Về phần Mai, sự qua lại giữa chúng tôi ngày càng thường hơn. Những chiều cuối tuần, Mai thường đến ăn cơm chung với "gia đình" chúng tôi, thỉnh thoảng thuê xe chở các cháu đi ra Vũng Tàu hay lên Thủ Đức cắm trại chơi một ngày. Các cháu thì một mực lễ phép, vâng dạ "côMai". Tình cảm của Mai dành cho tôi vẫn mực nồng nàn nhưng không đi hơn, và tôi cũng vậy. Nhiều khi tôi thấy Mai muốn đặt thẳng vấn đề với tôi nhưng là thân gái, Mai ngại ngùng rồi nói những chuyện bâng quơ cốt ý để cho tôi hiểu chẳng hạn như "Mạ cứ bảo em không thể ở vậy sống một mình được", hay có lần vì sự cố buộc Mai phải đi khám bác sĩ (phụ khoa), bác sĩ phát hiện Mai bị vô sinh. "Ý hướng lập gia đình của em từ ấy cũng không còn tha thiết nữa", Mai nhìn tôi buồn bã. Hôm nhận được một số tiền của bác sĩ Phan Minh Hiển từ bên Pháp gởi cho, tôi nhờ Mai mua cho tôi một chiếc đồng hồ treo tường để kỷ niệm và cũng để nhắc nhở với tôi: thì giờ là vàng bạc. Số tiền còn lại, tôi nhờ Mai mua giùm tất cả sách vở cần thiết cho bầy con mồ côi. Việc này khiến Mai càng nễ phục tôi hơn. Tôi không như người khác trong cơn thiếu thốn chỉ mơ ước, ham mê những thứ phục vụ riêng cho cá nhân mình, như thuốc lá, cà phê hay rượu bia... Tôi có cái nhìn khác về cuộc đời. Đời tôi đã khổ nhiều rồi, tôi không muốn thấy người khác khổ hơn tôi. Tôi hướng tất cả cho tha nhân, kể ra cũng khó vì cũng là con người ai không muốn thụ hưởng một vài tiện nghi vật chất, trong khi chính tôi cũng thiếu thốn rất nhiều và hơn nữa còn bị mất mát thật lớn. Có đến gần nhau mới thấy nhau rõ hơn. Từ đó Mai nhìn tôi như một thần tượng, quí trọng tôi hơn cả tình yêu đôi lứa đời thường. Có lần Mai đề nghị bỏ tiền ra xây mộ cho mẹ tôi, nhưng tôi khéo léo từ chối, Mai cũng không đề cập tới nữa. Thỉnh thoảng Mai khéo léo đưa tiền cho Dũng mua sắm thức ăn cho các em bằng cách đề nghị sẽ đến nhà tôi ăn cơm. Những bữa ăn như vậy, gia đình thật đầm ấm. Rồi đến kỳ lãnh lương, tôi kêu thợ đến xây dựng cho mẹ tôi một mộ bia thật tươm tất, có lộng cả hình bà nữa. Nhân lúc thấy tôi vui vẻ sau bữa cơm chiều, mấy đứa con đều ra ngoài hẻm chơi đùa với các em cùng xóm, Mai hỏi: - Gặp lại anh khá lâu rồi nhưng em vẫn không biết anh có hoài vọng gì ở tương lai? Mắt nhìn xa xăm, tôi nói vào khoảng hư vô: - Anh ước ao, mơ mộng thì nhiều lắm, nhưng không phải cho bản thân anh mà cho những trẻ em mồ côi, những kẻ tật nguyền, những người kém may mắn. Nếu xoa dịu được phần nào nỗi đau thường ngày của họ, anh rất vui sướng và hạnh phúc. Câu trả lời không đi thẳng vào "vấn đề" này càng làm Mai nóng nảy. - Em muốn hỏi trong tương lai anh có nghĩ gì về chuyện lập gia đình không? - Lập gia đình à? - tôi nhìn Mai ngượng ngùng. Anh không còn nghĩ tới. Từ khi xa em, tình yêu anh dành cho em vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng anh không dám mơ tưởng đến nữa. Thân anh què quặt, phải nhìn vào thực tế. Thấy nét mặt của Mai không mấy hài lòng, tôi đánh trống lãng: - Thôi mình quên chuyện đó đi. Có một điều anh muốn nói với em là tình yêu anh dành cho em đã biến thành một tình yêu khác. Đó là các em mồ côi, anh rất vui sướng khi thấy chúng có nơi ăn chốn ở, được học hành. Anh xem chúng là con của mình, khi một đứa bị đau, anh tận tình chăm sóc nó và cùứ nghĩ đó là con của hai đứa