Chương 41- 45


Chương 15 -19

15.
Quỳnh rời khỏi phố Đào Lý, chỉ mang theo ít hành lý đơn giản. Vị trí của trường mới rất hoang vắng. Ký túc xá rất cũ nát. Nhưng Quỳnh lại thấy không đến nỗi tệ, bởi có nền lát ván gỗ. Cửa sổ đủ lớn để ánh nắng hoàng hôn phía tây có thể soi rọi vào trong phòng. Cô ở trên tầng ba, cùng với hai bạn gái khác. Quỳnh có chút phản kháng với sự việc này. Cô luôn không muốn có người đến thật gần mình, luôn đẻ mắt đến cô, chú ý cô. Vì vậy hôm mới đến, Quỳnh vứt đồ đạc xuống, chẳng thèm nói năng gì bèn đi luôn ra khỏi phòng.
Ngôi trường nội trú này Dật Hán cũng bỏ nhiều công để chọn cho Quỳnh. Mặc dù ở xa, nhưng vẫn còn chút hơi hướng quý tộc sa sút. Trong trường có những cây ngô đồng cao lớn, tường nhà cũ kỹ nhưng được mọc bám rất nhiều cây leo trở nên sinh động. Cũng có những dãy hành lang quanh co, trên tường hành lang cũng bám nhiều cây leo. Ánh sáng không lọt vào được. Đi bên dưới tưởng chừng như đang ở trong đường hầm lạnh lẽo, nhưng điều này không hề ảnh hưởng đến cây hai bên đơm hoa. Hoa tường vi mọc rất nhiều trong thành phố này. Nhưng tường vi ở đây rõ ràng không đẹp bằng ở phố Đào Lý. Đó là điều đương nhiên. Lục Dật Hán rất tận tâm chăm sóc mỗi nhành hoa ngọn cỏ trong nhà, làm sao ông có thể để những cây tường vi mọc đầy cổng không trở nên xinh đẹp. Tóm lại nơi đây nếu so với nhà số 3 phố Đào Lý, thì chỉ là một cái vườn lôm nhôm, hoa cỏ mọc lộn xộn, vội vàng, dường như sợ bỏ lỡ mất mùa xuân và hạ, nên chẳng thèm để ý đến nhan sắc và tư thế của mình, cùng nhau xuất hiện để đi chợ sớm.
Quỳnh một mình lủi thủi đi trong sân trường, đột nhiên nhận thấy mình lại đang nghĩ về Dật Hán và nhà số 3 phố Đào Lý. Trong tim Quỳnh, ông là một người đàn ông hoàn hảo, thậm chí cô tin rằng tường vi của Dật Hán trồng cũng rực rỡ hơn bình thường. Nhưng Quỳnh không còn được gặp ông ấy nữa. Bây giờ mới biết, thời gian đã qua thật là quý giá. Cả một ngày chẳng có mấy phút ở bên ông, thậm chí không hề nói chuyện, nhưng chỉ cần ở gần bên ông là cảm thấy rất an tâm. Đó là nhà của Dật Hán, mọi nơi đều có hơi thở của ông. Cô đọc sách trong phòng đọc cũng có thể cảm nhận hơi của ông qua mỗi trang sách lật ra. Thậm chí cả khi ăn vô độ mỗi đêm, cũng có thể cảm nhận được hơi hướng của ông trên những đồ ăn ông mua về... Hơi hướng đó, lẫn vào trong cuộc sống hằng ngày của cô, trở thành thứ không khí để cô sống.
Bây giờ ông đã biết tình yêu của cô, nhưng không thể đón nhận. Ông coi thường nó, ông không hề nghĩ đến việc tiếp nhận nó một cách tốt đẹp. Quỳnh chợt nhếch mép cười. Mày phải biết là mày xấu đến thế nào, mày dựa vào đâu mà đòi có được tình yêu của ông ấy? Ông ấy chỉ thích những phụ nữ như mẹ. Khuôn mặt xinh đẹp, thân hình gợi cảm, động tác tao nhã và đầu óc khôn ngoan. Bà ta thực sự có điều kiện để người khác mê mẩn. Thế còn mình? Vừa lúc cô đi ngang qua một cánh cửa có cửa kính màu nâu của văn phòng nhà trường. Cô đứng lại trước tấm kính, nhìn ngắm mình thật kỹ lưỡng. Đã lâu lắm rồi Quỳnh không ngắm mình kỹ đến thế, kính và gương luôn là thứ khiến cô sợ hãi. Nhưng lúc này, Quỳnh quyết định đối mặt với nó.
Cô đấy. Đứa con gái không sao mở to mắt ra ở trong gương, ánh mắt trốn trốn tránh tránh kia, chính là cô. Áo sơ mi trắng, không có eo, cô như cái ống giấy. Cả áo bị người cô ních căng lên, chỗ cài cúc chỉ khép lại một cách miễn cưỡng, luôn sẵn sàng bật tung ra. Chiếc quần sợi bông, chỗ đùi trên có vẻ quá chật, chiếc quần chịu đựng một cách khó khăn, hằn lên rất nhiều nếp nhàu. Đôi giày thể thao bị bàn chân béo mập làm cho biến dạng, như một gương mặt cực xấu xí, khiến người ta không nỡ nhìn. Tóc cô buộc ra sau lưng một cách đơn giản, phía trước trán rất ít tóc rủ, khiến cho khuôn mặt trông quá to. Má cô phính lên, mũi đỏ ửng. Hình cô trong gương giống như không có cổ, co rụt lại. Toàn bộ là một vẻ bất lực.
Đó là mình hay sao? Quỳnh chậm rãi tiến sát trước gương. Khuôn mặt hiện ra thật rõ ràng: mặt cô béo phì khiến ngũ quan như rất xa nhau, trông như mỗi thứ đều lặng lẽ làm việc nó thích, tự phát triển đến chỗ nó thích. Quỳnh bỗng cảm thấy khuôn mặt này chỉ "lách tách" một chút là rơi vụn ra ngay, và rồi mắt mũi mồm tai sẽ bay đi theo những hướng khác nhau, chỉ còn cái mặt như cái đĩa, rơi xuống từng mảnh từng mảnh.
Quỳnh dùng hai tay ôm lấy mặt mình. Không, không thể nhìn thêm nữa. Đây thật giống một trò đùa Thượng Đế dày công chuẩn bị cho cô. Nhiều năm rồi, ông ta hun đúc nên trò đùa như thế này. Cô đã rơi vào trong trò đùa, vậy mà quên cả hổ thẹn. Quỳnh chậm rãi đặt ngón tay lên mặt kính, nhè nhẹ sờ gương mặt kia. Nói với cô gái đang chìm vào hổ thẹn và tuyệt vọng kia rằng:
Quỳnh, đây chính là mày. Mày hãy nhìn mình đi, làm sao mà chú Dật Hán thương mày được?
Hai dòng nước mắt chảy xuống.
Thật muốn đập vỡ tấm kính. Thật muốn huỷ luôn trò đùa xấu hổ này. Nhưng chú Dật Hán và Trác đã yêu quý Quỳnh qua cái ngoại hình này cơ mà. Cô không có ai thân thích, cô chỉ có một con người như thế này, nhưng họ đã yêu thương cô thật sự, tại sao cô không tiếp nhận được nó, hoặc chỉ đem lại chút lửa nhỏ của tình thương yêu, đừng để cô gái kia tuyệt vọng.
Quỳnh đối diện với tấm kính nâu, trông nó như làm bằng chất lỏng, như mặt nước không ngừng tràn lên, giúp cô nuốt chửng hình ảnh xấu xí kia. Quỳnh cứ đứng như vậy. Ánh nắng chiếu rọi vào làm tấm kính sáng sủa hơn chút ít. Khiến cô nhìn rõ mình hơn nữa. Quỳnh đứng đó đến hoàng hôn, nhìn mình, nói chuyện với bản thân, với chú Dật Hán.
