Chương 41- 45


Chương 20 - 23

20.
Học kỳ hai năm lớp 11, Quỳnh bắt đầu liên lạc bằng thư với Lục Dật Hán. Trước đó, ông nhiều lần tới thăm Quỳnh, nhưng cô vẫn không chịu gặp. Đó là sự "cầm cự gian khổ", mà ông có thể không biết. Mỗi lần, Quỳnh đều nước mắt lưng tròng đứng trên cửa sổ nhìn ông đến, từng bước từng bước lại gần mình cho đến lúc phải vội vàng đi trốn, rồi lại đứng nhìn ông bước ra xe, cho đến lúc bóng xe mờ khuất. Dĩ nhiên ông biết Quỳnh không muốn gặp mặt, dần thôi không đến nữa. Còn Trác tuần nào cũng đến, lần nào cũng có những túi quà to. Mấy đứa trong hòng hết sức ngưỡng mộ. Lần nào Trác cũng bảo ba gửi lời hỏi thăm chị, còn Quỳnh lơ đãng gật đầu, mặc dù trong lòng rất vương vấn.
Những đồ ăn ngọt, béo mà Trác mang đến đều được chuyển giao cho Ưu Di.
Trác và Quỳnh cũng thường xuyên trao đổi nhật ký. Hai đứa đều mua bút màu, vẽ những trái tim có cánh, những ngôi sao biết nhấp nháy mắt, và những lời trái tim man mác buồn. Chúng giúp cho hai đứa luôn thấy gần gũi thân thiết như không hề ở cách xa nhau. Bí mật nhỏ nhỏ ấy như dòng nước, len lỏi nhưng chảy thật dài, len qua thời trẻ trung của họ.
Vào kỳ nghỉ đông và nghỉ hè, Quỳnh cũng vẫn không chịu về nhà, tựa như đã dứt khoát giã biệt căn nhà đó, thấm thoát đã đến năm thứ hai. Quỳnh vẫn nhớ sinh nhật của Dật Hán vào tháng Chín. Năm ngoái đã bỏ lỡ, năm nay tới gần ngày đó Quỳnh không sao kìm được cảm giác nhớ nhung vốn đang bị cố sức xoá đi.
Cuối cùng cô vẫn quyết định gửi quà tặng cho ông. Ưu Di gợi ý Quỳnh gửi bức vẽ chân dung Dật Hán. Nhưng Quỳnh sợ món quà có ý tứ quá rõ rệt, và gởi gắm quá nhiều tình cảm bên trong. Cô chụp ảnh những bông hướng dương đã trồng, dán vào bên trong một cái hộp gỗ và gửi cho ông. Kèm vào đấy là một lời chúc ngắn ngủi không hé lộ chút tình cảm nào:
"Đây là hoa cháu trồng, không ngờ chúng mọc tốt đến vậy.
Chúc Mừng Sinh Nhật Chú.
Bé Quỳnh"
Quỳnh bất ngờ khi Dật Hán lập tức viết thư trả lời, cũng rất ngắn gọn:
"Chú cũng trồng hoa hướng dương trong vườn. Mình sẽ thi nhau, xem hoa của ai mọc tốt hơn. Trác vẫn nói với chú là cháu rất ổn. Đó là điều làm chú yên tâm nhất.
Chú rất thích món quà, cảm ơn cháu.
Chú Dật Hán"
Quỳnh nhận được thư Dật Hán mừng vô cùng. Cô lôi Ưu Di cùng đi xem hoa hướng dương. Ưu Di lạ sao bỗng dưng Quỳnh lại quan tâm đặc biệt tới những bông hoa đã bị quên lãng ấy.
Về sau, họ thường xuyên liên lạc bằng thư, đều rất ngắn gọn. Những chuyện vụn vặt, tình hình hoa hướng dương, những cuốn sách mới đọc, những bộ tranh mới xem. Nhưng chúng đủ khiến Quỳnh thoả mãn. Cô trở nên hoạt bát năng động hơn. Quỳnh nghĩ, những cố gắng của mình quả là có ý nghĩa. Chúng giúp cô và chú Dật Hán trở nên gần gũi hơn.
Sẽ ngày một gần hơn nữa, cho đến lúc Quỳnh lại được ở bên cạnh chú. Quỳnh tin như vậy.
Mỗi tuần Trác đến thăm đều nhìn Quỳnh bằng con mắt ngạc nhiên. Cậu trợn mắt nhìn Quỳnh bảo: Chị nhỏ, chị lại gầy đi rồi. Quỳnh chỉ cười không nói. Trác rất ít kể chuyện ở nhà, họ ngồi như vậy, cũng không cảm thấy cần phải nói gì. Họ đã quá quen thuộc đối với nhau. Có lúc đang ngồi vậy, Quỳnh bỗng hốt hoảng nhớ lại việc hai đứa làm khi đang ngồi xem phim trên ghế bành ở nhà. Lúc đó cậu ta vẫn còn là một đứa trẻ, tóc mềm mềm, tay chân nhỏ nhắn như không có xương, thích hai tay ôm lấy vai một cách cô đơn. Có lúc ôm ngực vì bệnh tim hoành hành. Bây giờ Trác đã lớn lên nhiều, đã có chủ kiến, nhưng vẫn ít nói, lắng nghe nhiều. Quỳnh thì đang mong Trác nói nhiều hơn, kể cho cô nghe về cuộc sống của cậu. Cả hai đều ở trạng thái chờ đợi, tiêu hao thời gian một cách chậm rãi. Trạng thái đó giống như một cơn mưa nhỏ nhưng dày đặc. Cả không gian là âm thanh rì rào, khiến người ta cảm thấy dễ chịu, chìm đắm trong lặng lẽ.
Thời gian đó Quỳnh rất bận rộn, đầy ắp việc phải làm. Học tập, chạy bộ, đọc sách, vẽ tranh, thậm chí trồng hoa. Đương nhiên còn có cả việc viết thư và nhớ nhung. Quỳnh không để cho mình dừng lại dù một phút. Cô biết rõ nếu dừng lại, lập tức thấy lòng trống rỗng ghê gớm, trong khi những hy vọng của cô vẫn mỏng như không khí trên cao nguyên Tây Tạng. Tình hình đó thật tệ, vì nó làm Quỳnh rất dễ rơi vào tình trạng ăn cuồng vô độ như trước. Điều đó sẽ đồng nghĩa với đổ hết bao công sức xuống sông. Ưu Di hết lòng phối hợp với Quỳnh, chẳng bao igờ ăn gì trước mặt Quỳnh. Lý do của cô là cái tướng ăn của mình quá xấu, khiến người không đói cũng cảm thấy đói. Cô biết, Quỳnh lúc nào cũng đói cồn cào nhưng nghiến răng chịu đựng. Lúc dạ dày đau cô cũng chỉ tỏ ra thất thần đôi chút, kỳ thực trong ruột đang muốn lộn nhào, còn đứa trẻ ám vào Quỳnh đang gào khóc từng chặp cũng bị Quỳnh ra sức kìm chế. Mỗi lần như vậy, Ưu Di lại xoa đầu Quỳnh và nói với cô như đang dỗ trẻ:
- Khi nào ấy muốn ăn, ấy cứ việc nghĩ rằng, mấy thứ đó có Ưu Di chịu trách nhiệm ăn giúp rồi. Dù sao thì ấy với mình thân nhau đến thế - tuy hai mà một. Ấy ăn hay mình ăn thì có gì khác nhau!
Trong sự giày vò của cơn đói và sự an ủi của Ưu Di, trong nỗi nhớ về Dật Hán và sự mong đợi Trác đến mỗi tuần, trong sự cố gắng và đợi chờ dài dằng dặc cái ngày mình có thể "hoàn hảo hơn", bên trong người Quỳnh đang xảy ra sự thay đổi âm thầm. Sự thay đổi đó rất chậm, khiến cho người ở sát bên Quỳnh là Ưu Di cũng không kịp phát hiện.
Một ngày chủ nhật mùa thu năm lớp 12, Quỳnh và Ưu Di rủ nhau vào trung tâm thành phố chơi. Họ dạo phố, nhìn ngắm các cửa hiệu. Quỳnh rất ít khi ra phố bởi cô vốn sợ đám đông. Đám đông thường làm cô nhớ lại hồi học tiểu học, những đứa trẻ vây tròn lấy cô, châm chọc trêu ghẹo cô một cách ác ý. Lên cấp III mọi việc có khá hơn. Các bạn trong lớp đối với cô tương đối hoà nhã, các cô bạn cùng phòng cũng rất nhẹ nhàng, hơn nữa lại có Ưu Di bầu bạn. Thực ra Quỳnh gần như chỉ sống trong một thế giới nhỏ chỉ có hai đứa. Thế giới nhỏ đó cũng chỉ là trường học và gò đồi phía bên ngoài. Bây giờ, Quỳnh đang bước ra một thế giới lớn hơn, trong lòng chợt cảm thấy bất an. Trước nay cô luôn từ chối đi xem những cửa hiệu quần áo và trang sức dành cho nữ giới, mặc dù rất thích.
