Bản dịch của Nguyễn Chiến
Chương 5
GIẤC NGỦ VÀ MỘT NGÀN GIẤC MƠ

Thế giới, nơi mỗi cái đều có thể xảy ra
… Nhạc sĩ Italia Giudepê Tartini sống vào thế kỷ 18, là người mang dấu ấn của thời đại ông. Ông tin vào sự tồn tại của địa ngục và thiên đường. Một lần, dưới ảnh hưởng của những ý nghĩ về sự trừng phạt ở "thế giới bên kia", ông đã mơ thấy quỷ sứ đến xin ông nhận vào dàn nhạc của mình. "Nhưng tôi chỉ cần những nhạc công chơi vĩ cầm thôi" - nhạc sĩ rụt rè trả lời. "Vì sao ngài lại nghĩ rằng tôi không biết chơi vĩ cầm?" - chủ nhân ông của địa ngục trả lời. Gã vớ ngay lấy cây đàn và bắt đầu chơi. Ngay khi những hợp âm đầu tiên vang lên, Tartini đã quên phắt nỗi kinh sợ trước vị khách đêm hôm khủng khiếp ấy và ông hết sức lắng nghe.
Tiếng nhạc đã quyến rũ ông. Tỉnh dậy lúc sáng ngày, ông mau mắn ghi lại những gì đã nghe thấy vào sổ chép nhạc. Và ông đặt tên cho sáng tác đấy là "Xônat của quỷ sứ".
Đó là bản Xônat nổi tiếng nhất trong các sáng tác của nhạc sĩ Giudepê Tartini.
Trong vòng tay của thần Morphê
Có vô vàn những điều mê tín liên quan tới giấc ngủ và giấc mơ. không phải vô cớ mà thần thoại cổ Hy lạp, thậm chí còn có cả một vị thần đặc biệt là thần mộng - Morphê. Con người thiếp đi và nhập vào vương quốc của thần. Vì vậy mà tất cả đều xảy ra trong giấc ngủ!
Quả là có rất nhiều điều bí ẩn trong đất nước của những giấc mơ. Câu chuyện vừa kể hoàn toàn không phải đã là lạ lùng nhất. Chẳng hạn, bạn sẽ nói gì về giấc ngủ như thế này. Nhà bác học người Pháp A. Mori đã mơ thấy mình ở Pari trong những năm nổ ra cuộc cách mạng vĩ đại khi ông trọ tại một khách sạn tỉnh lẻ. Do nguồn gốc quý tộc, ông đã bị kết tội phản quốc và bị xử tử hình. Trong giấc mơ, ông đã nếm trải rất chi tiết những giờ phút cuối cùng trước giờ xử trảm: này đây, người ta dẫn ông qua những đường phố, dân chúng kêu gào tán thưởng bản án… rồi quảng trường nơi đoạn đầu đài đã được bố trí, bản án tử hình được tuyên đọc… Kẻ sắp sửa bị hành quyết bước lên bục và quỳ xuống. Lưỡi dao sập xuống, Mori cảm thấy rõ ràng một cách kinh khủng và ông tỉnh dậy.
Một chi tiết trang trí trên thành giường rơi xuống đã làm ông tỉnh giấc.
Điều gì xảy ra vậy? Cái mà trong hiện thực diễn ra mất vài giờ thì người ngủ mê có thể thấy trong vài chục giây.
Người ta có thể kể về giấc ngủ của một nhà soạn kịch, do quá mệt mỏi đã thiếp đi trong buổi diễn vở kịch của mình. Trong giấc mơ ông đã xem cả năm màn, xem diễn xuất của diễn viên và thấy năm tiếng vỗ tay của khán giả. Vở kịch kết thúc, và tác giả vở diễn được chúc mừng thành công, ông tỉnh giấc và thấy trên sân khấu chỉ mới bắt đầu cảnh một. Hoá ra là nhà soạn kịch mới thiếp đi có vài phút.
Có những giấc mơ mà những năm tháng dài đằng đẵng của cuộc đời đã diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi trong óc người đang ngủ. Trong giấc mơ, chúng ta tiến hành những chuyến du lịch xa xôi, chúng ta thấy lại mình trong những năm thơ ấu, những năm thời sinh viên, những năm chiến tranh… Chẳng có điều gì lạ lùng ở đây cả. Bởi những hình ảnh lướt qua trong trí não khi mơ chỉ là những hình ảnh trong ý nghĩ, mà ai đã đo được tốc độ của quá trình suy nghĩ?
Song chúng ta gặp một điều bí ẩn khác, rất hiếm có trong giấc mơ của Mori. Tự nhiên hơn cả là ra thử giả định rằng chi tiết trang trí rơi đã gây nên giấc mơ đó, thế nhưng chi tiết đó đã rơi xuống vào thời điểm Mori mơ thấy đoạn cuối cùng khi ông bị hành quyết. Và Mori đã tỉnh dậy ngay lập tức. Mà ngay trước đó ông ta đã thấy rất chi tiết tất cả những gì diễn ra trước khi án tử hình được thực hiện. Giải thích thế nào đây về giấc mơ lạ lùng như thế?
Điều bí ẩn về giấc mơ của Mori ngày nay vẫn còn là điều bí ẩn …
Môn khoa học nghiên cứu những quá trình diễn ra trong ý thức chúng ta khi ngủ còn rất non trẻ. Một trong những tác phẩm khoa học nghiêm túc đầu tiên "Thí nghiệm xây dựng lý thuyết về giấc mơ" được viết vào năm cuối thế kỷ 18. Tác giả công trình này, bác sĩ Nuđôp kể về những tác động ngoại cảnh có ảnh hưởng như thế nào đến các giấc mơ. Ông dẫn ra một ví dụ sau: Người ta nhỏ vài giọt nước vào miệng một người đang ngủ nằm ngửa há miệng; người đó liền xoay sang nằm sấp xuống và bắt đầu khua khoắng chân tay theo những động tác bơi. Anh ta mơ thấy rơi xuống nước và đang cố gắng bơi vào bờ.
Trong mọi trường hợp, các giấc mơ đều phản ánh cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng phản ánh rất sai lạc. Sự ức chế cục bộ vỏ đại não diễn ra trong lúc ngủ đã cản trở khả năng tư duy đúng đắn của chúng ta. Điều này giải thích vì sao trong giấc ngủ, chúng ta không ngạc nhiên với những giấc mơ kỳ cục nhất.
Khi một người đang ngủ, ý thức của anh ta dường như lui lại phía sau và nhường hết quyền cho tưởng tượng. Trong não người đang ngủ, bất giác phát hiện lên những bức tranh khác nhau về quá khứ và hiện tại: những ý nghĩ, những hình ảnh - tất cả những gì người đó đã thấy đã học hoặc đã nghe một khi nào đấy, những gì đã từng làm người đó xúc động. Tất cả những điều đó trộn lẫn nhau nhiều khi tạo nên các giấc mơ huyễn tưởng lạ lùng nhất.
Các giấc mơ còn có một đặc điểm rất lý thú. Nó bộc lộ dưới dạng những hình ảnh trực quan rõ rệt. Nếu trong giấc mơ chúng ta nhớ lại những người bạn cũ của mình thì họ hiên lên trước mắt chúng ta như những con người sống động. Tất cả những gì chúng ta thấy trong mơ đều có vẻ như thật sự và dàn trải trước mắt.
Khi chúng ta thức, bất kỳ sự vật gì cũng là một sự kích thích mạnh hơn là hồi ức về sự vật đó. Còn trong lúc ngủ, một hồi ức kích thích yếu cũng bắt đầu tác động như một kích thích mạnh. Khi nhớ tới một sự vật nào đó, chúng ta thấy nó như thể nó đang có ở trước mắt ta vậy.
Thường chúng ta vẫn được nghe thấy những câu:"Vì sao tôi lại mơ thấy thế nhỉ?! Chưa bao giơ tôi nghĩ, tôi đọc hay nghe thấy một cái gì đại loại - vậy mà bỗng dưng tôi lại thấy nó trong mơ!"
Nếu như một người nhiễm thói mê tín thì nhiều khi sau giấc mơ người đó lại nghĩ ngợi rằng giấc mơ đâu phải là ngẫu nhiên. Và nó đã tiên đoán một điều gì đấy.
Tuy nhiên, nếu suy nghĩ nghiêm túc và lành mạnh thì dễ dàng hiểu rằng trong mỗi giấc mơ, cho dù nó là lạ lùng, bí ẩn đến thế nào đi nữa, cũng đều chỉ có những gì đã được trí não tiếp thu một cách có ý thức, hoặc vô thức trong trạng thái tỉnh táo không ngủ mà thôi. Không phải bao giờ chúng ta cũng nhớ ra những gì đã xảy ra trong thời thơ ấu xa xôi. Song những sự kiện hay kiến thức từng bị lãng quên lại thường xuất hiện một cách hoàn toàn bất ngờ trong giấc mơ..
