ĐẠI TÁ ỄNH ƯƠNG

    
nh Quốc có một tòa giáo đường không bao giờ thấy cần phải mở một cuộc vận động lạc quyên trên qui mô toàn quốc.
Khi ông Đại tá thức giấc, ông thấy mình bị trói vào một chiếc cọc nơi cuộc phúc kích đã xảy ra. Ông có cảm giác tê dại ở một chân. Điều cuối cùng ông có thể nhớ lại là chiếc lưỡi lê cắm phập vào bắp đùi mình.Tất tật những điều ông biết giờ đây là những con kiến bò lên ống chân trong một cuộc hành quân vô tận tiến về vết thương.
Thà cứ bị bất tỉnh lại tốt hơn, ông nghĩ.
Rồi có ai đó gỡ những nút buộc và ông ngã đập đầu xuống bùn. Sẽ còn tốt  hơn nữa nếu được chết đi, ông kết luận. Ông Đại tá bằng cách nào đó đã quỳ được bằng đầu gối và bò tới cái cọc bên cạnh ông. Bị trói vào đó là một anh hạ sĩ chắc đã chết được mấy tiếng đồng hồ. Kiến đang bò vào miệng anh ta. Ông Đại tá xé một miếng vài từ chiếc áo của anh lính, giặt nó trong một vũng nước lớn gần đó và lau rửa vết thương ở chân mình một cách tốt nhất có thể, rồi băng chặt nó lại.
Đó là ngày mười bẩy tháng hai năm 1943, cái ngày sẽ khắc sâu trong tâm trí ông Đại ta suốt quãng đời còn lại.
Cùng buổi sáng ngày hôm đó người Nhật nhận được lệnh: sẽ di chuyển những tù binh quân Đồng minh mới bị bắt vào lúc rạng đông. Rất nhiều người sẽ chết trong cuộc đi bộ này và số  người bị chết trước khi cuộc di chuyển bắt đầu lại còn nhiều hơn. Đại tá Richard Moore quyết định không để mình bị tính vào trong số người đo.
Hai mươi chín ngày sau, một trăm mười bảy trong quân số ban đầu bảy trăm ba mươi hai quân Đồng minh đến được Tonchan. Bất cứ người đàn ông nào trước đó chưa trải qua Roma thì không thể sẵn sàng với một trải nghiệm là Tonchan. Trại tù nhân chiến tranh nằm ở phía bắc, cách thủ đô của Singapore khoảng ba trăm dặm và được canh gác cẩn mật, nó giấu mình trong khu rừng rậm xích đạo sâu thẳm nhất, tù nhân không thể có cơ hội trốn thoát. Bất cứ ai tính chuyện đào tẩu đều không thể hy vọng sống sót trong rừng rậm quá một vài ngày, còn những người bị phát hiện thì số phận ngắn ngủi hơn rất nhiều.
Khi ông Đại tá tới nơi, Thiếu tá Sakata, sĩ quan chỉ huy trại tù, thông báo rằng ông là sĩ quan cao cấp và do đó sẽ chịu trách nhiệm về sức khỏe của toàn bộ số tù binh Đồng minh.
Đại tá Moore nhìn xuống viên sĩ quan Nhật. Sakata chắc phải thấp hơn ông đến ba mươi phân, nhưng sau cuộc hành quân hai mươi tám ngày, viên sĩ quan Anh không nặng cân hơn tên Thiếu tá là mấy.
Hành động đầu tiên của Morore sau khi rời văn phòng của viên sĩ quan chỉ huy là tập hợp tất cả các sĩ quan quân Đồng minh lại. Ông nhận thấy có một bộ phận khá lớn lẫn lộn cả người Anh, Australia, New Zealand và Mỹ, thế nhưng có rất ít người khỏe mạnh. Họ đang chết dần mỗi ngày vì bệnh sốt rét, bệnh kết lỵ và đói. Ông bỗng nhiên hiểu ý nghĩa câu thành ngữ “chết như ruồi” là thế nào.
Từ các sĩ quan dưới quyền mình, ông Đại tá còn biết được, trong quãng thời gian hai năm trước, tù binh đã được lệnh xây dựng những căn lều bằng tre cho các sĩ quan Nhật trước khi họ được phép xây dựng một bệnh viện dành cho chính những người của họ và chỉ mới gần đây thôi, những túp lều cho chính bản thân họ. Nhiều tù nhân đã chết trong vòng hai năm qua, không phải vì đau ốm mà vì sự tàn bạo thường nhật của một số lính Nhật. Thiếu tá Sakata được biết tới vì đôi cánh tay gày gò của mình, giống như là “đôi đũa”. Tuy vậy, ông ta không phải là một kẻ hung ác. Nhưng người chỉ huy thứ hai của ông ta, Trung úy Takasaki (biệt danh người Nhà Đám), và Trung sĩ Ayut (biệt danh Con Lợn) thì khác hẳn, những người của ông cảnh báo với ông bằng mọi giá hãy tránh xa họ.
