Chương 41- 45


Chương 24 - 27

24.
Tuy nhiên, Dật Hán vẫn đã nói dối cô. Ông lại đi uống rượu. Sáng ngày hôm sau, Quỳnh xuống cầu thang, nhà dưới không bật ngọn đèn nào. Cái bến hoang tàn này không hề có dấu hiệu được xây dựng lại.
Trác giam mình trong phòng, làm tượng thạch cao. Cậu va cha giống nhau đến lạ lùng - ưa dùng hình thức tự giam mình để gạt bỏ đau khổ. Cậu cảm thấy mọi thứ ngoài kia đều điên rồ, nên trốn vào phòng, kéo rèm cửa che kín phòng, không phải quan tâm đêm hay ngày.
Trác trông thật tiều tuỵ. Quỳnh ôm lấy cậu, phát hiện ra cậu bị sốt, trán nóng rực. Quỳnh đắp khăn lạnh lên trán cậu, tìm thuốc cho uống. Đợi Quỳnh làm xong mấy việc đó, ngồi xuống bên cạnh, Trác nhìn Quỳnh nói:
- Chị nhỏ, em quên mất nói với chị: Hoan nghênh chị trở về. Chị về lại thật là tốt. Em cảm thấy đã nhìn thấy mọi việc chuyển biến tốt đẹp.
Mũi Quỳnh chợt cay, nước mắt rơi xuống.
- Trác à, em nghỉ ngơi đi, chị gọi điện thoại để chú Dật Hán về. Mọi việc thực sự đang tốt đẹp hơn rồi.
Quỳnh xuống phòng khách gọi di động cho Dật Hán. Chuông reo rất lâu không có người nghe. Lúc sau, cô lại gọi. Đầu dây bên kia là giọng đàn ông khàn khàn, đứt quãng hơi lè nhè:
-...A... lô...
Nghe thấy tiếng ông, Quỳnh bỗng thấy tim thót lại. Đó là giọng kẻ say rượu. Cô ấm ức:
- Chú lừa cháu!
-... Quỳnh... đấy à... Giọng Dật Hán tỏ ra tỉnh táo hơn chút ít.
- Chú vẫn đang uống rượu à?
Không có tiếng trả lời.
- Tại sao nói dối cháu? Chú đã nói sẽ xây dựng lại gia đình này. Chú đã hứa với cháu! Trác đang bị ốm chú biết không? Chú là cha, là chỗ dựa của cả hai đứa, chú không được bỏ rơi bọn cháu.
- Trác... ốm rồi?
- Trác lại đau ngực rồi, bị sốt nữa. Chú về nhà được không? Mọi thứ đều có thể bắt đầu trở lại. Chú có cháu và em Trác.
- Cháu... và... em Trác... Dật Hán vẫn lặp lại một cách đứt quãng.
- Vâng, Quỳnh và Trác sẽ mãi ở bên chú. Quỳnh và Trác sẽ cùng chú trồng lại hoa trong vườn, cùng vẽ tranh, cùng đi chợ, nấu ăn.
- Thế ư, được rồi... chú về ngay.
Ngắt điện thoại, Quỳnh chạy lên gác báo Trác biết Dật Hán sẽ về ngay. Trác ngồi dậy, miễn cưỡng mỉm cười. Sốt cao vẫn kéo dài, Quỳnh lại cho Trác uống thuốc, đắp chăn lại.
Quỳnh chạy xuống nhà quét dọn, tống khứ mọi bụi bặm ra khỏi nhà, lau kính sạch sẽ. Sau đó cô gọi taxi đến siêu thị gần nhất. Quỳnh mua bánh mì dài kiểu Pháp - loại Dật Hán ưa thích nhất, rồi mua măng tươi, cá thông, ngô hạt và viên chả mực mà Trác thích ăn. Cô không quên mua một bó hoa lan tươi tắn, vừa vặn cắm vào bình hoa to ở phòng khách. Cô làm những việc đó bằng tốc độ nhanh nhất, hy vọng hoàn thành bữa ăn trước khi Dật Hán bước vào nhà. Thế những trên đường về, tắc xe cả một đoạn dài. Quỳnh bèn xuống xe giữa chừng, chạy bộ về nhà. Cô chạy giữa ngày nắng nóng với một túi hàng to tướng. Cô rất vui vẻ, định bụng làm cho mọi người một bữa ăn thịnh soạn. Từ nay cô sẽ nấu cơm cho họ. Cô chạy rất nhanh, cảm giác như đang bay lên. Lúc đó Quỳnh cảm thấy đang ở thật gần hạnh phúc.
Quỳnh về đến nhà, Dật Hán vẫn chưa về. Cô lập tức xuống bếp nấu cơm. Cá thông nấu với măng tươi, chả mực hấp rau và chanh, salat rau quả và súp ngô ngọt. Mấy thứ đều là Ưu Di dạy Quỳnh làm. Trước đây cô ấy từng phục vụ trong nhà hàng, học được mấy món ăn "chuẩn", định bụng sau này thết đãi chồng. Ưu Di đưa việc dạy nấu ăn vào một hạng mục "huấn luyện" Quỳnh, quả là có con mắt nhìn xa.
Trong gian bếp rộng rãi, nấu ăn cho những người cô yêu quý, Quỳnh chưa bao giờ thấy mãn nguyện và chuyên tâm đến thế.
Quỳnh chọn chiếc khăn bàn có màu cam và lục nhạt xen kẽ, đặt bình hoa lan trắng muốt lên chỗ sáng màu nhất.
Thế rồi Quỳnh làm xong tất cả mọi việc vẫn không thấy Dật Hán trở về. Cô ngồi trên sôpha chờ đợi. Thức ăn trên bàn nguội ngắt, ông vẫn chưa về. Quỳnh bắt đầu lo lắng, gọi điện thoại mấy lần vẫn không ai nghe. Chỉ biết tiếp tục chờ đợi, cô dùng giấy bóng bọc cẩn thận lên mấy đĩa thức ăn.
Đến hơn một giờ chiều, Trác từ trên nhà đi xuống. Cậu kinh ngạc phát hiện nhà cửa thay da đổi thịt, lại thấy trên bàn có nhiều thức ăn, toát lên màu sắc vui tươi. Nhưng rồi cậu lo lắng hỏi:
- Ba vẫn chưa về hả chị?
Quỳnh lắc đầu. Hai đứa ngồi xuống sôpha, tiếp tục đợi. Cách vài phút Quỳnh lại gọi di động một lần, nhưng vẫn không ai nghe máy. Quỳnh ngồi trên ghế, người mỗi lúc một lạnh. Quỳnh nắm lấy tay Trác. Cậu vẫn đang sốt, cảm thấy tay Quỳnh lạnh ngắt bèn giữ chặt. Hai đứa ngồi dựa vào nhau, canh chừng điện thoại. Quỳnh chợt nhớ lần xem phim kinh dị, Trác trốn đằng sau cô. Thấm thoắt hai chị em đã lớn. Mà nỗi buồn vẫn vướng víu khi đã lớn lên rồi, tựa như những gò núi, vượt qua một cái lại tiếp tục một cái khác. Giờ đây hai đứa níu chặt lấy nhau, sợ lại một lần nữa xa rời. Họ đã xa cách nhau rất lâu.
Một lúc, đến lượt Trác ngủ thiếp bên vai Quỳnh.
Sự việc quả thực kỳ lạ và bí hiểm. Đúng vào lúc trước khi có tiếng điện thoại, Quỳnh chợt thấy chao đảo vô cớ. Tựa hồ như trên đỉnh núi tuyệt vọng cảm thấy đàn quạ đen rợp đầu đang bay vòng sà xuống, càng lúc càng đến gần. Có thể nhìn thấy móng vuốt và những chiếc mỏ nhọn. Chúng đang chuẩn bị đáp lên người cô, cấu xé thịt da cô, ăn cô cho đến khi chỉ còn trơ bộ xương.
Cô nhìn thấy chúng thật rõ, những không thể nào trốn tránh.
Một tích tắc sau đó, chuông điện thoại réo vang. Tay Quỳnh giật bắn lên, tựa như bị kim chọc. Quỳnh nhấc ống nghe.
