PHẦN MỘT
Dân biểu (1964 – 1966)
Chương 4

    
imon phải mất gần một tuần lễ mới hết giận đối với vụ đắc cử của Heath, và lúc bấy giờ anh đã quyết định về một phương hướng hành động rõ ràng cho tương lai. Sau khi cẩn thận kiểm tra văn phòng Tổ chức Nghị viện về chương trình bỏ phiếu ngày thứ hai, vì thấy không có vụ bỏ phiếu nào dự kiến sau sáu giờ, anh đặt một bàn ở nhà hàng Annabel lúc mười giờ. Louis hứa dành cho anh một bàn trong góc phòng khuất  sau khỏi sàn nhảy.
Vào sáng thứ  hai Simon đọc lướt các bảng hiệu trên đường Bond trước khi ra khỏi tiệm Catier với một cái hộp nhỏ bằng da màu xanh mà anh bỏ trong túi áo vét. Simon quay trở về Hạ nghị viện không sao hoàn toàn tập trung tư tưởng vào những yêu cầu của ngày hôm ấy.
Anh rời Hạ nghị viện sau bảy giờ một chút để trở về đường Beaufort. Về tới nhà anh xem các báo buổi chiều trước khi gội đầu và tắm. Anh cạo râu một lần thứ hai trong ngày, tháo kim ra khỏi một chiếc sơ mi chưa bao giờ lấy ra khỏi bao gói và chuẩn bị một chiếc áo khoác màu sẫm.
Lúc chín giờ anh chuyển cái hộp nhỏ từ túi áo vét sang áo khoác, kiểm tra lại nơ bướm, và khi đi, anh khoá hai lần cửa trước căn nhà nhỏ của anh.
Khi anh tới quảng trường Chelsea sau đó mấy phút anh đậu chiếc MOB của anh bên ngoài ngôi nhà số 4 và một lần nữa viên quản gia thông suốt mọi sự lại dẫn anh qua cổng. Simon có thể nghe giọng nói cao của Lavinia vọng ra từ phòng khách, nhưng không phải cho đến lúc bước vào bên trong anh mới nhận ra nàng đang nói chuyện với cha nàng.
-Chào anh, Simon.
-Chào em, - Simon nói, trước khi hôn nhẹ lên má Lavinia.
Nàng mặc một chiếc áo dài bằng the màu lục để lộ đôi vai trắng như kem.
-Ba nghĩ ông có thể trợ giúp Ted Heath, - đó là lời nói mở đầu của Lavinia.
-Em muốn nói gì vậy? – Simon hỏi với vẻ lúng túng.
- Có lẽ con đã không ủng hộ vị tân lãnh tụ của chúng ta trong cuộc chiến đấu của ông ấy, - Sir Rufus lên tiếng, - nhưng ba đã ủng hộ, và mặc dầu chính ba nói ra điều đó, ba còn có chút ảnh hưởng đối với ông ấy.
Simon nhận trái se-ry ngọt mà Lavinia ném vào tay anh.
- Ba sẽ dùng bữa trưa với ông Heath ngày mai và có lẽ ba nên nói một vài lời thay cho con.
- Con xin cảm ơn ba, - Simon nói, vẫn còn căm ghét trò giả dối dường như quan trọng hơn cả năng lực.
- Không đâu, con. Thành thực mà nói, ba vẫn xem con như con ruột của ba.
Simon mân mê cái hộp nhỏ trong túi áo khoác.
- Ba như thế mà không siêu hay sao? – Lavinia nói.
- Chắc chắn mà, - Simon nói.
- Thế là xong, - Lavinia nói. – vậy thì chúng ta hãy đến tiệm Annabell.
- Phải lắm, -Simon nói. – Anh đã đặt một bàn vào lúc mười giờ, - anh vừa nói tiếp vừa xem đồng hồ tay.
- Chỗ đó tốt không? – Sir Rufus hỏi.
- Tuyệt, ba à, - Lavinia tuyên bố, - một lúc nào đó ba nên thử xem.
