Giả tỷ Thạch Phá Thiên không phải là con Thạch Thanh mà là đối thủ với ông thì đã mất mạng rồi. Ðến chiêu thứ mười ông có thể xuyên kiếm qua ngực, chiêu thứ hai mươi ba có thể hớt đi một nửa đầu. Ðến chiêu thứ hai mươi tám thì môn hộ Thạch Phá Thiên lại càng sơ hở. Nào bụng, nào vai bên trái, nào đùi bên phải, nào trước ngực cả bốn chỗ khó lòng tránh khỏi mũi kiếm của đối phương. Thạch Thanh đưa mắt nhìn vợ lắc đầu. Ông rung lưỡi kiếm nhằm đâm vào phía dưới mỏ ác trên bụng. Thạch Phá Thiên chân tay luống cuống. Chàng đưa kiếm lên gạt bừa một cái bật lên tiếng choang rùng rợn. Cây kiếm trong tay Thạch Thanh lập tức bị bắn văng đi. Ðồng thời ông bị tức ngực cơ hồ nghẹt thở phải lùi lại đến bốn năm bước. Luồng đại lực của Thạch Phá Thiên xô đẩy ông loạng choạng cơ hồ đứng không vững. Thạch Phá Thiên la hoảng: -Gia gia! Gia gia làm sao thế? Chàng liệng trường kiếm đi hấp tấp chạy lại nâng đỡ. Thạch Thanh thấy đầu óc choáng váng. Ông vội phong tỏa khí mạch xua tay ra hiệu cho chàng đừng đến gần. Nguyên Thạch Phá Thiên khi cùng người động thủ ra chiêu thì kịch độc trong người chàng bị luồng nội lực xô đẩy mạnh phát tán ra ngoài. May mà Thạch Thanh biết trước không thì đã trúng độc mê và ngã lăn ra rồi. Dù sao ông cũng bị một ít chất độc thấm vào thân thể. Mẫn Nhu rất quan tâm đến trượng phu. Bà chạy lại nâng đỡ Thạch Thanh, đồng thời quay lại hỏi Thạch Phá Thiên: -Gia gia muốn thử võ công của hài nhi mà sao hài nhi lại ra tay đánh liều lĩnh như vậy? Thạch Phá Thiên kinh hãi vô cùng chàng ấp úng: -Gia gia! Vì hài nhi ngu dốt mà gây nên tai vạ. Gia gia có bị thương không? Thạch Thanh thấy chàng tỏ tình rất thân thiết một cách chân thành thì lòng ông rất vui mừng và được an ủi rất nhiều. Ông tủm tỉm cười điều hòa hơi thở một chút rồi đáp: -Gia gia không hề chi. Nhu muội! Nhu muội không nên phiền trách Ngọc nhi. Ðích xác là gã không học kiếm pháp phái Tuyết Sơn. Giả tỷ gã biết thu phát nội lực thì dĩ nhiên không đến nổi vô lễ với ta. Nội lực gã thật là ghê gớm. Trong võ lâm chả được mấy người bằng gã đâu. Mẫn Nhu biết trượng phu mình trước nay đối với kẻ sĩ học võ ít khi ca tụng ai. Bây giờ bà nghe ông khen cậu con cưng thì mặt mày hớn hở nói: -Nhưng võ công gã hãy còn thô sơ lắm, cần phải có gia gia huấn luyện cho mới được. Thạch Thanh cười đáp: -Trước Nhu muội ở trong miếu Thổ địa đã giáo huấn gã. Xem chừng muốn giáo hóa một đứa con bướng bỉnh, nghiêm phụ không khéo bằng từ mẫu. Mẫn Nhu mỉm cười nói: -Chắc cả cha con đều đói ngấu rồi. Chúng ta đi ăn cơm đã! Ba người đưa nhau vào thị trấn ăn một bữa cơm ngon. Mẫn Nhu vui mừng khôn xiết, nên bữa nay bà ăn nhiều hơn một chén. Ba người ăn xong lại vào trong khu rừng vắng vẻ. Thạch Thanh đem những chỗ vi diệu về