Ông Đại chỉ mất có vài ngày để khám phá ra tại sao lại như thế.
Ông quyết định nhiệm vụ đầu tiên của mình là cố gắng nâng cao tinh thần đã bị suy sụp của các tù binh Đồng minh. Vì không có cha tuyên úy nào trong số những sĩ quan bị bắt, ông phải khởi đầu mỗi ngày bằng cách thực hiện một buổi lễ cầu nguyện ngắn. Khi buổi lễ kết thúc những người đàn ông sẽ bắt tay vào làm việc tại đường xe lửa chạy song song với trại tù. Một ngày gian khổ bao gồm việc đặt đường ray cho quân Nhật ra trận được sớm hơn, để đến lượt mình, chúng có thể giết và bắt được thêm nhiều lính quân Đồng minh. Bất cứ tù nhân nào bị nghi ngờ làm đình trệ công việc này đều bị xem là có tội phá hoại và bị giết chết không cần xét xử. Và Trung úy Takasaki coi việc nghỉ năm phút không theo quy định là phá hoại.
Vào bữa ăn trưa, các tù nhân được phép nghỉ hai mươi phút để chia sẻ một bát cơm - thường là lẫn với giòi – và, nếu họ may mắn, thì có được một cốc nước. Dù những người đàn ông quay trở về trại mỗi đêm  đã kiệt sức, ông Đại tá vẫn lo lắng tổ chức cho các đội phải làm vệ sinh sạch sẽ cho các túp lều và nhà xí của họ.
Chỉ sau có vài tháng, ông Đại tá đã có thể tổ chức một trận đá bóng giữa đội Anh và đội Mỹ, và tiếp sau thành công đó, ông thậm chí còn lập nên một liên đoàn trại tù. Nhưng ông còn vui sướng hơn khi có những anh chàng đến tham dự những bài học Karate do hạ sĩ Hawke hướng dẫn. Đó là một người Australia cao lớn, có đai đen, tính tình chu đáo, cẩn thận và anh ta cũng chơi được cả kèn harmonica. Cái vật dụng nhỏ bé đó vấn sống sót sau cuộc hành quân xuyên qua những khu rừng rậm, nhưng mỗi người đều cho rằng nó sẽ sớm bị phát hiện và bị tịch thu.
Mỗi ngày Moore lại hồi sinh quyết tâm của ông không cho người Nhật một giây phút nào tin rằng quân Đồng minh sẽ bị đánh bại – bất chấp thực tế là trong khi ở Tonchan, ông đã sụt mất mười kilo nữa, và mất đi ít nhất một người dưới quyền chỉ huy của ông mỗi ngày.
Những việc làm của ông Đại tá làm viên chỉ huy trại tù ngạc nhiên, bởi vì theo truyền thống của người Nhật, bất cứ người lính nào để mình bị bắt sống, đều phải bị đối xử như một kẻ đào ngũ, nhưng điều này lại không phải là cản trở quan trọng đối với công việc của ông Đại tá.
“Ông giống như là con Ễnh ương Anh quốc,” Thiếu tá Sakata nói vào một buổi tối khi theo dõi ông Đại tá đẽo thanh xà ngang cột gôn môn cricket từ cây tre. Đó là một trong rất ít dịp mà ông Đại tá nở nụ cười.
Những vấn đề thực sự của ông tiếp tục dội xuống từ Trung úy Takasaki và những tên tay sai, những người coi tù nhân quân Đồng minh chỉ là những kẻ phản bội. Takasaki luôn luôn đối xử thận trọng với cá nhân ông Đại tá, nhưng không hề kiềm chế như vậy với các tù nhân khác, và kết quả là những bữa ăn của lính tù Đồng minh thường kết thúc bằng việc khẩu phần đạm bạc của họ bị tịch thu, ăn một báng súng vào bụng, hoặc thậm chí bị trói vào một gốc cây nhiều ngày liền.
Bất cứ khi nào ông Đại tá chính thức đưa ra lời phàn nàn với chỉ huy trại, Thiếu tá Sakata đều lắng nghe một cách cảm thông và thậm chí còn cố gắng gạt bỏ những người phạm tội chính. Giây phút hạnh phúc nhất của Moore tại Tonchan là chứng kiến Anh Nhà Đám và Con Lợn lên tàu đi mặt trận. Không ai cố gắng phá hỏng cuộc ra đi đó. Viên chỉ huy thay thế Trung sĩ Akida và Hạ sĩ Sushi vào chỗ họ. Các tù nhân thân mật gọi họ là “Thịt Lợn Xào Chua Ngọt”. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy tối cao Nhật gửi tới một Nhân vật số Hai mới, Trung úy Osawa, người này nhanh chóng được biết đến như là “Con Quỷ” bởi vì hắn hành xử rất tàn bạo và so với hắn Anh Nhà Đám và Con Lợn chỉ như là những tay tổ chức các ngày lễ thánh cho nhà thờ.