- Các câu lạc bộ quỷ quái đó không bao giờ tồn tại lâu. Nếu nó vẫn còn hoạt động một năm sau ba sẽ tìm đến đó.
- Có lẽ một năm sau ba sẽ không ở gần đây, - Lavinia vừa nói vừa cười khúc khích.
Simon cố cười.
- Nếu Lavinia đã nói với tôi như thế cách đây một năm, chắc là tôi đã cho nó một trận đòn.
Lần này Simon gượng cười.
- Đi thôi, Simon, - Lavinia nói, - nếu không mình sẽ trễ mất.
Rồi nàng hôn nhanh lên má cha nàng và nói:
- Chào ba.
Simon bắt tay Sir Rufus hơi trịnh trọng trước khi đi theo Lavinia ra xe.
- Đó không phải là tin tức tuyệt diệu sao? – nàng nói lúc Simon bật công tắc cho máy xe nổ.
- Đúng thế, - Simon vừa nói vừa lái xe vào đường Fulham. – Ba em thật tốt.
Mấy giọt mưa buộc anh phải chạy gạt nước.
- Mẹ nói nhất định anh sẽ được đề cử làm phát ngôn viên của đảng Đối lập.
- Không hy vọng gì đâu, - Simon nói.
- Anh đừng bi quan như thế, - Lavinia nói. – Có gia đình em đứng sau lưng anh thì bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Simon cảm thấy hơi chán ngán.
- Và mẹ quen biết tất cả những phụ nữ trong Đảng.
Simon có cảm nghĩ điều đó sẽ không còn quá quan trọng nữa khi một người độc thân cầm quyền.
Simon quẹo xe vào quảng trường Belgrave và tiếp tục chạy lên phía Hyde Park Corner.
- Chắc là em đã kể cho anh nghe về Hunt Ball? Chắc chắn tất cả mọi người sẽ có mặt ở đó. Em muốn nói tất cả mọi người.
- Không, em chưa hề kể chuyện đó,  - Simon nói.
Anh chưa bao giờ nhìn nhận với Lavinia anh không chịu đựng nổi các Hunt Ball.
Simon chợt trông thấy con mèo chạy ra ngoài ở phía trước xe buýt hai tầng và thắng xe lại đúng lúc.
- Chà, sát quá, - anh nói.
Nhưng một lát sau, Lavinia gào lên. Simon quay sang và trông thấy một dòng máu nhỏ chảy xuống trán nàng.
- Chúa ơi, em chảy máu. Anh hãy đưa em đến một bệnh viện. Nàng nói và bắt đầu khóc nức nở.
Simon liền nhanh chóng lái xe đến bệnh viện St.George ở góc Hyde Park và nhảy ra, bỏ chiếc xe hơi của anh trên một lằn đường đôi màu vàng. Anh chạy nhanh qua phía bên kia xe và đỡ Lavinia ra ngoài, từ tù dẫn nàng tới lối vào phòng cấp cứu. Mặc dầu máu vẫn còn chảy trên mặt Lavinia, vết rách phía trên lông mày của nàng có vẻ không quá sâu theo nhận xét của Simon. Anh cởi áo khoác của anh ra và choàng lên đôi vai trần của nàng, làm mọi điều anh có thể để vỗ về nàng, nhưng nàng vẫn tiếp tục run rẩy.
Chắc hẳn nhờ Simon ăn mặc rất chỉnh tề cho nên cô y tá trực hoạt động nhanh hơn thường lệ. Họ được dẫn thẳng tới một bác sĩ chỉ mấy phút sau khi họ đến.
- Lấm hết cả cái áo đẹp của em rồi, - Lavinia vừa nói vừa khóc tấm tức.
- Vết dơ sẽ được tẩy sạch thôi mà, - vị bác sĩ nói tỉnh bơ.
- Nhưng tôi sẽ bị một vết sẹo suốt đời phải không? – Lavinia hỏi.
Simon quan sát với sự khâm phục không nói ra. Nàng hoàn toàn nắm vững mọi việc chung quanh nàng.
