Dịch giả: Phạm Văn Vinh
Phần Thứ Hai

Mặt trời cũng thay đổi dáng vẻ và màu sắc. Buổi sáng hôm ấy như báo hiệu một ngày hắc ám. Trời Islande bỗng quang mây, những tia nắng từ cao xuyên xuống. Mấy ngày nay trời quá đẹp. Ắt là phải có sự thay đổi.
Đúng thế. Gió bắt đầu về như giục giã thuyền tàu phải mau phân tán. Tàu thuyền nào cũng hối hả chạy như đoàn quân vỡ trận. Trời này nhất định có chuyện, không sai được.
Gió mỗi lúc mạnh thêm. Người rét run, tàu thuyền chao đảo.
Những con sóng nhỏ chạy đuổi nhau, cồn lên trắng xóa rồi vỡ ra, ngầu bọt, tung lên những hạt nhỏ lăn tăn, xa trông như những đám khói. Tiếng lào rào to dần, to thêm mãi.
Lúc này không ai còn nghĩ đến đánh bắt. Mọi người lao vào việc chuẩn bị cho tàu thuyền chạy. Thuyền thì tìm đến ẩn ở một vịnh nhỏ nào đấy cho kịp tránh bão; thuyền lại mau chóng ra khơi, để lợi dụng chiều gió phía sau. Lúc đầu tàu thuyền còn nhìn thấy nhau, còn thấy thấp thoáng những cánh buồm, lúc mờ lúc rõ giữa những con sóng, chao đảo nhưng vẫn còn đứng vững, khác nào những con lật đật đẩy ngã nhưng vẫn đứng dậy được.
Mây đùn kín chân trời phía tây trông như một hòn đảo, bỗng vỡ ra thành từng mảng, đuổi nhau kín bầu trời rồi dàn mỏng, kéo dài, che khuất mọi vật.
Gió thổi mạnh lên. Thiên nhiên tơi tả.
Con tàu lớn lúc này đã vào ẩn ở trong bờ quốc đảo Islande, ngoài khơi chỉ còn lại những chuyến tàu thuyền đánh cá đang hối hả chạy để mau tránh khỏi cơn bão. Tàu thuyền dần dần xa nhau, không nhìn thấy nhau nữa.
Những con sóng vẫn đuổi nhau, nhanh, thêm, cuốn vào nhau, vươn cao thêm để lại phía dưới những vực sâu hoẳm.
Cả một vùng biển bị cầy xới, đảo lộn, ầm ĩ, nơi mà chỉ mới hôm trước còn yên ổn, tĩnh lặng. Một cuộc biến đổi tai họa! Một sự phá phách chẳng có mục đích! Đầy bí hiểm.
Mây vẫn đùn từ chân trời phía tây lên, chồng chất lên nhau chạy hối hả như đang bị rượt đuổi, giăng kín cả bầu trời, chỉ để sót lại đôi ba chỗ cho những tia nắng xuyên qua và giội lên mặt nước những vệt trắng.
Đến trưa tàu Marie phải vận hành  theo chế độ lúc thời tiết xấu: đóng tất cả các cửa ở mạn tàu, giảm bớt buồm, tàu lướt nhanh, trườn nhẹ; giữa cảnh lộn xộn con tàu nhào lên nhào xuống như con cá heo làm trò, để chạy đua với thời gian.
Trời tối om, thảng hoặc mới có một đôi chỗ sáng; như một mái vòm đứng im phăng phắc.
Con tàu lướt nhanh như trốn chạy, thời gian cũng qua nhanh như bị ai đuổi cả con tàu và biển, cả gió và mây, tất cả đều như hốt hoảng lao về cùng một hướng. Trong cuộc chạy đua ấy, gió nhanh chân hơn, rồi đến sóng biển nặng nề và chậm chạp hơn, đến sau gió; rồi con tàu Marie do gió và nước kéo đi. Những con sóng bạc đầu đuổi theo và vượt qua con tàu, nhưng con tàu đã khôn khéo luồn lách thoát khỏi.
Trong cuộc chạy trốn người ta có cảm giác như bay bổng; không phải cố gắng, không phải tốn sức mà cứ lướt đi vèo vèo. Con tàu Marie chờm lên trên sóng mà không chút lay động y như được gió nâng lên, và hạ xuống thì lại trượt êm không thấy trong người có chấn động như khi ngồi xe hơi gặp ổ gà xe hẫng xuống. con tàu trượt như đi giật lại núi non chung quanh như cũng chạy trốn, con tàu lại lao xuống một vực nước giữa hai con sóng, rồi cả vực nước cũng lao vào cuộc chạy.
Dưới vực sâu, trời tối om; cứ con sóng này đi qua, con sóng kia lại ập đến, to hơn, cao hơn, sục sôi, như muốn nói: tao sẽ tóm được mày, nhấn chìm mày.
Nhưng không, nó chỉ nâng con tàu lên, luồn xuống dưới, bọt ngầu trắng xóa, vỡ ra như thác đổ.
Và cứ như thế tiếp tục mãi, lớn thêm mãi. Những con sóng nối tiếp nhau, to thêm, dài thêm như dãy núi, tạo nên những vực sâu kinh khủng.
Trời tối mịt. Sóng gió dữ dội, con tàu cứ lao đi, lao về phía Đông. Cũng lại là cái han. Mùa cá năm nay, tàu Marie đã  đi đánh bắt xa về phía tây. Giờ nó lao về phía Đông cũng là kết hợp quay trở lại nơi ra đi.
Yann vầ Sylvestre vẫn đứng trên boong tay bám vào lan can, người buộc vào thành tàu. Họ vẫn gào to bài hát Jean Francois, như say trước sóng gió, họ căng lồng ngực hát, hát mãi.
“Này các cậu, không sốt ruột à?” Thuyền trưởng ló đầu ra cánh cửa hé mở hỏi.
Họ không sốt ruột, không lo ngại. Họ tin tưởng ở sự bền vững của con tàu và sức khỏe của đôi tay. Họ tin vào sự chở che của Đức mẹ mà hình ảnh là pho tượng bằng gốm đang treo trong khoang giữa hai bó hoa giả, miệng luôn mỉm cười.
Thường thường người ta chỉ nhìn được những gì ở ngay chung quanh. Cách xa độ vài trăm mét, chỉ còn nhìn thấy những con sóng bạc đầu cồn lên rồi lại đổ xuống, nước tung tóe rơi xuống rào rào như mưa.
Nhưng đôi lúc có ánh chớp lóe lên từ phía tây bắc và một luồng gió từ đấy tràn về. Chân trời bỗng rực sáng, chiếu xuống những con sóng. Cảnh tượng càng thêm ngổn ngang buồn thảm. Con người thấy lẻ loi giữa bát ngát trùng dương đầy bão tố.
Một tiếng gào rú lên kinh khủng như giáo đầu cho một bản huyền âm gieo rắt sự sợ hãi báo hiệu ngày tận thế. Muôn vàn âm thanh hợp sức lại để đe dọa. Trên kia thì gió gào, nguồn gốc của mọi xáo trộn, một sức mạnh vô hình, gây nên mọi khủng khiếp. Còn dưới này, ngay sát là tiếng ì ầm của nước, của sóng, sôi sục tung tóe nhấn chìm, phá phách. Từng khối nước quăng lên boong. Con tàu Marie rung lên như rên rỉ. Bọt nước trắng xóa cả mui tàu. Mỗi đợt gió ào đến, con tàu lại lồng lên. Rồi một trận mưa lớn đổ xuống mưa như quất vào mặt, mưa như thác đổ.
Yann và Sylvesstre vẫn đứng đấy, người buộc chặt vào thành tàu, tay bám chặt vào lan can. Hễ gió ào đến họ oằn người chống lại. Trên mình họ, áo nhựa buộc kín cổ chân, cổ tay, cho nước mưa khỏi ùa vào người. Họ vẫn cười, vẫn hát.