Ngày tháng qua đi, sự tôn trọng nhau giữa ông Đại tá và viên chỉ huy Nhật cứ lớn dần. Sakata thậm chí còn thú thật với người tù Anh quốc rằng ông ta đã yêu cầu được ra mặt trận để thực sự được tham chiến. “Và nếu,” ông Thiếu tá nói thêm, “Bộ chỉ huy tối cao thỏa mãn yêu cầu của tôi, sẽ chỉ có hai Sĩ quan không chuyên nghiệp mà tôi mong muốn đi cùng với tôi.”
Đại tá Moore biết viên Thiếu tá nghĩ đến Thịt Lợn Xào Chua Ngọt, và ông thấy sợ cho những người lính của mình, nếu ba người Nhật duy nhất mà ông có thể làm việc, sẽ ra mặt trận và để Trung úy Osawa chỉ huy trại tù.
Đại tá Moore đoán chắc có một điều cực kỳ hệ trọng đã xảy ra khiến Thiếu tá Sakata phải đích thân đến căn lều của ông, bởi vì ông ta chưa làm vậy bao giờ. ông Đại tá đặt bát cơm của mình xuống bàn và bảo ba viên sĩ quan quân Đồng minh, những người đang chia sẻ bữa ăn sáng cùng ông, ra chờ bên ngoài.
Viên Thiếu tá đứng nghhiêm và giơ tay chào.
Ông Đại tá đứng thẳng người lên hết tầm một mét tám mươi, đáp lại và nhìn chăm chăm xuống đôi mắt của Sakata.
“Chiến tranh đã kết thúc,” viên sĩ quan Nhật nói. Trong một thoáng, Moore lo sợ điều tệ hại nhất. “Nước Nhật đã đầu hàng vô điều kiện. Ngài, thưa ngài,” Sakata nói khẽ khàng, “giờ đây nắm quyền chỉ huy trại tù.”
Ông Đại tá lập tức ra lệnh bắt giữ tất cả các sĩ quan Nhật trong khu vực của viên chỉ huy trại. Trong khi các mẹnh lệnh của ông đang được thực hiện, bản thân ông trực tiếp đi truy tìm Con Quỷ. Moore đi ngang qua sân tập của lính và hướng về phía khu vực của sĩ quan, xác định căn lều của tên sĩ quan chỉ huy số Hai. Ông bước lên các bậc thang vafmowr tung cánh cửa phòng Osawa. Một cảnh tượng đập vào mắt vị chỉ huy mới khiến ông sẽ không bao giờ quên. Đại tá đã đọc về nghi lễ hara-kiri nhưng thực sự không biết những động tác cuối cùng là gì. Trung úy Osawa chắc đã tự chém mình một trăm nhát trước khi chết. Máu me, mui hôi thối tanh tưởi và cảnh tượng của thân hình bị băm vằm sau đó làm cho một binh sĩ Nepal phát ốm. Chỉ có cái đầu còn lại ở đó để khẳng định những cái còn lại đã từng thuộc về một con người.
Đại tá ra lệnh chôn cất Osawa bên ngoài cánh cổng của trại tù.
Sự đầu hàng của Nhật Bản được đánh dấu bằng việc ký kết trên boong tàu chiến Mỹ US Missouri trong vịnh Tokyo. Tất cả mọi người trong trại tù binh chiến tranh lắng nghe buổi tường thuật lễ ký kết từ chiếc đài phát thanh duy nhất cảu trại tù. Đại tá Moore lúc này yêu cầu một cuộc tổng diễu hành trên sân trại tù. Lần đầu tiên sau hai năm rưỡi ông mặc lại bộ quân phục, nó làm ông trông giống như một diễn viên kịch câm lưu động đã tình cờ hiện diện trong một bữa tiệc sang trọng. Đại tá, đại diện cho quân Đồng minh, nhận lá cờ đầu hàng của Nhật Bản từ tay Thiếu tá Sakata, rồi buộc những kẻ thua trận phải kéo những lá cờ Mỹ và cờ Anh trong tiếng nhạc của cả hai bài hát quốc ca được Trung sĩ Hawke lần lượt chơi bằng chiếc kèn harmonica.
Sau đó Đại tá tổ chức một buổi lễ Tạ ơn ngắn với sự có mặt của tất cả những người lính quân Đồng minh và Nhật Bản.
Khi quyền chỉ huy đã được trao, tuần nọ nối tiếp tuần kia vô nghĩa, Đại tá Moore chờ đợi lệnh trên cho phép ông trở về nhà. Nhiều người trong số lính dưới quyền ông đã nhận được lệnh khỏi hành chuyến đi mười ngàn dặm trở về nước Anh qua Bangkok và Calcuta, thế nhưng không hề có mệnh lệnh nào như vậy cho Đại tá và ông cứ thế đợi chờ nhận giấy tờ hồi hương trong vô vọng.
