iờ Thân đã qua từ lâu mà Thái Úy Lý Thường Kiệt vẫn ngồi yên bất động. Chuyện con ngựa quí bị đầu độc tuy là việc nhỏ nhưng xem ra bên trong còn giấu nhiều ẩn tình. Lão giám mã đã thuật lại mọi sự rất cặn kẽ. Thái Úy đã bí mật phái người đi kiểm soát thuyền bè qua lại trên bờ sông Nam Bình nhưng bóng kẻ gian vẫn mất biệt. Không bắt được thủ phạm thì làm sao truy tìm ra kẻ thù. Mà kẻ thù này là ai? Chúng giết một con ngựa chiến để làm gì? Mũi tên thù này từ phía nào bắn tới? Những câu hỏi buông lỏng không tiếng vang đáp lại, cứ cuộn khúc, uốn hình lưỡi câu treo lơ lửng bên đầu Thái Úy. Viên thái y bước vào đứng thu hình bên cửa lớn. Nhìn đôi mắt mất ngủ đỏ quạch và vẻ thất vọng chảy dài trên bộ mặt thểu não của thầy lang trẻ, Thái Úy ái ngại buông một câu lấy lệ: - Sao rồi, thầy vẫn chưa tra ra xuất xứ chất độc chứ? - Dạ, thưa… cái vốn y thuật non kém của hạ chức quả không sao đoán định nổi – Viên thái y cố lấy giọng quả quyết trình tiếp – may ra, người này thì có thể xác minh được. - Ai thế? -Dạ cụ Vũ tổng quản nhà ta ạ. Viên thái y nhận thấy ngay sự hiệu nghiệm của câu mình vừa nói. Nét mặt Thái Úy như giãn ra trước luồng gió mát. - Nhà thầy có con mắt khá tinh đời. Nhưng tiếc rằng hiện nay lão Vũ nhà ta không có mặt ở đây. Khi lui ra, viên thái y tưởng như con nghe bên tai một tiếng cười khẽ của Thái Úy. Quả là Thái Úy lúc này đang nghĩ về lão tổng quản và tâm trí ông thẫn thờ trìu mến quay về những mẩu chuyện xa xưa… Giọt nắng chiều hạ sáng chói xuyên chếch qua vai ông, bò dần lên bức tranh thủy mặc “Liễu mã” treo trên vách ván. Khi Thái Úy bất chợt để mắt đến giọt nắng đã kéo dài thành hình thuẫn chĩa cái góc nhọn vào ức hình con ngựa đang vươn cổ hí bên gốc liễu, Thái Úy bỗng thấy trong lòng đau nhói. Kẻ thù quả sâu hiểm. Hẳn chúng biết rõ Thái Úy nặng lòng với con vật như thế nào. Giết con ngựa, chúng đã đâm một nhát vào tình cảm của Thái Úy. Một ý nghĩ lóe lên. Như vậy, kẻ chủ mưu giết con Xích Long đâu phải là người xa lạ. Biết đâu lại chẳng quẩn quanh trong đám triều thần. Bất giác, trước mắt ông hiện lên bộ râu dài thẳng đuột trắng như cước rung rung vì cơn giận không nén được của quan tể chấp Lý Đạo Thành trong cuộc cãi vã tay đôi với ông bên ngoài điện Thiên Khánh – cuộc tranh luận gay gắt giữa hai vị tể thần xảy ra vào lúc trước giờ di thể tiên đế khâm liệm nhập quan, xoay quanh việc sẽ chọn ai lên cầm quyền chấp chính. Thái Úy muốn cử Thái Phi Ỷ Lan, còn Đạo Thành khăng khăng đòi tôn Thái Hậu Thượng Dương. Cuối cùng Đạo Thành gạt phắt lời Thái Úy, chặn đứng cuộc tranh cãi bằng một câu hỏi thẳng thừng: “- Vậy lão phu xin hỏi Thái Úy, trong buổi lễ cúng tiên vương, ai làm chủ tế? Ai quỳ chiếu nhất, ai quỳ chiếu nhì?” Thấy Thái Úy tắc lời, Đạo Thành bồi thêm: -“ Dòng nước