- Nhờ trời, không đâu, - vị bác sĩ trả lời, - đây chỉ là một vết thương phần mềm thậm chí không cần phải khâu. Ba chỉ phải chịu một cơn nhức đầu nhẹ.
Vị bác sĩ làm cho máu bớt chảy trước khi lau sạch vết thương rồi nói tiếp.:
- Sẽ không có một dấu hiệu nào của vết cắt sau hai tuần lễ.
- Bác sĩ chắc chắn chứ? – lavinia hỏi.
Simon không thể rời mắt khỏi nàng.
- Hoàn toàn chắc chắn, - vị bác sĩ nói, và đặt một miếng băng dính nhỏ qua vết thương. – Có lẽ cô nên về nhà và thay áo, đừng đi ăn tối bên ngoài nữa.
- Tất nhiên, bác sĩ Drummond, - Simon nói sau khi xem tên trên phù hiệu nhỏ ở ve áo.- Tôi sẽ cho người chăm sóc cô ấy cẩn thận.
Simon cảm ơn vị bác sĩ rồi đỡ Lavinia lên xe trước khi lái xe đưa nàng trở về quảng trường Chelsea. Lavinia không ngừng rên rỉ suốt trên đường về nhà, và nàng không để ý thấy Simon hầu như không nói chuyện. Lady Maxell- Harrington dẫn con gái bà đi ngủ ngay sau khi Simon kể cho bà nghe mọi việc đã xảy ra.
Khi hai mẹ con đã lên gác, Simon trở lại đường Beaufort. Anh lấy cái hộp nhỏ ra khỏi chiếc áo khoác lấm máu và đặt nó bên cạnh giường. Anh mở hộp và ngắm nghía viên sa phia gắn giữa một vòng kim cương nhỏ. Giờ đây anh biết chắc bàn tay anh muốn trông thấy đeo chiếc nhẫn này.
Sáng hôm sau, Simon gọi điện thoại để được biết Lavinia đã bình phục hoàn toàn, nhưng cha nàng có ý kến tốt hơn nàng nên nằm nghỉ suốt ngày. Simon tán thành và hứa sẽ ghé thăm nàng trong buổi tối.
Khi Simon đến văn phòng của anh ở Hạ nghị viện, anh gọi điện thoại đến bệnh viện St.George, và người ta cho hay bác sĩ Dummond đã hết phiên trực và sau mười hai giờ trưa mới trở lại. Không cần phải có tài nghệ như Sherlock Holmes mới tìm được số điện thoại của Drummond trong cuốn niên giám của London.
- Tôi là Simon Kerslake, - anh nói khi bác sĩ Drummond trả lời điện thoại. – Tôi muốn cảm ơn bác sĩ đã tận tâm chăm sóc cho Lavinia đêm hôm qua.
- Có gì đâu mà thực ra đó là công việc nhỏ nhất trong các vấn đề của đêm hôm qua.
Simon cười khẽ và hỏi:
- Không biết bác sĩ có rảnh để dùng bữa trưa không?
Bác sĩ Drummond có vẻ hơi ngạc nhiên, nhưng nhận lời sau khi Spencer gợi ý tiệm Coq d’Or[[xvi]] ở gần bệnh viện. Họ thoả thuận gặp nhau lúc một giờ.
Simon đến sớm vài phút, gọi một ly bia và chờ ở quầy. lúc một giờ năm phút viên quản lý nhà hàng dẫn cô bác sĩ đến cạnh anh.
- Cô thật là tử tế vì đã đến đây khi tôi chỉ mời trong một thời gian ngắn, - Simon nói, sau khi bắt tay.
- Tôi đã không cưỡng lại được. Tôi vẫn thường không nhận lời mời ăn trưa khi tất cả việc tôi đã làm chỉ là lau sạch vết thương.
