gay lúc này, một bàn tay trắng ngần thanh tú cũng vươn nhanh tới, nắm lấy bàn tay tội ác của Nguyên Thập Tam Hạn. Sát khí lập tức hoàn toàn tiêu tan, con chim nhỏ Quai Quai bay đi, chiến đấu cũng đình chỉ. Chỉ còn lại người, người sắp chết, người trọng thương, người giận dữ và ôn hoà. Trông thấy người này, Nguyên Thập Tam Hạn chợt cảm thấy mình rơi vào trong cơn sóng ngàn tầng vạn trượng, bi thương, thù hận, giận dữ và căm ghét đan xen vào nhau, khiến cho hắn hít thở không thông. Cũng vì như vậy, ý chí cầu sinh lại vô cùng mãnh liệt, thậm chí không tiếc giết chết tất cả mọi người để mình được sống. Trông thấy người này, hắn dường như nhìn thấy tất cả khuất nhục, sỉ nhục và nhẫn nhục trong quá khứ của mình. Trông thấy người này, hắn dường như nhìn thấy tất cả chua xót, cay đắng và có tài nhưng không gặp thời trong quá khứ của mình. Tất cả phấn đấu của hắn đều vì người này. Hoặc là nói, nếu như không có người này, hắn sẽ không cần phấn đấu, ít nhất cũng không cần phải phấn đấu như vậy. Nếu như người này không phải là đồng môn của hắn, không phải là người quen của hắn, có lẽ hắn cũng không canh cánh trong lòng như thế. Con người luôn dễ sinh ra đố kị với người bên cạnh mình, còn những người không quen thuộc, cho dù có thành tựu lớn cũng chẳng liên quan gì đến hắn. Người này có quan hệ cực thân cực mật với hắn, trong đương thời đương đại cũng có vai trò trọng đại. Y đương nhiên chính là Gia Cát tiên sinh, Gia Cát Tiểu Hoa. Trông thấy người này, Thiên Y Cư Sĩ cảm thấy mình đã có thể ra đi. Bởi vì y nhất định sẽ báo thù cho mình. Bởi vì y nhất định có thể ngăn cơn sóng dữ. Bởi vì có y ở đây, những người mà mình mạng theo đều có thể được cứu. Bởi vì y chính là niềm tin. Y có một năng lực khiến người khác tin tưởng, cho dù cát bay đá chạy y vẫn ổn như tảng đá, cho dù sóng to gió lớn y cũng vững như núi cao. Thiên Y Cư Sĩ nhìn thấy người này liền từ bỏ đấu tranh. Y đã chết, chết trong lòng người này. Y suy yếu đến mức đến thậm chí không kịp nói một câu, chào một tiếng, nhưng y lại cảm thấy dường như mình đã nói ra tất cả, hơn nữa đối phương đều nghe được. Nhất định đối phương sẽ giúp y hoàn thành những chuyện còn đang dang dở. Người này đương nhiên chính là sư đệ của y, tam sư đệ Gia cát Tiểu Hoa, Gia Cát tiên sinh. Trông thấy người này, Lôi Trận Vũ mới có thể “tê liệt” đi, lập tức tứ chi hình hài của y cùng nhau nỉ non kêu khóc cho khớp xương và vết thương của mình nghe. Y khổ đấu khổ chiến, bởi vì nhân sinh vốn không có chuyện không làm mà hưởng. Không làm mà hưởng, thông thường sẽ biến thành không hưởng được gì. Sau này y tham thiền, nhất định sẽ một ngày không dậy, một ngày không ăn. Lần này y vì bằng hữu mà hai sườn cắm đao, liều chết với đại ma đầu Nguyên Thập Tam Hạn, kết quả vẫn không thể cứu vãn được bại cục. Chức Nữ chết thảm, Thiên Y Cư Sĩ cũng đang hấp hối. Hai người này chết đi, e rằng hảo hán các nơi có mặt ở Điềm sơn cũng không một ai có thể may mắn thoát chết. Đến tình này cảnh này, lúc này nơi này, y cũng chỉ có thể liều cái mạng già. Thực ra y đã trọng thương gần chết, nhưng y cố gắng không ngã, bởi vì không thể ngã, càng không thể chết. Kết quả y lại thấy được người này. Ngay cả với vai vế và võ công của y trên giang hồ, cũng luôn xem người này là một nhân vật truyền kỳ, đó là Gia Cát tiên sinh, Gia Cát Tiểu Hoa. Gia Cát tiên sinh đột nhiên xuất hiện, đối với Nguyên Thập Tam Hạn là một đả kích cực lớn. Đả kích, có lúc không phải là thân thể bị công kích mãnh liệt. Có khi, cho dù là tuyệt vọng, thất bại, thương tâm, chán nản đều là đả kích nặng nề hơn so với thân thể phải gánh chịu. Thương tâm vĩnh viễn càng đau thương hơn so với thương thân. Ai cũng sợ đả kích, nhưng có người lại xem đả kích là một loại lực lượng của