không thể chảy ngược, mưa không rơi từ dưới đất lên trời, xưa nay tạo hóa đã an bài, sao Thái Úy lại muốn đảo ngược tôn ti ngôi thứ?” Lúc ấy ông đã muốn thét to lên: “Tôn Thượng Dương lên ngôi chấp chính, là tiếp tay cho một kẻ đố kỵ bất tài cắp quyền, loạn chính”. Nhưng ông đã ghìm được lòng mình. Ông im lặng lơ đãng nhìn ra con đường thẳng qua cầu Phượng hoàng đang ngập ánh nắng ôn hòa của buổi đầu xuân. Không phải ông e dè trước cái thần thế của vị cố mệnh đại thần này đang vững chãi như gốc cây cổ thụ sum suê trùm bóng trước sân rồng. Ông chỉ muốn tránh một cuộc cãi vã vô ích vì ông biết rõ tính cứng nhắc nổi tiếng của quan Thái Sư và không có một sức mạnh nào có thể kéo ông ta ra khỏi con đường quen thuộc. Nhưng quan Thái Sư Lý Đạo Thành lại là một con người chính trực, công minh. Chính Thái Úy cũng biết rõ điều này hơn ai hết. Con người ấy không bao giờ có thể hạ mình làm một việc hèn hạ. Dù chỉ thoáng qua một chút nghi ngờ, Thái Úy cũng thấy thèn thẹn trong lòng. Gạt phắt mọi ý nghĩ không vui, Thái Úy đứng lên, bước ra hiên ngoài. Cảnh rực nắng hè trên sông Nam Bình đập ngay vào mắt ông sững sờ. Vệt sáng hừng kéo dài phía chân trời tây, đánh một lượt phấn hồng rạng rỡ lên gương mặt dòng sông lặng lẽ, làm lấp lóa đôi cánh cò trắng phân vân đang tìm hướng bay. Ánh hồng quang ngùn ngụt tỏa sáng ra cả một vùng. Nó đậu lại kết thành những chùm hoa lửa hồng rực trên tầng lá rặng đào mọc ven sông tưởng chừng như mùa xuân chưa chịu đi còn nấn ná đợi chờ khách lạ. Chẳng hiểu người thời ấy còn gọi con sông này là sông Đào Hoa có phải vì hoa đào nở hay vì vệt ráng hồng thường thấy ở đây trong những buổi chiều tà. Một cảm giác đê mê thanh thoát xâm chiếm dần cơ thể làm Thái Úy nghẹn thở. Đã một lần ông bắt gặp cảm giác này cũng vào một buổi chiều khi ông ngắm cảnh núi An Hoạch ở Châu Ái. Đứng dưới thôn Duệ nhìn lên, hòn núi đá quí ấy ánh sắc ngọc lam, quyện lại trong tia nắng nhạt, nghi ngút tỏa một màu xanh khói hương mờ ảo. Và mỗi lần đứng trước cảnh đẹp thiên nhiên, lòng ông lại thấy dâng lên một niềm tiếc rẻ bâng khuâng. Ừ nhỉ, giá ta mang được cảnh đẹp này về cho bàn dân thiên hạ cùng chiêm ngưỡng. Có lẽ ông thông hiểu được hơn ai hết những sợi dây sinh hóa bí ẩn giữa cảnh đẹp thiên nhiên với vẻ đẹp tâm hồn con người. Mải nhìn cảnh đẹp, Thái Úy không nghe thấy tiếng vó ngựa dồn dập đến gần rồi tiếp theo tiếng chân người hấp tấp bước lên bậc thang gỗ. Khi ông quay lại thì đã thấy Hạnh Hoa đứng lừng lững giữa nhà. Thấy mặt con gái nuôi, ông hấp tấp đi lại định làm một vài cử chỉ quen thuộc nhưng ông bỗng dừng bước. Không phải vị bộ nam trang phủ bụi đường xa khoác trên người cô gái làm ông chững lại. Mọi cung nữ kể cả những người cận kề của Thái Phi Ỷ Lan đều bắt buộc phải vận nam trang. Ý