Chiều hôm đó, Ưu Di nhất quyết kéo Quỳnh đi dạo phố. Cô bảo Quỳnh, những nơi ấy chẳng có gì đáng sợ, ấy đi rồi sẽ thấy. Ấy sẽ thấy vui mới đúng. Ở một hiệu bán váy áo, Quỳnh nhìn thấy một chiếc áo trắng, bên ngoài lồng một chiếc áo sợi màu hồng để lộ cổ áo nhọn màu trắng thêu hoa, bên dưới là chiếc váy xanh biếc đến đầu gối. Chiếc váy rất đơn giản, mềm mại, hai bên còn có hai chiếc túi. Bộ váy áo treo trên tường, phải ngửng đầu lên mới nhìn thấy. Niềm đam mê thích thú với những vật đẹp đẽ vốn bị ức chế quá lâu cuối cùng đã không nén lại được nữa. Quỳnh không rời ra được, cứ thế ngắm nghía bộ váy áo. Ưu Di trông thấy, bảo Quỳnh: "Ấy thử xem!".
Quỳnh hoảng hốt lắc đầu:
- Mình mặc không được đâu. Thôi đừng. Quỳnh quay người định đi. Đó là cách tự bảo vệ của Quỳnh. Bất kỳ việc gì cũng có thể làm cô bị tổn thương, chẳng hạn như bộ váy áo đáng yêu kia. Nhưng Ưu Di đã tóm lấy Quỳnh:
- Sao lại mặc không được, ấy không còn mập nữa, thử đi! Quỳnh vẫn muốn đi, nhưng Ưu Di vẫn túm chặt không thả, nhanh nhảu yêu cầu chủ hiệu:
- Chị ơi, cho em xem bộ kia.
Ưu Di đẩy cả Quỳnh lẫn áo váy vào trong buồng thử. Quỳnh cầm bộ váy, đứng lặng ở trong đó. Chúng mát rượi, nhẹ nhàng, trơn tru như những lời an ủi nhã nhặn. Cuối cùng Quỳnh cũng mặc chúng lên người. Cô kinh ngạc vì chúng rất vừa vặn với mình. Cô dừng lại trước cửa vài giây rồi lấy hết dũng cảm bước ra ngoài.
Ưu Di đang xem mấy bộ quần áo khác, vừa thấy Quỳnh ra bèn quay sang. Mắt cô trợn tròn, nhìn chằm chặp vào Quỳnh, ánh mắt đầy ắp ngạc nhiên vui sướng. Cô chạy vụt tới kêu lên:
- Trời ơi!
Quỳnh vội vã hỏi:
- Sao thế, chật quá phải không? Phải không? Quỳnh như đang hoảng sợ, quay người định chui vào phòng thử quần áo. Ưu Di giữ cô lại, cười:
- Chật cái gì, đẹp chết đi được. Tuyệt diệu! Ưu Di không kìm được kêu lên. Các cô gái đang chọn quần áo trong hiệu đều phải quay lại nhìn. Ưu Di kéo Quỳnh tới trước gương, để cô tự ngắm mình.
Trong gương là một cô gái có khuôn mặt rất trắng, đôi mắt to và tròn, hàng mi đen rợp. Đôi môi đầy đặn đang hé mở. Chiếc cúc đầu tiên của áo không cài, để lộ chiếc cổ thon dài. Chiếc áo sợi bó sát người, có thể nhìn rõ eo. Đôi chân nhanh nhẹn và sống động, không hề lồi lõm. Đầu cô gái buộc tóc đuôi gà, hai tay ngoắc vào nhau thả phía trước, hơi có vẻ sợ hãi.
Cô gái này chính là Quỳnh sao? Khuôn mặt trong gương chính là Quỳnh sao? Gương có biết nói dối không?
Đã bao lâu rồi, Quỳnh không đứng trước gương. Đó là khuôn mặt bị cô bỏ qua. Hoặc có thể nói, tiềm thức bảo cô phải bỏ qua. Nó như một vết thương nhầy nhụa máu bị dính vào lớp băng dày phía bên ngoài, không được chạm đến, không được mở ra. Nhưng hôm nay, cô lại nhìn thấy nó. Làm sao nó có thể lành lặn lại được? Lành lặn vượt quá sức tưởng tượng của mình, khiến cô thấy kinh ngạc.
Đó là khuôn mặt Quỳnh, đó là cơ thể Quỳnh. Chúng khiến Quỳnh nhớ tới những bông hoa không tên tình cờ gặp trên núi lúc đầu xuân. Vẻ đẹp khiến người ta thấy ngỡ ngàng nhưng không thể dùng lời để lột tả. Đây là lần đầu sau bao nhiêu năm Quỳnh không mặc váy đầm. Cô chẳng hề có váy đầm cho mình, thấy điều đó quá xa xỉ. Cô đã ngỡ rằng đời kiếp này, mình  luôn phải giấu đôi chân thô nặng của mình dưới hai ống quần. Quỳnh cảm thấy chúng đang hít thở thật sâu bầu không khí tươi mát.
"Khổ thân chúng mày". Quỳnh khẽ nói với chúng, trong lòng gợn lên nỗi xót xa, nước mắt chực rơi xuống. Cô hy vọng mình có thể cứng rắn hơn, nhưng không kìm được nữa. Cô tiếp tục ngắm, rồi lại bật cười. Mắt cô không muốn rời, ra sức ghi nhớ hình ảnh đẹp đẽ ấy.
Quỳnh mua bộ váy áo đó. Ưu Di nói cô đừng thay ra nữa, cứ mặc nguyên thế. "Bộ kia của ấy khó coi lắm, như thế này ấy đẹp hơn nhiều".
Thế là Quỳnh mặc bộ y phục mới, đi dạo trên phố phường trung tâm. Cô cảm thấy mình đứng thẳng hơn trước đây, bước đi cũng nhẹ nhàng hơn, mỗi bước đều gọn gàng thanh thoát, như một cô gái tao nhã. Ưu Di đi bên cạnh cô, thỉnh thoảng lại liếc sang Quỳnh. Cô nhìn ngắm rồi lặp đi lặp lại:
- Ấy đã thay đổi nhiều quá, ấy xinh thật đấy!
...
- Quỳnh ơi, ấy không biết là bây giờ ấy xinh như thế nào.
Sự chân thành khiến Quỳnh xúc động. Cô nhỏ nhẹ hỏi Ưu Di:
- Mình xinh thật à?
- Còn phải nói! Xinh chết đi được. Sau này không mặc mấy chiếc áo phông thùng thình nữa.
Ưu Di nắm tay Quỳnh, hai đứa chạy trên đường lớn. Tóc Quỳnh xoã tung, chúng đã rất dài, đen óng, thoang thoảng mùi thơm thảo mộc, từng sợi từng sợi bay trong gió. Gấu váy cọ nhẹ trên chân cô, phát ra những âm thanh khe khẽ, thân thiết. Gió mùa thu trong xanh thổi vào bên trong, vuốt ve đôi chân cô, tựa hồ cô là đứa trẻ thất lạc lâu ngày của gió.
Quỳnh muốn nói với Ưu Di về cảm giác muốn bay lượn của mình, một cảm giác chưa từng có. Đúng, cảm thấy như mình đã bắt đầu bay lên rồi, qua những đám mây, càng bay càng cao. Ưu Di ơi, mình cảm thấy tất cả những điều tốt đẹp đang đến gần. Mình muốn nói về những điều đẹp đẽ, mình đã cảm nhận được chúng rồi, chúng đang bay tới với mình qua những tầng mây. Mình cảm thấy sắp sửa chạm tới chúng.
Hôm đó hai đứa mua rất nhiều, rất nhiều quần áo. Từ nhỏ tới lớn, cô chưa từng có ngày nào như ngày hôm đó, hứng thú với áo quần đến thế. Có trời mới biết niềm yêu thích những sắc màu tươi tắn ấy lớn đến nhường nào. Niềm yêu thích đó thực ra luôn ở trong cô, như một nguyên tố luôn có trong máu. Cô vẫn luôn yêu các sắc màu, yêu cảm giác khi thưởng thức nghệ thuật bằng thị giác. Nhưng cô đã phải ức chế bản thân, bởi vì bản thân quá cách xa cái đẹp. Xa đến mức không dám nghĩ tới và không thể theo đuổi.
Đột nhiên, Quỳnh có biết bao nhiêu là váy. Màu hồng, màu tím, màu đậm, màu nhạt, màu xanh, màu lục, váy trơn, váy xếp li.v.v... Quỳnh giặt chúng xong phơi lên ban công, đầy một hàng, tựa như một hàng cờ nhỏ được kéo lên trong tiếng kèn. Quỳnh chưa bao giờ cảm thấy yêu chính mình đến thế
21.
Những thay đổi này đối với Quỳnh giống như những bông tuyết lặng lẽ rơi trên cửa sổ trong đêm đông. Cô ngủ say trong căn phòng kéo rèm che kín, chẳng hay biết gì về sự biến đổi trên. Thtế rồi vào buổi sớm không khí rất đỗi trong lành, Quỳnh kéo rèm cửa ra, thế giới bên ngoài kia đã hoàn toàn khác. Chúng đột ngột, nhưng thân thiện, bày ra trước mắt Quỳnh. Chúng mời gọi cô bước ra, mời cô ném mình vào, cảm thụ chúng.
Phải, Quỳnh đã hoàn toàn khác trước. Thứ Hai, khi Quỳnh mặc bộ váy áo ấy bước vào lớp, cũng có thể nói, từ sớm hơn, vào buổi sáng, khi Quỳnh mặc chúng lên mình, tự tết cho mình hai đuôi tóc nhỏ, các bạn trong phòng trừ Ưu Di phải sững sờ nhìn mình, Quỳnh cảm thấy, tất cả thật sự đã thay đổi.