Dật Hán chết vì tai nạn ô tô. Ông quả thực đồng ý với Quỳnh sẽ xây dựng lại gia đình. Nhưng Quỳnh đâu biết, xây dựng lại là chuyện khó khăn đến thế nào? Quỳnh không biết, ngôi nhà từng mọc đầy hoa tường vi đã không còn là của họ nữa. Lấy gì để xây dựng lại? Đương nhiên, Dật Hán muốn cảm ơn Quỳnh, vì cô đã miêu tả cuộc sống tốt đẹp cho ông nghe, khiến ông thấy được an ủi. Ông đồng ý trở về nhà. Nhưng ông đã uống quá nhiều, đầu óc quay cuồng, mắt hoa lên, mờ mịt. Ông đã bất chấp những thứ đó, ông phải về ngay với hai đứa con đang mong đợi. Ông nhấn ga, lao đi như điên. Xe đâm vào ô tô tải trên đường. Dật Hán chết tại chỗ.
Lúc ấy Quỳnh đã đi ngang qua chỗ đó. Cô vội vàng chạy về nhà, ngang qua đám người đang vòng trong vòng ngoài đông đúc. Một tai nạn giao thông xảy ra đã khiến cả đoạn đường tắc nghẽn. Nhưng bước chân Quỳnh đã không hề chậm lại. Cô ngỡ rằng điều đó chẳng liên can gì tới cô. Quỳnh vốn không thiết tha với những đám đông. Cô chỉ biết làm sao về nhanh để nấu cơm.
Cô ôm túi bánh mì kiểu Pháp, ôm bó hoa lan, ôm các loại thức ăn mà Dật Hán ưa thích, chạy như đuổi trên đường. Lúc đó trong lòng cô phơi phới niềm vui, cảm thấy hạnh phúc như đám mây màu sà xuống thật gần, sắp sửa chạm tới tóc cô. Cứ thế, cô đã đi ngang qua ông, và trong lòng đang nghĩ về ông. Lúc đó ông đang nằm trong vũng máu, cơ thể như cánh cửa sắp sửa đóng vĩnh viễn, từ từ khép lại. Ánh sáng cuối cùng trong mắt ông nhạt đi, miệng ông hé mở. Ông muốn gọi cô? Ông có cảm thấy cô đi ngang qua?
Nhưng họ đã bỏ lỡ cơ hội. Khi cơ thể ông lạnh ngắt, cô đang toát từng giọt mồ hôi lớn trong bếp. Cô không hề biết, ông đang bay dần lên cao, vĩnh viễn giã biệt những huyên náo của thế gian.
Khi Quỳnh và Trác tới bệnh viện, ông đã ra đi. Quỳnh cảm thấy từ cổ họng Trác phát ra âm thanh như tiếng rách. Quay đầu nhìn lại, cô thấy Trác ngã gục xuống đất. Trác sốt cao liên tục, gắng gượng đến được bệnh viện, nhìn mặt cha lần cuối, bệnh tim của cậu phát tác, ngất lịm. Ngất đi không nhất định là việc xấu, bởi nó giúp tạm gác lại những đau đớn đột ngột, tựa như một giấc ngủ kịp thời. Vì thế Trác không phải như Quỳnh, buộc phải đối mặt với tang lễ, không phải cảm nhận từ đầu đến cuối cái chết của ông.
Hôm đó, Quỳnh đứng bên thi thể Dật Hán, giã biệt ông lần cuối. Cô dùng một tay vuốt nhẹ lên mặt ông, tay kia đỡ lấy tay ông. Lúc này, cô cảm thấy tay Dật Hán như ấm nóng, chợt động đậy. Cảm giác như cánh tay ấy đang giơ về phía cô. Đó là buổi chiều mùa thu, cô trốn đằng sau rèm cửa. Ông bước vào phòng cô, nhìn thấy tấm gương bị cô đập vỡ, ngồi sụp trên sàn nhà thất vọng tràn ngập và căm ghét bản thân. Ông bước tới trước mặt cô, giơ tay về phía cô, kéo cô đứng dậy. Ông nhìn thấy vết máu trên váy cô, nó khiến cô kinh hoảng, lúng túng. Ông nói Quỳnh đã lớn rồi.
Thế nhưng ông có biết được đâu, việc đầu tiên khi Quỳnh lớn lên chính là yêu ông. Ông không biết Quỳnh lớn lên rồi, vẫn luôn cố gắng làm sao dành được tình yêu của ông. Ông không biết để có điều đó, Quỳnh đã bỏ đói bản thân một cách tàn khốc, đã gắng làm cho mình xinh đẹp hơn, đã học hành vất vả để được vào trường đại học mà ông đã học. Cô viết văn, vẽ tranh, học múa, đều vì có thể biến thành một cô gái hoàn hảo, xứng đáng với tình yêu của ông. Ông không biết, Quỳnh kiên cường từng bước tiến lên, không phải hy vọng những lời tán dương và ánh mắt hâm mộ của mọi người, mà chỉ vì để có được tình yêu của ông, chỉ có thế thôi. Đó là toàn bộ điểm tựa của cuộc sống ở cô.
Còn bây giờ, cô tiếp tục con đường phía trước cho điều gì?
Lúc này Quỳnh bỗng hiểu, hạnh phúc đến, hoàn toàn không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ. Khi ta cảm thấy sự đến gần của hạnh phúc, kỳ thực chỉ là những khốn đốn và khổ đau đang tạm thời vắng mặt. Chúng nấp trong bóng tối, rên rỉ khe khẽ, còn ta vì quá đỗi khát khao hạnh phúc đã bỏ qua tiếng kêu của chúng. Ta tưởng rằng chúng giống như sương giăng mỗi sáng sớm, lúc này đã tan biến. Thực ra, chúng nhất định sẽ lại xuất hiện, giữa lúc ta chẳng ngờ.
Quỳnh rời khỏi bệnh viện, đi tới trạm điện thoại, nói với Ưu Di bên kia đầu dây:
"Tất cả đều vô ích, kết thúc rồi".
25.
Ngày thứ hai sau khi Dật Hán chết, Quỳnh ngã bệnh. Ưu Di đưa cô đến bệnh viện. Mấy ngày liền, Quỳnh sốt cao và hôn mê. Vừa mới hơi bớt, Quỳnh liền đi thăm Trác. Hôm đó Trác bị bệnh tim bạo phát, may mà cấp cứu kịp thời không ảnh hưởng tính mạng. Mắt Trác thất thần nhìn vào một nơi vô định, lặng lẽ rơi xuống những giọt nước mắt thương tâm. Trác càng cần có Quỳnh, cậu túm chặt tay cô, để tay cô miết trên trán, lên tai và lòng bàn tay cậu.
"Chị nhỏ ơi". Trác ngẩng mặt nhìn Quỳnh từ trên giường bệnh. "Chị có thấy cuộc sống là một trò đùa cay độc? Hôm chị trở về, em đã tưởng mọi việc bắt đầu tốt hơn lên. Em tưởng em sẽ mau chóng có được hạnh phúc. Thế mà sự thực không như vậy. Hoàn toàn không".
"Ừ, chúng đã lầm lẫn. Trác biết không, chú Dật Hán đã đồng ý với chị, là sẽ gượng dậy, vì chị em mình, chúng mình sẽ xây dựng lại một gia đình ấm áp, chú đã nói như vậy thật đấy. Thế mà, chúng đã mang chú đi mất... chị chỉ mới gặp lại chú có một ngày. Sớm biết thế này chị đã không tránh mặt chú suốt ba năm. Chị làm thế là vì cái gì?... Tại sao o dành thêm cho chú nhiều thời gian hơn? Tại sao lại để lại quá nhiều hối tiếc như vậy?" Một tích tắc trước cô vẫn còn rất bình tĩnh, vừa nói tới đây đã hết sức xúc động.
"Vậy tại sao chúng mình còn phải sống tiếp một cách nhục nhã thế này, để cho cuộc sống đùa cợt?" Trác hỏi cô. Cuối cùng cậu đã hỏi như thế, câu hỏi tại sao phải sống tiếp. Quỳnh vẫn trốn tránh câu hỏi này. Những ngày sau khi Dật Hán ra đi, chẳng có điều gì mang lại nổi cho cô mảy may nhiệt tình hứng khởi. Cô làm gì mỗi ngày? Nhận sự an ủi của Ưu Di? Nuốt thức ăn đồ uống như một cái máy? Thất thần rơi lệ? Quỳnh bị cuộc sống bỡn cợt, nhưng cô không thể trả đũa. Thời gian đang kéo cô miễn cưỡng đi về phía trước. Nhưng thực tế cô vẫn đang chìm đắm vào buổi cô hiều hôm ấy, khi cô ôm một bọc thực phẩm chạy thật nhanh về nhà, để làm bữa ăn đầu tiên do đích thân mình thực hiện. Cô vẫn không thể bước ra khỏi buổi đêm ngày hô trước. Ông đã dịu dàng ru cô vào giấc ngủ, cô cảm nhận rõ ràng những khát khao của người phụ nữ. Ông là toàn bộ giấc mơ của cô, suốt bao năm nay, là mái nhà duy nhất của cô.