Jean François de Nantes
Jean François
Jean François
Nhưng rồi họ thấm mệt, gió vẫn ào ào, mưa vẫn đổ. Người nào môi cũng trắng bệch ra, răng va vào nhau cầm cập, mắt đờ ra, mặt mũi thất sắc. Nước mưa từ trên tóc chảy xuống, miệng méo đi, trông như hiện thân của những người tiền sử.
Họ không nhìn thấy nhau, chỉ biết rằng đang còn ở cạnh nhau. Mỗi khi một đợt sóng dâng cao, ào đến, vật vã con tàu, làm cho mọi vật chao đảo, rung chuyển như muốn vỡ tan ra, thì một bàn tay nắm chặt lan can, một tay giơ lên làm dấu. Họ không còn nghĩ đến bất cứ cái gì, không còn nghĩ đến Gaud, không còn nghĩ đến người đàn bà nào nữa, không còn nghĩ đến chuyện vợ con, cưới hỏi. Giá rét, mệt nhọc, tiếng ồn, đã làm đầu óc họ mờ mịt hết cả. Họ chỉ còn là hai pho tượng teo tóp cố nắm chặt lấy lan can, hai con mãnh thú bấu chặt cái chấn song cho khỏi chết.
°
°
Tại Butague, giữa tháng chín, vào một ngày mát trời, Gaud một mình qua truông Ploubazlance để đến Post-Even.
Đã gần một tháng, tất cả các tàu thuyền Islande đã về bến, chỉ trừ hai tàu mất tích trong cơn bão tháng sáu. Tàu Marie bình an vô sự, Yann và tất cả bạn chài đã về.
Cứ nghĩ đến chuyện sắp phải lại nhà Yann, Gaud thấy trong lòng xao xuyến quá.
Từ ngày Yann ở Islande về, cô chỉ mới gặp anh ta có một lần, là hôm tiễn Sylvestre lên đường nhập ngũ. Mọi người đưa nó ra xe để đến tập trung ở Brest. Cả hai bà cháu khó, Sylvestre khóc ít thôi, nhưng bà lão thì khóc nhiều. Yann cũng có mặt hôm ấy, nhưng anh ta quay đi chỗ khác khi Gaud nhìn anh. Vì đông người đến bến xe tiễn chồng con nên Yann và Gaud không nói được chuyện gì với nhau.
Thế là cuối cùng cô quyết định đến gia đình ông Gaos tuy trong lòng có ngại.
Cha cô trước đây làm ăn chung với ông Gaos còn nợ một trăm frances tiền bán thuyền.
“Bố để con mang số tiền này đến trả cho ông ấy, bố ạ. Con muốn đến chơi với cô Marie Gaos; con cũng chưa bao giờ đi xa đến Ploubazlance, bố để con đi chơi một chuyến”.
Thâm tâm thì cô muốn xem gia đình Yann mà có lẽ một ngày kia cô phải đến ở đây, tại gia đình ấy, tại làng ấy.
Một hôm trước ngày ra đi, Sylvestre nói với Gaud:
“Tính anh Yann là như thế đấy; anh ấy không muốn kết hôn với ai, chỉ muốn sống với biển thôi, đã có lần anh ấy nói đùa rằng anh ấy sẽ kết hôn với biển”.
Cô không giận anh, cô thông cảm với tác phong của anh. Cô luôn nghĩ đến và nhớ lại nét cười, có duyên và thật thà trong buổi vũ hội đêm xưa và cô hy vọng.
Nếu gặp anh ấy ở nhà, cô sẽ không nói gì, ai lại táo tợn như thế! Còn anh ấy trong thấy cô, chắc là anh ấy sẽ hỏi chuyện.
°
°
Cô gái đã đi được một tiếng, bước chân thoăn thoắt, lòng khấp khởi, căng lồng ngực ngọn gió trong lành của biển khơi.
Tại các điểm giao nhau của các trục đường có trồng các cây câu rút.
Cô qua hết xóm chài nọ đến xóm chài kia, quanh năm gió thổi làm nhà cửa bạc phếch màu đá vôi. Đến một chỗ đường thắt cổ chai, giữa những mái tranh nóc nhọn như những căn lều của người Celle và những mảng tường tối om, cô buồn cười khi thấy tấm biển đề “Rượu táo Trung Quốc” vẽ hai ông phỗng mặc áo xanh đỏ có đuôi, đang uống rượu táo. Hẳn đây là tác phẩm của một người lính nào đã có lúc sang Tàu về. Trong lúc đi đường Gaud chú ý quan sát mọi cái. Người đi xa thường thích thú hơn khi những người khác vì được biết nhiều chuyện. Cổ nhân đã nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà.
Giờ đây ngôi làng nhỏ đã lùi lại phía sau càng gần đến mũi đất tột cùng của xứ Bretagne, cây cối càng thưa thớt, đồng quê càng buồn thiu.
Đồi núi nhấp nhô, trập trùng, đứng đâu cũng nhìn thấy biển. Rồi chẳng còn thấy một gốc cây nào nữa, chỉ có những trảng cỏ thấp, đây đó nổi lên những cây thánh giá in thập tự lên nền trời xanh, khách đi đường tưởng như đang trong một nghĩa địa lớn.
Đến một ngã tư, có một cây thánh giá lơn cắm thẳng đầu đường, Gaud đang do dự chưa biết theo đường nào, thì bỗng xuất hiện một bé gái giúp đỡ  cô thế bí.
“Em chào chị Gaud!”
Đó là con ông Gaos, một trong các em gái của Yann.
Ôm hôn em bé, cô gái hỏi bố mẹ em có ở nhà không.
“Bố mẹ có ở nhà, em bé trả lời, chỉ có anh Yann đi Longuivy, chắc cũng sắp về”.
Thế là Yann lại đi vắng, số phận ra sao mà hai người cứ xa cách mãi vậy? Gaud chợt nghĩ hay là quay về lần khác đến. Nhưng cô bé kia đã gặp Gaud ắt sẽ về nói lại. Thì ở đây người ta nghĩ thế nào. Thế là Gaud quyết định cứ đi và đi nhanh còn kịp quay về.
Càng đến gần làng Yaann, cảnh vật càng trở nên cằn cọc hiu hắt. Người ở đây to khỏe nhưng cây cối lại thấp lè tè. Mặt đường đầy rong biển, bò nguênh ngang khắp mọi nơi, đến đâu cũng thấy mặn mòi.
Trên đường Gaud gặp nhiều người. Ai cũng nhìn ra ngoài khơi như rình rập, canh chừng gì đó. Gặp cô họ đều chào hỏi. Nét mặt người nào cũng sạm nắng gió, dáng quả quyết dưới chiếc mũ thủy quân.
Cô thấy còn nhiều thời gian cứ lững thững để kéo dài con đường. Thấy vậy họ tỏ vẻ ngạc nhiên. “Anh Yann đến Longuivy làm gì nhỉ? – Gaud trăn trở suy nghĩ một mình, - hay để đi theo cô gái nào đó”
Nhưng Yann ít bận tâm đến các cô gái. Anh ấy chỉ đến Longuivy để tìm mua sảo về đánh bắt tôm hùm thôi. Quanh vùng này chỉ có mấy làng ở Longuivy có nghề đan loại sảo này. Anh ấy không tơ tưởng gì đến chuyện trai gái.
Gaud đã đi tới nhà thờ. Đây là một nhà thờ họ, xây đã lâu, rêu mọc xanh, đứng từ một đỉnh đồi cao đã nhìn thấy. Đất ở đây cằn cỗi, cây cối lưa thưa, trụi hết lá, như bị một bàn tay ác ý đi qua hái vặt.
Cũng chính bàn tay ấy đã nhấn chìm các thuyền đánh cá ngoài biển khơi, vùi bao số phận xuống đáy đại dương. Cái bàn tay ấy chính là ngọn gió tây, kẻ đã bao đời gieo rắc khiếp hãi và tai họa cho dân đi biển.