"Sự kết hợp lạ thường của những ấn tượng thường tình quen thuộc - đã có lần nhà sinh lý học Nga vĩ đại I. M. Setsenôp định nghĩa như vậy về những giấc mơ của chúng ta. Hình tượng này phản ánh rõ ràng đặc điểm quan trọng của giấc mơ: không thể thấy được trong mơ những gì chưa từng được não tiếp thu. Chỉ những gì một khi nào đó đã để lại dấu vết, cho dù là thoảng qua, trong tế bào thần kinh não mới có thể phục hồi, hiện ra trong ý thức dưới dạng hình ảnh rõ ràng trong mơ. Nói cách khác, trong lúc ngủ, ý thức có thể moi ra từ kho tàng trí nhớ những gì đã từng được đưa vào đó một khi nào đấy.
Không thể nào lấy được từ kho đó những gì không có ở đó. Chẳng hạn, người ta biết rõ rằng những người mù bẩm sinh sẽ không thể nào mơ thấy được những hình ảnh thị giác.
Những phân tử của giấc ngủ và của sự thức giấc
Để hiêu sâu sắc hơn về giấc ngủ và những giấc mơ, tất nhiên là ta cần phải thâm nhập vào chính cơ chế của giấc ngủ. Điều đó diễn ra trong cơ thể khi chúng ta đang ngủ?
Chỉ cách đây không lâu, khoa học mới có thể trả lời được câu hỏi giấc ngủ là gì: đó là sự nghỉ ngơi của các tế bào thần kinh vỏ não. Nói chính xác hơn, đó là quá trình ức chế tự vệ, quá trình này bao trùm các tế bào - các nơron của võ não và lan truyền dẫn tới những vùng sâu hơn của não. Khi đó, các nơron chấm dứt việc đáp lại những tín hiệu kích thích và chúng ở trong trạng thái ức chế. Như vậy, các tế bào của vỏ não chịu trách nhiệm đảm bảo giấc ngủ. Những công trình nghiên cứu mới đây của các nhà bác học đã phát hiện ra một bức tranh còn phức tạp hơn nhiều.
Gần bốn mươi năm trước, nhà bác học Xô viết P.K.Anôkin phát biểu một ý tưởng: cùng với các tế bào của vỏ não, các bộ phận của não bộ dưới vỏ não cũng tham gia vào cơ chế của giấc ngủ. Các công trình nghiên cứu đã cho thấy đúng là như vậy. Tiến hành thí nghiệm trên các động vật bậc cao, các nhà khoa học dùng dòng điện kích thích những vùng sâu của não. Và họ thấy động vật chìm vào trong giấc ngủ. Giấc ngủ say đến cả vào lúc thân não (như ta biết, trong não bộ có các bán cầu đại não, tiểu não và thân não gồm thoi não, trung gian và gian não) bị tách ra khỏi các bán cầu đại não.
Người ta đã biết rõ rằng chính tại đây, ở thân não có một cơ chế nào đó tạo nên giấc ngủ. Nhưng đấy là cơ chế nào? Câu trả lời đã được tìm ra khi người ta bắt đầu nghiên cứu hoạt động của cấu tạo lưới của thân não - tức là thể lưới (chúng tôi đã nói về chất này ở các phần trên). Thì ra thể lưới tiếp nhận tất cả các tác nhân kích thích từ môi trường bên trong và bên ngoài, và sau khi tiến hành xử lý, nó gửi các tác nhân kích thích ấy tới các tế bào ở vỏ các bán cầu đại não và giúp chúng chuẩn bị tiếp nhận thông tin.
Chính thể lưới đem năng lượng đến cho các nơron của vỏ não, điều đó làm cho cơ thể được tỉnh táo. Giống như nhà máy điện, thể lưới bảo đảm cung cấp năng lượng cho "thành phố nơron" - tức là não, và khi cắt "cầu dao", thành phố thiếp đi.
Người ta cũng đã tìm được ra những nguồn nuôi của thể lưới. Đó chính là các cơ quan cảm giác và một số chất: khí cacbonic, các hocmôn, máu thừa chất dinh dưỡng. Các nhà khoa học còn phát hiện ra những chất kìm hãm hoạt động của các tế bào thể lưới, nghĩa là có tác dụng gây ngủ. Nhiều loại thuốc mê cũng thuộc về các dạng chất này.
Những phát minh mới đã mâu thuẫn với một số sự kiện được xác lập trước đây. Nói riêng, các thí nghiệm của nhà bác học Thuỵ sĩ Ghex đã cho thấy "trung tâm của giấc ngủ" không phải là thể lưới, mà là dưới đồi thị. Cần phải xác định xem ai đúng. Những công trình nghiên cứu tiếp theo đã dẫn các nhà khoa học đến kết luận: Mối liên hệ giữa các tế bào vỏ não và các tế bào thể lưới phức tạp hơn nhiều. Vùng dưới vỏ cung cấp năng lượng cho vỏ não, nhưng việc cung cấp đó chịu sự kiểm soát của các nơron vỏ não. Các nơron này tự điều chỉnh, khi nào chúng cần năng lượng và cần bao nhiêu, chúng quyết định cho thể lưới làm việc hết công suất hoặc tạm thời ngắt mạch nó.
Các nơron vỏ não còn tác động đến hoạt động của vùng dưới đồi thị. Khi con người còn thức thì có nghĩa là các nơron đó ức chế hoạt động của "các trung tâm giấc ngủ". Nhưng khi các tế bào vỏ não bắt đầu mệt mỏi thì chúng cần được nghỉ ngơi. Tác động của chúng lên vùng dưới đồi thị giảm đi, và các tế bào ở vùng dưới đồi thị lập tức chớp lấy cơ hội đó - chúng đóng "cầu dao" thể lưới. Thành phố nơron chìm vào trong bóng tối, con người bắt đầu ngủ thiếp đi.
Đó là lý thuyết của giấc ngủ nhờ vỏ não và dưới vỏ do P. K. Anôkhin đề ra. Nói vắn tắt, giấc ngủ là kết quả của mối liên hệ từ hai phía của vỏ não và cơ chế dưới vỏ não của não bộ.
Các nhà khoa học còn đi theo một hướng khác để chọn lựa ra những "chìa khoá" dẫn đến cơ chế phức tạp của giấc ngủ. Vào đầu thế kỷ này, hai nhà nghiên cứu người Pháp đã làm thí nghiệm như sau: họ không cho các con chó được ngủ suốt hơn một tuần, sau đó rút ra từ não chúng chất chiết xuất, và đưa vào não những con chó khác. Những con chó này phút trước phút sau đã ngủ thiếp đi ngay trước mắt họ.
Tiếp đó, các nhà khoa học đã lấy chất chiết xuất từ não của những con vật đang ngủ đông. Những con mèo và chó nhận được một "liều" chiết suất ấy đã rơi vào trạng thái ngủ suốt một thời gian dài. Giả thiết về bản chất hoá học giấc ngủ đã tự nó nảy sinh như thế. Có lẽ, toàn bộ vấn đề là ở chỗ khi con người (hay động vật) thức, trong máu và trong não họ tích tụ những chất độc đáo nào đó gây ra sự mệt mỏi. Trong lúc ngủ, cơ thể mới được giải thoát khỏi những chất độc ấy.
Trong những năm gần đây, ở viện tâm lý học Baden (Thuỵ sĩ) đã thực hiện những công trình nghiên cứu rất lý thú. M. Môniê và các cộng sự của ông đã đặt một câu hỏi: "Liệu giấc ngủ có thể được truyền từ con vật này sang con vật khác hay không?" Để tìm ra câu trả lời, họ đã làm phẫu thuật ghép hai con thỏ lại với nhau như thể hợp thành một cơ thể vậy - cũng có đường tuần hoàn máu chung như ở hai anh em sinh đôi nổi tiếng ở Thái lan vậy. Sau đó ở vỏ não từng con thỏ người ta cắm những điện cực nối với máy ghi điện não đồ (máy ghi điện thế sinh học của não bộ).
Các nhà nghiên cứu đã biết rằng, giấc ngủ hay sự thức giấc có thể được gây ra bằng những con đường nhân tạo khi đưa các xung điện vào thể lưới và vào một vùng khác dưới vỏ não là vùng đồi thị. Khi thức, điện não đồ ghi nhận sự xuất hiện của cái gọi là nhịp denta. Khi con vật không ngủ, các nhịp của não nhanh, máy ghi vạch ra một đường thẳng với nét gợn mảnh rất nhỏ. Nhưng chỉ cần vùng đồi thị vừa được tiếp điện, lập tức xuất hiện các sóng nhịp denta chậm rãi và lượn sóng. Điều đó có nghĩa là con vật đã ngủ.
