Người sinh viên được nhắc nhở đến nhiều nhất trong vòng năm năm trở lại đây, ngồi trước mặt tôi với dáng điệu của một diễn viên không sành nghề đóng một vai trò quá khổ. Huỳnh Tấn Mẫm mặc chiếc áo trắng, quần xanh, chân mang dép, một túi vải lớn có kẻ hàng chữ xác định: Sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm. Tôi đứng bên cạnh Mẫm để thấy rõ những giọt mồ hôi lấm tấm ở tóc mai đang kết thành giòng chảy xuống má, Mẫm xoắn mười ngón tay vào nhau, anh không có một dáng dấp chế ngự, đập mạnh lên cảm nhận của kẻ khác khi nhìn thấy lần đầu. Mẫm chỉ là một người tầm thước với nét mặt đều đặn bình thường, đôi mắt hơi lé và một gò má cao. Người sinh viên được hầu hết báo chí bám theo từng hành động, lời nói, của những năm trước, người được các hảng thông tấn quốc tế đánh đi khắp cùng thế giới kèm với biến động chính trị Nam Việt Nam, trung tâm thu hút của mọi nguồn tin mà một số đông mỗi buổi chiều mở ti-vi, giở trang báo đều hướng mắt vào. Huỳnh Tấn Mẫm, người của dàn chào, của hơi cay, khiên mây, áo giáp mà khối Cảnh Sát Dã Chiến hùng hậu nhất thế giới đã đồng ý là mục tiêu số một, “ngon” nhất. Tôi không thấy ở người ngồi trước mặt là người thanh niên có dáng dấp của kẻ gây biến động đó. Mẫm dưới mắt tôi trong buổi sáng nầy là một người rất thường. Giữa đám người lao xao cùng chung toán tù, những người tù già, những người tù “cách-mạng”, Mẫm lạc lõng hoàn toàn với chiếc áo trắng, đôi mắt xao xác của kẻ bị rơi vào một thế giới hung bạo. - Anh này là Huỳnh Tấn Mẫm, không thuộc về thành phần trao trả, chúng tôi biết rõ như thế, chúng tôi không cần hỏi ý kiến của anh... Anh cán bộ cộng sản với quân hàm tương đương thiếu tá bí danh Dũng bỗng nhiên chỉ tay vào Mẫm khẳng định trước cách đối xử. Thật lạ, bình thường cán bộ cộng không bao giờ có những lời lẽ, hành động hấp tấp như vậy, tất cả phải được tập dượt, “hội ý”, lấy ý kiến chung rồi mới quyết định. Nhưng sáng nay viên thiếu tá Việt cộng đã làm một biệt lệ (Những người muốn phát biểu nguyện vọng phải đến khi trao trả hết người trong toán mình (hai mươi lăm người) khi ấy mới được hỏi ý kiến về bên tiếp nhận (Mặt Trận Giải Phóng), hay ở lại bên trao trả (Việt Nam Cộng Hòa), Mẫm co rúm người trước lời nói chát chúa thẳng thừng bất ngờ nầy. Thiếu tá Ngọc của Việt Nam Cộng Hòa đốp chát ngay để giữ tinh thần cho Mẫm: - Thiếu tá Dũng vi phạm thủ tục, hai bên phải điểm danh sách, đến tên người nào người đó có ý kiến hay không, ở đây không có sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm nào hết, chỉ có danh sách hai mươi lăm nhân viên dân sự do Việt Nam Cộng Hòa trao trả... Yêu cầu thiếu tá Dũng bắt đầu theo đúng thủ tục ấn định... Cần phải mở một dấu ngoặc về công việc ngày hôm nay: Hôm nay là ngày thứ mười hai của đợt trao trả cuối cùng (Bắt đầu từ 8-12-1974 đến 6-3-1974), Việt Nam Cộng Hòa trả cho Mặt Trận Giải Phóng con số còn lại của tổng số 5081 người (Đã trả số lớn đợt đầu tiên vào tháng 3-73; đợt thứ hai ngày 23 và 24-7-73...). Đợt cuối cùng nầy cũng là lần quan trọng nhất, ngoài mấy ngàn nhân viên dân sự thường còn có một số tù nhân nổi tiếng mà hai bên có những tính toán riêng khi đem trao trả và tiếp nhận. Đó là những người chống chính phủ Việt Nam Cộng Hòa qua các phong trào vận động hòa bình, các mặt trận chính trị mà mục tiêu là chính phủ của Tổng Thống Thiệu. Năm ngoái, chúng tôi đã đưa về bên kia hai mươi mốt nhân viên dân sự gốc sinh viên như Trần Thị Huệ, Trần Thị Lan, Trịnh Đình Ban, Võ Như Lanh, Nguyễn Thành Công... trong buổi trao trả ngày 23-7-73, cũng tại địa điểm Lộc Ninh nầy. Năm nay chúng tôi có nhiệm vụ “đẩy” một số nhân viên dân sự (NVDS) khác mà tên tuổi đã được dư luận trong cũng như ngoài nước đang cực lực theo dõi đó là các tù nhân Trần Ngọc Châu, Huỳnh Văn Trọng, Nguyễn Long, Huỳnh Tấn Mẫm, Cao Thị Quế Hương, Thiếu Sơn... Phía Việt Nam Cộng Hòa khi đưa những người nầy để trao trả có chủ tâm chứng minh: Họ chỉ là những người được cộng sản ngụy danh xâm nhập vào sinh hoạt chính trị miền Nam Việt-Nam dưới những hình thức đấu tranh hòa bình dân chủ. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa còn muốn dọn đường trước cho dư luận thấy rằng: “Thành phần thứ ba” mà Hiệp Định Ba-Lê quy định để tham dự vào Hội đồng Hòa Giải thực tế cũng chỉ là những người “nằm vùng” trên mà thôi. Trái lại, phía Mặt Trận Giải Phóng lại muốn dùng những nhân viên dân sự (NVDS) trên để làm cớ tố cáo: Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đàn áp đối lập, chụp mũ những người đấu tranh cho hòa bình là cộng sản rồi đem “trả ép” về phía Mặt Trận Giải Phóng; mà thật ra chính là những “nhân tố” cần thiết để cấu thành nên lực lượng thứ ba trong ba thành phần của Hội Đồng Hòa Giải theo điều 12 Hiệp Định. Từ hai phía nhìn đối nghịch, mỗi bên đã có một phương thức giải quyết rõ rệt đối với lớp người nầy. Phía Việt Nam Cộng Hòa muốn trả về cho Mặt Trận tất cả những người đấu tranh nầy, và chỉ nhận về khi họ phát biểu ý kiến “Xin trở về vùng Việt Nam Cộng Hòa”. Phía Mặt Trận Giải Phóng lại có cơ tâm khác, họ sẽ không nhận những người nầy danh nghĩa là những nhân viên dân sự của họ, mà chỉ nhận những người “tị nạn chính trị” Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trong vùng Mặt Trận tạm kiểm soát. Cán bộ cộng sản cũng trù tính một chương trình nội công ngoại kích tạo điều kiện thuận tiện để những “Nhân Viên Dân Sự” nầy phát biểu, tố cáo những điều bất lợi đối với Việt Nam Cộng Hòa tại địa điểm trao trả. Phía Mặt Trận đã đưa vào nhà giam tất cả chi tiết diễn tiến trao trả để những người nầy hình dung và chuẩn bị trước công việc sẽ làm, những lời phải nói; họ cũng “dọn” trước tại Lộc Ninh một số phóng viên báo chí ngoại quốc thiên tả, những luật sư trẻ tuổi của Ủy Ban các luật gia tranh đấu cho Tự Do tại Nam Việt Nam; Ủy Ban Quốc Tế đòi tự do cho những tù nhân chính trị tại miền Nam Việt Nam... Những người nầy đã đến Việt Nam sau hội nghị vận động trả tự do cho các tù nhân chính trị tại miền Nam Việt Nam mở tại Paris trong 4-1-73. Bề mặt, không hiểu họ đến với tư cách gì, chỉ biết khi đến Sài Gòn, họ đã được một số cán bộ cộng sản thuộc Thành ủy Sài Gòn móc nối hướng dẫn vào khu để nhận tài liệu, cách điều hành công tác tại Sài Gòn cũng như ở các địa điểm sắp thực hiện trao trả. Tôi không biết rõ các cơ quan tình báo của ta đã hoạt động như thế nào để kiểm soát những nhóm người nầy, điều ngạc nhiên là họ đi đứng, trang phục và phát biểu một cách gần như công khai tất cả dự tính, hoạt động thiên cộng của họ... Dép da, áo quần bà-ba đen, các tài liệu về tù nhân do cán bộ cộng sản cung cấp. Lẽ tất nhiên sự có mặt của đám người này cùng cách đấu tranh cách mạng theo lối Mỹ của họ không phải là một trở ngại cho công việc trao trả chúng tôi. Điều đáng nói là sự chuẩn bị rất kỹ của đối phương để làm nổi bộ mặt Tù Chính Trị, Lực lượng thứ ba tại miền Nam Việt Nam... Mẫm, Long, Châu, Quế Hương khi đến địa điểm trao trả đã thuộc lòng tất cả thủ tục về cách thức phát biểu nguyện vọng, các từ ngữ cần tránh né như từ “VNCH”, cách thức yêu sách ghi ở mục cước chú khi phát biểu nguyện vọng. Đám luật sư người Mỹ chỉ một ngày sau khi đến Sài Gòn đã có đủ mấy chục tập báo Đối Diện, cuốn bạch thư của Hồ Ngọc Nhuận, tuyên cáo của Phái đoàn Mặt Trận trong Ban Liên Hợp Quân Sự Hai bên Trung Ương về vấn đề tù binh và rõ ràng hơn hết là những tài liệu mà đám sĩ quan cộng sản trong Ban Liên Hợp có được chỉ là những tài liệu đem đến từ nước ngoài... Phải nói thật rộng về vấn đề liên quan đến đám tù nhân nổi tiếng trên để xác định lại một sự kiện: Cộng sản chuẩn bị chu toàn tối đa để khai triển yếu tố “tù chính trị” ở miền Nam Việt Nam... Cuộc đấu tranh giữa chúng tôi cùng với âm mưu trên sẽ được trình bày lại rõ ràng trong đoạn đấu về “Thủ tục trao trả” sau nầy. Hôm nay ngày 21 tháng 2-1974, Huỳnh Tấn Mẫm đến địa điểm trao trả, mục tiêu “nổi” nhất của đợt trao trả nầy. Chúng tôi và cán bộ cộng sản nhập trận. Sau phần giáo đầu với câu nói tấn công bất chợt như trên, thiếu tá Dũng của Mặt Trận bắt đầu lời “chào mừng”, xong đến điểm danh từng người một. Người thứ nhất, thứ nhì... Huỳnh Tấn Mẫn đưa tay: Tôi có ý kiến, Dũng đáp ngay: Anh đợi khi trả hết danh sách chúng tôi sẽ giải quyết trường hợp anh. Mẫm ngồi xuống lại, mồ hôi chảy giòng lớn và hai bàn tay xoáy cứng vào nhau. Danh sách trao trả hết. Dũng lớn tiếng gọi: Xin mời Ủy Ban Quốc Tế, Ban Liên Hợp Quân Sự đến để chứng kiến anh Huỳnh Tấn Mẫm phát biểu ý kiến. Để thực hiện cuộc trao trả và tiếp nhận, mỗi bên đưa ra một sĩ quan đại diện để trao trả hoặc tiếp nhận. Sáng hôm