muốn oái ăm này lâu ngày đã trở thành thông lệ. Ông ngạc nhiên vì lần đầu tiên ông phát giác trong đứa con gái yêu của ông một cái gì khác lạ. Đứa con ấy, ông nuôi từ lúc nó mới lên năm. Số phận dun dủi ông gặp nó trong một trường hợp kỳ lạ. Cách đây non một giáp, ngày ông đi kinh phỏng Ái Châu, dẹp giặc Lữ Long, trên đường về ông nôn nao muốn ghé qua Tượng Châu, thăm lại ngôi nhà quán xá nơi cha ông mất. Lúc ông đặt chân vào quán xá thì đằng sau ông, ánh tím hoàng hôn còn đốt sáng những chồi non tua tủa trên gốc bàng khẳng khiu mọc ở trước sân. Ông đứng nhìn năm gian nhà hoang vắng thống thênh, cột kèo xiêu vẹo. Chính trong căn nhà này, bố ông bị bạo bệnh đã qua đời trong một chuyến đi kinh lý vùng Thượng. Lúc ấy ông mới 12 tuổi. Hình dung cảnh bố chết không một ai thân thích bên mình, ông không nén được một tiếng thở dài. Bầu không khí im ắng hắt hiu của vùng sơn địa như loãng ra rồi đọng lại trong người ông. Đột nhiên ông có cảm giác mường tượng như có cặp mắt nào đang vụng trộm theo dõi ông trong bóng tối. Và ngay đúng lúc ông quay lưng bước ra thì đột nhiên có tiếng sột soạt ở một góc nhà. Ông vội quát to “kẻ nào đấy?”. Đáp lại tiếng ông là một hình thù nhỏ bé chui ra từ gậm giường lững thững đến trước mặt ông. Nhìn kỹ mới thấy đó là một đứa bé trên mình chỉ độc phong phanh một chiếc áo cộc, mặt mũi nhọ nhem, mạng nhện đầy đầu đầy cổ. Màu rừng núi phảng phất ánh lam của buổi chạng vạng chiếu hắt vào làm da mặt đứa bé xanh lướt, đôi mắt mở to ráo hoảnh không một chút hoảng sợ, sáng lên một cách kỳ dị. Ông ôn tồn hỏi: “Cháu tên gì?”. Im lặng. - Bố cháu ở đâu mà để cháu thế này? - Bố chết rồi. - Thế còn mẹ? - Mẹ chết rồi. Đôi mắt ráo hoảnh lại trân trân nhìn ông. Bỗng trong một lúc tiếng dế, châu chấu nhạc sành chung quanh nhà cùng tấu lên một điệu kèn rền rĩ. - Cháu không còn ai hết à? Đứa bé lắc đầu. Sau này ông mới biết cả người nhà em bé đều bị giặc Lữ Long giết sạch. - Thế nhà cháu ở đâu, bác đưa cháu về. Đứa bé đưa tay chỉ vào cái giường ở góc nhà. Ông bỗng thấy lạnh cả người. Trên chiếc giường ấy, năm xưa bố ông đã trải qua những giây phút cuối cùng. Một niềm xót xa thông linh đến chẹn ngang cổ họng ông. Ông dịu giọng bảo: “Không còn ai nữa thì cháu về ở với bác nhé”. Đứa bé vẫn đứng nguyên, đôi mắt mở to, lặng lẽ nhìn ông. Hình như ông còn kịp thấy một giọt nước mắt ứa ra lấp loáng trong ánh hoàng hôn sắp tắt. Đến bây giờ ông cũng không hiểu có sức mạnh nào đẩy bước chân ông nhích lại gần phía con bé và cũng không nhớ rõ từ lúc nào con bé dang hai tay quàng lấy cổ ông. Ông ẵm chặt con bé vào người và cứ thế lững thững bước ra khỏi quán xá đi thẳng một mạch về dinh. Lúc ấy, từ mặt đất bóng tối dâng lên mù mịt và những cánh dơi từ những cột tre mục ngung nguẩy kéo ra bay vun vút