Vậy nên khi Trác hỏi vậy, Quỳnh cho rằng cô không thể trả lời, nhưng chính cô cũng phải kinh ngạc khi tự mình bỗng trả lời đầy kiên định:
- Sống là để cho mình càng ngày thêm mạnh mẽ. Đợi đến lúc chúng ta đủ lớn mạnh, chúng ta sẽ có thể xoay chuyển cái thế giới nhục nhã  và trêu ngươi này. Quỳnh nghiến răng. Cô bỗng chợt thấy, hoá ra trong thâm tâm cô có nhiều oán hận đến thế.
Trác ngẩng đầu, nhìn Quỳnh bằng đôi mắt hơi ngơ ngác. Dường như cậu đã bị Quỳnh thuyết phục. Cậu đã đồng ý lặng lẽ lưu lại trên cõi đời này, để chờ đợi cơ hội được trả đũa lại cuộc đời.
Khoảng một tuần sau, Quỳnh ra viện, trở lại nhà số 3 phố Đào Lý. Trác vẫn nằm lại bệnh viện. Quỳnh định lấy quần áo vào cho Trác. Quỳnh rủ Ưu Di về cùng, vì cô sợ hãi phải đi một mình về nơi đó. Đây là nhà, là nơi cô chờ đợi, mong đợi, nhưng cũng là nơi ông vĩnh biệt.
Quỳnh và Ưu Di về đến nơi, phát hiện cổng đã thay khoá.  Hai đứa không vào được. Quỳnh hết sức kinh ngạc, nhưng lập tức nghĩ rằng Mạn đã quay trở lại. Quỳnh cảm thấy có điều chẳng lành - bà ta nhất định đã chiếm ngôi nhà này.
Quỳnh và Ưu Di ngồi đợi ngoài cổng. Mùa hè sang chiều, nắng thiêu đốt mặt đường. Ngồi đợi trong cảm giác nhiệt độ dưới chân không ngừng tăng lên, như một luồng nhiệt đối lưu khổng lồ đang từ dưới đất nhấc bổng cả người lên. Quỳnh ngồi đó, mắt vô hồn, câm lặng. Ưu Di chạy qua bên kia đường mua một bình nước khoáng đông lạnh và mấy trái lê tươi. Ưu Di ép Quỳnh ăn lê và uống nước, lo lắng Quỳnh chưa bình phục hẳn sẽ lại ngất đi vì nắng nóng. Quỳnh vẫn bất động, hai tay ôm đầu gối, nghiến chặt răng.
- Hận mẹ lắm phải không? Ưu Di ngồi trơ lại bên cạnh hỏi, cắn một miếng lê.
Quỳnh nghe thấy từ "mẹ", trong lòng tựa bị châm một mũi kim, cơ thể hơi động đậy. Đương nhiên Quỳnh hận Mạn, nếu Mạn không bỏ đi, gia đình này đâu có sụp đổ? Nhưng Quỳnh cũng giận Lục Dật Hán. Tại sao ông không thể tiếp tục sống tốt, vì cô, vì Trác? Chẳng lẽ cô và Trác đều không đáng giá gì? Vào cái đêm ông gần cô đến vậy, trong mắt ông rõ ràng sáng lên thứ ánh sáng của tình yêu, chẳng lẽ không phải là sự thật? Tại sao ông không chịu cho cô niềm hy vọng. Trước đây không cho, để cô phải đi xa, bây giờ vẫn là không, trong khi cô đã vất vả biết bao để có thể trở về, ông lại ra đi... Cuộc chiến giữa cô với Mạn, cô đã thất bại hoàn toàn. Đến cuối cùng, Dật Hán vẫn chỉ là yêu Mạn mà thôi.
Ưu Di nhìn Quỳnh mím chặt môi, câm lặng, cô lại an ủi:
- Thực ra có một người để hận cũng không phải là không tốt. Ấy không thấy là có người để hận, trong lòng không đến nỗi bị trống rỗng? Trước đây mình làm công trong tiệm bánh, có con bé răng vẩu luôn gây sự với mình. Mình ăn vụng một mẩu bánh ngọt, nó cũng báo cho sếp. Mình hận nó lắm, ngày nào cũng đánh nhau với nó. Mình ăn vụng mà nó không phát hiện được thì đắc ý lắm, suốt ngày rất vui vẻ. Cứ thế, mình làm việc ở đó rất hăng hái. Về sau nó không làm nữa. Mình ăn vụng cả một hộp bánh ngọt. Nhưng mình phát hiện ra có ăn thêm nữa cũng chẳng thú vị gì.
Quỳnh hơi quay sang nhìn cô - Ưu Di quả là rất khó hiểu mình. Những ngày qua, Quỳnh duy trì cuộc sống không hoàn toàn vì tình yêu không sao quên được. Cô còn hận. Chính là mẹ. Bà ta đã mang Quỳnh đến đây, rồi cũng chính bà đã huỷ hoại nơi này. Quỳnh đứng ở đây, hết đường tiến thoái. TÌnh cảm với mẹ tựa như một khối da chết trên cơ thể, không bao giờ sinh ra tế bào mới. Dù có dùng kim châm, dùng dao cắt, cũng không hề đau đớn. Chỉ có nỗi hận đã ở đó từ lâu, và vẫn nằm ở đó, tựa như một thanh kiếm treo ngang, cô đối mặt với nó mỗi đêm.
Thực ra hận cũng là một thứ duyên phận. Cũng như Quỳnh với mẹ cô, bà ta hận Quỳnh từ khi sinh ra cô. Còn Quỳnh, trong quá trình lớn lên, cũng sinh ra một mối hận để trả lại mẹ mình. Tình cảm giữa họ nối bởi mối hận thù, sợ rằng nếu không vì mối hận, Quỳnh và mẹ sẽ trở thành hai người xa lạ.
Quỳnh uống một chút nước. Ưu Di vui vẻ cười. Quỳnh biết mang lại an ủi cho người bạn luôn quan tâm đến mình.
Đến tận khi tối trời, Quỳnh mới nhìn thấy xe của Mạn từ xa, đang chầm chậm chạy tới. Cô đứng dậy, Ưu Di cũng đứng lên theo.
Quỳnh gặp lại Mạn sau ba năm. Mạn đã nhìn thấy Quỳnh nên bảo người đàn ông họ Trịnh dừng xe, bà ta bước xuống. Mạn nhìn ra Quỳnh, ngạc nhiên ngẩn người, dường như chưa hề quen người con gái trước măt.
Quỳnh mặc bộ quần áo đen. Áo lụa đen dài cổ rộng, tay lửng, để lộ phần xương quai xanh trắng muốt. Áo cô rất nhẹ, lay động trong gió, còn tà váy dài màu đen càng thướt tha dập dờn. Bộ váy áo mềm mại rất hợp với vóc dáng thon gầy của Quỳnh. Quỳnh đi đôi săng đan với nhiều sợi màu đen. Cô đứng hơi nghiêng, dáng vẻ pha chút chán chường lẫn kiêu hãnh. Giờ đây cô có một khuôn mặt trái xoan với chiếc cằm nhọn. Bệnh tật và ăn uống không bình thường khiến nước da trắng toát. Còn đôi mắt to và dài với đôi đồng tử đen láy khiến cô trở nên nổi bật. Môi Quỳnh hơi tím, nhưng người ngoài dễ nhầm cô đã cố ý sử dụng màu son môi như vậy. Một vẻ đẹp bất ngờ.
Mạn không kịp đóng kịch, nét mặt bà ta lộ rõ vẻ ghen tị và khổ sở. Đó là con gái của bà, bà đã căm ghét và khinh miệt nó. Bà vẫn tưởng rằng, con bé này không thừa hưởng được một chút sắc đẹp nào từ nơi bà, nó là một sản phẩm thất bại. Nhưng bà đã nhầm. Ba năm không gặp, nó đã trở nên rực rỡ chói lọi. Bà ta chỉ biết cười cay đắng, ngậm ngùi sự kỳ diệu của thời gian.
Còn Quỳnh, cô đang dùng ánh mắt sắc lạnh nhìn thẳng vào Mạn. Bà ta vẫn đẹp. Cơ thể gầy, da mịn, dáng điệu uyển chuyển, vượt lên trên tuổi tác của bà. bà ta mặc bộ váy dài màu tím xanh, lượn sát làn eo, mở rộng cổ áo nơi gò xương quai xanh lộ rõ. Xương quai xanh của họ thật giống nhau, tựa như một cành cây chiết ra từ thân cây mẹ. Nhưng Quỳnh vẫn nhìn thấy sự thay đổi của Mạn. Có lẽ cuộc sống không phải lúc nào cũng thoả mãn theo ý muốn của bà ta. Trông bà đã bớt đi phần nào sự ung dung tự tại của thời ở với Lục Dật Hán. Đã có một chút tuổi già, khoé miệng cũng không còn cong lên như trước mà hơi hơi xuôi xuống. Hoặc giả, bà ta không còn tự tin như trước đây.