Mọi người đều nhìn Quỳnh, họ thấy những bộ quần áo mới cô mặc, họ nhìn thấy đôi bím tóc nhỏ cô tự tết cho mình, họ còn nhìn thấy ở cô nụ cười xinh tươi chưa từng gặp. Quỳnh vẫn chưa quen với những ánh mắt như vậy, cô đi lại với vẻ hơi ngượng ngùng, đầu hơi cúi, ánh mắt lấp lánh. Nhưng cô cảm thấy thật tuyệt, các bạn gái trong lớp không khỏi ngưỡng mộ cô.
Cô học hành rất tốt, điểm thi luôn xếp hàng đầu, đặc biệt là môn toán, lúc nào cũng xếp nhất. Cô biết viết văn, bài của cô đăng trên báo trường, luôn gây được những xôn xao nho nhỏ. Cô còn biết vẽ, những bức tranh bột màu rực rỡ của cô đã được mang đi thi triển lãm mỹ thuật học sinh toàn thành phố. Trước, cô luôn mặc những chiếc áo phông trung tính, quần rộng thùng thình, tóc thả sau lưng. Nhưng bây giờ cô đã khác hẳn. Cô mặc váy đầm, bước những bước hơi bối rối vì xấu hổ, dáng vẻ của một cô gái xinh đẹp và đáng yêu.
Nhưng họ không hề biết. Hai năm qua Quỳnh không có một bữa ăn no. Hằng đêm cô ngủ không ngon vì đói khát. Cô ngồi một cách bình thản trong lớp, thực ra trong lòng không lúc nào quên ước ao có một chút gì để ăn cho bớt đói lòng, dẫu đó chỉ là một trái táo xanh hay một mẩu bánh mì khô khốc. Họ không hề biết rằng, mỗi tối bất luận mệt đến đâu, cô vẫn đúng giờ ra sân chạy bộ. Cô không bao giờ cho mình một lý do bất kỳ để ngừng nghỉ. Lần nào cô cũng chạy tới lúc mồ hôi ròng ròng đẫm lưng, bất kể đông lạnh, hè nóng. Chân cô đã từng bị rộp bỏng, rồi khỏi, rồi lại rộp, tự chúng dần dần lành lại. Họ không biết, cô ngồi trước bàn làm bài tập, trong đầu không thôi cảnh cáo mình không được xao lãng dù một phút. Cô đặt ra nhiều kiểu tự trừng phạt. Bắt mình phải thực hiện. Họ cũng không biết, những dòng chữ lay động lòng người kia được viết trong đêm khuya. Cô thường xuyên chỉ ngủ ba tiếng, dùng một nửa của đêm để viết, cho đến khi tay nhấc không lên, cô vẫn chưa chịu đi ngủ. Có hôm viết tới lúc cảm thấy khó chịu hết mức, cô lặng lẽ khóc một mình. Cô không thể khóc to, sợ các bạn thức giấc. Họ dĩ nhiên càng không biết cô đến từ một gia đình như thế nào, cô có những ký ức đau khổ như thế nào? Họ không biết tình yêu trước sau không hề thay đổi cô dành cho ai.
Những điều đó đều lắng sâu trong đáy lòng Quỳnh. Cô giờ đây đã biết cần chôn chặt chúng xuống đáy lòng. Mọi người hồ hởi cho cô mượn sách mới, đĩa CD nhạc hay, thậm chí giúp cô chụp ảnh dưới hoa anh đào. Bắt đầu có người viết thư tỏ tình với cô, gấp cẩn thận và nhét vào hộc bàn của cô. Có người mời cô đi xem phim, đứng đợi cô ở cổng rạp với những cốc kem màu hồng. Có người tặng cô những đồ trang sức nho nhỏ, tặng cô chiếc nhẫn sáng lấp lánh, chứa đựng tình yêu thấp thỏm. Nhưng tất cả đều không khiến Quỳnh động tâm. Những điều họ làm, đối với Quỳnh như những màn biểu diễn vô thưởng vô phạt. Quỳnh lặng lẽ xem, hoặc căn bản không hề xem. Trước sau cô vẫn ở nguyên tại vị trí của mình. Không ai khiến cho cô đứng dậy, thậm chí nhúc nhích một li.
Trác đến thăm Quỳnh, lần này rất khác. Cậu nhìn thấy cô gái mặc đầm trước mắt. Cô ấy cúi đầu, hai bàn chân hơi chếch vào nhau. Cậu không dám tin đây chính là chị nhỏ của mình. Đây đúng là chị nhỏ thân thuộc của mình hay sao? Chị mặc đầm, tết tóc khiến cậu không sao nhận ra. Thay đổi này chẳng khác đêm đen tịch mịch bỗng cháy sáng rực trời. Cậu thấy vui quá đỗi. Khi Trác từ từ bước tới, nho nhỏ nói với Quỳnh:
- Chị nhỏ, chị đẹp thật! Cô cảm thấy vui tràn trề.
Quỳnh yêu cầu Trác đừng kể với Dật Hán về sự thay đổi của cô, nói muốn cho ông ngạc nhiên.
Thời gian cuối của tuổi cấp ba thật ra vui tươi vào thoả chí. Sự thay đổi đã mang lại cho Quỳnh rất nhiều sự chú ý và tán tụng. Chúng biến Quỳnh thành con chim nhỏ, đem Quỳnh bay lên bầu trời cao. Trong lòng cô đầy ắp sự mong đợi, mong đợi mình mau chóng trưởng thành, mong đợi cuộc sống mau chóng sang trang mới, để cô được trở về với chú Dật Hán.
Bất ngờ nhất có lẽ là cô còn tham gia cả đội vũ đạo. Đó là ước mơ lớn của cô, cô nhất định phải biết múa. Múa là sở trường của Mạn. Muốn đánh bại thực sự cô ta, đó là điều không thể thiếu. Có thể không thật điêu luyện, nhưng ít nhất cũng phải có được động tác thanh thoát, tao nhã. Khi đứng trước gương của phòng tập múa, bắt đầu xoay vòng như con thiên nga kiêu hãnh, trong đầu Quỳnh luôn hiện ra hình ảnh của mẹ. Quỳnh còn nhớ cái cổ đẹp của mẹ, nhớ cái eo nhỏ và đôi chân thon dài. Quỳnh nhìn mình trong gương, cảm thấy bản thân đang ngày một đuổi gần kịp Mạn. Một sự biến đổi đáng để mong đợi.
Mẹ, tôi sắp trở về. Quỳnh nói khẽ trong đêm khuya, như một sự tuyên chiến, nhưng cũng giống như một lời than buồn bã.
22.
Trước kỳ thi đại học hai tháng, tất cả trở nên căng thẳng khẩn trương. Nhà trường đóng cửa, không cho ai vào thăm. Quỳnh không gặp được ai, kể cả Trác. Mọi người cắm đầu vào học, ôm giấc mơ cuộc sống trong trường đại học và ra sức phấn đấu. Quỳnh quyết định thi vào trường S. Bởi đó là trường chú Dật Hán đã học, cũng bởi vì đó là ngôi trường đầy chất nghệ thuật. Quỳnh đăng ký khoa văn ở đó. Nghĩ tới sắp được đến học ở trường cũ của chú Dật Hán, cô cảm thấy phấn chấn.
Nhưng thời gian đó, tâm lý của Ưu Di lại không tốt. Cô biết mình học kém, trường S thì chắc chắn không vào nổi. Nghĩ tới sắp phải chia tay Quỳnh, cô buồn:
- Quỳnh ơi, mình biết ấy sau này nhất định sẽ là một người nổi tiếng, không biết khi đó ấy còn nhớ mình không?
- Cái gì mà nhớ không nhớ? Bọn mình phải ở bên nhau, vĩnh viễn không chia lìa. Quỳnh nói.
- Mình chẳng có gì đặc biệt. Chẳng qua là gặp nhau khi ấy đang khốn khó. Sau này ấy sẽ có nhiều bạn bè, lúc đó mình sẽ ra đi.
Quỳnh vẫn luôn nhớ lời nói của Ưu Di vào lúc xuân hạ giao mùa ấy. Về sau nhớ lại ánh mắt lấp lánh của Ưu Di khi nói vậy, Quỳnh nghĩ cô ấy thực sự là một phù thuỷ biết trước tương lai.
Mùa hè nóng nực đến cùng đợt thi đại học khốc liệt. Quỳnh cảm nhận từng cơn bổi hổi pha lẫn rạo rực. Cô tự nhủ, mình sắp trở về. Nhưng thi xong, Quỳnh vẫn chưa về nhà mà ở lại trường, khắc khoải chờ đợi kết quả thi. Cô thậm chí không hề nghĩ rằng mình sẽ thi hỏng. Không hiểu vì cớ gì, cô tin chắc rằng mình đã bước lên con đường ngày một tươi đẹp hơn, đã có tư thế để cất cánh. Và sự thật đã chứng minh điều đó. Quỳnh thi đỗ vào trường đại học S.
Ưu Di không ngạc nhiên hay buồn bã cho lắm về sự trượt đại học của mình. Cô bảo rằng điều đó với cô không hề quan trọng. Cô chỉ muốn Quỳnh luôn nhớ, luôn sát cánh cùng cô là đủ.
