Một rổ trái cây tròn tròn, nâu nâu, tím tím ngon lành trước mặt làm Thuý An tròn xoe mắt ngạc nhiên: − Hồng quân? Dì sai người hái cho con hả dì? Chằm chằm nhìn cô, dì Năm lắc đầu: − Không phải, của hàng xóm. Có người đem qua tặng con: − Tặng cho con? - Mặt Thuý An càng ngáo hơn: − Con không biết ai tặng mình à? Cô mới về đây đâu ai đã biết mà tặng nhỉ? Đó có phải là tính mến khách tuyệt vời của người miền Tây mà ai cũng khen ngợi không? Đang nghĩ Thuý An chợt sáng mắt: − A! Con biết rồi, là của cái vườn bên kia phải không dì? Cái nhà giáp hông vườn nhà mình đó. Dì Năm có vẻ tò mò: − Sao con biết nhà bên đó? − Dạ, thì hôm qua dì Biên dẫn con đi một vòng vườn, con có thấy cây này. Nó cao ghê dì há, trái quá trời. Con hỏi dì Biên mới biết đấy là câu hồng quân. Ở trên Sài gòn họ gọi là hồng quân nhưng nghe dì Biên nói ở dưới này kêu là bồ quân. Cô liếc nhìn rổ trái hấp dẫn: − Con ăn một trái được không dì Năm? − Là người ta tặng cho con mà. Của con hết đó. Thuý An thích chí: − Để con lấy cái đĩa đem lên… − Đừng đem lên nhà trên – Như hiểu ý cô, dì Năm ngăn lại – Ngoại không thích bồ quân đâu, dì cũng vậy, con ăn hết đi − Nhưng nhiều quá dì à - Mắt nhìn lom lom cái rổ, cô nói − Thì từ từ mà ăn. Con nói con thích ăn vặt mà, đúng không? Bồ quân để mấy ngày cũng được. Không sao đâu Thuý An cười với dì rồi mon men cầm một trái hồng quân chín thẫm lên cắn thử. Vị thơm ngọt pha chát làm cô chép miệng, mặt nhăn nhăn thất vọng: − Vò sơ trước khi ăn mới không bị chát – Dì Năm nhắc − À, con quên – Thuý An sáng mắt cười – Đúng rồi, vò cho mềm vỏ. Lâu quá không ăn, con quên. Bỏ trái chát qua bên, cô cầm trái thứ 2 và bắt đầu vò bằng 2 tay một cách hứng thú như có trò chơi mới: − Con thích bồ quân à? – Dì Năm hỏi. Cắn một miếng và gật gù vì mùi vị ngọt mà thanh miệng của hồng quân, cô ngẩng lên, hơi lạ và nhận ra ánh mắt dò xét của dì: − Dạ, cũng thích, thích nhất là ngắm cái câyngay trước mắt mình. Con không ngờ cây hồng quân lại cao và nhiều trái như vậy. Trái nào trái nấy có màu tím thẫm đẹp ghê. Uổng cái dì Biên nói không phải của nhà mình. Dì Năm buông giọng: − Cây đó nằm giũa ranh giới 2 vườn nhưng nó thuộc về bên vườn nhà người ta. Nhà mình không có cây bồ quân. Im lặng một lát, dì chợt hỏi: − Con có gặp Hai Quang rồi à? Ngưng tay vò trái thứ 3, Thuý An tròn mắt hỏi nhanh: − Hai Quang à? Là ai ạ? Sực nhớ đến cái tên dì Biên nhắc qua, cô thấp giọng hỏi: − Có phải cái chú đem giùm con vô nhà không dì? − Chú? – Dì Năm nhíu mày nhìn thoáng qua cô. Thuý An chờ dì trả lời nhưng không hiểu sao dì chỉ nhìn cô vẻ như cân nhắc rồi chép miệng quay đi. Có tiếng ngoại gọi ở nhà ngoài. Bỏ dở câu chuyện đang nói với dì, Thuý An đi ra. Ngoại