nay phía Mặt Trận đưa thiếu tá Dũng, phía Việt Nam Cộng Hòa có thiếu tá Ngọc. Công việc nầy tại địa điểm Lộc Ninh chúng tôi gồm có ba người, Ngọc, Chuẩn và tôi thay phiên nhau đảm nhiệm theo tình hình, sáng hôm nay tôi rút lại về vị trí thành viên Trung Ương, không thuộc thành phần trao trả, nhường chỗ cho Ngọc. Cần phải nói qua về anh chàng nầy, Ngọc người Quảng Nam, từng sống với cộng sản trong thời kỳ 45 lúc Nam, Ngãi, Bình, Phú là Liên khu 5 giải phóng. Gốc Quảng Nam với một kinh nghiệm tích cực nhất đối với cộng sản kinh qua bằng máu xương của mình, Ngọc là đại diện cho thành phần chống cộng đến nơi đến chốn của người quốc gia miền Nam... Tôi báo cho các anh biết: “Các anh lấn tôi một bước, tôi sẽ lấn lại hai bước, các anh nói dai một giờ, tôi nói dai một buổi, nếu cần tôi sẽ ngủ tại Lộc Ninh nầy để “cãi” với các anh...... Các anh nên nhớ tôi là dân Quảng Nam, nơi đã lập tuyến chiến đấu đối kháng với các anh từ ba mươi năm nay, có các anh thì không có tụi tôi và ngược lại...” Đó là những lời giao hữu của Ngọc với sĩ quan Mặt Trận. Tên Triệu Tử Long của địa điểm trao trả nầy hôm nay được dịp “đánh” tối đa với mục tiêu Huỳnh Tấn Mẫm. Tôi rút về vị trí quân sư nhường Ngọc đi xung kích. Khi đông đủ bốn thành viên quốc tế, hai sĩ quan thuộc Ban Liên Hợp Quân Sự Hai bên Trung Ương, Dũng trên tư cách tiếp nhận được quyền hỏi trước. Nhưng thay vì hỏi Mẫm ba câu hỏi đúng theo thủ tục, câu thứ nhất hỏi về hộ tịch: tên họ, nơi, ngày và năm sinh; câu hỏi thứ hai lý do bị bắt; câu thứ ba: Nay muốn xin về đâu, ở xã, quận, tỉnh hay đô thị nào.. Dũng cất cao giọng: - Đây là anh Huỳnh Tấn Mẫm, sinh viên tranh đấu cho hòa bình, hòa giải dân tộc bị chính phủ Sài Gòn bắt và hôm nay trả ép cho chúng tôi. Chúng tôi khẳng định anh Mẫm không phải là “diện trao trả” nên chúng tôi sẽ không ký nhận anh Mẫm là một nhân viên dân sự của “Chính phủ” chúng tôi, mà chúng tôi chỉ giúp đỡ anh theo đúng ý kiến anh phát biểu... Mẫm đứng dậy nói lớn: - Tôi là sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm thuộc trường Đại học Y khoa Sài Gòn, như ai cũng biết trước đây tôi tranh đấu cho hòa bình và hòa giải dân tộc nên bị Chính phủ Sài Gòn bắt... Ngọc can thiệp ngay: (Thật ra ngay từ đầu, khi Dũng mới nói được câu thứ nhất thì Ngọc đã lớn tiếng cắt đứt nhưng vì để người đọc theo dõi đủ nội dung của lời phát biểu, người viết trình bày theo thứ tự...) - Chúng tôi phản đối, yêu cầu của thiếu tá Dũng hỏi đúng ba câu hỏi của thủ tục quy định, yêu cầu nhân viên dân sự Huỳnh Tấn Mẫm chỉ được trả lời theo từng câu hỏi... Chúng tôi không chấp nhận sự phát biểu ý kiến nầy, nếu không, yêu cầu bên tiếp nhận hoặc ký nhận và mang nhân viên dân sự này đi, hoặc không thì chúng tôi mang về. Anh thiếu úy Hiếu, sĩ quan thông dịch của phía Việt Nam Cộng Hòa, người có tác phong của một sĩ quan cán bộ tại quân trường và khả năng dịch Anh ngữ thì đúng “tiêu chuẩn” chống cộng. Hiếu, vọt lên chiếc ghế, dịch sang Anh ngữ, dịch thanh thoát, nhấn mạnh từng từ ngữ, Hiếu dịch như “vờn” địch thủ, như “chưởi” cả một chế độ cộng sản... - Chúng tôi phản đối! Chúng tôi phản đối! Yêu cầu thiếu tá Ngọc lẫn thiếu úy Hiếu hãy để cho anh Mẫm phát biểu ý kiến của anh ta!!... Dũng quơ tay phân bua cùng đám sĩ quan quốc tế. Dịch cho mấy “ông” quốc tế đi... Dũng xúi thiếu úy Khánh, sĩ quan phiên dịch của Mặt Trận cố gắng phản công Hiếu; vì bây giờ Hiếu không dịch nữa nhưng đang “đánh” bên đối phuơng bằng khả năng tiếng Anh rất có học, rất chống cộng. Chống cộng đúng sách vở với “chính nghĩa sáng ngời” (Thành ngữ cộng sản thường dùng)... Các anh Ủy Ban Quốc Tế không biết nghe theo ai, cả một nhóm người nhốn nháo... Thủ tục! Thủ tục! Chúng tôi bắt buộc phải áp dụng đúng thủ tục gồm ba câu hỏi và ba câu trả lời!! Ngọc nói như hét. Hiếu lập lại toàn bộ để chấm dứt phần thuyết trình. Mẫm tái mặt, mồ hôi không phải từng dòng, nhưng mồ hôi đầy mặt, lời nói của anh ta chìm vào đám đông, một đám đông đầy đe dọa, chắc nịch từng phe từng khối, rõ rệt vững vàng. Đây không phải là giảng đường, không phải là trụ sở sinh viên, nơi Mẫm đã từng cất cao giọng trấn áp đối thủ, nơi Mẫm nổi tiếng đanh thép đè bẹp một liên danh đồng bạn, những người tóc xanh mắt sáng, lòng bừng ngọn lửa đấu tranh của tuổi trẻ, cho dân tộc, thiếu hẳn các