"Ấy vĩnh viễn không được quên mình đấy!" Ưu Di nhấn mạnh. Lần này Quỳnh không cười nữa, cô nhìn Ưu Di một cách trang trọng. Cô biết Ưu Di thật đáng quý, có ân tình sâu nặng với mình. Quỳnh nghĩ dù thế nào chăng nữa, cả cuộc đời này sẽ không bao giờ xa Ưu Di.
Cuối cùng đã đến lúc trở về, đến lúc gặp ông, đến lúc tìm lại tình yêu của ông. Sớm hôm ấy, Quỳnh lại đứng trước tấm kính màu nâu ở khu nhà văn phòng. Tấm kính đó có ý nghĩa khác thường đối với Quỳnh. Cô vẫn còn nhớ lần đầu tiên cô đến nơi này, nó đã làm cô chấn động tâm can, dường như nó đã đưa Quỳnh đến hang cùng của tuyệt vọng. Nhưng cũng chính vì đã đứng ở nơi đây, Quỳnh đã ra lệnh cho gương mặt trong kính phải hoàn hảo hơn lên. Những giây phút đó tưởng như đã ở một thế giới khác.
Quỳnh chuẩn bị lên đường, bỗng cảm thấy bối rối. Cô phân vân chọn quần áo để mặc. Phải ăn mặc thế nào khi ra mắt Dật Hán lần này? Ưu Di à Ưu Di, bạn bảo mình nên mặc áo gì đây? Tóc mình để kiểu gì?
Buổi chiều, hai đứa bày tất cả áo quần ra giường, thẩm duyệt từng chiếc một. Quỳnh định chọn màu sắc lạnh một chút, mang lại cảm giác bình tĩnh. Vì thế cô chọn một chiếc sơ mi màu tím sẫm. Trên nền áo là những hoa văn chìm - hình những bông hồng. Cổ áo đứng, miệng cổ và tay áo đều có voan. Lớp voan mềm rũ ôm lấy áo như những sợi tơ kẹo bông. Chiếc áo thắt eo, mặc vào như công chúa nước Pháp. Quỳnh mặc nó với chiếc đầm lửng bằng lụa có muôn vàn sợi tơ màu bạc và nhiều giải lụa khâu rút ở phía trên, thả xuống những vòng cung mềm, mang phong cách Trung thế kỷ. Quỳnh chọn đôi tất ngắn màu trắng xanh có diềm ren cùng màu, đi với đôi giày đen mũi tròn. Đôi giày được đánh bóng loáng, phản chiếu ánh sáng lấp lánh. Ưu Di giúp Quỳnh buộc tóc. Cô rẽ phần tóc ngoài ra hai bên, tết thành những bím tóc mảnh rồi thả ra sau lưng lẫn trên nền tóc bên dưới rồi dùng cặp tóc có nơ hình bướm cố định chúng lại. Quỳnh đứng trước gương. Cô gái trong gương ăn mặc xinh đẹp, phảng phất hương vị của thời gian xa xôi. Trông hơi buồn cười. Nhưng cô quả thật là xinh đẹp. Áo váy, giày, tóc đều dệt nên một lớp ngoài sang trọng. Cô đã hoá thân thành một cô gái đủ sức đóng vai một công chúa quý tộc. Quỳnh nắm chặt nếp váy, như sợ tất cả chúng bỗng biến mất.
Ưu Di đánh phấn màu tường vi nhàn nhạt và son môi không màu cho Quỳnh. Cô bảo Quỳnh cực kỳ giống một búp bê đắt tiền ở những cửa hiệu bán quà cao cấp.
Quỳnh chuẩn bị xuất phát. Trở về nhà, gặp ông ấy. Đã rất lâu rồi cô không gặp ông, bởi vì bận thi cử nên cũng không thư từ gì.
Ưu Di tiễn Quỳnh lên xe công cộng để về nhà. Hai đứa có rất nhiều thứ muốn nói, nhưng chúng bỗng có vẻ rườm rà, thừa thãi. Ưu Di chỉ giúp Quỳnh kéo lại chỗ áo hơi bị nhăn, nhìn vào mắt Quỳnh bảo:
- Cố lên nhé!
Quỳnh gật mạnh. Xe chuyển bánh. Quỳnh nhìn qua cửa thấy Ưu Di bé nhỏ, mặc bộ váy liền thân màu xanh nhạt, đang ra sức vẫy tay với cô.
Quỳnh đi chuyến xe công cộng sáng sớm đầu tiên rời khỏi trường. Gần ba năm, cô không rời xa chốn này. Đây là chiến hào tốt nhát, là doanh trại của cô. Quỳnh như một chiến sĩ đanh gánh vác sứ mệnh quan trọng, ngày đêm tập luyện đổ người, xạ kích.v.v...tại đây. Tại đây cô bị thương, cô bình phục, đã rèn luyện trở nên kiên cường, dũng cảm. Ba năm, cô đã rèn luyện trở thành một chiến sĩ thực sự chưa? Cô đã trang bị đầy đủ vũ khí để bước ra chiến trường chưa? Ngồi ở hàng ghế lắc lư phía cuối xe, Quỳnh nhô đầu ra ngắm ngọn đồi thâm thấp ở phía ngoài. Đang giữa mùa hè, hoa hướng dương nở rực rỡ. Quỳnh bỗng nhận ra rất nhiều loại cây trồng với Ưu Di trước đây đều mọc lên, có thạch lựu, có trúc đào. Rất lâu không ra đấy, đã thành ra cả một vườn cây đủ loại rồi. Chúng có nhớ không nhỉ, những cô gái đầy mơ ước đã trồng hoa ở nơi đây? Chúng có nhớ sự vô tư vô lự của hai cô gái dắt tay nhau chạy trên gò. Còn sân vận động, còn vườn cây góc trường nữa. Tạm biệt, tạm biệt. Quỳnh cuối cùng đã về nhà.
Cuối cùng Quỳnh đã trở lại trước nhà số 3 phố Đào Lý. Cô phấn khởi xen lẫn luống cuống, đứng trước cửa. Cô lại nhìn thấy cây tường vi bám đầy cổng. Năm nay, tường vi mọc tốt lạ thường. Cổng không khoá, cô bước vào trong. Lại nhìn thấy vườn hoa của chú Dật Hán, nhưng có hơi khác với tưởng tượng của cô. Chú Dật Hán đã nói muốn thi với cô, nên hoa hướng dương được chăm sóc đặc biệt sẽ mọc sum suê, nở rực rỡ mới đúng. Cây thạch lựu tới lúc kết trái, đáng lí phải treo đầy như những chiếc đèn lồng nhỏ. Thế mà, trong vườn chẳng có mấy sắc màu. Đám cây trúc đào tàn úa ngay giữa mùa hè rực rỡ. Những bông hoa ủ rũ còn cố giữ chút sắc hồng như đang cố gắng đợi chủ nhân của chúng quay về, bù đắp cho chúng dòng nước mà chúng phải chịu khát suốt mùa này. Cây thạch lựu như vừa trải qua một trận cướp phá, gầy guộc nép vào góc vườn. Trong vườn chỉ có cỏ mọc thật cao, hung hăng vươn ra tứ phía đầy hoang dã.
Quỳnh kinh ngạc. Sự điêu tàn ở đây khiến cô không tin mình đã trở về nhà số 3 phố Đào Lý. Nơi đây đã từng thật sum suê tươi tốt cơ mà. Quỳnh bước tới trước ngôi nhà trắng nhỏ. Chú voi con ơi, lâu lắm rồi, mày có khoẻ không? Quỳnh bấm chuông. Trong lòng hết sức hồi hộp. Không biết có phải là chú Dật Hán sẽ ra mở cửa không nhỉ? Chú nhìn thấy mình sẽ tỏ ra thế nào? Quỳnh hồi hộp, kiểm tra mình từ đầu đến chân một lần nữa: áo quần có ngay ngắn không, đầu tóc có gọn gàng không, miệng có phải đang mỉm cười tươi tắn không. Thế nhưng, đợi mãi vẫn không có ai ra mở cửa. Quỳnh quay lại nhìn, xe của Mạn không có nhà. Cô hơi thất vọng, tiếp tục nhấn chuông, rồi gọi Trác "Trác ơi!". Lại phải một lúc lâu sau mới có người ra mở cửa. Cô nhìn thấy Trác.
Trác đang mặc áo ở nhà màu xanh mực, hai tay dính đầy bùn. Có lẽ cậu ta đang nặn tượng. Trông cậu có vẻ mệt mỏi, nhất định là bị ốm. Khi Trác ốm, người thể nào cũng lạnh ngắt, chỉ cần lại gần đã có thể cảm thấy. Tóc Trác lâu rồi không cắt, che cả một bên mắt. Con mắt còn lại nhìn với vẻ chậm chạp, tư lự. Một lúc cậu mới nhận ra Quỳnh đang đứng ngoài cửa. Trác ôm chầm lấy Quỳnh, nhưng rất thận trọng, hai khuỷu tay kẹp lấy hai vai Quỳnh, hai tay không dám làm bẩn áo mới của cô. Trác kêu lên:
- Chị nhỏ!