Quỳnh tiến tới. Người đàn ông lướt xe qua họ với vẻ thú vị, cho xe chạy vào trong nhà. Quỳnh và Mạn vẫn đứng trước cửa.  Quỳnh tiến lên hỏi:
- Sao bà thay khóa? Ngôi nhà này không thuộc về bà, nó là của chú Dật Hán. Chú đã ra đi.
- Ngôi nhà này là của ta. Chú Dật Hán của mày đã sang tên nó cho ta rồi. Chúng mày phải chuyển khỏi đây. Bà nói chắc nịch, tựa như đã sớm chuẩn bị một ngày đối mặt với Quỳnh. Điều duy nhất mà bà không nghĩ ra, đó là dáng vẻ của Quỳnh hiện tại đã khiến bà kinh ngạc.
- Không thể. Bà không có quyền làm vậy. Trác là con trai của chú Dật Hán. Quỳnh giận run, miệng tuy nói cứng nhưng trong lòng đã thấy mong manh. Nghĩ tới tình cảnh Quỳnh và Trác trở thành hai kẻ vô gia cư, tim Quỳnh nhói lên đau đớn.
- Mày có thể hỏi luật sư. Mạn trả lời rồi lướt qua mặt Quỳnh.
Mạn đi vào trong sân nhà số 3 phố Đào Lý. Lúc này trong lòng bà cũng trở nên thắc thỏm. Trông thấy đứa con gái mà mình căm ghets và khinh rẻ đã trưởng thành, lại trở nên xinh đẹp đến thế, bà bỗng nghĩ phải chăng đó là báo ứng. Đối với cái chết của Dật Hán, không phải bà không đau buồn. Bà đã từng yêu ông ta, cũng hiểu rõ tình yêu của ông dành cho mình còn lớn hơn nhiều. Bà rời bỏ Dật Hán hoàn toàn là vì bản thân mình, bà sợ hãi phải đánh mất những hào hoa sang trọng mà mình đã có. Bà cảm thấy chua chát. Nhưng tất cả không thể quay lại. Cuộc sống của Mạn là từng chiếc vòng móc vào nhau. Có lúc chỉ là quyết định một bước đi trước mắt, nhưng nó đã kéo theo toàn bộ con đường phía sau, và không còn có thể làm lại từ đầu.
Đó là sự khác nhau giữa Mạn và Quỳnh. Mỗi lần, Mạn đều có thể nén tình cảm của mình xuống, dùng những vật chất mà mình có được làm điều kiện đánh giá và chọn lựa. Nhưng Quỳnh không thể. Quỳnh luôn quyết định bằng tình cảm.
Mình đi thôi. Quỳnh biết không cần phải quay lại ngôi nhà này nữa. Cô nhíu mày quay gót, nhẹ nhàng khoác vai Ưu Di. Ưu Di đang giận dữ nhìn theo bóng Mạn đi xa dần.
Hai đứa chầm chậm rời xa nhà số 3 phố Đào Lý. Quỳnh nghe thấy tiếng cánh cổng đóng sầm. Cô cảm thấy mọi vấn vương thương nhớ đều bị đóng lại bên trong đó.
Quỳnh và Ưu Di tới một quán cà phê ở cuối phố Đào Lý. Ưu Di gọi cho Quỳnh cốc sữa nóng, bánh qui gừng. Ưu Di nói:
- Ấy có thể đến ở chỗ của mình. Mình vừa mới thuê một phòng. Bao giờ Trác ra viện cũng bảo em ấy đến. Chỉ có điều nhà hơi xa, em ấy đi học không tiện lắm. Ở hết tháng bọn mình có thể tìm căn phòng khác.
Quỳnh không nói gì, cảm thấy Ưu Di là người duy nhất có thể trông cậy, nhưng không biết thể hiện tình cảm của mình như thế nào, chỉ cúi đầu chậm rãi uống sữa. Hai đứa ngồi đến trời tối mịt. Ưu Di nhắc Quỳnh đứng dậy. Trác vẫn đang nằm viện. Nhưng Quỳnh vẫn im lặng, cũng không đứng dậy. Hai đứa lại tiếp tục ngồi. Quỳnh ôm ly sữa trong tay, cho đến khi lạnh hẳn. Cô chỉ nhìn, không uống thêm được tí nào. Ưu Di lại gọi cho cô một cốc nóng khác.
Trời tối mịt. Trong quán bán đồ ăn đơn giản, bánh xăng uých và bánh quy. Trong không khí đượm vị ngọt. Quỳnh bỗng nói với Ưu Di:
- Ưu Di, mình muốn đi xem nhà số 3 phố Đào Lý.
- Ấy muốn làm gì? Ưu Di ngạc nhiên.
- Mình chỉ muốn nhìn lại ngôi nhà thôi. Mình muốn cầm một bức tranh của chú Dật Hán. Hiện tại mình chẳng có vật gì kỷ niệm về chú. Không công bằng đối với mình và Trác. Mình phải đi, mình phải có vật gì của chú. Bạn hiểu không?
- Ừ, ừ. Thế làm sao để vào được. Mẹ của ấy chắc chắn không cho ấy vào, xin bà ấy à?
- Mình sẽ không bao giờ cầu xin bà ấy nữa. Mình biết có một chỗ tường rất thấp. Quỳnh trả lời.
Quỳnh thực sự rất nhớ những đồ vật trong ngôi nhà đó. Những đồ vật liên quan mật thiết với chú Dật Hán, những đồ vật thấm đẫm hơi thở của ông. Vì vậy cô quyết định trở về tìm chúng, mặc cho điều đó kỳ quặc khác người đến thế nào.
Phía sau phố Đào Lý có một gò đất nhỏ. Khi hai đứa đi vòng ra đến phía sau, trời đã về khuya. Nơi đó quả thực có một đoạn tường rất thấp, nhưng ít người biết vị trí chính xác của nó. Vì vậy rất khó vượt qua gò đất để tìm thấy. Nhưng Quỳnh và Trác đã từng trèo qua đó đi "cắm trại". Đèn trong phòng đã tắt cả,họ đã đi ngủ rồi. Hai đứa bắt đầu xếp mấy viên đá to lên. Ưu Di đỡ Quỳnh trèo lên. Chẳng mất mấy sức lực cô đã trèo được lên bờ tường. Quỳnh khom người nhảy xuống, nhẹ nhàng bước vào trong sân. Ưu Di gầy nhỏ, giỏi vận động, nên nhảy vào rất dễ dàng. Hai đứa lần mò đến trước cửa. Quỳnh hơi căng thẳng, lòng thầm cầu khấn cho khoá cửa không bị thay mất. Cô thận trọng lôi bộ chìa khoá của Trác ra, đút chìa vào ổ, vặn một vòng, cánh cửa đã được mở ra.
Quỳnh và Ưu Di tiến vào trong. Cô rất thông thuộc địa hình, cho dù là đi trong bóng tối vẫn nắm rõ phương hướng. Quỳnh qua phòng vẽ. Cô đã nhiều lần lẻn vào đấy, xem Dật Hán vẽ tranh. Cô dắt tay Ưu Di, tiến thẳng tới trước cánh cửa đó. Cánh cửa khóa, nhưng Trác vãn có chìa khoá. Họ vào bên trong, đóng cửa lại. Quỳnh bật đèn lên.
Cuối cùng, cô lại trở về nơi đây. Căn phòng đã thay đổi rất nhiều, có lẽ đã bị Mạn thu dọn. Những phẩm màu và bút vẽ rơi vãi trên nền nhà đã không còn nữa. Những bức tranh của Dật Hán cũng không còn. Chỉ có cái tủ bày vẫn ở đó. Quỳnh chua xót, tới bên cái tủ. Bên trong, phía sau cửa kính là những đồ sứ ba màu thời Đường, đồ bạc, đồ đồng. Trong các ngăn kéo lớn đều xếp nhiều đồ vật khácnhau. Quỳnh lần lượt mở từng ngăn kéo, từ dưới lên. Có nhiều bức thư pháp cuộn tròn, và những chiếc quạt đã xếp lại. Quỳnh không tìm thấy tranh của Dật Hán, cô hết sức thất vọng. Cô bỗng nhìn thấy một gói dàu, bọc bằng lụa màu xanh đậm nằm trong cùng của ngăn kéo. Tấm lụa thật quen mắt. Cô cầm lên mở ra. Bên trong là một bức tranh truyền thống bị cuộn lại. Quỳnh giở ra xem, đó chính là một bức vẽ mà Dật Hán đã từng cho cô xem. Dật Hán rất thích bức tranh sơn thuỷ đó. Quỳnh vẫn nhớ lúc ông đưa cho Quỳnh xem, nói rằng ông thích nhất bức này. Trong tranh là rặng núi xa mờ, mặt nước phẳng lặng và căn lều cỏ. Núi cao lên tận mây. Căn lều có mây vờn xung quanh. Ông đã từng sờ lên căn lều mờ ảo, nói với Quỳnh rằng, nếu được ở chốn như thế này thì thích biết bao. Ông nói với ánh mắt sáng long lanh. Đó là chuyện đã lâu lắm rồi, còn bây giờ, có phải ông đã tìm được cho mình một chốn như thế để yên nghỉ? Có phải ông đang được sống ở nơi mây trắng vấn vương như thế? Tay Quỳnh chợt run lên, nhưng vẫn nắm chặt bức vẽ. Dường như chú Dật Hán của cô đã hoá thân vào trong bức vẽ. Đó không phải là tranh, mà là một cánh cửa. Có thể bước qua đó, để vào trong thế giới của ông.
Một sức mạnh vô hình đang hướng dẫn Quỳnh, nó khiến cô quyết tâm quay lại tìm kiếm trong nhà. Giờ đây cô đứng trong phòng vẽ, mở chiếc ngăn kéo trên cao nhất, nhìn thấy khung ảnh bằng đồng tinh xảo. Quỳnh hiểu rằng cô đã quay lại vì điều gì. Trong khung ảnh bằng đồng trĩu nặng là hình của Tùng Vy cười thoảng nhẹ. Vẫn gò má trắng mịn như ánh trăng. Cái khung ảnh đang giữ một người, tựa hồ như không bao giờ già đi. Người đó vẫn nhìn ra thế giới xung quanh bằng đôi mắt của những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp nhất.
Quỳnh dùng ngón tay vuốt nhẹ khuôn mặt Tùng Vy trong ảnh. Một lớp bụi mỏng bay ra. Cô cảm thấy nhói lòng, nghĩ đến trước đây Dật Hán cách một thời gian lại lau chùi khung ảnh này, chẳng bao giờ để khuôn mặt ấy bị bụi bám. Quỳnh dùng ngón tay phủi từng tí bụi trên mặt Tùng Vy, cô tựa hồ nghe thấy tiếng thở dài của người con gái trong ảnh.
"Nhân diện bất tri hà xứ khứ, đào hoa y cựu tiểu đông phong!"
Quỳnh bỗng nhớ tới hai câu thơ. Căn phòng này vẫn còn hơi hướng của ông. Hơi hướng đó với cô thật là gần gũi. Ông như đang ở ngay trước mặt cô, gần như cái đêm hôm ấy, cô quỳ ngay trước ghế của ông, ngẩng mặt lên nhìn ông.
Quỳnh tìm được bức ảnh, liền cảm thấy không còn cần tìm gì nữa. Cô thấy đã đầy đủ.
Hai đứa theo đường cũ rút ra. Nhưng trong vườn không có nhiều gạch để chồng lên để nhảy qua tường. Tìm mãi mới tạm đủ gạch đá xếp lên. Quỳnh ra trước, Ưu Di theo sau. Khi cô dẫm lên đống đá bỗng nhiên sụp xuống, phát ra tiếng động lớn. Quỳnh nhìn thấy một ngọn đèn ở tầng hai bật sáng - người trong nhà đã nghe thấy tiếng động. May mà Ưu Di đã vượt qua được bức tường. Cô nhảy xuống. Hai đứa chạy đi thật nhanh.
Hai đứa sải bước trong đêm. Không ai đuổi theo cả. Quỳnh ôm bức vẽ và khung ảnh chạy không ngừng, miệng thở hồng hộc, cuối cùng oà khóc nức nở.
26.
Quỳnh chuyển tới ở cùng Ưu Di. Đó là một căn phòng nhỏ trong khu tập thể bốn tầng giản dị. Chỉ có một phòng, hơn hai chục mét vuông. Trần nhà rất thấp, mặt tường màu vàng xỉn, cảm giác hơi ngột ngạt. Còn có một gian bếp nhỏ và nhà vệ sinh. Các thiết bị chiếu sáng đều là những bóng đèn tròn trơ trụi. Tất cả như trong một công trường, không hề có hơi thở của một căn nhà.
Ưu Di đặt chiếc giường đơn ở gần cửa sổ. Trong phòng còn có một chiếc bàn vuông, và tủ quần áo một cánh. Ưu Di bảo, chờ khi Trác khỏi bệnh, cũng chuyển đến đây ở, sẽ đặt thêm một chiếc giường nữa, đặt chỗ này. Nhưng ấy thì phải nằm chung với mình thôi, chật một chút. Cô thấy Quỳnh thiểu não, dường như không hề để ý đến nơi này. Ưu Di bèn đập vào cánh tay Quỳnh nói:
- Điều này đã nói lên tình hữu nghị của chúng ta đã có bước phát triển vượt bậc về chất - hồi trung học bọn mình ngủ giường trên giường dưới, bây giờ chúng mình ngủ chung luôn một giường.
Quỳnh xoay lại ôm chầm lấy cô. Trên mặt Ưu Di có hình ảnh của một dòng suối mát. Cô vỗ về Quỳnh:
- Mình nghĩ đến bọn mình sống chung, tay trắng vào đời, thấy hào hứng ghê lắm, ấy có thế không?
Quỳnh và Ưu Di đi mua một số đồ dùng trong nhà, mua cho Trác một chiếc giường gỗ nhỏ, khăn trải bàn có hình hoa in chìm, và ba chiếc ghế. Quỳnh kiên quyết đòi mua một cây đèn chụp, vì không thể chịu nổi mấy bóng điện trần trụi mang lại cảm giác lạnh lẽo xa lạ của một công trường. Ngoài ra hai đứa còn mua đồ dùng trong bếp, nồi bát và phích nước. Ưu Di nhất định đòi mua ba chú cá vàng, thế là mua thêm một bể cá thuỷ tinh hình tròn, làm nhà cho chúng, rồi mua cả giun cho cá ăn, mua mấy cọng rong tươi non và một cái vợt - cái nọ xọ cái kia, mua thêm mấy thứ dư thừa.
Hai đứa mua thêm rất nhiều vải, đủ các loại hoa văn màu sắc. Vải là đồ trang hoàng rẻ tiền nhất, mà lại dễ sử dụng. Khi Quỳnh đính xong chỗ vải lên tường, căn phòng như một cơ thể đang đâm những mảng da non. Bật sáng cây đèn, ánh vàng sáng như ánh mắt cô gái vui tươi, khiến người ta cảm nhận sự ấm áp có thể cầm được, sờ được. Bể cá đặt trên cửa sổ. Ba chú cá hớp những chiếc mồm hồng hồng mềm mại, hớp từng hớp to ánh sáng mặt trời một cách tham lam. Ưu Di nói:
- Ba con cá chính là ba đứa mình. Con đuôi vàng là Trác, hai con đuôi hồng là ấy và mình. Trác bị ốm, phải ăn nhiều lên nhé. Ưu Di vừa nói, vừa thả vào bể một nhúm nhỏ thức ăn.
Cuộc sống lại bắt đầu, nó không bắt Quỳnh phải đợi quá lâu, bởi nó biết nếu bắt Quỳnh phải đợi thêm nữa, có lẽ cô sẽ không chịu nổi. Vì thế nó đã phái Ưu Di đến, để Ưu Di kịp giúp Quỳnh đứng dậy vào lúc gục ngã. Cho dù gió táp mưa sa, luôn luôn có khuôn mặt không gợn chút gió sương của Ưu Di, điềm tĩnh, thanh thản, nhẹ nhàng đỡ Quỳnh gượng dậy.