kiếm pháp, giải thích từng chiêu từng thức cho Thạch Phá Thiên nghe. Thạch Phá Thiên sẵn có tư chất thông minh lại liên tục gần gũi những tay cao thủ, chàng đã hiểu nhiều về võ học. Bây giờ chàng được Thạch Thanh là một tay kiếm pháp siêu quần chỉ điểm nên chàng lĩnh hội rất mau. Nguyên việc hiểu đạo lý võ công không phải là chuyện khó. Cái khó là đem đạo lý võ công đưa vào thân thủ cùng chiêu số. Vì thế mà người luyện võ hết năm này qua năm khác phải tăng cường nội lực thuộc làu chiêu số. Về nội lực Thạch Phá Thiên còn cao thâm hơn những tay cao thủ bậc nhất võ lâm. Chàng chỉ còn khiếm khuyết chưa đủ kinh nghiệm lâm địch. Vợ chồng Thạch Thanh luân lưu chỉ điểm cho chàng, vạch rõ những chỗ sơ hở hay chưa đến nơi đến chốn. Hôm ở trong miếu Thổ địa, Mẫn Nhu có truyền dạy kiếm pháp cho chàng mà không tiện lên tiếng nên kết quả kém bữa nay rất nhiều. Thạch Phá Thiên nội lực bền bỉ, từ sáng đến tối chàng chuyên tâm luyện kiếm mà chẳng thấy mệt nhọc chút nào, hay tỷ đấu hàng nửa ngày mặt chàng vẫn không đỏ và giữ được hơi thở điều hòa. Vợ chồng Thạch Thanh thay đổi nhau dạy chàng ra chiêu mà đều mệt lả mồ hôi nhễ nhại. Thạch Phá Thiên học võ công được bảy tám ngày, chàng tiến bộ rất mau. Về kiếm pháp chàng đã học được đến sáu bảy thành của gia má. Võ công của Huyền Tố song kiếm há phải tầm thường? Sáu bảy thành kiếm pháp này thêm vào nội lực cực kỳ kiên cường thì dù có chạm trán với bọn Bạch Vạn Kiếm, Ðinh Bất Tam, nếu chàng không thủ thắng được, cũng đủ sức tự vệ. Trong những ngày này vợ chồng Thạch Thanh nhân lúc bữa ăn hay nghỉ ngơi lại kể những chuyện ngày xưa để giúp Thạch Phá Thiên khôi phục lại trí nhớ. Nhưng chàng chỉ nhớ tới những việc sau khi tỉnh lại ở tổng đà bang Trường Lạc, chàng kể ra vanh vách, dù là việc nhỏ chàng cũng thuật lại được rõ ràng. Còn những việc hồi nhỏ tuổi ở Huyền Tố trang hoặc khi học nghệ ở thành Lăng Tiêu thì chàng chẳng biết gì ráo trọi. Một hôm ba người ăn cơm xong lại đến gốc cây liễu hàng ngày luyện kiếm ngồi nói chuyện. Mẫn Nhu lượm một cành cây nhỏ viết xuống đất bốn chữ 'Hắc bạch phân minh' rồi hỏi Thạch Phá Thiên: -Ngọc nhi! Ngọc nhi còn nhớ được bốn chữ này không? Thạch Phá Thiên lắc đầu đáp: -Hài nhi không biết chữ. Vợ chồng Thạch Thanh giật mình kinh hãi vì cậu con trước khi rời khỏi nhà đã được Mẫn Nhu dạy cho biết cả hàng ngàn chữ nào tam Tự kinh, nào Ðường thi chàng đã đọc làu làu. Hơn nữa Uy Ðức tiên sinh phái Tuyết Sơn văn võ toàn tài. Ðệ tử ông ta toàn là những người đọc sách vở, biết lễ nghĩa. Ngày Thạch Thanh giao con cho Phong Vạn Lý đã nhờ y mời nhà túc nho để đồng thời dạy thi thơ cho chàng thì Phong Vạn Lý tủm tỉm cười nói: "Bạch đệ muội là một tay nữ tài tử tại thành Lăng Tiêu, vậy để y dạy cho lệnh