mình, thế là hạnh phúc lắm rồi. Nghe xong, Mai cảm động nói: - Lòng nhân nơi con người quí hơn lòng từ thiện, nhưng ở anh có cả hai. Em càng quí anh hơn. - Thật ra anh cũng không xứng đáng gì. Vì không thể yêu em bằng tình yêu bình thường, anh hướng về tình yêu tha nhân. Trong thời gian xa vắng em, anh dành trọn tình yêu cho các em nhỏ này. Nghe tôi nói vậy, Mai nhìn tôi mạnh dạn: - Em rất vui sướng cùng anh, chúng ta chung lưng đấu sức hàn gắn, kết vá những nỗi đau của những trẻ em mồ côi bất hạnh đầy rẫy trên mảnh đất thân yêu này và những người cơ cực khốn cùng khác. Tôi nhìn Mai xúc động, Mai cũng có một trái tim lớn như tôi. Tôi sung sướng ôm Mai vào lòng, hôn lên má một nụ hôn thật nồng nàn. Tôi ngây ngất một hồi rồi mỉm cười nhìn Mai lập lại một câu danh ngôn bất hủ của một nhà văn Pháp - Yêu là cùng nhau đi trên con đường và cùng nhau nhìn về một hướng. Mai vui sướng nhìn tôi, đọc khe khẻ mấy câu thơ đã thuộc từ lúc còn đi học: - Trái tim ngừng trong một lúc vô biên. Thời gian hết, đất trời không có nữa... Em lúc ấy nhìn anh như lệ ứa. Êm ái như trong gió có mùi hương. Trong mắt anh, em tưởng thấy thiên đường. Ôi hạnh phúc! Em gục đầu nhắm mắt... Hai tháng sau, đám cưới của chúng tôi được tổ chức thật tưng bừng, trong không khí nửa Á, nửa Âu. Ba và em Mai bên kia nửa quả địa cầu cũng vội vàng tranh thủ bay về vui mừng cho cuộc hôn nhân "độc nhất vô nhị" này. Có thể nói là một "thiên tình sử" vì cuộc tình kéo dài từ thời học trò cho đến lúc tôi và Mai đã trên 40 tuổi, cái tuổi mà người ta gọi là "tứ thập như bất hoặt". Đúng là một phần tư thế kỷ còn gì? Số người tham dự gồm đủ thành phần trong xã hội. Đây là một cơ hội cho các em mồ côi, những người tàn tật bạn tôi được mặc quần áo đẹp nhất (tôi và Mai sắm cho) vì từ lâu rồi tất cả chưa bao giờ được ăn mặc đẹp như thế này, nằm mơ cũng không thể thấy được. Trước khi lên đường về lại Hoa Kỳ, ba Mai muốn gặp riêng tôi và Mai. Ông đi thẳng vào vấn đề: - Bây giờ ba muốn biết ý hướng làm ăn, kinh doanh của hai con. Nếu được ba sẽ giup đỡ. Tôi còn rụt rè chưa dám nói ý định của mình vì sợ ông không hợp ý hay phật lòng, Mai dành lời: - Thưa ba, ảnh sẽ phụ bán hàng điện tử với con là đủ rồi. Nhưng có một chuyện chúng con cũng muốn nhờ ba phụ giúp cho một tay mới mong thành tựu được nhưng sợ nói ra ba không tán thành. Ông cười dễ dãi và nói: - Tụi con cứ thật lòng. Nhưng mọi việc phải hợp đạo lý ở đời mới bền được các con ạ. Nghe tới đạo lý, tôi liền vui vẻ trình bày: - Thưa ba, chúng con có một ý nguyện muốn giúp những trẻ em mồ côi, không nhà, không cửa, những người tứ cố vô thân, bị hất ra ngoài lề xã hội bằng ý định xây một căn nhà tình thương. Ngẫm nghĩ một hồi, ông mới chợt hiểu ra: - Hèn chi trong đám cưới, ngoài những khách bình thường ba còn thấy đủ mọi thành phần: trẻ mồ côi, người già cả, kẻ tàn tật... Ông mỉm cười nói tiếp: - Thật tình trong lòng ba cũng có ý định giúp người nghèo khó từ lâu, nhưng ở Hoa Kỳ ba chỉ có thể cúng chùa tạ ơn Trời Phật đã độ cho gia đình mình. Bây giờ nghe hai con có ý định tốt như vậy, ba rất hoan nghênh và vui sướng cộng tác với hai con. Phải nói là "tư tưởng lớn thường gặp nhau" là vậy. Mọi chuyện ba đặt tin tưởng ở hai con, ba chỉ có khả năng vận động bên ngoài và ủng hộ về mặt tài chánh mà thôi.