Gaud đã đi đến nơi, ngôi nhà thờ ấy chính là nhà thờ xứ Pors-Even. Cô đứng lại để có thêm thời gian.
Một bức tường thấp vây quanh một nghĩa địa. Nhà thờ cũng như cây cối và các nấm mồ ở đây cùng một màu, cùng dầu dãi gió sương, những bức tường bằng đá grani mưa xói mòn, những cành cây khẳng khiu, những phiến đá rêu phủ, tất cả đã nói lên vẻ cổ kính, già nua của cảnh vật nơi đây.
Trên một cây thập tự có dòng chữ lớn: Gaos Jock, tám mươi tuổi.
Đấy là mộ phần của cụ tổ. Biển cả đã bỏ quên ông lão ngủ này. Nhiều bà con họ hàng của Yann an giấc tại đây. Điều đó là tất nhiên. Nhưng đọc dòng chữ ấy trên nấm mồ một tổ tiên làng chài, Gaud thấy trong lòng nhói đau.
Để kéo dài thêm thời gian, Gaud ghé vào giáo đường đọc một bản kinh. Giáo đường với cánh cổng đã mối mọt, quét vôi trắng làm cô xúc động và dừng lại.
Lại một cây thập tự nữa mang họ Gaos, để tưởng niệm những người đã mất ngoài biển khơi.
Lại một tấm bia với dòng chữ:
Để tưởng nhớ
Gaos Jean-Louis
24 tuổi, thủy thủ tàu Marguerte
mất trên biển Islande
ngày 3 tháng 8 năm 1877
 
Islande! Lại vẫn Islande! Khắp chỗ ở của nhà thờ này, đâu cũng đóng những tấm biển gỗ mang tên các thủy thủ đã qua đời. Đấy là phần mộ của những người dân làng Pors – Even đã gặp nạn trong các vụ đắm tàu. Gaud hối hận sao lại đặt chân đến nơi đây để phải buồn lòng. Ở Paimpol, cô cũng thấy có những tấm bia ghi như thế, ở mỗi góc nghĩa địa có một băng ghế bằng đá granit. Nơi đây các bà mẹ già, các bà vợ góa sớm chiều đến ngồi tụng niệm để cầu chúc cho linh hồn chồng con. Tận cùng nghĩa địa, dưới chân nhà thờ là một hang động bằng đá xếp, ngoài cửa có tượng Đức bà cổ kính, sơn màu hồng, với đôi mắt dữ tợn, trông giống như tượng Cybele, nữ thần Trái Đất.
Lại Gaos, vẫn Gaos!
Để tưởng nhớ
Gaos François
Chồng của Anne Marie Le Goaster
Thuyền trưởng tàu Paimpol
Mất tại biển Islande từ 1 đến 3 tháng 4 năm 1877 cùng với hăm ba thủy thủ đoàn.
Phía dưới là hai khúc xương bắt chéo trên là một đầu lâu sơn đen, hai mắt sơn xanh một bức họa vừa xấu vừa thô.
Gaos! Đâu cũng Gaos.
Lại một Gaos nữa tên là Yves gió hất xuống biển và mất tích tại Islande, 22 tuổi, tấm biển ở đây đã lâu lắm, không ai còn nhớ đến nữa.
Đọc những dòng chữ ghi trên bia, Gaud lại nghĩ đến Yann và thấy vô vọng, Yann sẽ không bao giờ là của cô. Tránh sao nổi anh ấy với biển cả. Bao nhiêu người đã chết chìm dưới biển từ ông, đến cha, đến con. Yann rồi cũng sẽ như thế.
Gaud bước vào giáo đường lúc này đã tối chỉ còn thấy lờ mờ qua ánh sáng từ các cửa sổ thấp lọt vào. Lòng đầy thương cảm, cô quỳ xuống, kính cẩn cầu các đấng thánh thần nam nữ phù hộ. Ngoài kia gió bắt đầu nổi lên, rít từng cơn dài như tiếng than thở của những dân chài trẻ tuổi đã bỏ mình nơi biển cả.
Trời đã chiều rồi. Gaud phải đến thăm gia đình Gaos và làm xong việc bố sai.
Cô lại ra đi, sau khi hỏi thăm trong làng, cô đã tìm được đến nhà ông Gaos, một căn hộ tựa lưng vào vách núi. Trèo qua mười hai bậc thềm bằng đá granit cô vào đến nơi. Cô thấy trong lòng rung sợ nếu lại gặp Yann đã ở nhà.
Cô đi qua một khoảnh vườn mọc toàn hoa cúc và thược dược.
Bước vào nhà, cô nói là cô đem tiền bán thuyền đến; người ta mời cô ngồi để đợi ông bố về ký biên lai. Cô đảo mắt nhìn xem có thấy Yann ở nhà không, nhưng không thấy.
Mọi người đang bận tíu tít. Trên bàn có mấy bộ quần áo mới cắt bằng vải bông mới để quét sơn chuẩn bị cho mùa cá sau.
“Phải chuẩn bị cho mỗi đứa hai bộ thay đổi ở nơi đánh cá đấy cô Gaud ạ”
Và người ta giải thích để cô hiểu cách quét sơn thế nào, để khô thế nào, phơi thế nào. Vừa nghe Gaud vừa đảo mắt nhìn kỹ căn hộ của gia đình ông Gaos.
Nhà làm kiểu ngày xưa, trong cùng một lò nấu bếp to, hai bên là những chiếc giường kiêm tủ xếp thẳng hàng. Tuy không rộng rãi nhưng sáng sủa, chứ không bề bộn tối tăm như nhà nông dân. Đúng là nhà ở của dân miền biển. Nhiều trẻ nhỏ đang có mặt tại đó, cả trai lẫn gái, đều là em ruột của Yann, chỉ vắng hai đưa đang đi biển. Ngoài ra có một bé gái tóc hung, nét mặt rầu rầu, không giống những đứa kia.
“Con bé này chúng tôi nuôi từ năm ngoái, - bà mẹ nói; - nhà cũng đông trẻ lắm rồi, nhưng biết làm thế nào, cô Gaud, bố nó đi tàu Marie – Dieu-t’aime, tàu đắm ở biển Islande năm trước, cô cũng biết đấy, hàng xóm phải chia nhau nuôi năm đứa con ông để lại, con bé này chia cho tôi.”
Thấy người ta nói chuyện về mình, con bé mỉm cười chúi đầu sau lưng thằng Lanmie Gaos, nó thích thằng bé này nhất nhà.
Mọi người trong nhà có vẻ sống rất khoan khoái, cứ trông đôi má hồng hào của lũ trẻ đủ biết.
Người ta đón tiếp Gaud rất ân cần coi như cô đến chơi là niềm vinh dự cho gia đình. Người ta dẫn cô theo một cầu thang bằng gỗ tạp mới làm để lên căn phòng trên tầng là nơi long trọng của gia đình. Cô đã được biết hoàn cảnh ra đời của tần gác đó; nó được xây dựng do tiền bán một con thuyền vớt được ở biển Mauche, công của ông Gaos và ông bạn hàng xóm. Trong buổi vũ hội đêm hôm trước, Yann đã kể cho Gaud nghe.
Gian phòng được quét vôi mới, sáng sủa tươi tắn, trong phòng kê hai chiếc giường kiểu thành phố có rèm che và đánh véc ni, giữa phòng kê một bàn lớn. Qua cửa sổ từ phòng này nhìn có thể nhìn thấy thành phố Paimpol, cả bến cảng và các tàu thuyền Islande đang đỗ ở đấy và cả bến xuất phát khi các con tàu ra khơi.