Hôm sau Quỳnh đến bệnh viện thăm Trác. Đã mấy ngày cô không đến, bởi những biến động về nhà số 3 phố Đào Lý, và có nhiều việc phải làm khi chuyển tới nơi ở của Ưu Di. Quỳnh quyết định đi thăm Trác và nói với cậu rằng, họ đã mất ngôi nhà, cô hi vọng cậu sẽ cùng cô chịu đựng điều đó. Mặc dù Quỳnh không nỡ lòng, nhưng cô nghĩ Trác là một người kiên cường. Hơn nữa, cô đã nhờ có Ưu Di mà phục hồi được sức sống, Trác chắc chắn sẽ vì sự có mặt của cô mà phục hồi sức khoẻ. Có lẽ ngày mai Trác đã có thể xuất viện. Quỳnh nghĩ mọi việc tới đây đã có thể chấm dứt một giai đoạn, cuộc sống mới cho dù không sung túc, nhưng không thiếu những ấm áp bé nhỏ. Quỳnh đi mua quần áo cho Trác, quần áo của cậu đều để lại ở số 3 phố Đào Lý, cô không muốn trở lại đó. Quỳnh dùng số tiền không nhiều còn lại mua cho Trác một chiếc T-shirt trắng, một chiếc quần vải xanh nhạt. Khi mua quần, Quỳnh bỗng kinh ngạc, hóa ra Trác đã cao lên rất nhiều, không còn là đứa bé cô có thể xoa đầu hồi nào.
Quỳnh đến bệnh viện, thuật lại cho Trác, không chút giấu giếm, họ không thể trở về nhà số 3 phố Đào Lý nữa. Trác không tỏ ra kinh ngạc. Thản nhiên cầm quần áo Quỳnh mua cho vào nhà vệ sinh để thay. Áo hơi rộng với cậu, nhưng quần thì vẫn hơi ngắn. Cậu đã cao lên quá nhiều. Cậu đi từ ngoài vào, đứng lại cho Quỳnh ngắm. Đó là lần đầu tiên, Quỳnh bất chợt có cảm giác đó là Dật Hán. Cậu có khuôn mặt của cha, khổ người của cha. Cậu đứng đó, nỗi buồn không che được, cậu đang hơi mỉm cười, giữa hai lông mày có sự ấm áp và bao dung. Quỳnh muốn ôm chầm lấy cậu, nhưng lại cảm thấy sợ hãi, bởi cô không xác định được cậu là ai, là Trác hay là Dật Hán. Quỳnh cảm thấy ông đã trở lại, ánh mắt hiền hậu, thản nhiên nhưng không lạnh lùng và đang gọi cô: "Quỳnh!" Cuối cùng không nén được lòng, cô chạy tới ôm lấy cậu.
Trác đập đập vào lưng Quỳnh, để yên cho cô khóc.
Quỳnh ở trong bệnh viện suốt một ngày, chiều tối mới ra về. Cô đã dặn Trác ngày mai sẽ đến đón cậu. Quỳnh ngồi xe buýt về nhà, trong lòng không sao bình tĩnh được. Cô không thể rõ được có phải đó là niềm vui - ông đã quay trở lại. Hoá ra ông vẫn luôn ở đó, ở trong con người Trác, ông ở giữa Trác và cô. Giờ phút ôm lấy Trác, Quỳnh cảm nhận được sự đoàn tụ, sự đoàn tụ của ba người.
Quỳnh về tới nhà, chậm rãi mở cửa. Trong nhà tối om. Ưu Di không có nhà? Quỳnh thở dài, mò tường tìm công tắc đèn. Bỗng nghe "tách", đèn sáng bừng. Ưu Di đứng đó, cười tươi. Quỳnh nhìn quanh phòng, thấy trên bàn có bánh sinh nhật, trên cắm mấy cây nến, còn có một đĩa dâu tây to tướng và mấy món ăn đơn giản. Có món Ưu Di mới học được: bánh sữa kẹp đậu đỏ. Còn có cả một chai rượu nho đã mở và rót vào hai chiếc cốc thuỷ tinh sáng loáng. Dung dịch đỏ sậm dưới ánh đèn thật đẹp mắt. Căn phòng đã được dọn sạch sẽ, ga giường thay mới. Quỳnh thích thú hỏi:
- Gì thế này?
Ưu Di đáp:
- Tổ chức sinh nhật cho ấy.
Quỳnh lắc đầu:
- Mấy hôm trước rời trường, bạn đã tổ chức cho mình rồi mà?
Ưu Di vẫn rất kiên định, tỏ ra mình hiểu rất rõ:
- Hôm ấy không có bánh sinh nhật. Vừa là chúc mừng mọi sự bắt đầu nữa, mọi thứ khác rồi mà!
Quỳnh bật cười:
- Ưu Di, mình mới đến đây bạn đã nói với mình đó là sự bắt đầu, bọn mình đã ăn mừng rồi. Mua đồ đạc về, trang trí xong xuôi, bạn lại nói đó là sự bắt đầu, bọn mình lại ăn mừng một lần nữa. Hôm nay đang dưng đang lành, sao lại có sự bắt đầu được? chẳng lẽ ngày nào cũng chúc mừng à?
- Chỉ cần ấy muốn, ngày nào cũng là sự bắt đầu! Ưu Di lúc lắc đầu, bắt bẻ lại. Quỳnh bấy giờ mới phát hiện ra cô ấy mới cắt tóc. Mái tóc Ưu Di vốn dài như Quỳnh, buộc ra sau đầu, bây giờ cắt rất ngắn, đằng sau ngắn quá đỗi, như một thằng con trai. Cô chưa bao giờ thích tóc ngắn, đặc biệt là ngắn đến thế này.
Quỳnh chỉ đầu tóc Ưu Di, hỏi:
- Thế này, cắt tóc cũng là để đón chào cuộc sống mới hả?
- Đương nhiên! Ưu Di đáp gọn.
- Nhưng mà không đẹp! Quỳnh lắc đầu.
Ưu Di bỗng chùng xuống, im lặng một hồi.
Quỳnh bèn chuyển đề tài:
- Mình đói quá, bọn mình bắt đầu ăn được chưa?
Ưu Di dần dần vui trở lại, kéo Quỳnh tới bên bàn, cho cô nếm thử bánh sữa kẹp đậu đỏ mới làm lần đầu. Rất thành công. Những mẩu đậu đỏ thẫm khảm lên mặt bánh trắng mềm, hấp dẫn như ngọc quý. Vị bánh thơm ngon, đượm mùi sữa.
Quỳnh rất thích. Ưu Di hớn hở, cặn kẽ giảng giải cho Quỳnh cách làm.
- Trước hết phải luộc đã, hầm nhừ ra, cho đường trắng vào. Đối với ấy thì cho ít đường một chút. Ăn ngọt dễ béo mà. Kế đến, lại hầm tiếp, cho đến khi cạn hết nước. Cô nói cặn kẽ như đang dặn dò Quỳnh.
- Sau đó, đun sôi sữa lên, đem sữa làm lạnh, rồi...
- Thôi nữa mà, mình nói thích thì cũng không cần phải dạy ngay cho mình như thế chứ. Đằng nào bạn cũng có thể làm cho mình ăn, mình thích ăn các thứ của bạn làm. Quỳnh thấy Ưu Di thật đáng yêu.
Ưu Di thấy thế lại vui vẻ trở lại: "Uống rượu nhé. Hê hê, mình muốn uống say, nhưng nếu thế thì phải tốn nhiều tiền lắm".
- Sau này có tiền, bọn mình sẽ mua một đống rươu, uống say thì thôi. Quỳnh động viên. Cô rất ít khi nói những lời kiểu động viên, nhưng Ưu Di thì lúc nào cũng an ủi và động viên Quỳnh. Quỳnh dần dần cũng bắt chước theo, cô muốn mang lại cho Ưu Di chút ấm áp.
- Ừ, cố lên Quỳnh ạ. Ưu Di dí mặt vào mặt Quỳnh.
- Từ ngày mai, là một sự bắt đầu mới, ấy phải nhớ nhé. Hôm nay ăn mừng rồi, ấy giờ đây đã là con quay đang xoay tít, không được dừng lại nữa.
Quỳnh gật đầu cười.
Quỳnh không quen uống rươu, dù uống không nhiều, nhưng cô đã dần dần ngủ thiếp đi.
Khi tỉnh lại, trong phòng vẫn tối om, tựa như đang đêm. Quỳnh thấy đầu óc nặng nề và đờ đẫn, cô gắng gượng chống tay ngồi dậy. Cô gọi Ưu Di vài lần, không có tiếng trả lời. Quỳnh trở dậy bật đèn rồi tới bên cửa sổ, kéo rèm ra. Quả là trời đang tối. Cô thấy hơi hoang mang. Quỳnh nhìn quanh phòng, trên bàn không còn những thức ăn và rượu mừng lúc tối, chắc là Ưu Di đã dọn dẹp chúng. Quần áo bẩn Quỳnh thay ra mấy hôm trước cũng đã giặt sạch, phơi lên ngay ngán ngoài ban công. Chổi lau nhà cũng đã giặt sạch, gác lên cho khô. Mọi thứ đều đâu vào đấy.