Thế rồi, tháng giêng năm 1946, một sĩ quan trẻ của Binh đoàn Cận vệ đến trại tù với lệnh gặp ông Đại tá. Anh ta được đưa đến văn phòng của chỉ huy và giơ tay chào trước khi bắt tay. Richard Moore nhìn chằm chặp anh đại úy trẻ, người mà xét theo nước da khỏe mạnh, rõ ràng là đã đến vùng Viễn Đông khá lâu sau khi người Nhật đầu hàng. Anh Đại úy đưa cho ông Đại tá một bức thư.
“Rốt cuộc thì cũng được về nhà,” người lớn tuổi hơn thốt lên hớn hở, nhưng sau khi xé bì thư, ông được biết là sẽ phải mấts nhiều năm  nữa ông mới hy vọng được đổi những mảnh ruộng nho nhỏ của Tonchan lấy những cánh đồng xanh ở quân Lincohnshire.
Bức thư yêu cầu ông Đại tá đi Tokyo và đại diện cho Anh quốc trong Tòa án chiến tranh sắp tới, diễn ra ở thủ đô nước Nhật. Đại úy Ross từ Binh đoàn Coldstream Guards sẽ tiếp nhận quyền chỉ huy của ông ở  Tonchan.
Tòa án này bao gồm mười hai sĩ quan dưới sự chủ tọa của Tướng Matthew Tomkins. Đại tá Moore sẽ là người đại diện duy nhất của nước Anh và sẽ báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng, “ngay khi nào anh thấy phù hợp”. Những chi tiết cụ thể sẽ được cung cấp cho ông khi nào ông tới Tokyo. Bức thư kết thúc: “Nếu vì bất cứ lý do nào anh cần đến sự giúp đỡ của tôi trong những suy tính, cân nhắc của mình, đừng ngại tiếp xúc trực tiếp với tôi.” Tiếp đến là chữ ký của Clement Attlee.
Các sĩ quan quân đội không có thói quen bất tuân mệnh lệnh của Thủ tướng, thế nên ông Đại tá đành cam chịu ở lại Nhật Bản một thời gian nữa.
Phải mất mấy tháng để thành lập tòa án và trong quãng thời gian này, Đại tá Moore tiếp tục giám sát các binh sĩ Anh trở về quê hương bản quán. Công việc giấy tờ vô tận và một vài người dưới quyền chỉ huy của ông yếu đuối bạc nhược đến mức ông thấy cần thiết phải bồi dưỡng cho họ về tinh thần cũng như thể chất trước khi có thể đưa họ lên tàu trở về quê hương. Một số người đã chết từ rất lâu trước khi tuyên bố đầu hàng được phê chuẩn.
Trong thời gian chờ đợi này, Đại tá Moorr sử dụng Thiếu tá Sakata và hai sĩ quan không chuyên nghiệp, những người mà ông đã đặt rất nhiều tin tưởng, Trung sĩ Akida và Hạ sĩ Sushi, là sĩ quan liên lạc của ông. Quyền chỉ huy bỗng nhiên thay đổi không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai viên sĩ quan cao cấp, cho dù Sakata thú nhận với Đại tá rằng ông ta mong muốn mình đã bị giết chết trong cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc để không còn phải chứng kiến sự nhục nhã của đất nước mình. Đại tá thấy những người Nhật vẫn giữ được tính kỷ luật cao trong khi chờ biết về số phận của mình, và hầu hết trong số họ cho rằng cái chết là hậu quả tự nhiên của việc thất trận.
Tòa án chiến tranh họp phiên toàn thể tại Tokyo vào ngày mười chín tháng tư năm 1946. Tướng Tomkins tiếp quản tầng năm của Tòa án Đế chế trong khu Ginza của thành phố Tokyo. Đó là một trong số rất ít những tòa nhà còn lại nguyên vẹn, thoát khỏi sự phá hoại sau cuộc chiến. Tomkins là một người mập lùn, nóng tính, được các quân nhân dưới quyền miêu tả như một “Anh cạo giấy từ Lầu Năm Góc”, tới Tokyo chỉ một tuần trước khi ông ta bắt đầu cuộc bàn bạc kỹ lưỡng đầu tiên. Những tiếng lách cách, lách cách dồn dập là những âm thanh duy nhất mà vị Tướng này được nghe – những sĩ quan dưới quyền ông ta thừa nhận với Đại tá Moore – vọng đến từ chiếc máy chữ trong văn phòng của người thư ký của ông ta. Tuy nhiên, khi động đến những người bị đem ra xét xử thì viên Tướng lại không nghi ngờ gì về tội ác nằm ở đâu và người có tội phải bị trừng phạt ra làm sao.
“Cứ treo cổ từng thằng con hoang da vàng, ti hi mắt lươn cho tôi,” Là một trong những câu nói cửa miệng của Tomkins.