lang". Thế là chàng học cả văn lẫn võ. Sao bây giờ chàng lại nói là không biết chữ? Nguyên 'hắc bạch phân minh' là bốn chữ viết trên bức hoành phi lớn treo ở chính giữa nhà sảnh đường tại Huyền Tố trang do một tay tiếng tăm trong võ lâm viết ra để tặng Thạch Thanh. Bốn chữ này hợp với Hắc Bạch song kiếm, lại ngụ ý khen vợ chồng ông giữ công đạo, nâng đỡ kẻ yếu, áp chế bọn cường hung. Mẫn Nhu sở dĩ viết bốn chữ này vì bà nghĩ rằng con mình từ thuở nhỏ ngày nào cũng trông thấy bức hoành, hoặc giả có thể nhớ lại được chăng. Ngờ đâu Thạch Phá Thiên quên luôn cả mình đã biết chữ rồi. Mẫn Nhu lại cầm cành cây vạch xuống đất một chữ 'nhất' rồi cười hỏi: -Chữ này Ngọc nhi còn nhớ được chăng? Thạch Phá Thiên không nghĩ ngợi gì đáp liền: -Hài nhi chẳng biết chữ gì ráo trọi vì chưa có ai dạy học qua. Trong lòng Mẫn Nhu thê thảm vô cùng. Mắt bà suýt nữa trào lệ ra. Thạch Thanh nhìn Thạch Phá Thiên nói: -Ngọc nhi! Con qua bên kia ngồi nghỉ đi! Thạch Phá Thiên vâng lời, nhưng chàng lại cầm kiếm đem ra chỗ khác luyện tập. Thạch Thanh khuyên nhủ vợ: -Nhu muội! Ngọc nhi bị bệnh nặng lắm, không thể một sớm một chiều mà khỏi được. Ông ngừng một chút, rồi nói tiếp: -Vả lại dù Ngọc nhi có hoàn toàn quên hết những việc đã qua, chưa chắc đã phải là việc dở. Thằng nhỏ này ngày trước tính khí luông tuồng. Bây giờ tuy gã bị chút tâm thần từ trọng, nhưng gã trở nên thành thực hơn trước nhiều. Thế là gã tiến bộ lắm đấy. Mẫn Nhu nghe lời Thạch Thanh quả là có lý liền đổi buồn làm vui, nghĩ bụng: -Không biết chữ thì đã cần gì? Ta dạy gã lại từ đầu là cùng chứ gì? Bà nghĩ tới năm trước những niềm vui vẻ khi giáo huấn cho con thì trong lòng nảy ra bao mối yêu thương khôn tả. Tuy hiện giờ con đã khôn lớn nhưng ở trong lòng bà thì dù cậu con có hai chục hay ba chục tuổi, bà cũng đem lòng yêu tha thiết như đứa con nít. Cậu con bà hồ đồ không hiểu việc đời bà lại càng yêu mến thương xót hơn. Thạch Thanh bỗng lên tiếng: -Có một điều mà ta vẫn không sao hiểu được, là thằng nhỏ này bị mắc bệnh tâm hồn lúc rời khỏi thành Lăng Tiêu. Sau gã lại mắc chứng hàn nhiệt chi đó làm gã bệnh một ngày một trầm trọng hơn mà thôi. Thế mà... Mẫn Nhu nghe lời trượng phu có ẩn ý rất lo lắng thì bà không khỏi hoang mang hỏi lại: -Thanh ca nghĩ tới điều gì vậy? Thạch Thanh đáp: -Ngọc nhi về văn tài đã không biết một chữ mà về võ công cũng chẳng lấy gì làm cao minh, chỉ được mỗi điểm là nội công gã thâm hậu mà thôi. Còn về lịch duyệt, mưu cơ cũng chẳng biết chi hết. Thế mà bang Trường Lạc gần đây trở nên một bang phái lớn trên chốn giang hồ. Trong vòng tám chín năm lại càng nổi tiếng võ lâm. Thế thì... Mẫn Nhu gật đầu ngắt lời: -Ðúng thế! Thế thì làm sao họ lại tôn Ngọc nhi lên làm Bang chúa? Thạch Thanh trầm