sai cô nhổ tóc sâu. Khi ngoại đã ngủ, Thuý An vừa xuống bếp mon men tìm lại mớ hồng quân thì gặp dì Biên cắp cái rổ nhỏ đi vào từ vườn sau: − Dì hái gì vậy? Chanh à? – Cô hỏi − Ờ, mới có keo trống, lượm chanh rụng về làm chanh muối. Như chợt nhớ ra điều gì, dì Biên vỗ tay lên trán: − Quên mất, chút nữa quên chuyện chị Năm giao sáng nay rồi − Việc gì vậy dì Biên? Con phụ cho – Thuý An tò mò. Dì Biên xua tay: − Thôi không dám nhờ em đâu. Mấy ngày em phải học làm công chuyện thế chị Năm, em mà làm phụ thì mợ Ba la tui chết − Con coi mấy cuốn sổ đó từ sáng đến giờ rồi, dì Năm cho con nghỉ giải lao đến chiều mà. Dì Biên làm gì thì cho con làm với, cho quen mà, dì không bị la đâu. Gác rổ chanh lên giá, dì Biên đáp: − Cũng hổng có gì mà phụ, xẹt ra bến một chút thôi. Ngẩng lên ngay Thuý An mừng rỡ: − Ra bến à, cho con đi theo với. Dì Biên ngần ngừ: − Nhưng mà… − Đợi con một chút thôi. Không kịp để dì từ chối, cô vọt về phòng đút túi mấy chục ngàn rồi trở ra ngay với viễn cảnh được qua thị xã. Dì Biên hơi ngạc nhiên khi thấy vẻ hồ hởi của cô. Dẫn cô ra đường đất đỏ dì cười: − Bộ em thích đi chơi đây đó lắm hả? Đi nhanh chân để không bị tụt lại sau, cô đáp: − Dạ ở Sài gòn thì con ít chơi rong lắm. Nhưng về đây thấy cái gì cũng lạ. Dì Biên nhìn xuống chân cô rồi cười nói: − Hèn gì mà em đi lập chập. Nói thiệt nghe, ở miệt này đi mấy đôi giày này không đi nhanh được. Thuý An ngó đôi dép nhựa tiện dụng của dì rồi ngó đôi sandal cứ bị chuệch choạc trên nền đất xốp của mình, cô gục gặc đầu không nói. Dì Biên hắng giọng: − Chị Năm dặn tui rảnh thì dẫn em đi một vòng cù lao mình chơi cho biết. Để bữa nào ít công chuyện, ăn cơm sáng xong, tui dẫn em đi. Thuý An không để ý lời dì. Có mấy đứa trẻ con chạy chân đất từ một ngã rẽ rượt đuổi nhau ngang qua. Giọng cười nắc nẻ của bọn nhỏ làm Thuý An lỏ mắt hiếu kỳ nhìn theo. Mấy đứa trẻ da ngăm đen nhưng rất lanh lẹ. Có 1, 2 đứa bé gái đi phía sau tay cầm cành lá gì đó khá to như lá môn hay bạc hà che đầu, mặt mũi khá sạch sẽ, tóc dài cột thun hay kẹp ngang trông như người lớn. Vì mải ngó theo mấy đứa nhỏ cô tụt lại đằng sau. Đến chừng sực tỉnh cô phải nhanh chân chạy theo một quãng mới kịp dì Biên. Vừa thở cô vừa cười nói: − Ở đây nhiều con nít quá hả dì? Tụi nó dễ thương quá − Ờ, nhưng tụi nó phá lắm, nhà tuốt trong đình mà chiều nào cũng kéo nhau ra tuốt ngoài này giỡn. Ờ mà nhắc mới nhớ, bữa nào đi chơi tui sẽ dắt em tới đình xin xăm. Em có xin xăm bao giờ chưa? Thuý An gật đầu với vẻ hứng thú: − Dạ chưa nhưng con thấy má con xin rồi. Ở trên Sài gòn có lần má cũng dắt con đi Lăng Ông cúng rồi má lắc xăm. Con thấy lắc bó thẻ đó hơi khó nhưng chưa thử qua: − Ờ vậy bữa nào đi xin