thủ đoạn chính trị tinh ma... Mẫm, chỉ đã gặp những cường lực chống đối bề mặt đó cùng những phẫn nộ bắp thịt ở những ngày qua trong các đường phố để rồi chỉ gây nên phản ứng hận thù hơn bị khuất phục. Nên đây là lần đầu tiên Mẫm thấy được cuộc đấu tóe lửa giữa Cộng Sản và Quốc Gia mục tiêu là chính mình. Một cái cớ nhỏ nhoi của xung đột căn bản giữa hai ý hệ không hòa giải cùng nhau được. Mẫm sững sờ trước những khuôn mặt đối nghịch, giữa các luận cứ không thể hòa hợp, một bên là Dũng với khuôn mặt xấu xí, bộ răng úa vàng, đầu tóc ngã màu xám của tuổi già với những sự lập lại chát chúa: Anh cứ phát biểu ý kiến, anh cứ phát biểu ý kiến với chúng tôi, chúng tôi sẽ giải quyết thích đáng... Một bên là Ngọc với âm vang xứ Quảng kiên cường, xứ sở của Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Khôi với lý luận cứng như gạch nung, với quyết chí trong từng âm lượng: Phải áp dụng đúng thủ tục phát biểu ý kiến, thiếu tá Dũng hãy hỏi ba câu hỏi, nhân viên dân sự nầy trả lời ba câu, đi hay xin ở lại... Ở đây không có phát biểu ý kiến, ở đây không có khích động, tuyên truyền, đừng giở trò phá hoại trao trả... Chúng tôi sẽ ngưng trao trả ở đây yêu cầu quý vị về lều Liên Hợp Quân Sự để làm việc... (Khi có một vấn đề không giải quyết được tại lều trao trả thì hai bên trao trả, tiếp nhận; sĩ quan của Ban Liên Hợp của hai bên về lều Liên Hợp để tìm cách giải quyết: Thủ tục hai bên ấn định). Trong khi chờ đợi, nhân viên dân sự ngồi tại đây, không ai được tiếp xúc, khích động. Ngọc kết luận mở qua một hướng tấn công mới... Nhóm người giản ra, Mẫm ngồi xuống. Tôi nhìn thấy nét mệt mỏi tàn tạ trong ánh mắt của anh. Mẫm đã vào một trận đấu không có ý niệm đủ, trận đánh quá xa lạ, khốc liệt và anh ý thức mình chỉ là một cái cớ vô nghĩa khởi đầu cho xung đột. Mẫm không còn là sinh viên y khoa Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ Tịch Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn, người dẫn đầu lực lượng xung kích xuống đường phố Sài Gòn đòi quyền sống. Mẫm đã trở thành một cái “cớ” không hơn không kém, một cái “cớ” bị triệt tiêu!! Chúng tôi để Mẫm ngồi lại gian lều; đám trật tự của Mặt Trận vây chung quanh xì xào... Mẫm ngồi lại trong hững hờ sau cơn huyên náo tàn nhẫn, hai bàn tay bám chặt trên chiếc băng đôi mắt nhìn về phía trước để tránh hẳn tất cả gặp gỡ, tra hỏi. Nếu chạm phải một cái nhìn bất ngờ, Mẫm cười, nụ cười sẵn sàng muốn thoát khỏi thực tế tàn bạo đang vây bũa. Tôi ngồi trong chiếc lều của Ban Liên Hợp cách lều trao trả nơi Mẫm ngồi một khoảng ngắn, tai lắng nghe bên ta cùng đối phương phân tích trường hợp Huỳnh Tấn Mẫm và các cách giải quyết. Hôm nay tôi không phải đấu, nhường nhiệm vụ nầy lại cho thiếu tá Chương, sĩ quan Liên Hợp cùng Tiểu ban Tù binh với tôi. Chúng tôi đủ sức đè bẹp cái đối phương tội nghiệp ngày hôm nay, như đợt đầu vừa qua giữa Ngọc và Dũng, chúng tôi đã chiếm thượng phong rõ rệt. Cán bộ cộng sản không phải chỉ có ưu điểm; Rành lý luận và biện luận giỏi hơn phe ta; họ chỉ học thuộc bài hơn. Bài học độc nhất. Nên chỉ lên lớp, vượt đượt “kẻ vô học”, người không quen trận địa miệng lưỡi. Hơn một năm qua ở bàn hội nghị cũng như các địa điểm trao trả chúng tôi đã thấy rõ được bài học của đối phương, nên khi đẩy vấn đề ra khỏi phạm vi bài học, cán bộ cộng sẽ ngất ngư đến độ buồn cười. Tên tôi được Chương nhắc tới... “Đại úy Nam sẽ trình bày các chi tiết của thủ tục trao trả ở đoạn nói về các trường hợp tương tự như của nhân viên dân sự Huỳnh Tấn Mẫm và cách thức phát biểu ý kiến...” Chương nhường lời cho tôi. Tôi bắt đầu: Trước mặt tôi có hai bản thủ tục, một bản của chúng tôi, một bản của quý vị, hai bản có nội dung khác nhau và một vài vấn đề chưa được thỏa thuận, nhưng quả tình cả hai đã thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản để làm “khung” (tôi dùng một từ ngữ của họ) cho việc trao trả và tiếp nhận. Chính trong bản văn của quí vị cũng công nhận tính chất nầy qua câu kết luận: “Tuy chưa có sự thỏa thuận chính thức của cấp trưởng đoàn nhưng thủ tục trao trả nầy có giá trị thi hành...”