Cô muốn biết Yann ngủ ở đâu, nhưng không dám hỏi. Tất nhiên ngày còn bé anh ấy phải ngủ ở nhà dưới, còn bây giờ hẳn là anh ấy ngủ ở giường ở đây, có rèm che màu hồng. Cô cũng muốn biết anh ấy sống như thế nào; anh ấy làm gì trong những tháng mùa đông, nhất là các buổi tối…
Tiếng bước chân nện nặng trên cầu thang làm Gaud giật mình.
Không phải Yann, đấy là một người giống Yann duy có tóc bạc; ông có tầm vóc như Yann, đứng thẳng người như Yann, đấy là ông Gaos vừa đi đánh cá về. Ông chào Gaud, hỏi cô đến có việc gì rồi ông ký biên lai. Việc này mất khá thì giờ vì bàn tay ông run, cầm bút không vững. Cuối cùng thì ông cũng hoành thành cái việc có tính chất thủ tục ấy. Nhưng một trăm frans này chưa phải xong hẳn, mới chỉ là tiền góp kỳ đầu. Gaud không chú ý vấn đề tiền nong. Cô chỉ biết vậy là cô sẽ còn nhiều dịp đến nhà Gaos để trả tiếp các kỳ góp tiếp theo.
Gia đình xin lỗi vì vắng Yann. Lẽ ra theo họ, Yann phải có mặt ở nhà để đón tiếp cô. Với kinh nghiệm của một người già, người bố hiểu rằng con trai mình không phải không có quan hệ với cuộc viếng thăm của Gaud. Ông cứ luôn miệng phàn nàn trong lúc trò chuyện với Gaud rằng sao hôm nay Yann lại đi lâu thế. “Nó đi Longuivy cô Gaud ạ,- ông nói,- để mua mấy cái sảo về đánh tôm hùm. Đấy là công việc chính và thu nhập quan trọng của gia đình trong vụ đánh bắt mùa đông đấy!”
Gaud vẫn muốn nán lại xem Yann có về hay không, tuy biết rằng kéo dài cuộc viếng thăm là hơi quá.
“Nó là đứa đứng đắn cô ạ, - Ông Gaos nói tiếp về con mình, - rượu chè thì không rồi, chẳng có gì đáng lo ngại cho nó. Đôi khi vui vẻ bạn thì cũng có tí chút, dân thủy thủ mà, cô. Hơn nữa lại đang tuổi trả, kiêng tiệt sao được. Song cũng chỉ là uống chơi bời cho vui tuyệt nhiên không bê tha, cô Gaud ạ, chúng tôi cam đoan như thế”.
Trời sắp tối. Quần áo nhựa đã cất vào. Công việc tạm đình. Bọn trẻ ngồi xít lại nhau trên ghế, nhìn vào mặt Gaud như muốn hỏi: “Sao giờ này chị ấy chưa về?”
Trong bếp cũng đang chuẩn bị bữa tối.
“Cô Gaud ở lại dùng bữa tối với chúng tôi nhé”, - ông bố nói.
Không! Gaud chả dám, mặt cô đỏ bừng. Cô đứng dậy xin phép ra về.
Bố Yann cũng đứng lên theo tiễn cô ra đến đầu đường, nơi có một vườn cây cổ thụ và cái chắn lối vào làng.
Đi bên cạnh ông già, Gaud cảm thấy trong lòng mình bỗng trào lên niềm kính trọng và quý mến, cô muôn nói với ông như nói với bố mình, có lúc cô nghẹn ngào không nói nên lời.
Hai người tiếp tục đi trong gió chiều giá rét và mặn vị nước biển. Chốc chốc lại gặp một mái nhà tranh cửa đóng kín mít, tối om, mái oằn xuống, cái tổ của những dân chài, họ cũng gặp những cây thập tự, những tấm đá.
Port-Even mới xa chứ! Và cô về cũng quá khuya!
Thỉnh thoảng họ cũng gặp người từ Longuivy và Paimpol về; cứ mỗi lần có người sắp đi đến, Gaud lại nghĩ có khi đấy là Yann. Nhưng không phải, nếu là Yann thì từ xa, trông đã nhận ra ngay. Cô thất vọng, chân chuệch choạng, bước luấn quấn vào rong biển trên mặt đường.
Đến gần cây thánh giá Plouezoch, Gaud chào ông già và mời ông quay lại. Đến đây đã nhìn thấy đèn sáng ở Paimpol, không có gì đáng ngại nữa.
Lần này vậy là hết! Cô gái nghĩ bụng, nhưng biết đâu có khi lại sắp gặp Yann trên đường đi.
Quay lại Port –Even chẳng thiếu gì lý do, song như vậy vô duyên lắm. Phải can đảm và tự tin lắm mới dám thế. Giá có Sylvestre cô sẽ sai nó đến gặp Yann để bảo Yann kể lại sự tình, nhưng Sylvestre đã đi xa rồi, chưa biết bao giờ mới về.
°
°
“Bố mẹ cứ giục con lấy vợ, lấy để làm gì chứ! Yann nói, cứ sống với bố mẹ thế này lại chả sướng hơn sao. Chẳng phải lo lắng gì, chẳng tranh giành gì với ai, chiều đi biển về có sẵn súp canh nóng hổi. Bố mẹ định ghép cô gái đến nhà chiều hôm nay cho con chứ gì? Con chả đâu. Cô ấy giàu, nhà ta nghèo. Mà con cũng chẳng lấy ai cả, ý con như thế đấy”.
Hai ông bà già nhìn nhau chán ngán. Qua trò chuyện, ông bà nghĩ là cô gái chả chê con trai ông bà về nỗi gì. Nhưng ông bà biết là không nên ép, ép cũng không được. Nhất là bà mẹ, bà chỉ cúi đầu, lặng thinh chẳng nói gì, bà tôn trọng ý kiến con trai là người sắp làm chủ gia đình. Bà biết rằng nó hiền chịu khuất phục như một đứa trẻ, nhưng là đối với những việc nhỏ, còn đối với những việc lớn thì nó cứ ý nó, không ai gàn được. Yann không thức khuya bao giờ, cứ tối là ngủ say, sáng hôm sau dậy thật sớm. Ăn bữa chiều xong, xem lại các sảo súc tôm hùm và những tấm lưới mới mua, có vẻ ưng ý lắm; anh thay quần áo, lên giường nằm cùng thằng em Laumie.
Đã mười lăm ngày nay, Sylvestre vào ở trong doanh trại Brest. Nó rất nhớ nhưng vẫn rất nghiêm túc. Lúc nào cũng mặc cái áo màu xanh hở cổ; trên đầu vẫn đội cái mũ có chỏm màu đỏ. Dáng người cao to có vẻ một anh lính thủy, thật chững trạc. Nhưng trong bụng lúc nào cũng nhớ bà ở nhà và vẫn ngây thơ như một đứa trẻ.
Cũng đã có một hôm quẩng lên, một nhóm nắm tay nhau vừa đi vừa hát ầm ĩ lúc về trại.
Có một ngày chủ nhật bọn nó đến rạp diễn kịch. Vở diễn có một vai đóng phản động. Cả bọn đã hô đả đảo ầm lên như sóng dậy. Trời nóng quá, nó định cởi bành tô bị sỹ quan chỉ huy khiển trách.
Lúc về trại đã khuya nó gặp mấy bà đứng tuổi đi bách bộ trên vỉa hè. Họ gọi nó bảo: “Này anh trai, chúng tôi bảo này”.
Nó hiểu ngay bọn họ muốn gì và không ngây thơ như họ tưởng. Nó đĩnh đạc đi qua, vẻ khinh bỉ, nhếch miệng cười mặc cho bọn kia nói trêu: “Đi nhanh không bọn này ăn tái đấy anh trai nhé!”
Tuy đến ở Brest, nhưng Sylvestre vẫn cứ như những ngày ở ngoài khơi, ở ngoài biển Islande, vẫn trai tịnh. Tuy vậy bè bạn không dám giễu cợt vì nó khỏe, ai trông thấy cũng phải nể.
