Dịch giả: Phạm Văn Vinh
Phần Thứ Ba

Một viên đạn rít trong không. Sylvestre đứng khựng lại, dỏng tai nghe.
Họ có sáu người đang đi trinh sát trên một con đường lầy lội giữa cánh đồng.
Lại một viên đạn nữa rít trên không. Tiếng viên đạn réo lên; kéo dài “đdin”, nghe cũng biết đấy là một vật nhỏ, rắn, đi thẳng rất nhanh chạm vào cơ thể gây ra chết chóc.
Đây là lần đầu tiên Sylvestre nghe loại âm thanh này trong đời nó.
Lại “ddin, ddin”. Đạn vãi xuống như mưa. Nhiều viên rơi ngay cạnh họ, cắm xuống nước ruộng, kêu đánh bõm làm tóe nước.
Họ nhìn nhau, mỉm cười, nói: Tàu đấy! Hai, ba viên đạn nữa bay là là mặt đất, chui vào bụi cỏ. Chỉ sau một phút, tiếng đạn ngừng réo. Không trung lại im bặt. Chung quanh không còn một tiếng động.
Sáu người vẫn đứng, quan sát xem những viên đạn từ đâu đến.
Từ đằng kia, họ nói và chỉ tay về phía một lùm tre, giống như một đảo nhỏ mọc lên giữa cánh đồng, trong ẩn nhiều mái nhà.
Rồi họ bảo nhau chạy đến, chân họ thụt sâu trong bùn hoặc trượt trên đất nhão. Sylvestre có đôi chân dài và dẻo chạy đến trước.
Chẳng nghe thấy gì cả. Im phăng phắc.
Nhưng càng lại gần càng thấy rõ hơn. Những cây tre lá nhỏ, những mái nhà khum khum, nhiều người ẩn sau các bụi cây đứng dậy, tiến lại gần, nét mặt lộ vẻ tinh khôn lẫn sợ hãi. Rồi đột nhiên họ reo hò, xông ra dàn thành hàng dọc có vẻ kiên quyết.
Tàu đấy! Sáu người lính thủy nhìn nhau mỉm cười. Nhưng đồng thời họ cũng thấy tình hình không đơn giản. Đối phương đông lắm. Đằng trước đằng sau đều có quân, từ các bụi cây hiện ra.
Sylvestre hôm ấy đã tỏ ra rất dũng cảm, giá bà nó có mặt hẳn phải hãnh diện lắm. Chỉ mới mấy ngày mà nó thay đổi hẳn: da nó rám nắng, giọng nó vỡ ra… Trong một phút do dự, mấy người kia rút lui; riêng có Sylvestre vẫn tiến lên. Nó đương đầu với cả một toán, cứ báng súng quật bên này bên kia, nhiều kẻ vỡ đầu vỡ mặt, nằm gục trên ruộng nước. Cuối cùng chúng đã phải bỏ chạy.
Chúng cúi rạp xuống bò sát đất như những con báo. Sylvestre tiếp tục truy kích mặc dầu đã bị một phát đâm vào đùi và một phát thọc sâu vào tay.
Bất thình lình, một đứa quay lại nhằm Sylvestre mà bắn. Sylvestre dừng lại, mỉm cười, khinh bỉ, để mặc tên kia bóp cò và lánh người sang một bên. Chẳng may mà mũi súng của tên kia cũng bị tiếng nổ bật sang cùng chiều. Sylvestre thấy nhói ở ngực. Nó biết là thế nào rồi vội quay lại phía đồng đội, nó nói: “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”.
Nó há mồm để hớp không khí thì thấy qua một lỗ thủng ở bên trái ngực, không khí cũng chui vào kêu phì phì như bễ lò rèn, bị thủng. Rồi máu tràn ra miệng. Nó thấy đau nhói, quằn quại, muốn hít không khí nhưng đã kiệt sức và tức thở, nằm vật xuống bùn.
Mười lăm ngày sau người ta đưa Sylvestre xuống tàu cứu thương để về Pháp.
Trước đó nó cũng đã được khiêng đến nhiều xe cứu thương lưu động để chữa nhưng không được. Ngực nó đầy nước, không khí vẫn qua lỗ thủng tràn vào, kêu ong óc.
Người ta đã gắn cho nó huân chương chiến thắng. Nó cảm thấy vui vui một chút.
Nhưng dáng vẻ một chiến binh ở nó không còn nữa, vì đau đớn kéo dài, sốt rét liên miên làm hao mòn. Nó trở lại như một đứa trẻ, luôn nhớ quê hương. Nó không nói nữa, có hỏi thì trả lời thều thào, mất giọng. Nó cảm thấy ốm quá, xa nhà quá, phải bao nhiêu ngày nữa mới về đến nhà. “Liệu có sống được đến bấy giờ không”. Nỗi nhớ nhà luôn ám ảnh nó. Thức lúc nào, là nghĩ đến lúc ấy. Nó đã van nài cho xuống tàu về ngay, dù có bất kỳ rủi ro nào.
Chiều ý nó, người ta đã đưa nó ra cảng để xuống tàu, đặt nó nằm trên một chiếc giường sắt kê cùng dãy với nhiều chiếc khác tựa vào mạn tàu. Vậy là nó lại theo đường cũ quay về nơi xuất phát. Chỉ khác một điều là nó không chót vót trên chòi canh cột buồm, như con chim bốn bề gió lộng, chòng chành theo nhịp sóng vỗ, như lúc đi, mà lại nằm bẹp trong khoang tàu, chung quanh la thuốc, là bông băng, là bệnh nhân rên rỉ, không khí ngột ngạt, oi bức.
Những ngày đầu thấy sắp được trở lại quê hương nó có khá hơn đôi chút. Thỉnh thoảng nó tựa vào gối nhổm dậy đòi hộp tư trang - một cái hòm nhỏ bằng gỗ mua ở Paimpol lúc ra đi để đựng những vật quý. Trong hòm có các lá thư của bà Yvonne, của Yann, của Gaud, một quyển sổ ghi bài hát, một quyển sách Nho giáo bằng chữ Tàu nhặt được ở đâu đấy, trên những trang chưa có chữ, nó ghi những dòng nhật ký thật ngây ngô của chiến dịch.
Nhưng bệnh tình của nó không thuyên giảm. Các thấy thuốc cho là khó qua khỏi.
Tàu đã về gần đến xích đạo. Nóng ngột ngạt báo hiệu giông bão, những lắc lư chao đảo cả giường nằm, cả thương binh, bệnh binh. Biển động dữ dội.
Từ lúc ở cảng ra đi đến giờ đã có nhiều người qua đời phải thả xuống nước; nhiều chiếc giường đã rũ bỏ những người xấu số.
Hôm ấy, trời tối mù mịt, các cửa sổ ở mạn thuyền lại phải đóng kín, phòng bệnh nhân càng thêm ngột ngạt.
Tình trạng của Sylvestre xấu đi nhiều. Ngày tận số của nó đã đến gần. Nó nằm nghiêng một bên, lấy hai tay ấn chặt lấy phổi bên phải để nước khỏi trào ra và chỉ thở phổi bên trái. Nhưng rồi phổi bên trái cũng ứ nước, không thở được nữa. Tình trạng trở nên nguy khốn.
Nó bắt đầu hôn mê. Những gương mặt thân thương cúi xuống nó. Hình ảnh của Bretague của Islande vụt qua trong đầu óc nó.
Nó cũng đòi cả linh mục đến.
Nó đòi không khí. Nhưng không khí quá ngột ngạt. Y tá quạt cho nó nhưng cũng chỉ là hắt vào mũi nó làn không khí ô nhiễm, hít vào thở ra đã hàng trăm lần.
Đôi lúc nó vùng dậy, muốn ra khỏi cái giường đang nằm, để ra ngoài kia, nơi thoáng đãng để hòng sống lại, nơi mà các thủy thủ đang đi lại trên boong, đang ngợp trong gió mát lành ở chòi canh cột buồm. Nhưng tất cả nỗ lực của nó chỉ đủ nâng cái đầu lên khỏi cái gối rồi lại để phịch xuống. Nó không làm gì được nữa; cơ thể của nó như bị thần chết dính chặt xuống hõm giường. Và mỗi lần như thế nó lại mê đi không biết gì nữa.
Cuối cùng, để làm vui lòng nó, người ta phải mở một cửa sổ nhỏ ở mạn tàu, tuy làm như thế cũng liều, vì biển vẫn động dữ dội.