. Văn bản của quí vị thiết lập chính thức từ 21-7 đã được xử dụng trong hai cuộc trao trả ngày 23, 24 tháng 7 năm ngoái cũng tại địa điểm nầy. Và cũng đã từng áp dụng cho trường hợp hai mươi mốt nhân viên dân sự gốc sinh viên tương tự như anh Huỳnh Tấn Mẫm. Vì tính chất thực tế và thực dụng của những thỏa thuận căn bản, đã từng áp dụng qua nhiều lần trao trả, hôm nay tôi nhắc lại những điều nầy để giải quyết trường hợp nhân viên dân sự Huỳnh Tấn Mẫm”... - Thỏa thuận thứ nhất là người phát biểu ý kiến chỉ được hỏi khi bên trao trả đã trả hết danh sách trong đó có người ấy. - Bên tiếp nhận chỉ được phép hỏi ba câu: Câu thứ nhất hỏi tên, họ, năm, nơi sinh; câu thứ hai hỏi lý do bị bắt tức là những hoạt động trước kia gây nên duyên cớ bị bắt giữ,và câu chót hỏi về nguyện vọng (Tôi xin nói rõ ở đây, trong cả hai bản thủ tục chỉ có từ ngữ “phát biểu ý kiến”). Và nguyện vọng ở đây được xác định là nguyện vọng thay vì đi về theo bên tiếp nhận thì xin được ở lại phía bên trao trả. Nguyện vọng nầy sẽ được thực hiện khi trả lời câu hỏi: Nay xin ở lại quận, tỉnh nào... Sở dĩ chúng tôi đã cấu tạo nên câu hỏi trên vì muốn tránh tính chất khích động từ những câu hỏi: Nay xin về với Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa hay theo Chính phủ Lâm Thời; cũng vì muốn tránh những khích động tạo căng thẳng tại địa điểm trao trả nên chúng tôi mới đề nghị dùng ghi chú “xin ở lại” ở cột cước chú để tóm tắt nguyện vọng của người phát biểu thay vì những ghi chú như: Chiêu hồi, tìm tự do, ở lại với bên nào... Những điều trên tôi vừa trình bày đến quí vị là những thỏa thuận căn bản đã thực hiện qua nhiều địa điểm trao trả. Thế nên hôm nay chúng tôi cần nhắc lại để giải quyết với trường hợp của nhân viên dân sự Huỳnh Tấn Mẫm. Chúng tôi sẽ không thể nào giải quyết được vấn nạn mà chắc chắn quí vị sẽ nêu ra: Nhân viên dân sự Huỳnh Tấn Mẫm không thuộc “diện trao trả”, nghĩa là anh ta thuộc về một thành phần thứ ba, thứ tư nào đó. Chúng tôi xin mở rộng vấn đề nầy thêm một lần nữa để rồi khép lại dứt khoát vì vấn đề nầy hoàn toàn vượt khỏi khả năng, quyền hạn, trách nhiệm không những của chúng tôi mà cả quí vị. Những sĩ quan của Ban Liên Hợp Quân Sự Hai bên... Như danh từ “quân sự” đã xác định, nhiệm vụ của chúng tôi cũng như quí vị lại được Nghị Định Thư về Ban Liên Hợp Quân Sự xác định thêm một lần nữa, nhiệm vụ đó đã được nêu rõ từng dòng, từng chữ, nghĩa là một nhiệm vụ rất hạn chế và cũng rất cụ thể... Trong phạm vi trao trả, nhiệm vụ của “chúng ta” lại được xác định thêm một lần nữa ở điều 11(d) Nghị Định Thư về trao trả những nhân viên quân sự và dân sự tại các địa điểm trao trả mà cả hai bên thỏa thuận... “Quan sát” có nghĩa là nhìn, ghi nhận và báo cáo các diễn tiến, trở ngại, kết quả của các buổi trao trả lên trưởng ban của hai bên ở trung ương để các vị này thảo luận hoặc đưa lên cấp trưởng đoàn... Thế nên khi quí vị khai triển trường hợp nhân viên dân sự Huỳnh Tấn Mẫm để ép buộc chúng tôi phải quan sát, chứng kiến và cuối cùng giải quyết một trường hợp đặc biệt, xác nhận thành phần, lực lượng chính trị thứ ba, thứ tư, hoặc quá đáng hơn nữa, quí vị đẩy chúng tôi vào những cam kết nghiêm trọng như: Trả tự do cho các nhân viên dân sự này vô điều kiện, không được bắt lại, theo đúng nguyện vọng của người ta... Làm sao chúng tôi có thể thực hiện những cam kết, xác nhận như trên, không phải cấp trưởng đoàn của ban Liên Hợp Quân Sự mà ngay cả hội nghị cấp cao ở La Celle Saint Cloud cũng chưa thỏa thuận được về định nghĩa, xếp đặt cho thành phần thứ ba này... Chúng tôi chỉ là những sĩ quan trung cấp của một tiểu ban thuộc ban Liên Hiệp Quân Sự làm sao có thể giải quyết được một vấn đề nghiêm trọng, to lớn và rất phức tạp... Một vấn đề nhiều tính chất “chính trị” rất khác biệt với nhiệm vụ cụ thể của một sĩ quan trong tiểu ban trao trả. Tóm lại, chúng tôi cũng như trong quá khứ của khoảng thời gian tháng 4, 5, 6, 7 năm 73 trong lúc ngồi làm việc với quí vị trung ương để thiết lập thủ tục trao trả, khẳng định lại rằng: Chúng tôi chỉ làm việc theo nhiệm vụ của một quân nhân, ấn định rõ bởi các Nghị Định Thư về ban Liên Hiệp Quân Sự. Trong trao trả và chúng tôi làm việc theo thể thức nào. Đấy là thủ tục trao trả hiện đang có trước mặt tôi. Một thủ tục có “giá trị thi hành”, từ ngữ của quí vị. Để chấm dứt, tôi xin đúc kết thành khẳng định sau đây: Nhân viên dân sự Huỳnh Tấn Mẫm sẽ được hỏi theo ba câu hỏi của thủ tục, và cũng chỉ trả lời theo ba câu hỏi đó. Nếu quí vị