Một hôm người ta gọi Sylvestre lên tiểu đoàn bộ và báo cho nó biết nó được chỉ định bổ sung vào hạm đội đi Đài Loan.
Nó cũng đã biết việc này thế nào cũng sẽ đến vì trong báo thấy nói chiến sự ở đấy chưa kết thúc. Vì phải đi gấp, người ta cho biết không được về phép để chào bà con thân thích như thường lệ. Trong năm ngày phải chuẩn bị xong để lên đường.
Nó thấy trong bụng rối bời, vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì được đi xa, được thấy nhiều điều mới lạ, vì được ra trận, còn lo vì phải xa tất cả chưa chắc có ngày trở lại.
Đầu óc nó rối tinh. Chung quanh cũng nhốn nháo, đông đầy người đến, để chuẩn bị sang tàu như nó.
Nó vội lấy giấy và bút chì viết cho bà mấy dòng. Nó ngồi xếp ngang xuống đất, chung quanh kẻ đi người lại nhốn nháo. Đều là những người như nó đang sửa soạn ra đi.
“Người yêu của nó cũ kỹ quá!”. Đấy là tiếng người ta giễu cợt phía sau lưng nó, hai hôm sau khi nó gửi thư đi.
Đây là lần đầu tiên người ta thấy nó đi ngoài phố lại có khoác tay phụ nữ, ghé sát và thủ thỉ những lời êm ái.
Đó là một người nhìn sau lưng có vẻ nhanh nhẹn, mặc váy ngắn đúng thời trang, chung quanh cổ là một chiếc khăn san màu nâu, đầu đội mũ to vành kiểu phụ nữ xứ Paimpol.
Người phụ nữ cũng quàng tay nó, nghiêng đầu về nó, nói những lời trìu mến.
“Người yêu của nó cũ kỹ quá!”
Họ đã nói như thế, chỉ là vui đùa thôi không có ác ý, vì họ biết rằng đây là một bà già từ nông thôn lên.
Nghe tin thằng cháu phải ra đi, bà cụ thật sự hoảng sợ, vì cuộc chiến ở Trung Quốc đã làm thiệt hại nhiều thủy thủ xứ Paimpol.
Bà nhặt tất cả mọi đồng lớn nhỏ dành dụm được, nhét chiếc áo dài đẹp nhất vẫn mặc ngày chủ nhật vào túi sách rồi ra đi để ôm hôn thằng cháu thêm một lần nữa.
Bà đến thẳng trại lính xin phép. Thoạt đầu ông phó quản lý không đồng ý cho nó ra. Ông nói: “Bà Sylvestre muốn xin phép cho nó ra phải đến hỏi ông đại úy, ông ấy kia kìa, đang đi đến đấy”.
Bà đã đến gặp, ông đại úy thương tình ra lệnh “Bảo Moan thay quần áo”.
Moan đã vội vàng lên thay quần áo dân sự. Còn bà lão đã cảm ơn ông sĩ quan và đứng đợi ở một gốc cây.
Lúc thấy thằng cháu ra, ăn mặc rất chỉnh tề, bà phấn khởi quá; bộ râu nó được tỉa đúng mốt của thủy thủ thời ấy; chiếc áo sơ mi thắng bong là cứng, chiếc mũ với những dải xanh phấp phới đính chiếc mỏ neo vàng.
Trông thấy thằng cháu bà lại nhớ đến anh con trai Pierre hai chục năm trước đây cũng là thủy thủ trên chiến hạm, rồi bà lần lượt nhớ đến từng người con cháu đã ra đi không về. Bà thấy buồn lòng.
Nhưng rồi bà phải quên đi. Bà cùng với thằng cháu bước ra khỏi cổng trại, vui vẻ đi với nó, hai bà cháu khoác tay nhau. Chính lúc ấy, người ta đã vui đùa giễu cợt: “Người yêu của nó cũ quá!”.
Bà lão đã đưa cháu đi ăn ở một cửa hàng chủ quán là người ở Paimpol, chỗ quen biết không lấy đắt. Rồi hai bà cháu dẫn nhau đi xem các cửa hàng ở Brest. Bà tìm những câu bông đùa để làm cho cháu vui. Bà cháu nói với nhau bằng thổ ngữ Bretagne nên chung quanh cũng chẳng biết họ nói chuyện gì.
Bà ở lại chơi với cháu ba ngày, ba ngày thật vui, có thể nói là ba ngày ân huệ.
Rồi bà lão phải quay về Ploubazlance vì bà cũng hết tiền rồi mà thằng Syvestre thì hôm sau nữa đã phải đi. Lệ nhà binh cứ trước hôm hành quân thì cấm trại, không được ra ngoài. Lệ này mới chỉ nghe thì cho là thiếu nhân đạo, nhưng đúng là phải như thế để tránh những điều thái quá thường xảy ra trước khi đi chiến dịch.
Ngày cuối cùng bà muốn tìm những câu chuyện vui để nói cho Sylvestre nghe trước khi nó ra đi, nhưng nước mắt bà cứ trào ra, tiếng nấc cứ nút lấy cổ họng. Bà nắm lấy tay cháu dặn dò đủ thứ, Sylvestre nghe mà muốn khóc. Cuối cùng hai bà cháu vào nhà thờ để đọc kinh.
Bà đi tàu chiều. Để tiết kiệm, hai bà cháu đi bộ ra ga, Sylvestre xách làn quần áo cho bà để bà vịn vào nó mà đi. Bà lão thấy mỏi mệt quá ba bốn hôm nay quá sức nhiều lưng bà cứ còng xuống,muốn thẳng người lên mà không được, bà không sao cưỡng lại được với cái tuổi bảy mươi sáu của bà. Cứ nghĩ đến lúc phải xa thằng cháu bà thấy trong dạ rối bời. Nó phải đi mãi sang Trung Quốc, đến cái nơi đang diễn ra cảnh chém giết. Bây giờ nó đang còn đây với bà, bà ôm nó trong đôi cánh tay già yếu, vậy mà tí nữa bà phải xa nó; nước mắt của bà, nỗi lo âu thương xót của bà và cả sự chán nản vô vọng cũng không sao ngăn được cho nó khỏi phải đi.
Tay xách làn, tay cầm vé, xúc động, run rẩy, bà căn dặn nó lần cuối.  Sylvestre cúi đầu sát xuống mặt bà, khẽ vâng vâng, đôi mắt hiền lành, giọng nói rủ rỉ như một đứa trẻ.
Một nhân viên nhà ga giục:
“Cụ ơi!Mau lên tàu không nhỡ bây giờ!”
Tàu hú còi. Bà cụ vội vàng giật làn quần áo từ tay Sylvestre, để xuống đất, níu lấy cổ nó mà ôm hôn thật thắm thiết.
Mấy người chung quanh người thì đẩy, người thì kéo, lôi được bà cụ lên tàu và đóng sập cửa lại. Sylvestre chạy vòng ra cửa, đến đón đầu ở chỗ đường chắn để được nhìn thấy bà khi tàu chạy qua.
Lại một tiếng còi nữa. Tàu chuyển bánh, chạy ra đường chắn. Sylvestre vẫy chiếc mũ có giải bay phấp phới để cho bà lão nhìn thấy, còn bà lão đưa đầu qua cửa sổ tàu vẫy chiếc mùi xoa để cho cháu dễ nhận, cố gắng gọi thật to, và cứ nhìn mãi đến lúc khuất.
Hãy nhìn cho kỹ cụ ơi! Nhìn để nhớ lấy cái hình bóng thằng cháu; nó đi lần này không bao giờ trở lại…
Bà lão ngồi phịch xuống ghế, thút thít khóc, cái mũ trên đầu cọ vào thành tàu đã mất nếp, cụ cũng chẳng lưu ý.
Thằng cháu đi bước một quay về trại, nó vừa đi vừa sụt sịt, nước mắt ròng ròng hai má. Đêm xuống những ngọn đèn đã bật sáng, buổi dạ hội bắt đầu. Nó cứ lặng lẽ qua khu Brest, rồi qua cầu để về trại.
