Trai gái yêu nhau thường hay đến ngồi trên ghế dài, trước cửa nhà, lúc màn đêm xuống. Yann và Gaud cũng thế. Chiều chiều họ lại trước cửa nhà bà Moan, ngồi trên chiếc ghế đá Granit cũ kĩ để tâm sự. Những người khác còn có mùa xuân với bóng cây và những buổi chiều ầm áp với những cây hồng nở hoa. Còn họ, họ chỉ có những buổi chiều tà ngả dần trên làng chài, chung quanh là những cây kim tước và khắp nơi là đá Granit. Trên đầu họ, chung quanh họ, chẳng có bóng cây, chỉ có vùng trời mêng mông, mây mù lãng đãng trôi qua. Hoa của họ là bọt biển dân chài kéo theo lưới rơi vãi trên cát mỗi buổi chiều đi biển về. Mùa đông ở đây do có ảnh hưởng của hải lưu nên không khắc nghiệt lắm; nhưng chiều đến lại có hơi nước đem theo mưa phùn giá lạnh nhỏ giọt trên vai những người đang mải trò truyện. Họ vẫn cứ ngồi, thấy thế lại hay. Cái ghế đá đã có một trăm tuổi thọ, chẳng lạ gì những cảnh yêu đương của họ; ghế đá đã nghe hàng trăm lần những lời âu yếm dịu dàng giống như thế, hết thế hệ này đến thế hệ khác. Từng quen với những cuộc trò truyện khuya khoắt từ lúc họ còn trai trẻ đến lúc họ đã về già bước đi run rẩy lại ngồi hóng mát vào lúc ngày tàn. Thỉnh thoảng bà lão lại ngó đầu ra cửa nhìn, trong lòng vui sướng được nhìn thấy cháu con hạnh phúc. Đôi lần bà cũng nhắc: “ Khuy rồi, vào đi kẻo lạnh các con! ” Họ biết lạnh là gì! Họ chỉ biết được ngồi bên cạnh nhau ở bên ngoài thế này là vui sướng. Những lời rủ rỉ của họ nghe như một bản hòa tấu có giọng cao thánh thót của Gaud xen vào giọng trầm hùng của Yann. Bóng hai người hiện rõ trên vách đá, với vành mũ trắng rộng của cô và vóc người to cao, đôi bờ vai bề thế của anh bạn. Sau lưng họ là mái tranh, nóc võng xuống trước nền trời cao lồng lộng. Nhưng rồi cuối cùng họ cũng dẫn nhau vào kề bên lò sưởi, trong khi ấy bà lão Yvone đã thiu thiu ngủ, đồi gục trước ngực, chẳng chút quan tâm đến đôi trẻ. Họ vẫn thủ thỉ như để bù đắp lại những ngày tháng xa lánh nhau trong hai năm qua và tranh thủ những ngày còn ít ỏi trước khi Yann cùng toàn đoàn đánh cá ra khơi. Họ thống nhất ý kiến với nhau sẽ ở lại căn nhà bà Yvone cho họ thừa kế. Họ cũng thống nhất cứ để ở tạm sau khi Yann hết mùa đánh bắt ở Islande về sẽ sửa chữa lại. Một hôm ngồi với nhau, Yann đã kể cho Gaud nghe những việc anh thấy Gaud làm, những chuyện Gaud đã trải qua từ sau lần đầu tiên hai người gặp nhau, anh còn nói đã thấy Gaud mặc những chiếc áo nào, Gaud đã đi dự những lễ hội nào. Nghe Yann kể Gaud rất ngạc nhiên. Làm thế nào mà anh biết được nhỉ? Sao anh lại chú ý tất cả những cái đó và lại còn nhớ được như thế? Anh mỉm cười vẻ bí ẩn và còn kể nhiều chuyện khác, còn cả những chuyện Yann nói Gaud mới nhớ ra. Gaud cứ để cho Yann kể và rất lấy làm thích thú. Cô đã hiểu ra: thế là Yann vẫn yêu cô trong suốt cả thời gian ấy! Lúc nào anh cũng nhớ đến cô. Anh chẳng tự nói ra đấy còn gì. Nhưng tại sao anh