bảo rằng anh ta không thuộc “diện trao trả”, có nghĩa không là đối tượng để trao trả thì chúng tôi gạch tên anh ra khỏi danh sách và mang anh ta về. Tôi chấm dứt. Bên kia lều trao trả, Mẫm lặng lẽ ngồi nghe, chắc anh đang chọn lựa, so sánh và cân nhắc, những chỉ thị đã nhận trước có lẽ đã không có giá trị với thực tế vừa trải qua. Mẫm đã bị đánh bật ra khỏi địa bàn quen thuộc với những đối lực mãnh liệt, phũ phàng hơn anh dự tưởng. Qua khoảng sân nắng, tôi thấy Mẫm gục đầu. Cuối cùng, Mẫm được giải quyết trong khuôn khổ thủ tục ba câu hỏi, anh chỉ yêu cầu đừng ghi là “hồi chánh” (lẽ tất nhiên) và ghi rõ nguyện vọng: “Xin trở về gia đình ở Sài Gòn” ở mục cước chú. Tôi mang xắc tay cho Mẫm đi về phía lều đợi, sát ở bãi trực thăng, ngang qua lều y tá, Nguyễn Thành Công, Tổng Thơ Ký của Tổng Hội Sinh viên, lúc Mẫm là Chủ tịch, tay mang băng “y tá” đưa tay lên chào Mẫm. Hai người tuổi trẻ nhìn nhau thật nhanh, hình như họ cố gắng cười với nhau nhưng không nổi. Đến lều đợi, ngồi xuống bên cạnh Mẫm, sẵn có trung úy Vượng, dân Đại Học xá Minh Mạng quen với Mẫm từ trước, sĩ quan báo chí của phái đoàn gợi chuyện; tôi tìm lời nói mở đầu thân thiện nhất. Tôi tự giới thiệu, Mẫm gật đầu xác nhận có đọc qua những bài báo của tôi. Lấy đà từ sự kiện này tôi nói cùng Mẫm: - Trước kia tôi rất chống đối hoạt động của anh, ở vị thế của một người lính chiến đấu, từ chiến trường nhìn về một hậu phương hỗn loạn trong đó các anh nhân danh hòa bình, dân tộc để đòi chấm dứt chiến tranh, nhưng trong cách thế đấu tranh đó các anh đã đề cao người cộng sản và sỉ nhục chúng tôi. Chúng tôi còn gọi đó là thái độ vong ơn với những kẻ góp máu để các anh sống ở hậu phương, không những chỉ chống đối, tôi cũng nhìn các anh như là những hiện tượng cần phải hủy diệt, đánh nát. Nhưng bây giờ, sau những ngày sống cùng sinh hoạt này, tôi biết được thêm nhiều chuyện, biết để nghĩ rằng thái độ của mình trưóc kia tuy căn bản không sai nhưng quả tình thiếu nhiều tinh tế và quá hạn chế. Trước thì tôi nghĩ các anh bị cộng sản giật giây, nếu không muốn nói là cộng sản chính cống, nhưng bây giờ qua hai năm sống và tranh đấu trực tiếp cùng họ, hai năm chìm ngập trong hoạt cảnh bi thảm tù tội, tôi có những ý kiến khác về anh, về anh Công, rộng rãi hơn về những người tranh đấu chống chính quyền. Tôi nghĩ trừ một thiểu số nhỏ, những “nhân tố cơ sở” (chữ Việt cộng) mà cộng sản “cấy” vào lòng các tổ chức sinh viên, các tổ chức tranh đấu hòa bình là những cán bộ cộng sản đích thực, còn ngoài ra, anh hay các bạn trẻ dù có nhận tài liệu từ khu đưa vào, dù có được đón đi vào Hố Bò, Bến Mương, Tây Ninh học tập, các anh vẫn chưa là người cộng sản, không bao giờ có thể là người cộng sản, cộng sản thuần túy từ lý lịch quá khứ đã tạo dựng lên. Các anh chỉ là những người trẻ tuổi không muốn thỏa hiệp với một chính phủ nhiều sơ hở, nhiều khuyết điểm, tôi không thể phủ nhận tính chất này và có muốn phủ nhận cũng không được, vì ngay cả ông Thiệu, ông Hương cũng đã báo động về tham nhũng, đã kêu gọi tiếp tay để diệt trừ tham nhũng. Trước một xã hội như thế, hoài bảo, trí thức và lòng tự trọng của tuổi trẻ không cho phép các anh thỏa hiệp, và các anh phải phất cờ tranh đấu. Nhưng tranh đấu thì phải có kỹ thuật, tranh đấu phải có mục tiêu. Thế thì còn ai ngoài người cộng sản để tặng đến cho các anh hai khí giới chiến thuật cần thiết đó. Và dần theo sự giải thích của họ, anh thấy mục tiêu của mình “có vẻ giống” mục tiêu của họ. Anh nhận thấy họ cùng anh ở một tuyến chiến đấu. Nhưng vấn đề không dừng lại ở đây, những mục tiêu chiến lược gói trọn cả hoài bảo tuổi trẻ của anh đối với người cộng sản chỉ là một mục tiêu chiến thuật đoản kỳ. Đối lại thái độ nhận họ vào tuyến chiến đấu chung của các anh, thì họ chỉ xử dụng các anh như những đội ngũ tiền phong ở một vài giai đoạn nào đó, trong một vài địa bàn nào đó, như những năm 1966 - 67 ở đường phố Sài Gòn. Họ luôn luôn bảo vệ lực lượng chiến lược căn bản gồm những công - nông trung kiên với “đảng tính” tinh truyền, các anh chỉ là những “trí thức trẻ” thặng dư để lót đường trong một chiến dịch. Một chiến dịch chứ không là trận đánh cuối cùng, quyết định. Nhưng đến đây, tôi cũng phải nói rõ niềm thán phục của tôi đối với anh; những người tự bỏ đời sống bình yên để dấn thân