Tất cả những cái đó là để chuẩn bị cho thí nghiệm chính: liệu con thỏ thứ hai có ngủ theo "người anh em sinh đôi" của mình hay không khi tín hiệu ngủ không được gửi tới não của con vật này.
Sau lần tiếp điện thứ ba, con thỏ thứ nhất ngủ thiếp đi. Một thời gian ngắn trôi qua, và những nhịp não ở con thỏ thứ hai bắt đầu chậm dần, nhịp denta xuất hiện. Giấc ngủ được truyền từ con vật này sang con vật khác!
Sau đó thí nghiệm được tiếp tục như trong bộ phim chiếu ngược từ cuối lên đầu. Lần này, thể lưới của con thỏ thứ nhất nhận được xung điện; nói cách khác, lệnh đánh thức được truyền đi. Các sóng denta của não lại duỗi ra thành đường thẳng hơi gợn đặc trưng cho trạng thái tỉnh. Con vật tỉnh dậy, và con thỏ thứ hai cũng theo gương con thứ nhất.
Vậy là bằng chứng hùng hồn về bản chất hoá học của giấc ngủ đã được xác lập: Vùng đồi thị và thể lưới của não có khả năng tiết vào máu những hoá chất khác nhau: một chất gây ngủ, chất kia làm tỉnh giấc. Khi theo đường tuần hoàn máu đi vào não của con vật được kiểm tra, các chất này gây ra giấc ngủ hoặc làm con vật thức dậy.
Tiến sĩ Môniê đã thử tách riêng ra "những phân tử gây ngủ và thức giấc" bí ẩn ấy. Ông lấy máu từ tĩnh mạch của các con thỏ thí nghiệm vào đúng lúc cả hai vùng não đã nhận được xung điện và phải gửi đi những mênh lệnh dưới dạng hoá học của mình: "Hãy ngủ đi", "hãy tỉnh dậy". Máu được truyền qua thận lọc nhân tạo, sau đó các "tính chất" gây ngủ và thức được điều chế. Cất này được đưa vào các máu các con thỏ khác đang ngủ hoặc đang thức. Kết quả thật đáng sửng sốt các con vật đang thức liền ngủ thiếp đi, các con vật đang ngủ thì tỉnh dậy. Nhiều năm tháng trôi qua, cuối cùng Môniê đã thành công trong việc tách ra các "phân tử gây ngủ tinh khiết". Đó là một dạng prôtit bao gồm 9 axit amin với phân tử lượng là 860. chất này được đặt tên là hypnotoxin (độc tố gây ngủ).
… Không cần phải cố gắng lắm mới hình dung được cái ngày tìm ra các chất gây ngủ và thức bằng con đường nhân tạo ở trong phòng thí nghiệm sẽ trở thành một ngày hội như thế nào đối với khoa học. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không vội vã. Có thể hypnotoxin chưa phải là nguyên nhân duy nhất gây ngủ.
Biết bao điều bí ẩn còn chưa được giải thích trong các quá trình của giấc ngủ và giấc mơ! Ngay cả hiện tượng "đơn giản" mà ai cũng biết là ngáp để làm gì? Hiện nay còn chưa có câu trả lời. Người ta ngáp khi buồn ngủ, nhưng người ta cũng ngáp vì buồn chán hay vì hồi hộp. Vì sao vậy? Và còn một người bên cạnh ngáp, và hãy nhìn xem, những người khác cũng ngáp theo. Tại sao?
Giấc ngủ - đó là nghỉ ngơi, nhưng…
Khi nghiên cứu bản chất và các cơ chế của giấc ngủ, những biến thể của nó, các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều điều bất ngờ vào những năm gần đây.
Giấc ngủ cần thiết cho chúng ta như thức ăn vậy. Đó là một tiêu đề. Những người khoẻ mạnh nhất không thể sống mà không ngủ quá vài ngày. Không phải vô cớ mà ở thời trung cổ, một trong những kiểu tra tấn kinh khủng nhất là hành hạ bằng cách không cho ngủ. Những nhà nghiên cứu tình nguyện đã tự thí nghiệm trên cơ thể mình xem tình trạng thức lâu dài có ảnh hưởng như thế nào đến con người. Sau ba ngày đêm, những người thí nghiệm còn có thể chống lại được sự buồn ngủ bằng cách không ngừng đi lại. Sau đó xuất hiện ảo giác, mê sảng. Chỉ có giấc ngủ mới bù đắp được những rối loạn - sau khi ngủ liền 9 đến 12 giờ, người ta mới trở lại trạng thái bình thường.
Quan niệm cho rằng, đối với chúng ta, giấc ngủ làm nhiệm vụ phục hồi sức lực, để các tế bào thần kinh của cơ thể có thể nghỉ ngơi, đã được coi là hiển nhiên và không còn gì để bàn cãi nữa.
Nhưng điều đó chưa phải là toàn bộ sự thật.
Tất nhiên, giấc ngủ đem lại cho chúng ta sự nghỉ ngơi. Song giấc ngủ hoàn toàn không phải là sự ức chế lan toả của não như trước kia người ta vẫn nghĩ. Phép ghi điện thế sinh học của não cho thấy trong lúc ngủ, một nửa số nơron của não không chỉ không bị ức chế, mà còn ở trong trạng thái hoạt động tích cực. Một số vùng ở não đang chuẩn bị cho sự chuyển tiếp sang giấc ngủ làm việc còn mạnh hơn nữa.
Có thể nói như thế này: giấc ngủ là hoạt động tích cực của cơ thể, chỉ có điều hoạt động đó khác hơn so với khi thức. Hoạt động sống của cơ thể vẫn tiếp tục cả trong thời gian ngủ. Các cơ quan bên trong cơ thể tiếp tục hoạt động tích cực. Trong đó có một số quá trình thậm chí còn được đẩy mạnh hơn, chẳng hạn như sự tiêu hoá. Đồng thời còn diễn ra các quá trình thúc đẩy sự phục hồi những sức lực đã được chi phí trong ngày.
Giấc ngủ - đó tựa hồ một cuộc sống khác của cơ thể. Người ta xác định được rằng số lượng các nơron hoạt động tích cực trong giấc ngủ không ít hơn, thậm chí trong một số giai đoạn của giấc ngủ lại còn nhiều hơn cả khi thức. Vào ban đêm, các nơron đó điều chỉnh lại hoạt động, tương tác với nhau theo những quan hệ mới.
Ai mà không biết câu ngạn ngữ cổ xưa này: "Buổi sáng minh mẫn hơn buổi chiều". Hoá ra là câu nói ấy chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều so với những gì mà người ta biết trước đây. Các nhà bác học đã phát hiện được rằng vào lúc ngủ, não của chúng ta dường như xử lý thông tin tới sau một ngày. Trong đó, một phần nào đó của thông tin quan trọng hơn được chuyển từ dạng thông tin chớp nhoáng thành trí nhớ lâu dài. Điều này đã giải thích cho một sự kiện ai cũng biết là một văn liệu, chẳng hạn một bài thơ được học thuộc lúc ban chiều sẽ được củng cố vững chắc sau một đêm và đến sáng, người đó sẽ nhắc lại được bài thơ đó theo cách thuộc lòng không khó khăn lắm.
Có lẽ, việc củng cố trong trí nhớ những sự kiện đã qua trong ngày vào lúc ngủ được tăng cường là do vào ban đêm, dòng thông tin từ môi trường bên ngoài đi vào não chúng ta đã giảm xuống đột ngột…
Cách đây không lâu, không chút băn khoăn gì, chúng ta đã chia cuộc sống của mình ra hai giai đoạn khác nhau về căn bản: thức và ngủ. Nhưng hoá ra là mỗi người trong chúng ta có hai giấc ngủ: giấc ngủ chậm và giấc ngủ nhanh, hay là giấc ngủ nghịch thường. Ở người lớn, gần một phần tư toàn bộ thời gian ngủ là thuộc về giấc ngủ nhanh, còn lại thuộc về giấc ngủ chậm.
Nếu như bạn hỏi người thân rằng họ mơ thấy gì thì sẽ có người trả lời: "Chẳng bao giờ tôi mơ cả". Đó là một sự lầm lẫn. Những nhà nghiên cứu đã tiến hành những thí nghiệm: khi giấc ngủ nhanh vừa xuất hiện ở một người, người ta liền đánh thức người đó dậy và hỏi xem đã mơ thấy gì. Người bị đánh thức nhớ lại ngay giấc mơ và kể về nó.
Trên thực tế, khi quan sát một người đang ở giai đoạn của giấc ngủ nghịch thường, có thể kết luận rằng người ấy đang trải qua một cái gì đó: nhịp thở của người đó nhanh hơn, nhịp tim thay đổi, tay và chân động đậy, người ta còn thấy những cử động nhanh của mắt và của các cơ trên mặt. Các nhà khoa học đã giả định rằng, chính vào những lúc như thế, người ngủ đang mơ. Sự thật đúng là như thế. Nhưng nếu đánh thức một người vào lúc giấc ngủ chậm thì người đó sẽ trả lời rằng không mơ thấy gì hết. Nguyên nhân là do người ấy đã quên hết giấc mơ ấy.
Các nhà nghiên cứu đã cho thấy trong vòng sáu hay bảy giờ ngủ, giấc ngủ chậm kéo dài độ một đến một tiếng rưỡi vài lần bị thay thế bằng giấc ngủ nhanh - chừng 10-20 phút. Như vậy, trong một đêm chúng ta có chứng kiến bốn hay năm giấc ngủ nhanh mười lăm - hai mươi phút, những lúc đó não cho phép mình được "dạo chơi" trong vương quốc của giấc mơ ".
Sau khi đã phát hiện ra hai giai đoạn bắt buộc của giấc ngủ, các nhà bác học lại đặt ta một câu hỏi khác: điều gì sẽ xảy ra nếu làm cho người ta mất những giấc mơ? Những giấc mơ đó cần cho người để làm gì?
Hàng trăm người tình nguyện đã được thí nghiệm. Họ chỉ được phép ngủ trong thời gian của giấc ngủ chậm, và khi giấc ngủ nghịch thường vừa mới xuất hiện họ liền bị đánh thức. Nói cách khác, người ta được phép ngủ nhưng không được phép nằm mơ. Song song với những người này, có những người khác cũng bị đánh thức thường xuyên như thế, nhưng lại là vào những giai đoạn ngủ không mơ.
Người ta quan sát thấy gì ở những người không được phép mơ? Trước hết, tần số xuất hiện các giấc mơ tăng lên - giấc ngủ nhanh đến sau những khoảng thời gian ngắn hơn. Sau thời gian nào đó, ở những người không được phép mơ đã xuất hiện chứng loạn thần kinh chức năng - họ có cảm giác sợ hãi, lo âu, căng thẳng, Còn sau khi họ lại được phép ngủ trong giấc ngủ nhanh, giấc ngủ kéo dài hơn thường lệ, dường như cơ thể muốn bù lại cái đã bị tước mất.
Kết luận đã rõ: những giấc mơ của chúng ta là hoạt động cần thiết của não như mọi hoạt động trí tuệ bình thường vậy!
Và còn một kết luận khác nữa: có thể chia cuộc sống của chúng ta làm ba giai đoạn: ngủ không mơ, ngủ có mơ, và thức. Ngủ có mơ - đó là một trạng thái hoàn toàn đặc biệt của cơ thể trong đó não làm việc mạnh như khi thức, chỉ có điều là công việc đó của não được tổ chức khác hơn.
Cũng có thể giả thiết rằng những giấc mơ của chúng ta mang một chức năng bảo vệ độc đáo trong cơ thể. Như đã nói, khi người ngủ, có những tín hiệu kích thích đến với anh ta từ môi trường bên ngoài (ánh sáng vừa được bật lên, cảm giác lạnh v. v…) cũng như từ những cơ quan khác của cơ thể. Tất cả những tác nhân kích thích ấy đều được đưa vào cốt chuyện của các giấc mơ và vì thế chúng không xâm phạm gì đến giấc ngủ, con người cứ tiếp tục ngủ say. Ngoài ra, trong những thời điểm đó não nắm bắt tốt hơn những tín hiệu yếu báo về những lệch lạc trong cơ thể và những tín hiệu ấy có thể được phản ánh trong các giấc mơ.
Còn mọi sự kiện rất lý thú khác. Khi nghiên cứu tác động của công việc thể lực nặng nhọc đến giấc ngủ của con người (thí nghiệm được tiến hành với các vận động viên), các nhà nghiên cứu Grudia đã xác định được là, ở những vận động viên đấu vật chẳng hạn, thời gian giấc ngủ chậm (ngủ sâu) tăng lên rõ rệt so với thời gian giấc ngủ nghịch thường. Từ đó có thể kết luận rằng khi ngủ say, trong cơ thể các quá trình có tác dụng phục hồi những sức mạnh thể lực (tổng hợp prôtit) được gia tăng, đồng thời cũng như trong giấc ngủ nhanh, khi con người chu du trong thế giới mơ mộng, nơi tất cả mọi điều đều có thể xảy ra, dường như diễn ra sự làm dịu về tình cảm. Người ta nhận thấy là bán cầu não bên phải của chúng ta gắn bó phần lớn với các giấc mơ.
Cần phải nói rằng các công trình nghiên cứu vào những năm gần đây đã cho ta thấy là các giấc mơ tới thăm chúng ta vào thời gian giấc ngủ chậm. Song những hình ảnh của các giấc mơ đó không rõ rệt và không kỳ lạ cho lắm. Dường như đó là những suy tư trong giấc ngủ. Không phải vô cớ mà trong những giai đoạn như thế những người ngủ mê thường hay nói mê hơn là trong giấc ngủ nhanh.
Rất lâu và rất chóng
Đúng, giấc ngủ là như vậy, cũng có thể rất lâu, cũng có thể rất chóng.
… Neđêgiơđa Lêbêđin 35 tuổi khi chị bất ngờ ngủ thiếp đi trong lúc làm việc. Chuyện đó xảy ra năm 1853 ở thành phố Đnaprôpêtrôpxkơ. Và chị chỉ thức dậy sau hai mươi năm ròng. Chị kể lại: Vào năm ấy, lúc nào tôi cũng thấy buồn ngủ. Cả lúc làm việc, cả ở nhà, cả khi đi xem phim, bất cứ lúc nào tôi cũng thèm ngủ. Khi về đến nhà, có khi tôi không thể lê đến được giường nữa: tôi ngồi ngay trên sàn nhà, đầu gục xuống giường và thiếp đi. Có lần tôi ngâm quần áo để giặt. Ngay lúc đó, chồng tôi đi đến và tôi nói với anh ấy: Em chết đây! Và tôi không nhớ gì hơn nữa…
Người phụ nữ này ngủ suốt năm năm ở bệnh viện. Sau đó bà mẹ mang chị về nhà. Cô con gái nghe và hiểu được những gì người thân của chị nói, nhưng trả lời thì không. Chị chỉ thực hiện được những cử động nhẹ bằng tay chân. Mùa hè năm 1973, mẹ chị qua đời. Khi đó người ta bế chị tới quan tài và bảo: Nađia ơi, cháu hãy từ biệt mẹ đi! Vừa nhìn thấy người mẹ nay không còn nữa, chị bật lên khóc. Cơn chấn động tình cảm mạnh đã trả lại cuộc sống cho chị…
Giấc ngủ bệnh lý không bình thường này được gọi là chứng ngủ lịm, mặc dù các bác sĩ thường không sử dụng thuật ngữ này bởi vì nguyên nhân của giấc ngủ lâu như vậy thường là khác nhau. Người ta có thể thiếp đi vì bị chấn thương tâm lý nặng. Trong trường hợp đó, các bác sĩ coi giấc ngủ lịm như một dạng đặc biệt của sự tự bảo vệ. Cơ thể lịm đi để không chết hoàn toàn, để trải qua được giai đoạn nguy hiểm nhất đầu tiên.
Một nguyên nhân khác của chứng ngủ lịm là những bệnh hữu cơ của não. Dạng đặc biệt của giấc ngủ được quan sát thấy được gọi là chứng ngủ triền miên, một loại bệnh tâm thần thường gặp ở những người mắc bệnh tâm thần phân lập. Còn giấc ngủ dài hai mươi năm của Neđêgiơđa Lêbêđin thì thế nào? Nó là hậu quả của một loại bệnh nặng làm chấn thương não của chị - bệnh viêm não dưới vỏ.
Trong mọi trường hợp, chứng ngủ lịm chỉ xảy ra với điều kiện là ở người đó, các tế bào thần kinh của não bộ bị suy yếu.
Trong giấc ngủ lịm rất sâu, toàn bộ tâm trạng của con người được duy trì trong trạng thái giống như trước khi bị bệnh. Người ta biết một trường hợp rất thú vị là một cô bé ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy lúc mười tám tuổi đã hỏi về … con búp bê yêu quý của mình.