ngâm một chút rồi đáp: -Ngày nọ khi chúng ta qua Từ Châu có được nghe Lỗ Ðông tam hùng nói bang chúa bang Trường Lạc tên gọi Thạch Phá Thiên là người mê hoa đắm sắc, hành vi xảo trá mà võ công lại rất mực cao cường. Ðó là họ không biết rõ lai lịch gã. Về sau nữ đệ tử phái Tuyết Sơn là Hoa Vạn Tử nhận ra gã đúng là Thạch Trung Ngọc, một tên đồ đệ đã bị phái đó ruong bỏ. Phái Tuyết Sơn đến tận bang Trường Lạc lý luận. Nhưng bây giờ xem ra thì nào có thấy gã 'hành động xảo trá võ công cao cường' gì đâu? Mấy tiếng này thật không xứng với gã chút nào. Mẫn Nhu nhíu cặp lông mày nói: -Hồi ấy chúng ta tưởng Ngọc nhi tuy còn nhỏ tuổi mà đã mưu cơ quỷ quyệt ghê gớm. Nếu võ công gã cao cường mà làm bang chúa thì đã chẳng có chi kỳ lạ, nên chẳng hoài nghi chút nào mà chỉ bàn cách cứu gã để khỏi lọt vào độc thủ của phái Tuyết Sơn. Nhưng cứ tình trạng này mà xét thì. Ðột nhiên bà cất cao giọng lên nói tiếp: -Thanh ca! Vụ này nhất định có một cuộc âm mưu gì ghê gớm lắm. Thanh ca thử nghĩ coi Trước Thủ Thành Xuân Bối Hải Thạch là một tay rất tinh tế có thể làm nên việc. Bà nói tới đây bỗng trong lòng phát sợ, giọng nói run lên. Thạch Thanh hai tay, chắp để sau lưng từ từ thả bước chung quanh gốc cây liễu, miệng không ngớt lẩm bẩm: -Vì lẽ gì? Vì lẽ gì? Sao lại cho gã làm bang chúa? Sao lại cho gã làm bang chúa? Lúc ông đi vòng quanh năm lượt gốc cây liễu tự nhiên trong đầu óc ông vụt nảy ra một tia sáng rồi hiểu rõ mọi sự. Ông thấy những chi tiết rất phù hợp. Có điều nội vụ rất đáng sợ nên không dám nói ra. Thạch Thanh chuyển quanh gốc cây hết vòng thứ bảy quay lại nhìn vợ thì thấy mục quang Mẫn Nhu cũng hướng về phía mình. Bốn mắt chạm nhau và đều lộ vẻ khủng khiếp. Hai vợ chồng sững sờ nhìn nhau một chút rồi đột nhiên đồng thanh la: -Thưởng thiện! Phạt ác! Bốn chữ 'Thưởng thiện Phạt ác' vang lên. Thạch Phá Thiên đứng đằng xa cũng nghe rõ. Chàng vội chạy lại hỏi: -Gia gia! Má má! Thưởng thiện phạt ác là chi vậy? Lúc ở Thiết Xoa hội, hài nhi đã nghe thấy người ta nói tới. Cả những vị đạo trưởng ở chùa Thượng Thanh cũng đề cập đến mấy lần. Thạch Thanh không trả lời câu hỏi của chàng, ông hỏi lại: -Lúc Ngọc nhi cùng bọn Trương Tam, Lý Tứ kết nghĩa anh em, họ có biết Ngọc nhi là Bang chúa bang Trường Lạc không? Thạch Phá Thiên đáp: -Họ không nói tới, chắc là không biết đâu. Thạch Thanh lại hỏi: -Tình hình lúc Ngọc nhi cùng họ thách đố uống rượu độc ra sao? Ngọc nhi thuật tường tận lại cho ta hay. Thạch Phá Thiên lấy làm kỳ hỏi: -Cái đó có phải là rượu độc không? Sao hài nhi uống vào lại chẳng việc gì? Rồi chàng đem chuyện gặp Trương Tam, Lý Tứ ra sao? Tình hình uống rượu ăn thịt thế nào? Thuật lại từ đầu đến cuối. Thạch Thanh lẳng lặng nghe chàng kể xong, ông trầm ngâm một