Chương 56

Sau khi đưa tiễn chồng và con trai về lại Hoa Kỳ, trong bữa cơm chiều mẹ Mai thuật lại cho con gái và con rể nghe những lời tâm sự của chồng:
- Anh thật hài lòng và mãn nguyện vì có được thằng rể ngoài sức mình mong muốn. Nó không những là một người có nhân cách mà còn đôn hậu, đạo đức và nhất là có lòng yêu thương người khác hơn bản thân mình. Điều đó khó có lắm. Cuộc đời này rồi cũng qua đi thôi em ạ, chẳng còn gì và cũng chẳng mang theo được gì. Hãy giúp các con mình ra sức giúp đời, giúp xã hội trong cơn khốn khó với khả năng mình. Ấy chính là lúc mình thật sự được hạnh phúc. Em ở nhà cũng nên gắng sức phụ họa với các con được phần nào hay phần ấy.
Bà rất mừng vì tất cả đều trùng hợp, lòng thành tâm nguyện như nhau. Nét nhân hậu thể hiện ngay trên gương mặt của bà. Không phải vì lời khuyên của chồng mà trong cuộc sống thường nhật, bà cũng thường hay làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo. Và, kể từ nay bà còn có thêm lý do để giúp những người tàn tật, đặc biệt là thương phế binh, những người như con rể mình đã hy sinh một phần thân thể cho hạnh phúc và sự bình an của chính gia đình bà và những người khác.
Về phần tôi, tôi đi đi về về giữa hai nhà cũ và mới, nhưng trên thực tế tôi đã dọn về nhà của Mai và để lại căn nhà cũ cho các "con" tôi ở. Tôi cũng xin nghỉ làm ở gara anh Bảy và giới thiệu một anh phế binh khác thay tôi vào chỗ rửa xe. "Thằng con" lớn của tôi, Dũng, bây giờ trông lớn hẳn, có lẽ sớm lăn lóc với đời, nó có vẻ "già đời" hơn những bạn đồng lứa. Nhiều lúc tôi phải ngạc nhiên về những dự tính và chọn lựa của nó cho các em.
Dũng kiếm được một việc làm ở lò bánh mì, nó đi làm từ sáng sớm trưa về nhà ngủ rồi buổi tối thay tôi dạy kèm các em nhỏ. Mấy đứa "con gái" lớn cũng ngoan, bây giờ nét đẹp tự nhiên đã trở lại trên gương mặt. Chúng không muốn đi lượm bao ny lông hay bán vé số dạo nữa, tôi đã giới thiệu chúng đi học may ở một vài cơ sở tư nhân để có một nghề. Cũng may là lúc này hàng gia công nhiều nên chúng cũng có một đồng lương nho nhỏ gọi là, tôi cũng đỡ lo. Lúc này thành phố đang phát triển một cách cuồng vọng, những thú vui vật chất và xác thịt cám dỗ trẻ vị thanh niên rất nhiều, tôi rất lo nhưng nhờ có "anh hai" Dũng, các em rất sợ và nghe lời anh vì không thể giấu giếm hay qua mặt được.
Tôi dành gần như toàn bộ thì giờ cho những dự tính của mình, nào là nghiên cứu mặt bằng, địa điểm xây dựng, giá cả đất đai, vật liệu xây dựng, lương nhân công, v.v... Với công trình đơn giản nhưng đầy đủ tiện nghi do các kiến trúc sư là bạn bè thiết kế giúp đỡ: khu nhà sẽ lợp ngói đỏ, chung quanh có hàng rào và được trồng cây để gây bóng mát, bên trong có nhà ăn, nhà ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm, nhà bếp, khu giải trí có tivi, đầu máy chiếu phim ảnh, phòng đọc sách. Đặc biệt là một dãy phòng học, mỗi phòng được trang bị tủ bàn ghế sẽ do các anh em phế binh đóng cho các em học tập. Thêm vào đó là một khu vườn trồng trái cây, một ước mơ mà tôi ôm ấp lúc còn là một đứa trẻ ở Quảng Ngãi. Gia đình các anh em phế binh sẵn sàng tham gia vào lực lượng xây cất, các chị vợ hứa sẽ đến ủng hộ nấu cơm trưa. Còn Mai thì phụ trách liên lạc với các nhà thầu cung cấp vật liệu và đã được nhiều giá phải chăng.
Theo dự trù, mặt bằng là một miếng đất rộng cạnh bờ sông ở cầu Bình Triệu. Trước đây là một hãng cưa xuất khẩu nhỏ nhưng hết nguyên vật liệu đã đóng cửa từ lâu. Chúng tôi cũng sợ người ngoại quốc, nhất là Hoa kiều, vào Việt Nam mua đất rất nhiều, nhưng nơi đây xa các vùng thị tứ và trục lộ giao thông và hơn nữa xưởng cưa này nằm trên một bãi lầy nên giá đất cũng tương đối rẻ vì ít ai để ý. Gọi là rẻ nhưng rất đắt đối với chúng tôi, người ta tính giá đất bằng vàng. Về điểm này, gia đình Mai tận tình giúp đỡ và lo các thủ tục giấy tờ.
Nhìn các bản thảo, công trình xây cất bày la liệt trên bàn, lòng tôi tràn ngập niềm vui. Tôi âu yếm nhìn Mai:
- Em học sư phạm nên anh xây trường cho em dạy học đó.
Mai cũng lém lĩnh đối lại ngay:
- Anh học chính trị kinh doanh nên lập dịch vụ tình thương chứ gì?
- Ờ, anh kinh doanh tình thương đấy.
- Cả hai cùng cười sung sướng.