Chị Lingarđơ người Nauy ngủ thiếp đi vào năm 1919. Tất cả những cố gắng nhằm đánh thức chị dậy đều vô hiệu. Chị chỉ tỉnh dậy vào năm 1941. Khi người phụ nữ này mở mắt ra, ngồi bên giường chị là cô con gái đã lớn và ông chồng già nua, còn chị nom vẫn như 22 năm trước đó. Chị có cảm giác như mình vừa mới ngủ qua có một đêm thôi. Chị bắt đầu nói về những công việc ngày hôm qua, về việc phải cho đứa con gái nhỏ ăn. Nhưng một năm sau, chị già đi trông thấy như đã sống qua cả hai chục năm ngủ lịm đó.
Trước kia, giấc ngủ lịm đã gây ra ở những người được chứng kiến nỗi hoạng sợ đầy mê tín, nó đã trở thành một nguồn dinh dưỡng cho những điều huyễn hoặc. Khắp nơi đều lan truyền những câu chuyện khủng khiếp về những người bị chôn sống. Sau đây là một trong những câu chuyện như thế. Một sĩ quan pháo binh bị ngựa hất ngã, khi rơi xuống đất, đầu anh ta bị thương nặng. Người ta đã tiếp máu, thực hiện mọi biện pháp để làm cho anh ta tỉnh lại. Nhưng mọi cố gắng của bác sĩ đều vô hiệu, và người đó bị coi như đã chết rồi. Lúc đó trời rất nóng, vì vậy mà việc chôn cất được tiến hành vội vã.
Đã hai ngày trôi qua. Chủ nhật, thân nhân của những người chết đến nghĩa địa viếng mộ. Bỗng nhiên người nông dân kêu toáng lên rằng ở chỗ ông ta vừa ngồi, đất "động đậy". Đó là chỗ có ngôi mộ người sĩ quan nọ. Sau khi hội ý, những người nông dân liền lấy xẻng đào ngôi mộ nông choèn được lấp qua loa đó. "Người chết" đã không nằm, mà nhổm người trong quan tài, nắp quan tài bị bật ra và được nâng lên một chút.
Sau khi được đưa vào bệnh viện, anh ta kể là đã nghe thấy cả tiếng bước chân của người đi lại trên đầu. Những người quản trang đã lấp quan tài anh ta qua quýt, và không khí đã lọt qua những tảng đất tơi vụn đó…
Thật dễ dàng hình dung ra những trường hợp tượng tự trong quá khứ là môi trường thuận lợi đến thế nào cho sự nảy nở những kiến giải thần bí. Cần phải nghĩ rằng kể cả câu chuyện kể trong kinh thánh về "sự phục sinh của những người chết" là được rút ra từ các câu chuyện dân giân về những người chết giả.
Sự trỗi dậy bất ngờ của những người chết được mọi người khóc than đã làm sửng sốt cả những người có suy nghĩ lành mạnh nhất, những người không nhiễm chút mê tín nào. Vậy thì những người có xu hướng tin vào điều huyền diệu thì còn cảm thấy thế nào?
Ngày nay, tất cả những sự việc như thế đã lui vào dĩ vãng. Cho dù giấc ngủ lịm có sâu đến thế nào đi nữa thì bao giờ bác sĩ cũng có thể xác định được chính xác rằng người đó không chết mà đang lâm vào một giấc ngủ lịm. Bởi những quá trình tối cần thiết cho sự sống vẫn không chấm dứt. Trái tim tiếp tục làm việc, nhưng ở một mức độ khó nắm bắt được: thay vì 70 - 80 lần đập trong một phút là 2 - 3 lần đập rất yếu. Với nhịp thở cũng thế - nhịp thở yếu đến mức ngay khi đặt chiếc gương trước mặt thới có thể làm được điều đó".
Dường như các nhà khoa học có tất cả mọi khả năng để nghiên cứu những con người như thế (nếu không tính đến những người điên). Đấy ngay bên cạnh bạn là một con người sống - một điều bí ẩn, bạn hãy nghiên cứu anh ta - hãy kiểm tra, căn vặn, thí nghiệm kết luận… Thân ôi, mặc dầu con người này sẵn sàng đồng ý cho nghiên cứu, đồng ý nói ra những điều nhất định nào đó về mình, song anh ta không thể giúp phát giác các cơ chế sản sinh ra tài nghệ hiếm hoi đó của anh ta. Không thể bởi vì chính anh ta cũng không biết điều đó được tạo ra như thế nào!
Một số thần đồng tính nhanh nói rằng lời giải bài toán hiện trong đầu họ như câu trả lời có sẵn vậy. Những người khác khẳng định dường như họ "nhìn thấy" trước mắt mình toàn bộ quá trình giải bài toán, vả lại, tất cả diễn ra rất nhanh, một phép tính này thay thế chớp nhoáng phép tính kia, rồi phép tính thứ ba, thứ tư, và qua một khoảng khắc ngắn ngủi, trước mắt anh ra nảy ra kết quả cuối cùng là lời giải.
Những người đó không thể nói được một điều gì khác hơn.
Rõ ràng, ở đây ta chạm chán với những quá trình diễn ra chủ yếu trong phạm vi của vô thức - ở những vùng trong não mà hoạt động của chúng không được ý thức chúng ta một cách trực tiếp.
Và ở đây chẳng có gì là "trò bịp bợm láu cá" cả. Vốn dĩ chúng ta còn hiểu biết rất kém không chỉ bản chất của trí nhớ, mà cả "kho chứa" nó trong não. Người ta biết rằng, chỉ có một phần hoàn toàn không đáng kể những thông tin từ bên ngoài đi vào não chúng ta là có thể đạt tới ý thức. Song tất cả phần còn lại không biến đi mà được lưu trữ đâu đó trong tiềm thức và ở những điều kiện nhất định, chúng có thể xuất hiện trong ý thức dưới dạng hồi ức, dưới dạng những hình ảnh thoáng qua lờ mờ hay rõ nét.
Hai tầng của ý thức
Con người có thể ý nghĩ về điều gì đó mà không biết rằng mình đang nghĩ về chính điều đó được chăng? Có thể.
Lần đầu tiên, những sự kiện như thế đã thu được trong các cuộc thí nghiệm thôi miên. Người bị thôi miên nhận được lệnh ngủ và quên đi tất cả những gì bác sĩ thôi miên nói, nhưng cũng lúc đó phải thực hiện một mệnh lệnh; bốn ngày sau vào giờ đã định phải gọi điện cho bác sĩ và hỏi thăm sức khỏe của ông ta. "Điện thoại của tôi số thế này, - bác sĩ nó, - nhưng rồi anh cũng hãy quên nó đi".
Tất cả đều diễn ra trót lọt. Suốt bốn ngày, người đó không nghĩ ngợi gì đến chuyện thôi miên, nhưng chừng độ một giờ trước thời hạn đã định, anh ta bắt đầu thấy hồi hộp lo lắng cho bác sĩ: "Không biết ông ấy ở đấy thế nào, có đau ốm gì không?" Anh ta muốn gọi điện thoại ngay cho bác sĩ, nhưng lập tức nghĩ ra là không biết số điện thoại.
Rồi nỗi lo lắng cứ tăng lên. Không thể tiếp tục ngồi làm việc được nữa, anh ta đi đến bên điện thoại và quay hú họa số điện thoại một cách máy móc. Bác sĩ thôi miên đã trả lời.
Ở nơi bí mật nào trong não, trí nhớ lưu giữ số điện thoại nói ra trong lúc thôi miên vậy?
Thí nghiệm này được lặp lại nhiều lần với những người khác nhau, và kết quả luôn luôn chỉ là: tiềm thức của con người dường như đã đọc rành rọt vào thời điểm cần thiết số điện thoại được thông báo trong lúc thôi miên, nhưng sau đó đã bị quên đi.
Bị quên đi do ý thức chứ không phải là do tiềm thức. Người ta còn biết một hiện tượng khác có liên quan đến khu vực tiềm thức. Trong rạp phim có chiếu một bộ phim, nhưng ở một số cảnh phim riêng biệt lại có đề những dòng chữ chẳng liên quan gì đến nội dung phim cả, chẳng hạn quảng cáo một loại hàng hóa mới. Những dòng chữ xuất hiện và biến đi trên màn ảnh nhanh đến mức người xem không tiếp thu được chúng. Nói cách khác dòng chữ ấy không đến được ý thức con người và không được lĩnh hội (như ta biết, để một cảnh phim nào đó có phụ đề được ghi vào ý thức, cần phải nhìn thấy cảnh đó không dưới 0,1 giây). Sau khi buổi chiếu kết thúc, nhiều người trong số các khán giả vừa xem phim đã đi đến cửa hàng nơi có thể mua được loại hàng mới theo lời quảng cáo. Họ đi mặc dù không nhận thức rõ đi để làm gì.
