Lan

    
húng tôi có cái tật chung là ai cũng nói nhanh, nhưng người giữ vô địch là Lan. Ngay với chính tôi khi nói chuyện với Lan, nhiều lần hết sức chú ý mà hiểu không kịp. Lan không những liếng thoắng mà hễ khi kể lại một chuyện gì lại còn dùng điệu bộ dáng mặt... Nếu Mẹ tôi cười không phải chỉ bằng miệng mà cả người thì Lan cũng diễn tả không những qua lời nói mà đôi mắt to sếch lúc sáng lên, lúc nheo lại ranh mãnh, chiếc mũi nhỏ chun vào chế riễu, đôi môi cong lên, mím lại còn gợi cảm linh động không kém những câu nói liên tiếp của Lan.
Tôi đã có lần thốt lên, nửa kinh ngạc nửa thú vị. Lan trông thật giống một con mèo!
Quả thật cô em gái của chúng tôi có tất cả những bí mật và đáng yêu của loài vật lông mượt óng, chân êm như nhung và dấu móng sắc đó. Sống trong gia đình, Lan tuy cười nói nhiều nhất, hay chọc ghẹo mọi người - nhất là những bạn trai si tình của Liên - luôn luôn hoạt động, không để yên chân tay mồm miệng nhưng có lúc tâm tình thay đổi, đương vui chợt buồn một cách bất ngờ. Chẳng hạn đương lúc mọi người quây quần quanh một bộ trà, chuyện nổ như ngô rang thời Lan tự nhiên thừ người, vẻ mặt buồn rười rượi, hỏi không đáp, gọi không buồn thưa và rồi mắt rưng rưng. Thật trời hiểu!

Theo ba tôi những giọt nước mắt chợt xuất hiện một cách vô duyên đó chỉ là kết quả của “Chắc Lan nó yếu gan. Cần phải mua thuốc bổ cho nó uống”. Tuy ông không giải thích tại sao yếu gan lại hay khóc, ông vẫn không chịu thay đổi ý kiến và mua cho Lan một lô vi-ta-min.
Thân hình Lan tuy gầy, mảnh mai, nhiều khi nằm ngủ say hay xem sách quay mặt vào tường, tôi và Du vẫn tưởng lầm là Tuyết hay Liễu, nhưng Lan rất sợ uống thuốc, lấy cớ:
- Cổ họng Lan bé lắm. Nuốt thuốc không vào.
Phải chứng kiến Lan mỗi buổi sáng mắt nhắm lại, tay bịt mũi uống đến ba bốn chén nước đầy mới nuốt trôi được một nửa viên thuốc, Sơn bực mình dằng lấy ống thuốc, đổ ba viên ra bàn tay bỏ lọt vào miệng nuốt chửng ngon lành không phí đến một ngụm nước. Kỳ công đó của Sơn không làm ai ngạc nhiên vì cổ họng của Sơn còn nuốt nổi nhiều thứ khó hơn nhiều. Bữa cơm nào nhà thiếu món ăn, Sơn chạy sang cửa hàng tạp hóa bên cạnh nhà mua hoặc một chai limonade, nước cam vàng hay đỏ chan vào cơm, trộn với một tí đường và ăn thêm được dăm ba bát cơm trước những cặp mắt kinh ngạc của mọi người.
Lan rất thích mèo. Nhà tôi hiện nuôi một đàn mèo và bốn con nhỏ. Lan chưa cho thế là đủ. Một hôm đi học về, Lan để cặp xuống và trước những con mắt tò mò của mọi người và khó chịu của ba tôi, Lan từ từ lôi trong cặp ra một con mèo nhỏ đen tuyền.
Con mèo kêu:
- Meo
Ba tôi càu nhàu:
- Hừ lại mèo! Nhà cứ như là vườn bách thú
Lan thản nhiên kể:
- Lan thấy nó đứng kêu trên hè tội quá nên tóm ngay lấy cho vào cặp
Sơn kêu:
- Thế là chị Lan ăn cắp rồi. Biết đâu mèo người ta nuôi lạc đường.
Lạc hay không lạc Lan đâu quan tâm. Chỉ biết khi Lan đi trong nhà thường dăm ba con mèo theo hầu.
Trong gia đình chỉ Lan gọi mèo mới tới. Chúng tôi gọi đùa Lan là “công chúa mèo”.