*

Cuộc đời tôi đến đó tưởng như đang trên thiên đường hạnh phúc ở trần gian, nhưng có ai học được chữ ngờ. Tai ương vẫn rình rập để vồ dập tôi. Không biết ai đã tố cáo tôi là thành phần cựu sĩ quan "ngụy" trốn học tập vào Sài Gòn, đang có "âm mưu liên lạc với các phần tử phản động nước ngoài lập cơ sở chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa".
Một buổi chiều thật bình thường, hai chiếc xe chở đầy công an đậu trước cửa nhà của Mai trên đường 3 tháng 2, chận các cửa ra vào. Một tốp đứng chận ngoài cửa, một tốp khác vào xét hỏi khách đến mua hàng điện tử, mẹ của Mai và hai vợ chồng tôi, tốp còn lại đi thẳng vào nhà trong và đi lên lầu lục soát tất cả đồ đạc, tịch thu toàn bộ hồ sơ xây cất và thư từ của tôi, trong đó có các thư do ba của Mai, bác sĩ Phan Minh Hiển và các hội đoàn từ thiện hải ngoại gởi cho tôi.
Sau bốn tháng bị biệt giam tại một địa điểm gần Tân Sơn Nhứt, tôi được thả ra và phải trình diện công an phường mỗi tuần một lần. Thỉnh thoảng đội công an chính trị PA18 đến chở tôi đến bộ tổng tham mưu cũ ở đường Huỳnh Hữu Bạt để thẩm vấn. Thật là mỏi mệt, những cuộc thẩm vấn chỉ xoay quanh vấn đề tại sao tôi được cộng đồng người Việt hải ngoại giúp đỡ và tại sao tôi có ý định xây dựng một ngôi nhà tình thương. Chế độ này không tin rằng trên đời này có lòng nhân đạo, họ nghi ngờ tất cả. Đối với họ giúp người nghèo khổ trong nước là có mục đích chính trị. Nếu không xuất phát từ chính quyền cộng sản, tất cả hoạt động từ thiện tư nhân trong nước đều là phản động. Lý luận thật đơn giản.
Tôi thật buồn phiền. Buồn phiền vì đã làm phiền gia đình vợ tôi, mà còn làm phiền cả bạn bè, thân hữu cùng chia sẻ giấc mơ với tôi, trong đó có các ân nhân tại hải ngoại.
Một hôm đang đạp xe thơ thẩn đi trên đường, tôi vô ý quên cột chặt chiếc chân giả nên lúc xe đổ dốc xuống cầu Tân Định, chiếc chân giả sút dây làm tôi lảo đảo. Tôi lật đật thò tay xuống chụp chiếc chân giả thì chiếc xe bị mất thăng bằng làm tôi bị té xuống đường, chiếc xích lô đằng sau lố trớn thắng không kịp cán bừa lên người tôi cùng hai hành khách ngồi trên đó, kéo tôi đi năm mười thước rồi mới dừng lại vào lề xi măng bên đường. Mọi người đều té xuống đất nhưng riêng tôi thì bị nặng hơn cả.
Tiếng người hai bên đường và hai hành khách trên xe xích lô la lên ơi ới. Chiếc chân gỗ của tôi văng ra giữa đường. Vết thương nơi chân phải bị cưa ra máu trở lại, khúc xương từ lâu đã lành giờ làm tôi đau nhức trở lại. Hai bàn tay của tôi trầy trụa, đất cát trên đường ghim vào da rát quá. Cũng may là tôi còn tỉnh táo, dân chúng hai bên đường và hai hành khách trên xe đỡ tôi dậy và chửi mắng anh đạp xích lô, đòi kêu công an lại. Một em nhỏ lượm khúc chân gỗ mang lại cho tôi, thật là cảm động.
Tội nghiệp anh đạp xích lô, đùi anh cũng bị chảy máu, mặt mày sợ sệt, chiếc xe của anh cũng méo mó quẹo càng, bánh xe bị cong như hình số 8. Thấy anh vội vàng chạy đến, tôi liền khoác tay nói không sao và cố gắng chống tay từ từ đứng dậy. Chính anh xích lô sau đó dìu tôi lên xe chở về nhà cùng chiếc xe đạp và Mai đã đưa tôi đi cấp cứu tại Bệnh Viện 115 gần nhà.
Từ đó tôi ngừng mọi hoạt động và im lặng, số phận không mỉm cười với những người cùng khổ. Tôi cần một thời gian nghỉ ngơi để suy nghĩ về mình và về thân phận những từ dưới vực sâu muốn vươn lên vùng ánh sáng. Thiên đàng không có thật trong chế độ này.
Một giấc mơ bị tan vỡ!
Viết lại theo lời thuật của Huyền Trang,
phế binh Dù, cụt chân phải.