qua trước mắt ông. Không biết có phải vì cây hạnh ở đầu hè vừa mới trổ bông mà Thái Úy đặt ngay cho đứa con nuôi của mình cái tên Hạnh Hoa. Một sự xui khiến vô hình nào đã gắn chặt tình cảm giữa hai bố con ngay từ những phút đầu. Suốt ngày, con bé quấn quít bên bố và tỏ ra nhất mực thương yêu; hiếu thảo. Đáp lại tình thương ấy, ông đã tự tay chăm sóc nuôi dưỡng con bé nên người. Sự có mặt của Hạnh Hoa xua tan dần bầu không khí tẻ lạnh và đơn độc dưới mái nhà của Thái Úy. Mỗi lần tan chầu về, ông vụng về đặt tay lên chỏm đầu xinh xắn xoa xoa vài cái, một cử chỉ biểu lộ tình thương gần như độc nhất của ông đối với con gái yêu. Và bao nhiêu bực dọc ngang trái nơi chốn triều quan theo cái xoa tay ấy bỗng như bay biến. Hạnh Hoa đã đem đến cho ông một nguồn an ủi vô giá. Cuộc sống hoạn quan danh thần khô khốc của ông sừng sững một mỏm núi đá trơ trụi, bỗng như có thêm bóng mát và tiếng chim. Cuộc đời đầy nhiệt huyết của người tướng soái xả thân vì nghiệp lớn lâu nay như dòng sông chảy xiết bỗng có thêm phù sa lắng đọng láng ướt đôi bờ. Có lẽ chính vì vậy mà Thái Úy quí Hạnh Hoa như châu ngọc. Nếu như đối với bản thân, ông khắt khe bao nhiêu thì đối với Hạnh Hoa, ông lại cưng chiều bấy nhiêu. Đi đâu ông cũng mang bé Hạnh theo kể cả lúc vào triều nội. Hạnh Hoa muốn gì được nấy. Ông vời một vị tăng quan ở chùa Thiên Vương đến lo việc dạy chữ cho con. Nhưng Hạnh Hoa còn muốn theo đòi nghề võ. Thấy nét mặt Thái Úy hơi nghiêm lại, Hạnh Hoa nhảy sà vào lòng bố nũng nịu: “- Thế cha chẳng nói thời này là thời chuộng võ đấy sao?” Thái Úy nhớ lại tuổi thơ côi cút khi ở với bà cô ruột của mình cũng có lần đã đòi cô cho theo nghiệp võ để đi xa vạn dặm, lập công với nước nhà, làm rạng danh cha mẹ. Nghĩ đến đây, ông nhìn con gái cười xòa. Thế là có thêm võ sư đến nhà dạy Hạnh Hoa luyện nghề cung kiếm. Hạnh Hoa khôn lớn như cái cây gặp mưa thuận gió hòa, vươn thẳng mọi cành lá chưa hề biết qua mùi giông bão. Cuộc sống hồn nhiên không gò bó ấy đã sớm làm nảy nở tư chất thông minh hiếm có của cô bé. Đồng thời tính cương nghị, thẳng thắn có đôi chút ngang bướng cũng sớm hình thành rõ nét. Nhưng có điều lạ là cái nết phóng khoáng ngang tàng này ít thấy ở các tiểu thư con quan, lại được Thái Phi Ỷ Lan ưa thích và tán thưởng. Chả vậy mà cách đây hơn một năm, Thái Phi đã ngỏ lời với Thái Úy cho phép Hạnh Hoa thỉnh thoảng được vào cung cùng bà bầu bạn. Mặc dù con gái đã khôn lớn, trong con mắt tình cảm của Thái Úy, Hạnh Hoa bao giờ cũng vẫn là bé Hạnh của ông. Thấy mặt con, ông định bước lại mắng yêu con vài lời, sao thân gái lại xông pha sương nắng, không biết giữ gìn sức khỏe, chỉ làm theo ý thích ngông cuồng của mình… để bày tỏ sự chăm sóc quan tâm thường lệ của ông. Nhưng nhìn lại, trước mặt ông là một thiếu nữ rắn rỏi, đôi mắt sáng kiên nghị, tư thế dũng mãnh chẳng giống chút gì với một bé Hạnh dại dột luôn luôn cần để mắt tới. Điều đó làm ông bối rối mất đi phong thái đàng hoàng uy nghiêm thường có ở ông. Bất giác, ông nhìn vào những ngón tay đang xòe ra của mình. - Hạnh con, con lên đây làm gì mà không báo cho cha biết trước? - Dạ, thưa cha, con lên đây trước là thăm sức khỏe của cha… Biết chuyện vấn an chỉ là một cái cớ, ông cười phá lên: - Con có biết trong triều mọi người đều ngạc nhiên về sức khỏe của cha không. Suốt mấy chục năm nay, cha chưa hề đau ốm. Hạnh Hoa nhìn cha nửa ân cần nửa trách móc. - Thì cha chẳng vừa ốm khỏi đấy sao – Giọng cô trở nên tha thiết. Cha ơi! Cha tuổi già mà lên chốn núi non nắng gió này lòng con trẻ làm sao yên được. Dáng chừng để che giấu sự xúc động của mình, ông khoác tay vui vẻ: - Ừ, thì là con lên đây trước, để thăm cha, còn sau nữa là gì nào, con nói tiếp đi. Hạnh Hoa dừng lại một chút rồi nghiêm trang đáp: - Sau là Thái Phi nhờ con chuyển lời thăm hỏi cha và mời cha về kinh sư gấp. - Không được, không được đâu. Con hãy về bẩm lại với Thái Phi rằng ta đang quân vụ bận thân, làm sao bỏ dở chừng mà về ngay được. Hạnh Hoa vặn vẹo hai bàn tay đến khốn khổ. - Trời, cha! Cha đừng nói thế. Giá cha biết được Thái Phi đang mong ngóng cha từng khắc từng giờ thì chắc cha không nỡ lời từ chối thỉnh cầu của Người. Cha ơi! Hoàng hậu Thượng Dương vừa ra dụ cấm Thái Phi dự bàn việc triều chính. Thái Phi đang lo buồn vật vã, một ngày ba lần chạy đến cung Long Đức để gặp Thượng Hoàng Thái Hậu. Bà Kim Thiên họ Mai, mẹ đẻ của vua Lý Thánh Tông hiện là Thượng Hoàng Thái Hậu, người duy nhất trong cung mà Hoàng Hậu Thượng Dương còn e dè kiêng nể. “- Cha ơi! Cha mà không về thì con gái của cha còn biết ăn nói làm sao với Thái Phi?” Thái Úy thừa biết rằng Thái Phi không phái ai đi mà chọn Hạnh Hoa lên mời ông về triều là đánh vào điểm yếu tình cảm của ông. Ông nhìn kỹ Hạnh Hoa như để đánh giá lại mức trưởng thành của con gái, rồi nghiêm giọng bảo: - Con đã lớn rồi đấy Hạnh Hoa ạ. Lớn rồi thì phải biết nghĩ đến việc lớn. Con ngẫm lại xem, mỗi lần ở nước ta khi có vua lớn băng hà mà vua con còn nhỏ dại là kẻ láng giềng phương bắc bắt đầu nhòm ngó. Chuyện vua Đinh ở triều trước đây là chuyện nhãn tiền… Ông muốn nói nhiều cho Hạnh Hoa biết rằng vua Tống Thần Tông mới lên ngôi cách đây bốn năm là ông vua trẻ có nhiều tham vọng, rằng vị tể tướng Vương An Thạch có tài kinh bang tế thế, rằng trước đây vì ngại uy vũ của Tiên Đế nên họ chưa dám gây sự can qua. Ông muốn giảng giải cho Hạnh Hoa thấy rõ hiểm họa xâm lăng sắp đến. Nhưng ông nín bặt. Hình như bỗng dưng ông nghe có tiếng cười nghẹn bật ra trong cổ họng con gái. - Sao lúc nào con cũng có thể cười được thế? Hạnh Hoa kêu to lên: “Không! Không phải đâu, cha ơi! Con đâu dám cười cha. Chỉ vì con nghĩ đến câu nói của Thái Phi trước lúc con đi mà không nín được cười”. - Thái Phi nói gì? - Dạ, Thái Phi bảo, cha em cứ mải lo việc lửa xa mà quên lửa bếp nhà đang bốc cháy. Lửa bếp nhà! Không phải ông không biết chuyện lục đục từ lâu giữa hai bà Hoàng. Nhưng thân ông làm tướng soái phải biết nhìn ra bốn cõi. Ông phải trù liệu được việc nhỏ việc lớn, việc trước việc sau chứ không thể hồ đồ được. Hơn nữa, trước khi ra đi, ông đã dặn dò cặn kẽ quan Đô Tri Lưu Khánh Đàm, người thân tín của ông hiện đang coi sóc mọi việc ở nội đình. - Bếp nhà cháy thì đã có quan Đô Tri dập tắt lửa! - Dạ, thưa cha, chính chú Đàm cũng nhờ con thưa lại với cha rằng cha nên về ngay thì mới kịp. - Có thật thế không? – Ông buột miệng hỏi nhưng vừa hỏi xong ông thấy ngay là thừa vì ông biết tính con gái ông không bao giờ nói dối cha. Ông nhìn vầng trán thanh khiết rịn mồ hôi của con gái: - Thôi, việc đó ta sẽ tính sau, trước mắt là con hãy vào hậu dinh tắm táp thay quần áo rồi nghỉ ngơi cho lại sức. - Không! Cha phải hứa với con cơ! – Vừa nói, Hạnh Hoa vừa quì thụp xuống sàn nhà – Chừng nào cha chưa hứa với con một lời thì con vẫn còn quí ở đây cho tới sáng. Đã từng quen với nết ương bướng của con, Thái Úy đành vội vàng bước lại kéo Hạnh Hoa đứng lên. -Thôi được, cha hứa, cha sẽ về ngay mà. Hạnh Hoa vừa lui vào nhà sau thì đã thấy bóng viên thái y thập thò ở cửa trước. - Gì đấy? Thái Úy quay mình lại hỏi. - Dạ, bẩm Thái Úy, đã truy ra nguồn gốc chất độc ở máng ngựa ăn rồi ạ. - Thầy khá lắm. Được tiếng khen, thầy lang trẻ thấy thẹn đỏ mặt, hối hả thanh minh: - Dạ, không ạ! Dạ, không phải cháu ạ mà chính là cụ tổng quản ạ. - Vũ Nhi về rồi à? Về từ lúc nào? - Dạ, cụ Vũ về cũng đã khá lâu. Trước lúc cùng với lão giám mã ra bờ sông, cụ Vũ dặn cháu lên báo ngay kết quả cho Thái Úy rõ. Dạ, theo cụ Vũ thì chất độc này rút ra từ bã đậu khấu trộn lẫn với một loại nấm đỏ cực độc thường xuất hiện ở nước Thổ Phồn. - Ở Thổ Phồn ư? Thái Úy như tự hỏi mình. - Dạ, ở cả miền Bắc nước Đại Lý nữa ạ. Chi tiết sau của viên thái y không làm suy suyển chút nào sự xét đoán của Thái Úy. Như vậy chỉ có người Tống mới có loại độc dược này và mũi tên thù này bắn tới từ phương Bắc. Nhưng chẳng lẽ kẻ kia lại báo động trước cho ta biết mà phòng bị ư? Dù sao thì Thái Úy cũng thấy việc ông tiếp tục chuyến thị sát này là cần thiết. Ông còn phải đi đến Vạn Xuân, duyệt lại đội thủy binh và bố trí kiểm soát nghiêm ngặt con đường nước từ Đông Kênh đến sông Bạch Đằng. Lửa xa à! - Thái Úy lẩm nhẩm – không xa đâu, nó đang đến sát đấy, nó đã đốt chết con ngựa chiến yêu quí của ta rồi. Trong một thoáng giây, Thái Úy bỗng thấy tự trách mình về sự mềm lòng trước lời thỉnh cầu của con gái cưng.