580 300 tử vong năm ngoái: con số chưa bao giờ có ở Pháp từ năm 1985, Viện Thống Kê đã báo cáo như vậy trong bản tổng kết hàng năm. Nếu trận nắng nóng không xảy ra thì năm 2003 sẽ có ít tử vong hơn năm 2002. Đó là xu hướng từ lâu nay. Tháng tám vừa qua là một tháng chết chóc. Viện Thống Kê khẳng định điều mà các công ty tổ chức tang lễ nói trước đó: trận nắng nóng đã khiến 15 000 người chết sớm hơn. 15 000 người đáng lẽ có thể sống thêm nhiều tuần nữa, nhiều tháng nữa, và thậm chí nhiều năm nữa cho những người trẻ nhất. Vài người trong số này chưa đến 50. Một kết luận nữa của cuộc điều tra: trái ngược với những gì chúng ta tưởng tượng, số tử vong đã không giảm vào tháng 9, tháng 10 và tháng 11 năm 2003. Điều này không hẳn có nghĩa là trận nắng nóng đã giết chậm, Francoise Forette-giám đốc tổ chức Lão Khoa Quốc Gia giải thích như sau: ‘Trận nắng nóng giết một cách bất thình lình vào tháng tám vừa qua. Nhưng rõ ràng là một số người đã trở nên yếu ớt và bị mất đi cuộc sống tự lập. Sự phụ thuộc là một yếu tố gây tử vong rất quan trọng. Vậy nếu tính thêm cả ba tháng sau tháng 8 thì tổng số tử vong do trận nắng nóng gây ra có phải là 15 000 hay còn nhiều hơn thế? (báo RTL, 20/02/2004) Có lẽ chẳng có gì đặc biệt trừ một lần sau giờ học, hà mã bảo Liên: mày có đói không, tìm cái gì chén đi. Hai đứa đang đứng trong thang máy. Thang máy vắng tanh. Liên im lặng. Hà mã lại bảo: quyết định đi, tao đói quá. Liên gật đầu. Nếu hà mã không rủ đi ăn mà rủ đi dạo phố, chắc Liên đã từ chối. Hà mã phăm phăm đi trước. Liên hổn hển theo sau, có lúc gần như chạy, không kịp nhìn cả tên phố, chỉ thấy toàn hàng quán, nhà cửa chưa gặp bao giờ. Hà mã thỉnh thoảng quay đầu ngó nhưng không dừng lại đợi, bước chân cũng chẳng ngắn bớt tẹo nào. Phăm phăm thêm vài phố nữa cũng đứng trước một quán nhỏ tối tăm. Đẩy cửa bước vào, vắng như chùa bà Đanh. Vài bộ bàn ghế cũ. Mấy bình hoa giả. Giữa trần là một bộ đèn chùm, lác đác mấy cái bóng đã cháy, có lẽ vì vậy mà quán thiếu ánh sáng. Hà mã phịch xuống một ghế ngay cửa ra vào. Liên nghĩ hèn gì nó ngáy như bễ rồi loay hoay không dám ngồi chỗ nào. Bàn ghế lộn xộn. Rất dễ nhầm các bộ với nhau. Không biết quay lưng ra ngoài là khiếm nhã hay quay lưng vào trong là bất lịch sự. Hà mã quẳng khăn len lên mặt bàn, chỏ cái ghế đối diện bảo: mày không mỏi chân à. Liên không kịp trả lời, hà mã lại bảo: tao mệt quá, nóng điên cả người. Liên lại nghĩ nếu hà mã mà sáng láng thì cũng chẳng dám đi với nó. Cách cửa ra vào chục mét là một con kênh. Hai hàng cây song song, ngọn đã chặt, lá cũng chẳng còn. Một cây cầu cong vút bắt từ bờ này sang bờ kia. Lác đác người đi lại. Hai thằng bé trèo