lúc rồi nói: -Ngọc nhi! Có việc này ta cần nói rõ cho Ngọc nhi nghe. Bây giờ may ra còn có thể cứu vãn được. Ngọc nhi bất tất phải kinh hãi. Ông ngừng lại một chút rồi nói tiếp: -Ba mươi năm trước đây, nhiều môn phái cùng bang hội lớn trong võ lâm, kẻ trước người sau, bỗng nhận được thiếp mời đến đảo Long Mộc ngoài Nam Hải trước ngày mồng tám tháng chạp ăn Lạp Bát Cúc. Thạch Phá Thiên gật đầu hỏi lại: -Dạ! Có thế! Nhiều người vừa nghe nói tới đi ăn Lạp bát Cúc là sợ hết hồn. Hài nhi không hiểu tại sao? Thạch Thanh nói tiếp: -Các môn phái cùng bang hội lớn có những vị thủ lãnh tự phụ võ công mình mà khi tiếp được bài đồng gửi đến mời. Thạch Phá Thiên hỏi xen vào: -Họ dùng bài đồng làm thiếp mời ư? Phải chăng là hai tấm bài đồng kia? Thạch Thanh đáp: -Ðúng thế! Chính hai tấm bài đồng mà Ngọc nhi đã lấy được ở trong mình Chiếu Hư sư bá. Tấm khắc bộ mặt tươi cười tức là 'Thưởng thiện'. Còn tấm nữa khắc bộ mặt tức giận hung dữ là 'Phạt ác' đó. Người đưa bài đồng là hai gã thiếu niên một mập một gầy. Thạch Phá Thiên hỏi: -Họ là thiếu niên ư? Chàng nghĩ ngay đến Trương Tam, Lý Tứ, nhưng bảo là thiếu niên thì không đúng. Thạch Thanh nói: -Ðây là việc của ba mươi năm về trước khi ấy họ còn nhỏ tuổi. Những vị thủ lãnh các bang, phái nhận được thiếp mời có hỏi chủ nhân mời khách là ai thì hai vị sứ giả kia chỉ đáp: khi tới nơi tự nhiên sẽ biết rõ. Trong bọn thủ lãnh có người nở một nụ cười ra vẻ chế giễu, có người lập tức nổi trận lôi đình. Hai sứ giả liền nói: -Người nhận được thiếp mời đúng hẹn đến nơi thì chẳng việc gì, nếu không đến thì cả môn phái hoặc bang hội chẳng thể nào tránh khỏi đại họa lâm đầu. Ông ngừng lại một chút rồi nói: -Tiếp theo vị sứ giả liền hỏi ngay: Có đi hay không xin cho biết? Người nhận được bài đồng đầu tiên là Húc Sơn đạo trưởng buông tràng cười rộ rồi cầm hai tấm bài đồng vào trong tay, vận dụng nội lực bóp bẹp thành đồ bỏ. Ðạo trưởng nguyên là người khét tiếng về nội công trên chốn giang hồ lúc bấy giờ. Ông ta chắc rằng hai gã thiếu niên ngông cuồng kia thấy vậy sẽ sợ hãi bỏ đi. Ngờ đâu vừa thấy bài đồng bị bóp nát hai gã thiếu niên đột nhiên đồng thời phóng ra bốn chưởng đánh vào trước ngực Húc Sơn đạo trưởng. Thế là chúng đánh chết vị lãnh tụ ở Xuyên Tây. Thạch Phá Thiên la lên một tiếng 'úi chao' rồi hỏi: -Họ hạ thủ độc ác đến thế ư? Thạch Thanh lại nói tiếp: -Lúc ấy, quần đạo phái Thanh Thành đều hợp lực tấn công. Ngày ấy võ công hai gã thiếu niên còn chưa ghê gớm bằng sau này, thế mà đã đoạt được hai thanh trường kiếm và hạ sát luôn ba vị đạo nhân rồi bỏ đi. Phái Thanh Thành thanh thế lẫy lừng và Húc Sơn đạo trưởng lại là tay danh vọng hơn đời mà chịu để hai gã thiếu niên hỗn xược đến tận nơi hạ sát chưởng môn cùng môn hạ rồi