Ở đời những chuyện thật thì ít ai tìm hiểu và tin, nhưng mấy chuyện bịa đặt, cố ý xuyên tạc sự thật thì nhiều người lại tin là có thật. Như dư đảng của Hồng Bảo, Đoàn Trưng ( “Giặc chày vôi” âm mưa đảo chính vua Tự Đức ) đối với lớp quần chúng bên ngoài còn dựng chuyện bảo vua Tự Đức không phải con bà Từ Dụ mà chính là con Trương Đăng Quế tráo. Trương Đăng Quế là một đại thần dưới trào vua Thiệu Trị, ông này có ngôi mộ tổ để vào miệng con cóc, một thầy địa lý đến xem thấy hình dáng miếng đất như con cóc đang lội dưới nước, tấm tắc khen và phán: “Thiềm thử quá hải nhật đại vị vương”, tức ngôi mộ ấy sẽ phát vua một đời. Đắc địa sinh nhân, do đó bà vợ ông với bà Từ Dụ đã cùng có thai và sinh con trong một đêm. Bà Từ Dụ sinh con gái, bà Trương Đăng Quế sinh con trai, nên ông Quế đã ma le đút tiền cho các cung nhân để tráo vào cho con mình sau này làm vua. Cũng bởi thế mà vua Tự Đức mới thành một ông vua không có con cái. Ngoài ra, họ còn tuyên truyền bảo Trương Đăng Quế dám làm cái việc động trời không sợ tru di tam tộc, ấy là bởi ông ta trong lúc ra vào yết kiến vua Thiệu Trị đã cùng bà thầm lén tư thông. Câu chuyện bịa đặt này, thiên hạ cả tin, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng vẫn còn người kể lại. Chớ có biết đâu chỉ là câu chuyện dựng đứng. Chứng cớ bà Từ Dụ sinh vua Tự Đức khi bà mới 17 tuổi đầu, lúc ấy vua Thiệu Trị mới được phong Đông cung Thái tử, giữa nhà vua và đại thần Trương Đăng Quế chưa có liên hệ gì. Tiện đây đứng về mặt sử học, kẻ viết bài này cũng xin đính chính và thanh minh cho bà. Trở lại vấn đề ngôi mộ đã phát sinh ra Từ Dụ Thái hậu. Lời thầy địa lý chẳng những nói đúng về con người được phát mà còn đúng cả về những lời dặn bảo: “Khi nào ở gò có xuất hiện điềm gì không hay thì chỉ nên an phận thủ thường, chớ đừng ham gì phú quý công danh nữa”. Sau là khi bà Từ Dụ sinh ra thì đất giồng ở Sơn Quy ngày thấy có phần cao thêm và cây cối gò này cũng ngày một tốt tươi hơn. Rồi khi bà trở thành một mẫu nghi thiên hạ, bộ mặt gò này lại được trang điểm bằng những nét nguy nga lộng lẫy, trước hết là các ngôi mộ nhà họ Phạm được xây lại bằng đá ô dước, kế là một ngôi đền thờ lớn 5 gian cất bằng danh mộc trạm trổ và son sơn thiếp vàng để thờ tổ tiên thuộc bên ngoại nhà vua. Gia đình họ Phạm ở Gò Công lúc ấy là gia đình thế lực bậc nhất ở trong Nam. Người dân Gò Công cũng là người dân thế lực với những ơn huệ mưa móc của đức bà Thái hậu và Hoàng đế ban cho. Đất Gò Công đang hồi thịnh vượng, cây cối gò Sơn Quy đang tươi tốt xum xuê thì bỗng héo đi vào khoảng đầu năm Kỷ Mùi, dương lịch 1859. Cũng vào dịp này nước giếng ở giồng này lại mặn như nước biển đến luôn 3 ngày trời. Dân địa phương lấy làm quái lạ không biết vì lý do gì thì ra điềm này là điềm báo trước Gò Công không còn an khang thịnh vượng nữa, sẽ trở thành một bãi chiến trường rùng rợn với những cảnh xương rơi máu đổ, cửa nát nhà tan do bọn thực dân Pháp và bè lũ gây ra. Trong bản Hòa ước giữa triều đình Huế và Pháp ký tại Sài Gòn ngày 15-3-1874, có điều khoản bảo vệ cho các ngôi mộ nhà họ Phạm ở Sơn Quy là không ai được động phạm đào xới, cải táng hay phá hủy, đồng thời được cấp 100 mẫu ruộng để làm phần cúng tế, và con cháu giòng dõi hết thảy được miễn thuế làm xâu, đi lính cùng các tạp dịch khác. Nhưng con cháu nhà họ Phạm cũng như dân hạt Gò Công không phải vì thế mà quên được cái nhục mất nước, không chủ quyền, nên người ta đứng dậy để kháng chiến đến cùng. Theo mấy nhà phong thủy danh tiếng thì Gò Công là đất quý mà các long mạch đều tụ lại gò Sơn Quy. Nhưng không phải phát rồi thì hết, long mạch còn chuyển hướng đều đều có thể phát nữa, và cón phát nhiều thêm, nhưng có điều là phát không được bằng lúc tiên khởi mà thôi. ( Theo tài liệu của Thanh Liên cư sĩ ).