Ở đây có một lời giải thích: lời quảng cáo được não tiếp nhận ở cấp độ vô thức, rồi sau đó nó được truyền đạt cho ý thức dưới dạng những tín hiệu không rõ rệt đầu tiên.
Tôi còn nhớ một câu chuyện do các nhà bác học thế kỷ trước mô tả. Có một người đến một thị trấn nhỏ nằm ven bờ sông Vonga. Ông ta nghỉ lại ở khách sạn, tảng sáng ông ta tỉnh dậy trong cảm giác lo âu khó hiểu. Hôm sau ông ta lại dậy với dự cảm nặng nề về một sự nguy hiểm nào đó. Một tuần cứ trôi qua như thế, và một lần, khi đi ngủ, ông khách trọ bỗng quyết định dịch cái giường sang góc khác của căn phòng. Vào đêm hôm ấy, trần nhà trong phòng sụp xuống, một thanh dầm nặng đã rơi trúng chỗ trước đó kê chiếc giường.
Khi người ta hỏi vì sao ông chuyển giường đi, ông đã trả lời:" Chính tôi cũng chẳng biết nữa! Dường như có ai đó thúc bách tôi vậy".
Khi ấy tất cả mọi người đều quả quyết rằng thượng đế đã cứu ông ta. Nhưng một nhà khoa học đến nghỉ ở vùng sông Vonga đã quan tâm đến "sự cứu nạn kỳ diệu" này và giải thích chuyện xảy ra theo quan điểm khoa học.
Khách sạn đã được xây từ lâu, trần nhà cần phải sửa chữa. Thanh dầm trên căn phòng nơi ông khách trọ đã thoát chết bị mục đến mức có thể sụp xuống bất cứ lúc nào. Khi có người đi ở tầng trên, dầm rung lên và kêu cót két. Ban ngày, ông khách trọ không nhận ra những âm thanh đó, chỉ có những tiếng động ồn ào ở bên ngoài mới được ý thức tiếp nhận. Song ngay cả ban ngày, đặc biệt là ban đêm, khi tất cả đã im ắng, thính giác của ông ta đã truyền vào não tiếng kêu cọt kẹt khẽ khàng của chiếc dầm. Tiếp tục làm việc cả trong giấc ngủ, não tiếp nhận những tiếng động đó trong nỗi lo âu. Trong tiềm thức của con người đã xuất hiện một ý nghĩ hoàn toàn tự nhiên rằng những tiếng cọt kẹt đó đe dọa mối nguy hiểm là trần có thể sụp xuống. Nhưng ý nghĩ đó không xuất hiện trong ý thức, và sáng sáng, ông khách nọ tỉnh dậy với cảm giác sợ sệt mơ hồ, chờ đợi một điều gì đó tồi tệ, ghê gớm. Đêm tiếp theo, tiềm thức càng lo lắng và lại nhắc nhở về mối đe dọa, rồi đó nhắc ông ta cần phải làm gì. Cuối cùng, trong ý thức đã nảy ra ý nghĩ cần phải chuyển dịch cái giường.
Như các bạn thấy, ở đây mọi sự đã diễn ra không chút thần bí nào.
Những công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây đã chứng minh một cách thuyết phục rằng vô thức tồn tại trong tất cả các phạm vi hoạt động tâm lý của con người. Không tính đến hình thức đặc biệt này trong hoạt động của tâm lý chúng ta thì không thể nào hiểu được trọn vẹn hành vi của con người ở những tình huống khác nhau trong cuộc sống.
Tiềm thức luôn luôn có tác động qua lại với ý thức, hơn nữa, mỗi tác động qua lại đó không mang tính chất phục tùng. Thật là không có cơ sở khi khẳng định sự thống trị "tiềm định", dứt khoát của vô thức đối với ý thức như những người theo thuyết thần bí đủ mọi sắc vẻ đã và đang viết; nhưng cũng không nên nghĩ rằng vai trò của vô thức trong hoạt động của não chúng ta là không đáng kể, là ngẫu nhiên (vì vậy thuật ngữ "tiềm thức" có lẽ không thể được coi là đạt; từ "vô thức" phản ánh đúng hơn về bản chất của vấn đề)(Trong tiếng Nga, "tiềm thức" là "podsoznainie", còn "vô thức" là "bessoznatelnoe" (N.D.).
Khoa học phát hiện ra những tầng mới của cái chưa nhận biết được trong hoạt động của não chúng ta như vậy đấy. Hóa ra hoạt động ấy được tập trung không chỉ ở hai "tầng ý thức", mà cả hai bán cầu não đều chia sẻ với nhau những nghĩa vụ quản lý cơ thể trong nhiều hoạt động. Ở đây nói về phát minh mới của các bác sỹ phẫu thuật thần kinh. Thực chất phát minh đó thật đơn giản và kỳ lạ: ở mỗi người chúng ta thực ra có hai não chứ không phải một.
Bạn hãy hình dung hai con người. Một người dễ bắt chuyện, lắm lời, thậm chí còn khoác lác nữa. Đồng thời anh ta tiếp thu rất tốt lời người khác, nghe được những lời nói rất khẽ khàng. Nhưng, nếu lắng nghe, bạn sẽ nhận thấy trong giọng nói của người đó có một cái gì đó khó chịu - giọng anh ta đơn điệu, tẻ nhạt. Thậm chí có vẻ gì đó gượng ép không tự nhiên. Hơn nữa, nếu hỏi người ấy rằng câu nói đó có biểu hiện gì - nghi vấn, tức giận hay vui sướng, thì anh ta sẽ nín lặng bối rối.
Người thứ hai hoàn toàn không giống người thứ nhất. Anh ta không có khoa nói. Anh ta hiểu kém lời nói của người khác. Anh ra thích diễn giải bằng những từ rời rạc, bằng điệu bộ, cử chỉ. Nói chuyện với anh ta có vẻ khó khăn vì tiếp theo yêu cầu hỏi sẽ là một lời giải đáp ngắn gọn, rồi lại im lặng, thêm nữa, giao tiếp với người đó cần phải như với người điếc vậy: nói khẽ là anh ta không nghe thấy. Thế nhưng giọng nói của anh ta dễ nghe. Ngữ điệu của anh ta rất rõ ràng.
Khác với người thứ nhất, người thứ hai này có một cặp mắt rất tinh tường. Bạn thử đề nghị anh ta tìm những điểm khác nhau ở hai bức vẽ là anh ta tìm thấy ngay lập tức. Còn người thứ nhất sẽ không nhận ra thậm chí cả những nét khác biệt lồ lộ ngay trước mắt, ngay những điều rõ rệt như ở một bức vẽ thiếu cả một ngôi nhà hay một cái cây.
Họ là những người hoàn toàn khác nhau… và đồng thời đó lại là một người mà thôi!
Người ta đã biết rằng mỗi bán cầu não điều khiển công việc của riêng mình. Mặc dù tất nhiên chúng cũng giúp nhau trong nhiều việc. Bán cầu não bên trái của chúng ta là cơ sở của tư duy logic, tư duy trừu tượng. Còn bán cầu não bên phải quản lý những hình ảnh cụ thể.
Điều đó đã được phát hiện như thế nào? Các nhà bác học đã học được cách "chẻ đôi" não, tức là "ngắt mạch" một bán cầu não và quan sát xem bán cầu não kia hoạt động ra sao. Và lúc đó người ta hiệu được rằng trong mỗi chúng ta dường như có hai con người với những giọng nói khác nhau, thính giác khác nhau và có những lý luận khác nhau.
Trong con người thứ nhất mà chúng ta đã làm quen chỉ có bán cầu não bên trái làm việc, còn ở người thứ hai - bán cầu não bên phải.
Thế đấy, "tâm linh" của chúng ta trở nên phức tạp đến hư vậy khi người ta bắt đầu nghiên cứu nó dưới ống kính hiển vi, trong các phòng thí nghiệm khoa học. Chẳng những nó đồng thời nằm ở hai tầng khác nhau mà còn có hai khuôn mặt khác nhau nữa.
Khi nghiên cứu hoạt động của các bán cầu não, các nhà khoa học đã chú ý đến cả những thay đổi trong tâm lý. Nếu bán cầu não bên trái nắm quyền điều khiển tâm lý thì tâm trạng con người tốt lên, con người trở nên niềm nở và yêu đời hơn. Khi bán cầu bên phải bắt đầu chỉ huy thì đừng hòng mong đợi một cái gì tốt đẹp. Khó mà tách được con người này khỏi những suy tư u uất. Đấy, cội nguồn các tâm trạng của chúng ta ẩn giấu ở những đâu...