lên tận đỉnh cầu. áo xanh. áo đỏ. Hai quả bóng phấp phới. Hai phụ nữ đứng dưới gọi rối rít. Bồi bàn từ đâu hiện ra đưa cho mỗi đứa một thực đơn. Hà mã không thèm nhìn, dõng dạc: một Coca Cola đúp, một bánh xèo nhân trứng và thịt hun khói. Bồi bàn cũng không ghi lại, miệng huýt sáo, có vẻ quen nhau lắm. Liên mở thực đơn. Ba trang giấy nham nhở vết tay. Nhìn một lúc chỉ thấy rượu mạnh với khoa tây rán, lại gập vào. Hà mã có vẻ sốt ruột bảo: ăn bánh xèo nhân sô-cô-la đi, lần trước tao thử rồi, được lắm. Liên im lặng. Hà mã bảo tiếp: yên tâm, ở đây giá rẻ bất ngờ. Bồi bàn mang đến xuất của hà mã, nhìn Liên chờ đợi. Liên chưa kịp lên tiếng, hà mã đã bảo: một chè nhài, một bánh xèo nhân sô-cô-la. Liên không đính chính, vẫn im lặng. Bồi bàn cũng không ghi lại, mỉm cười, quay lưng đi. Đĩa bánh xèo của hà mã tú ụ như một quả đồi. Hai thằng bé đã xuống dưới chân cầu. Hai phụ nữ chạy lại. Một bà dang tay tát thằng áo đỏ. Thằng áo xanh bật khóc. Bà kiaquát lại một câu. Cả bọn rầm rập bỏ đi. Mày không đói à, hà mã lên tiếng hỏi. Liên quay đầu lại, thấy trên đĩa của hà mã chỉ còn một lớp mỡ bóng loáng, cốc Coca Cola trơ chọi mấy cục đá. Bồi bàn mang xuất của Liên ra, bảo: ăn ngon nhé, rồi nhìn hà mã cười cười, lấy cái đĩa mỡ mang đi. Bánh xèo đông lạnh hâm lò vi sóng, vừa dày vừa dai, dao cứa bật cả ra ngoài. Liên cắn một miếng, ngọt đến tận óc. May mà còn có chè nhài đã nhạt lại nóng. Hà mã hỏi: mày không đói à. Liên lắc đầu. Hà mã hỏi lại: thật không? Liên gật đầu. Hà mã bảo: tao chén nhé. Liên gật đầu. Hà mã với cái đĩa, đặt trước mặt, xoa hai tay vào nhau, mắt nhìn Liên cum cúp. Liên uống ngụm nước chè nữa. Cầu cong không một bóng người. Đèn đường đã bật. Mặt kênh ngoằn nghoèo bóng cây. Nước chè nóng cũng ích lợi thật. Bỗng có tiếng động mạnh. Hai ô tô không hiểu bằng cách nào quệt phải đuôi nhau. Ngay trước cửa quán. Cách chỗ Liên ngồi có mấy bước chân. Một xe không hề hấn, một xe bị vỡ đèn hậu. Hai chủ xe nhảy ra. Một cô gái trẻ, áo vét, quần tây, giày cao gót. Một ông lụ khụ đeo kính, măng tô len cao cổ. Hai bên cãi nhau. Một bên rin rít. Một bên đùng đục. Có cả tiếng văng tục. Cô gái trẻ hét to: ra nghĩa trang mà thi bằng lái. Ông già đáp lại: vào nhà thổ mà dở trò du côn. Chẳng người đi đường nào dừng chân. Hà mã bảo: đúng bọn rồ. Liên quay lại thấy cái bánh xèo đã biến mất. Thở dài làm một hơi hết cốc nước chè. Hà mã cười cười bảo: sợ tao xin hay sao mà uống nhanh thế. Mắt nghềnh nghệch. Mũi phập phồng. Không hiểu đáng ghét hay đáng thương. Hai đứa đứng lên. Hà mã lấy mấy gói đường trên bàn đút vào túi. Bồi bàn chạy lại đưa hóa đơn. Hà mã bảo: giờ này giảm ba mươi phần trăm đấy nhé. Bồi