Cửa mở ra thì có một luồng ánh sáng ùa vào, nhưng là thứ ánh sáng vàng vọt như từ một ánh đuốc yếu ớt rọi lên, chỉ đủ chiếu mờ mờ cái bệnh viện đang bềnh bồng trên mặt biển.
Còn không khí thì không thể lọt tới đây. Ngoài trời lúc này chỉ có hơi nước, nóng và đặc không thở hít được, không đủ ngay cả cho những người đang hấp hối.
Trong lúc mê man, nó nhìn thấy bà nó đi trên đường, bước gấp trong lòng lo sợ, mưa quất vào mặt, gió thổi ù ù, vội vàng đến nhận tin nó chết do bộ Hải quân thông báo.
Nó quẫy đạp, kêu rên. Người ta lau máu và nước trào ra hai bên mép nó, nước và máu từ trong ngực ộc ra mỗi khi nó giẫy.
Ánh sáng mặt trời lúc chiều tà qua khuôn cửa nhỏ ùa vào nơi giường nó nằm như một vầng hào quang.
Lúc này cũng mặt trời ấy, đang trên thiên đỉnh cao lồng lộng, chiếu ánh sáng dịu dàng xuống một túp lều ở Bretague, nơi bà già Yvonne đang ngồi khâu trước cửa.
Còn ở Islande lúc này mới sáng. Vừng đông chiếu những tia sáng đầu tiên xuống con tàu Marie đang đậu tại một vịnh nhỏ. Yann cùng với các bạn chài đang bận vào công việc đánh bắt.
Phía chân trời, ánh nắng tắt hẳn. Trong khoang tàu tối om. Cũng là lúc hai mắt Sylvestre đảo ngược. Nó tắt thở. Người ta vuốt mắt cho nó.
Đám tang của Sylvestre. Nhiều người khác khi chết đã phải thả xuống biển.
Nhưng Sylvestre lúc tắt thở tàu chỉ cách Singapo không xa lắm nên người ta quyết định giữ lại thêm vài giờ để chôn nó ở trên đất.
Đám tang đưa vào lúc sáng sớm tinh mơ để tránh nắng. Quan tài được chở trên một chiếc ca nô và phủ quốc kỳ nước Pháp. Đám tang lên bờ lúc thành phố còn đang ngủ. Một cỗ xe do lãnh sự quán phái đến đã đợi sẵn tại đấy. Quan tài cùng cây thánh giá được đưa lên xe. Thánh giá làm vội, sơn còn ướt chữ trắng chảy xuống nền đen. Một tốp lính thủy không nhiều đi theo xe. Có cả một linh mục đọc kinh cầu hồn cho người quá cố. Dân hàng phố đứng trong cửa nhìn ra.
Rồi đám tang đi vào nghĩa địa, nhưng còn xa mới đến nơi. Trên đường từ phố đi vào có nhiều cây cối, chim bướm ríu rít bay lượn, hoa lá rực rỡ. Cuối cùng là nghĩa trang, có các ngôi mộ của các nhà giàu sang xây cất đẹp, nhiều màu sắc, trong nhiều thứ cây lạ. Nơi để Sylvestre giống như một góc vườn Ấn Độ.
Chúng tôi đã trồng cây thánh giá trước mộ với dòng chữ
Sylvestre Moan
Mười chín tuổi
Chúng tôi để nó ở đấy rồi vội vàng ra tàu, vì trời mỗi lúc nắng gắt thêm. Đến chỗ rẽ ai cũng nhìn lại lần cuối người bạn chiến đấu đã nằm lại nơi xa quê.
Con tàu tiếp tục hành trình qua Ấn Độ dương. Dưới khoang vẫn cảnh điêu linh như trước. Trên boong trái lại thật vô tư, khỏe khoắn, trẻ trung. Chung quanh là không khí trong lành, mặt trời rực rỡ.
Thủy thủ nằm dài dưới bóng những cánh buồm, đùa với lũ vẹt bắt nó chạy.
Giống vẹt này có bán nhiều ở bến cảng Singapo. Họ thường mua những con con, mặt là mặt chim nhưng dáng điệu thì như trẻ con; chúng chưa mọc đuôi nhưng lông đã có màu xanh, giống như chim bố chim mẹ. Đặt lên những tấm ván tàu sạch sẽ, trông chúng giống như những chiếc lá non vừa rụng từ trên cây xuống.
Đôi khi họ tập trung tất cả lại một chỗ, chúng lấc láo nhìn nhau, quay cổ bên này, quay cổ bên kia như tự ngắm nghía xem hình thù mình thế nào. Chúng đi tập tễnh trông thật buồn cười.
Họ còn có những con khỉ làm trò nữa, trông rất khác. Họ ôm chúng vào ngực, nói nựng và vuốt ve.
Đến ba giờ họ mang hai cái túi của Sylvestre để bán đấu giá, theo như qui định. Tất cả quần áo và đồ dùng trong túi đều lần lượt đem ra rao bán. Thủy thủ nhiệt liệt hưởng ứng người mua thứ này người mua thứ kia. Trên các tàu cứu thương thường có kiểu bán thế này nên không ai lấy việc đó làm ngạc nhiên.
Áo khoác, áo sơ mi, áo may ô, đều lật đi lật lại và được nhấc đi với giá cao và mau hết.
Bây giờ đến cái hộp nhỏ đựng những vật thiêng liêng. Người ta bán với giá năm mươi xu. Thư từ đựng bên trong sẽ gửi trả cho gia đình, cả tấm huân chương chiến thắng nữa. Ngoài ra còn có quyển sach chép bài hát và quyển sách Nho giáo cùng với một số kim, chỉ, cúc áo mà bà Yvonne đã lo xa chuẩn bị cho cháu để khi cần vá chữa.
Cuối cùng là hai tượng Phật nhặt ở một chùa, để làm quà cho Gaud. Trông hai pho tượng này họ buồn cười, không phải họ có ý xấu, mà vì hai vật này trông thật lạ mắt.
Sau hết là hai cái túi vải bạt, người mua đã gỡ tên chủ cũ thay tên chủ mới vào.
Thủy thủ quét dọn boong tàu rồi tiếp tục đùa với lũ vẹt và mấy con khỉ.
Một ngày vào nửa đầu tháng Sáu, bà cụ Yvonne vừa đi đâu về thì hàng xóm cho biết văn phòng Hải quân cử người đến gặp.
Chắc là vấn đề liên quan đến thằng cháu bà. Nhưng bà không thấy có gì lo ngại. Ở các gia đình có người đi biển, thì luôn có việc phải gặp Văn phòng hải quân. Bà đã là con gái, là vợ, là mẹ, là bà của lính thủy, thì trong sáu chục năm bà đã nhiều lần đến văn phòng ấy.
Để cho y phục được tươm tất, bà cụ đã bận chiếc áo dài đẹp, và đội chiếc mũ trắng rộng vành. Đến hai giờ bà ra đi.
Trên đường đến Paimpol bà lại thấy trong lòng có điều gì đó không yên, vì đã hai tháng nay bà không nhận được thư của thằng cháu.
Bà lại gặp lão già lẳng lơ đang ngồi ở cửa. Từ đầu mùa đông đến bây giờ, lão suy sút nhiều. Nhìn thấy bà đi qua lão hỏi: “Thế nào? Đã cần đến bộ áo chưa? Cần thì cứ bảo đừng ngại, người đẹp nhé” (lại vẫn cái áo quan lão rủa từ xưa đến giờ).
Cảnh tượng thiên nhiên vào tháng Sáu thật đẹp. Trên núi cao, hoa cúc vàng nở rộ, còn trong lũng sâu cây cối một màu xanh mướt, cỏ mọc lút đầu người, tỏa hương trong gió.
Nhưng bà lão đâu có thấy được những cảnh trí đẹp đẽ ấy. Bà già quá rồi, năm tháng chồng chất lên người bà. Nhiều nỗi đau buồn đã làm cạn đi trong người bà những năng khiếu quí giá.
Bà mải miết đi để mau đến nơi có giấy gọi bà, để biết đích xác cái gì đã xảy đến, tốt hay xấu.
Càng gần đến Paimpol bà càng cảm thấy lo lắng. Bà dấn bước thêm.
“Bà ấy đi đâu mà vội vàng thế? Sao ngày thường mà ăn mặc tươm tất vậy?” Ông Chánh văn phòng đi vắng. Một thiếu niên độ mười lăm tuổi đang ngồi ở bàn giấy.