Trí nhớ có dạng khác nhau ở não người được "chẻ đôi", Bán cầu bên trái lưu giữ chắc chắn khối lượng các tri thức lý thuyết học được ở trường. Nếu đề nghị con người chỉ có bán cầu trái làm việc phải ghi nhớ những hình có dạng không đều thì anh ta không thể nhớ nổi. Ngược lại, người chỉ có bán cầu bên phải hoạt động để quên đi ngay nhiều tri thức thâu lượm được trên ghế nhà trường, ghi nhớ rất kém những lời vừa nói, nhưng nhớ rất tốt những khuôn hình được xem thậm chí các hình có dạng kỳ khu nhất.
Nhiều nhà bác học nổi tiếng ngày nay cho rằng việc nghiên cứu não "chẻ đôi" là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của khoa học. Họ đã nhìn thấy rõ ở chân trời những phát minh có thể trở thành vô cùng kinh ngạc.
Chúng ta bàn về trực giác
Người ta đã bàn quá nhiều về trực giác! Người ta gọi nó là "linh cảm", "dự cảm". và "cảm giác đặc biệt"… Thậm chí những người giữ lập trường duy vật rất vững chắc cũng nhiều khi cố gắng vạch rõ tính chất lạ thường và bí ẩn của trực giác. "Trực giác", hay như đôi lúc còn được gọi là giác quan thứ sáu, - các tác giả cuốn sách "Những bí mật của tiên đoán" A. Bêliapxki và V. Lixiekin viết, - là một đặc tính kđây đang hoạt động những cơ chế và bản năng chuyển động cổ xưa mà tổ tiên chúng ta là loài vượn người đã truyền lại cho chúng ta. Chẳng hạn, những người mộng du bẻ quặp được các ngón tay và gập bàn chân vào phía trong.
Tuy nhiên, làm thế nào để giải thích được sự khéo léo lạ lùng của những người đó? Nhiều lần người ta đã chứng kiến người mộng du đi thoải mái trên mép mái của toàn nhà cao. Câu trả lời ở đây cũng không quá phức tạp. Các bạn hãy nhớ lại hình ảnh của một người bình thản đi trên tấm ván rộng và chắc chắn bắc qua dòng suối hay một lạch nước không sâu lắm. Đó là do anh ta không hề có chút ý nghĩ nào về sự nguy hiểm thậm chí nếu anh ta có trượt chân đi chăng nữa. Song bạn hãy hình dung cũng tấm ván đó, nhưng được bắc trên một độ cao kha khá qua một hẻm vực nằm giữa hai cái xà trên một công trình xây dựng toà nhà nhiều tầng. Và ở đây dứt khoát một ý nghĩ sẽ cản trở bạn: "Mình ngã mất!" Và bước đi của bạn không còn chắc chắn, tự tin nữa. Thế nhưng những ý nghĩ như thế không hề có ở người mộng du đi trên cái mép hẹp của mái nhà. Bởi ý thức của anh ta còn đang ngủ.
Chỉ có những bản năng, những mong muốn nào đó ẩn sâu trong tiềm thức là chỉ huy anh ta trong những khoảng khắc ấy.
"Đó chính là Martưn Dađêka, thưa các bạn…"
Quyển sách này đâu phải
Những hư cấu ngọt ngào của nhà thơ
Cũng chẳng phải những chân lý anh minh hay tranh nhà danh hoạ
Nhưng cũng không phải Viêcgin hay Raxin thi sĩ,
Không phải Xcôt, Bairơn, Xênêca hiền triết,
Cũng không đúng tờ tạp chí thời trang của các bà các chị
Sách này đâu có kể đến một ai:
Đó chính là Martưn Dađêka, thưa các bạn.
Người cầm chịch những bậc anh minh thông thái
Đây - người bói toán, đoán giải mọi mộng mơ.
Có lẽ, trong những dòng thơ đó của A. X. Puskin không có chút gì là phóng đại, Xưa kia, thực tế là niêm tin của con người vào sức mạnh tiên báo của các giấc mơ thật phổ biến và mạnh mẽ vô cùng. Sự lạ thường của những gì con người mơ thấy đã sinh ra một niềm tin: chính trong các giấc mơ đã mở ra một thế giới siêu nhiên mà tôn giáo đã và đang răn dạy. Thế có nghĩa là trong mơ, con người có thể được thấy tương lai của mình - tất nhiên nếu các vị thần linh muốn như vậy.
Trước kia, người ta rất hâm mộ những cuốn sách giải mộng - đó là loại sách trong đó giải thích hầu như bất kỳ giấc mộng như thế nào. Trong những điều kiện diễn giải ấy có biết bao cái tốt đẹp yên lành. Mơ thấy cừu, thể nào cũng được trọng vọng, thấy cái chong chóng chỉ hướng gió tất sẽ có chuyện ly dị, thấy rắn rết nhất định có sự chẳng lành. Mơ thấy ổ bánh mì tất nhiên sẽ giàu sang… Thấy có bán mua mỡ lợn là sẽ gặp may mắn trong tình duyên. Thấy đeo kính nhất định có những đổi thay trong công việc làm ăn. Thấy nhiều lừa thì hãy chờ đợi hạnh phúc. Mơ thấy cái bàn chải giặt quần áo là điềm báo trước sầu và tủi… Hôn người gác đêm thể nào cũng có những mưu mô trong công chuyện…
Đôi khi sự "lý giải" các giấc mơ chỉ đơn thuần bắt nguồn từ những trùng hợp bề ngoài: Thấy con sói xâu xé đàn súc vật của nông dân có nghĩa là có chuyện rủi ro; rụng răng trong mơ thì hãy đợi sự mất mát. Thậm chí còn đơn giản hơn nữa: mối liên hệ giữa giấc mơ với thực tế được xem xét trong sự trùng hợp đơn thuần của âm tiết các từ - thấy bếp lò trong mơ có nghĩa là sẽ phải buồn chán (Trong tiếng Nga, hai từ "bếp lò" và "buồn chán" đọc na ná như nhau (N.D.).
Điều thú vị hơn cả có lẽ là ở chỗ trong những cuốn sách giải mộng được in la liệt ở nước Nga sa hoàng, một giấc mộng lại thường được lý giải khác nhau. Thấy con bọ chét, một tác giả cho rằng sẽ gặp điều hạnh phúc nào đó. Không, một tác giả khác phản đối, bọ chét sẽ dẫn đến nỗi phiền muộn. Song điều đó không hề làm những người mê tín phải phân vân. Họ muốn tin và đã cứ tin.
Vào thế kỷ trước, ở nước Nga hàng chục cuốn sách giải mộng dày cộp đã được in ra. Tên gọi của các cuốn sách ấy rất đa dạng: "Sách giải mộng nói toàn sự thật", "Một triệu giấc mộng chọn lọc" các tác phẩm của những nhà thiên văn và thông thái Ai cập, Ấn Độ trứ danh. Còn người đoán mộng nổi tiếng nhất chính người đã được A. X. Puskin nhắc đến trong "Epghêni Ônêghin": "Một cuốn sách tiên tri cổ xưa và luôn luôn mới mẻ đã được tìm thấy ở một trưởng lão một trăm linh sáu tuổi Martưn Dađêka sau khi chết, nhờ cuốn sách ấy ông ta đã tiên đoán số phận cho từng người qua những cái vòng hạnh phúc và bất hạnh của con người có kèm theo chiếc gương thần hay những lời giải đoán mọi giấc mơ.
Các nhà xuất bản thời ấy quả đã khéo che đậy "món hàng" đáng ngờ của họ dưới cái "vỏ" thật quyến rũ và hấp dẫn!
Tuy nhiên, những cuốn sách giải mộng đã được bán rất chạy mà không cần quảng cáo gì đặc biệt. Niềm tin vào những giấc mộng "tiên tri" thật chắc chắn. Và, than ôi, niềm tin đó vẫn còn được lưu lại. Bởi vì cho đến bây giờ vẫn còn nhiều người tin rằng giấc mông có thể nói trước được tương lai. Vì sao vậy? Câu trả lời không đơn giản như mới thoạt nhìn. Sự thể là do người ta đã biết nhiều bằng chứng không thể chối cãi rằng điều thấy trong mơ sau đó đã trở thành hiện thực.
Nhà tự nhiên học và bác sĩ người Đức Ghexner một lần mơ thấy mình bị rắn cắn. Sau đó một thời gian, ở chỗ "rắn cắn" xuất hiện vết loét. "Chà, giấc mơ tiên tri thực sự nhé! - những ai tin vào giấc mơ liền vội nói. - Bởi khi Ghexner nằm mơ, đâu đã có vết loét". Đúng, thực tế lúc đó chưa có vết loét. Nhưng quá trình sinh bệnh đã diễn ra. Bệnh phát những tín hiệu đau đớn tới não người cả vào lúc ban ngày, nhưng những tín hiệu đó bị chìm lấp đi trước những ấn tượng, những sự kiện, cảm giác khác mạnh mẽ hơn mà não người tiếp nhận lúc ban ngày. Vì vậy người đó không nhận ta, không cảm thấy được những tín hiệu đó.