Ngồi quanh chiếc bàn trong gian phòng xử án cổ kính, hội đồng xét xử gồm mười hai người, đưa ra những thảo luận kỹ lưỡng. Điều đã rõ ràng từ phiên họp đầu tiên là ông Tướng không có ý định xem xét “những tình tiết giảm nhẹ hình phạt”, “lý lịch trong quá khứ” hay là “những nền tảng nhân đạo”. Khi Đại tá lắng nghe những quan điểm của Tomkins, ông bắt đầu lo sợ cho cuộc sống của bất cứ người vô tội nào, thành viên của các lực lượng vũ trang, được đem ra đặt trước mặt viên Tướng.
Đại tá nhanh chóng nhận ra bốn người Mỹ trong tòa án, những người giống như ông, không phải lúc nào cũng nhất trí với những phán xử ào ào của viên Tướng. Hai người là luật sư và hai người kia, thời gian gần đây đã từng nhận những nhiệm vụ chiến đấu trực tiếp. Năm người bắt đầu làm việc chung với nhau để kháng nghị lại những quyết định mang tính thành kiến nhất của viên Tướng. Trong mấy tuần lễ sau, họ đã có thể thuyết phục được một hai người khác quanh bàn cùng làm giảm hình phát treo cổ thành tù chung thân cho mấy người Nhật, những người này đã bị kết án với tội ác mà họ có lẽ đã không phạm phải.
Khi mỗi vụ án như thế được đem ra thảo luận, viên Tướng Tomkins cho năm người thấy rõ sự khinh rẻ của ông ta đối với quan điểm của họ. “Đéo mẹ mấy gã thông cảm với bọn Nhật lùn,” Ông ta thường bảo, và không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng. Khi viên Tướng vẫn còn nắm quyền chỉ huy nhóm xét xử mười hai người, thì những thành công của Đại tá là rất ít.
Đến khi quyết định số phận của những người chỉ huy trại Tù binh Chiến tranh ở Tonchan, viên Tướng yêu cầu treo cổ tập thể tất cả các sĩ quan Nhật có liên quan, thậm chí không cần đến một sự giả bộ xét xử công bằng. Ông ta không hề tỏ ra ngạc nhiên khi năm thành viên xét xử, như thường lệ đưa ra tiếng nói phản kháng của họ. Đại tá Moore phát biểu rất mạnh mẽ về việc bản thân đã là tù nhân ở Tonchan và xin bào chữa cho Thiếu tá Sakata, Trung sĩ Akida và Hạ sĩ Sushi. Ông cố gẳng giải thích tại sao việc treo cổ họ, về bản chất của chính hành động đó, thì cũng man rợ như bất cứ sự tàn bạo nào mà người Nhật đã thực hiện. Ông kiên quyết đòi bản án của họ nên được giảm hình phạt xuống thành tù chung thân. Viên Tướng ngáp ngắn ngáp dài trong lúc ông Đại tá nói. Và khi kết thúc, ông không hề nỗ lực chứng minh mình đúng, mà chỉ đơn giản kêu gọi hãy bỏ phiếu. Với sự kinh ngạc của viên Tướng, kết quả là sáu đều; một luật sư người Mỹ, trước đó đã theo phía viên Tướng, giơ tay lên nhập với năm người của Đại tá. Không chần chừ, viên Tướng đưa ra lá phiếu quyết định của mình, ủng hộ giá treo cổ. Tomkins liếc xéo Moore qua bàn và nói, “Tôi nghĩ, đã tới giờ ăn trưa, thưa quý vị. Tôi không biết các vị thế nào, chứ còn tôi thì sắp chết đói rồi đây. Và không ai có thể nói rằng lần này chúng ta đã không cho mấy gã con hoang da vàng bé xíu một phiên tòa công bằng nhé.”
Đại tá Moore đứng lên, không đưa ra ý kiến gì, rời khỏi văn phòng.
Ông chạy xuống cầu thang Tòa án và lệnh cho anh lái xe chở ông đến Đại bản doanh Quân đội Anh tại trung tâm thành phố càng nhanh càng tốt. Đoạn đường thì gần nhưng họ đi mất khá thời gian bởi vì các vụ đánh lộn, các nhóm người luôn xúm xít, tụ tập trên các đường phố ngày cũng như đêm. Khi Đại tá tới được văn phòng cuarm ình, ông nhờ người thư ký đăng ký một cuộc gọi về nước Anh. Trong lúc cô thư ký đang thực hiện mệnh lệnh của ông, More đến bên chiếc tủ xanh lá cây và lật tìm qua mấy tập hồ sơ, cho đến khi ông lấy được tập hồ sơ đề “Cá nhân”. Ông mở nó ra và nhặt ra một bức thư. Ông muốn chắc chắn rằng ông đã nhớ chính xác cái câu nói đó…
“Nếu vì bất kỳ một lý do nào mà anh cần sự giúp đỡ của tôi trong những việc suy xét, cân nhắc, đừng ngại liên lạc trực tiếp với tôi.”
