Những năm kháng chiến chống Pháp đối với hắn là quãng thời gian rất đẹp và rất vui, tám năm trôi qua chỉ trong một chớp mắt. Ðang sống như thằng đầy tớ, bưng bát cơm ăn cũng không dám và miếng to, không dám nhai mạnh, buông cái bát không xuống nhìn nồi cơm còn đầy, thức ăn trên bàn trên mâm mới vơi già nửa là tiếc lắm, bỗng chốc thành người tự do, thành một chiến sĩ nhỏ tuổi, ăn tha hồ, cười nói thoả thích, chả ai ghét cả, chả ai lườm nguýt cả, lại còn được khen là ngoan, chấp hành kỷ luật tốt, chỉ như thế cũng đã được vui từ sáng tới tối rồi. Sau này đọc văn Nam Cao, hắn cứ nhớ mãi một truyện ngắn viết về một bà lão đi thăm cháu gái đang bế con cho một bà nhà giầu ở xã khác, nhớ cháu có một phần, cái chính là sẽ được ăn một bữa cơm no nên phải đến đúng lúc người ta dọn cơm. Cái cách bà lão nhìn mâm cơm dọn ra, cách cầm đũa, cách và, nhìn người khác ăn rồi lại nhìn vào nồi cơm đang vơi dần, nó thật quá, nhục nhã cho một kiếp người quá, nhục nhã là cái miếng ăn, các cụ xưa đã nói thế. Cứ y như hắn tự viết về hắn. Khi hắn đã già viết truyện Mẹ và các con, cái cảnh bà mẹ ngồi ăn nắm cháy trước mặt khách của con trai, viết như xuất thần, như viết về chính mình cái thời còn nhỏ. Cũng như khi hắn viết về ông lão thư ký của trạm máy kéo trong Hai ông già ở Ðồng Tháp Mười, trong một bữa ăn mà hắn là khách, mắt hắn cứ mờ dần đi vì nước mắt tự cái năm nào còn lưu lại và đang chắt ứa ra. Miếng ăn là miếng nhục nhưng cũng là nỗi mong đợi một ngày của người luôn luôn đói, đang phải sống nhờ, ăn nhờ, bưng bát cơm mỗi ngày ở nhà người khác. Mà ông lão vốn là một giáo sư dạy văn chương Pháp của một trường trung học, là cựu sinh viên trường đại học danh tiếng Sorbonne. Trí thức và dân nghèo, già cũng như trẻ đã phải bưng bát cơm ăn nhờ trong ngôi nhà mình sống nhờ đều có một gương mặt giống hệt nhau: nhẫn nhục, sợ hãi và thèm thuồng. Chính là cái nhìn thèm thuồng muốn vồ lấy, muốn nuốt lấy mà mặt người biến dạng. Năm 1987, nhân lễ kỷ niệm 70 năm ngày sinh của nhà văn Nam Cao tổ chức ở thành phố Nam Ðịnh, hắn có hỏi đùa chị Nam Cao: "Chị nuôi anh thế nào mà để anh đói thế?" Chị ấy cười: "Ông ấy mà đói thì còn ai no, nhà tôi đâu phải là nhà thiếu ăn!" Người không đói mà viết về cái đói hay đến thế thì sự cảm thông của nhà văn quả là hoàn toàn. Năm 1947, trung đội Tự vệ chiến đấu của hắn đóng quân ở làng An Tảo bám dọc con đường 39 nối với đường 5, một buổi chiều, hắn từ ngoài mặt đường chạy như thằng rồ về xóm, chả có chuyện quan trọng gì để phải chạy cả, tự nhiên thấy vui thì chạy, vừa chạy vừa nhảy. Trung đội trưởng đang ngồi ở sân đứng bật dậy, hỏi: "Có Tây à?" Hắn nhìn mọi người ngơ ngác, nói: "Không, không có gì cả!" - "Sao lại chạy như ma đuổi thế!" - "Dạ, dạ...". Bữa ấy hắn bị đồng đội xúm lại mắng một trận nên thân. Chả lẽ hắn lại nói thật, vì bỗng dưng thấy vui quá nên em chạy! Hắn có một tuổi thơ nhạt và buồn, sau này đi kháng chiến được nhìn thấy núi cao sông