Quỳnh bình tĩnh dần, rồi hiểu ra mình cần làm gì. Cô cần phải biến đổi mình trở nên hoàn hảo hơn. Chỉ khi nào làm mình hoàn hảo hơn, mình mới được chú Dật Hán yêu. Cũng giống như Mạn. Có thể đây chính là những sắp đặt cho một sự cứu rỗi. Cô bị vứt đến đây, sẽ dùng thời gian ở đây để biến đổi mình. Đợi đến khi trở về, cô sẽ biến thành một cô gái rực rỡ, đó thực sự là thời khắc đang mơ ước. Chú Dật Hán nhất định sẽ nhìn cô bằng ánh mắt ngạc nhiên và vui sướng. Mạn sẽ phải giật mình, sự kinh ngạc sẽ mang đến cho cô ta nỗi đau khổ. Quỳnh rất hiểu, lòng đố kị của Mạn rất mạnh, cô ta sẽ không chịu đựng nổi nếu Quỳnh trở nên đẹp hơn lên. Đó chính là sự trả thù tốt nhất dành cho cô ta.
Nhưng cái gọi là hoàn hảo hơn, đồng nghĩa với những gian nan cực độ. Trời tối, Quỳnh vẫn chưa về phòng. Cô đi lại không ngừng dưới trường, nghĩ về việc "trở nên hoàn hảo hơn". Quỳnh tự nhủ, trước hết cô phải châm dứt bệnh ăn cuồng ban đêm, phải gầy đi. Chỉ có gầy mới làm cho mình xinh đẹp hơn. Còn nữa, cô cần phải học tốt, đỗ đại học. Đây là điều Mạn không có. Nếu cô làm được, tức cô đã thắng một bước. Ngoài ra, Quỳnh phải tiếp tục viết, khi cuốn nhật ký bị xét nát, cô đã nghĩ rằng cô sẽ không bao giờ được viết nữa. Nhưng bây giờ cô buộc phải viết tiếp, bởi vì có thể đó là việc duy nhất cô có thể làm tốt. Nó còn có thể mang lại cho cô niềm vui vô hạn. Hơn nữa, chú Dật Hán thích những cô gái tài năng rạng ngời.
Đó là ngày đầu tiên đến ngôi trường này. Quỳnh đứng trước một tấm kính, chợt hiểu ra cần phải làm gì. Giống như một trận chiến. Chống lại thế giới, chống lại mẹ, với tất cả mọi người, với cả chính bản thân.
Quỳnh nói nhỏ với tấm kính, cô gái ơi, chiến tranh bắt đầu rồi.
16.
Trước tiên, Quỳnh làm cho mình gầy bớt.
Trong những ngày tháng dài qua, Quỳnh đã cam chịu cơ thể béo hì của mình. Cô cho rằng đó là chuyện của số phận. Quan điểm tiêu cực đó là vì bà nội. Bà thường nói những sự viêc được quy định bởi dòng máu thì không thể thay đổi được, những căn bệnh cố hữu, những khiếm khuyết cơ thể dường như đều là sự trừng phạt của Thượng Đế dành cho gia đình này, và họ chỉ có thể cam chịu.  Chẳng hạn như sự phát phì của bà, của cha. Vì thế Quỳnh cũng là một con bé béo phì. Giống như một bài toán suy luận logic mà kết quả "Quỳnh béo phì" là hiển nhiên. Có lẽ cô vốn cũng nghi ngờ điều đó, nhưng rồi bà nội và cha lần lượt chết vì bệnh tim. Đó quả là một minh chứng thuyết phục. Chú Dật Hán cũng bảo mẹ của Trác chết vì bệnh tim, và Trác cũng bị bệnh tim. Đủ thây sự di truyền thật đáng sợ. Thế nhưng, một tình yêu ngoan cố đã khiến cô dám chấp nhận thử thách. Cô buộc phải thay đổi, cho dù những gen di truyền kia đã thâm căn cố đế trong người cô.
Quỳnh nhớ lần cân trọng lượng trước đây là kiểm tra sức khoẻ khi tốt nghiệp cấp hai. Bọn con gái đứng xếp hàng, từng đứa một bước lên cân, đó là những việc bắt buộc. Cô xếp sau cùng, cố ý đứng cách xa người phía trước một đoạn. Chờ đến khi mọi người đã cân xong hết, cô mới lẳng lặng bước tới, khe khẽ đứng lên cân. Tiềm thức dường như mách cô bước khẽ sẽ làm trọng lượng nhẹ đi. Hai chân cô như phát run, nhưng rồi vẫn là con số khiến cô phát hoảng.
Bất chấp cô muốn trốn chạy và giấu diếm thế nào, con số kỷ lục vẫn được đọc lên, bọn con gái đều quay đầu lại nhìn. Chúng nó quan sát cô từng bộ phận một với ánh mắt chăm chú. Đầu, cổ, cánh tay, người, chân..v.v... Trời ạ, sao mà nặng thế! Nhất định trong lòng chúng nó đã kêu lên đầy kinh ngạc. Có vẻ giống như cô là một kẻ có lệnh truy nã đã bị phơi mặt trước đám đông. Hai tay Quỳnh cầm phiếu kiểm tra sức khoẻ, chầm chậm bước xuống khỏi cân. Trên tờ giấy mỏng, nét chữ màu xanh kia đã ghi rõ mồn một trọng lượng của mình, nó đã trở thành một bộ phận trong hồ sơ của cô, không thể xoá bỏ. Quỳnh cảm thấy mọi người vẫn đang chăm chú nhìn cô, vẫn chú ý đến từng bộ phận trên người cô, bởi vì chúng trông thật nực cười.
Quỳnh chẳng có cách gì tốt hơn để giải quyết vấn đề này, ngoài việc nhịn đói. Cô bắt đầu nhịn ăn. Buổi sáng uống một cốc sữa, bữa trưa và tối chỉ ăn trái cây. Cô tự nhủ, buộc phải giã biệt trứng, bánh ngọt và sôcôla, cho dù Lục Dật Hán đưa Quỳnh tiền đủ để mua chúng, vì sợ cô không thèm ăn, bỗng chợt có những hành động bất lợi trước các bạn.
Quỳnh đói kinh khủng, lúc nào cũng đói. Lúc học bài còn được, hễ nằm xuống là cảm thấy trong người đang không ngớt kêu gào. Đứa trẻ đói khát ám trong người Quỳnh không ngớt gào khóc, bứt gan cấu ruột khiến cô nằm ngồi không yên. Khi đêm về, cơn đói làm cô không ngủ được. Hai mắt thao láo, đầu óc chìm vào những hoài niệm về căn nhà số 3 phố Đào Lý có chú Dật Hán và Trác. Cơn thèm ăn như sóng biển từng cơn từng cơn dội vào người cô. Lại có tiếng gọi, không biết là quan tâm hay lừa phỉnh đang hỏi cô: có đói bụng không Quỳnh? Đói không? Đó là tiếng của bà nội. Bà giơ tay vuốt má Quỳnh, khuôn mặt túa ra đầy mồ hôi, tiếng nói đó chỉ hỏi đi hỏi lại: Quỳnh, có đói bụng không?
Quỳnh gật đầu lia lịa, hai hàng nước mắt trào ra.
Quỳnh nhảy từ trên giường xuống, lao ra khỏi cửa. Ngoài cửa là hành lang sàn lát gỗ, có ngọn đèn không tắt, lờ mờ như ngái ngủ. Cô muốn chạy, nhưng biết chạy đi đâu? Cô đứng sững giữa hành lang, lơ mơ không hiểu mình đang ở đâu. Lâu sau, cô mới nhớ ra, đây không phải ở phố Đào Lý, không có nhà bếp để cô chạy xuống, không có cái tủ lạnh đầy thức ăn nào đang chờ cô cả. Ở đây không có ai thương cô, không có Trác, lặng lẽ đắp chăn cho cô. Quỳnh từ từ ngồi xuống, hai tay che lấy dạ dày. Nó đã bắt đầu trả đũa cô sau những ngày bị ngược đãi tàn khốc. Quỳnh quỳ trên đất, không ngừng vã mồ hôi, đói quá. Nhưng không phải là cơn đói bình thường, đó là sự tuyệt vọng vì cô đơn. Cô nhận thấy đồ ăn có liên quan đến mọi thứ trong cô. Khi ở phố Đào Lý, mặc dù cô đã từng tuyệt vọng vì chính bệnh ăn cuồng của mình, nhưng đó vẫn là những ngày có người quan tâm chăm sóc cô. Đó là những ngày sung túc và đầy đủ. Nhưng bây giờ, cái đói triệt để khiến cô cảm thấy sẽ chẳng còn ai quan tâm đến cô nữa.