Lại vẫn tiếng mấy phụ nữ lúc nãy mời chào, trêu chọc.
Sylvestre vẫn thản nhiên đi qua, về phòng, mắc võng, nằm thút thít một mình chập chờn cho đến sáng.
°
°
Chiến hạm chở Sylvestre đã ra khơi, đưa nó vượt qua các miền biển lạ, nước còn xanh hơn ở biển Islande.
Con tàu được lệnh phải đi gấp sang Viễn Đông phải mở hết tốc độ.
Sylvestre cũng biết rằng mình đã đi xa lắm vì thấy con tàu chạy một cách vội vàng, luôn giữ tốc độ, bất kể ngày đêm, bất kể thời tiết.
Là thủy thủ coi cột buồm, Sylvestre luôn bám ở cột buồm, cheo leo như một con chim; phía dưới, binh lính nằm ngồi ngổn ngang chen chúc.
Tàu có hai lần ghé vào bờ để đón thêm lính và lấy thêm lừa ngựa. Từ lúc còn ở xa đã nhìn thấy phố xá một màu trắng, tọa lạc trên bãi biển cát hoặc trên sườn núi. Sylvestre cũng có lúc xuống để xem người dân ở đây, người nào nước da cũng nâu nổi bật trên những chiếc khăn choàng màu trắng. Họ đem hoa quả xuống bến bán. Họ là những người Besdonin.
Cứ thấy cái nóng ngột ngạt suốt ngày đêm giữa mùa thu, Sylvestre cảm thấy nỗi nhớ quê tột độ.
Một hôm tàu đến cảng Said. Cờ của các quốc gia phấp phới trên các cột cao có vẻ tưng bưng như ngày hội, bốn chung quanh là một trảng cát trắng, sáng chói dưới ánh mặt trời. Tàu đã đỗ tại đấy. Trên bến là những dãy phố dài với những căn nhà bằng gỗ. Từ lúc ra đi đến giờ mãi hôm nay Sylvestre mới thấy khoan khoái dễ chịu, được thấy tận mắt một cách rõ ràng cảnh vật bên ngoài giữa đám tàu thuyền bộn bề ngổn ngang, đậu thành một dãy dài, dọc theo bờ biển rồi mất hút phía chân trời.
Trên bến những đoàn người quần áo đủ màu sắc, luôn luôn bận rộn, hối hả giữa tiếng còi tàu, tiếng sắt thép va chạm, tiếng pháo hiệu, ầm ĩ suốt ngày.
Tối đến tiếng kèn trống của những đoàn nhạc om sòm hòa lẫn với tiếng máy móc như muốn xua đi nỗi nhớ nhà  của những kẻ xa quê đi qua nơi đây.
Hôm sau, ngay từ lúc mặt trời mới mọc, tàu của Sylvestre đã đi qua một con sông đào, phía sau nó là một đoàn dài tàu thuyền cùng hướng của tất cả các nước, để ra khơi tiếp tục cuộc hành trình.
Tàu vẫn chạy với tốc độ cao. Trên mặt biển loang loáng những vệt đỏ, đôi chỗ sẫm như màu máu. Sylvestre vẫn trên thùng cột buồm, luôn rủ rỉ bài hát quen thuộc “Jean Francois de Nantes”, để nhớ đến Yann, đến biển Islande, đến những kỷ niệm đã qua.
Những ai đã đưa con tàu đi trên biển cả hẳn phải nhớ được điểm này điểm nọ rải rác đây đó để làm mục tiêu; những người coi cột buồm, suốt ngày ngồi trong chòi gác thì thường chẳng biết gì về đường đất xa gần, chẳng phải chú ý gì đến nơi này nơi nọ tàu đã đi qua.
Sylvestre cũng vậy. Nó chỉ biết rằng đã đi xa, xa lắm, mỗi ngày xa thêm; cứ nhìn con tàu lao đi vun vút, rẽ nước sang hai bên để lại những con sóng phía sau thì biết là tàu đang chạy với tốc độ cao, chạy bất kể ngày đêm, không một phút ngừng nghỉ.
Phía chân cột buồm, dưới bóng các lều bạt, binh lính chen chúc dưới cái nóng ngột ngạt hổn hển thờ làm không khí hầm hập. Nước, không khí, ánh sáng, tất cả đều mang vẻ u buồn trĩu nặng.
Một lần, Sylvestre thấy một đàn chim trông như một đám mây đen bay qua, theo nhau ào xuống boong tàu, đậu cả xuống đầu, xuống vai thủy thủ. Họ thích thú vuốt ve, nâng niu từng con. Sylvestre cũng túm được một con, cũng vuốt ve âu yếm. Nhưng chỉ được một lúc nhiều con lăn ra chết, vì nóng, vì mệt, vì bay xa mỏi cánh. Dưới cái nắng như thiêu như đốt của miền Hồng Hải.
Những con chim này đã từ các sa mạc gió về đây. Hoảng sợ trước không gian xanh ngắt vô biên chúng đã nhào liều xuống khi thấy con tàu đi qua. Chúng đã sinh sôi nảy nở tại xứ Libye xa xôi, sinh sôi hàng ngàn, hàng vạn, hàng vạn vạn, và đến nay, thiên nhiên đã vô tình đẩy chúng đi khỏi.
Mới hôm qua chúng còn vui tươi, ca hót tràn đầy sinh khí, mà hôm nay chết rục trên đống sắt nóng bỏng của con tàu. Những nắm lông đen, ướt sũng, sã cánh rải rác mọi nơi trên tàu. Sylvestre cầm một vài con, căng đôi cánh, vuốt ve, thương cảm, rồi cuối cùng ném xuống nước với vẻ ngậm ngùi.
Hết chim lại đến cào cào. Chúng bay từ đâu đến, như trận mưa rào rơi xuống boong tàu.
Con tàu vẫn tiếp tục cuộc hành trình hối hả trên biển xanh rì, vắng ngắt, ngoài những con cá thỉnh thoảng vọt lên mặt nước.
Mưa xối xả dưới bầu trời tối đen và nặng trĩu. Con tàu đã đi tới Ấn Độ. Sylvestre vừa đặt chân lên đất liền. Nó được chọn bổ sung quân số ột chiến hạm khác.
Đứng dưới tán lá xanh, có làn gió mát thoảng qua, Sylvestre nhình những cảnh lạ mắt chung quanh, cây cối xanh mướt, cành lá đan nhau như những lớp lông vũ lợp kín; người ở đây có đôi mắt to, như nặng trĩu dưới những hàng mi dày. Trong gió như có thoảng mùi hương và hoa.
Mấy phụ nữ đang đứng cạnh đường ra hiệu mời chào như nó đã từng thấy ở Baeast, chỉ khác là ở đây còn làm người ta nổi gai trên da thịt. Ở đây những bộ ngực đồ sộ, phập phồng dưới làn vải mỏng, để lộ một thân hình màu hung, bóng nhãy như đồng thau.
Sylvestre do dự rồi mon men đến dần và đi theo…
Nhưng bỗng có tiếng còi từ hạm đội rúc lên gọi nó quay trở lại để chuẩn bị nhổ neo.
Sylvestre vội quay lại. Vĩnh biệt các cô gái Ấn Độ, xuống tàu tiếp tục ra khơi.
Lại một tuần nữa, con tàu mở máy qua các vùng biển nước trong xanh, rồi lại dừng lại một hải cảng có cây cối xanh tốt. Một đoàn người có màu xa vàng, ào đến với những thúng than trên đầu.
Sylvestre hỏi một người đứng gần: “Đã đến Trung Quốc rồi à?” Người kia cho biết chưa phải Trung Quốc. Mới đến Singapo còn phải đi nữa.
Sylvestre lại trèo lên chòi coi cột buồm để tránh bụi than đang rót xuống lòng tàu.