rộng, được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, đôi lúc ngoái nhìn lại về cái thời chỉ vừa mới trôi qua mà đã xa xôi thăm thẳm, chả có một khoảng sáng nào để mình phải nhớ, phải tiếc, chỉ có mỗi mầu xám nhờ lặng lẽ, bất động như một ngôi nhà hoang lâu ngày không có người ở. Năm Tổng khởi nghĩa là năm Hà Nội vui nhất, nhìn vào đâu cũng thấy cờ và hoa và rất nhiều báo, báo hàng ngày và hàng tuần. Cả thành phố như chợt thức giấc, ồ ạt lao vào những công việc mới mẻ trong một niềm vui mênh mang. Ấy là hắn vẫn chưa được nhập cuộc, vẫn là kẻ đứng ngoài vì tuổi còn quá nhỏ, một lũ trẻ con lộc ngộc đã bỏ học từ ngày Nhật đảo chính Pháp, kéo nhau đi chơi từ sáng đến đêm, nói với nhau bao nhiêu là chuyện trên trời dưới đất, rồi mơ mộng, rồi hy vọng. Cuối năm 1949, hắn được tỉnh đội Hưng Yên cử về Mặt trận 5 để làm số báo đặc biệt cho Hội nghị Rèn Cán Chỉnh Quân của năm tỉnh tả ngạn sông Hồng, cũng là những ngày hết sức vui. Ðang là một anh viết báo litô của bộ đội địa phương được bước vào quân doanh của bộ đội chủ lực cũng để làm báo niềm vui lớn ấy khiến hắn muốn nghẹt thở. Xung quanh hắn ngờm ngợp những bộ quân phục bằng vải kaki màu vàng sáng, mũ ca lô với những ngôi sao vành vàng, rồi súng ngắn, túi bản đồ, giầy ghệt, sang trọng, hào nhoáng rất giống với cái thứ văn thơ huênh hoang, hò hét của một thời. Ðội quân công tử ấy cũng phải mất nhiều xương máu mới thành đội quân thiện chiến của Việt Nam. Còn cái thứ văn của hắn mà cụ Tuân đã chê một cách tế nhị là pittoresque [°] quá thì hắn phải hì hụi tẩy rửa gần mười năm mới thành câu văn của chính mình. Nghĩ lại những năm đầu của kháng chiến hắn chả tiếc cái gì chỉ tiếc đã mất đi mãi mãi cái niềm vui ngây ngô, hồn nhiên của đứa trẻ lần đầu được sống thoả thuê trong tự do. Cũng vào dịp các phóng viên của 5 tỉnh lần đầu về phục vụ cho tờ báo của mặt trận, người phụ trách báo liền tổ chức một bữa ăn gặp mặt tại một quán cơm ở thị trấn Quỳnh Côi. Thị trấn kháng chiến, một bữa ăn kháng chiến mà có khăn trải bàn, dao nĩa, cốc tách sáng choang. Sau bữa ăn có cà phê đá với thuốc lá thơm Cotab. Suốt mười lăm năm ở Hà Nội hắn chưa được mẹ dắt vào một hiệu ăn nào cả, chỉ biết mùi vị các món xào nấu ở các bữa giỗ và mấy ngày Tết, còn chỉ là những bữa cơm xoàng xĩnh ngày thường. Nhưng vẫn được ăn no, ngay như năm đói anh em hắn vẫn được ăn đầy đủ, nhưng cơm xới thì phải qui định, có bữa ăn hai bát, có bữa ăn một bát đầy, vì là ăn theo gạo sổ, mỗi bữa vẫn phải dành ra mấy lẻ gạo phòng khi Hà Nội không còn gạo. Không còn gạo thì ăn cỏ, một tờ báo đã bày cách chế biến cỏ cho người ăn. Nhưng cỏ thì mua ở đâu, nếu ăn cỏ cũng sống được thì làm sao lại có cả ngàn người, cả vạn người ở các vùng quê là nơi có rất lắm cỏ, lũ lượt kéo về Hà Nội để nằm chết ở các vỉa hè, các gốc cây, các góc phố, các gậm cầu. Hắn sẽ còn nhớ mãi vài hình ảnh ghê rợn của cái năm đói. Vào khoảng cuối tháng 4 của năm 1945, hắn và mấy thằng bạn rủ nhau đi học lớp vỡ lòng tiếng Nhật vì người