Quỳnh quỳ trên sàn gỗ. Mới sang tháng Chín, sàn gỗ đã lạnh băng. Từ vết nứt to có gió thổi từ dưới lên, luồn vào trong áo cô. Quỳnh cúi đầu như đứa học sinh tiểu học đang chịu trừng phạt. Cô nhớ đến năm lớp 6, đứng ở hành lang bên ngoài lớp. Cô đã cầu xin trước mặt trời, rằng mình sẽ ngoan hơn, và sẽ bay được. Bay là cảm giác thế nào cô không rõ, nhưng chắc là rất tuyệt. Bà ở trên trời nhìn thấy cô bay sẽ thích lắm. Mấy năm trôi qua rồi, cô bây giờ quỳ trên ván sàn lạnh lẽo, gió lạnh có thể thổi vào bất cứ nơi nào trên người cô. Mọi chuyện vẫn chưa có gì khá hơn cả, thậm chí còn tệ hơn. Cầu khấn có tác dụng không? Bà có nghe thấy không?
Quỳnh khom người xuống, tóc rũ rượi xoã trên mặt sàn. Trước mắt chỉ còn là phần mặt sàn bị nứt toác và loang lổ. Cô không biết mình đang chờ đợi điều gì, đợi trời sáng?
Quỳnh đợi cậu bé đi đôi dép bông ấm áp bước tới, cô đợi cậu ta gọi: "Chị nhỏ!".
Quỳnh tựa vào bên cửa, chờ đợi cho đến khi trời sáng hẳn, cổng trường mở toang. Sáng sớm tháng Chín, trời đầy sương mù. Quỳnh chỉ một tấm áo trên người, đã ba ngày không ăn, rét lập cập. Quỳnh nắm mấy tờ tiền, chạy ra đường trước cổng trường. Đứng trước hàng ăn mới dọn ra, Quỳnh mua một bát cháo nếp. Cô húp khi nó còn nóng rẫy. Họng bỏng rát, nhưng cô vẫn mặc kệ. Cô muốn húp vào cho ấm người, nhưng vẫn cảm thấy lạnh. Cô lại mua bát nữa. Rồi cô không sao thuyết phục mình rời khỏi hàng ăn, không thể bắt mình đứng dậy để đi vào trong màn sương mù kia, để trở về với ngôi trường xa lạ. Cô lại gọi thêm một bát nữa, húp soàn soạt. Quỳnh húp hết bát này đến bát khác, cho đến khi chợt thấy có giọt nước rơi vào trong bát, hoá ra mình đang khóc. Cô thất vọng với bản thân mình. Thì ra cô không thể cầm cự quá ba ngày, để rồi lại ngồi đây buông thả cho cơn thèm ăn mặc sức hoành hành.
Quỳnh loạng choạng đứng dậy, qua đường đi về trường. Cô bần thần về phòng mình. Đã quá giờ lên lớp, trong phòng không có ai. Cô co ro ngồi trong góc sau cửa, giống như mỗi buổi sáng ra của những lần cô ăn cuồng trong đêm. Quỳnh ôm đầu gối, khóc thút thít. Bỗng có một bàn tay đặt lên vai cô. Cô vụt giơ tay chụp lấy cánh tay kia, như tìm thấy sợi dây cứu mạng túm thật chặt, nghẹn ngào nói: "Trác ơi, đừng đi!".
Đó là câu đầu tiên Quỳnh nói với Ưu Di. Về sau Ưu Di bảo vẫn luôn nhớ rõ thái độ của Quỳnh lúc ấy. "Giống như như một con gấu trúc Mỹ lạc đường". Ưu Di tả như vậy mà không biết Quỳnh từ nhỏ vốn chịu nhiều chế giễu đã ghét từ "gấu" đến thế nào.
Về việc vì sao Ưu Di lại dễ dàng đến với Quỳnh như vậy, vì sao cô ta lại dễ dàng trở thành bạn của Quỳnh, cô không muốn tìm hiểu. Bởi vì cô ta thuộc loại người Quỳnh không hề thích. Dù sao đó cũng là cô gái hiền lành, cô đến bên Quỳnh như mang theo sứ mệnh giải thoát cho cô.
Ưu Di cúi xuống, vỗ vào đôi vai co rúm của Quỳnh. Hôm đó Ưu Di mặc áo khoác màu trắng ngà. Quỳnh còn nhớ đôi mắt đen láy của cô ấy. Cô ấy như ngọn đèn phố, suốt đêm không hề tắt. Ngọn đèn truyền sang Quỳnh ánh sáng và hơi ấm không mệt mỏi.
Hôm đó Ưu Di không đi học, trốn lên giường trên ăn khoai tây ròn vị cà chua, đọc truyện tranh con gái "Song tinh kì duyên". Thế rồi cô nhìn thấy Quỳnh lao vào trong phòng, mặt trắng bệch, thở hổn hển. Ưu Di vừa mới định nói, đã thấy Quỳnh chạy ra sau cánh cửa, ngồi thụp xuống rúm ro ôm lấy đầu gối và bắt đầu khóc. Ưu Di liếm ngón tay đang dính vị mặn, nhảy xuống đất, bước tới vỗ vai Quỳnh. Quỳnh không hề ngẩng đầu lên, chỉ túm chặt lấy tay Ưu Di, nói lí nhí:
- Trác ơi, đừng đi!...
Thế rồi Quỳnh nghe thấy  một giọng nữ hết sức dịu dàng:
- Trác là ai thế?
17.
Ban đầu, Quỳnh có thái độ cự tuyệt đối với Ưu Di. Bởi mới nhìn đã thấy Ưu Di không phải loại người Quỳnh ưa thích. Cô ta gầy yếu, đầu óc đơn giản, có vẻ ngây thơ sợ sệt. Tiếng nói của Ưu Di có một chút nũng nịu khiến Quỳnh nghĩ cô là một đứa bé thực sự. Quỳnh chẳng muốn nói gì với Ưu Di. Chỉ mượn cớ đau dạ dày không đi học được.
- Bạn bị đau dạ dày à? Ưu Di quả thực là một đứa trẻ ngây thơ, dường như không hề nhận thấy Quỳnh không ưa cô, tiếp tục hỏi han.
Quỳnh không trả lời, đứng dậy, ngồi lên giường. Cô không muốn mọi người thấy dáng vẻ đáng thương của cô khi ngồi trên sàn nhà.
- Nhưng mà trông bạn khoẻ mạnh lắm. Ưu Di nhìn thẳng vào Quỳnh. Lời cô ấy có thể không có ác ý, nhưng vẫn làm Quỳnh tổn thương. Quỳnh lườm cô ta một các chán ngán, tự nhủ sẽ chẳng bao giờ thèm để ý đến loại người như thế. Cô cầm cuốn tạp chí mang theo để ở đầu giường bắt đầu đọc.
Nhưng trong một tuần sau đó, Quỳnh có hai lần lại vì nhịn đói mà ăn điên cuồng vào sáng sớm, để rồi lại không đi học được. Ưu Di cũng hay trốn học, vì thế trong kí túc chỉ còn hai đứa. Quỳnh chưa bao giờ chủ động bắt chuyện, cô ta cũng không đếm xỉa đến Quỳnh. Cô ấy đọc sách, Quỳnh cũng đọc sách.
Ưu Di rất thích nghe nhạc pop, loại suốt ngày thấy lải nhải ngoài đường, thích các nữ ca sĩ giọng ngòn ngọt, dìu dịu, hát những bài ra điều sướt mướt. Quỳnh ghét loại bài hát đó. Chúng khiến cô nghĩ tới mẹ. Mạn rất thích bật những bài hát loại này trong phòng khách, rồi ngồi ườn ra sấy tóc hoặc bôi móng tay. Trong mắt Quỳnh, đây là biểu hiện đặc trưng của những cô gái thuộc đám người hưởng thụ, không theo đuổi một mục đích sâu sắc nào trong cuộc sống.