“Ông ấy đang đi đến bên điện thoại, thưa ngài,” cô thư ký lo lắng nói. Đại tá bước tới bên điện thoại và chờ đợi. Ông tự thấy mình đứng nghiêm chào khi nghe thấy giọng nói nhẹ nhàng, rất học thức, “Có phải ông đấy không, Đại tá” Richard Mooore mất chưa tới mười phút để giải thích vấn đề ông đang gặp phải và nhận được quyền lực mà ông cần.
Ngay khi kết thúc cuộc nói chuyện, ông quay trở lại hành dinh tòa án. Ông bước thẳng vào phòng họp ngay lúc Tướng Tomkins đang sửa soạn ngồi xuống ghế để bắt đầu tiến trình làm việc buổi chiều.
Đại tá là người đầu tiên đứng lên khi viên Tướng tuyên bố phiên tòa bắt đầu làm việc. “Tôi tự hỏi liệu tôi có được phép mở đầu bằng một lời phát biểu?” Ông đề nghị.
“Cứ tự nhiên,” Tomkins nói. “Nhưng mà ngắn gọn thôi. Chúng ta còn vô số những gã Nhật để mà làm việc đấy.”
Đại tá Moore nhìn quanh bàn vào mười một người kia.
“Thưa các vị,” ông bắt đầu. “Tôi xin từ chức với tư cách là người đại diện của Anh Quốc trong ủy ban này.”
Tướng Tomkins không kiềm chế một nụ cười.
“Tôi làm việc này,” Đại tá tiếp tục nói, “một cách miễn cưỡng, nhưng đã được sự ủng hộ của Thủ tướng của chúng tôi, tôi vừa nói chuyện với ông ấy cách đây mấy phút.” Đến đoạn thông tin này thì nụ cười của Tomkins được thay thế bằng cái nhăn mặt. “Tôi sẽ trở về nước Anh để tường trình một bản báo cáo đầy đủ cho ông Attlee và Nội các Anh Quốc về cung cách làm việc mà tòa án này được điều khiển.”
“Này, nghe này, cậu trai,” viên Tướng bắt đầu. “Anh không thể…”
“Tôi có thể, thưa ngài, và tôi sẽ làm vậy. Không giống như ngài, tôi không muốn để cho máu của những người lính vô tội dính trên hai bàn tay tôi trong suốt quãng đời còn lại của mình.”
“Này, nghe này, cậu trai,” viên Tướng lặp lại. “Chúng ta, ít nhất, hãy nói cho thấu tỏ việc này đã, trước khi cậu có thể làm điều gì mà cậu sẽ hối hận.”
Không có nghỉ giải lao trong thời gian còn lại của ngày hôm đó, và vào chiều tối, hình phạt cho Tiếu tá Sakata, Trung sĩ Akida và hạ sĩ Sushi đã giảm nhẹ thành chung thân.
Sau một tháng, viên Tướng Tomkins được triều hồi về Lầu Năm Góc, thay thế là một lính thủy đánh bộ người Mỹ nổi danh, ông ta đã được khen thưởng trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất.
Trong những tuần lễ sau cuộc bổ nhiệm mới, án tử hình đối với hai trăm hai mươi chín tù nhân chiến tranh Nhật Bản đều được thuyên giảm.
Đại tá Moore trở về Lincolnshire vào ngày nười một tháng mười một, năm 1948, biết đủ sự thật của chiến tranh và những thói đạo đức giả của hòa bình.
Gần hai năm sau, Richard Moore nhận thánh chức và trở thành giám mục một giáo xứ tại một xóm nhỏ buồn tẻ, đó là Weddlebeach, tỉnh Suffolk. Ông thích thú với công việc của mình, và mặc dù hiếm khi nào nhắc đến những kinh nghiệm trận mạc với những giáo dân của mình, ông thường nghĩ về những năm tháng ở Nhật Bản.
“Những người tạo lập hòa bình đã được ban phước lành bởi vì họ sẽ…” Đức cha bắt đầu bài giảng đạo từ bục giảng kinh một buổi sáng ngày lễ Palm, ngày chủ nhật trước lễ Phục Sinh đầu những năm 1960, thế nhưng Đức cha không thể kết thúc được câu nói.
Những giáo dân của ngài lo lắng nhìn lên, chỉ thấy một nụ cười tươi tắn hiện ra rạng rỡ trên khuôn mặt Đức cha khi ngài chăm chăm nhìn xuống một người đang ngồi ở hàng ghế thứ ba.
Người đàn ông mà cha đang nhìn cúi đầu lúng túng và Đức cha lại nhanh chóng tiếp tục buổi giảng đạo.
Khi buổi lễ kết thúc, Richard Moore đứng đợi ở cửa Đông để có thể chắc chắn rằng đôi mắt của ông đã không đánh lừa ông, khi họ gặ lại nhau, mặt đối mặt, lần đầu tiên sau mười lăm năm, cả hai người đàn ông cùng cúi đầu chào và sau đó bắt tay nhau.
Trong bữa ăn trưa hôm đó ở nhà xứ, ông linh mục vui mừng được biết rằng “Đôi đũa” Sakata đã được phóng thích khỏi nhà tù chỉ sau năm năm, sau hiệp định của quân Đồng minh với Chính phủ mới được thành lập của Nhật Bản, nhằm thả tất cả các tù nhân, những người chưa phạm tội giết người. Khi ông Đại tá hỏi thăm về “Thịt Lợn Xào Chua Ngọt”, ông Thiếu tá thú nhận là ông đã mất liên lạc với Trung sĩ Akida (Ngọt), nhưng Hạ sĩ Sushi (Chua) và ông đang cùng làm việc cho một công ty điện tử. “Và bất cứ khi nào chúng tôi gặp nhau,” ông ta quả quyết với cha xứ, “chúng tôi lại nói chuyện về người đàn ông đáng kính đã cứu vớt cuộc đời chúng tôi, ‘con ễnh ương Anh Quốc’”.
Năm tháng qua đi, ông linh mục và người bạn Nhật Bản của mình tiến bước trong nghề nghiệp mà họ đã chọn lựa và thường xuyên trao đổi thư từ, năm 1971, Ari Sakata được bổ nhiệm phụ trách một nhà máy điện tử lớn ở Osaka, và mười tám tháng sau, Richard Moore trở thành Đức cha vô cùng đáng kính Moore, Trưởng tu viện Giáo đường Lincoln Cathedral.
“Tôi đọc trong tờ Thời báo London rằng giáo đường của anh đang lạc quyên cho một cái mái mới,” Sakata viết từ quê hương của ông ta năm 1975.
“Việc đó không có gì khác thường,” vị Giáo chủ giải thích trong bức thư trả lời. “Không có một giáo đường nào ở nước Anh mà không bị hư hại do mục nát hay bom đạn. Điều thứ nhất,tôi e là vô phương cứu chữa; còn điều thứ hai, ít nhất cũng có một cơ hội.”
Vài tuần lễ sau, vị Giáo chủ nhận được một tờ séc trị giá mười ngàn bảng từ một công ty điện tử nổi tiếng của Nhật Bản.
Vào năm 1979 khi Đức cha tôn kính Richard Moore được cử giữ chức Giám mục Taunton, ông giám đốc điều hành mới của công ty điện tử lớn nhất Nhật Bản đã bay sang để dự lễ phong chức.
“Tôi thấy anh có thêm một vấn đề nữa về mái nhà,” Ari Sakata nhận xét khi ông ta nhìn lên những giàn giáo bao quanh bục giảng kinh. “Lần này sẽ tốn kém bao nhiêu đây?”
“Ít nhất là hai mươi lăm ngàn bảng mỗi năm,” vị Mục sư trả lời không cần suy nghĩ. “Chỉ để chắc chắn cái mái không đổ sụp xuống đầu giáo đoàn trong các bài giảng kinh nghiêm khắc cảu tôi.” Ông thở dài khi đi ngang qua những bằng chứng của công việc tái xây dựng khắp nơi xung quanh. “Ngay khi tôi nhận xong chức vụ mới, tôi dự định phát động một cuộc lạc quyên xứng đáng để đảm bảo chắc chắn người kế tục tôi sẽ không bao giờ lại phải lo lắng về cái mái nữa.”
Ông giám đốc điều hành gật đầu. Một tuần lễ sau, một tấm séc trị giá hai mươi lăm ngàn bảng được đặt trên bàn của vị linh mục.
Đức Giám mục đã cố gắng rất nhiều để biểu lộ lòng biết ơn của mình. Ông biết mình không bao giờ cho phép “Đôi đũa” cảm thấy rằng với sự rộng lượng, hào phóng của ông ta, ông ta có thể làm những điều sai trái, bởi vì điều này xúc phạm đến người bạn của ông và chắc chắn tình bạn của họ sẽ kết thúc. Bức thư này nối tiếp bức thư kia được thảo ra, nhằm bảo đảm rằng phiên bản cuối cùng của bức thư dài viết tay có thể được những quan chức Bộ Ngoại giao phụ trách bộ phận Nhật Bản thông qua. Cuối cùng bức thư đã được gửi đi.
Năm tháng qua đi, Richard Moore trở nên e ngại khi viết thư cho người bạn cũ nhiều hơn một lần trong năm, bởi vì mỗi bức thư lại là sự gợi ý một tấm séc lớn hơn. Và vào cuối năm 1986, khi viết thư gửi đi, ông không hề nhắc nhở tới quyết định của Trưởng Tu viện và Tăng hội chỉ định năm 1988 là năm lạc quyên của giáo đường này. Ông cũng không nói tới tình trạng sức khỏe suy sụp của chính mình, sợ quý ông Nhật Bản có thể cảm thấy có trách nhiệm. Bác sỹ đã cảnh báo rằng ông sẽ không thể mong đợi sẽ hồi phục hoàn toàn vì những gì ông đã trải qua ở Tonchan.