Nhật đã thay Pháp cai trị xứ này. Lớp học buổi chiều mở ở một trường tiểu học của phố Hàng Cót. Trong vuông sân của trường đã có mấy trăm người ngồi từng nhóm như để đợi phát chẩn hay đợi đưa đi đâu đó. Có một anh thanh niên khoảng ngoài đôi mươi, mặt mũi đẹp đẽ, da thịt còn tươi, như người ở tỉnh chứ không phải ở quê, trên người anh ta không có một mảnh vải nào, trần truồng với nạm lông đen nhánh ở bụng. Anh ta cứ đi nhồng nhỗng từ góc sân này tới góc sân khác như đang tìm một ai đó, trần truồng mà đi chả xấu hổ một tí nào, và ngay cả đám người ngồi đen đặc ở sân cũng không một ai buồn ngước nhìn anh ta, cũng không ai cất lời hoặc than hoặc mắng một câu. Thì ra cái đói đã thay đổi con người thành con vật rồi, những con vật đã quên mọi thói quen trong các mối quan hệ cái thuở còn là con người. Dẫu thế nào người mẹ cũng không bao giờ quên được thương con, quên sự hy sinh tất cả cho con. Ðầu năm đói, gia đình hắn dọn từ phố Miribel về phố Duvigneau (phố Bùi Thị Xuân bây giờ), bên hông nhà thương chữa mắt. Một buổi chiều có một bà mẹ khoảng ngoài ba chục tuổi tay cắp chiếu, tay cắp con đến trải chiếu ngồi ngay ở trước cửa nhà. Một lúc sau hắn bước ra đã thấy bà ta đang mớm cháo hay cơm hắn không rõ, cũng chỉ có một chút ở mảnh gáo dừa, chỉ thấy đứa bé ngọ nguậy rồi trớ ra tất cả. Bà mẹ rên lên: "Không cố ăn một chút thì chết mất, con ơi!" Khoảng nửa đêm hắn chợt tỉnh giấc vì chợt nghe có tiếng khóc hờn con của người mẹ, tiếng khóc khàn khàn, yếu ớt, thê lương đến đứt ruột. Khoảng gần sáng thì tiếng khóc im bặt, chắc người mẹ cũng đã ngủ. Sáng rõ mặt người từ lâu hắn mới bước ra đường đã thấy mấy người phu nhặt xác đang cuộn chiếu bó chặt xác cả mẹ lẫn con vứt lên xe bò. Hơn nửa năm trời đi lại trên đường phố Hà Nội ngửi đâu cũng phảng phất cái mùi hôi khắm của các xác chết đã khô lại đen lại ở mọi ngóc ngách còn chưa lượm kịp đem chôn. Cứ đi một quãng lại va phải một xe bò chở xác người, các bó chiếu cuộn người xếp chồng lên nhau, mặt thì kín nhưng chân thì hở, những cẳng chân đen khô với những bàn chân có những ngón toè ra, nhìn xa như từng chùm rễ cây của các cây-xác-người. Từ trong đám xác chết đói bước ra, từ cái thân phận bị khinh rẻ bị làm nhục bước ra, nên những gian nan thiếu thốn của kháng chiến hắn chả coi vào đâu, lúc nào cũng vui, bị anh em trong cơ quan bỏ lại tại cái lán trống giữa rừng, dứt cơn sốt ngồi chồm dậy ngơ ngác một lúc lâu mới tỉnh lại dần, thấy bụi mọt đã phủ đầy người, phủ đầy những tấm giát nứa đã bỏ trống, tức là nằm chết ở đây đã lâu lắm, không chừng phải một hai ngày rồi vì hắn rất đói, đói cồn cào, lại dốc gạo trong bao ra, bắc nồi lên, nhìn ngọn lửa bốc cao lại thấy vui, một niềm vui bất tận, vui không duyên cớ gì, cũng không hy vọng vào bất cứ cái gì, được sống, được cất bước cùng với bạn bè là vui, kháng chiến bao năm cũng được, kháng chiến đến bạc đầu vẫn được, có bao giờ phải sống một mình đâu mà buồn, có bao giờ bị làm nhục bị bỏ đói đâu mà buồn.