thử. Xăm trong Đình mình linh lắm nghen. Mấy đoàn du lịch ở tỉnh tới cũng vô xin hà rầm. Thuý An ngạc nhiên: − Đoàn du lịch cũng có tour vô cù lao mình nữa hả dì? Chắc là khu mình có nhiều cảnh đẹp lắm? Dì Biên nói: − Tính ra thì không đông vui và nhiều chỗ đẹp bằng thị xã đâu nhưng mấy năm nay các đoàn du lịch trên tỉnh thường dắt khách vô tham quan Dinh Ông Đốc và Vườn hồng. Hôm trước người ta còn ghé qua nhà mình nói chuyện với chị Năm về du lịch nữa đó mà chị không chịu − Không chịu cái gì hả dì Biên? Dì chắc lưỡi: − Thì không chịu cho người ta vô tham quan vườn cây ăn trái của mình nè. Nghe nói nếu hợp tác với công ty du lịch thì mình cũng có nhiều tiền lắm. Thuý An cười nói: − Con biết rồi. Tại khách du lịch tới thì mình phải tiếp, ngoại không được khoẻ, kinh doanh vậy ồn ào nên dì Năm không muốn. Dì Biên cãi: − Mấy người đó nói chỉ cần treo võng trong vườn cho khách tham quan ăn trái cây thôi. cá dưới mương bắt lên thì mình làm món rồi bán, không phiền chi đến mình nhiều. Bên Hai Quang cũng nhờ làm vườn hồng du lịch mới mấy năm mà giờ khá lắm, mua thêm đất mở rộng thêm. Hai Quang? Cái tên này nghe nhắc tới nhiều thì phải. Thuý An tò mò hỏi: − Dì nói là cái chú mà hôm con xỉu đem con vô nhà dùm đó à? − Ừ: − Nhà chú đó ở đâu vậy dì? − Em hỏi làm chi? – Dì Biên khựng người nhìn cô. Cô thành thật đáp: − Từ hôm đó tới giờ con cũng chưa gặp để cảm ơn chú đó, con tính…. Dì Biên phẩy tay: − Ơn nghĩa gì. Người ta… nhân tiện giúp vậy thôi, em đừng nhắc tới làm gì. Cám ơn gì cũng khỏi, không cần đâu. Thuý An còn thắc mắc thì chợt nhận ra bến đò với thấp thoáng bóng người đã trước mặt. Quên mất câu chuyện đang nói, cô vui vẻ chỉ tay: − Đó cập bến rồi kìa dì: − Ừ, đò cử chiều mà đông khách dữ − Giờ mình đi qua chợ mua gì vậy dì Biên? Dì Biên ngạc nhiên nhìn cô: − Qua chợ? Tui đâu có qua chợ làm gì đâu? Thuý An ngớ người ra: − Ủa hồi nãy… di nói qua chợ mà? − Đâu có, tui ra bến đò thôi. Chị Năm dặn tới nhà ông Tám Nhiều nhắn ổng sửa cái máy bơm nước cho sớm trước khi chỉ đi công chuyện. Tui đâu qua chợ làm chi − Vậy nhà ông Tám đó… − Nhà ổng ngay bến nè, đâu cần qua chợ. Thuý An khựng chân, vẻ hăng hái biến đâu mất. Thấy cô xịu mặt dì Biên tò mò: − Em tưởng tui qua chợ à? Bộ em muốn qua chợ? Cô nhìn con đò vừa cập bến mà ỉu xìu gật đầu: − Em muốn mua gì sao? - Dì Biên hỏi: − Dạ không, con muốn …. coi qua chợ thị xã thôi. Dì Biên chặc lưỡi: − Tui hổng rảnh dẫn em qua bây giờ. Để mai được không? Thuý An ngẩng lên: − Mai dì Biên rảnh dẫn con đi chơi à? − Không phải, mai tui đi chợ mua đồ ăn. Đơn giản chỉ có vậy. Thuý An mừng rỡ, cô gật đầu lia lịa: − Dạ được, để con xin phép ngoại. Theo dì đi chợ chắc ngoại cho mà − Ừ chắc vậy