Khi nghe bà già xưng tên, thiếu niên kia đứng dậy, rút trong ngăn kéo ra một thếp giấy có dán tem. Giấy có nhiều thứ: những tờ chứng chỉ, giấy có đóng dấu, một lý lịch thủy quân nước biển làm ố! Tất cả bốc lên mùi chết chóc.
Thiếu niên kia dàn tất cả các giấy tờ trước mặt bà lão. Lúc này bà già bắt đầu run và mắt nhòe đi. Bà đã nhận ra trong đống giấy có hai bức thư do Gaud viết hộ bà để gửi cho Sylvestre. Hai bức thư còn nguyên chưa bóc, quay lại. Chuyện này cũng đã xảy đến với bà cách đây hai chục năm. Con trai bà là Pierre đi lính thủy sang Tàu. Thư gửi đi cũng quay về như thế.
Rồi thiếu niên kia dõng dạc đọc:
“Moan Jean Marie Sylvestre, nhập ngũ ở Paimpol số hiệu 2091, chết ngày 14…”
“Nó sao kia?” bà già sửng sốt hỏi.
“Chết! Nó chết!” thiếu niên kia nhắc lại. Lạy chúa! Cậu ta không có ác ý đâu. Cậu ta nói tàn bạo vậy chỉ là do không biết nghĩ, chưa có kinh nghiệm. Bà cũng đã lơ mơ đoán được điều này, nhưng chỉ thấy run sợ. Còn bây giờ sự việc đã hai năm rõ mười, thì bà lại không thấy cảm xúc gì cả. Trước hết là vì bà già quá rồi, sự xót xa đã chai lì, nhất là từ mùa đông năm trước. Bà đã mất không biết bao nhiêu con cháu. Phải một lúc lâu bà mới thấm thía, mới ý thức rõ rằng đứa cháu chết đây là đứa cháu cuối cùng của bà, đứa cháu bà yêu thương, hàng ngày bà cấu khấn cho nó gặp mọi điều lành, tránh mọi điều dữ, đứa cháu mà bà chờ đợi, bà mong ngóng, bà để hết tâm trí vào nó.
Cũng có lúc bà thấy xấu hổ vì đã để lộ nỗi thất vọng của mình trước một đứa nhỏ tuổi, song trong thâm tâm bà cũng thấm oán trách nó sao lại báo tin cháu bà chết bằng những lời lẽ tàn bạo như thế!...
Bà đứng bần thần trước bàn giấy, vân vê moi khăn trong những ngón tay gầy guộc.
Rồi bà nghĩ đến đường về, xa lắc xa lơ, chân lại chồn, lưng lại mỏi, đầu óc rối bời, lòng dạ xót xa. Sao về cho tới nhà, tới cái túp lều, rồi khóa trái cửa lại nằm để buồn phiền, để thương xót. Bà lo ngại quá.
Người ta đưa cho bà một ngân phiếu để đi lĩnh tiền tuất, ba chục francs bán đấu giá đồ đạc của Sylvestre, rồi những lá thư, những chứng từ, và cái hộp đựng huân chương. Bà cầm tất cả những vật đó rồi cứ đảo từ tay nọ sang tay kia, không tìm ra túi áo để bỏ.
Qua Paimpol bà đi thật nhanh, chẳng nhìn ai, đầu cúi gằm, lưng còng xuống như muốn ngã, hai tai vo ve. Bà đi rảo bước không chú ý đến mệt nhọc, đến quá sức, như người ta lên giây cho một cỗ máy đã quá cũ kỹ, vặn lấy được chẳng lo ngại lò xo đứt.
Đi được ba cây số thì bà kiệt sức, rạp lưng sát mặt đất. Thỉnh thoảng lại vấp một cái đau nhói. Bà cố đi nhanh mau về nhà khỏi quị giữa đường.
Bà Yvonne say rượu, chúng mày ơi!
Bọn trẻ thấy bà ngã tưởng là vừa uống rượu ở đâu về say đi ngã, gọi nhau ra xem. Bà về đến xóm Ploubazlance, mệt quá ngã khuỵu xuống. Nhưng rồi bà cố gượng dậy, chống gậy đứng lên, tập tễnh đi về.
Khi nhận ra không phải bà say mà chỉ vì mệt nên ngã, bọn trẻ im bặt, tỏ ra hối hận bảo nhau đi chỗ khác.
Bà lão vừa chống gậy vừa đi, nét mặt nhăn nhó. Chiếc mũ trên đầu bẹp rúm, chiếc áo dài lấm lem.
Về đến nhà, bà đẩy cửa bước vào, ngồi phịch xuống một góc, muốn kêu lên nhưng miệng tắc nghẽn, kêu không ra hơi.
Gaud thấy bọn trẻ kháo nhau, vội chạy đến. Cô gái thấy bà để đầu trần, hai tay bỏ thõng, đầu gục xuống một tảng đá, đang mếu máo khóc như một đứa trẻ.
“Cháu tôi chết rồi!” bà nói với Gaud và quăng cho Gaud xem mấy lá thư, tập giấy tờ và cái huân chương.
Gaud đọc lướt nhanh thấy là thật, vội quỳ xuống đọc kinh.
Hai người im lặng hồi lâu, chẳng ai nói câu nào. Chiều tà tháng Sáu ở Bretagne kéo dài, còn ở đằng kia, ở Islande thì chẳng bao giờ tắt. Trong lò sưởi tiếng dế rên ri rỉ. Một chút ánh sáng vàng vọt qua cửa tò vò lọt vào trong túp lều của gia đình Moan, một túp lều tuyệt tự, biển đã lấy đi không còn một người.
Cuối cùng Gaud nói: “Cháu sẽ dọn lại đây ở với bà, cháu mang chiếc giường người ta để lại cho cháu; cháu sẽ trông nom săn sóc bà, bà không phải cô đơn nữa”.
Cô gái nói và khóc, xót thương thằng Sylvestre, nhưng trong nỗi đau đớn cô nghĩ đến một người khác nữa, cái người đã ra đi để chài lưới, nghĩ đến Yann.
Sẽ báo tin buồn cho anh biết. Rồi đây có phải khóc anh ấy không? Có lẽ có. Những giọt nước mắt cô đang nhỏ vì xót thương thằng Sylvestre xấu số cũng còn vì lo nghĩ đến người con trai ấy, con người đáng giận vì khô khan khắc nghiệt nhưng cũng đang thương vì những tai họa anh ta sẽ phải gặp.
Một chiều tháng Tám, sau một ngày lao động mệt nhọc, Yann sắp xuống ăn cơm rồi đi ngủ, thì nhận được thư báo tin Sylvestre đã chết. Hai mắt nặng trĩu vì buồn ngủ, anh ngồi vào một xó mở lá thư ra đọc trước ngọn đèn tù mù. Lúc đầu anh không có cảm xúc gì như người không có hiểu biết. Vốn là người kín đáo có lòng tự trọng, anh cất lá thư vào túi áo để trong ngực, không nói gì. Kiểu cách của lính thủy vẫn thế.
Nhưng anh thấy không muốn cùng ngồi ăn với các bạn khác; để khỏi phải nói lý do tại sao, anh vào ngay giường nằm và ngủ luôn.
Bỗng anh mơ thấy Sylvestre chết và trông thấy đám ma nó đi qua…
Đến gần nửa đêm, lúc sắp đến lúc người ta gọi anh dậy thay ca anh vẫn còn thấy đám ma ấy. Anh nói: “Ra mình mơ. May mà họ đánh thức mình dậy”.
Nhưng khi có một bàn tay đặt lên người anh và gọi: “Gaos, dậy, dậy!” thì anh nghe trên ngực có tiếng sột soạt khẽ như tiếng giấy cọ vào nhau. Anh bỗng nhớ ra. Đó là cái thư báo tử. Vậy là thật không phải mơ. Thật là Sylvestre chết rồi. Anh thấy nhói trong tim, một nỗi xót xa ập đến choáng hết tâm trí anh. Anh bật dậy, trán đập vào gióng thuyền.
Rồi anh mặc áo, mở cửa mui chui ra đi làm.