Cuối cùng tàu đến một nơi gọi là Đà Nẵng. Tại đây đang đậu một chiến hạm mang tên là Ciree. Nó được chuyển sang đấy để chờ đi tiếp.
Tàu này gợi nhớ về quê hương của Sylvestre ở đây nó cũng gặp hai người Islande. Cả ba đã rủ nhau đến một chỗ vắng người trên boong và tâm sự lập thành một nhóm đồng hương quê Bretagne.
Sylvestre phải ở lại đấy nằm không chờ đợi năm tháng trước khi đến lượt gọi đi tham chiến.
Tại Paimpol. Hôm ấy là ngày cuối cùng của tháng Hai. Hôm sau dân chài ra khơi để đến miền biển Islande.
Gaud đang tựa cửa phòng, nói chuyện với cha cô. Cô đã trông thấy Yann đến nhà và nghe tiếng anh đang vang vang dưới đó.
Suốt cả mùa đông vừa qua, hai người không gặp nhau lần nào. Hình như định mệnh ngăn cách họ mãi hay sao ấy.
Sau lần đến Pors – Even, Gaud đặt hy vọng vào ngày Lễ Xá tội của người Islande. Ở đây họ sẽ gặp nhau và trò chuyện với nhau. Nhưng chẳng may ngay từ sáng hôm ấy trời mưa tầm tã, gió tây gào thét, bầu trời tối đen, những băng rôn trắng, những chùm hoa xanh trang trí các đường phố sũng nước rơi rụng hết. Người ta ca cẩm: “Dân ở Ploubazlanec lại không đến rồi!” Đấy là lời các cô gái có người yêu ở đằng ấy phàn nàn với nhau. Họ không đến thật. Họ đóng cửa ngồi nhà nhâm nhi. Vậy là hết cả rước xách, hết cả dạo chơi.  Gaud thấy trong lòng buồn thắc, cô đứng sau cửa kính nhìn ra, nhìn nước mưa từ mái nhà đổ xuống và lắng nghe tiếng hát của các dân chài từ các quán rượu vọng ra.
Đã từ mấy hôm nay, Gaud biết chắc thế nào Yann cũng đến nhà mình. Việc bán thuyền chưa thanh toán xong, ông Gaos ngại đi, sẽ sai Yann đi thay đến Paimpol. Lúc ấy cô sẽ gặp Yann để nói rõ lòng mình. Cô sẽ trách Yann đã làm cô bối rối rồi bỏ cô, như những người con trai thiếu tư cách. Cô sẽ hỏi xem tại sao lại thế. Tại tính anh ngang nghạnh, hay tại vụng về, hay sợ từ chối hay mải với công việc đánh bắt…Nếu chỉ có những trở ngại như thế theo như Sylvestre phỏng đoán, thì cứ thẳng thắn cho nhau biết, để thông cảm, chứ có gì khó khăn, và sau đó sẽ lại vui vẻ, nụ cười sẽ lại nở trên môi anh nụ cười mà cô đã nhìn thấy tối dạ vũ hôm nào khi cô trong vòng tay anh. Cô hy vọng như thế và thấy có thêm can đảm.
Lúc nhìn thấy anh ở xa thì cô nghĩ thế thấy công việc đơn giản, chẳng có gì là khó khăn.
Yann lại đến đúng lúc. Cô tin rằng lúc Yann xong việc ra về, cha cô sẽ vẫn ngồi hút thuốc tại chỗ không đi theo. Như vậy cô sẽ được cùng anh trò chuyện khi anh đi ra hành lang.
Nhưng bây giờ đến lúc thì sự hăng hái, quyết tâm của cô lại bay đâu mất cả. Chỉ mới nghĩ đến lúc gặp anh, hai người đứng nhìn nhau ở chân cầu thang, cô đã thấy run người rồi. Tim cô đập đến vỡ lồng ngực.
Cô nhất định không dám như thế. Thà chết buồn chứ không làm như thế được.
Cô nghĩ vậy, và định rút lui vào phòng, ngồi xuống tiếp tục công việc.
Nhưng cô đứng lại nghĩ thêm, ngày mai đã là ngày anh ra khơi, nếu hôm nay không nói được với nhau thì cô sẽ lại phải sống cô đơn và chờ đợi,héo mòn,suốt cả mùa hè….
Dưới kia cửa đã mở, Yann đã bước ra. Gaud với vẻ kiên quyết chạy vụt xuống, đứng chặn trước mặt anh. Cô nói giọng run rung “Anh Yann, tôi muốn nói với anh một việc”.
“Nói với tôi à, cô Gaud?” Yann hỏi và đưa tay lên mũ.
Yaan nhìn cô với vẻ hoang dại, đôi mắt long lanh, đầu ngả về đằng sau, dáng điệu cứng đơ, chân trước chân sau như chỉ muốn bỏ chạy.
“Nhà chúng tôi có gì làm anh sợ hãi vậy?” Gaud hỏi giọng khô khốc.
Yann quay mặt nhìn ra ngoài, hai má đỏ bừng, nóng ran, hai lỗ mũi phập phồng thở như  mũi bò tót.
Gaud lại hỏi:
“Lúc chia tay nhau ở buổi khiêu vũ anh nói hẹn gặp lại. Anh quên rồi sao anh Yann? Tôi đã làm gì để anh phải thế.”
Một luồng gió từ phía Tây thổi lại làm rối mớ tóc của Gaud và lay vành mũ của Yann. Sau lưng hai người cánh cửa nhà đập vào nhau. Trời tối như mực, sấm chớp đùng đùng.
“Không đâu, cô Gaud ạ!, - Yann miệng nói chân chỉ muốn bước đi, - “Tôi đã nghe chung quanh người ta bàn tán về chúng ta. Không đâu, cô Gaud ạ. Nhà cô giàu, nhà chúng tôi không được như vậy. Tôi không xứng…”
Nói rồi Yann bỏ đi…
Thế là hết. Gaud đã không nói lâu được tất cả những điều cô muốn nói. Cô chỉ mới nói đủ để Yann thấy cô là một cô gái táo bạo…Gaud chưa hiểu được Yann là người thế nào, chỉ biết anh ta rẻ rúng con gái, rẻ rúng tiền bạc rẻ rúng tất cả…
Gaud cứ đứng ngây ra nhìn cảnh vật chung quanh, trong người nôn nao, chóng mặt.
Rồi một ý nghĩ vụt nảy ra. Bạn bè của Yann đang đi bách bộ trên hè để đợi anh. Biết đâu vui chuyện anh ta lại chẳng kể lại cho họ nghe. Nếu thật vậy thì là một điều sỉ nhục rất kinh tởm. Cô nghĩ vậy và leo nhanh về phòng đứng trong rèm cửa quan sát.
Có một nhóm đang đứng trước cửa thật, nhưng họ chỉ nhìn trời dự đoán thời tiết.
“Không quan trọng, - họ bảo nhau, - cứ vào làm chén rượu, đợi ngớt mưa”.
Rồi họ dẫn nhau đi, đùa cợt với nhau về cô gái Caroff và nhiều cô khác, nhưng không một ai quay nhìn lên cửa sổ nhà Gaud.
Tất cả họ đều vui nhộn, chỉ riêng Yann chẳng cười, chẳng nói, chỉ im lặng và buồn. Anh cũng chẳng vào quán rượu như họ, và không chú ý đến họ, đến trời đang mưa, anh cứ lững thững đi về Ploubazlanie trong đầu miên man suy nghĩ.
Cô gái đã thông cảm với Yann. Cô thấy thương anh mặc dầu không còn hy vọng.
Gaud ngồi xuống, hai tay ôm đầu. Cô tự hỏi: “Làm gì bây giờ?”
Nếu anh chịu nghe cô nói, hơn nữa nếu anh quá bộ đến với cô, chỉ hai người nói với nhau, chắc hẳn sự việc sẽ đâu vào đấy.