vào cuộc đấu tranh mang đến nhiều cay đắng, thua thiệt. Nếu như những người khác, giờ này anh và anh Công chắc đã trở thành bác sĩ bình yên ở Sài Gòn, nhưng các anh đã chọn con đường chông gai, các cô Lan, Huệ đã lựa những vị thế bão táp... Chúng tôi thán phục sự chọn lựa can đảm đầy hy sinh cao đẹp này. Đến đây, anh Mẫm nếu có, cũng đừng nghĩ rằng tôi đang làm một công tác “chiến tranh tâm lý”, công việc này tôi không quen làm, cũng không xứng đáng để tôi thực hiện cùng anh, được như thế thì tôi mới nói tiếp - Tôi ngần ngại một chút, xong tiếp tục - Tôi nghĩ rằng sự chọn lựa vừa rồi của anh đứng đắn, cũng như các anh Công, cô Lan, cô Huệ đã thấy, Lộc Ninh nầy không phải là thế giới của các anh, các chị. Thế giới, không khí, môi trường của các anh là ở Sài Gòn, trong giảng đường, giữa cộng đồng sinh viên, chỉ những nơi nầy anh mới có mục tiêu, cuộc tranh đấu của anh mới có ý nghĩa, chứ ở đây các anh còn gì nếu không là hình ảnh của anh Công mang băng y tá, ngồi trước mui một chiếc xe Hồng Thập Tự công tác cùng với những “bác sĩ”, chị “y tá” mà khả năng chuyên môn là điều đùa cợt với danh xưng và trong ánh mắt chỉ loáng lên những tia nhìn rình mò nghi kỵ hạ đẳng. Anh về lại Sài Gòn học tiếp xong bằng bác sĩ, kết tập kinh nghiệm, mở thế tranh đấu mới trong tinh thần độc lập sắc son của quê hương, dân tộc... Nếu có thể tôi xin làm người viết diễn văn, dán bích chương cổ động cho anh. Mẫm cười, phải, tôi cũng chỉ chờ đợi nụ cười tự nhiên trong sáng đó, tôi không biết anh nghĩ gì về lời tôi nói, nhưng chắc rằng, (hy vọng như thế) anh không bỏ qua lòng thành thật của tôi. Bây giờ, tháng 4-74, hai tháng sau ngày trao trả, Mẫm vẫn bị biệt cư với một vài điều kiện nào đó, ước mong chính quyền có những biện pháp tích cực, uyển chuyển hơn để chấm dứt tình trạng hạn chế của Mẫm, vì quả tình đó chỉ là những người lãng mạn đẹp đẽ mang nhiệt tình vào đời sống nhiều hư hại nầy mà thôi. Lộc Ninh hai ngày sau, hôm nay chính tôi đứng trao trả, một tù nhân nổi tiếng khác: Luật sư Long. Ông Long ngồi ở băng cuối cùng, ngồi hẳn về một góc riêng rẽ, hai tay chống lên đùi chắc nịch tự tin, bên cạnh không phải chỉ một gói hành lý như Huỳnh Tấn Mẫm, luật sư Long có đến một đống hành lý gồm nhiều xắc tay cồng kềnh. Ông già ngồi vững chải, mắt quyết chí, đôi mắt nhỏ long lanh sau lớp kính trắng. Tôi nhủ thầm, ông ta chắc chắn sẽ có thái độ khác hẳn Mẫm hay Huỳnh Văn Trọng những ngày trước. Thái độ đó như thế nào, tôi không tiên đoán được, nhưng cảm thấy có một dự mưu và bề ngoài hăm hở kia chỉ là một lớp sơn che dấu. Từng tên người, từng người tù xao xuyến, còm cõi đi qua... Số 23, Nguyễn Long. Luật sư Long đứng dậy, cầm tay nải, một anh cộng sản có nhiệm vụ tiếp đón, đón lấy hai xắc lớn khác, ông đi thẳng không nhìn qua lại, không lộ vẻ ngần ngừ, hai dãy sĩ quan Ủy Ban Quốc Tế và Liên Hợp quân sự theo dõi lần lần bước chân của ông Long. Ông đi thẳng từ lều trao trả qua lều chờ đợi, ngồi xuống cùng đám tù chung danh sách vừa được trao trả. Chúng tôi trả thêm hai người cuối cùng (Danh sách hai mươi lăm người), các nhân viên thuộc Bộ Nội Vụ Việt Nam Cộng Hòa cùng các cán bộ cộng sản trao đổi nhau ý kiến chót trước khi để tôi cùng thiếu tá Dũng (Mặt Trận Giải Phóng) ký xác nhận cuối cùng ở cuối bản danh sách. Bỗng tôi nghe từ bên lều đợi, cách trao trả khoảng năm thước những tiếng xôn xao, luật sư Long đang sửa soạn tuyên bố vài điều gì đó. Mấy viên sĩ quan Mặt Trận hấp tấp đi tập họp đám sĩ quan Ủy Ban Quốc tế, Thiếu úy Khánh (Mặt trận Giải phóng) sĩ quan phiên dịch đang oang oang gọi viên Chủ Tịch Hung Gia Lợi. (Mỗi phái đoàn quốc tế thay phiên nhau làm chủ tịch một tháng ), một anh thiếu úy mặt non, búng ra sữa với những trịnh trọng khôi hài... Như thế này là không được. Tôi bỏ tờ danh sách sắp ký xuống chạy băng qua lều đợi... - Bác không thể tuyên bố, họp báo hay phát biểu ý kiến gì ở đây được. Thủ tục chỉ quy định phát nguyện vọng tại lều trao trả và trong lúc tiến hành trao trả mà thôi. Tôi nói cùng luật sư Long. - Tôi muốn phát biểu ý kiến, tôi không rõ thủ tục, tôi nghe nhầm, cho tôi phát biểu ý kiến. - Bác phát biểu ý kiến gì?... Đôi mắt ông Long hốt hoảng, hai tay ông mở ra phân bua: - Tôi có tội chi, tôi có tội chi, cho tôi phát biểu ý kiến trở về Việt Nam Cộng