Khi ngồi khâu, Lan nói chuyện với mấy con mèo quay chung quanh như nói chuyện với người. Chúng tôi bảo nhau già Lan cũng dùng cái giọng âu yếm trước mấy chú mèo đó với các ông bạn của Liên và của chính Lan, chắc các ông sẽ sướng mê. Lan ấp ủ mộc ước vọng vừa ngây thơ, vừa nên thơ là một đêm nào đó, con mèo Lan yêu sẽ cất tiếng nói chuyện với Lan, giọng ỏn thót và thanh tú, nhưng Lan không chịu nói rõ Lan có mong mèo sẽ biến thành một chàng hoàng tử đẹp trai hay không.
Một hôm con mèo nhỏ tam thể Lan ưa nhất ốm, người nó chỉ còn là một nắm lông nhỏ run lẩy bẩy.
Đến bữa cơm được biết trong nhà có con mèo ốm, ba tôi kêu lên:
- Đem vứt nó đi chứ! Giữ nó làm gì...
Đương ấm ức sẵn Lan quẳng đũa bát nước mắt trào ra, vừa rời khỏi mâm cơm vừa nói:
- Ác! Ác! Mọi người ác lắm... mặc kệ Lan với con mèo của Lan.
Ba tôi hỏi me tôi, ông không thể ngờ nguyên nhân khiến Lan bỏ cơm chỉ vì một con mèo:
- Lan làm sao thế? Đau bụng hả?...
Sơn thưa ra muốn giúp Lan, nó gọi với theo:
- Chị Lan! Để Sơn đập mấy cái cho nó chết nhé?
Lan quay phắt lại, tay cầm cái chổi cán dài và thiếu chút nữa là phang vào đầu Sơn, nếu mọi người không can kịp.
Sơn cười hí hí, đầu rụt lại:
- Chị Lan quay mặt đi, em chỉ đập một cái thôi cũng đủ.
Không chịu nổi, Lan òa lên khóc rất to khiến mọi người phì cười. Sau đó Lan đặt con mèo vào chiếc giỏ trải bông mang lên gác xép cho nó uống thuốc săn sóc suốt một buổi chiều, bỏ cả học. Ba tôi phải ký đơn xin nghỉ học cho Lan nên bực lắm. Ông gắt:
- Tao ký đơn lần này thôi đấy, lần sau mặc xác. Hừ! Còn đến gần một chục con mèo nữa đấy!...
Tối đến, Văn đến rủ mọi người đi xi-nê hết, chỉ còn tôi và Lan ở nhà. Dỗ dành thế nào Lan cũng chỉ lắc đầu và nhất định ngồi một mình trên gác xép với con mèo.
Từ lâu mới được một buổi trong nhà yên tĩnh, tôi ngồi viết lách ở bàn. Bỗng nhiên từ trên gác xép Lan thò đầu xuống gọi, giọng cấp bách:
- Anh Lam! Mau lên đây ngay! Anh.
Lên gác tôi thấy Lan quỳ trước giỏ đựng mèo, khuôn mặt nhợt nhạt và dáng mặt là lạ, mắt chăm chú theo dõi những cử động dật dật của con mèo.
Ngồi nhìn con mèo hấp hối được một chút bỗng nhiên Lan bảo tôi:
- Anh giết nó đi!
Tôi còn lưỡng lự, Lan đã giận dữ gắt cả với tôi:
- Không nhưng gì hết!... Anh giết nó đi!...
- Cũng được. Nhưng Lan quay mặt đi hay đi xuống nhà rồi anh liệu.
Lan có vẻ sợ hãi nhưng vẫn bướng bỉnh lắc đầu. Trước đôi mắt van lơn của cô em gái thường khi vui như chim, vô tư như một con sóc nhỏ, tôi đành chiều Lan. Khi con mèo tam thể hết hẳn run rẩy trong tay tôi, Lan òa khóc một trận nữa. Để an ủi Lan, tôi mặc quần áo và đưa Lan đi xem chiếu bóng ngay sau đó. Từ hôm ấy trở đi nàng công chúa mèo của chúng tôi không yêu mèo như ngày xưa nữa. Cô em gái bé của tôi đã trở thành một thiếu nữ và bắt đầu chú ý đến các bạn trai hơn các loài vật bốn chân hay kêu meo meo.
