhảm nhí do Tacxin bịa ra. Chỉ cần kể rằng ở Vaticăng người ta đã hào hứng nhận xét về những hồi ức của Điana Vôgăng, cô gái làm thư ký cho Tacxin (cố nhiên, những "bộc bạch" của cô ta cũng do chính tay ông viết mà thôi). Trong "những hồi ức đó có biết bao điều phi lý và ngớ ngẩn! " Mụ đàn bà tội lỗi ăn năn" đã thừa nhận rằng mụ là con gái và vợ quỷ sứ, rằng mụ đã cùng ma quỷ bay tới sao Hoả… Theo lời thú nhận của một trong những hồng y giáo chủ, giáo hoàng Lêông 8 đã đọc những ghi chép của cô Vôgăn kia "với một sự hài lòng rõ rệt".
Người ta đã gọi Lêô Tacxin là "cây đèn của nhà thờ". Năm 1896, đại hội thế giới chống hội Tam điểm được triệu tập ở Italia, bức chân dung của ông đã được đặt cạnh hình các thánh (!) Song sau đó một năm đã sảy ra một vụ om sòm. Nhà văn quyết định chấm dứt trò trơi giả mạo. Tại một cuộc họp đông đảo ở Pari, ông đã thông báo rằng suốt mười hai năm liền ông cố ý lừa bịp giáo hoàng và các hồng y giáo chủ. Tất nhiên, trong các câu chuyện của ông về ma quỷ đều không mảy may có chút sự thật nào. Ông đã làm điều đó để làm gì? Đó là để chứng minh với tất cả mọi người rằng các học thuyết tôn giáo và bản thân sự thần bí nhảm nhí có liên hệ mật thiết và gần gũi nhau đến mức nào. "Bây giờ tất cả các bạn đã tin rằng thế giới thiên chúa giáo với các chức sắc cao cấp nhất của nhà thờ, với đức giáo hoàng đáng tin cậy kia đứng đầu đã hoàn toàn tin vào toàn bộ những điều phi lý và lừa bịp đó" - Lêô Tacxin đã kết thúc lời thú nhận của mình như vậy.
Chuyện đó xảy ra vào thế kỷ 18. Thế còn những bậc tai to mặt lớn của giáo hội vào các thế kỷ 15 - 17 thì sao? Khi đưa hàng ngàn người vô tội tới dàn lửa và tra tấn, chúng tin rằng trên thực tế họ đang đấu tranh với những "âm mưu của quỷ sứ". Nhưng trong thực tế, cuộc đấu tranh ấy thật đê tiện, quái gở biết bao!
Sau phiên toà, các quan toà tổ chức tiệc tùng. Mỗi kẻ tham dự đều được hưởng một số tiền khoản đãi nhất định. Và điều đó là để làm sáng danh chúa!
Tất nhiên, nạn nhân của nhà thờ thường là những người mặc bệnh tâm thần: Họ nghĩ rằng quỷ đã ám vào họ, họ nom thấy quỷ vào ban đêm, họ bay trên không trung v. v… Tất cả những điều đó sinh ra bởi bộ óc ốm o bệnh hoạn…
Trong các cuốn sách cổ chỉ rõ: "Quỷ nhập vào ai thì người đó có những dấu vết đặc biệt". Đó là những chỗ trên cơ thể không cảm thấy đau. Có thể đâm và thiêu sống kẻ bị quỷ ám mà người ấy không cảm thấy gì hết. Dấu vết đó được các tín đồ thiên chúa giáo coi là bằng chứng "đáng tin cậy nhất" của viêc người ta bị quỷ ám. Bây giờ chúng ta đều biết rằng cảm giác đau đớn thực tế mất đi ở những người bệnh ixtêri.
Để kết luận, tôi xin kể về một sự kiện xảy ra vào thời đại ngày nay. Cách đây không lâu, một người Anh 31 tuổi tên là Maicơpn Sâylo đã giết vợ mình một cách dã man. Chuyện đó xảy ra sau khi người ta đã "đuổi quỷ" ra khỏi chính gã Sâylo này ở một nhà thờ tại thị trấn Banxli. Ra toà, người ta tuyến bố rằng người này bị mắc bệnh tâm thần. Những giáo sĩ "chữa trị" cho anh ta bằng phương pháp trung cổ, đã không phải chịu bất kỳ sự trừng phạt nào, mặc dù trước lúc giết người, Sâylo đã phải chịu lễ "đuổi quỷ" suốt ba tiếng rưỡi liền, và chính điều đó đã làm tâm thần anh ta bại hoại. Trả lời câu hỏi của quan toà, vì sao ngài cố đạo không khuyên bảo gia đình chữa trị cho bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng bộ phận có khuynh hướng tấn công ấy, mà lại cứ tiếp tục những cuộc hành lễ man khai với anh ta, cố đạo nói một cách tự tin: "Tôi hoàn toàn có thể phân biệt được người mắc bênh tâm thần với người bị quỷ ám chứ".