Hòa. Bốn chữ chót nầy làm lấp trí khôn, mất hết phản ứng vốn rất nhậy, tôi tưởng rằng ông Long muốn trở về thật, sự hăng hái đi thẳng vừa rồi chỉ vì không nghe rõ lời hướng dẫn thủ tục về cách phát biểu nguyện vọng trước khi cuộc trao trả bắt đầu... Nhưng chỉ sau ba phút, tôi đã biết mình nhầm lẫn, bị mắc lừa. Trở về VNCH, tôi nghĩ ông Long cũng như Mẫm hay Huỳnh Văn Trọng. Đến lúc chọn lựa cụ thể nhất đã chọn Việt Nam Cộng Hòa; vì quả tình chỉ có trong cộng đồng nầy họ mới là Nguyễn Long, Huỳnh Văn Trọng, Huỳnh Tấn Mẫm, qua phía Mặt Trận Giải Phóng, họ sẽ không là gì hết. Cán bộ cao cấp như Phùng Văn Cung, Phạm Văn Bạch cũng chỉ là những chỗ ngồi bung xung thôi, huống gì chính sách sa-lông Nguyễn Long, thành tích tranh đấu không gì ngoài ba tuyên cáo chưa hề được phổ biến đến dân chúng. Tôi dẫn ông Long trở lại lều trao trả để ông phát biểu nguyện vọng, những sợi tóc trắng trên một thân thể đã vào tuổi già làm tôi chùng xuống, tôi quên mất đề phòng trong cảm giác xót xa nầy. Ông Long ngồi xuống băng ghế, liếc mắt thấy đủ tất cả các viên sĩ quan của Uỷ Ban Quốc Tế, đột nhiên ông vùng dậy, mau như một con nai khi thoáng tiếng động...: Tôi, Nguyễn Long, luật sư, 65 tuổi người xã Diên Khánh, phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nhà tôi ở 42 Võ Tánh Sài Gòn, văn phòng tôi ở 40C Gia Long Sài Gòn. Năm 1961 tôi tham gia vào Phong trào Dân Tộc tự quyết, năm 1965 tôi tham gia vào Ủy Ban Bảo Vệ Hòa Bình tôi bị bắt thả ra, rồi năm 1971 (?) tôi bị bắt lại và hôm nay đem trao trả cho Chính Phủ Lâm Thời... Tôi không phải là người của Chính Phủ Lâm Thời (Chánh Phủ Mặt Trận Giải Phóng) nhưng bây giờ tôi xin tỵ nạn chính trị tại Lộc Ninh này!! A!Ø ra thế!! Tôi đã bị ông Long lừa một cú lớn, tôi đã bị đôi mắt lạc thần, hai bàn tay run run mở ra cùng câu nói như tiếng khóc “tôi có tội chi” làm mờ mắt, tôi bị những sợi tóc bạc, khối thân thể già nua mệt nhọc làm mất hết năng lực nhận xét, nên đã vội vã đưa ông về lều trao trả và ông đi được bước “phát biểu ý kiến” chính thức trước Ủy Ban Quốc Tế... Nỗi sợ hãi “đẩy” một người oan uổng về phía đối phương đã khiến tôi quên mất âm mưu này của phía cộng sản; suốt ba tháng 4, 5, 6 và tháng 7 năm 1973 tại bàn hội nghị, qua hàng chục lần trao trả ở địa điểm này, chưa bao giờ phía Mặt Trận Giải Phóng thực hiện được một cú “phát biểu ý kiến” đầy đũ như lần nầy!! Lần nầy là lần độc nhất và chắc cũng là lần cuối cùng. Tôi có thêm được một kinh nghiệm xác đáng. Không bao giờ đem tinh thần nhân ái ra sống cùng Cộng Sản... Phải nhớ như in vào óc như thế, một lần nầy quá đủ... Tôi đưa tay ngắt lời ông Long, nói lớn gấp năm lần ông Long, nói lớn gấp mười lần lời phiên dịch chát chúa của viên thiếu úy cộng sản. - Thưa quí vị, nhân viên dân sự Nguyễn Long đã được chúng tôi trao trả đúng thủ tục và không có một ý kiến, một nguyện vọng nào của nhân viên dân sự này được ghi nhận trong khi diễn tiến cuộc trao trả. Sự kiện phát biểu ý kiến của nhân viên dân sự Nguyễn Long sau khi cuộc trao trả hoàn tất chỉ là do thiện ý (quả tình như thế) của chúng tôi, tưởng để làm sáng tỏ một nguyện vọng, nhưng bây giờ biến thành một cuộc kích động, tố cáo. Chúng tôi chấm dứt sự phát biểu này vì sai hẳn thủ tục trao trả. Về phần bác, tôi đã trao trả xong, xin mời bác đi (tôi nói riêng với ông Long). Ông Long bước đi, bước chân vui thích sốt sắng, cán bộ Mặt Trận Giải Phóng chung quanh tỏ vẻ hớn hở. Nhưng rồi có ra gì, đi đến đâu, Ủy Ban Quốc Tế “ghi nhận” sự kiện, và nhân viên dân sự Nguyễn Long chìm hẳn vào màu xanh đậm ngắt của rừng Lộc Ninh. Lần đầu tiên trong hai năm “đấu” cùng cộng sản, tôi bị thua một đòn, thua vì nghĩ ông Long là người “quốc gia”; thua là vì yếu tính “quốc gia” làm mờ khả năng phòng ngự... Nhưng quả tình tôi không thua nặng lắm, kẻ thua thật sự là những Nguyễn Long, Nguyễn Thành Công, Trần Thị Lan, Võ Như Lanh, những người đem nhiệt tình vào trận, ném lên chiếu bạc đấu tranh chính trị tất cả nồng nàn cao quý của những con tim sáng ngời trung chính; Để đến cuối đường nơi khu rừng Lộc Ninh, trên đám rẫy vùng đồi đất đỏ, trong đêm khuya qua liếp cửa lộng gió, chập chờn giữa những giấc ngủ bị rình rập, theo dõi. Họ có được gì, còn được gì, ngoài nỗi tan vỡ bi thương của một tâm thức lãng mạn không đất sống. Tháng 2, 1974