Đứng trên boong tàu, với đôi mắt còn ngái ngủ, Yann nhìn khắp chung quanh. Biển vẫn mênh mông, sâu thẳm, chân trời xa lắc chẳng biết bến bờ nào. Những đám mây tảm mát, chẳng ra hình thù gì, vòm trời như một tấm màn lớn, giăng kín mọi nơi. Chỉ mãi phía chân trời có một mảng đen trông giống như hình người to lớn, càng đến gần càng lò mãi ra, làm Yann chú ý. Bất giác, Yann nghĩ đến thằng em xấu số, anh thấy lòng buồn rượi. Đã thực sự tỉnh ngủ, Yann biết rằng Sylvestre sẽ không bao giờ trở lại, Yann chẳng bao giờ được nhìn thấy mặt em. Mắt Yann như có vật gì phủ kín, làm mờ đi. Yann đã khóc, khóc nức nở, không để ý gì đến hai người bên cạnh. Đây là lần đầu tiên trên con tàu Marie có một người lớn, đã sống nửa đời mình với biển Islande khóc như một đứa trẻ.
Nhưng đến sáng ngày thì thôi. Yann lấy tay áo quệt nước mắt. Anh không khóc nữa, tập trung vào công việc. Cuộc đánh bắt cũng tăng thêm nhịp độ. Đàn cá đến đông. Hai người câu phải luôn tay lôi cần. Người mổ cá cũng không ngừng tay dao lúc này.
Cũng trong buổi sáng nay, đợt sương mù đầu tiên tràn về. Trời mờ mờ ẩm ẩm. Cột buồm cũng không nhìn thấy nữa. Người đứng đằng mũi nhìn người đằng lái chập chờn như bóng ma. Đây là dấu hiệu kết thúc mùa đánh bắt trên vùng biển Islande. Dân chài chuẩn bị quay về Bretagne.
Liền trong mười ngày sương mù dày đặc, chẳng nhìn thấy gì. Cuộc đánh bắt vẫn tốt nên mệt mà vui. Thỉnh thoảng một thủy thủ lại cầm tù và rúc một hồi nghe như tiếng gầm của một dã thú.
Đôi lần từ xa cũng có tiếng rúc đáp lại. Vậy là mọi người trên tàu phải chú ý lắng tai nghe những động tĩnh của người hàng xóm không quen biết, chẳng mấy khi thấy xuất hiện nhưng lại rất nguy hiểm ấy. Người ta phán đoán xem người hàng xóm ấy là ai, và cố giương mắt nhìn qua tấm màn trắng để xem có thấy bóng dáng anh ta.
Nhưng rồi tiếng rúc xa dần và tắt lịm. Họ lại chỉ còn lại một mình giữa không gian vô tận đầy hơi nước. Tất cả sũng nước nhỏ giọt mặn muối. Rét thấm vào người, mặt trời xuống chậm chạp. Đã có mấy đêm chỉ độ hai tiếng, nước đóng băng giá buốt.
Sáng nào cũng phải thả dây chì dò nước vì sợ thuyền mắc vào núi ngầm. Nhưng nối bao nhiêu dây cũng không tới đáy. Vậy là tàu đang ở giữa biển khơi.
Cuộc sống của thủy thủ lúc này vất vả đơn điệu. Nhưng tối đến, hết ca xuống ăn hoặc để ngủ, họ sát bên nhau, không khí trở nên đầm ấm.
Ban ngày họ lặng lẽ, ít nói. Họ đứng hàng giờ nguyên một chỗ, chỉ có hai tay làm việc. Người nọ chỉ cách người kia hai, ba mét mà như xa xôi lắm không thấy nhau.
Lớp sương mù và ánh sáng lờ mờ như ru ngủ họ. Vừa câu họ vừa rủ rỉ một điệu hát quê hương, không dám hát to sợ cá đi. Họ cũng có suy tư, nhưng suy tư một cách triền miên, đến đâu thì đến để khỏi có những khoảng thời gian trống rỗng, họ cũng mơ tưởng, nhưng toàn những chuyện không đầu không đuôi, những chuyện kỳ lạ, như trong giấc ngủ, lảng bảng như sương mù.
Tháng tám đầy sương mù thường là kết thúc mùa đánh bắt trên biển Islande. Sau mấy tháng sống trên biển, thủy thủ ai cũng tăng thêm sinh khí, ngực nở căng, người vạm vỡ, cơ bắp rắn chắc.
Yann đã lấy lại phong độ quen thuộc, như nỗi buồn không hề tác động đến mình, nhanh nhẹn, sôi nổi, đi đứng chững chạc, như không lo lắng gì, đầu cất cao, đàng hoàng, vô tư.
Chiều đến, ngồi vào bàn ăn, tay cầm con dao, anh nhoẻn miệng cười khi nghe những chuyện khôi hài của người chung quanh kể.
Thâm tâm, anh còn nghĩ đến cả Gaud, cô gái mà Sylvestre đã nhiều lần gán ghép cho anh, hiện giờ đang lâm vào cảnh túng thiếu, không nơi nương tựa. Anh cũng có nghĩ đến Sylvestre, lòng nặng trĩu đau buồn một cái tang phải rất lâu mới quên được.

*

Một buổi sáng, vào lúc ba giờ, trong khi thủy thủ đang mơ màng dưới mái che sương mù, thì bỗng có những tiếng nói nghe lạ tai từ đâu vọng đến. Mọi người hỏi nhau cái gì thế nhỉ? Ai nói vậy?
Không ai nói cả. Những tiếng nói ấy hình như từ không trung dội lại.
Người phụ trách thổi tù và từ hôm trước đến bây giờ nhãng quên, vội vơ lấy thổi một tiếng dài báo động.
Tiếng tù và cất lên giữa khoảng không yên tĩnh làm cho mọi người run sợ. Rồi ngay sau đấy có một vật xám xịt hiện hình như được tiếng tù và gọi đến. Vật hiện hình to lù lù, cao lêu lếu ngay trước mặt họ, hình một con tàu với cột buồm, gióng buồm, thừng chảo hiện ngay ra một lúc, như để hù dọa. Rồi lại cả hình người nữa, cúi xuống nhìn chòng chọc vào họ như có ý đe nẹt, khủng bố. Thủy thủ vội nắm lấy những bê chèo, những cột buồm, những cái móc, tất cả những cái vừa dài, vừa chắc, để đùn những con người hiện hình ra xa. Những người hiện hình lại cũng lấy những cây gậy to tướng đẩy những người trên thuyền.
Bỗng có tiếng đánh rắc ở gióng cột buồm, rồi cả cột buồm rời ra, và cả con thuyền hiện hình mềm, nhẹ, tách rời khỏi cánh buồm
Thủy thủ hai con thuyền cười phá lên. Họ đã nhận ra nhau. Con tàu hiện hình là thuyền Reine Berthe, thuyền trưởng là Larvoer, cũng ở Paimpol. Một thủy thủ có bộ râu đen, người to lớn tên là Kerjégou, quê ở Plondaniel; mấy người khác quê ở Plounes hoặc ở Plounérin, những làng quanh đấy.
“Sao các cậu không thổi tù và lên hả?” Larvoer thuyền Reine Berthe hỏi.
“Vậy sao các cậu cũng không thổi?” Guermeur thuyền Marie hỏi lại.
“Bọn mình khác, cấm không được làm ầm ĩ”.
Rồi hai thuyền quay ra nói chuyện với nhau, kể cho nhau nghe những tin tức mới nhận được từ bố mẹ vợ con gửi ra.
“Vợ mình báo tin mới đẻ thằng cu, - Kerjégou nói, - vậy là mười hai đứa”.
Một người khác kể vợ đẻ sinh đôi; người thứ ba kể về đám cưới cô Jannie Caroff một cô gái xinh đẹp nhiều người Islande biết tiếng lấy một ông già nhà giàu tàn tật ở làng Plourivo.
Cuộc nói chuyện cũng làm thay đổi không khí xa vắng và tù túng một lúc.
Trong khi đó, Yann không rời mắt khỏi một dân chài người bé nhỏ đã có tuổi mà anh chưa gặp bao giờ ở đâu. Người ấy nhìn anh và chào trước, giọng rất thân mật “Chào anh Yann” mắt nháy nháy như mắt khỉ.
“Tôi còn được tin, - Larvoer nói thêm, - thằng cháu nội bà già Yvonne Moan đi lính bị tử trận ở Trung Quốc trên một chiến hạm; thật đáng tiếc!”
Nghe vậy, tất cả thủy thủ trên tàu Marie nhìn Yann xem anh đã biết tin ấy chưa.
“Vâng, - Yann khẽ nói, giọng dửng dưng, - thư bố tôi gửi vừa rồi có nói”.