Ưu Di thích mặc quần áo màu nhạt. Vàng nhạt, hồng nhạt, xanh nhạt. Cô ta rất gầy, chỉ thấy đầu thật to, người khô đét, trông cô giống người chưa dậy thì. Ưu Di gầy tới nỗi đi lại cứ xiêu xiêu vẹo vẹo. Quỳnh còn nghi ngờ mấy cái áo mầu hồng hồng kia là quần áo trẻ em. Tóm lại, Ưu Di cho Quỳnh một cảm giác yếu ớt vô cùng. Quỳnh không nghĩ rằng cô ta có khả năng tư duy những vấn đề sâu xa, hoặc có thể giúp đỡ được người khác. Quỳnh càng không thể nghĩ, chính là cô gái thấp bé nhẹ cân yếu ớt ấy, lại trở thành một người rất quan trọng đối với mình!
Thời gian ấy, Quỳnh vẫn trong cuộc chiến tranh chống lại đồ ăn. Thường là vài ngày liền cô không ăn gì, ngoài một ít hoa quả. Để rồi hai ba ngày sau đó là một lần ăn bùng nổ. Cứ thế lặp đi lặp lại, Quỳnh bị dày vò đến kiệt sức, nhưng vẫn chẳng mảy may có biểu hiện xuống cân. Chỉ có tinh thần tiếp tục sa sút, đầu óc mụ mị chẳng nghĩ ngợi được gì. Ở trên lớp, cô không thể tập trung được, hễ nghĩ tới chú Dật Hán và Trác cô lại rơi nước mắt.
Một tuần trôi qua, Trác lần đầu đến thăm Quỳnh. Cậu ta mua sôcôla và bánh ngọt mà Quỳnh thích. Chúng được để trong một chiếc hộp xinh xắn màu hồng. Trên hộp buộc dây nơ màu trắng xanh. Cậu ta còn mang cho Quỳnh mấy cuốn tiểu thuyết mới nhất và tạp chí truyện cổ tích. Ngoài ra là một hộp bằng gỗ, nhưng bắt Quỳnh phải đợi cậu về rồi mới được mở ra xem. Trác nói bố cậu bận việc không đến được, nhờ Trác hỏi thăm hộ, Quỳnh hơi thất vọng gật gật đầu. Trác ngồi bên mép giường của Quỳnh, hỏi nhỏ:
- Chị nhỏ, chị thấy thế nào, có ổn không? Quỳnh nhìn Trác, cảm thấy cậu lại cao lớn thêm một chút. Năm nay, Trác cao lên vùn vụt, cái cổ gầy gầy đỡ lấy cái đầu to, có dáng vẻ của một đứa trẻ mất cân bằng dinh dưỡng. Quỳnh tiễn Trác ra cửa, quay lại thấy Ưu Di đang nhìn mình một cách nghiêm túc. Quỳnh cảm thấy thái độ của cô ấy thật buồn cười.
Quỳnh phớt lờ Ưu Di, một mình chạy một mạch xuống khu vườn cây phía Tây Bắc của trường. Cô lôi cái hộp gỗ ra khỏi túi, mở ra xem. Một tượng đầu người thạch cao, có khuôn mặt tròn tròn, để tóc dài, mắt hơi sâu, môi cong lên mang một nét cười kiêu hãnh. Trong hộp còn có một mảnh giấy màu xanh da trời. Quỳnh mở ra đọc:
Chị nhỏ, em bắt đầu học nặn tượng. Lần đầu học làm tượng đầu người, em mang ảnh của chị đi theo, nặn ra hình của chị. Tặng chị.
Trác.
Mắt Quỳnh lại nhoè đi, nhìn cái tượng nhỏ dưới ánh sáng trăng, nó đang lấp lánh. Trông cô thật cao quý, thật kiêu hãnh. Đó là Quỳnh hay sao? Quỳnh luôn mang theo mẩu tượng bên mình, cho đến một lần lỡ tay làm rơi vỡ. Khi Quỳnh nhặt lên nó đã vỡ ra, rời mất khúc cổ trở lên. Quỳnh lập tức nhớ lại ba Quỳnh đã mua cho cô tượng bột nặn. Chú chuột Mickey cũng bị mất đầu. Cả đến chúng cũng không thể vĩnh viễn ở bên Quỳnh, những số phận ở bên Quỳnh đều yểu mệnh thế!
Lần đầu Quỳnh nói chuyện với Ưu Di là một đêm mưa to trên sân tập. Quỳnh bắt đầu tập chạy, để có thể nhanh chóng giảm cân. Khoảng chín giờ tối, Quỳnh buông bài tập không làm nữa, cô xỏ giày thể thao rồi chạy ra sân vận động. Hết vòng này đến vòng khác, cho đến lúc thở không ra hơi, phải ngồi dựa trên một khúc cây. Mệt tới mức dường như không thể bước thêm dù một bước. Tiếp đó, cô ngồi như chết, bất động. Có lúc đôi mắt thẫn thờ bỗng chợt rơi lệ. Cô sợ mình đã tê dại đi, bỗng gào lên thật to. Giữa sân bãi mênh mông, cô như con sư tử phát điên. Bao nhiêu năm ức chế được cô giải phóng ra giữa nơi vắng vẻ. Buổi tối cuối tháng Chín đổ mưa rất to, nhưng Quỳnh tự bảo mình không được ngừng việc chạy bộ. Cô rất hiểu bản thân, nỗ lực động viên mình thực hiện công việc bằng tất cả sự cố gắng, không được ngắt quãng. Nếu giữa chừng bỗng ngừng lại hoặc thay đổi, cô sẽ đánh mất chút nghị lực hiếm hoi kia, và sẽ lại không tiếp tục đứng lên được nữa. Cũng như cuốn nhật kí bị cô xé nát đã lâu rồi, nhưng cô cũng đã lâu rồi không cầm bút viết nữa. Trong tim có một nỗi khủng hoảng về việc này, không thể tiếp tục nó một cách tự nhiên được nữa. Vì thế Quỳnh ra lệnh cho mình phải tiếp tục chạy, cho dù trời mưa. Quỳnh đội mưa chạy ra sân. Khi đến nơi, toàn thân đã ướt đẫm. Mưa làm mờ cả mắt cô, nhìn không rõ đường chạy phía trước, nhưng cô vẫn chạy. Cả không gian chỉ nghe thấy tiếng mưa rào rào, dội lên lá cây và đất bùn. Cây cối lắc lư nhè nhẹ phát ra những tiếng rền rĩ. Quỳnh cứ chạy, người cứ nặng dần, bước chạy ngày càng chậm. Bỗng nhiên cô nghe thấy tiếng gọi sau lưng:
- Này, này!
Quỳnh quay đầu lại, thì ra là Ưu Di. Cô ta đang giương ô đuổi theo Quỳnh. Quỳnh thấy Ưu Di thì hơi kinh ngạc, chạy chậm hơn nữa, đợi Ưu Di đuổi kịp.
- Mưa to thế này, còn chạy cái gì thế! Ưu Di cau mày nói với Quỳnh. Quỳnh biết có thể ngừng lại, nhưng nếu ngừng bây giờ thì nhiệm vụ hôm nay đã không hoàn thành. Ngày nào cũng phải cố hết sức để hoàn thành, cô mới cảm thấy yên tâm. Vì thế cô vẫn không dừng bước. Ưu Di vẫn cứ thế chạy đằng sau Quỳnh và gọi "này, này". Hai đứa cứ thế, một đứa chạy, một đứa đuổi theo, chạy luôn mấy vòng. Cuối cùng, Quỳnh kiệt sức dừng bước. Quay đầu lại nhìn, hóa ra Ưu Di vẫn bình thường, vẫn kêu "này, này" ngay đằng sau.