Quả thật Trác đang rất lạnh, đến mức xót xa, chẳng khác gì nhiệt độ của một khối thạch cao. Điều đó khác với những ưu buồn hằng ngày của cậu. Quỳnh nhìn với qua vai Trác vào phòng khách, chỉ thấy một lớp bụi thời gian đã phủ lên mọi vật từ lâu rồi, ghế bành, thảm nền, giàn hifi, tất cả đều vậy. Còn bình hoa cổ cao đang cắm một bông Calla Lily đã ngả màu nâu xám, chắc chắn chỉ cần chạm nhẹ chúng sẽ rơi xuống lả tả. Quỳnh bước vào phòng khách. Cô chưa bao giờ nghĩ rằng, khi về nhà lại là một khung cảnh như thế.
23.
Đó là những điều đón chào cô trở về. Qua ba năm, ngôi nhà số 3 phố Đào Lý chào đón cô như vậy. Cô thật ngốc khi tưởng rằng cả thế giới đều đứng yên để chờ cô, chỉ có mình cô là thay đổi. Trước đây, cô thấy mình là một bộ phận phá vỡ mĩ quan chung của nơi đây. Những điều cô nỗ lực chính là biến mình trở nên phù hợp hơn, để lắp ráp trở lại vào vào tổng thể. Thế nhưng Quỳnh không hề biết, cả cỗ máy không hề đứng yên một chỗ chờ đợi. Tất cả những điều cô mong đợi đã biến chuyển sang một hướng khác. Mọi thứ như đứa trẻ đã lặng lẽ bỏ nhà ra đi, mặc cho mình kêu gọi tên nó, giọng khản đặc trong bóng chiều.
Chiều hôm ấy, Trác kể với Quỳnh rất nhiều chuyện. Thì ra mấy năm nay, Dật Hán và Mạn liên tục bất hoà, thường xuyên cãi nhau. Dật Hán luôn cố nhẫn nại và giữ gìn. Điều đó Quỳnh có thể tưởng tượng ra. Bởi vì ông rất yêu Mạn. Nhưng sự bất hoà không còn vì những chuyện nhỏ nhặt nữa. Mạn không ngừng thử thách lòng nhẫn nại của Dật Hán, cuối cùng bắt Dật Hán phải chịu đựng việc cô ta có quan hệ với người đàn ông khác.
- Chị có biết người đàn ông kia là ai không?
Quỳnh ngơ ngác lắc đầu.
- Chị còn nhớ bác Trịnh không? Vẫn hay đến nhà mình ấy, là bạn tốt nhất của ba. Trác cố gắng gợi nhớ cho Quỳnh. Cái người tên Trình Bằng ấy đã bắt đầu hói, mặt lúc nào cũng bóng nhẫy. Chất bài tiết trên da đã nói lên những dục vọng tràn đầy trong con người ông ta. Trịnh Bằng là bạn của Dật Hán, trước đây vẫn hay nói chuyện với Dật Hán trong phòng vẽ tới tận khuya. Hồi đó Quỳnh từng rất ngưỡng mộ sự thân thiết và gần gũi chuyện trò giữa hai người. Nhưng từ lúc Mạn mở hiệu cơm Tây, ông ta chỉ tới chỗ Mạn. Con người này có rất nhiều công việc. Ông ta lui tới chỗ Dật Hán vì cùng chơi đồ cổ. Ông ta còn tổ chức giải thi múa, làm đạo diễn phim truyền hình. Có lẽ, cái nghề sau cùng của ông ta chính là mồi câu hấp dẫn Mạn.
Trịnh Bằng sau khi tổ chức giải thi múa, quyết định làm một bộ phim kể về câu chuyện của một diễn viên múa. Ông bảo diễn viên nữ số hai trong phim là một người ở độ chín, nhưng vẫn tràn đầy sức sống, là một phụ nữ xinh đẹp nhưng cũng rất đoan trang. Và Mạn là người phù hợp nhất, nên ông muốn mời Mạn tham gia diễn xuất. Mạn dường như không dám tin đó là sự thật. Cô sắp được trở thành nhân vật thứ hai trong một bộ phim truyền hình! Một diễn viên múa xinh đẹp! Mạn lập tức nhận lời tham gia. Mỗi tối, họ đều ngồi trò chuyện về kịch bản ở quán Manđôlin. Thế rồi họ đến với nhau. Cả hai đều không vì thế mà ngượng ngùng. Ngược lại, họ còn lừa lấy tiền của Dật Hán. Trịnh Bằng giúp Dật Hán mua rất nhiều tranh vẽ và thư pháp. Thời gian đó Trác bị ốm nên ông không thể phân thân ra hai việc, đành giao phó cho Trịnh Bằng - một người bạn tốt, vừa là chuyên gia giám định nhiều kinh nghiệm. Không ngờ, tát cả chỉ là một đống hàng giả, không đáng vài xu. Dật Hán biết được những điều này thì đã muộn. Công ty của ông bị phá sản. Quỳnh nghĩ điều làm ông đau đớn nhất là việc người bạn thân và người vợ yêu lại là kẻ hại chính mình.
Quỳnh nghe tin Mạn phản bội thì không hề ngạc nhiên, bởi cô cảm thấy Mạn vẫn là người đàn bà như thế. Trên thực tế, hồi đó Quỳnh còn chưa hoàn toàn hiểu về Mạn. Mạn không phải là người luôn có mới nới cũ. Cô ta không phải không có cảm tình với Dật Hán. Thậm chí về sau khi quay đầu nghĩ lại, Mạn nhận thấy Dật Hán là người đàn ông mà cô ta đã yêu nhất trong cuộc đời. Trong đời Mạn đã đến với rất nhiều đàn ông. Mỗi lần đến với một người mới, cô đều cảm thấy thất vọng, bởi ở họ đều có quá nhiều kích kỷ và lòng tham, kể cả người chồng đã chết cũng khiến cô dần dần cảm thấy thất vọng. Tình yêu từng đến, nhưng tình yêu cuối cùng cũng bị sự thất vọng àm cho mòn mỏi, chỉ còn sự chán ghét ngập cổ. Bởi thế, Mạn không hề kỳ vọng gì vào đàn ông nữa. Cô chỉ quan tâm đến quãng thời gian tình nồng và những vật chất mà đàn ông mang lại. Cô vốn nghĩ Dật Hán cũng không giác gì. Từ khi đến ở nhà số 3 phố Đào Lý, cô cảm thấy hạnh phúc đến quá đỗi đột ngột, đến mức không dám tin. Mỗi ngày trôi qua đều thắc thỏm hồi hộp. Cho đến ngày đọc nhật ký của Quỳnh, cô bắt đầu nghi ngờ rằng Tùng Vy vẫn âm thầm đi lại với Lục Dật Hán, tình cũ của họ chưa dứt. Về sau, một lần tình cờ cô thay Dật Hán nhận một bức thư gửi tới nhà số 3 phố Đào Lý, là thư của Tùng Vy. Là thư gửi từ Mỹ. Tùng Vy nói cô muốn nhanh chóng trở về gặp Dật Hán, và tính chuyện ở lại Trung Quốc. Bức thư viết hết sức bình thường, đơn giản. Nhưng trong mát Mạn lại là một kinh động to lớn. Đột ngột cô bỗng thấy tất cả những thứ mình đang có đều đang chao đảo kịch liệt, sắp sửa sụp đổ.
Mạn huỷ bức thư đó, và bắt đầu tìm cho mình một đường rút lui. Không phải cô không yêu Lục Dật Hán, nhưng cô càng yêu chính mình. Để bảo vệ mình, cô bắt buộc phải tính kế. Chỉ trách người đàn ông họ Trịnh đã xuất hiện quá đúng lúc, lại sắp thoả tấm lòng mong mỏi được nổi tiếng của Mạn. Dật Hán mặc dù không phải là người nhàm chán, nhưng ông quá thích yên tĩnh và không hiểu được giấc mơ ngôi sao của Mạn. Mạn lại không thể hiểu trong thâm tâm của Dật Hán đang nghĩ những gì, có lẽ đang nghĩ tới Tùng Vy, có lẽ đang tính chuyện bỏ rơi mình... Nhưng thoạt tiên, Mạn cũng không định đẩy sự việc tới mức cùng cực như thế, cô chỉ định dùng Trịnh Bằng làm đường rút cho mình. Nhưng Mạn không biết, Trịnh là người khoác lác, thực chất là kẻ tầm thường. Hắn sớm có mưu đồ về tài sản của Dật Hán. Mạn dần dần phát hiện sự việc ngày càng nghiêm trọng, nhưng đã đến hồi không thể cứu vãn. Cuối cùng cô chỉ có thể khăn gói đi theo người đàn ông đó, bởi mọi tài sản đã nằm trong tay hắn. Dật Hán trở thành một kẻ cùng khốn không xu dính túi. Đến đây thì kịch bản điện ảnh cũng không còn viết tiếp, giấc mơ ngôi sao của Mạn cũng tan tành.
Dật Hán sau đó bắt đầu say rượu. Buổi tối ông thường ngồi trong phòng khách uống rượu, uống đến khuya, ngẩn ngơ ngồi trước màn hình ti vi trắng xoá. Trác đển phần cơn cho ông, ông cũng không động tới. Đồ ăn để trên bàn đến khi thiu thối. Có đêm cảm thấy đói, ông bèn đứng trước tủ lạnh nghiến ngấu những mẩu bánh mì lạnh ngắt. Ông không hề đi mua thức ăn nữa, mặc kệ cho Trác. Ông cũng không hề chăm sóc vườn hoa, mặc kệ chúng héo úa một cách vô cảm. Thậm chí có lần ông còn cãi vã với người khác. Chỉ vì một chuyện nhỏ mà to tiếng với người làm thuê trong nhà, sau cùng còn đuổi người ta đi. Cả đến đứa con trai yêu quý của mình, ông cũng ít để ý đến. Dường như ông chỉ sống trong thế giới riêng cô độc. Ông chỉ nói chuyện với mình, tự an ủi mình và lại căm ghét chính mình, quyết định bỏ rơi mình. Công ty bán đấu giá bị phá sản, phòng triển lãm cũng đóng cửa, hầu hết thời gian ông chỉ mòn mỏi trong nhà.