Simon bật cười và nhận thấy mình đang chăm chú nhìn cô gái xinh đẹp. Anh nhớ lại thái độ ôn hoà ngày hôm trước, nhưng hôm nay nàng bộc lộ một sự nồng nhiệt dễ lây khiến Simon cảm thấy mình khó cưỡng lại được. Viên quản lý nhà hàng dẫn họ tới một bàn ở góc phòng. Một lần nữa Simon chăm chú nhìn người phụ nữ thon thả với mái tóc vàng mà đôi mắt lớn màu nâu đã khiến anh thao thức gần suốt đêm. Anh không thể nào không để ý thấy nhiều người đàn ông ngừng lại ở giữa câu nói để nhìn kỹ hơn khi nàng đi qua mỗi bàn.
- Tôi biết thật là ngớ ngẩn, - anh nói sau khi họ đã ngồi xuống, - nhưng tôi chưa biết tên cô.
- Elizabeth, - nàng mỉm cười nói.
- Tên tôi là Simon.
- Tôi nhớ ra rồi, Elizabeth nói. – Thực ra tôi đã trông thấy anh trên chương trình Panorama tháng trước khi anh trình bày quan điểm của anh về tình trạng của dịch vụ Y tế công cộng quốc gia.
- ồ, - Simon nói với vẻ khá thích thú. – Tôi có nắm vững vấn đề hay không?
- Anh rất xuất sắc, - Elizabeth trả lời.
Simon mỉm cười.
- Chỉ có một chuyên gia mới nhận thức được anh đã không có một ý tưởng mơ hồ nhất về những gì anh đang nói.
Simon chợt ngẩn người ra rồi bật cười to.
Qua một bữa ăn mà Simon không thể nhớ đã gọi món gì, anh được biết rằng Elizabeth đã đi học ở London trước thực tập ở bệnh viện St.Thomas.
- Tôi chỉ tăng cường cho bệnh viện St.George trong tuần này, - nàng giải thích, - trước khi tôi bắt đầu làm trọn thời gian trong phòng Phụ khoa của bệnh viện St.Mary ở Paddington. Nếu cô Maxwell-Harrington đến bệnh viện một tuần sau, chúng ta sẽ không bao giờ gặp nhau. À cô ấy như thế nào rồi?
- Nằm trên giường cả ngày.
- Anh nói đùa ấy à? – Elizabeth nói. – Tôi chỉ cho cô ấy về nhà để thay áo, chứ không phải để nằm chờ hồi phục.
Simon lại bật cười.
- Tôi xin lỗi, có lẽ tôi đã xúc phạm một cô bạn thân của anh.
- Không, Simon nói, - đó là chuyện ngày hôm qua.
Simon trở về quảng trường Chelsea đêm hôm ấy và được biết, trong lúc ngồi ở cuối giường của Lavinia, rằng Sir Rufus đã “chấm” Ted Heath, và Simon có thể tin tưởng rằng sẽ nghe nói về anh trong nay mai. Tuy nhiên điều đó vẫn không khiến anh không kể cho Lavinia thực sự về cuộc gặp gỡ của anh với Elizabeth Drummond, cho dù anh chẳng có cách nào mà biết được tình cảm của Elizabeth, Simon ngạc nhiên trước thái độ bình tĩnh của Lavinia khi nghe cái tin đó. Một lát sau anh ra về để trở lại Hạ nghị viện vừa kịp cho cuộc bỏ phiếu mười giờ.
Trong hành lang viên trưởng ban tổ chức kéo anh qua một bên và hỏi anh có thể gặp ông ta trong văn phòng của ông lúc mười hai giờ sáng hôm sau hay không. Simon đồng ý không do dự. Sau cuộc bỏ phiếu anh thơ thẩn vào văn phòng tổ chức với hi vọng sẽ biết rõ tại sao viên trưởng ban tổ chức muốn gặp anh.
- Chúc mừng, - một nhân viên trong phòng vừa nói vừa nhìn lên từ bàn làm việc của anh ta.
- Về chuyện gì?- Simon lo lắng nói.
- Ồ, chẳng lẽ tôi lại vô ý để lộ bí mật hay sao?