Tôi và Du nghĩ rằng Lan đã lớn. Khi tôi dẫn Lan đi phố, các cậu con trai bắt đầu chú ý nhìn theo cô gái đi cạnh tôi, phục sức sềnh soàng, làn tóc dài dần chấm đất, chân đi dép thấp và những cử động phảng phất vẻ cứng cỏi của những cô bé còn quen thuộc với những trò nhảy dây, chạy đuổi. Khác hẳn Liên khi có ai nhìn, Lan không chớp mắt lấy điệu hoặc giả vờ kiêu kỳ làm như không trông thấy ai, trái lại trừng mắt nhìn thẳng không chớp mắt vào mặt các cậu trai. Liên thường trách Lan:
- Lan kỳ quá! Ai lại trừng mắt lên nhìn mọi người là thế nào. Con gái phải dịu dàng chứ!
- Thế chị muốn Lan nhắm mắt lại à?
- Không phải thế! Nhưng ít ra Lan hoặc phải hạ rèm mi xuống một chút, hoặc nhìn thẳng trước mặt...
- Hạ mi xuống mấy lần thì vừa hở chị?
- Lan ngu lắm! Chẳng biết gì cả...
- Em chỉ biết bắc chước chị, chị gặp ai cũng hạ mi xuống chớp chớp thời chẳng mấy lúc.
Liên cáu:
- Mấy lúc sao?
- Đau mắt chứ sao?
Liên chỉ còn biết thở dài ngán ngẩm trước thái độ bất cần đời, thiếu nữ tính của Lan.
Tuy đã lớn, Lan vẫn giản dị về trang điểm, phục sức như hồi nhỏ. Đi đâu Lan mặc áo mầu gì cũng được không băn khoăn như Liên là sáng, nắng, tối, mưa phải mặc “ton” nào cho hợp. Những hàng tôi và Du mua bắt Lan may cũng khá nhiều nhưng nếu Lan mặc áo đẹp thời hình như chỉ cốt để làm vui lòng mọi người chứ không phải vì thích ăn diện để tôn sắc đẹp.
Sắp đi đâu, Lan hay lo lắng hỏi:
- Anh! Lan mặc áo này nhé? Không được à? Thế Lan mặc áo nâu vậy!
Tôi thích những màu nóng như màu vàng, nâu, beige, còn Du trái lại ưa những màu chìm, xanh lục, lam, tím nên Lan chia những áo của mình thành hai loại “áo anh Lam”, “áo anh Du” và chiều mỗi người một lần.
Còn đi đâu với Liên, Lan khỏi phải lo mặc áo màu gì vì Liên còn mải tìm mầu cho hợp với... da Liên, đâu thèm để ý đến Lan.
Ngay đến mái tóc của Lan cũng không được mọi người để yên. Cả trường Trưng Vương chỉ còn Lan là cô gái độc nhất để tóc dài rủ xuống sau lưng. Chúng tôi không chịu để Lan uốn tóc. Nhất là Liên, vì Liên bảo ban đêm khi Liên chập chờn nửa thức nửa ngủ, Lan ngồi cạnh tóc dài che phủ cả người như một cô gái liêu trai đẹp lắm. Cắt phí đi mất. Còn Du mỗi khi chụp ảnh bao giờ cũng bắt Lan xõa tóc ra để rủ xuống ngực hoặc quấn quanh cổ cho giống một bức tranh Nhật cổ.
Nhưng Lan, “cô gái liêu trai”, “bức tranh Nhật” không thú vị chút nào, luôn luôn kêu ca trời nực quá sức, tóc dài vừa nặng vừa rức đầu. Hễ khi Lan dọa đi phi-dê, cả nhà xúm vào can, Lan lại thôi.
Cho đến hôm chính tôi sau khi ngồi ngắm khuôn mặt Lan một lúc, đột nhiên, đề nghị:
- Lan! Chiều đi cắt tóc ngắn đi! Không chừng ngộ đấy!
Lan nghi ngờ hỏi vặn:
- Cắt tóc ngắn? Anh Lam hôm nay làm sao thế? Loạn óc hả?