đã ruồng bỏ cô, làm cô đau đớn, xót xa? Anh đã hứa sẽ nói rõ điều đó, nhưng cho đến nay anh vẫn cứ lý do này, lý do khác, vẫn lần lữa chưa đả động, có gặng hỏi anh chỉ cười trừ. Một hôm họ dẫn nhau đi Paimpol để sắm áo mới. Cô vẫn còn nhiều áo, cứ sửa đi mặc cũng vẫn còn được, không cần phải mua áo khác. Nhưng Yann muốn mua cho cô một chiếc áo mới, nên cô không thể ngăn được. Cô cũng nghĩ có chiếc áo do chính anh mua cho, bằng chính tiền của anh làm được, cái đó cũng hay, cái đó nói lên rằng cô sẽ là vợ của anh rồi đó. Họ chọn vải màu đen vì Gaud đang còn tang bố. Nhưng giở vải ra, Yann chẳng thấy tấm nào đẹp. Trước đây anh có bao giờ nghĩ đến những cái đó, vậy mà hôm ấy anh quan tâm đến mọi chuyện; anh để ý đến kiểu áo, đến đường chỉ khâu; anh còn yêu cầu đính lên áo nhiều dải băng cho đẹp. Một buổi tối đang ngồi chơi trên ghế giữa cảnh vắng lặng của vách núi và màn đêm đang dần xuống, họ bỗng nhìn thấy một bụi gai mọc ở kẽ đá ngay đầu lối đi. Trong ánh sang lờ mờ của lúc chạng vạng tối, họ nhìn thấy một bụi gai có những túm trắng. Yann reo lên: “ Cây gai nở hoa” Họ dắt nhau lại gần để xem cho chắc. Bụi gai nở hoa thật. Họ đưa tay sờ thì thấy có những bông hoa nhỏ còn đẫm sương đêm. Họ có cảm tưởng mùa xuân đến sớm, ngày bắt đầu dài ra, không khí ấm áp, bầu trời ban đêm sáng thêm ra. Những bụi gai ấy nở hoa sớm thật. Khắp vùng có thấy ở đâu như thế. Chắc hẳn bụi gai này đã cố ý nở sớm để mừng hạnh phúc cho hai người. “ Ngắt đi nhé!” Yann nói và lần ngắt từng bông để kết thành từng bó rồi ghim vào ngực áo của Gaud, anh nói: “ Đúng là cô dâu chưa nào!” Yann vừa nói vừa bước lùi lại để ngắm xem cài thế đã được chưa. Ngoài kia, sóng biển nhẹ liếm trên bờ cát, tiếng rì rầm đều đều như hơi thở của người đang ngủ. Họ nóng lòng chờ những buổi tối và mỗi khi chuông nhà thờ điểm mười tiếng họ nối tiếc vì phải đứng dậy. Phải lo gấp giấy tờ thủ tục để hoàn thành hôn lễ, khỏi phải để đến mùa thu sau, đến một tương lai không chắc chắn. Những cuộc chuyện trò của họ vào những buổi chiều buồn giữa tiếng sóng biển rì rầm lại luôn lo lắng vì thời gian, nên có cái gì không bình thường. Lúc nào họ cũng nghiêm trang, e ngại. Yann vẫn cứ không nói hai năm qua anh có chuyện gì và khi đứng dậy ra về, Gaud vẫn thấy băn khoăn, không yên dạ. Nhưng Gaud vẫn yêu anh, điều đó là chắc chắn. Đúng là anh vẫn yêu Gaud nhưng không phải như bây giờ. Điều đó làm cô không khỏi băn khoăn. Đôi khi anh cũng nằm dài trên ghế, gối đầu trong lòng Gaud, để cô vốt ve như một đứa trẻ, nhưng vội ngồi dậy ngay. Ngoài cái hôn lúc đến và lúc về, anh không dám ôm ấp Gaud. Anh vẫn sùng bái một cái gì vô hình chứa đựng trong lời nói dịu dàng của cô, trong nụ cười và ánh mắt của cô. Một buổi tối trời mưa, họ ngồi cạnh nhau bên lò suởi. Bà Yvonne cũng nằm ngủ ngay trước mặt họ. Ánh lửa bập bùng trong bếp in bóng họ lên trần nhà. Họ vẫn rủ rỉ với