Sau khi đưa tiễn chồng và con trai về lại Hoa Kỳ, trong bữa cơm chiều mẹ Mai thuật lại cho con gái và con rể nghe những lời tâm sự của chồng: - Anh thật hài lòng và mãn nguyện vì có được thằng rể ngoài sức mình mong muốn. Nó không những là một người có nhân cách mà còn đôn hậu, đạo đức và nhất là có lòng yêu thương người khác hơn bản thân mình. Điều đó khó có lắm. Cuộc đời này rồi cũng qua đi thôi em ạ, chẳng còn gì và cũng chẳng mang theo được gì. Hãy giúp các con mình ra sức giúp đời, giúp xã hội trong cơn khốn khó với khả năng mình. Ấy chính là lúc mình thật sự được hạnh phúc. Em ở nhà cũng nên gắng sức phụ họa với các con được phần nào hay phần ấy. Bà rất mừng vì tất cả đều trùng hợp, lòng thành tâm nguyện như nhau. Nét nhân hậu thể hiện ngay trên gương mặt của bà. Không phải vì lời khuyên của chồng mà trong cuộc sống thường nhật, bà cũng thường hay làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo. Và, kể từ nay bà còn có thêm lý do để giúp những người tàn tật, đặc biệt là thương phế binh, những người như con rể mình đã hy sinh một phần thân thể cho hạnh phúc và sự bình an của chính gia đình bà và những người khác. Về phần tôi, tôi đi đi về về giữa hai nhà cũ và mới, nhưng trên thực tế tôi đã dọn về nhà của Mai và để lại căn nhà cũ cho các "con" tôi ở. Tôi cũng xin nghỉ làm ở gara anh Bảy và giới thiệu một anh phế binh khác thay tôi vào chỗ rửa xe. "Thằng con" lớn của tôi, Dũng, bây giờ trông lớn hẳn, có lẽ sớm lăn lóc với đời, nó có vẻ "già đời" hơn những bạn đồng lứa. Nhiều lúc tôi phải ngạc nhiên về những dự tính và chọn lựa của nó cho các em. Dũng kiếm được một việc làm ở lò bánh mì, nó đi làm từ sáng sớm trưa về nhà ngủ rồi buổi tối thay tôi dạy kèm các em nhỏ. Mấy đứa "con gái" lớn cũng ngoan, bây giờ nét đẹp tự nhiên đã trở lại trên gương mặt. Chúng không muốn đi lượm bao ny lông hay bán vé số dạo nữa, tôi đã giới thiệu chúng đi học may ở một vài cơ sở tư nhân để có một nghề. Cũng may là lúc này hàng gia công nhiều nên chúng cũng có một đồng lương nho nhỏ gọi là, tôi cũng đỡ lo. Lúc này thành phố đang phát triển một cách cuồng vọng, những thú vui vật chất và xác thịt cám dỗ trẻ vị thanh niên rất nhiều, tôi rất lo nhưng nhờ có "anh hai" Dũng, các em rất sợ và nghe lời anh vì không thể giấu giếm hay qua mặt được. Tôi dành gần như toàn bộ thì giờ cho những dự tính của mình, nào là nghiên cứu mặt bằng, địa điểm xây dựng, giá cả đất đai, vật liệu xây dựng, lương nhân công, v.v... Với công trình đơn giản nhưng đầy đủ tiện nghi do các kiến trúc sư là bạn bè thiết kế giúp đỡ: khu nhà sẽ lợp ngói đỏ, chung quanh có hàng rào và được trồng cây để gây bóng mát, bên trong có nhà ăn, nhà ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm, nhà bếp, khu giải trí có tivi, đầu máy chiếu phim ảnh, phòng đọc sách. Đặc biệt là một dãy phòng học, mỗi phòng được trang bị tủ bàn ghế sẽ do các anh em phế binh đóng cho các em học tập. Thêm vào đó là một khu vườn trồng trái cây, một ước mơ mà tôi ôm ấp lúc còn là một đứa trẻ ở Quảng Ngãi. Gia đình các anh em phế binh sẵn sàng tham gia vào lực lượng xây cất, các chị vợ hứa sẽ đến ủng hộ nấu cơm trưa. Còn Mai thì phụ trách liên lạc với các nhà thầu cung cấp vật liệu và đã được nhiều giá phải chăng. Theo dự trù, mặt bằng là một miếng đất rộng cạnh bờ sông ở cầu Bình Triệu. Trước đây là một hãng cưa xuất khẩu nhỏ nhưng hết nguyên vật liệu đã đóng cửa từ lâu. Chúng tôi cũng sợ người ngoại quốc, nhất là Hoa kiều, vào Việt Nam mua đất rất nhiều, nhưng nơi đây xa các vùng thị tứ và trục lộ giao thông và hơn nữa xưởng cưa này nằm trên một bãi lầy nên giá đất cũng tương đối rẻ vì ít ai để ý. Gọi là rẻ nhưng rất đắt đối với chúng tôi, người ta tính giá đất bằng vàng. Về điểm này, gia đình Mai tận tình giúp đỡ và lo các thủ tục giấy tờ. Nhìn các bản thảo, công trình xây cất bày la liệt trên bàn, lòng tôi tràn ngập niềm vui. Tôi âu yếm nhìn Mai: - Em học sư phạm nên anh xây trường cho em dạy học đó. Mai cũng lém lĩnh đối lại ngay: - Anh học chính trị kinh doanh nên lập dịch vụ tình thương chứ gì? - Ờ, anh kinh doanh tình thương đấy. - Cả hai cùng cười sung sướng.