Khi giấc ngủ đã tới và kích thích mạnh đã hết, những kích thích yếu bắt đầu bộc lộ rõ. Chúng được con người "nhận ra" dưới dạng giấc mơ bị rắn cắn. Điều đó có nghĩa là giấc mơ không báo trước mà chỉ phản ánh cái trên thực tế. Nhưng giấc mơ "tiên tri" như thế hoàn toàn không hiếm gì.
Tất nhiên, không phải giấc mơ khó chịu nào cũng nói về bệnh tật cả. Thường hơn cả, nguyên nhân của các giấc mơ nặng nề chính là những điều như sự ngột ngạt trong phòng, dạ dày quá no đủ, vị trí kém thoải mái của người nằm ngủ.
Sau đây là một biến thái khác của giấc mộng "tiên tri". Một người phụ nữ trẻ đi khỏi nhà, chị chào tạm biệt mẹ. Buổi tối ấy trong xe lửa chị mơ thấy một giấc mơ ghê gớm: bà mẹ ốm nặng và gọi con gái trở về nhà. Đêm hôm sau giấc mơ lại lặp lại như đêm trước. Lần này chị thấy những sự kiện tiếp theo - người ta đưa tang bà mẹ. Vô cùng lo lắng, người con gái đánh điện ngay về nhà. Người em trai trả lời chị: "Mẹ ốm". Người phụ nữ quay trở về và thấy mẹ ốm rất nặng, một tuần sau bà mẹ mất.
Ở đây không có gì là huyền bí. Khi tạm biệt mẹ, người con gái nhận thấy khuôn mặt nhợt nhạt ốm yếu của bà. Chị nhìn thấy nhưng không coi điều đó là hệ trọng. Những ý nghĩ lúc ấy còn bận với chuyến đi sắp tới. Nhưng óc chị đã gác hình ảnh bà mẹ đau ốm sang một trong những tầng nhỏ trong trí nhớ. Trên tàu hoả, người con gái nghĩ không biết có còn được gặp mẹ hay không, bởi bà cụ đã già lắm rồi. Một lần nữa, trong trí nhớ lại hiện lên cảnh tiễn biệt, cái nhìn buồn rầu của người mẹ. Và trong đêm đầu trên tàu, chị mơ thấy giấc mơ trong đó não đưa ra hồi ức về gia đình dưới dạng một hình ảnh rõ ràng. Rồi sau đấy lại giấc mơ - hình ảnh đám tang - điều chị nghĩ tới lúc ban ngày.
Sau đây là một ví dụ nữa. Ai cũng biết một điều mê tín cổ xưa: mơ thấy cha mẹ đã mất từ lâu có nghĩa là thời tiết sẽ xấu đi. Nhà sinh lý học Nga N. E. Vvêđenxki viết rằng trong sự mê tín ấy có ý nghĩa nào đó. Sự thể là do giấc ngủ của con người càng say bao nhiêu, những dấu vết sống động của những ấn tượng đã xảy ra càng thuộc về giai đoạn sớm hơn bấy nhiêu trong cuộc đời người đó. Trước khi tiết trời trở nên xấu đi, người ta thường ngủ say hơn, và giấc ngủ càng say thì càng hay xuất hiện những hình ảnh của quá khứ xa xôi hơn.
Và tất nhiên thường hơn cả những giấc mơ trở thành hiện thực là những trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc đơn giản hơn nữa, người ta tin vào các giấc mơ "tiên tri" thường hay "lùa" sự kiện nào đó trong đời mình vào giấc mơ để biện hộ cho sự kiện đó và thuyết phục chính mình và những người khác rằng giấc mơ đích thực là tiên tri.
Cuối cùng, không nên quên rằng nhiều khi các câu chuyện về các giấc mơ đã thành hiện thực chỉ là những điều bịa đặt của những người giàu trí tưởng tượng thích làm cho người nghe phải ngạc nhiên sửng sốt với chuyện gì đó.
Tất cả mọi người đều biết rằng không phải bất cứ giấc mơ nào cũng thành hiện thực. Vì vậy những kẻ đoán mộng phải viện đến những xảo thuật khác nhau. Họ bảo rằng chỉ có một phần các giấc mộng là tiên tri, còn những giấc mộng khác thì không. Rốt cuộc nếu người ta thấy sự việc trong đời mình khớp với giấc mơ thì đó là giấc mơ "tiên tri"; không khớp thì đó chỉ là giấc mơ bình thường. Cách giải thích ấy thật là tiện lợi!
Những người đoán mộng khác nói rằng chỉ có thể thấy giấc mơ "tiên tri" vào những ngày nhất định trong tuần, chẳng hạn như vào thứ sáu, hoặc thậm chí vào ngày đầu tiên sau khi bắt đầu tuần trăng là giấc mơ "xác thực", vào ngày thứ hai "sẽ nhanh chóng được thực hiện", vào ngày thứ hai mốt là "dứt khoát sẽ được thực hiện", vào ngày thức hai mươi sáu là "yên lành", vào ngày thứ hai mươi chín, sẽ "không thành hiện thực", v. v…
Bạn thấy đấy, có biết bao khả năng được cung cấp cho những người mê tín khiến cho sau khi một điều trong mơ và sau đó thấy điều đó thành hiện thực, cho đến tận cuối đời họ vẫn tin chắc vào sự tồn tại của những giấc mộng "tiên tri". Có nghĩa là họ tin vào sự tồn tại của những sức mạnh bí ẩn siêu nhiên nào đó dường như tiên báo cho họ những sự kiện sẽ xảy ra.
Song nếu con người bắt đầu tỉnh táo suy nghĩ về vấn đề này, nhất định người đó sẽ đi đến kết luận rằng trên thực tế không hề có những giấc mộng tiên tri nào hết.
Nếu như con người không quên đi lòng tin mù quáng vào các giấc mơ tiên tri thì lòng tin ấy có thể đem lại cho người đó không ít những giờ phút nặng nề. Trước mắt tôi là một bức thư tôi nhận được từ một phụ nữ ở Ukraina sáu năm trước đây. "Trước kia tôi không tin vào các giấc mộng. Nhưng một trường hợp dường như đã đảo lộn cả cuộc đời tôi toàn bộ niềm vui của tôi". Và sau đó chị kể rằng ba ngày trước khi chồng chị phải mổ (anh ta bị viêm mủ ruột thừa), chị mơ thấy bị gẫy một cái răng. Chị kể chuyện đó cho cô bạn gái nghe và cô bạn cho biết là đã từng mơ thấy một giấc mơ hệt như thế một ngày trước khi chồng cô qua đời. "Tôi không cho rằng chuyện ấy có một ý nghĩa gì, như khi bác sĩ bảo tôi rằng bệnh trạng của chồng tôi hầu như là vô vọng thì lập tức tôi nhớ lại giấc mơ vừa rồi. Tôi cũng nhớ lại những trường hợp người nào đó quen biết đã chết sau những giấc mộng như thế…"
Trái với lo sợ của người phụ nữ mê tín đó, cuộc phẫu thuật cho chồng cô ta đã diễn ra tốt đẹp, chẳng bao lâu sau, người chồng ra viện. Song điều đó không làm cho người vợ yên lòng. "Từ khi ấy đã bảy tháng trôi qua, và đến giờ tôi vẫn nghĩ về giấc mơ đó. Tôi gầy đi trông thấy, ăn hoàn toàn mất ngon,người luôn luôn yếu mệt. Tôi cho hạnh phúc của mình là ngắn ngủi (vì giấc mộng đó), còn bản thân mình là bất hạnh".
Một ví dụ thật điển hình! Ví dụ cho ta thấy rõ rằng đôi khi đức tin mù quáng vào sức mạnh tiên tri của các giấc mơ có thể ảnh hưởng tai hại đến thế nào đối với con người…
Có thể xếp đặt trước giấc mơ
Người ta đặt một cái túi chườm nóng ở sát chân một người đang ngủ, và người này mơ thấy núi lửa phun; anh ra chạy từ trên núi xuống trên những viên đá nóng bỏng. Trư những tế bào như thế. Vào giây phút cần thiết, não sẵn sàng nhanh chóng đưa thông tin đó ra để cảnh báo ta về một hiểm hoạ… Đối với người chiến sĩ tình báo, một trực giác phát triển cao là vô cùng cần thiết…
Khỏi cần phải nói, đại tá Lônôp hiểu rất rõ ý nghĩa của trực giác trong công việc của con người mà một bước đi không cảnh giác, không được suy nghĩ chính chắn đều có nguy cơ dẫn đến thất bại…