Mọi người nhìn anh xem anh có buồn không. Yann thấy khó chịu.
Câu chuyện qua lại vội vàng trong cuộc gặp gỡ không ngờ.
Larvoer còn nói vợ anh ta cho biết con gái ông Mével đã dọn đến ở trông nom bà Moan, bây giờ cô ấy phải đi làm thuê để có cái sinh nhai. Tôi thấy cô ấy là người tốt, chịu khó tuy bề ngoài trông như một tiểu thư.
Mọi người lại nhìn Yan làm anh bực và đỏ mặt lên.
Cuộc trò chuyện giữa hai con tàu kết thúc ở đây và cũng từ đây chẳng ai còn trông thấy con tàu Reine Berthe nữa. Chỉ một loáng nét mặt các thủy thủ mờ đi, con tàu Reine Berthe cũng biến đâu mất, cột buồm, gióng buồm, sào, chèo, như rơi ùm xuống biển. Con tàu Reine Berthe lẫn vào trong sương mù, biến ngay tức khắc. Thủy thủ tàu Marie đã gào lên gọi, nhưng không hề có một tiếng trả lời, ngoài một tiếng ồ to kéo dài vẻ chế giễu, làm mọi người ngạc nhiên.
Con tàu Reine Berthe ấy không trở về với các con tàu khác. Người ta đã nhìn thấy một mảng của con tàu ấy trôi dạt vào một vịnh nước. Và tên các thủy thủ của con tàu ấy đã được khắc lên một tấm biển đen đóng trên tường nhà thờ.
Thế mà từ lần gặp con tàu ấy đến khi về, tàu Marie không thấy có trận bão nào cả. Chỉ trước đấy ba tuần thì có một cơn gió xoáy đã làm chìm nhiều tàu và nhiều thủy thủ. Người ta đã nhớ lại nụ cười của Larvoer lúc nói chuyện rồi khớp các chi tiết lại để phán đoán. Yann cũng nhớ lại cái nheo mắt giống như kiểu khỉ của người thủy thủ loắt choắt đêm ấy. Những người trên tàu Marie tự hỏi có phải sáng hôm ấy họ đã trò chuyện với ma hiện hình không.

*

Mùa hè đã qua. Cuối tháng tám, cùng với những đợt sương sớm đầu tiên, dân chài biển Islande đã quay về.
Đã ba tháng nay, hai người phụ nữ cô đơn dọn về xóm Ploubazlace ở với nhau tại căn lều gia đình Moan. Gaud đóng vai trò là con gái trong cái tổ nghèo của những người đã quá cố. Cô đã đem đến đây tất cả những gì còn lại để sau khi bán ngôi nhà của cha mình, một chiếc giường xinh đẹp đóng theo kiểu giường thành phố, những chiếc váy hoa. Cô tự may lấy một áo dài đen kiểu giản dị và một cái mũ tang giống như mũ bà cụ Yvonne, bằng vải dầy có xếp nếp.
Ngày nào cô gái cũng ra thành phố khâu vá cho các nhà giàu mãi khuya mới về, không tha thẩn dọc đường, vẫn giữ đứng đắn và được kính nể, các chàng trai gặp cô vẫn chào hỏi lễ độ.
Vào những buổi chiều mùa he, cô theo đường vách núi để về nhà, thở không khí trong lành của biển cả cho thân thể khỏe mạnh. Làm công việc kim chỉ cứ phải cắm cúi. Trên đường về, cô nhìn ra biển để vóc người thanh mảnh đứng thẳng trở lại, cô nhìn ra biển cũng còn vì nơi ấy có Yan…
Đường ấy cũng lại là đường về nhà Yann. Cứ đường ấy mà đi qua khu vực có núi đá quanh năm gió lộng sẽ đến xóm Pors-Even. Cô chưa bao giờ trở lại xóm ấy mặc dầu chỉ cách không đầy một dặm; nhưng chỉ một lần đi qua cũng đã đủ để lại một sự quyến luyến mãi mãi, hơn nữa Yann thường hay qua đây, từ cửa nhìn ra cô có thể dõi theo lúc anh đi hay về, giữa những lùm cây kim tước.
Cô yêu quí cả khu vực Ploubazlance này, “mong sao lại lưu lạc đến đây để được hưởng hạnh phúc. Không đâu có được cuộc sống thế này”, cô gái vừa đi vừa nghĩ một mình như thế.
Vào dịp cuối tháng Tám này, nhiều tối sáng trời, những tia nắng chiếu hắt lên làm cho mặt biển Brelagne rực lên. Không khí trong lành, không một gợn mây.
Vào lúc Gaud trên đường về, mọi vật như đã tụ hội ở đây để đón chào người khách bộ hành quen thuộc. Đây là một chùm kim tước mọc trong hẻm núi, đung đưa những bông vàng óng; kia là mấy thân cây từ một hốc đá vươn rộng cành từ xa đã vẫy gọi. Xa hơn là những mái khum của các căn nhà mái rạ rải rác trên một trảng rộng. Ở các ngã tư, những tượng thánh dựng đấy từ bao giờ, dang đôi cánh tay như sẵn sàng che chở. Ngoài kia, biển Manche như một tấm gương lớn phản chiếu ánh chiều từ xa rọi lại. Song trong lòng Gaud vẫn rộn lên nỗi bồn chồn từ phía biển làm cô chẳng mấy yên tâm.
Gaud cứ vừa đi vừa suy nghĩ nên chẳng thấy đường dài. Gió mặn mòi từ biển thổi vào, mùi thơm dịu của những loại hoa mọc trong vách núi giữa những bụi gai, nhiều lúc làm cô ngây ngất. Giá không có bà Yvonne đang đợi ở nhà thì cô sẽ tha thẩn trên con đường hai bên trông kim tước như kiểu các tiểu thư thường đủng đỉnh mộng mơ trong công viên.
Đi trên quãng đường này, cô thường nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu. Nhưng đương yêu nên những kỷ niệm ấy chỉ mờ nhạt, tâm hồn cô lúc này còn để vào con người đang trải qua những ngày tháng ngoài biển khơi. Cô vẫn coi Yann như một người chồng chưa cưới luôn luôn muốn chạy trốn khỏi tầm tay của cô, nhưng cô thì vẫn chung thủy, không chịu để mất về tay ai.
Rồi một hôm nào đó anh ấy sẽ về để đến chia buồn với bà việc Sylvestre qua đời. Tình cảnh mới nảy sinh này sẽ làm cho cô và anh ấy nhích lại gần nhau hơn. Hôm ấy cô sẽ có mặt, sẽ gặp, nói với nhau như hai người vốn quen biết từ lâu. Cô tỏ ra thân thiện như với một người anh của Sylvestre. Biết đâu, phải, biết đâu anh ấy chẳng coi cô như một người em gái, giữa lúc cô không còn ai để nương tựa trên đời này. Anh ấy bướng bỉnh, cục cằn nhưng hiền lành, thực thà, biết hiểu lẽ phải.
Anh ấy sẽ nghĩ gì khi thấy cô sống nghèo trong mái tranh điêu tàn này?... Rất nghèo, vì bà Moan không còn đủ sức để ngày ngày đi giặt thuê, chỉ sống vào đồng tiền tuất ít ỏi. Nhưng hai người vẫn còn có thể thu xếp để tự túc, không phải xin ai.
Bao giờ Gaud về đến nhà trời cũng đã tối. Căn lều của hai bà cháu mái võng xuống như lưng một con ngựa già trĩu xuống dưới lớp da gầy guộc. Tường nhà lâu ngày nham nhở, cây cỏ mọc đầy các hốc. Bước lên ba bậc thềm, Gaud cầm chiếc dây kéo then cửa. Trong nhà một bếp lửa bập bùng tỏa mùi gỗ thông từ các cành củi đang cháy do bà lão nhặt trên đường đem về phơi khô nấu dần. Bà đang ngồi coi nồi cháo, bà bịt một chiếc khăn để giữ cho tóc khỏi xõa. Thấy Gaud về, bà ngẩng lên hỏi:
“Trời! Sao hôm nay cháu về muộn thế?”
“Vẫn như mọi khi đấy bà ạ!”
“Bà cứ tưởng như muộn hơn”.
Hai bà cháu ngồi ăn quanh một cái bàn cũ lâu ngày, ván đã long, chân dệu dạo. Rìa vách đàn dế ri rỉ điệu nhạc buồn.