bàn bảo: trừ cả trong này rồi. Hà mã bảo: cho mượn máy tính. Bồi bàn đưa cho cái máy tính trên túi ngực. Hà mã bấm ba nhát, rồi chìa cho bồi bàn: đây là phần tao. Bồi bàn gật đầu. Hà mã nhìn Liên bảo: còn lại là phần mày, biết làm tính trừ chứ? Liên không nói gì. Bồi bàn cầm lấy máy tính, bấm hai nhát, chìa cho Liên. Liên gật đầu. Trả tiền xong xuôi, hai đứa ra cửa. Liên quay lưng đi thẳng. Hà mã đuổi theo bảo: có việc bận à? Liên gật đầu. Hà mã bảo: sao không nói trước? Liên im lặng. Hà mã bảo: thấy quán này rẻ không? Liên gật đầu. Lại lùi lũi bước tiếp. Được năm phút thì nhận ra đã đi ngược đường. Cặm cụi quay lại. Nhà cửa, hàng quán lạ hoắc. Càng nhìn càng lạ. Sau quyết định men theo con kênh. Ngang quán, nhìn vào vẫn thấy vắng như chùa bà Đanh. Trước cửa, hai xe ô tô đâm nhau lúc nãy cũng biến rồi. Trên đường xót lại hai vết dầu loang. Một mảnh vỡ của đèn hậu vắt vẻo trên bờ kênh. Chuyện đi ăn với hà mã, Liên không dám kể cho Pát. Nó mà biết thế nào cũng ôm bụng cười lăn lộn. Hôm sau nhìn thấy hà mã ở lớp, Liên chẳng nói gì. Hà mã gật đầu chào. Mắt vẫn nghềnh nghệch. Mũi vẫn phập phồng. Một tuần trước kì nghỉ cuối năm, cả lớp cũng học xong cách đánh mấy loại đơn, biết sử dụng mấy chục kiểu chữ, biết cắt đoạn này dán vào đoạn kia, biết những bức thư ngay cả để đuổi việc, để đòi lại nhà, để bắt bồi thường hay để đưa nhau ra tòa cũng kết thúc bằng câu: xin quí bà, quí ông, hãy nhận ở tôi lòng tôn trọng đặc biệt. Pát bảo: tao ngờ cái phép lịch sự này quá, nước mày thế nào chứ ở Cuba những trường hợp tương tự, không có thư, không có lòng tôn trọng đặc biệt, chỉ có lệnh đuổi việc, lệnh ra khỏi nhà, lệnh khởi tố, lệnh truy nã, lệnh tạm giam. Thầy giáo lần nào trả bài cũng tuyên dương Liên, còn bảo thêm kĩ sư vi tính gốc Việt bây giờ đông lắm. Pát lại quay sang nháy mắt. Thằng học viên có con chuột hỏng chưa hôm nào nộp bài kiểm tra, bài tập về nhà cũng không. Bao giờ cũng tìm được một lý do. Đau tay. Nhức mắt. Hết giấy. Máy in cạn mực. Lý do nào cũng khó tin. Thầy giáo cũng chẳng nói gì. Danh sách lớp ngoằn nghoèo chữ kí bên cạnh. Liên kí hộ Pát năm lần. Nó kí hộ Liên ít nhất ba lần. Những đứa khác cũng kí lẫn cho nhau. Có đứa thiếu thận trọng, cả thảy mười chữ kí thì bảy chữ khác nhau, chẳng là nó nhờ một đứa thì đứa ấy cũng nghỉ rồi dồn cho đứa khác. Lộn tùng phèng. Buổi cuối cùng đếm vẫn thấy đủ ba mươi cái tên, ba trăm chữ kí. Thầy giáo cười cười mang nộp ban giám hiệu. Trước khi chia tay, cả lớp góp tiền, mỗi đứa mười euro, mua quà tặng thầy giáo. Đấy là ý kiến của Pát. Mới đầu có người không chịu. Pát bảo: đừng tiếc, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Sau, có người