Quỳnh đứng yên nhìn Ưu Di, toàn thân cô bạn cũng ướt sũng, trong khi tay vẫn đang cầm chiếc ô. Chiếc áo màu ngó sen ướt dính vào người. Cô ta cũng đứng lại, giương ô lên cho Quỳnh. Tiếp đó, cô tuột giày ra khỏi chân, dốc ngược cho nước chảy ra. Cô lại đi giày vào rồi mới nói với Quỳnh:
- Người đâu mà khùng thế không biết! Mưa to thế này vẫn cứ muốn chạy. Bắt người ta đuổi theo quanh sân như thế này, ấy vui lắm hả? Quỳnh vẫn lẳng lặng. Ưu Di lại tiếp tục:
- Này, ấy nể mặt tôi chạy theo ấy lâu như thế, nói vài câu xem nào! Giọng Ưu Di hơi có vị chua chát.
Quỳnh động lòng, hỏi Ưu Di:
- Bạn theo tôi làm gì?
- Biết ấy chạy bộ lâu rồi, có mấy tối còn lén chạy theo xem nữa cơ. Nhưng hôm nay mưa to thế này. Này ấy, không thể nghỉ một hôm sao?
- Không muốn nghỉ.
- Ừ, cũng được. Ưu Di gật gù.
- Đi! Quỳnh nói.
- Này, mình thấy ấy chạy bộ tư thế không chuẩn, chạy như thế rất mệt, phải thế này này. Ưu Di nói rồi, lập tức nhét cái ô vào tay Quỳnh, làm tư thế chạy bộ lao về trước mấy bước. Quỳnh nhìn cô ta, chẳng nói chẳng rằng.
- Ấy đừng có mà không tin mình. Mình ở trong đội tuyển điền kinh hồi cấp hai. Động tác tuyệt đối đúng chuẩn. Ưu Di nói không giấu vẻ đắc ý.
- Thế à? Quỳnh ứng ra một câu, nghĩ tới lúc nãy cô ta chạy theo mình lâu thế, những xem ra vẫn rất ung dung. Ra là vậy.
- Sau này tớ sẽ chạy với ấy nhé? Tớ dạy ấy!
Quỳnh không trả lời, chỉ chầm chậm cùng Ưu Di đi về phòng.
Ngày hôm sau, Ưu Di bị cảm. Quỳnh đưa cho bạn mấy viên thuốc cảm. Cô lắc đầu, bảo chưa bao giờ uống thuốc, để mặc cơ thể chống đỡ hai hôm sẽ khỏi thôi.
Nhưng những điều đó không phải là nguyên nhân chính khiến họ trở nên thân thiết. Khi Quỳnh không ưa một ai đó, dường như không gì có thể khiến cô thay đổi. Nhưng có một hôm, Quỳnh ngẫu nhiên phát hiện ra, Ưu Di đang cầm trong tay cuốn sách của Tùng Vy. Cô ngạc nhiên quá đỗi. Quỳnh bước lại gần. Chỗ Ưu Di ngồi sát cửa sổ, bên ngoài đang là mưa giông, sét rạch từng đường trắng xoá xuống mặt đất, chiếu sáng những chi tiết trước đây Quỳnh chưa nhìn thấy. Mũi cô ấy lấm tấm tàn nhang, như những hạt bồ công anh đầy sức sống, vương ra trên da cô. Đó là dấu hiệu của những năng lượng chưa được mở ra. Trong ánh sáng u ám của căn phòng, da cô ấy bỗng thật tươi sáng. Đó là làn da xanh xanh. Quỳnh bất giác thấy đó như một mặt nước hồ phẳng lặng.
Có một cánh cửa đã mở ra! Quỳnh nghĩ bụng.
- Tôi cũng có cuốn sách này. Quỳnh nói nho nhỏ.
- Tùng Vy à? Cô ấy ngẩng lên, không tỏ ra ngạc nhiên mà chỉ nhẹ nhàng  đáp lại.
- Ừ, cuốn Ấm áp.
- Tùng Vy là nhà văn tớ thích nhất! Ưu Di nói ra đúng điều Quỳnh định nói, không sai một chữ.
- Còn cuốn Hoa móng tay mười sáu tuổi, bạn xem chưa?
-...
Câu chuyện bắt đầu từ đó. Hay là Ưu Di đúng là một nữ phù thuỷ, nhìn thấy được cái phần còn ấm áp của Quỳnh, nơi chưa kịp bị xơ cứng. Quỳnh nghĩ, cô cần một người bạn, cô phải có một người bạn, người bạn đầu tiên, sau bao nhiêu năm tháng như thế.
Từ đó, Quỳnh và Ưu Di cùng chạy bộ. Ưu Di nhanh nhẹn khéo léo, có lúc Quỳnh cảm thấy cô ấy giống một con nai nhỏ. Cô ấy quả thật là một đứa trẻ vô tư lự. Về tình cảm, Ưu Di rất hay dựa dẫm Quỳnh, nhưng rất sẵn sàng thay thế Quỳnh gánh vác mọi tâm sự của cô, biến thành những nỗi "riêng mang" của mình.
18.
Ưu Di là một cô gái kỳ lạ, thoạt trông đã thấy hết sức đơn giản, nói năng cũng giản dị, sách đọc cũng đơn giản. Nhưng với một sự việc rất phức tạp, cô lập tức hiểu ngay. Vì vậy về sau Quỳnh nghĩ Ưu Di thực ra là loại người cực kỳ quý hiếm trên thế gian này. Cô ấy có thể hiểu được mọi việc phức tạp sâu xa trong đời, nhưng hoàn toàn có thể không khiến chúng "trĩu nặng" lên mặt, không để chúng làm hỏng những ước mơ, hứng khởi về tương lai. Vì thế, Ưu Di lúc nào cũng vui tươi với mọi người. Thái độ sống "ngay ngắn" như vậy khiến Quỳnh mến mộ. Nhưng về sau nhớ lại những điều này Quỳnh chỉ càng thấy đau khổ. Khi Ưu Di đánh mất những đặc tính đáng quý đó, cuộc sống như ngọn đèn đã tắt với cô ấy. Đêm vô tận. Quỳnh lúc nào cũng nghĩ tới cụm từ này, cảm thấy lòng xót xa từng chập.
Khoảng một tháng sau, Quỳnh và Ưu Di mới trao đổi với nhau về chuyện riêng của mỗi đứa. Mẹ Ưu Di chết năm cô lên ba tuổi. Hai cha con nương tựa vào nhau. Ba cô là một ôcng nhân tận tuỵ, thu nhập rất thấp, chân bị tật vì nghề nghiệp. Từ cấp hai, Ưu Di làm thêm tự nuôi mình. Cô bưng bê trong tiệm giải khát, làm bánh ngọt.v.v...
- Đầu tiên mình tính tìm việc trong cửa hàng ăn uống, bởi vì nơi đó rất dễ no bụng. Cô nói, rồi kể làm thế nào ăn vụng bánh mì trong lò mà không để bị bắt.
Trong cuộc sống gian nan như vậy, Ưu Di chưa bao giờ đánh mất niềm tin cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Cô không thích đi học, bài tập làm rất kém. Nhưng cô vẫn tin một cách vô cớ rằng, sẽ có một ngày, các đấng bề trên sẽ chiếu cố tới cô. Cô sẽ đột nhiên có rất nhiều thứ. Với một niềm tin như vậy, cô không héo hắt buồn rầu, thậm chí khi trốn học cũng không thấy bứt rứt.