- Tôi không nghĩ thế - Simon nói, - ông trưởng ban tổ chức đã yêu cầu gặp tôi vào mười hai giờ trưa mai.
- Tôi không bao giờ hé môi đâu, - anh ta nói rồi vùi đầu vào đống giấy tờ.
Simon mỉm cười và trở về nhà.
Anh không thể ngủ nhiều đêm hôm ấy hoặc đứng yên trong phần lớn buổi sáng và trở vào văn phòng tổ chức vào lúc mười giờ kém mười. Anh cố không tỏ ra quá băn khoăn.
Bà Noise, người nữ thư ký đứng tuổi của viên trưởng ban tổ chức, đang ngồi đánh máy ngừng lại một chút.
- Chào ông Kerslake. Tôi e rằng ông trưởng ban tổ chức phải trễ hẹn vì bận họp với ông Heath.
- Tôi rất hiểu – Simon nói, - Tôi phải chờ hay là ông ấy đã thu xếp một cuộc hẹn khác?
- Thôi, - bà Norse nói, tỏ vẻ hơi ngạc nhiên, rồi tiếp – Khỏi cần. Ông ấy chỉ nói rằng việc ông ấy muốn gặp ông không còn quan trọng nữa và ông ấy xin lỗi đã làm mất thời giờ của ông.
Simon quay đi, nhận thức được ngay tức khắc chuyện gì đã xảy đến. Anh liền đi thẳng đến phòng điện thoại công cộng gần nhất và quay năm con số của số điện thoại nhà Lavinia, rồi đột nhiên gác máy. Anh chờ một lúc trước khi quay bảy con số.
- Bác sĩ Drummond đây, - nàng nói với giọng quả quyết.
- Elizabeth, Simon Kerslake đây. Cô có rảnh để đi ăn tối?
- Tại sao vậy? Có phải Lavinia cần thay băng keo?
- Không, Simon nói – Lavinia đã chết…hơi sớm một chút.
Elizabeth cười khúc khích.
- Tôi hi vọng cô ấy không truyền nhiễm – nàng nói rồi tiếp. – Tôi e sẽ không thể đi trước mười một giờ rưỡi.
- Tôi cũng vậy, - Simon nói. Thế thì tôi có thể đón cô ở bệnh viện.
- Giọng anh nghe có vẻ hơi chán nản.
- Không phải chán nản..mà già hơn, - Simon nói.
- Tôi đã trưởng thành thêm khoảng hai chục năm trong hai ngày vừa qua.
Mặc dầu anh không khá hơn một thông tín viên được ca ngợi, Charles Hampton thích thú với cuộc thách thức của vị trí mới với tư cách một phát ngôn viên đảng Đối lập trong ban Môi trường. Tối thiểu anh cảm thấy mình đang ở gần trung tâm của công việc. Cho dù thậm chí anh không thể tự quyết định về chính sách tương lai, ít ra anh cũng được nghe nói về vấn đề đó. Bất cứ khi nào một cuộc tranh luận về nhà ở diễn ra trong Hạ nghị viện, anh được quyền ngồi ở hàng ghế đầu cùng với phần còn lại của phe Bảo thủ. Anh đã từng gây ra sự thất bại cho hai sửa đổi nhỏ về Đạo luật Quy hoạch Thành phố và Quốc gia, và đã thêm vào một sửa đổi của chính anh liên quan tới việc bảo vệ cây cối. “Điều đó không ngăn chặn được một cuộc chiến tranh thế giới”, anh thừa nhận với Fiona, “nhưng trong chừng mực của chính nó thì vô cùng quan trọng, bởi vì nếu chúng ta thắng trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới, lúc này anh tin chắc sẽ được đề bạt một chức vụ quèn. Lúc bấy giờ anh sẽ có một cơ hội thực sự để hình thành một chính sách.