thôi. Nghe nói mai mốt chị Năm đi vắng, em đi chợ thế tui luôn đó. Thuý An sáng mắt. Nếu được như vậy thì tốt quá. Có thể đi đây đi đó một chút cũng vui rồi. Nhà ngoại rộng lớn, vườn càng rộng lớn hơn, nhưng cô thích có dịp thăm thú chỗ này chỗ kia một chút cho biết. Hơn nữa qua thị xã, cô còn có thể gọi điện thoại về nhà, gọi cả cho Vũ nữa. Dưới bến lao xao nhóm người đi lên. Có một người đàn ông đi cuối nhóm, ông ta nghiêng qua ngã lại đến suýt va vào người Thuý An, cô giật mình vội nép vào hàng rào để tránh. Người đàn ông cũng khựng lại nhìn cô. Ánh mắt người say đỏ quạch, dài dại khiến cô e ngại quay đi. Người đàn ông cười nhạt rồi chệch choạng lướt qua cô với mùi rượu còn nồng nặc. Thấy cô nhăn mặt, dì Biên vội sán lại lo lắng: − Bộ ổng đụng em à? Có sao không? Cô lắc đầu nhìn theo bóng ngật ngưỡng của ông ta: − Không, chưa có đụng. Có điều chú đó say dữ quá, suýt tí là đụng con thật rồi. Ai vậy dì? Mới giờ này đã say sưa rồi, đi không muốn nổi − Ông đó à? – Dì Biên chép miệng - Mát mát say xỉn tối ngày. Có gặp nữa em nhớ tránh người đó đi nhé. Thôi tui vô nhắn ông Tám Nhiều đây. Em vô luôn hay đợi ngoài này? Thuý An ngập ngừng một giây rồi lắc đầu: − Con… ở đây dợi dì là được rồi. Dì Biên vào căn nhà sát mé bến. Thuý An đứng lại. Cô nhìn quanh bến đợi thưa người rồi nhìn qua bờ. Thị xã là bờ bên kia, không xa lắm. Không sao, ngày mai cô sẽ có cơ hội gọi điện về nhà rồi. Cô sẽ nghe giọng ba, giọng má, thêm giọng châm chọc của anh Hai hoặc chị Diễm cũng được. Những giọng nói thân thuộc đó cần thiết với cô biết bao lúc này. Ngắm bến đò giờ vắng lặng lại, cô thở dài. Chỉ mới 3 ngày thôi. Ba ngày cố gắng làm quen và thích ứng nhưng sao cô vẫn thấy buồn và nhớ đến ngôi nhà của mình. Nhớ đến không khí trong thành phố nhộn nhịp, khác hẳn nơi bình lặng này. Nhớ đến những bạn bè ít ỏi, những phố xá mà cô hay lang thang. Mai cô sẽ gọi điện về nhà. Cho dù còn phải 1, 2 tháng nữa cô mới xong nhiệm vụ ở đây nhưng chút liên lạc về Sài gòn sẽ làm cô được an ủi 1 tí để có thể đỡ nhớ nhà. Với hình dung về niềm vui nho nhỏ của ngày mai, Thuý An chợt nhận thấy khung cảnh trước mắt trở nên dễ thương lạ. Cô nhìn lướt qua dòng nước đục nằm giữa cô và bờ bên kia. Ồ cảnh vật của vùng quê thật đơn giản bình dị nhưng đẹp đấy chứ. Không thả hồn dõi về bến bờ bên kia nữa, cô đưa mắt ngắm nghía con đò máy đang neo chờ khách. Những người dân quê với những chiếc nón là đang lục tục xuống đò để sang sông. Tiếng cười nói rôm rả làm cái bến nhỏ trở nên sinh động. Ánh sáng sót lại của trời chiều đang hắt lên những tia lấp lánh trên dòng nước cuộn chảy. Cảnh đẹp quá! Trời đất, cỏ cây, sông nước vào cái lúc sắp tắt nắng càng cô đọng và đẹp hơn.