Thời niên thiếu của Ưu Di cũng có đói khát. Đói khát của cô chính là đọc sách. Cô rất cần sách. Quỳnh tin rằng đó là vì trong sách có quá nhiều những điều tốt đẹp, quá nhiều kì tích: Cô Lọ Lem sẽ gặp được bà tiên, sẽ được làm mới từ đầu đến chân, chiếc giày pha lê bị mất sẽ mang hoàng tử đến trước mặt Lọ Lem. Con vịt xấu xí lớn lên vô tư lự sẽ được biến thành thiên nga xinh đẹp. Nếu không may lấy phải con cóc ghẻ cũng không phải đau lòng, biết dâu ngày hôm sau lại là một chàng hoàng tử đang nằm bên cạnh, rồi nói với mình rằng chàng ta bị phù phép... Chính chúng đã mang lại cho Ưu Di sức mạnh vô tận. Ưu Di xem đủ loại sách báo, không bình phẩm theo kiểu tác phẩm văn học, chỉ đơn giản là ưa thích câu chuyện trong đó, thích những tình cảm nồng thắm ở trong đó. Ưu Di thường băn khoăn, những tình cảm nồng thắm ấy có thể tồn tại trong thực tế hay không? Bởi cô chưa bao giờ có được một tình yêu giống như vậy. Ưu Di đọc sách của tv cũng tầm khoảng thời gian với Quỳnh, chẳng qua nhờ có một vị khách đến quán để quên mà có. Cô ngồi bên vệ đường, đọc hết cuốn sách của Tùng Vy. Tùng Vy độc lập, và dám yêu quên mình, cô thật xứng đáng để đàn ông yêu thương. Ưu Di bị tình cảm trong sách làm cho xúc động ghê gớm. Từ đó Tùng Vy trở thành thần tượng của cô. Trong mắt Ưu Di, Tùng Vy hoàn hảo như một nữ thần. Cô ấy thật cao quý, thật hiểu biết, cởi mở, buồn, tốt bụng, thông minh, v.v... Cô ấy dường như có tất cả những nét đẹp vốn có của người phụ nữ.
Ưu Di thường mơ mộng xa, mơ thấy một ngày mình sẽ trở thành một người như Tùng Vy. Nhưng trong hiện thực, Ưu Di chỉ là một cô bé thấp nhỏ, chẳng có điểm nào xuất sắc. Cô tự so mình với Giên Êrơ. Những tình cảm mà cô có, đều là những nỗi niềm thầm kín không ai biết được. Cô luôn nghĩ rằng vẫn chưa đến lúc. Vì thế, cô bỏ lỡ hết lần này đến lần khác. Nhưng cô chưa bao giờ thất vọng, và luôn tin rằng hoàng tử của cô đang cưỡi trên con ngựa trắng trên đường đến với mình.
Hãy để chúng ta quên đi những chuyện không vui. Cuộc sống hôm qua cũng như chậu nước rửa mặt đã bẩn, thuận tay đổ nó đi thôi! Đó là câu danh ngôn của Ưu Di.
Đến lượt Quỳnh nói về chuyện của mình. Cô chợt tắc nghẹn. Mình viết cho bạn đọc nhé. Quỳnh bảo.
Vậy là Quỳnh lại cầm bút, sau khoảng ba tháng ngừng viết. Quỳnh đến hàng văn phòng phẩm cạnh trường tự nmua cho mình một cuốn sổ bìa da tươm tất. Cô viết suốt đêm không nghỉ, cảm giác như máy bay đang bay dần lên cao, suốt cả chặng đường không được phép dừng lại. Nhưng đó là một niềm vui chưa từng có, tựa như được lọt vào một bể nước ấm áp, không kìm được sải tay bơi lộ. Có gì đó tựa như một loại bản năng. Quỳnh ôm bàn viết suốt đêm. Ưu Di tỉnh giấc vài lần, vẫn thấy cô đang viết, mơ màng gọi cô đi ngủ. Đến sáng tỉnh dậy lần nữa, cô vẫn thấy Quỳnh đang ngồi trước bàn. Cuốn sổ đã lật qua không biết bao nhiêu trang.
- Trời ạ, ấy lấy đâu ra nhiều chuyện để nói thế! Ưu Di kinh ngạc thốt lên. Quỳnh đặt cuốn sổ vào tay Ưu Di, bỗng cảm thấy cả người như bị khoét rỗng, cảm giác như đã nôn hết ra cả lục phủ ngũ tạng.
Quỳnh thèm ngủ. Cô nặng nề đổ xuống giường. Lần này cũng giống khi lần đầu viết lên cuốn nhật ký màu hồng tím, sau khi tuôn trào hết thảy, Quỳnh lại ngủ hết sức an lành, không có ác mộng hoành hành. Cô còn mơ thấy những điều tốt đẹp. Cô mơ thấy chú Dật Hán đang tưới những cây dâu trong vườn. Quỳnh đứng sau lưng ông, rất gần, nhìn thấy ông cúi người, thấy những ngónt ay dài thon đang xách chiếc bình ông roa có vòi dài. Quỳnh bước tới, chạm vào lưng ông từ phía sau. Cộc cộc, cô dường như đang gõ vào cánh cửa trái tim ông. Dật Hán quay đầu nhìn Quỳnh.
Ông mở cửa cho cô, mời cô bước vào.
Quỳnh tỉnh dậy, thấy Ưu Di đang ngồi bên cạnh mình, mắt đỏ hoe.
- Đây đều là sự thật à? Ấy viết hay quá. Mình phát ghen với ấy. Cô nói giọng chua xót. Đó là lần duy nhất Ưu Di nói đến ghen tị. Ghen tị với Quỳnh.
Ưu Di nói, từ lần đầu tiên đọc Tùng Vy, được thấy một tấm gương tươi trẻ như thế, cô đã không chỉ một lần nghĩ tới việc viết văn. Nhưng cô tự biết mình không có năng khiếu, chỉ có thể trông vào điều kì diệu sẽ xảy ra. Đến chuyện hai đứa quen nhau, Ưu Di nghĩ rằng, trên thực tế đây chính là điều kì diệu mà cô đang đợi. Thượng Đế cho cô vinh dự đó, nhưng tư chất của cô quá kém, không thể biến ước mơ thành hiện thực. Thế nên, Ngài đã đưa cô gái tiềm tàng sức mạnh này đến bên cô, để Ưu Di góp sức, cuối cùng đưa cô ấy lên đỉnh vinh quang. Quỳnh rất lấy làm lạ, ngay trong khi cô đang rất khó khăn, Ưu Di đã tin chắc rất Quỳnh sẽ ngày một tiến lên, sẽ trở thành một nhân vật tên tuổi. Ban đầu, Quỳnh nghĩ đây chỉ là ước mơ chung chung của Ưu Di, cũng như cô ấy vẫn mơ ước điều kỳ diệu sẽ đến với cô ấy. Nhưng về sau, Quỳnh mới cảm thấy không hoàn toàn đơn giản như vậy, Ưu Di mong đợi sự thành công ở cô một cách rất mãnh liệt. Hơn nữa với Ưu Di, điều đó cũng quan trọng như sự thành công của chính cô ấy.
"Mình sẽ luôn luôn ở bên ấy, nhìn ấy từng bước từng bước đến với thành công. Yên tâm, mình sẽ không rời xa ấy đâu. Có rời xa cũng phải đợi sau khi ấy thành công đã". Đó là lời hứa của Ưu Di đối với Quỳnh năm cô mười bảy tuổi.
Trong một đời người, có thể hứa bao nhiêu lần, và có thể nhận bao nhiêu lời hứa? Về sau Quỳnh hiểu, những lời hứa ra ra vào vào, cũng như một trận đấu quần vợt tẻ nhạt. Mọi người đều không chuyên tâm. Có rất nhiều bóng đánh hỏng, không bay theo dự định ban đầu. Chỉ có Ưu Di, chỉ có cô ấy. Cô là một vận động viên tận tâm tận lực, cô nhất định bắt Quỳnh phải đón được quả bóng này, quả bóng đặc bay ra từ lời thề mười bảy tuổi của Ưu Di. Từ đó cuộc sống của Quỳnh thay đổi.
Từ lúc đó, Ưu Di toàn lực giúp Quỳnh "trở nên hoàn hảo hơn". Trước hết, cô quyết định giúp Quỳnh trị căn bệnh ăn cuồng. Cô giám sát Quỳnh cả ngày, không cho Quỳnh cơ hội vơ cả đống thức ăn. Cô cấp cho Quỳnh hoa quả và đồ ăn thiết yếu theo giờ. Nhưng khi Quỳnh lên cơn ăn, không thể nào kiềm chế được cảm xúc, Quỳnh đứng ngồi không yên, không ngừng túm lấy tóc mình, đập rơi những côn trùng bay trên bàn. Đến lúc ngồi không nổi nữa, cô đứng phắt dậy, xông ra cửa. Ưu Di theo sát Quỳnh, tóm cô cô, ra sức lôi cô đi về khu vườn phía tây bắc của trường. Nơi đó trở thành chốn kín đáo để họ canh giữ cô, khuyên giải cô, ôm lấy cô, an ủi cô, không ngừng, giúp cô vượt qua cơn khủng hoảng. Mỗi lần, Quỳnh đều trở nên rất dữ dội, khác hẳn với thái độ trầm lặng ngày thường. Họ buộc phải ra khu vườn đó, ở đó không có người khác. Không ai nhìn thấy Quỳnh thảm hại thế này. Chỉ có Ưu Di, dùng âm thanh lúc nào cũng tràn đầy hy vọng để nhắc nhở Quỳnh hoặc an ủi cô.