Khoảng ba hôm trước, Mạn về nhà lần cuối. Từ khi đi theo người họ Trịnh, Dật Hán biết được rồi bị phá sản, Mạn không hề quay lại nhà số 3 phố Đào Lý. Hôm ấy cô ta về lấy quần áo và dọn đồ đạc đi. Dật Hán và Mạn nói chuyện trong phòng khá lâu. Mặc dù cô ta tiếp tay người khác lấy hết tài sản của mình, nhưng Dật Hán vẫn không thể hận Mạn mà vẫn cố gắng níu giữ cô ở lại. Cuối cùng, Mạn vẫn kéo va li ra đi. Dật Hán nhìn cô ta đi ra cổng, chui vào xe người kia. Ông biết đó là lần cuối cùng cô ta quay về, hy vọng cuối cùng đã tắt. Dật Hán tuyệt vọng chán chường. Bao nhiêu năm cố gắng và hi sinh, cuối cùng vẫn là một chữ Không. Ông nhìn cô ra đi, cánh cửa đóng lại cắt đôi hai người. Ông nghe tiếng cửa đóng và cô bước ra khỏi thế giới của ông.
Quỳnh nhẹ nhàng đi về phòng ngủ của Dật Hán. Cửa khép hờ. Cánh tay Quỳnh định gõ cửa bỗng thõng xuống. Quỳnh thấy phân vân và hồi hộp. Chúng ta lại gặp mặt rồi, chú Dật Hán yêu quý.
Dật Hán ngồi trên ghế bên cạnh giường. Quay lưng lại phía Quỳnh, hướng ra phía cửa sổ. Ông mặc áo sợi bông màu trắng, cổ tròn, phần cổ lộ ra ngoài trông rất dài. Ông đã gầy đi nhiều. Có lẽ đã nhiều ngày không cạo râu, nhưng có lẽ, ông để râu không hề xấu trai, bởi màu da trắng xanh và hàm râu quai nón. Ông có dáng vẻ của người châu Âu trong cái lạnh mùa đông. Gạt tàn bên cạnh ông đầy ắp thuốc lá. Người trước đây rất ghét thuốc lá cuối cùng đã hút thuốc. Quỳnh chậm rãi tiến tới, quỳ xuống bên ghế ông, chạm nhẹ vào ông. Dật Hán quay lại, mới nhìn ra Quỳnh.
- Là bé Quỳnh đấy ư? Đôi lông mày nhíu chặt mở ra, môi ông mấp máy một chút giữa bộ ria.
- Vâng! Quỳnh gật đầu, để tay mình lên tay ông. Đôi tay đó vơi Quỳnh thật quen thuộc, sạch, trơn mịn màng như măng trúc.
- Chú suýt nữa không nhận ra cháu! Quỳnh à. Cháu thay đổi hoàn toàn rồi! Chúng ta - chúng ta có đến ba năm không gặp nhau rồi nhỉ? Dật Hán ngạc nhiên và vui mừng. Nhưng sâu trong thâm tâm ông lại thêm một sự run rẩy bất an. Cô gái trước mặt có nhiều quen thuộc - cô thật giống với Tùng Vy của nhiều năm về trước. Tùng Vy đã xách va li đến với ông nhiều năm trước. Năm đó Tùng Vy cũng trẻ trung như thế, đứng trước mặt ông, vẻ tủi hổ. Cảm giác xót xa hồi đó chợt trở về khi ông nhìn thấy Quỳnh. Dật Hán chợt có cảm giác muốn ôm lấy Quỳnh.
- Vâng, đã ba năm rồi! Lúc này, Quỳnh đang quỳ bên chân ông, thật gần, thậm chí có thể nghe thấy tiếng thở của ông, như một nhạc khí không phát ra âm thanh, làm người nghe thấy buồn và lo lắng. Ba năm rồi, ba năm dài đằng đẵng, họ không hề gần nhau. Quỳnh bắt đầu cảm thấy không còn khiên cưỡng nữa. Mẹ đã ra đi, cô tự nhủ. Chẳng còn ai cản trở sự gặp gỡ của cô với chú Dật Hán. Quỳnh, đừng sợ, cô tự bảo mình, để rơi hai hàng nước mắt.
- Bé con, đừng khóc. Xem này, chú Dật Hán cũng không nhận ra Quỳnh được nữa. Cháu càng lớn càng xinh đẹp ra. Cháu đã thành một tiểu mĩ nữ rồi đấy.
Quỳnh chỉ khóc, áp mặt vào mu bàn tay Dật Hán. Nước mắt làm ướt ngón tay ông và cổ tay áo. Dật Hán dùng cánh tay kia vỗ về đầu Quỳnh:
- Ba năm nay, cháu nhất định đã chịu nhiều vất vả. Nhưng chú thấy cháu đã khá lên nhiều. Cháu đã trở thành một cô gái rạng ngời, khiến mọi người hâm mộ. Chú Dật Hán đi với Quỳnh, cảm thấy thật tự hào.
- Không, cháu vẫn chưa khá bao nhiêu đâu. Quỳnh lắc đầu quầy quậy.
- Cháu cần thêm thời gian, cháu nhất định sẽ há hơn nữa. Cháu định muộn mới về thăm chú. Nhưng cháu nhớ chú quá. Cháu không kìm được muốn về thăm chú.
- Bé con ngốc nghếch. Dọn về nhà thôi. Chú Dật Hán mong chờ, không phải là một bé Quỳnh giỏi giang gì gì đó, mà là một bé Quỳnh ở bên mình thôi. Để chúng ta nhìn thấy nhau mỗi ngày. Mặc dù chú và mẹ cháu sẽ ly hôn, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến tình cảm chú cháu mình.
Quỳnh gật gật đầu. Cô ngẩng mặt nhìn ông - Quỳnh chưa bao giờ dám nhìn ông bằng ánh mắt táo bạo hơn như thế. Lời nói của ông đã động viên Quỳnh, hơn nữa niềm mong mỏi này đã từ rất lâu. Quỳnh hỏi:
- Cháu có thể ở lại bên chú mãi không?
- Đương nhiên. Chú Dật Hán chỉ có Quỳnh và Trác mà thôi.
- Quỳnh vẫn yêu chú Dật Hán, chú có biết không? Quỳnh nói ra điều đó, dường như không chút e dè, cũng không cảm thấy hối hận. Một con đường sáng láng đang ở phía trước.
- Vậy ư, bé con. Nhưng cháu vẫn đang còn nhỏ, cháu vẫn chưa hiểu yêu là thế nào! Dật Hán không tỏ ra ngạc nhiên hay bối rối bao nhiêu, chỉ tìm cách ngăn chặn một cách kiên trì.
- Vâng, cháu còn nhỏ. Chú Dật Hán là người Quỳnh yêu từ khi Quỳnh còn rất nhỏ. Tình yêu đó cùng Quỳnh lớn lên, cho đến ngày hôm nay. Vì vậy, chú Dật Hán cũng chính là người yêu đầu tiên của Quỳnh sau khi Quỳnh đã lớn. Vị trí đó không ai có thể thay thế được.
- Ngốc nào. Ai nói vậy. Cháu còn trẻ lắm, những năm tháng đẹp nhất chỉ mới bắt đầu. Nhưng chú Dật Hán thì đã là một ông già rồi.
- Không phải thế... Chú đang từ chối Quỳnh. Chú không yêu Quỳnh...
- Không phải đâu Quỳnh à. Chú Dật Hán rất yêu Quỳnh, nhưng không giống tình yêu giữa trai gái thông thường. Có lẽ bao hàm nhiều hơn thế. Tình cảm trai gái thông thường hay ích kỷ. Dật Hán thở dài, nói tiếp:
- Quỳnh à. Sau này cháu sẽ gặp người yêu đích thực của mình. Lúc đó nghĩ lại, cháu sẽ thấy cái gọi là tình yêu bây giờ không phải là tình yêu đích thực... Ông nói, mắt chạm phải ánh mắt tuyệt vọng của Quỳnh, chợt im bặt. Ông quay đầu đi nhìn màn đêm ngoài cửa sổ. Hồi lâu sau mới tiếp tục:
- Đi đi, bé Quỳnh. Muộn lắm rồi, cháu đi ngủ đi.
Đó là đêm đầu tiên Quỳnh trở về nhà. Đó là lần đầu tiên sau biết bao lâu họ mới lại ở gần nhau. Quỳnh đứng đó, không muốn rời xa. Những mong muốn bị đè nén xuống đáy lòng quá lâu bỗng trào lên trong phút chốc, dù biết là có chỗ vô lý nhưng vẫn cố đẩy mình vào con đường tuyệt vọng. Những thời khắc đó, tình thế đó đã như một quá trình - buộc phải hoàn thành, trên con đường của số phận. Quỳnh hỏi nhẹ:
- Chú đuổi cháu đi phải không?