Thế đấy, trong thế giới hiện đại, thời trung cổ vẫn chung sống được với thời đại vũ trụ như vậy.
Những điều bí ẩn tồn tại là để nghiên cứu chúng mà thôi
Thế giới rộng lớn của tự nhiên quanh ta có biết bao điều bí ẩn lớn và nhỏ … Tâm lý chúng ta phần nhiều còn là xứ sở chưa được nhận thức của ý thức và của tiềm thức… Việc nghiên cứu chúng còn hứa hẹn với chúng ta biết bao nhiêu phát kiến!
Khoa học đã mở ra những chân trời bao la của tri thức chúng ta. Một trăm năm trước, bản chất giấc mơ vẫn còn là điều bí ẩn, còn thôi miên không hề được giải thích một cách có lý lẽ. Và khi ấy, những biểu hiện đó của tâm trạng chúng ta quả là những đại diện rõ ràng của sức mạnh siêu nhiên. Chỉ cần nhớ lại lịch sử chế tạo một loại máy như để ghi âm thanh lên đĩa thôi. Được Êdixơn phát minh ra, việc ghi âm đó lúc đầu được trình diễn như một điều kỳ diệu hạng nhất trong các rạp xiếc. Trên các áp phích, chiếc máy hát được định tên không gì khác hơn là "điều bí ẩn không giải thích nổi của tự nhiên".
Số phận tất cả mọi điều bí ẩn là như vậy. Nhưng sẽ có đủ "điều huyền diệu" cho thế kỷ chúng ta. Chúng cũng sẽ đủ cho những ai sẽ nhận từ tay chúng ta ngọn đuốc tiếp sức cho các thế kỷ mai sau. Bởi vì thế giới nơi ta sống, sẽ không có giới hạn nào cho việc nhận thức nó.
Mỗi người chúng ta đều đánh giá điều bí ẩn theo tầm hiểu biết của mình. Nếu đối với một người, thế giới mang tính vật chất, và chỉ có tính vật chất mà thôi, nếu người đó hoàn toàn tin tưởng vào tính chất có thể nhận thức được của thế giới này, nếu đối với người ấy đó là một thế giới trong đó tất cả mọi cái đều xảy ra theo những quy luật phát triển của vật chất, cuối cùng - và có lẽ đây là điều chủ yếu - chính nếp tư duy của người đó không dung nạp bất cứ điều gì có tính thần bí, phi khoa học, không thể chứng minh được - thì con người như thế không chút kinh hoàng và sùng bái dị đoan sẽ đón gặp bất kỳ hiện tượng cực kỳ bí ẩn và khó hiểu nào: lúc này tôi còn chưa thể giải thích được, nhưng đằng sau hiện tượng đó không thể có cái gì siêu nhiên cả.
Thế còn người mê tín. Liệu có cần nói rằng đôi khi chẳng cần gì lắm để sự tưởng tượng mê tín bùng lên rõ rệt hay không? Và khi đó không còn có thể nói gì về khát vọng giải thích một cách có lý trí hiện tượng "huyền bí" nữa.
Ý nghĩa vĩ đại của các tri thức khoa học là ở chỗ chúng ta nhìn thấy thế giới như nó đang tồn tại. Khoa học giải thích cho chúng ta tất cả các hiện tượng của tự nhiên và của xã hội và chỉ ra những nguyên nhân vật chất và tự nhiên cuả chúng. Lao động được giải phóng và khoa học ở đất nước chúng ta đều cùng tiến bước trong một đội ngũ. Chúng ta có quyền tự hào với những thành tựu khoa học bên cạnh những chiến thắng trên mặt trận lao động. Nhưng nếu tất cả chúng ta đều cảm nhận được rõ ràng ý nghĩa vĩ đại sống còn của khoa học thì lẽ nào lại có thể không thấy, không biết một điều là khoa học đang loại bỏ, xua đuổi tất cả những lầm lạc của quá khứ ra khỏi ý thức chúng ta.
Thế giới của các hiện tượng tự nhiên là vô tận. Nhưng tất cả các hiện tượng đó đều có tính chất tự nhiên trong bản chất, tất cả chúng đều được sinh ra bởi bà mẹ tự nhiên bởi vật chất vĩnh viễn vận động và phát triển.
Cái đơn giản và cái phức tạp, cái gần gũi và cái xa xôi - tất cả đều có lời giải thích khoa học của mình. Dứt khoát sẽ thất bại những ai đang bày đặt những cản trở nào đó trên con đường vĩ đại và vô cùng cần thiết cho tất cả chúng ta trong sự nghiệp nhận thức toàn bộ thế giới xung quanh.

Hết


Xem Tiếp: ----