Một tháng sau, Quỳnh gầy đi năm ký. Hai đứa rất hân hoan. Ưu Di thưởng cho cô một mẩu sôcôla nhỏ như cái móng tay cái.
Nhưng rất nhanh, Quỳnh cảm thấy kiệt sức. Vận động nặng và ăn uống thiếu thốn khiến cô không kham nổi. Một hôm đang chạy bộ với Ưu Di, Ưu Di chạy phía trước, bỗng nghe thấy dằng sau một tiếng "uỳnh", quay lại đa thấy Quỳnh ngã lăn ra đất.
Hạ đường huyết. Quỳnh bị đưa vào truyền đạm trong trạm xá. Mở mắt ra, cô thấy Ưu Di đang ngồi khóc bên cạnh. Thấy Quỳnh tỉnh lại, cô vồ lấy Quỳnh, nhét vào tay công một viên kẹo trái cây:
- Ăn đi!
19.
Trác vẫn đến thăm Quỳnh mỗi tuần. Lục Dật Hán cũng đã đến, nhưng Quỳnh trốn, không chịu gặp ông. Quỳnh muốn mình chỉ gặp ông sau khi đã trở nên thật sự xinh đẹp. Còn trước đó, Quỳnh nhất định không để ông nhìn thấy mình. Lần đó Dật Hán và Trác cùng đến. Quỳnh ở trên cửa sổ tầng ba nhìn thấy xe của họ đỗ. Cô nhìn thấy ông bứoc ra, áo khoác màu xám không cài cúc, tà áo bay trong gió thật đẹp. Tay ông cầm một hộp quà rất đẹp, cùng với bánh ngọt, kẹo, sách. Họ đi song song tới phía kí túc xá của Quỳnh. Quỳnh cảm thấy ông có vẻ rất mệt mỏi, trong mắt ông như phủ bóng tối. Cô cứ thế nhìn ông, nước mắt giàn giụa. Cho đến khi bóng ông khuất vào trong cổng toà nhà, cô biết chẳng bao lâu ông sẽ gõ cửa phòng mình. Quỳnh gọi Ưu Di:
- Mau giấu mình đi, giấu mình đi!
Ưu Di nhìn cô gái trước mặt đang giàn giụa nước mắt nhưng vẫn mang sự lưu luyến không sao xoá được với người đàn ông kia.
Quỳnh trước sau không gặp Dật Hán, nhìn thấy ông đến, rồi lại đứng trước cửa sổ lặng lẽ nhìn ông đi xa. Cô buồn rầu gục bên bệ cửa, bỗng cảm thấy cuộc sống thật vô vọng. Cái sự "hoàn hảo hơn" của cô xem ra còn xa xôi lắm, nên cách biệt và chia li sẽ còn rất lâu.
Quỳnh viết lên nhật kí những lời tuyệt vọng. Ưu Di hay thích cướp lấy nhật kí của Quỳnh để xem. Cô là độc giả duy nhất, cũng là độc giả tốt nhất, bởi vì cô đọc rất chăm chú. Ưu Di xúc động về chuyện của Quỳnh giống như xúc động vì câu chuyện tình cảm của Tùng Vy. Cô xúc động với tình cảm Quỳnh dành cho chú Dật Hán. Nhưng Quỳnh chưa bao giờ nói với Ưu Di rằng nhân vật nam trong truyện của Tùng Vy và nhân vật nam trong truyện của mình thực ra chỉ là một...
"Ấy nhất định sẽ trở thành một nhà văn. Thật, nhất định thế". Ưu Di đã thốt lên như vậy khi xem nhật kí của Quỳnh. Thái độ lúc đó của cô không chút bông đùa. Cô nói xong, lại nhìn Quỳnh, dí mặt tới cười hì hì hỏi:
- Có muốn làm nhà văn không hả ấy?
- Có, nhà văn như Tùng Vy. Quỳnh gật đầu chắc nịch. Dù rằng đó là một giấc mơ xa xôi, nhưng cô vẫn hi vọng. Nghĩ tới cuốn nhật ký hồng tím trước đây, Trác đã cầm chặt nó và bảo nhất định sẽ in thành một cuốn sách. Điều đó với cô thật hấp dẫn.
Về sau, Quỳnh không ngừng viết những câu chuyện buồn buồn vui vui, dài dài ngắn ngắn. Chuyện về cá, về mèo, san hô, cầu vồng.v.v.. và cả tình yêu. Tình yêu như cây rong, lành lạnh cuốn lấy người, mà rất hó cầm chặt. Câu chuyện về ba và con búp bê nặn bằng bột của Quỳnh tự nhiên bị đăng trên một tờ báo nổi tiếng. Quỳnh nghĩ nhất định là Ưu Di làm chuyện này, nhưng cô chối phắt. Quỳnh rất đỗi yêu quý những câu chuyện tuôn chảy không ngừng dưới ngòi bút của mình, nhưng không biết phải làm gì với chúng. Quỳnh không biết phải làm sao mới là tốt với chúng. Kẹp chúng lại trong mỗi trang giấy, giống như những tiêu bản cô độc vĩnh viễn, hay là đưa chúng đến trước mặt thật nhiều người, để mọi người nhận xét. Vì thế, cô vẫn đang bối rối và cả hoài nghi, không biết chúng có hay thật sự hay không? Liệu có ai thích những câu chữ hỗn loạn của mình? Câu chuyện về ba và con búp bê bột bị đăng báo rồi, không ngờ còn tạo được dư luận. Các bạn trong lớp ngạc nhiên. Có bạn béo mập, luc snào cũng có vẻ âm thầm kia không ngờ lại biết viết truyện, giọng văn còn rất đẹp, và buồn. Tin đồn lan ra, còn có nam sinh lớp khác kéo đến trước cửa lớp để xem mặt tác giả. Nhưng Quỳnh nghĩ, họ nhất định rất thất vọng, bởi vì cô và văn của cô không có gì giống nhau cả.
Quỳnh đã làm cho họ phải thất vọng, nên cô cảm thấy có lỗi. Nhưng dẫu sao, đó vẫn thực sự là một bắt đầu kỳ diệu. Từ đó về sau, văn của Quỳnh luôn xuất hiện trên báo chí. Những dòng chữ mang trong mình nỗi sợ hãi, nỗi u buồn tiềm ẩn trong tim Quỳnh. Chúng như những bông tuyết nhỏ bay vào trong áo, khiến người đọc rùng mình.
Thời gian học cấp ba của Quỳnh trở nên bận rộn. Ngoài viết văn và giảm  béo, cô còn phải học hành thật nghiêm túc. Ban đầu điều đó có chút khó khăn, bởi vì cô vẫn thường đứng ngồi không yên, hết lần này đến lần khác nghĩ về chú Dật Hán và Trác. Cơn thèm ăn vẫn quấy rầy cô, khiến cô không thể chuyên tâm học hành, và còn thường làm mất của cô cả một buổi học sáng. Nhưng Ưu Di xuất hiện đã giúp cô đối mắt với cơn thèm ăn. Cho đến khi cô lại cầm bút, có thể viết một mạch trôi chảy. Bài vở cũng khá dần lên. Tâm lý cô nhờ có những hy vọng buộc phải kiên trì nỗ lực không ngừng nghỉ. Mọi sự quả thực đang nhích dần về phía trước khiến cô cũng dần dần yên ổn trở lại. Quỳnh rất thích toán và lịch sử. Cô thấy ở đấy biết bao nhiêu kiến thức mình chưa nắm được. Cô tranh thủ từng giây phút được "ở bên" chúng. Quỳnh còn đảm nhận việc giúp Ưu Di đọc sách, nên càng trở nên chuyên tâm. Ưu Di là một tên mặt mũi trơ dày. Cùng một kiến thức đó, cô bắt Quỳnh phải đích thân giảng giải mới chịu nghe. Còn thì vẫn bỏ học như thường.