nhau như mọi khi nhưng câu truyện hôm nay nhiều lúc bị đứt quãng. Vì Gaud đã dồn hỏi Yann bí mật mà từ lâu cô không sao gặng được. “ Có phải người ta bàn tán nhiều chuyện về em không anh Yann?” Gaud hỏi. “ Phải,- Yann trả lời,- nhiều chuyện ở Paimpol và cả ở Ploubazlance…” “ Chuyện về cái gì?” Gaud hỏi tiếp. Yann lúng túng không trả lời được. “ Hay về cách ăn mặc của em à?” “ Về cách ăn mặc cũng có một phần” Đúng là có một lúc Gaud muốn ăn mặc theo kiểu vợ của một dân chài thường. Nhưng Yann nói rằng không phải chỉ có thế. “ Hay là tại thời kì ấy gia đình em giàu có, anh sợ bị từ chối à?” “ Ồ! Cái đó thì không phải.” Yann trả lời một cách chắc chắn, làm Gaud cảm thấy thích thú. Rồi họ lại im lặng. Ngoài kia gió vẫn gào, sóng vỗ bờ cát không ngớt. “ Không phải chỉ có thế, vậy còn cái gì nữa?”- Gaud hỏi, mỉm cười, làm như đã đoán ra. Cô đã đoán ra thật. Chỉ có thế thôi. Người ta cứ gán ghép Yann với cô, bố mẹ, an hem, bạn bè, ai cũng cứ gán ghép. Anh đã chối. Trong thâm tâm anh nghĩ cứ chối đã, lâu dần mọi người không nghĩ đến nữa, lúc ấy sẽ là thật. Chính do chuyện trẻ con đó mà suốt hai năm vừa qua anh đã làm cô khổ sở, buồn phiền, tưởng như chết được. Yann bối rối, cười nhạt khi bị phát hiện, rồi nhìn Gaud với đôi mắt nghiêm nghị như muốn hỏi cô có tha thứ cho anh không. Anh hận đã làm cho cô phải buồn phiền nhiều. “ Tính anh nó thế đấy, Gaud ạ!” Yann nói, “ Ngay đối với bố mẹ, anh cũng đã có lúc tỏ ra ngang bướng. Nhưng anh vẫn quí bố mẹ, vẫn làm theo ý bố mẹ. Chắc có lúc em nghĩ là anh không muốn xây dựng gia đình phải không nào? Không đâu. Chỉ một lúc nào thôi, lúc anh ngang ngạnh. Em tin như thế không. Em có tha thứ cho anh không?” Cô tha thứ chứ! Cô thấy rằng có những ngày đau khổ trước đây mới có những ngày dịu ngọt như bây giờ. Bây giờ thì đã rõ. Không còn có gì mờ ám nữa. Anh kéo Gaud lại gần, ôm chặt lấy cô đôi tim thổn thức, chứa chan hạnh phúc bù lại những ngày tháng trống trải vừa qua. Đám cưới của Yann và Gaud được tổ chức trước sáu ngày đoàn tàu đánh cá ra khơi để đến vùng biển Islande. Đám cưới vừa ra khỏi nhà thờ thì một trận cuồng phong nổi lên, mây mù đen xịt khắp bầu trời. Cô dâu chú rể thật đẹp đôi. Họ nắm tay nhau đi như quốc vương và hoàng hậu, chẳng khác trong mơ. Họ lặng lẽ, nghiêm trang, như không thấy gì chung quanh, vượt lên trên tất cả. Phía sau hai người là một đoàn thanh niên nam nữ, vui vẻ tươi cười, đôi một bước đi, trong gió cuốn. Có những đôi đang còn trẻ trung, tràn đầy sức sống. Cũng có đôi đã nhiều tuổi, vừa bước đi vừa hồi tưởng lại đám cưới của họ và những ngày đầu chung sống. Bà già Yvone cũng có ở đấy. Bà rất vui, rất sung sướng, khoác tay một ông cậu già ngang tuổi bà. Bà đội một chiếc mũ người ta mới mua biếu bà nhân dịp này, và vẫn chiếc khăn quàng, mới nhuộm đen lại vì đang có tang Sylvestre. Đây là nhuộm lại lần thứ ba, kể từ ngày dùng nó, ngày