Fiona tiếp tục đóng vai của nàng, tổ chức các buổi tiệc thân mật tại ngôi nhà của họ ở quảng trường Eaton. Vào khoảng cuối năm thì mọi thành viên trong Nội các của các đảng Đối lập đều đã được mời dự tiệc tối thiểu một lần ở nhà vợ chồng Hampton, tại đây Fiona không bao giờ cho phép một thực đơn được lặp lại hoặc mặc cùng một chiếc áo hai lần.
Khi Nghị viện bắt đầu một năm mới vào tháng Mười, Charles là một trong những cái tên liên tục được đề cập bởi các nhà phân tích chính trị như một người nên theo dõi. “Ông ấy giúp cho mọi việc xảy ra suôn sẻ”, đó là tình cảm được nhắc đi nhắc lại. Anh ít khi có thể gặp các nhà vận động chính trị mà không có một phóng viên cố xin ý kiến về mọi vấn đề từ trợ cấp giá bỏ cho đến chuyện hiếp dâm. Fiona cắt từ các báo mọi bài viết về chồng nàng và không thể không để ý thấy chỉ có một thành viên mới được báo chí nhắc nhở nhiều hơn Charles – một người đàn ông còn trẻ ở Leeds tên Raymond Gould.
Người ta có thể bắt gặp Raymond Gould liên tục đánh máy thật khuya trên chiếc máy chữ cũ kỹ của anh với điện thoại bỏ ra khỏi ghế. Anh đang viết hết trang này sang trang khác, kiểm tra rồi lại kiểm tra các bằng chứng, và thường tra cứu các chồng sách bề bộn trên bàn.
Khi cuốn “Đủ việc làm bằng mọi giá?” Của Raymond Gould được xuất bản với tựa đề phụ “Ý kiến của một công nhân có học thức sau thập niên ba mươi”, nó đã gây nên một chuyện giật gân tức cười. Ý kiến các nghiệp đoàn sẽ trở nên bất lực và đảng Lao động sẽ cần phải cách tân hơn để chiếm được số phiếu của giới trẻ hầu như chưa bao giờ làm cho các cấp trong Đảng quý mến anh. Raymond đã đoán trước rằng cuốn sách đó sẽ gây ra một trận chửi rủa từ các Nhà lãnh tụ nghiệp đoàn, và ngay cả một số đồng nghiệp cánh tả của anh. Nhưng khi A.J.P Tay lor có ý kiến trong tờ London Thời báo rằng đó là cái nhìn sâu sắc và thực tế nhất vào đảng Lao động kể từ cuốn Tương lai của chủ nghĩa xã hội của Anthony Crossland, và đã tạo nên một chính trị gia ít khi trung thực và can đảm, Raymond biết chiến lược và công việc cực nhọc của anh đang có lợi. Anh tự tìm ra một chủ đề nói chuyện thường xuyên trong mọi buổi tiệc chính trị ở London.
Joyce nghĩ cuốn sách là một tác phẩm uyên bác tuyệt diệu, và nàng đã bỏ ra một thời gian đáng kể cố gắng thuyết phục các nhà Nghiệp đoàn rằng, thực ra, cuốn sách đã bày tỏ một mối quan tâm nồng nhiệt đối với hoạt động của họ, trong lúc đồng thời xem xét một cách thực tết các cơ may cầm quyền của Đảng Lao động trong thập niên sắp tới.
Viên trưởng ban Tổ chức đảng Lao động kéo Raymond qua một bên và nói:
- Anh đã gây ra một sự náo động thực sự, anh bạn. Bây giờ, anh nên cúi đầu xuống trong ít tháng và chắc là anh sẽ thấy mọi thành viên trong Nội các nói đến anh tựa hồ đó là chính sách của Đảng.
Raymond nghe lời khuyên của viên Trưởng ban Tổ chức, nhưng anh không phải đợi nhiều tháng. Chỉ ba tuần sau khi cuốn sách được xuất bản Raymond nhận được một công văn của Số 10 yêu cầu anh xem lại bài diễn văn của Thủ tướng trong Hội nghị Nghiệp đoàn và cho thêm ý kiến nếu có thể. Raymond đọc công văn một lần nữa, vui mừng vì sự công nhận do nó mang lại.