Căn phòng gọn gàng tới mức đáng sợ. Quỳnh vẫn chóng mặt, cô tự rót một ly nước. Đứng bên cửa sổ, cô nhìn thấy một chú cá trong bể đang cuống cuồng bơi như đang bị đuổi bắt hoặc chống cự cái gì. Đuôi nó vùng vẫy một cách tuyệt vọng, tựa hồ muốn nhảy ra khỏi mặt nước. Hai con cá còn lại nép vào một bên, quan sát nó một cách bối rối. Quỳnh thấy tim thót lại, không biết phải làm gì. Kế đến cô nhìn thấy một bức thư, giắt xuống dưới bể cá.
Quỳnh nhìn bức thư, cảm thấy một nỗi sợ hãi đang dân lên trong lòng. Nó bị đè dưới khối nước màu đen tối của bể cả. Con cá nhỏ vẫn tiếp tục vùng vẫy, nước bắn lên, rơi xuống phía dưới bức thư.
Quỳnh vẫn chưa đọc, bể cá đã khóc trước cô
27.
Ưu Di nói đây là bức thư đầu tiên cô viết cho người khác một cách nghiêm túc. Cô đã bò ra bàn để viết rất lâu, rồi gấp thư lại phẳng phiu, cho thư vào phong bì. Mình buộc phải viết bức thư này cho ấy, Quỳnh yêu quý ạ. Ưu Di nói vậy.
Quỳnh ơi. Mình đã cho thuốc ngủ vào trong rượu, vì thế ấy ngủ trọn một ngày một đêm mới tỉnh dậy được. Khi ấy tỉnh lại, mình đã ở một nơi mà ấy đến nghĩ cũng chưa bao giờ nghĩ tới, đó là nhà tù. À Quỳnh ơi, ấy đừng hoảng, cũng đừng sợ, nghe mình nói hết đã. Ấy phải hiểu là, khi ấy đọc những dòng này, thì mọi việc đều đã xảy ra rồi. Ấy biết không. Cái bức tranh, bức mà bọn mình lấy từ nhà số 3 phố Đào Lý, là một bức tranh cực kỳ đắt tiền. Cái khung ảnh cũng thế. Hôm ấy bọn mình trèo tưởng trở ra đã đánh thức mẹ của ấy. Họ phát hiện bị mất những vật trên, nên đã báo cảnh sát. Mẹ ấy đã nghi ngay ấy là thủ phạm. Hôm qua, khi ấy không ở nhà, cảnh sát đã tới đây điều tra. Mặc dù mình không để lộ điều gì, nhưng họ cũng đã có rất nhiều chứng cứ, đã có người nhìn thấy bọn mình trèo tường. Hơn nữa người có thể dùng chìa khoá mở cửa nhất định là người thân trong nhà. Vì thế, đối tượng nghi vấn là bọn mình. Sau khi họ đi, mình rất sợ, cũng đã nghĩ rất nhiều. Cuối cùng mình quyết định, tự mình sẽ đi đầu thú. Ừm, đây là cách tốt nhất. Mình hiểu tình hình gia đình của ấy, mình và ấy đã thân nhau như thế, vì vậy mình sẽ nhận là tự mình lấy chìa khoá của ấy để ăn cắp, họ sẽ tin thôi. Ấy cứ coi như là chẳng biết gì về chuyện này. Thực ra, mình đã nghĩ kỹ, việc này chẳng có gì đáng áy náy. Mình vốn là một đứa bất tài, không vào được đại học, chỉ có thể lăn lộn qua ngày. Không như ấy, ấy còn phải làm một nhà văn lớn đấy! Hơn nữa, em Trác cần có ấy chăm sóc. Thật đấy, ấy tin mình đi, mình cho rằng đây là giải pháp hết sức tư nhiên, chẳng phải băn khoăn gì hết. Nhưng có một điều thật khó khăn, đó là mình sẽ nói với ấy như thế nào đây? Với cái tính bướng bỉnh của ấy, hai đứa mình nhất định phải đánh nhau mất, sẽ chẳng ai chịu ai cả! Nghĩ đi nghĩ lại, chỉ có cách bắt ấy ngủ say. Đợi đến khi ấy tỉnh lại, mọi chuyện đều đã được quyết định.
Quỳnh, hai đứa mình thực sự đến với nhau là vì đọc Tùng Vy. Khi mình nhìn thấy ấy đọc sách của bà, liền cảm thấy duyên phận của hai đứa ở trong đấy. Mình cũng thích Tùng Vy giống như ấy, thích sách của bà. Mình chưa nói với ấy là, khi mới đọc, mình cũng đã từng lặng lẽ mơ ước tương lai sẽ trở thành một người thành công như Tùng Vy. Nhưng mình không có được tài năng như thế. Đến khi gặp ấy, mình phát hiện ra người đủ khả năng trở thành Tùng Vy chính là ấy đấy. Mình vẫn nghĩ rằng trong lòng thể nào cũng sẽ ghen tức ấy, thế mà mình đã chẳng mảy may ghen tức đố kị với ấy tẹo nào, Quỳnh thương. Mình nghĩ, có lẽ đó là vì tình yêu. Tình yêu ở trong sâu thẳm, nó có thể xoá bỏ mọi ý niệm không trong sáng. Mình chỉ muốn làm giúp ấy một việc gì đó, bởi vì mình biết, khi ấy lớn lên sẽ là một nhân vật đáng nể, sức lực nhỏ bé của mình sẽ vì tầm vóc của ấy mà bị phóng to lên, điều đó thật là an ủi biết bao. Quỳnh ơi, đời này kiếp này, mình không thể trở thành một nhà văn được người người kính trọng đâu. Nhưng ấy thì có thể, và ấy nhất định phải thực hiện. Một hình ảnh mình mong muốn, là ấy và Tùng Vy sẽ cùng xuất hiện trong một buổi toạ đàm, hoặc một chỗ nào đó đại loại, và rồi hai người sẽ trò chuyện vui vẻ như hai người bạn cũ. Nếu sau này ấy gặp Tùng Vy thực, đừng quên nói với bà ấy, một người bạn trước đây của ấy cũng rất yêu thích bà nhé, yêu thích bà ấy mãi mãi.
Quỳnh, khi ấy đọc bức thư này, mình đã ngồi trong nhà tù rồi. Ấy biết mình sợ nhất điều gì không? Mình sợ nhất là ấy sẽ đến nhận tội, một mực đòi vào đây với mình. Quỳnh à, ấy là một đứa thông minh. Ấy thử nghĩ xem, nếu ấy nhận tội, bọn mình đều có liên can. Một đứa là thủ phạm, đứa kia là tòng phạm. Hai đứa đều ngồi tù, ấy có thể giúp mình giảm nhẹ hình phạt à? Chẳng qua là thêm một đứa bị giam vào đây thoi. Nhưng nếu ấy ở lại ngoài kia, là thêm được nhiều hy vọng. Ấy có thể làm rất nhiều việc. Đến lúc mình ra tù, ấy có thể cho mình sự ngạc nhiên thật lớn, chẳng hạn như ấy mua lại được căn nhà số 3 phố Đào Lý. Ấy xuất bản sách của chính mình, các thứ của ấy chính là của mình, mình sẽ vui biết mấy. Cho nên, ấy nhất định không được nhận tội. Nếu ấy tới đây, mình sẽ cực kỳ giận ấy, ấy vào trong này, mình sẽ chẳng nói với ấy câu nào đâu. Quỳnh à, hôm nay mình lấy hết tiền trong túi ra, muốn mua tặng ấy một món quà để lại. Mình nhìn thấy một cái tủ lạnh bé, trên có hình các loại cá nhiệt đới, đẹp ghê lắm, nhưng thiếu quá nhiều tiền. Mình lại chọn một tấm thảm trải nền, hoa văn lớn rất đẹp, nhưng cũng không mua nổi. Cuối cùng, mình nghĩ, chỉ có thể mua gì đó để ăn. Mình biết không phải là sinh nhật ấy. Mình chỉ muốn tìm một cái cớ để chúc mừng thôi. Nhưng mình kìm chế không tốt lắm, nói năng linh tinh, lại còn ra sức dạy ấy làm bánh. Thực tình là mình sốt ruột, muốn ấy được "truyền thụ" tất cả những gì mình biết, hi hi.
Thôi nhé, Quỳnh ơi, trời bắt đầu sáng rồi. Mình phải đi đây. Một bức thư viết suốt một đêm. Ấy bảo trọng nhé.
À, đúng rồi, tóc cắt không đẹp thật, nhưng vào trong đấy sẽ tiện hơn. Mà tóc thể nào cũng lại dài ấy mà.