đám cưới của bà. Gió vẫn thổi mạnh làm hất tung mũ áo của khách đi dự. Ở trước cửa nhà thờ, theo phong tục, cô dâu chú rể mua mỗi người một bó hoa giả để cài trên áo. Yann mua ngay một bó, chẳng chọn lựa gì, anh là người dễ tính mà, còn Gaud thì chọn một bó hợp với ý thích của mình. Nhạc công hướng dẫn đám cưới bị gió thổi bạt, kéo đàn linh tinh, nghe như tiếng cú mèo, thật buồn cười. Dân của xóm Ploubazlance đổ cả ra đường xem đám cưới. Nhiều người ở xa cũng rủ nhau đến. Ngã ba, ngã tư nào cũng đông kẹt. Bạn bè Yann cũng tập trung ở đây. Họ vẫy tay chào cô dâu chú rể, Gaud nghiêng đầu đáp lại suốt dọc đường. Từ các xóm xa, ở sâu mãi trong rừng, những người ăn xin, những người tàn tật, những người nhớ ngẩn cũng kéo nhau đứng hai bên đường, chìa bát, chìa mũ xin bố thí. Yann và Gaud mỗi người ném cho họ một đồng. Trong số những người đến xin bố thí, có cả những người già lắm, trên đầu chẳng có mũ nón, tóc trắng xóa, da xỉn như màu đất, thấy người khác đi thì đi, người khác về thì về, chẳng có ý nghĩ gì, mắt lúc nào cũng lơ lơ láo láo, chẳng hiểu, chẳng biết. Đám cưới tiếp tục đi về xóm Pors- Even, nhà ông Gaos, rồi đến nhà thờ làm lễ. Nhà thờ nằm ở cuối vách núi, gần mép nước. Đến đấy phải đi theo một con đường nhỏ trải đá granit. Yann và Gaud đi đầu phải vội dừng lại trước một đợt nước ào vào vách núi làm tung tóe như mưa. Đang lúc nước triều lên và có sóng to, nên không thể đi đến nhà thờ được. Đường đi ngập nước, sóng cồn cao như mái nhà. Yann ngoái lại nhìn thấy nhạc công đang lúng túng, tay kéo đàn, chân dò đường đi. Anh nói to như quát: “ Thôi bác nhạc công ơi! Không phải kéo đàn nữa! Biển đang chơi một bản nhạc hay hơn rồi.” Bỗng một cơn mưa như trút nước xuống. Mọi người hò hét gọi nhau ba chân bốn cẳng chạy về nhà ông Gaos... Tiệc mừng đám cưới được tổ chức tại nhà cha mẹ Yann, nhà Gaud nghèo quá không làm được. Tiệc bày ở trên gác, trong gian nhà mới. Tất cả có hai mươi năm người ngồi cùng với cô dâu chú rể.- Gaud và Yann, hai nhân vật trung tâm bữa tiệc ngồi đầu bàn. Hai bên là các anh em của Yann, cả trai lẫn gái; đoàn thủy thủ của tàu Marie từ thuyền trưởng Guermeur đến các thuyền viên khác, rồi bốn cô phù dâu xinh đẹp, hai lọn tóc quấn quanh đầu; rồi bốn anh phù rể trẻ, khỏe... Tầng dưới cũng bày tiệc. Tất cả những người còn lại ngồi cả ở đấy. Bố mẹ Yann cũng muốn con trai mình lấy được vợ giàu có, nhưng Gaud lại là đứa con gái khôn ngoan, đảm đang; không có của nhưng nó biết cách làm ăn cũng được rồi. Ông bà Yann thấy thế cũng hài lòng. Gaud lại là đứa con gái xinh đẹp nhất vùng, hai đứa thật đẹp đôi làm ông bà cũng tự hào. Ông Gaos nói: “ Vậy là gia đình Gaos lại thêm người, không bao giờ thiếu người của Gaos ở thôn Ploubazlance.” Ông còn bấm ngón tay tính cho mọi người nghe. Ông nói: “ Này nhá, bố tôi trẻ nhất nhà có 9 anh em trai, sinh được mười hai người con, đều đã có