ngần ngừ, chắc gì thầy giáo chịu nhận, chót mua rồi, bán lại lỗ to. Pát bảo: lo xa quá đấy. Cuối cùng cũng thu đủ ba trăm euro. Cả lớp cử nó và ông đeo kính ra cửa hàng Fnac chọn một cái máy ảnh số, hiệu Canon. Để đi đến quyết định này cũng mất một giờ ăn trưa. Ba chị xồn xồn bảo tặng một bộ com lê hoàn chỉnh, để đỡ phải mặc áo vét với quần bò. Thằng mắt xanh đề nghị mua cho một cái xe đua, đua đi làm những hôm tàu điện ngầm đình công. Bà y tá gợi ý đóng cho một chương trình ba buổi cấy tóc trên đỉnh đầu, tên gọi 3 Plus, mới nhập từ Mỹ. Ông đeo kính kêu gọi đặt cho hai năm tạp chí chuyên môn. Hà mã sùy một cái rồi nói: đưa quách một cái séc là xong. Những người khác phản đối. Cuối cùng Pát kể thầy giáo phàn nàn thèm máy ảnh số mà chưa đủ tiền mua. Cả bọn nghe ra, không bàn nữa. Thầy giáo nhận được quà vui lắm, cám ơn mấy lần, còn bảo cứ yên tâm, báo cáo gửi lên ANPE tốt, ban giám hiệu cũng nhận xét lớp học nghiêm túc. Pát quay ra nháy mắt với Liên. Trong máy có sẵn một cuộn phim năm kiểu. Ba mươi mốt người đứng cạnh nhau, nhờ ông bảo vệ bấm, Liên và hà mã đứng cạnh nhau hàng đầu tiên, trông như máy nước đứng cạnh cột đèn. Sau đó, ông bảo vệ lại chụp riêng cho thằng mắt xanh và ông cao lớn một pô, kỉ niệm trận chiến vì Hiến Pháp Châu Âu. Ba chị xồn xồn đòi chụp chung với thầy, thầy đứng giữa doạng chân, mỗi tay ôm một chị rất chặt, còn đầu thì ngả vào khe ngực chị thứ ba. Bọn bên ngoài vỗ tay thích chí. Còn lại hai pô, thầy giáo bảo thôi chụp một pô với toàn nữ học viên, một pô với toàn nam học viên, thế là bình đẳng. Ai cũng khen ý kiến hay. Vẫn ông bảo vệ bấm hộ. Thầy giáo xin địa chỉ e-mail để gửi ảnh qua internet. Chỉ mười học viên có. Thầy giáo lại cho địa chỉ e-mail ở trường, bảo cố lắp đi, bao giờ có địa chỉ thì báo để còn nhận ảnh. Khi ra về, học viên đứng lên bắt tay thầy giáo, bắt tay cả ông bảo vệ, nói cám ơn. Trong tàu điện ngầm, Pát nhận xét thầy giáo dễ thương, thoáng, ăn mặc thì không ổn lắm nhưng cái đấy có thể sửa được. Xong lại bảo: tao thấy hắn có vẻ đặc biệt quí mày, lúc chụp ảnh cứ cố tình đứng sát. Liên dãy nảy. Pát cười to: đẹp đôi đấy. Liên cáu tiết nguây ngẩy bỏ sang đường. Pát chạy theo bảo: mày ngủ mãi một mình không chán à. Liên lắc đầu. Pát cười to: sinh viên Việt Nam ý chí thật. Trước kì nghỉ Noel, đưa cho Liên một cái thiếp mời. Trên bìa là một bức ảnh đen trắng chụp cái xe đạp mất hết cả hai bánh, dựng cạnh gốc cây. Pát bảo mấy tháng thất nghiệp, thỉnh thoảng vác máy đi chụp. Tuần sau, Pát mở triển lãm trong một quán ba khu Bastille. Chủ quán bảo đề giá phải chăng để người ta mua làm quà Noel, được bao nhiêu cưa đôi. Chủ quán tên là Pedro, từng phục vụ trong quân đội Phidel, sang Pháp năm năm thì mở quán, là quán đầu tiên của dân Cuba ở Paris, là cái cột đầu tiên của cộng đồng Cuba ở Pháp. Pedro từ đó trở thành thủ lĩnh, ai có việc khó khăn đều đến nhờ giải quyết. Có nhiều người được Pedro, không biết làm cách nào, xin cho thẻ cư trú, bằng lái xe, giấy phép kinh doanh, tiêu chuẩn tị nạn chính trị. Pedro, theo đánh giá của Pát, là một nhân vật rất đàng hoàng, bản lĩnh, tác phong Bố Già. Giúp ai không bao giờ kể lể, cũng không nhận quà. Lại biết nhìn người, nhìn việc, nên làm cái gì được cái đó. Có thế cộng đồng Cuba, một nhúm người, mới tồn tại nổi giữa trung tâm Paris. Pát bảo dân Trung Quốc bao nhiêu anh hùng hảo hán thế mà phải lùi vào quận Mười Ba, ngay sát ngoại ô, chẳng có gì ngoài mấy toà nhà cao tầng bẩn thỉu, mấy chục quán ăn bị sở Vệ sinh Dịch tễ khám lên khám xuống, đưa lên vô tuyến đến xấu hổ. Dân Bắc Phi, mấy triệu người đọc thông viết thạo tiếng Pháp, quốc tịch Pháp không biết từ bao đời, chỉ biết tụ tập trong khu phố nghèo quận Mười Tám, đền thờ Hồi giáo không đủ chỗ, tín đồ phải chải chiếu xì xụp cầu kinh ngoài đường. Pakistan, ấn Độ, còn ngao ngán hơn, có mỗi một ngõ cụt với ba quán cà ri, một cửa hàng bán hương trừ muỗi. Pát bảo dân Cuba chúng nó biết ơn Pedro lắm, nhất định nếu có đi quán nhậu nhẹt đập phá thì chỉ chọn quán của Pedro. Nó làm triển lãm hy vọng bán được ít ảnh, cưa đôi với Pedro. Pedro có thêm thu nhập trả tiền thuê quán. Nó thì lấy lại phí tráng ảnh. Pát bảo ở tư bản, công lao động đắt kinh hoàng. Nó có thẻ khách hàng Fnac, mua đồ được cộng điểm, cuối năm sẽ có thưởng, lại được trừ vào tiền tráng ảnh. Pát cười cười kể hôm trước mua cái Canon ba trăm euro cho thầy giáo vi tính, nó được cộng thêm mười điểm. Liên im lặng. Pát nghĩ ngợi một lúc rồi bảo sẽ gửi mười hai bức ảnh trong triển lãm cho một hãng làm lịch ở Cô-lông-bi-a. Lịch phong cảnh Paris được dân Mỹ La tinh ưa chuộng, nhất là sông Xen và công viên Luých-xăm-bua. Dân Cuba cũng ưa chuộng nhưng tiền mua sữa còn chẳng đủ, tiền đâu mà trả công nó. Làm việc phúc lợi thì nó nhường cho các vị quận Mười Sáu. Nó rủ: hay là mày làm một cái máy, hai đứa đi chụp cùng nhau cho vui. Liên không nói gì. Nó bảo: chịu khó bỏ một ít vốn. Khoảng dăm thiên. Liên lắc đầu. Nó vỗ vào vai Liên: yên tâm, tao cho mày mượn. Liên vẫn lắc đầu. Nó cười: sao mày dát như thỏ đế, tao tưởng mày thắng được Mỹ thì phải oách lắm. Liên im lặng, nhớ lúc bom Mỹ ném xuống Hà Nội, cả lớp mặc quần thủng đít theo cô giáo chạy tìm hầm trú ẩn. Nó bảo: đi với tao ra Fnac chọn máy nhé. Liên lắc đầu. Nó thở dài: mày không thích, tao cũng chẳng ép. Từ đấy, không nhắc đến chuyện rủ đi chụp ảnh.