hắn, giống như gió thổi lửa lớn, gió giúp lửa mạnh. Nếu như vừa bị gió thổi đã tắt, vậy thì không thể vượt qua được đả kích. Kiếm tốt phải được mài ra từ trong lò lửa, một người không chịu nổi đả kích thì quyết không phải là anh hùng hảo hán. Nguyên Thập Tam Hạn nhìn thấy Gia Cát tiên sinh, giống như trước mặt trúng phải đả kích. Hắn biết kế hoạch và cạm bẫy do mình bố trí đã thất bại. Gia Cát tiên sinh mặc dù kịp thời chạy tới, nhưng y vừa đến nơi cũng phải chịu một đả kích cực lớn. Thiên Y Cư Sĩ đã chết. Thiên Y Cư Sĩ là sư huynh của y. Trong bốn sư huynh đệ Tự Tại môn, đại sư huynh Lãn Tàn đại sư giống như mây trôi hạc bay, luôn là thần long thấy đầu không thấy đuôi; tứ sư đệ Nguyên Thập Tam Hạn lại trở mặt với mình, cũng giao chiến nhiều năm, từ trước đến giớ vẫn là địch chứ không phải bạn; chỉ có nhị sư huynh là thân thiết với mình. Đó là một loại duyên phận. Lần này Thiên Y Cư Sĩ rời núi lần nữa, vào kinh gặp mặt chính là muốn trợ giúp mình, nhưng lại “xuất quân chưa thắng thân đã chết” °. Thiên Y đã chết, chết ngay trước mặt mình, ngay trong lòng mình. Chuyện này đối với Gia Cát không chỉ là một đả kích lớn nhất. Y tận mắt nhìn thấy tứ sư đệ giết chết nhị sư huynh, nhưng lại không kịp cứu giúp, không kịp tương trợ, chỉ có thể trơ mắt nhìn Hứa Tiếu Nhất chết. Bởi vì hai bên đều bị đả kích, cho nên đều từ hận ý cực lớn sinh ra sát ý mãnh liệt. Gia Cát tiên sinh cầm một cây thương, một cây thương phong tư thanh nhã, đủ để quét hết tất cả thế gian. Nguyên Thập Tam Hạn kéo căng dây cung, cung của hắn đã lắp tên, tên chuyên thương tổn tâm người. Chú thích
° Trích từ bài thơ “Thục Tướng” của Đỗ Phủ. Thục tướng từ đường hà xứ tầm Cẩm Quan thành ngoại bách sâm sâm Ánh giai bích thảo tự xuân sắc Cách diệp hoàng ly không hảo âm Tam cố tần phiền thiên hạ kế Lưỡng triều khai tế lão thần tâm Xuất sư vi tiệp thân tiên tử Trường sử anh hùng lệ mãn khâm Dịch Nghĩa Tìm ở nơi nào thấy đền thờ của thừa tướng? Chính là ở ngoài thành Cẩm Quan, nơi có hàng cây bách um tùm Soi sáng thềm, cỏ xanh vẫn có màu vẻ xuân; Bên kia lá cây, chim oanh vàng vẫn cất tiếng hót hay Lưu Huyền Ðức ba lần đến thăm làm cho ngài phải bận tâm với kế sách bình định thiên hạ Ngài đã có công mở nước và giúp rập hai triều, hết lòng bậc lão thần. Ngài đem quân đi đánh Ngụy chưa thắng trận mà thân đã thác; Việc này mãi mãi khiến cho các bậc anh hùng lệ rơi đầy vạc áo Dịch thơ: (Trần Trọng San) Biết đâu tìm đến đền Thục tướng Phía ngoài thành Cẩm bách rườm rà Soi thềm cỏ biếc luôn tươi thắm Bên lá oanh vàng vẫn hát ca Ba lượt ân cần ơn chúa nặng Hai triều giúp rập bụng tôi già Ra quân chưa thắng thân đà thác Mãi khiến anh hùng lệ xót xa.
° Trích từ bài thơ “Thục Tướng” của Đỗ Phủ. Thục tướng từ đường hà xứ tầm Cẩm Quan thành ngoại bách sâm sâm Ánh giai bích thảo tự xuân sắc Cách diệp hoàng ly không hảo âm Tam cố tần phiền thiên hạ kế Lưỡng triều khai tế lão thần tâm Xuất sư vi tiệp thân tiên tử Trường sử anh hùng lệ mãn khâm Dịch Nghĩa Tìm ở nơi nào thấy đền thờ của thừa tướng? Chính là ở ngoài thành Cẩm Quan, nơi có hàng cây bách um tùm Soi sáng thềm, cỏ xanh vẫn có màu vẻ xuân; Bên kia lá cây, chim oanh vàng vẫn cất tiếng hót hay Lưu Huyền Ðức ba lần đến thăm làm cho ngài phải bận tâm với kế sách bình định thiên hạ Ngài đã có công mở nước và giúp rập hai triều, hết lòng bậc lão thần. Ngài đem quân đi đánh Ngụy chưa thắng trận mà thân đã thác; Việc này mãi mãi khiến cho các bậc anh hùng lệ rơi đầy vạc áo Dịch thơ: (Trần Trọng San) Biết đâu tìm đến đền Thục tướng Phía ngoài thành Cẩm bách rườm rà Soi thềm cỏ biếc luôn tươi thắm Bên lá oanh vàng vẫn hát ca Ba lượt ân cần ơn chúa nặng Hai triều giúp rập bụng tôi già Ra quân chưa thắng thân đà thác Mãi khiến anh hùng lệ xót xa.