vợ có con, nhà nào cũng lúc nhúc. Còn tôi, lấy một cô em họ nay tôi đã có tất cả mười bốn người con.” Ông nói và cười rung mái đầu bạc. Nuôi được mười bốn người con cũng vất vả lắm. Nhưng tất cả đã thành gia thất, có công ăn việc làm, ngoài ra lại thêm món lợi! Vớt được của trôi, đáng giá mười hai nghìn francs, nên cuộc sống cũng thoải mái. Thuyền trưởng Guermeur kể chuyện những chuyến ông đi Trung Quốc, Antilles, Brazil, làm xung quanh ai cũng mở to mắt nghe. Ông nhớ có một lần tin tàu Iphigénie chở rượu có một thùng rượu bị bục. Đáng lẽ phải báo cho chủ biết để thay thùng thì các thủy thủ bảo nhau cứ múc uống, uống cho bằng hết, người nào người ấy say khướt. Ai nghe nói cũng phải buồn cười. Thời tiết vẫn tiếp tục xấu đi. Mưa to, gió lớn. Nhiều người đã bỏ bàn tiệc ra bờ biển chằng buộc lại tàu thuyền. Nhưng bọn trẻ vẫn cười nói hát xướng. Người nào cũng ngà ngà say. Người ta đưa lên bàn tiệc thịt gà, thịt vịt, cá, trứng. Đủ mọi thứ chuyện đưa ra kể. Nào truyện đánh bắt, chuyện gia lận, chuyện đánh lừa hải quan. Trên bàn danh dự người ta cũng bắt đầu kể những chuyện buồn cười. Có một người kể, cả bọn rủ nhau vào nhà thổ ở Trung Quốc, xong mọi việc trước lúc ra về, người này tìm túi quần, người kia tìm túi áo, ra vẻ ngơ ngác quên tiền ở nhà, xin lỗi chủ nhà. Chủ nhà biết là thủ đoạn lừa đảo đã huy động hàng chục đầu gấu đến lột quần lột áo. Cả bọn vội vàng bỏ chạy. “ Còn tôi,- một người thủy thủ có tuổi khác kể tiếp,- Có lần tàu vừa cập bến Aden, thì có một bọn đem lông đà điểu xuống bán.” “ Bán mấy buôn gì! Muốn xuống phải biếu ta một bó lông đã.” Tôi nói và đẩy chúng quay lên bờ.” Ông thủy thủ già nói thêm: “ Giá mình cứ để nó xuống để bán, mình cũng kiếm được món tiền. Nhưng lúc ấy mình trẻ chưa có kinh nghiệm.” Bây giờ bữa tiệc đã đến hồi kết, người ta vừa ca nhạc vừa ăn bánh tráng miệng. Trước khi hát ông Gaos đọc kinh cầu cho những người đã qua đời. “ Đây là cầu cho ông Guillame, bố tôi...” Nói rồi ông đọc một câu dài bằng tiếng la tinh. Mọi người đọc theo. Ông lại nói tiếp: “ Bây giờ cầu cho Yves và Jean, hai em tôi, mất trong biển Islande, trên tàu Zélie...” Rồi lần lượt các người khác trong gia đình Gaos đã qua đời trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh kia được nêu tên dần để gia đình cầu nguyện. Sau cùng ông quay sang phía bà Moan, nói: “ Bây giờ cầu cho Sylvestre!” Bà Moan sụt sịt lau nước mắt. Yann cũng ứa nước mắt. Sau lời cầu nguyện đến mục ca hát. Đầu tiên là một phù rể. Giọng anh rất cao, sâu lắng. Tiếp theo có bốn, năm người phụ họa, giọng trầm giọng bổng đan xen. Cuộc ca hát tiếp tục, thình thoảng lại vào một chầu rượu, hoặc một chuyện vui. Bên ngoài vẫn mưa, vẫn gió. Gió rít như tiếng gầm rùng rợn phát ra từ cổ họng của hàng trăm mãnh thú đang điên cuồng. Có cả những tiếng nổ to như tiếng đại bác, từ ngoài biển vọng vào. Gaud thấy lo sợ, hình như biển