Anh bắt đầu hy vọng rất có thể anh sẽ là người đầu tiên trong số Nghị viên mới được mời vào ghế lãnh đạo của phe chính phủ.
Simon Kerslake xem xét sự thất bại của Maudling và việc chính anh đã không được đề bạt một chỗ trong văn phòng Tổ chức chỉ là trở ngại tạm thời. Chẳng bao lâu sau anh bắt đầu làm việc theo một chiến lược mới để chiếm được sự tôn trọng của các bạn đồng sự. Nhận thấy cứ hai lần mỗi tuần lại có một người nào đó với tài hùng biện  khiến cho mọi người khác phải để ý trong mười lăm phút anh liền dùng tất cả sự khôn khéo của anh để tấn công các Nghị viên phe chính phủ. Vào lúc bắt đầu một phiên họp mỗi tuần anh sẽ nghiên cứu cẩn thận chương trình nghị sự và đặc biệt nhất là năm câu hỏi đầu tiên được liệt kê cho Thủ tướng trong các ngày thứ ba và thứ năm.
Các câu hỏi phụ chỉ cần đến để kết hợp một cách hết sức lỏng lẻo với chủ đề của câu hỏi chính. Điều này có nghĩa là mặc dầu các Bộ trưởng đã chuẩn bị cho câu hỏi đầu tiên, họ không bao giờ có thể biết chắc những câu hỏi phụ nào sẽ bất ngờ được đặt ra cho họ. Vì vậy, mỗi buổi sáng thứ hai Simon sẽ chuẩn bị một câu hỏi phụ cho tối thiểu ba câu hỏi đầu tiên. Anh diễn đạt bằng lời các câu hỏi đó nhiều lần để cho chúng có tác động hoặc dí dỏm hoặc luôn luôn có thể gây bối rối cho Chính phủ của đảng Lao động. Mặc dầu việc chuẩn bị có thể mất nhiều tiếng đồng hồ, Simon sẽ làm cho những câu hỏi đó có vẻ như thể chúng được ghi nhanh lên phía sau tờ giấy chương trình nghị sự của anh trong thời gian chất vấn, - và thực ra cũng có thể như thế. Anh còn nhớ lời bình luận của Churchill sau khi được khen ngợi là một lời đối đáp xuất sắc. “Tất cả những nhận xét ứng khẩu hay nhất của tôi đều đã được chuẩn bị mấy ngày trước”.
Tuy nhiên, Simon ngạc nhiên khi Hạ nghị viện nhanh chóng tạm xem anh như là sẽ ở đó để chỉ trích, thăm dò, đòi hỏi, quấy nhiễu từng động tác của Thủ tướng. Cứ mỗi lần anh đứng lên khỏi ghế, đảng của anh lại phấn khởi trông đợi, và có nhiều lời cản trở của anh đã được đưa lên mục chính trị của các Nhật báo ngày hôm sau. Đảng Lao Động đã ý thức một cách sâu sắc về sự góp phần của Kerslake trong thời gian chất vấn.
Thất nghiệp là chủ đề của câu hỏi ngày hôm ấy. Simon đã nhanh chóng đứng lên, nghiêng mình tới phía trước, xỉa một ngón tay về phía hàng ghế lãnh đạo của Chính phủ.
- Với sự bổ nhiệm thêm bốn Bộ trưởng trong tuần này Thủ tướng có thể tối thiểu tự cho là có đủ việc làm… trong Nội các?
Vị thủ tướng ngồi thụt xuống trong ghế, nhìn ra xa về phía trước.
Không có người nào vui mừng hơn Simon khi anh đọc mục Nghị viện trung lập của tờ Sunday Express rằng “Thủ tướng Wilson có thể không thích Edward Heath, nhưng ông ghét Simon Kerslake”. Simon mỉm cười hài lòng nhận thấy kết quả thực sự đã đến do những nỗ lực của mình, chứ không phải do những tiếp xúc bên ngoài.
-----------------
[xvi] con gà trống vàng- tiếng Pháp