Góc nhà là một cái tủ gỗ mộc, nhiều chỗ mọt đục thủng, bên trong là những ngăn xộc xệch. Cạnh tủ là một cái giường đóng kiểu đã lâu, nơi bà cụ nằm bây giờ và cũng là nơi mà nhiều thế hệ trong gia đình bà đã hoài thai, sinh ra, lớn lên ở đây và nhiều bà mẹ đã qua đời tại đấy.
Trên xà nhà treo lủng lẳng những đồ dùng nấu ăn, những gói măng, những miếng thịt hun khói, cả những tấm lưới cũ từ hai người con trai cuối cùng chết sau vụ đắm thuyền để lại, cũng còn vắt lên đấy, đêm đến chuột kéo nhau lại tìm ăn cắn rách nhiều chỗ.
Chiếc giường của Gaud với rèm thêu trắng tinh đặt ở một góc là vật sanh nhất, lịch sự nhất trong túp lều này.
Một tấm anh của Sylvestre mặc bộ lính thủy đặt trong khung treo trên bức tường đá granit. Bà cụ cũng mắc vào đấy tấm huân chương chiến công của Sylvestre và đôi mỏ neo bằng dạ đỏ lính thủy thường đeo ở tay áo bên phải. Gaud cũng mua ở Paimpol một vòng hoa tang để quấn chung quanh khung ảnh. Đấy là phần mộ của Sylvestre để tưởng niệm nó ở xứ Bretagne, quê hương nó…
Những tối mùa hè, hai bà cháu đi ngủ sớm để tiết kiệm đồ thắp sáng; hôm nào đẹp trời bà cháu ra chiếc ghế đá trước cửa ngồi, nhìn người qua lại trên mặt đường.
Ngồi một lúc, bà vào chiếc giường kiêm tủ nằm, còn Gaud thì vào chiếc giường có rèm thêu; ban ngày làm việc nhiều, đi về xa, rồi lại nghĩ đến những người còn đương ngoài bể Islande, cô cũng thiu thiu ngủ liền.

*

Rồi một hôm ở Paimpol có tin đồn tàu Marie vừa ở ngoài khơi về. Nghe tin này Gaud như người sốt rét, vội thu xếp công việc đề về sớm hơn mọi ngày. Giữa đường từ xa cô đã nhận ra Yann đang đi tới.
Hai chân cô run lên, như muốn khuỵu xuống. Yann hiện ra trước mặt cô, vóc dáng lừng lững, mái tóc chụp dưới chiếc mũ thủy thủ xoăn tít. Cô bị bất ngờ, người lảo đảo. Yann cũng kịp nhận thấy, làm cô xấu hổ, giá có cái lỗ nẻ nào thì đã chui xuống. Yann cũng chững lại như muốn rẽ sang đường khác. Nhưng muộn rồi, và hai người đã gặp nhau trên quãng đường hẹp.
Yann vội nhảy lánh sang bên đường như con ngựa sợ bóng tối và liếc nhìn trộm cô gái.
Gaud cũng liếc nhìn anh với đôi mắt khẩn cầu, mặt đỏ ửng, trong người như rực lửa.
Yann cất tiếng trước: “Chào cô Gaud”.
“Chào anh Yann”, cô gái trả lời.
Chỉ thế thôi, rồi Yann đi khỏi. Cô gái cũng tiếp bước về nhà mình, người vẫn còn run. Về đến nhà, Gaud thấy bà cụ Moan đang ngồi một góc hai tay ôm đầu, miệng khóc hỉ hỉ, như đứa trẻ. Thấy Gaud bước vào, bà nói ngay:
“Gaud đã về đấy à, cháu? Bà vừa gặp con trai ông Gaos ở Plouherzel lúc bà đi nhặt củi. Bà đã nói chuyện với nó. Nó mới ở Islande về trưa nay; đến thăm bà. Tội nghiệp nó vừa nói vừa khóc. Nó theo bà về đến nhà mang hộ bà bó củi”.
Gaud nghe bà nói, lòng ngao ngán. Vậy là hết, cô gái than thở, anh ấy đã đến đây rồi. Bao nhiêu chuyện mình muốn nói với anh ấy chẳng còn nói vào lúc nào được nữa. Thế là hết.
Túp lều trở nên buồn chán thêm, nỗi nghèo nàn gay gắt thêm, quang cảnh trống vắng thêm… cô gái cúi gằm mặt bước về giường mình, lòng rã rượi.

*

Mùa đông dần đến. Da trời như tấm khăn liệm đang từ từ buông xuống. Ngày nọ nối tiếp ngày kia, một màu ảm đạm. Yann vẫn không trở lại. Hai người phụ nữ vẫn sống cô quạnh.
Trời càng giá lạnh, cuộc sống của hai người càng gay gắt.
Bà Yvonne cũng ngày càng trở nên khó tính, khó chiều. Lúc nào bà cũng cau có, bẳn gắt, luôn miệng chửi bới rủa xả. Chẳng có gì cũng nổi nóng.
Tội nghiệp bà lão! Trước đây hiền dịu là thế mà nay lại vậy. Bà có những câu nói rất độc ác, rất chua ngoa, như cất kín một nơi, bây giờ mới moi ra.
Nhiều lúc bà còn nghêu ngao hát, nghe rất ghê, nguyên những câu hát xỏ xiên bà nghe được từ ngày xưa ở bến cảng do thủy thủ hát tếu trêu chòng con gái, bà lắc lư cái đầu, dậm dập bàn chân.
Đang hát, bà dừng phắt lại, mắt mở nháo, như ngọn đèn bùng lên khi sắp lụi. Rồi bà gục mặt xuống, rệu rã, hàm dưới trễ xuống như người sắp chết.
Bà cũng không còn biết giữ sạch sẽ như trước, nhiều lúc nhếch nhác đến kinh người. “Sylvestre ơi! Sylvestre! - Bà gọi Gaud là Sylvestre và nói: - Trước đây bà có bao nhiêu là con cháu, mà bây giờ…”
Bà nói và giơ hai tay lên trời vung vẫy, vẻ vô tư, ngang tàng…
Nhưng hôm sau bà lại nhớ ra, ngồi khóc sướt mướt kể chuyện về Sylvestre.
Bà cứ lúc tỉnh lúc mê như vậy.
Những tối mùa đông, hết củi sưởi, phải ngồi làm những việc đem về làm thêm. Gaud thấy tay lạnh cóng. Còn bà Yvonne thì hơ chân lên những hòn than đang lụi. Có lúc bà bảo Gaud: “Sao cháu không nói chuyện đi. Ngày xưa bằng tuổi cháu, bà hay nói chuyện lắm. Nói đi cho đỡ buồn, cháu”.
Vậy là Gaud kể những chuyện cô gặp ở ngoài thành phố hoặc những người cô gặp lúc đi đường, kể những chuyện nhạt nhẽo chẳng liên quan gì đến hai người. Rồi khi thấy bà lão thiu thiu ngủ thì cô ngừng kể.
Cô thấy cuộc sống vô vị quá. Tuổi xuân của cô cũng héo mòn, tàn lụi dần.
Gió biển thổi qua khe cửa làm ngọn đèn chập chờn, tiếng sóng biển vọng lại mênh mang; nghe gió thổi và sóng biển gầm, cô lại nhớ đến Yann, nhớ đến não lòng.
Bà lão ngủ rồi, còn lại một mình, Gaud thấy sợ hãi. Cô nghĩ đến những người đã sống ở mái tranh này, nằm trong cái giường kiêm tủ kia, đã chết trong biển cả vào những đêm giống như đêm nay, cô sợ hãi khi nghĩ rằng hồn họ về đây, chỉ có một mình bà lão lọm khọm lấy ai che chở cho mình.
Bỗng cô gái rùng mình, cô nghe thấy từ trong xó nhà vọng ra tiếng hát rủ rỉ, buồn buồn như từ dưới đất vọng lên.
Chồng tôi ra đi
Để tôi ở nhà một mình
Không tiền, không gạo…
Cô gái sợ quá, run cầm cập.
Đấy là tiếng bà già ngủ mê hát lên. Cô gái sợ hãi quá thấy mình đang sống với một người điên. Mưa vẫn rơi rả rích. Phía ngoài tường, nước chảy long tong như từ một vòi nước. Trong nhà những ống máng thủng, nước tràn ra mọi chỗ, làm thành rãnh trên nền nhà.