yên ổn bỏ đi. Vụ này chỉ nửa tháng sau là tiếng đồn rầm khắp võ lâm. Hai mươi hôm sau, Ðiêu lão tiêu đầu ở tiêu cục Tây Thục đất Dư Châu lại tiếp được bài đồng giữa lúc đang thết tiệc thọ lục tuần. Khách khứa đến mừng rất đông. Hai gã thiếu niên kia đến nơi một cách đột ngột đưa bài đồng ra. Tân khách đang xôn xao nghị luận về việc này, vừa thấy chúng đến liền nổi lòng công phẫn nhất tề bao vây hai gã tấn công. Không ngờ lại bị hai gã ung dung chuồn mất chẳng ai làm gì được. Ba hôm sau Ðiêu lão tiêu đầu cùng cả nhà hơn ba mươi mạng đều bị giết sạch vào lúc nửa đêm. Ngoài cửa chính Tây Thục tiêu cục có đóng hai tấm bài đồng. Thạch Phá Thiên thở dài nói: -Hài nhi lần đầu được thấy hai tấm bài đồng này đóng trên cửa khoang thuyền đựng đầy xác chết của bang Phi Ngư. Không ngờ, đó lại là thiếp mời của Diêm Vương. Thạch Thanh nói tiếp: -Vụ này vừa đồn đại trên chốn giang hồ thì chưởng môn cùng trưởng lão phái Thiếu Lâm đứng ra mời chưởng môn nhân các môn phái lớn thương nghị cách đối phó. Ðồng thời một mặt đề phòng nghiêm mật, một mặt cho thám mã đi khắp nơi để dò la tin tức hai vị sứ giả. Nhưng những sứ giả này ẩn hiện thất thường mỗi lúc lộ diện bằng một bộ mặt khác, nên mọi người đi thám thính mà chẳng thấy bóng hai sứ giả đâu hết. Một khi cuộc phòng mật sơ hở liền chẳng thấy bóng hai sứ giả đâu hết. Một khi cuộc phòng mật sơ hở liền chẳng hiểu hai người ở đâu ló ra đưa hai tấm 'Câu hồn bài' vào. Hai người này chẳng những hành tung xuất qủy nhập thần, bản lãnh cao cường mà còn thiện nghề dùng độc. Thiên Bân trưởng lão phái Thiếu Lâm, Khổ Bách đạo nhân phái Võ Ðang tiếp được bài đồng lập tức hủy đi. Ngay lúc ấy không sao nhưng sau một tháng hai người kế tiếp nhau phát ra bệnh kỳ quái mà chết mọi người xét đoán về vụ này cho là vì Thiên Bân trưởng lão cùng Khổ bách đạo nhân võ công quá cao nên hai sứ giả 'Thưởng thiện phạt ác' biết không thể dùng võ công để thủ thắng, và như vậy không làm cho hai môn phái lớn là Thiếu Lâm và Võ Ðang lung lay được. Họ liền dùng chất kịch độc tồ bài đồng. Ai mó tay phải chất độc sẽ truyền vào thân thể làm cho chết người. Lạ ở chỗ trước khi chất độc phát tác không có triệu chứng chi hết. Khi chất độc đã phát ra thì chỉ trong một giờ là mất mạng, thiệt là lợi hại vô cùng! Thạch Phá Thiên không khỏi ớn da gà, nói: -Chẳng lẽ hai vị nghĩa huynh Trương Tam, Lý Tứ của hài nhi lại là.. lại là.. hạng người độc ác đó? Nhưng họ sinh chuyện rắc rối với các môn phái, bang hội làm gì? Thạch Thanh lắc đầu đáp: -Hơn ba mươi năm trước việc động trời này thủy chung không ai hiểu rõ. Từ khi Húc Sơn đạo nhân phái Thanh Thành, Ðiêu lão tiêu đầu ở Tây Thục tiêu cục, Thiện Bản đại sư phái Thiếu Lâm, Khổ Bách đạo nhân phái Võ Ðang bốn tay lãnh tụ kế tiếp nhau mắc độc thủ rồi các nhân vật võ lâm không khỏi nơm nớp lo sợ. Khi nhận được bài đồng, có người ưng thuận đi ăn Lạp Bát Cúc thì hai vị sứ giả nói: -Các vị quang lâm đảo Long Mộc thiệt vinh hạnh vô cùng. Vậy đến ngày ấy tháng ấy sẽ có người tới chỗ này chỗ nọ để đón tiếp xuống thuyền.Trong một năm ấy số chưởng môn nhân, bang chúa bị hai sứ giả hoặc ra mặt tấn công hoặc ngấm ngầm ám toán cả thảy mười bốn vị. Ngoài ra mười chín người ưng thuận đi phó yến thì cả mười chín người ra đi rồi không thấy tông tích đâu nữa. Ðến nay đã ba mươi hai năm vẫn chưa nhận được tin tức gì. Thạch Phá Thiên hỏi: -Ðảo Long Mộc tại Nam Hải ở địa phương nào? Sao không hội họp ít người tới đó để cứu mười chín vị kia? Thạch Thanh đáp: -Ðã đem cái tên đảo Long Mộc đi hỏi khắp các vị đảo công hải sư trên đường hàng hải mà chưa một ai nghe thấy nói đến tên đó. Chừng như không có đảo này mà chỉ là hai gã thiếu niên kia bịa đặt ra. Thế rồi năm này qua, năm khác lại qua, trừ ba mươi ba nhà có người bị họa, con cháu thân nhân còn nhớ tới, ngoài ra ai cũng lãng quên dần đi. Không ngờ qua được mười một năm, hai tấm bài đồng này lại xuất hiện trên chốn giang hồ. Lần này võ công hai sứ giả dĩ nhiên tiến bộ rất nhiều. Mới trong vòng hơn hai chục ngày mà ba môn phái, hai bang hội kể cả lớn nhỏ đã bị chết đến mấy trăm người vì không chịu phó yến. Hiện nay ba vị trưởng lão phái Nga Mi đứng ra mời hơn hai chục cao thủ âm thầm mai phục trong tổng đà Hồng Thương Hội tỉnh Hà Nam để chờ hai tên hung thủ tới nơi. Ngờ đâu hai sứ giả lại lánh Hông Thương Hội, thậm chí họ không bước chân vào tới địa phận tỉnh Hà Nam. Những tấm bài đồng vẫn tiếp tục chia ra đưa đi các nơi khác. Họ chỉ cần vị thủ lĩnh tiếp đồng bài nhận đi phó hội là trong môn phái hay bang hội từ trên xuống dưới đều được vô sự. Nếu không thì bất luận đề phòng nghiêm mật đến đâu chẳng chóng thì chầy cũng vẫn bị độc thủ của hai người. Một năm sau bang chúa Hắc Long tiếp được bài đồng tuy ngỏ lời nhận đi phó ước, rồi ngấm ngầm phái người đến thông tri cho Hồng Thương Hội. Hai mươi tay cao thủ lập tức lên đường, chẳng hiểu họ để tiết lộ cơ mưu thế nào mà trong thời gian đó chẳng thấy ai đến đón tiếp, mọi người phòng thủ mấy ngày rồi hết người nọ đến người kia bị trúng độc mà chết. Số người còn lại sợ quá phải giải tán nhưng họ chưa về đến nhà, dọc đường đã nghe tin hoặc toàn gia ngộ hại hoặc toàn bang bị tru diệt. Năm ấy chỉ còn bảy người lên một con thuyền để đến đảo Long Mộc. Nhưng ra đi rồi cũng không thấy tông tích đâu nữa. Mười phần chắc đến tám chín là họ bị chết ngoài biển cả mênh mông việc này xảy ra hai mươi mốt năm trước đây. Hỡi ôi! Thật là một kiếp nạn ghê gớm cho võ lâm, nghĩ tới không khỏi khủng khiếp và than thầm.