- Không phải thế. Chú không muốn sau này cháu phải hối hận, hơn nữa giờ đây chú đã hai bàn tay trắng, làm sao có thể chăm sóc Quỳnh. Dật Hán như đứng giữa một đống hoang tàn đổ nát, muốn giữ lại cái gì đó nhưng lực bất tòng tâm. Ông cúi đầu, trong gian phòng mà Quỳnh đã từng hết sức quyến luyến với nhiều mộng tưởng, tất cả đều như đang ngừng lại. Chỉ có bóng đèn đổ trên rèm cửa đang rung rinh theo tấm rèm, trông như những lá cây đang xoay tròn rơi xuống. Thời gian cuối cùng cũng dừng bước đi vùn vụt tàn nhẫn của nó, phải chăng nó đang cho cô một cơ hội? Cô đã chạy không nghỉ, mệt mỏi kiệt sức, chỉ một lòng nghĩ tới chiến thắng, tới tranh đoạt, tóm bắt. Lúc này, dường như có một cánh tay giơ về phía cô, cô không thể lại để tuột mất.
Bấy giờ Quỳnh mười chín tuổi, cô chưa hề hiểu rằng những góc quặt của cuộc đời thường chứa đựng nhiều nguy hiểm, sẽ bất ngờ ập đến. Cô cũng không biết trắng tay là một điều đáng sợ đến thế nào. Cô ngỡ rằng chỉ cần có tình yêu, còn gì phải lo lắng nữa?
Ngón tay Quỳnh vuốt nhẹ tóc ông, cô nhìn thấy những sợi tóc trắng như cước. Ông đã già rồi. Cô lặng lẽ lớn lên những không biết, cho đến lúc ở gần bên ông mà nhìn ngắm kỹ lưỡng thế này, cô mới biết. Vậy ra, đã nhiều năm trôi qua rồi. Người đàn ông mà cô yêu, đã đi qua chiếc cầu, qua giai đoạn trắc trở và hiểm nguy nhất của cuộc sống để sang tới bờ bên kia cuộc đời. Nhìn ra, đã đi hơn nửa con đường rồi. Quỳnh chạm tay vào má ông, làn da thật lạnh, chúng đang gợn nhẹ theo chuyển động của ngón tay cô. Lục Dật Hán cúi đầu, ông lặng lẽ, u buồn như một sự chờ đợi, cuối cùng Quỳnh hôn lên má ông.
Quỳnh thương, đừng sợ hãi! Đây là điều mình vẫn mong mỏi. Chẳng phải tất cả những gì mình làm suốt bao năm nay đều để được đến bên ông, và ở bên ông mãi mãi hay sao? Tíếng nói cất lên bên trong người Quỳnh. Rất nhiều năm sau, Quỳnh vẫn không biết được đó là do con quỷ đang xúi giục Quỳnh, hay là một vị thần linh kịp đến để giúp đỡ cô.
Trong đầu Quỳnh thoáng những hình ảnh trắng xoá. Cô biết rõ đó là chú Dật Hán và mẹ cô, vẫn xuất hiện trong giấc mơ của Quỳnh - chính trong căn phòng này, sự quấn quýt của cơ thể. Hoá ra cơ thể cũng giống như cây leo, thậm chí còn mềm mại dẻo dai hơn cây leo. Còn ánh sáng trắng xoá kia, đã từng bỏng rát mắt Quỳnh.
Quỳnh nhớ lại lúc ở trường đã kể chuyện với Ưu Di. Họ thì thầm trò chuyện về lần đầu tiên của người con gái, đó là sự đẹp đẽ, sự đau đớn, sự bay bổng. Họ háo hức và sợ hãi. Lúc này Quỳnh như con trai bị sóng đánh lên bờ cát, cuối cùng cảm giác thấy mình đã đáp lên bờ.
Từng cảnh một, như những bánh răng đã rỉ sét, bỗng chốc phá tung mọi mắt lưới nhện giăng đầy với những bụi bặm thời gian, và xoay tròn đến chóng mặt. Cô gái hôn lên mặt người đàn ông, lên mắt, lên hàng mi rủ xuống, lên hàm râu quai nón rồi lên đầu mũi. Vào thời khắc khi hai môi chưa kịp hoà vào nhau, ông đẩy cô ra.
Hai tay Dật Hán bóp chặt lấy vai Quỳnh, đẩy cô ra khỏi người ông. Quỳnh hiểu điều gì đã xảy ra, tình cảnh này cô đã chuẩn bị tinh thần từ trước. Cô đã nghĩ đến rất nhiều khả năng. Thời gian rất dài đã qua, đủ để cô suy nghĩ, tưởng tượng. Vì thế tình hình này cũng là một trong các khả năng mà cô đã lường trước. Nhưng khi nó thực sự diễn ra, cảm giác vẫn thật khủng khiếp. Quỳnh vẫn nhắm chặt hai mắt. Trong phòng có ánh đèn, có ông - đã cự tuyệt cô. Quỳnh chỉ bỗng cảm thấy mình lại phải lên đường, không thể nào ở lại nơi đây. Nước mắt cô rơi xuống. Cô nghe thấy tiếng Dật Hán đang châm thuốc hút. Quỳnh vẫn quỳ trên nền nhà, trước mặt ông. Cô không thể đứng dậy, tựa hồ như một đứa ăn cắp bị túm cổ. Cô thực sự có tội, cô đã mạo phạm đến tình yêu cao quý, chẳng phải sao?!
- Chú không thể, Quỳnh ạ. Chú không thể làm như vậy. Trong lòng chú, Quỳnh là một người rất đáng quý, rất đặc biệt. Với sự thuần khiết trong sáng độc nhất ấy, chú không muốn và không thể nào đánh mất. Cháu có hiểu không?
- Cháu xin chú. Chú có biết phải cố gắng đến thế nào cháu mới dám làm như vậy. Đã như thế này, làm sao có thể trở về như trước nữa? Sau này cháu làm sao dám nhìn mặt chú, làm sao cháu có thể ở lại nơi này? Nước mắt Quỳnh giàn giụa. Có lẽ đây là giây phút khủng hoảng nhất trong đời cô, nhưng cô lại không muốn quay đầu trở lại, không muốn bẽ bàng rút lui.
- Quỳnh ngoan, nghe lời chú. Thế này làm chú Dật Hán khó xử. Nào, mau đứng dậy đi. Cháu về phòng ngủ đi, ngày mai còn phải dọn hành lý về nhà nữa chứ.
- Không thể được, thế này thì về sau không cách gì dám nhìn mặt chú nữa. Xin chú đừng bắt cháu đi thế này, xin chú.
- Không được. Nào, dậy đi, chú Dật Hán muốn giận rồi đấy.
- Chú cho cháu ở lại đi, cháu không muốn ngủ một mình. Cháu không ngủ được đâu. Cháu chỉ muốn ở đây nói chuyện với chú thôi, có được không ạ?
Lục Dật Hán không nói gì nữa, vẻ như đã đồng thuận. Hai người ngồi lặng lẽ. Lúc này Quỳnh không còn hy vọng, cô chỉ nghĩ ngồi thêm một lúc nữa biết đâu có thể giải toả được tình cảnh bẽ bàng này. Ước gì có thể quay lạ được thời khắc cô mới bước đến cửa. Nhất định cô sẽ không dám bước lại những bước đi vừa rồi. Chúng khiến cô tiến thoái lưỡng nan.
Nhưng thực tế, về sau khi Quỳnh đã chín chắn hơn, thấu hiểu hơn tính cách và tình cảm của mình, cô mới thấy rõ ràng, buổi tối hôm ấy, sự việc xảy ra như thế là hoàn toàn tất nhiên. Dù có quay lại ngàn lần, cô nhất định vẫn sẽ làm như thế. Phó mặc tất cả để lao đến với tình yêu của mình, đó là tính cách của cô. Cô luôn lao về phía trước, như con búp bê đã lên vô số vòng dây cót, bò qua đích vẫn không biết phải dừng lại. Tình yêu của cô bị ức chế đã quá lâu.
Quỳnh tựa đầu vào bên cạnh cánh tay của Dật Hán, tiếng thút thít nhỏ dần. Cô trở nên yên lặng và ngoan ngoãn, giống một chú mèo dựa bên chân của ông, van lơn và chờ đợi sự âu yếm của ông. Có lẽ vì mệt quá - cô đã ngồi ô tô rất lâu, về tới nhà chưa được ăn uống gì, rồi những phấn khích khi gặp lại Trác và Dật Hán, và sau cùng là những dằn vặt vừa trải qua, Quỳnh dần dần ngủ thiếp đi.
Đang mơ màng, cô chợt cảm thấy mình được bế lên. Trong đời cô chưa bao giờ có sự việc như vậy. Quỳnh lập tức bừng tỉnh, cô mở mắt và nhìn thấy Dật Hán đang bồng cô về phía giường. Ông vừa kéo chăn đắp cho cô, vừa nói:
- Không được ngủ trên nền nhà. Bây giờ cháu ngủ đi, chắc chắn là đã mệt lắm rồi...
Quỳnh biết ông sắp đi ra ngoài, chẳng có cách gì níu ông lại. Cô thấy tủi thân và tuyệt vọng, kéo vụt chăn lên trùm lấy mặt. Như thế sẽ không phải nghe thấy tiếng bước chân của ông. Đợi một lúc, áng chừng ông đã ra khỏi phòng, Quỳnh mới từ từ kéo chăn ra, hé nửa khuôn mặt. Nhưng cô bỗng nhìn thấy ông vẫn đứng cạnh giường, đang nhìn cô.