Ưu Di
Quỳnh lại nhét bức thư vào trong phong bì. Đứng bên cửa sổ, cô bỗng thấy khắp người nóng rực, tựa như đang bị trói chặt từ trên xuống, không thể nào thoát ra được. Quỳnh bắt đầu chạy lung tung trong phòng, như con thú cùng đường tuyệt vọng, đâm sầm vào khắp nơi để tìm lối ra. Cô chạy trong phòng, lần mò, mắt đẫm lệ.
Cuối cùng Quỳnh lao xuống bếp. Hình ảnh đó xảy ra y như trong tuổi thơ cô, nó đã quay trở lại, vào lúc tuyệt vọng. Cô cầm lên những thức ăn thừa, nửa bình sữa Ưu Di để lại, cơm nguội. Cô nhét từng vốc to vào mồm mình. Trong tim cô lại có một tiếng hỏi, Quỳnh, mày có đói không? Mày có đói không?
Quỳnh cứ thế nhét từng vốc to các thứ vào mồm, cơm dính ra mặt, ra áo cô. Bỗng nhiên, Quỳnh nhớ tới lời Ưu Di từng nói với mình:
- Quỳnh à, khi nào ấy ăn các thứ, ấy cứ nghĩ là, mấy thứ này đã có Ưu Di chịu trách nhiệm giúp ấy ăn rồi. Dù sao thì mình tốt với ấy như thế - như hai mà một. Cho nên mình ăn thì cũng giống ấy ăn thôi.
Ưu Di, bạn bây giờ có đang giúp mình ăn không? Có thật bạn đã ăn rất no không? Quỳnh dần dần ngừng được hành động ăn cuồng một cách khổ sở
Quỳnh đến bệnh viện đón Trác. Trác biết nhất định đã có sự cố xảy ra, cô đã không đến đón cậu đúng hẹn. Trác đã đợi Quỳnh trọn một ngày. Trời mưa, cậu giương ô che cho Quỳnh, hai người đi dưới mưa. Trác không hề mở miệng hỏi Quỳnh, chỉ đi theo một cách phục tùng, im lặng. Đi qua một cái chợ, Quỳnh nhìn thấy có người đang bán xiên mực nướng cay thơm lừng, còn có cả xúc xích nướng và bánh khoai vàng rộm. Quỳnh biết Trác đã lâu không ăn gì, nhưng cô không có tiền. Hai đứa làm ra vẻ vội vã, đi xuyên qua đám người đông đúc, cố gắng tỏ ra nhìn mà chẳng thấy với những đồ ăn hai bên. Điều này làm Quỳnh nhớ lại hồi bé, mỗi lần từ trường đi về nhà, cô đeo chiếc ba lô quai dài quai ngắn đi qua những hàng bán quà vặt. Cô đói bụng, nhưng không một xu dính túi. Quỳnh thấy căm ghét và khinh thường chúng, nghĩ tới một ngày nào đó có thể thưởng thức chúng một cách tuỳ ý. Thế mà đã mười năm trôi qua, mười năm là khoảng thời gian dài, cô vẫn phải chịu đói. Bây giờ, cô vẫn là một người bị cơn đói hành hạ. Dù cho cô có thể tự nhẫn nhịn, nhưng cô không thể để Trác phải sống cuộc sống như vậy.
Quãng đường rất xa, nhưng vì không có tiền, đành phải đi bộ. Hai đứa đi gần một nửa thành phố. Về đến gần nhà, Quỳnh chỉ vào một quán cà phê biển màu hồng, nói với Trác:
- Em nhìn thấy chỗ kia không? Từ ngày mai, chị sẽ đi làm ở đó.
Cả hai đều không nói thêm điều gì. Mưa vẫn rơi, Quỳnh phát hiện ra Trác vì che ô cho cô, đã bị ướt từ đầu tới chân.
Bức tranh Quỳnh và Ưu Di lấy đi khỏi nhà số 3 phố Đào Lý là một bức tranh sơn thuỷ đời Tống, trị giá hơn 600 ngàn Nhân dân tệ. Khung ảnh đồng thời Minh chạm lộng hoa văn cũng hơn ba trăm ngàn tệ. Ưu Di vì chủ động đầu thú, bị xử ngồi tù bốn năm.
Khi Quỳnh tới thăm Ưu Di, cô đã mặc đồng phục màu xanh thẫm, đi đôi giày vải màu xám. Cả người chẳng có chút màu sắc tươi tắn nào. Đây là lần đầu Quỳnh nhìn thấy Ưu Di mặc quần áo màu sẫm. Quỳnh lần đầu nhận ra, cô gái này ngày càng trong sáng tới tinh khiết, giống như một hòn ngọc quý, dần dần để lộ ra ánh sáng lấp lánh không gì cản được. Cô sinh ra đã có một đôi mắt trong sáng, quần áo rất thô thiển chỉ càng làm nổi bật điều đó. Ưu Di ngồi xuống trước mặt Quỳnh, hai đứa cách nhau  một bức tường bằng kính. Nhấc ống nghe lên, Ưu Di nói ngay:
"Ấy đến rồi à?". Giọng điệu đó y như là cô ấy đang ở nhà, còn Quỳnh là khách đến chơi.
Quỳnh gật đầu, thấp giọng nói: "Mình ngoan lắm, mình không nhận tội".
Cô lập tức nói: "Thế mới phải chứ. Chăm sóc em Trác cho tốt nhé".
Quỳnh lại gật đầu: "Bạn ở đây có sao không? Có ai bắt nạt bạn không?".
"Ai dám bắt nạt mình? Mình ở đây tốt lắm. À, ấy biết không, các nữ phạm khác đều phải đi đan rọ, lắp ráp linh kiện. Nhưng mình thì nấu ăn rất ngon nên được điều đến nhà ăn tập thể giúp việc. Hi hi, ít nhất là kiểu gì cũng no bụng! Hơn nữa, tay nghề thể nào cũng ngày một cao. Sau này ra ngoài mình sẽ nấu cho ấy ăn!". Ưu Di nói, mặt mũi hoan hỉ, nhưng Quỳnh chỉ thấy cô ấy đã gầy đi nhiều, chẳng cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm chút nào. Ưu Di thấy Quỳnh chẳng nói gì, bèn hỏi: "Ấy thế nào? Ấy đã tìm được việc gì chưa?".
"À, làm trong quán cà phê". Quỳnh đáp.
Ưu Di nghe thấy thế rất vui vẻ, hỏi: "Họ trả ấy bao nhiêu tiền?"
"Năm trăm, một nửa thời gian làm ca đêm".
Ưu Di lập tức kêu lên: "Ít thế! Lại còn ca đêm nữa, muốn người ta mệt chết hay sao!".
Quỳnh lắc lắc đầu, vội vàng an ủi Ưu Di: "Không sao cả, khi nào tìm được việc phù hợp hơn mình sẽ nghỉ ở đó".
Bấy giờ Ưu Di mới gật đầu. Trong lòng cô nghĩ, cả thế giới này đều có thể bắt nạt Quỳnh, nhất là khi không có mình bên cạnh. Mặc dù Quỳnh không muốn nói những lời to tát, nhưng co cảm thấy có những việc vẫn nên nói ra thì lòng mới yên. Quỳnh bảo: "Ưu Di, mình phải nói là, mình cám ơn ban. Cảm ơn những điều bạn đã làm vì mình".
Ưu Di lặng đi một lúc, vội nói: "Á, làm gì thế? Sao có vẻ như đang muốn thanh toán nợ nần với mình vậy? Mấy hôm nay mình ở trong này, vẫn nghĩ rằng, việc làm này mình thực sự hài lòng". Cô nói giọng đắc ý: "Mình chưa bao giờ cảm thấy như hôm nay, tìm thấy giá trị của cuộc sống. Mình cảm thấy trước kia mình sống thật vô nghĩa. Còn bây giờ thì khác, cuối cùng mình đã làm được một việc lớn".
Cái cô ấy gọi là "việc lớn" đó chính là thay Quỳnh ngồi tù. Quỳnh nghe thấy không khỏi rung động, cô ngẩng mặt, cố gắng hít hơi để giữ cho nước mắt không chảy ra.
"Mình có nói là mình không mong trả ơn đâu. Ấy phải bồi thường cho mình đấy". Ưu Di thấy Quỳnh sắp sửa khóc đến nơi, bắt đầu cuống, dùng tay vỗ vỗ và tấm kính cách giữa hai đứa.
"Bạn muốn trả ơn thế nào?" Quỳnh hỏi.
"Bánh sữa kẹp đậu đỏ, hi hi. Mình muốn ấy làm cho mình ăn!" Ưu Di cười hì hì trả lời.