Cô sẽ nói với Yann thế này: “Trước đây tôi không yêu cầu thì anh lại tìm đến với tôi; bây giờ tôi toàn tâm toàn ý với anh thì anh lại hờ hững. Tôi không ngại lấy một người dân chài đâu. Ở Paimpol chẳng thiếu gì con trai, nhưng tôi yêu anh, tôi thấy anh hơn mọi người khác. Tôi có giàu thật, tôi cũng có xinh thật, nhưng điều đó có sao đâu. Tôi cũng nói thêm tôi đã sống ở thành phố nhưng tôi thề là vẫn đứng đắn, không làm gì sai trái xấu xa. Tôi yêu anh như thế sao anh không lấy tôi đi?”
Nhưng tất cả những điều đó, cô đã không nói ra được. Bây giờ thì đã quá muộn! Không thể nói được nữa! Anh ấy sẽ cho mình là loại gì! Thôi thôi! Thà chết còn hơn.
Hôm sau cả đoàn ra khơi đi đến biển Islande. Còn lại mình cô gái trong căn phòng xinh đẹp nhưng lạnh lẽo. Cô ngồi phịch xuống một chiếc ghế tựa lưng vào tường, thấy mọi vật chung quanh sụp đổ xuống đáy một vực thẳm buồn thảm và ghê sợ đang khoét sâu chung quanh mình.
Cô gái mong được thoát khỏi cõi đời, để được nằm yên dưới tấm đá, để khỏi phải đau đớn. Cô đã hoàn toàn thông cảm với anh, không một chút căm hờn xen lẫn vào mối tình vô vọng…
Yann đã cùng đoàn thuyền đi được một ngày. Lúc ra đi có gió nam, thuyền nào cũng căng buồm, tản mát đi các ngả như đàn hải âu.
Đến một lúc, gió yếu đi, thuyền đi chậm lại, những tảng sương mù bay là là trên mặt nước.
Yann vẫn lì xì. Anh ta kêu thời tiết yên lặng quá, chỉ muốn có việc gì làm để xua tan nỗi u uất trong lòng. Nhưng nào có việc gì, suốt ngày nằm chúi vào một xó.
Bỗng có tiếng loạt soạt dưới đáy thuyền như kiểu xe bóp phanh. Con tàu Marie không đi nữa, đứng im một chỗ.
Trong thuyền có tiếng hỏi nhau: “Mắc cạn rồi à?” Nhưng mắc vào cái gì nhỉ? Từ chiều hôm qua đến giờ, trời nhiều sương, chẳng nhìn thấy gì cả.
Mọi người trên thuyền nhốn nháo chạy đi chạy lại. Con tàu như bị giữ chặt do vật gì ở sâu mãi dưới nước kìm lại.
Ai đã trông thấy một con chim  bị dính chân vào nhựa? Lúc đầu nó chưa thấy gì. Nhưng khi quẫy đạp để thoát ra thì chân nó cứ lún sâu mãi xuống, dính chặt thêm, không sao rút ra được nữa và cảm thấy nguy cơ chết mất.
Con tàu Marie lúc này cũng vậy. Lúc mới mắc cạn, chưa sao, chỉ hơi nghiêng một chút. Chỉ mãi sáng ra, lúc có mặt trời mọc, người ta mới thấy được tình cảnh nguy khốn của nó.
Thuyền trưởng thấy bứt rứt, ân hận vì không chú ý nhìn luồng nước. Anh giơ hai tay lên trời than thở: “Rõ khổ rồi! Khổ rồi!”
Trời chỉ rạng ra một tí đủ để thấy tình trạng nguy khốn của con tàu, rồi tối sầm lại chẳng nhìn thấy gì nữa.
Trên biển cũng chẳng thấy một chiếc thuyền nào.
Con chó Ture nuôi trên thuyền dường như cũng có vẻ lo buồn. Nghe tiếng nhốn nháo trên mui tiếng gió gào và tiếng lắc lư của con tàu mỗi khi có con sóng xô tới,nó biết là tình thế không bình thường. Nó tìm một chỗ nằm cuộn tròn cúp đuôi lại.
Thuyền trưởng ra lệnh bỏ neo, để giảm bớt sóng dồn và mọi người nắm lấy dây, ra sức kéo. Nhưng suốt mười tiếng chả ăn thua gì. Con tàu vẫn nằm chết cứng không nhúc nhích. Thuyền trưởng và thủy thủ đành bó tay nằm chờ.
Cho mãi đến sáng hôm sau, gió nổi lên, sóng to thêm, con thuyền mới tròng trành. Thủy thủ chạy từ mũi về lái, vừa chạy vừa reo. Thuyền nổi lên rồi. Lại tiếp tục hành trình.
Cùng với con tàu, Yann cũng thấy trong lòng nhẹ nhàng, buồn phiền tan biến. Cả ngày lao động mệt nhọc đã làm Yann bớt buồn phiền, quên đi những hồi ức tối tăm.
Con tàu nhổ neo, tiếp tục ngược lên phía bắc, nơi có biển Islande lạnh lẽo.
Một chuyến tàu từ Pháp sang đem thư cho các binh lính và thủy thủ. Mọi người vây lấy bưu tá đang khoác trên vai một túi vải bạt đựng đầy thư. Anh xướng to gọi tên từng người có thư đến nhận.
Moan Sylvestre cũng có một thư gửi từ Paimpol đến. Nhưng không phải chữ viết của Gaud. Vậy là thế nào? Thử của ai gửi?
Lật đi lật lại hai ba lần, Sylvestre bóc thư đọc.
Ploubazlance ngày 5 tháng 3 năm 1884
Cháu trai yêu quý.
Đúng là thư của bà nó Sylvestre thở mạnh một hơi. Bà còn viết ở cuối thư chữ ký to đùng đã học thuộc lòng, nét chữ run run như chữ học trò: “Bà góa Moan”.
Sylvestre đặt lên môi hôn lá thư thiêng liêng chỗ có chữ ký của bà. Lá thư này đến vào một thời điểm quan trọng của đời nó: ngày mai nó bắt đầu ra trận.
Tin từ mặt trận cho biết quân số chưa đủ, người ta phải tuyển thêm từ các chiến hạm mới đến. Một số được gọi tên, Sylvestre cũng ở trong số này. Chuẩn bị xong mọi việc, nó đi chào những người còn ở lại, rồi cùng với những người sắp ra mặt trận, đi dạo phố, trong lòng cảm thấy tự hào.
Nó chưa ý thức rõ rệt về chiến tranh, về lửa đạn, chỉ thấy mê được ra trận.
… Chưa biết tại sao bà nó không nhờ Gaud viết hộ thư như mọi khi, Sylvestre cầm lá thư đến một ngọn đèn để đọc.
Ngay đầu thư, bà nó đã nói lý do tại sao phải nhờ một bà hàng xóm viết hộ thư này.
“Cháu yêu quý, bà không nhờ chị họ cháu viết lá thư này vì nó đang buồn. Bố nó chết đột ngột cách đây hai hôm. Cả gia tài của bố nó mất hết vào cờ bạc rồi. Bây giờ phải bán căn nhà và đồ đạc. Không ngờ lại thế. Được tin này chắc là cháu buồn lắm. Bà ở nhà cũng vậy.
Con trai ông Gaos gửi lời thăm cháu. Nó đã làm hợp đồng lại với thuyền trưởng Guermeur vẫn tàu Marie. Năm nay chuyến đi biển đến Islande sớm hơn mọi khi. Xuất phát hôm mồng một đầu tháng này, trước chuyện buồn của Gaud hai ngày. Bọn chúng chưa biết tin này.
Nhưng bây giờ thì thôi rồi cháu ạ. Chúng không lấy nhau. Gaud cũng phải kiếm kế sinh nhai.”
Sylvestre đứng lặng đi. Những tin dữ đến làm nó buồn, mất hết hào hứng ra trận.