bất mãn, muốn trừng trị cả xóm Ploubazlance này. Nửa đêm, vẫn mưa gió ngàn. Yann lặng lẽ đứng dậy, ra hiệu cho vợ lại gần. Anh bảo vợ chuẩn bị để về. Gaud xấu hổ, bẽn lẽn đứng dậy. Cô bảo chồng về trước, để khách ở lại bất tiện. “ Không sao,- Yann trả lời,- cha cho phép.” Rồi Yann nắm tay vợ kéo đi. Vừa bước ra cửa, một cơn gió lạnh ập đến, làm cả hai người rét run. Họ nắm tay nhau chạy, cúi rạp người xuống; có lúc phải quay lưng lại cho gió khỏi quật vào mặt, lấy tay bịt miệng cho khỏi bạt hơi. Cuối cùng họ cũng về đến nhà, căn lều ướt sũng, nước lêng láng. Họ thắp ngọn đèn con, đánh diêm mấy lần mới được. Bà già Moan người ta đưa về từ trước lúc bắt đầu ca hát, đang trên giường hộp ngủ đã được hai giờ. Hai người rón rén lại gần lắng nghe xem bà thức hay ngủ. Họ nhìn thấy hai mắt bà nhắm. Vậy là bà đang ngủ hoặc giả vờ ngủ, để khỏi trở ngại cho họ. Dù sao họ cũng thấy là chỉ có hai người với nhau. Họ run run, nắm lấy tay nhau. Yann ghé sát hôn môi vợ. Gaud nghiêng đầu đặt môi lên má chồng. Căn nhà nghèo quá, thấp quá. Gaud tiếc đã không còn giàu có như trước để có một căn phòng đẹp hơn, khỏi phải qua đêm tân hôn trong căn phòng bấn bách như thế này. Song cô có Yann đang ở đây với cô; sự có mặt của anh đã làm thay đổi tất cả... Đôi môi của họ đã gặp nhau. Họ ôm chặt lấy nhau, im lặng, trong cái hôn ngây ngất, thổn thức như đang trong cơn sốt dữ dội, không còn biết gì, không còn thấy gì ngoài bản thân họ. “ Đừng! Bà trông thấy.” Gaud nói và đưa tay ra nhưng Yann, ngậm vội lấy môi vợ như người đang khát bị giằng mất cốc nước. Anh liếc nhìn về phía bà lão, đưa tay vặn tắt ngọn đèn để khỏi bị nhìn thấy. Rồi bất thình lình anh bế bổng Gaud lên, miệng vẫn ngậm lấy môi vợ như một con thú găm hàm răng vào con mồi. Gaud đã thả mình, không chút cưỡng lại, hiền lành trong vòng tay của chồng. Yann đã đưa cô lên chiếc giường con gái khuất trong góc nhà, chiếc giường tân hôn của hai người. Gió vẫn gào như từ hang sâu vọng về, có lúc lại như đe doạ, rủ rỉ vào tai, hay tinh quái thỏ thẻ như một con cú vọ. Biển cả, mồ chôn của nhiều thủy thủ vẫn ngay cạnh đấy, sôi động, ngốn ngấu, quất vào vách núi. Một đêm nào đó, họ cũng có thể sẽ bị biển nhấn chìm, họ sẽ quẫy đập giữa một vùng đen tối, giá buốt. Họ cũng biết điều đó lắm. Nhưng cần gì! Trước mắt, họ còn đương trên đất liên, xa mọi nỗi lo sợ hãi hùng. Trong căn nhà tối tăm, bốn bề lộng gió, họ cứ việc hết mình vì nhau đã chẳng quản ngại gì chết chóc, đắm chìm. Cứ hãy tận hưởng những dịu ngọt của ân ái. Họ cưới nhau được sáu ngày thì đoàn tàu đánh cá phải ra khơi. Tất cả mọi người phải tham gia chuẩn bị. Phụ nữ phải đóng mối vào bao chuyển xuống tàu để muối cá. Đàn ông phải chuẩn bị mọi thứ cho tàu lúc ở ngoài biển. Ở nhà Yann, mẹ và các em gái phải chuẩn bị cho anh quần áo, giầy ủng dùng lúc câu cá. Thời tiết lại xấu! Trên trời, dưới biển đều âm u, gió