- Sao chú chưa đi? Quỳnh ngạc nhiên.
- Buổi tối như thế này quen thuộc quá. Cháu cũng quen thuộc quá! Quỳnh ạ. Dật Hán nói dịu dàng. Đó là những lời Dật Hán buột miệng thốt lên. Khi bế cô, nhìn cô, ông lập tức nhớ tới Tùng Vy. Hình như nhiều năm trước đây, khung cảnh tương tự thế này đã từng xảy ra. Mặc dù chắc chắn chúng không hoàn toàn giống nhau, nhưng mỗi một lần đến gần hình ảnh quen thuộc trước kia, ông vẫn cảm nhận được sự ấm áp. Trong giờ phút này - khi người đàn bà ông yêu quý vừa phản bội, khi tài sản tiêu tan hết, với ông sự ấm áp đó thật quan trọng. Dật Hán vì thế không khỏi đánh mất tự chủ.
- Tại sao lại quen thuộc ạ? Quỳnh ngơ ngác.
- À không, tình yêu của Quỳnh làm chú thấy xúc động. Dật Hán tỉnh táo trở lại.
- Chú ở lại đây với Quỳnh, nhưng cháu phải nhanh chóng ngủ đi, không được nghĩ ngợi nữa, biết chưa. Ông nói xong đi vòng qua phía giường bên kia rồi nằm xuống, quay lưng lại phía Quỳnh.
Quỳnh xoay người lại, đập vào vai ông từ phía sau:
- Liệu chú từ nay về sau có tránh mặt cháu không ạ?
- Sao lại tránh? Nếu vậy chú đã không ở lại đây với Quỳnh.
- Chú sẽ không vì chuyện hôm nay mà ghét cháu?
- Ghét thế nào được, bé Quỳnh trong lòng chú mãi mãi đáng yêu, chú cưng nhất Quỳnh mà.
- Tại sao? Vì cháu là con gái của mẹ à?
- Đương nhiên không phải, mà vì Quỳnh vốn là một cô bé đặc biệt hơn người.
- Thế chú nói đi, cháu có gì đặc biệt? Quỳnh từ nhỏ đã có tính làm nũng, thích bắt bí người khác, nhưng ít khi có dịp bộc lộ.
- Cháu rất dũng cảm, cho dù đang ở tình cảnh khó khăn vẫn có thể chuyển bại thành thắng. Lúc mới đưa cháu đi, không liên quan gì tới nhật ký đâu. Cháu và mẹ vốn bất hoà, điều đó chú đã biết từ lâu, còn tình cảm cháu dành cho chú, chú cũng nhận ra được. Vì thế, chú đã nghĩ đó không phải là lỗi lầm gì ghê gớm. Chú đưa cháu đi, bởi chú không thể nhẫn tâm cấm ngăt cháu ăn đêm, hoặc là nhốt cháu lại, không cho cháu ban đêm mò xuống bếp. Chú không làm nổi những điều đó, nhưng cũng không thể tiếp tục để mặc cháu. Đã mấy năm, mà bệnh tình đó không hề thuyên giảm. Quỳnh bẩm sinh đã dẻo dai kiên cường, nhất định cháu sẽ gượng dậy được. Vì thế chú quyết định đưa cháu vào trường nội trú. Lúc đó chú cũng đã cân nhắc rất lâu. Chú rất lo cháu sẽ bất hoà với các bạn học, sợ các bạn không đối xử tốt với cháu, khiến nội tâm của cháu càng đau khổ. Nhưng dù sao vẫn tốt hơn là để cháu tiếp tục ở trong nhà, ngày càng xa rời cuộc sống. Thế là chú vẫn quyết định thử. Nếu cháu không thích nghi được, không thay đổi được, chú sẽ lại đón cháu về.
Dật Hán quay người lại, đối diện với Quỳnh, đôi mắt sáng lên ánh sáng của hồ nước sâu. Quỳnh tựa vào gần, gối đầu lên tay ông, Dật Hán lại nói:
- Thế rồi cháu không chịu gặp chú, chú cảm thấy buồn. Chú từng ngỡ rằng việc phải rời khỏi gia đình đã khiến cháu càng thêm cô độc và khép kín. Đang lúc nghĩ cách giải quyết tình hình thì cháu đã gửi thư về, nhờ Trác chuyển cho chú. Trong thư cháu nói, cháu muốn dùng một khoảng thời gian để chứng minh bản thân có thể trở thành Tùng Vy, xuất sắc như Tùng Vy, sẽ khiến chú thấy yêu quý cháu. Chú thấy những lời đó hơi buồn cười, nhưng chúng chứa đựng sức mạnh bên trong. Chúng khiến chú tin rằng cháu sẽ thay đổi. Có điều, cái giá phải trả có phần quá nặng. Chú Dật Hán đã mong gặp Quỳnh biết bao.
Quỳnh tưởng rằng nước mắt trong người đã chảy ra hết, thế mà lại tiếp tục trào xuống. Ông dùng ngón tay nhẹ nhàng lau nước mắt cho Quỳnh, nói tiếp:
- Về sau, qua thư từ, qua cả cuốn nhật ký mà cháu và Trác trao đổi với nhau - cháu biết không chú cũng có dự phần đấy. Cháu không ngờ đúng không? Chú yêu cầu Trác phô tô cho chú một bản đấy. Vì thế chú biết được từng li từng tí cuộc sống của cháu ở trường. Chú đã dõi theo cháu, từng li từng tí lớn mạnh dần lên. Chú đọc nhật ký, thường xuyên cảm thấy xúc động. Chú cảm thấy bé Quỳnh thực sự là một người không tầm thường chút nào. Chú rất thích văn của cháu, đặc biệt thích câu chuyện về cha và con giống nặn bằng bột.
- À, hoá ra là chú đã gửi chuyện đó cho toà báo... Quỳnh chợt hiểu ra. Hóa ra không phải là Ưu Di.
- Ừ. Cho nên cháu bảo chú Dật Hán không biết cháu đặc biệt ở điểm nào à? Cháu không khác gì con gái chú, cho nên chú đã và sẽ dõi theo từng bước đi của nó. Chú tự hào về cháu. Dật Hán nói.
Lục Dật Hán cảm nhận sự ấm áp mong chờ từ lâu. Đối với Quỳnh, quả thật ông đã bỏ ra không biết bao nhiêu yêu thương. Ông cưng chiều cô không khác gì con gái ruột, mong cô nhận được sự giáo dục tốt nhất, lớn lên một cách lành mạnh nhất. Còn lúc này, ông chợt nhận thấy, Quỳnh thực sự đã lớn rồi, không còn là một bé gái cắm cúi viết lại những cảm xúc của mình trong cuốn sổ hồng tím nữa. Cô bé đã trở thành một người con gái rực rỡ, phong phú và cuốn hút. Ông nghĩ, người con gái như thế chắc sẽ có rất nhiều đàn ông ái mộ, cũng như Tùng Vy thuở nào. Tình cảm của cô dành cho ông vẫn tồn tại đã khiến ông kinh ngạc, không biết nên vui hay là buồn. Ông đã ngỡ rằng, tình yêu đó chỉ là những rung động thời thiếu nữ. Chỉ cần giai đoạn đó quá đi, tình cảm tất sẽ kết thúc. Nhưng ông cũng biết thực tế không hoàn toàn như vậy. Tùng Vy không phải vậy, giờ đây Quỳnh cũng không. Những người con gái ông gặp, đều kiên cường, dũng cảm.
- Chú có hy vọng cháu sẽ trở thành nhà văn, giống như Tùng Vy không?
- Ồ, chú chỉ nói được rằng, hy vọng cháu sẽ làm những điều cháu ưa thích, ngoài ra, đã có số phận sắp đặt, không nhất thiết phải quá lo lắng về tương lai.
- Vậy cháu có thể không phải rời xa chú không?
- Đương nhiên, chú Dật Hán cũng không muốn xa Quỳnh. Sáng mai cháu sẽ chuyển ngay về nhà, ba người sẽ sống vui vẻ bên nhau.
- Vâng! Ngoéo tay nhé. Quỳnh rúc vào lòng chú.
Đêm tinh khiết và lắng đọng. Quỳnh thiếp đi rất nhanh, như chưa bao giờ cô ngủ ngon đến vậy. Những ngày đã qua ác mộng triền miên. Còn đêm nay, cô nằm trong phòng của Dật Hán, tay níu lấy áo ông, ác mộng làm sao có thể đến?
Về sau nhớ lại, Quỳnh rất cảm ơn Dật Hán, có phải ông đã cố gắng sao cho những dấu ấn của ông để lại trong cô được nhạt nhoà hơn?
Lần này, cùng với ngay đầu "cái đó đến", cô đều nhớ như in trong lòng. Cả hai lần đều khiến Quỳnh cảm thấy rất đỗi gần gũi với ông. Sự cưng chiều của ông khiến Quỳnh thấy mình là một đứa trẻ, được che chở và nâng niu như một cánh hoa. Trong cuộc sống của Quỳnh có rất nhiều những gió cát thô ráp và hoang lạnh, cô không như bao cô bé khác, quá quen với sự cưng chiều. Đối với cô, đó là hạt trân châu lấp lánh hiện ra trên bãi cát mịn màng. Vì thế hai lần ấy đều khiến Quỳnh ghi nhớ suốt đời.