Tuy thế mãi đến hơn một tuần sau Lan mới được phép bước chân đến một hiệu uốn tóc, vì còn phải chờ mọi người quyết định xong xuôi kiểu tóc Lan sẽ uốn. Suốt ngày mọi người thi nhau làm tội Lan. Du bắt Lan quấn tóc lại từng cuốn dài theo kiểu “Lạp xường Ăng Lê” tôi đưa ra kiểu “cong ra ở trên cụp vào ở dưới”, còn Sơn nó chỉ có một ý kiến là Lan nên uốn theo kiểu Răng-xà-Beng (Jean Saberg là tên một tài tử có cái đầu húi rất ngang tàng giống con trai) vì theo ý Sơn kiểu đó vừa mát vừa đỡ tốn tiền uốn lại.
Đến hôm Liên dẫn Lan đến hiệu uốn tóc, chính Lan là người lưỡng lự ngại ngùng. Lúc đó chắc Lan mới thấy tiếc bộ tóc dài và trái ngược thay, mọi người phải xúm lại khuyên nhủ Lan mới chịu ra khỏi cửa nhà.
Ở hiệu uốn tóc về, vừa trên xe tắc xi bước xuống. Lan chạy thẳng một mạch vào phòng riêng, đầu trùm một chiếc khăn san kín mít không để hở một sợi tóc và ở lỳ trong phòng không chịu ra.
Hỏi, Liên kể:
- Đến hiệu Lan bắt đầu rưng rưng nước mắt và khi người thợ lấy kéo cắt mớ tóc đầu tiên Lan khóc và khóc hoài cho đến khi uốn xong.
Sơn tò mò:
- Thợ họ bảo thế à?
Liên ngạc nhiên:
- Bảo gì?
- Họ bảo chị Lan phải khóc khi đang uốn tóc.
- Sơn chỉ vớ vẩn. Im đi!
Sơn im, nhưng từ đó trở đi nó có thành kiến là hễ uốn tóc các cô phải khóc thật điệu, chẳng khác gì ra đường phải bôi lem nhem son phấn vào mặt.
Về bếp nước khâu vá, Lan hơi vụng, không khéo tay như Liên, nhưng được cái rất chịu khó giúp me tôi dọn dẹp nhà cửa, làm bếp chứ không lười như Liên. Đã có lần Lan hỏi:
- Me ơi! Làm thế nào đun nước biết nước sôi già?
Mẹ tôi chưa kịp đáp Sơn đã nhanh nhẩu đáp:
- Chị cho tay vào thử thì biết ngay chứ khó gì!
Dọn dẹp nhà cửa đối với Lan là một công việc nhẹ nhàng vì Lan chỉ việc cầm một cái chổi phất trần theo sát me tôi. Hễ me tôi mắng:
- Sơn! Sao không để mấy cái kim này lên bàn sách. Lan! Củng cho nó mấy cái.
Lan cầm cái phất trần và nhân danh me tôi củng vào đầu Sơn một cái giúp me tôi.
Khi me tôi càu nhàu:
- Gớm mấy cậu con trai lớn rồi mà còn cẩu thả. Áo với quần vứt bừa bãi cả ra nhà.
Lan nheo mũi lại phê bình một câu:
- Gớm bừa cà ra...
Đoạn Lan cứ thế, nách cặp phất trần, tay một cuốn sách vừa đi vừa đọc và lẽo đẽo theo me tôi cho đến khi me tôi dọn dẹp xong.
Vào một buổi sáng đẹp trời, me tôi hơi mệt Liên phải làm cơm thay, Lan đi chợ. Lần đầu tiên đi chợ một mình (không kể Tuyết, đi theo cầm làn và Liễu... giữ tiền hộ), Lan cẩn thận ghi tất cả những món me tôi dặn vào một tờ giấy dài, chia ra từng mục và tiểu mục như khi làm bình luận luân lý ở lớp. Lan yêu cầu Liên cuốn tóc cao lên phía sau gáy hộ, để trông cho vẻ người lớn một tý. Du còn xui Lan mang theo cái cân thịt của me tôi và... một con mèo. Để mèo mặc cả hộ Lan, Du giải thích như vậy. Lan tức lắm nói móc anh:
- Anh chê em không biết mặc cả phải không? Sao anh không nhờ nàng keeng-keeng đi chợ hộ nhà mình. Nàng của anh cân thuốc giỏi chắc cân thịt cũng giỏi.
(Keeng-keeng là tên hiệu chúng tôi đặt cho Thủy, người tình bé nhỏ của Du. Thủy đang học dược khoa và vì một ngày kia sẽ trở thành bà dược sĩ, làm chủ một cửa hàng thuốc tây, ngồi ở két thu tiền - cái mày thu tiền hễ ấn nút bỏ tiền vào là kêu lên những tiếng keeng-keeng vui tai, nên Thủy mới có cái tên ngồ ngộ đó).