bão, biển động. Gaud thấy lo buồn, không yên. Chỉ mong cho thời gian đi nhanh, mau tối để đựơc có riêng Yann cho mình mình. Những năm sau này Yann có còn phải đi như thế này không? Cô mong sẽ giữ được anh ở nhà, song chưa dám nói ra. Yann cũng yêu vợ lắm, yêu một cách thắm thiết, chân thành, không như với các cô gái cặp kè trước đây. Tình yêu của họ mỗi ngày thắm đượm thêm, nồng nàn thêm, chẳng bao giờ thấy được thỏa mãn mỗi sáng phải rời nhau. Gaud cũng nhận thấy anh đối đãi với cô khác hẳn với những người con gái mà đôi lần cô đã bắt gặp ở Paimpol. Đối với đám kia, anh thường tỏ ra rẻ rúng, còn với cô bao giờ anh cũng có thái độ kính trọng, lịch sự. Giữa cô và họ là một trời một vực. Nhưng cô luôn lo ngại cho hạnh phúc của mình. Cô luôn tự hỏi: Liệu tình yêu của anh có được bền vững không? Có mãi mãi như bây giờ không? Cứ nghĩ đến tính nết bồng bột của anh, tác phong phiêu lưu của anh, những cô gái trước kia của anh, Gaud lại lo ngại. Sáu ngày sống chung chẳng đáng là bao! Chẳng bõ bèn gì! Chỉ mới bên nhau, vừa mới giáp mặt nhau. Còn bao nhiêu chuyện muốn nói, bao nhiêu dự kiến muốn bàn, lại phải chờ đến ngày về.... Những năm sau, bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ anh ấy ở nhà, không để đi biển Islande nữa.... Nhưng làm thế nào nhỉ? Làm thế nào để sống? Cả hai có giàu có gì đâu? Anh ấy lại rất thích nghề biển.... Cô đã định sẽ cứ thử xem, cứ giữ anh ấy, dùng mọi cách để giữ. Làm vợ của một dân chài cứ thấy mùa xuân lại gần thì buồn, sống trong mùa hè thì lo, không thể như thế mãi được; bây giờ cô đã là vợ anh ấy, cô không thể sống mãi trong cảnh rùng rợn thế này nữa đâu. Họ chỉ có được mỗi một ngày mùa xuân. Đó là hôm trước khi tàu khởi hành. Hôm ấy mọi việc chuẩn bị xong xuôi. Yann ở nhà cả ngày với cô. Họ dắt tay nhau đi dạo ngoài đường, vai liền vai, rủ rỉ với nhau mọi chuyện. Bà con quen thuộc trông thấy đùa vui: “ Đi đâu anh khoác tay tôi Người ta mới biết là đôi vợ chồng!” Hôm ấy đúng là một ngày mùa xuân. Trời bình thường sôi động mà yên tĩnh hẳn đi. Không có một gợn mây. Gió cũng lặng, biển cũng êm, mặt biển như một tấm gương xanh nhạt. Ngay từ sáng, mặt trời đã le lói cả xứ Bretague tràn đầy ánh nắng; mọi chốn, mọi nơi vui tươi hẳn lên như sống lại. Không khí trở lên ấm áp như chẳng còn bao giờ đông gió bão bùng nữa. Mặt nước tại các vùng cũng thật yên tĩnh, suốt ngày sáng ánh mặt trời....Tất cả như muốn kéo dài vĩnh viễn ngày vui của họ....Những bông hoa viotlét cũng như sớm nở để góp phần làm đẹp thêm cảnh trí. Đúng là một ngày đẹp hiếm có. Gaud bỗng hỏi: “ Anh sẽ yêu em bao nhiêu lâu nữa, anh Yann?” Yann ngạc nhiên nhìn vợ trả lời: “ Yêu em mãi mãi chứ Gaud...” Ngây ngất trước câu trả lời của chồng, Gaud níu lấy tay anh, ghì sát vào người, thật âu yếm nhưng trong lòng không ngớt lo âu- anh vẫn như con hải âu, bay đi bất cứ lúc nào- chỉ ngày mai thôi anh ấy sẽ ra khơi! Muộn quá rồi, không thể giữ được nữa.... Trên đường họ đi, chỉ có kim tước mọc đầy hai bên và mấp mô đá granit. Những căn nhà của dân chài rải rác trên các mỏm núi, tường cũ, mái đầy rêu, trĩu xuống trước sức nặng của thời gian. Xa xa mãi ngoài kia là biển cả như một tấm gương mờ, ôm lấy mọi vật trong chu vi rộng lớn của mình. Cô cũng kể cho chồng nghe nhiều chuyện lạ ở Paris nơi cô đã từng sống. Yann nghe có vẻ lơ đãng, không mấy quan tâm, anh nói: “ Paris ở sâu trong đất liền, xa biển quá, không trong lành. Nhiều nhà, đông người,... lắm bệnh tật. Anh không thích sống ở đấy đâu.” Cô mỉm cười thấy chồng suy nghĩ ngây thơ quá. Họ cũng đi sâu vào những nơi có cây cối mọc như ẩn vào đây để tránh gió biển. Vào đây phong cảnh âm u, nhìn lên chẳng thấy mặt trời; dưới đất thì lá khô rơi đầy, đường lồi lõm; một vài chòm xóm cổ kính, đổ nát, đứng lẻ loi, trơ trọi. Trước mặt là một cây thánh giá với tượng Đức chúa tạc bằng gỗ, nham nhở như xác chết chông phát sợ. Lên cao nữa lại nhìn thấy chân trời, không khí lại thoáng đãng, lại trông thấy núi, thấy biển. Yann cũng nhìn thấy quốc đảo Islande. Những hôm trời quang trời dễ thấy. Những tia nắng xuyên ngang không bao giờ tắt. Gaud không hiểu tại sao, bảo Yann giải thích. “ Mặt trời đi cả một vòng,- Yann nói và vòng tay diễn đạt,- bao giờ nó cũng thấp như vậy, nó không có sức lên cao, đêm đến nó lướt qua mặt biển một tí rồi lại lên ngay. Đôi khi mặt trăng đứng được chân trời đằng kia, hai cái giống nhau đến nỗi chẳng biết cái nào là cái nào....” Được nhìn thấy mặt trời lúc nửa đêm! Chỉ có ở Islande xa xôi mới vậy. Thế còn vụng nước là gì. Gaud thấy chữ ấy ghi trên các bia mộ của người chết trong những vụ đắm tàu. “ Vụng nước là những khoảng nước lớn, chung quanh có núi cao, rất cao, chẳng biết đến đâu vì bên có mây bao phủ. Nơi ấy buồn lắm Gaud ạ. Nguyên núi là núi, dân ở đấy chẳng biết cây cối là gì. Đên giữa tháng Tám hết mùa đánh cá, thuyền về. Lúc ấy chỉ có đêm, đêm dài, mặt trời lặn sâu xuống không lên được. Suốt cả mùa đông là đêm tối mịt mùng,- Yann nói tiếp- Ở đấy cũng có một nghĩ địa cho dân Paimpol qua đời trong mùa cá hoặc những người chết trong các vụ đắm tàu. Rồi lại có một khu cho người Pors- Even, cũng giống như thế. Mỗi một mộ cũng có một cây câu dút giống như ở đây, trên ghi tên tuổi. Hai anh em Gaozdion ở Ploubazlance cũng ở đây, và cả Guillaume Moan, ông của Sylvestre nữa.” Gaud hình dung ra cái nghĩ địa nhỏ ấy ở chân một ngọn núi đá, dưới ánh sáng mờ mờ của những ngày dài vô tận. Rồi cô nghĩ đến những người bị vùi dưới lớp băng hoặc dưới lớp đất đen của những đêm dài mùa đông. “ Suốt ngày câu à anh, không lúc nào nghỉ à?” Gaud hỏi. “ Cứ câu suốt đi. Và còn phải chạy tàu nữa, vì biển không phải lúc nào cũng lặng.” “ Thế không buồn à?” “ Không buồn. Ngoài khơi anh chẳng bao giờ thấy ngày dài.” Gaud thấy buồn, chịu thua biển cả.