Những tối chủ nhật là những tối buồn nhất đối với Gaud. Những tối ấy bao giờ cũng có những căn hộ cửa đóng kín mít, từ trong vọng ra những tiếng hát. Nơi đây là chỗ tụ tập của những chàng trai ngư phủ để nhậu nhẹt. Có người chỉ đôi ba chén, nhưng bọn trẻ thì uống đến say mềm, rồi đua nhau hát hò đến vỡ nhà. Ngay cạnh họ là biển cả, là mồ chôn của nhiều ngư phủ, và có thể của chính bọn họ.
Đôi khi nhóm trai ấy đi ngang qua nhà bà Moan. Họ là người xóm Pors Even. Họ về khuya lắm, trong tay vẫn cặp kè với gái, chẳng sợ mưa gió bão bùng. Gaud chú ý nghe bọn họ hát, xem có thấy tiếng Yann. Cũng có lúc Gaud nghe như có cả tiếng của anh và sinh ra ngờ vực.
Đã lâu chẳng thấy anh quay lại, lại đàn đúm vui chơi lúc Sylvestre vừa qua đời. Thật khó hiểu, nhưng cô không thể rứt bỏ anh được, cũng không tin rằng anh lại vô tâm đến thế.
Song cũng có điều lam cô e ngại. Từ ngày ở Islande về cô thấy Yann như có vẻ phóng đãng. Thỉnh thoảng lại đi Gascogne một chuyến. Đây là lúc các chàng trai ngư phủ được lương trước nên có điều kiện chơi bời.
Năm nào cũng cứ dịp này họ ra Saint Marin xin làm muối. Yann cũng cặp với một cô gái. Họ đi dạo với nhau, hát với nhau, vui đùa với nhau trong các ruộng nho chín không khí đượm mùi hương ngào ngạt. Rồi họ khiêu vũ, uống rượu đến say khướt.
Tàu Marie còn xuống cả Bordeaux và cũng ở lại đấy hàng tuần, vui chơi, nhậu nhẹt, hát xướng nhảy nhót.
Lúc quay về Bretagne, Yann lại đi dự đám cưới của nhiều bạn bè, làm phù rể, ăn mặc đẹp, nhiều cô gái nhòm ngó, các cô còn về kể chuyện lại cho Gaud nghe.
Ba bốn lần cô còn nhìn thấy Yann từ đằng xa dọc đường Ploubazlance, nhưng Yann đã nhanh rẽ đường khác, Gaud cũng tránh không gặp, y như hai người đã thỏa thuận ngầm với nhau vậy.

*

Ở Paimpol có một bà to người tên là Tressoleur. Bà có một quán rượu đặt trên đường đi ra cảng; các thuyền trưởng thường đến để tuyển thủy thủ tại đây. Xưa bà là một cô gái xinh đẹp, nhiều chàng trai theo đuổi. Bây giờ tự nhiên bà có ria mép, hai vai rộng như đàn ông, nói năng táo bạo. Trên đầu lúc nào cũng có cái mũ trắng rộng vành như một nhà tu hành. Trong đầu bà như có một danh bạ ghi tên tất cả thủy thủ người địa phương. Bà biết ai tốt, ai xấu, lương bổng nhiều ít thế nào.
Một ngày tháng giêng, Gaud được bà Tressoleur tìm đến nhà bảo may cho bà một tấm áo dài. Cô ngồi khâu trong một căn phòng ngay đằng sau chỗ khách ngồi uống rượu.
Trong lúc ngồi khâu, Gaud đã nghe khách hàng bàn về một con tàu mới đóng mang tên Léopoldine. Có người nói con tàu ấy chưa đi chuyến này đâu. Với vẻ thành thạo bà chủ quán nói: “Đi chứ! Đã tuyển thủy thủ rồi. Toàn bộ thủy thủ tàu Marie sang đấy cả. Họ đã ký hợp đồng rồi. Có năm người cả thủy thủ: Laumee, Caroff, Yvonne, Keraes, và Yann, một thanh niên to lớn khỏe gấp ba người khác.
Tên con tàu đã như khắc sâu vào trí nhớ của Gaud. Léopoldine. Buổi tối về nhà ngồi khâu tiếp chiếc áo cho bà chủ quán rượu, Gaud lại nghĩ ngay đến tên con tàu mới đóng ấy, con tàu mà sắp tới Yann sẽ xuống làm thủy thủ, cái tên Léopoldine cứ như ám ảnh tâm trí cô gái, không sao quên được. Cô vẫn yên trí là Yann sẽ lại xuống tàu Marie làm như trước. Con tàu này cô đã có lần xuống, đã quen, đã nhìn thấy ở đấy bức tượng Đức mẹ bằng gốm, hai bên treo hai bó hoa giả và là thần hộ mệnh của thủy thủ. Sự thay đổi chỗ làm việc của Yann làm cho Gaud lo ngại.
Nhưng rồi cô nghĩ chuyện đó có liên quan gì đến cô. Yann làm ở tàu này hay tàu kia, anh đi hay anh về có ảnh hưởng gì đến cô. Mùa hạ đưa anh đi, mùa thu đưa anh về, cái đó có làm cho cuộc sống của hai người phụ nữ nghèo túng và cô quạnh này khổ nhiều thêm hay khổ ít đi đâu. Đằng nào cũng thế thôi, chẳng khác gì, không vui vẻ gì cũng chẳng hy vọng gì. Giữa hai người với nhau chẳng còn quan hệ gì. Cả đến Sylvestre, anh ấy cũng chẳng còn nhớ nữa là…
Tất cả chỉ là mơ tưởng, hão huyền. Phải dứt bỏ ngay với Yann, không nghĩ gì đến anh ấy và tất cả những gì liên quan đến anh ấy. Phải xua đuổi, phải rũ bỏ bằng hết. Hết! Hết!
Cô nhìn bà già tội nghiệp biết răng, bà chẳng còn sống được bao lâu nữa. Bà chết rồi thì mình còn sống làm gì nữa, còn làm việc để làm gì nữa? Làm để làm gì chứ?
Bên ngoài, gió tây đã nổi lên, những ống máng trên mái nhà lại phun nước. Tiếng rỉ rả buồn buồn kéo dài suốt đêm, những giọt nước mắt của cô tuôn ra, hòa nhịp với những dòng nước từ ống máng, những giọt nước mắt mằn mặn lăn qua môi, nhỏ thánh thót trên tấm áo đang khâu. Mắt nhòa đi chẳng còn nhìn rõ những mũi kim, cô gấp tấm áo lại, đi ngủ.
Trên chiếc giường kiểu thành phố, cô thở dài, thấy mọi vật chung quanh lạnh ngắt. Rồi cố gắng nhắm mắt cố ngủ đi.
Nhiều tuần lễ u ám đã trôi qua. Những ngày đầu tháng Hai đến, trời đẹp.
Yann từ nhà thuyền trưởng ra. Anh đến nhận lương của vụ đánh bắt vừa qua, được một nghìn năm trăm francs đem về cho mẹ. Thu hoạch trong năm như vậy là phong phú, Yann phấn khởi ra về.
Gần đến Ploubazlance anh thấy một đám đông tụ tập cạnh đường. Một bà già đang huơ chiếc gậy, chung quanh là bọn trẻ reo cười… Bà già ấy là bà Moan, bà của Sylvestre. Bà trông tiều tụy, rách rưới, luôn bị bọn trẻ trêu chọc. Chúng đã đánh chết con mèo của bà, bà giận lắm, đe đánh. Bà lẩm bẩm: “Nếu con tao có mặt ở đây chúng mày đố dám láo hỗn như thế…”
Bà đuổi theo bọn trẻ để đánh rồi vấp ngã, chiếc mũ rơi xuống đất, áo dính bùn. Chúng bảo bà say rượu.
Yann biết là chúng nói láo. Bà có uống rượu bao giờ. Anh cũng bực và quát: “Chúng mày mất dạy. Sao trêu bà già?”
Nghe tiếng anh quát, bọn trẻ bỏ chạy tán loạn.
Vừa lúc ấy Gaud cũng đi làm ở Paimpol về. Từ xa cô đã nhận ra bà cụ, đang đứng giữa bọn trẻ con, cô sợ hãi chạy mau lại xem có chuyện gì. Khi nhìn thấy con mèo bị đánh chết, cô hiểu ra.
Gaud ngước nhìn Yann. Anh cũng nhìn cô. Lần này họ không có ý định lẩn tránh nhau. Cả hai cùng đỏ mặt, họ nhìn nhau dịu dàng và cùng tỏ ra thương hại bà lão!