"Ấy đáng yêu hơn cô giáo nhiều mà lị!" Ưu Di thường chớp chớp mắt nói với Quỳnh như vậy, ra điều một học sinh ngoan hiền. Quỳnh không thể phủ nhận, Ưu Di bé nhỏ thật giống một tiểu thần tiên.
Lớp 11, Quỳnh trở thành một học sinh xuất sắc. Ưu Di rất vui vì điều đó, cô nói:
- Ấy càng ngày càng gần với ước mơ rồi, có cảm thấy không?
Nhưng trong mắt Quỳnh, điều đó còn rất xa.
Quỳnh tham gia nhóm mỹ thuật, ban đầu cũng là vì Dật Hán. Lục Dật Hán luôn xem hội hoạ là một ngôn ngữ khác của cuộc sống. Ông vẫn luôn sử dụng loại ngôn ngữ này, rất thông thạo ngôn ngữ này. Vì vậy Quỳnh buộc phải hiểu nó, mới có thể giao lưu dễ dàng với chú Lục Dật Hán của mình. Quỳnh bắt đầu học vẽ. Đó là một việc hết sức khó khăn với Quỳnh, vì cô chẳng có chút kiến thức cơ bản nào. Cả đến vẽ chì đánh bóng đơn giản cô cũng gặp vất vả. Nhưng đây là việc cô tự nguyện làm, vì thế cô thấy thích. Bởi tình yêu.
Quỳnh mua bảng vẽ, bút lông đủ số từ nhỏ tới lớn, và nhiều ống màu. Cô thích ngồi vẽ một mình trên gò đồi nhỏ bên ngoài trường, trong những chiều nắng đậm màu. Thực ra vẽ đẹp hay xấu đối với cô không quan trọng, cô thích ngồi với những dụng cụ hội hoạ đáng yêu. Cô thích dùng ngón tay vuốt ve chúng. Dưới ánh nắng, chúng dường như không chỉ đơn giản là những công cụ để vẽ. Chúng như là những con vật biết chạy nhảy, đến từ một nơi xa xôi. Chúng chạy tới bên Quỳnh trong buổi chiều ngập tràn sức sống này, nũng nịu với Quỳnh, đòi Quỳnh vuốt ve. Quỳnh biết, chúng đến từ chú Dật Hán. Đó là mối liên hệ không thể nào cắt đứt được, mỗi lần Quỳnh vuốt ve chúng cô đều nghĩ tới bủôi chiều cô lẻn vào phòng vẽ của Dật Hán, thận trọng bước tới xem những bức sơn dầu còn đặt trên giá, chưa vẽ xong. Quỳnh nhặt mấy cây bút rơi trên nền, dùng ngón út chạm nhẹ vào màu sơn còn chưa khô trên đó. Tất cả thứ ấy là của chú Lục Dật Hán, vì thế chúng càng lấp lánh hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, tự vẽ được vẫn là một điều cực kỳ thú vị. Nửa năm sau, Quỳnh tặng Trác bức chân dung Trác, vẽ bằng chì, cũng để trong hộp, có mẩu giấy viết tựa như quà của Trác lần trước:
"Em Trác, chị bắt đầu học vẽ. Lần đầu học vẽ chân dung, chị dùng bức ảnh của Trác, vẽ chân dung. Tặng em.
Chị nhỏ".
Thực ra còn một bức nữa, vẽ người đàn ông mặc áo sơ mi ngắn tay màu xanh mềm mại, tay cầm bút vẽ, đang ngồi nghiêng nghiêng trong phòng vẽ, gió lay động tấm rèm cửa. Nhưng Quỳnh giấu nó dưới đáy thùng. Có thể vĩnh viễn sẽ không có cơ hội cho ông xem.
Quỳnh vẫn giữ thói quen đọc sách, đọc rất nhiều. Trường học mặc dù cũ kỹ, nhưng thư viện không nhỏ. Quỳnh thích ngửi mùi sách cũ, thỉnh thoảng cô lại bắt gặp trên trang sách những dòng tỏ tình ai đó gửi cho nhau. Đọc lên lại nghĩ ngợi, không biết bây giờ họ có ở bên nhau không? Quỳnh thường ngồi trước dãy bàn thư viên đọc sách. Mùa xuân có bươm bướm bay vào, vì trên cửa sổ đặt một chậu đỗ quyên. Hoa bồ công anh cũng hoà mình vào không khí đậm mùi hương của tháng ba, trông như những cánh bướm xinh xắn. Quỳnh nhìn ngắm một hồi, bỗng sực nghĩ ra, bèn chạy về phòng lôi Ưu Di đang ngủ say sưa dậy:
- Ưu Di, bọn mình đi trồng hoa!
Từ mùa xuân của năm lớp 11, Quỳnh và Ưu Di ra gò đồi phía ngoài trường để trồng hoa. Quỳnh coi đó là một môn nghệ thuật phải học tập, bởi vì đó là việc chú Dật Hán ưa thích. Đầu mùa, Dật Hán trồng dâu tây và phượng tiên. Cuối mùa xuân, trong vườn ngập tràn hương thơm và sắc màu của những bông hoa. Quỳnh thích nhìn Dật Hán bận rộn mỗi sáng sớm, tay áo xắn lên, đi đôi ủng cũ chắc chắn, trên mặt từng giọt mồ hôi to tướng đang thi nhau rơi xuống.
Ưu Di đương nhiên đồng ý. Mùa xuân năm ấy, hai đứa đã trồng rất nhiều hoa trên gò đồi: Hải Đường, Đỗ Quyên, Dâu Tây, Hướng Dương, và cả Trúc Đào. Chỉ có Hướng Dương sống sót. Mùa hè đến, những mảng màu vàng vàng rực rỡ, ken lẫn nhau không theo một trật tự nào hết. Quỳnh nhìn mà phát sầu. Cô hiểu ra rằng việc biến nơi đây thành nhà số 3 phố Đào Lý là vô vọng, nên sau đó cô cảm thấy chán chường vô vị, chỉ có Ưu Di vẫn thiết tha hăm hở kéo Quỳnh đi xem.
Ưu Di thích mấy trò bói toán vớ vẩn. Cô thạo bài Tarô, và những kiến thức về cầm tinh các chùm sao. Đương nhiên cô hay bói cho Quỳnh, có những lời đoán rất đáng kinh ngạc. Quỳnh chỉ cười, chẳng muốn tin. Nhiều năm sau, Quỳnh ngủ thiếp trên gò đồi ngát hương, mơ thấy Ưu Di đang chơi bài Tarô với mình. Ưu Di xem hết bài của cô, vừa định giải thích bỗng cổ họng như bị ai thắt chặt. Hai tay cô nắm lấy sợi dây ấy, thở gấp gáp, cố gắng nói ra bí mật tương lai của Quỳnh. Nhưng sợi dây càng thít càng chặt, mặt Ưu Di căng đỏ, rồi ngã dần xuống, miệng há ra, như vẫn đang cố gắng nói điều gì đó với Quỳnh.
Quỳnh tỉnh dậy mồ hôi nhễ nhại. Đó là nhiều năm về sau này. Quỳnh cố nhớ lại Ưu Di xem bói cho cô vẫn thường nói những gì. Cô không htể nhớ rõ, chỉ nhớ Ưu Di xem đi xem lại, bất giác thở dài ai oán:
"Có lẽ kiếp trước mình mắc nợ ấy, kiếp này phải trả. Ấy không cần phải băn khoăn chuyện giữa hai đứa mình. Nó tự có hướng đi của nó".
Nghĩ lại những câu ấy, Quỳnh không khỏi ngạc nhiên, đó là điều sâu sắc nhất mà Ưu Di đã nói. Nó mang sự buồn bã và uyên thâm không tương xứng với tuổi trẻ bấy giờ. Có thật Ưu Di đã nói như vậy không? Hay là giấc mơ về sau của Quỳnh? Quỳnh vĩnh viễn không bao giờ biết.