Đức Giám mục bắt đầu thành lập ủy ban lạc quyên của mình vào tháng giêng năm 1987. Hoàng tử xứ Wales trở thành mạnh thường quân đỡ đầu và ngài Quận trưởng đại diện cho Nữ hoàng làm chủ tịch. Trong bài phát biểu khai mạc với các thành viên ủy ban lạc quyên, Đức Giám mục hướng dẫn cho họ phải quyên góp được không dưới ba triệu bảng trong năm 1988. Một vài nét e ngại thoáng hiện trên nhiều khuôn mặt quanh bàn.
Ngày mười một tháng tám năm 1987, Đức Giám mục Taunton đang làm trọng tài cho một trận đấu cricket thì bỗng nhiên bị ngã gục vì một cú đột quỵ. “Hãy lo liệu để những tờ tuyên truyền lạc quyên được in ấn kịp thời cho buổi họp sắp tới,” là những lời cuối cùng của ông với người đội trưởng đội bóng địa phương.
Buổi lễ tưởng nhớ Giám mục Moore được tổ chức tại Giáo đường Taunton và do Đức Tổng Giám mục Canterbuy cử hành. Không thể tìm được một chỗ trống nào trong ngôi nhà thờ ngày hôm đó, và quả nhiên người tụ tập trong mỗi hàng ghế, đến mức cửa Tây được để ngỏ. Những người đến muộn phải lắng nghe bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục phát chuyển tiếp qua loa đặt quanh quảng trường.
Những người ghé xem tình cờ chắc hẳn ngạc nhiên bởi sự có mặt của vài quý ông Nhật Bản đứng tuổi đang đứng đây đó quanh giáo đoàn.
Khi buổi lễ kết thúc, Đức Tổng Giám mục tổ chức một buổi gặp riêng tại phòng áo lễ của giáo đường với ông chủ tịch của công ty điện tử lớn nhất thế giới.
“Chắc ông là ông Sakata,” Đức Tổng Giám mục nói, nồng nhiệt bắt tay một người đàn ông vừa từ nhóm nhỏ người Nhật đang đứng đợi bước lên. “Cảm ơn ông đã không quản ngại viết thư và cho tôi được biết là ông sẽ tới. Tôi rất vui mừng được gặp ông. Đức Giám mục luôn nói về ông với một tấm lòng cực kỳ cảm mến và với tư cách là một người bạn thân – “Đôi đũa”, nếu tôi nhớ chính xác.”
Ông Sakata cúi thấp đầu.
“Và tôi cũng được biết ông ấy luôn luôn tự coi bản thân mình mắc nợ cá nhân ông vì lòng rộng rãi hào hiệp như thế trong biết bao nhiêu năm tháng.”
“Không, không, không phải tôi,” ông cựu Thiếu tá trả lời. “Tôi chỉ đại diện cho một người có quyền cao hơn, cũng giống như người bạn thân Giám mục quá cố của tôi thôi.”
Đức Tổng Giám mục tỏ ra bối rối.
“Ngài thấy đấy, thưa ngài,” Ông Sakata nói tiếp, “Tôi chỉ là tổng giám đốc cảu công ty. Tôi xin phép có vinh dự được giới thiệu vị Chủ tịch.”
Ông Sakata lùi ra sau một bước để cho một người bước lên trước. Anh ta thậm chí còn nhỏ bé hơn, ban đầu Đức Tổng Giám mục đã nghĩ đó là một nhân viên trong đám tùy tùng của Sakata.
Vị Tổng Giám đốc cúi thấp người và vẫn không nói câu nào, đưa một chiếc phong bì cho Đức Tổng Giám mục.
“Tôi xin phép được mở nó ra?” người lãnh đạo nhà thờ nói, không biết tục lệ Nhật Bản là phải chờ cho đến khi nào người cho đã đi khỏi.
Người nhỏ bé lại cúi đầu.
Đức Tổng Giám mục mở chiếc phong bì ra, và lấy ra một tờ séc ba triệu bảng.
“Đức Giám mục quá cố chắc hẳn là một người bạn rất thân thiết của ông,” là tất cả những gì Ngài có thể nghĩ được để nói ra.
“Không, thưa ngài,”vị Chủ tịch trả lời. “Tôi không có được cái đặc ân đó.”
“Vậy thì chắc ông ta đã làm một việc gì đó rất khác thường để có thể xứng đáng với một cử chỉ hào phóng đến như vậy.”
“Hơn bốn mươi năm về trước, ông ấy đã có một hành động đáng kính và giờ đây tôi cố gắng trả nợ một cách không xứng đáng.”
“Vậy thì chắc chắn ông ta còn nhớ ngài,” Đức Tổng Giám mục nói.
“Có thể ông ta còn nhớ tới tôi, nhưng nếu vậy thì chỉ như là nửa “Chua” của ‘Thịt Lợn Xào Chua Ngọt’.”
Ở Anh Quốc có một tòa giáo đường chưa bao giờ thấy cần thiết phát động một cuộc vận động lạc quyên toàn quốc.

Hết