Đã từ lâu bọn trẻ con ghét con mèo, chúng thấy nó đen ngòm, ghê sợ. Nhưng thực ra con mèo rất đẹp, rất hay. Vậy mà chúng lấy đá ném lòi mắt ra. Bà lão cầm đuôi lôi con mèo đi, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Thằng cháu tao mà còn sống thì đố chúng mày dám láo”.
Bà nói và khóc, nước mắt lăn trên hai má răn reo; đường gân xanh nổi phồng trên mu bàn tay.
Gaud nhặt mũ đội lại cho bà, an ủi bà bằng những lời dịu dàng. Yann cũng bực. Anh nói như quát: “Bọn ranh con chứ! Dám trêu chọc bà lão!” và nước mắt anh cũng tự nhiên chảy ra.
Thấy quần áo bà lão nhem nhuốc, Gaud nói như thanh minh: “Bà ngã nên lấm cả; áo bà cũng cũ rồi, chẳng có tiền mà may cho bà áo khác, anh Yann ạ. Hôm qua tôi cũng đã vá lại cho bà, sáng nay lúc tôi đi, áo bà còn lành kia đấy”.
Yann nhìn Gaud, nghe câu nói thật thà của cô mà thấy xúc động. Hai người đi bên nhau về mãi đến nhà bà lão. Yann vẫn biết Gaud từ lâu, một cô gái xinh đẹp nhất vùng. Lần này đi sát bên cô, được nhìn tận mắt, anh lại càng thấy cô rực rỡ. Với cái tuổi hăm ba, Gaud thật xinh đẹp, như bông hoa đang thời nở rộ.
Bây giờ cô ăn mặc kiểu con gái nhà chài lưới! Áo dài đen giản dị, không trang điểm, một chiếc mũ phẳng. Tuy vậy ở cô vẫn có dáng một tiểu thư, dáng vẻ ấy rất tự nhiên, không phô trương. Chỉ riêng chiếc áo lót mặc sát người làm rõ bộ ngực nở nang, là khác với những người khác. Nhưng đây vốn là kiểu ăn mặc từ xưa không có gì mới lạ.
Yann đã đưa bà lão và Gaud về đến tận nhà.
Ba người đi y như là để đưa ma con mèo chết. Bà Yvonne đi giữa, tay xách con mèo, Gaud đi bên phải, vẻ bối rối, mắt đỏ lự Yann đi bên trái, đầu cao vượt lên, nét mặt ưu tư. Người hai bên đường trông thấy vậy buồn cười.
Bà lão dần dần nguôi đi; bà đội lại mũ, không nói gì, lần lượt nhìn hai người. Có vẻ như bà đã tỉnh táo trở lại.
Gaud cũng không dám nói gì, nói chỉ sợ nhân đấy Yann lại xin cáo lui. Cô thích cứ đi đủng đỉnh như thế, mắt khép hờ bước một cạnh anh chẳng nhìn ngó gì, vừa đi vừa mơ màng dưới đôi mắt hiền lành của anh, hơn là đi cho mau về đến căn nhà buồn tẻ, trống rỗng, tăm tối, mọi vật đang điêu tàn.
Về đến cửa, một phút do dự như tim ngừng đập. Bà lão bước vào nhà không quay mặt lại, Gaud thì lưỡng lự còn Yann ở phía sau cũng bước vào.
Đây là lần đầu tiên anh đến nhà hai bà cháu. Bước qua ngưỡng cửa, anh đưa tay lên nhấc mũ. Bỗng nhìn thấy tấm ảnh của Sylvestre Yann bước lại gần như bước lại nầm mồ. Gaud thì vẫn đứng chống hai tay lên bàn.
Yann nhìn quanh một lượt. Gaud đứng theo dõi biết là anh đang quan sát cảnh nghèo túng của hai người. Mà nghèo túng thật, tuy có sắp xếp cho đỡ  bộn bề. Căn nhà của hai người phụ nữ cô đơn, tìm đến với nhau. Thấy cô gái bỗng dưng trở nên nghèo túng, đến ở túp lều tồi tàn, có lẽ anh động lòng trắc ẩn. Ngoài chiếc giường cô gái còn giữ được, Gaud chẳng có chút tài sản gì đáng kể. Bất giác anh chăm chú nhìn chiếc giường.
Lúc này bà lão giả vờ như không để ý gì đến hai người, cứ mặc kệ họ.
Hai người vẫn đứng trước mặt nhau, im lặng, suy tư. Cuối cùng họ nhìn nhau như muốn thổ lộ một điều gì hệ trọng.
Giây phút trôi qua, sự yên lặng như làm hai người băng giá đi. Họ vẫn nhìn nhau như chờ đợi một cái gì linh thiêng muộn đến.
Bỗng Yann cất tiếng hỏi:
“Cô Gaud, cô có còn muốn…”
Yann ngừng lại như đề tìm lời và nói tiếp:
“Nếu cô vẫn muốn… Vụ đánh bắt năm nay bán được nhiều tiền, tôi đang còn một số…”
“Nếu cô còn muốn? Anh ấy hỏi thế nào nhỉ?”
Tuy vậy Gaud đã hiểu.
Bà Yvonne vẫn đứng góc nhà, chú ý lắng nghe hai người, bà thấy hạnh phúc đang đến gần họ. Yann nói tiếp:
“Chúng ta tổ chức đám cưới, nếu cô vẫn muốn, cô Gaud ạ…” … Yann chờ đợi câu trả lời. Anh sốt ruột.
“Trả lời đi chứ, Gaud”. Bà Yvonne đứng lên, lại gần hai người, giục cô cháu gái “Nó bất ngờ đấy, anh Yann ạ. Thứ lỗi cho nó. Để nó suy nghĩ và tý nữa trả lời… Anh hãy ngồi xuống đây. Uống cốc rượu táo với chúng tôi đã…”
Gaud không trả lời. Trong lúc ngây ngất lời lẽ của cô bay biến đâu cả. Như vậy ra Yann vẫn là một người tốt, vẫn là người có tâm hồn, vẫn như cô đã nhận định từ trước. Hai năm qua, anh ấy đã tỏ ra rẻ rúm, giờ đây anh ấy chấp nhận. Chắc hẳn có lý do, nhưng ta sẽ hỏi sau. Bây giờ không phải là lúc. Cô nhìn Yann bằng đôi mắt sâu thẳm của mình để nói lên lòng tôn thờ sùng bái đối với anh. Rồi hai hàng nước mắt ròng ròng trên má cô…
“Chúa phù hộ các con” bà Moan nói. “Ta cảm ơn Chúa đã cho ta nhìn thấy các con hạnh phúc trước khi ta nhắm mắt”.
Họ vẫn đứng đấy, tay nắm tay im lặng.
“Ôm hôn nhau đi, các con! Sao chẳng nói năng gì? Gaud con, nói với anh ấy một câu gì đi chứ!”
Yann bỏ mũ ra, cúi xuống ôm hôn Gaud, một cái hôn nồng thắm chưa hề có trong đời anh.
Gaud cũng ôm hôn Yann, dán chặt đôi môi vào má anh, cái má đã bao năm nước gió của biển khơi đã làm đỏ rực. Trong ngách tường một con dế vang lên lời chúc hạnh phúc, còn tấm ảnh của Sylvestre trong vành hoa tang như cũng mỉm cười. Cả gian phòng âm u như có sinh khí hẳn lên cả ánh hoàng hôn lọt qua ô cửa nhỏ lúc ấy cũng như tưng bừng nhảy múa reo vui.
“Đi Islande về thì cưới à các con?” Bà lão hỏi.
Gaud cúi đầu không nói, chỉ lẩm nhẩm một mình: Đi Islande về! Đi Islande về! Lâu quá! Lại phải cả một mùa hè đằng đẵng đợi chờ. Yann cũng cảm thấy như vậy thật. Anh đập đập bàn chân trên đất, nhẩm tính xem có thể tổ chức đám cưới trước khi ra khơi được không. Anh tính hết bằng này thời gian để làm thủ tục giấy tờ, bằng này thời gian nghỉ lễ. Như vậy, phải đến hai mươi hay hai mươi lăm mới xong, cũng còn được cả một tuần ở nhà.
Cuối cùng anh nói như kết luận: “Tôi sẽ về báo với bố mẹ ngay”. Thời gian của anh lúc này quý giá, phải tính từng giây.