Du cười xì xì đôi mắt to chớp chớp. Hắn ta chỉ ngượng ngùng khi mọi người đả động đến những cuộc tình duyên của hắn. Nhưng vì mặt hắn quá đen nên nếu hắn có đỏ mặt cũng khó mà đoán biết được.
Lan, Liên thường bảo nhau có lẽ khi Du e thẹn, mặt anh ấy đen thêm thì có.
Tôi và Du ra đứng cửa nhìn theo Lan đi tong tả, tay cầm khư khư tờ giấy dài ghi các thứ sẽ mua như bùa hộ mệnh. Tuyết, Liễu kèm chặt hai bên. Du thở dài mặt đăm chiêu bảo tôi:
- Lan lớn đến nơi rồi! Càng ngày nó càng xinh ra. Không biết giờ nó biết yêu nhỉ? Chắc còn lâu, vì hiện giờ nó chưa hề biết đỏ mặt khi tiếp bạn trai. Một người con gái chưa biết đỏ mặt dù sao vẫn còn là một cô bé. Lan có nói chuyện với anh nó để ý chàng nào không?
- Không
Du lại thở dài lắc lắc cái đầu:
- Thật đáng tiếc! Thật đáng tiếc lắm thay!
Tôi mỉm cười. Chúng tôi ai cũng quen thuộc với cái quan niệm “yêu cho lấy nhiều, yêu cho bằng được” của Du. Đối với Du tình yêu độc nhất là điều phi lý và ít nhất phải tính từ con số 10 trở lên. Hắn đã từng tuyên bố trước mặt các bạn của Liên:
- Tình yêu chỉ là những chiếc ga xép... xép dọc theo đường xe lửa và đàn ông là những con tàu chạy qua đỗ đây một tí, kia một tí...
Bỗng nhiên tôi vỗ vai Du:
- Du khỏi phải lo cho Lan. Anh chàng “trứng cá” đang theo sau Lan kia kìa.
Chàng “trứng cá” là một sinh viên trọ học cạnh nhà tôi. Hàng xóm láng giềng hàng năm trời, chàng phải đợi mấy ngày tết mới dám sang chúc tết gia đình chúng tôi. Khi tiếp chuyện Lan có khen: “Gớm cây trứng cá nhà anh sai quá”. Chàng ta ân cần và ngây thơ thốt lên “Thế thì hay lắm. Hôm nào tôi xin hái tặng cô Lan một giỏ”. Nói xong chàng ta ngượng nghịu cắn môi, trước ánh mắt chế riễu của chúng tôi. Mấy tháng sau không thấy chàng ta mang trứng cá sang biếu Lan, tôi thỉnh thoảng nhắc:
- Lan à! Có lẽ trứng cá của Lan nở thành cá rồi và đến mùa di cư chúng trở về nguồn hết rồi chăng.
Lan đi chợ từ tám giờ đến mười một giờ ba mươi mới về. Chúng tôi thấy Lan đi giữa Tuyết và Liễu, một tay ôm con vịt vào ngực như bế một em bé, mặt lấm tấm mồ hôi và hình như đang cãi nhau với Liễu. Lan vừa bước chân vào nhà, Du đã lấy ngón tay chọc chọc vào đầu con vịt:
- Này cậu vịt! Cậu phải biết nhiều người thèm số phận của cậu lắm đấy! Được cô Lan âu yếm ôm vào ngực thật sướng. Không tin gọi ông “trứng cá” sang mà hỏi.
Liên kêu:
- Sao Lan mua con vịt già thế? Mà sao không xách cẳng nó lên mà lại ôm vào lòng bẩn chết.
Lan tỏ vẻ bất bình:
- Thế ai xách cẳng chị lên chị có chịu không? Con vịt này mà già à! Lan đâu biết. Lan thấy mặt nó thông minh và có vẻ nghiêm trang nên mới mua đấy chứ.
Con vịt từ nãy giờ nằm im lặng trầm ngâm như một triết gia, lúc đó mới hé mắt buông một tiếng cạc cạc khàn khàn nghiêm trang một cách khôi hài khiến mọi người cười ồ.
Bữa cơm hôm đó chúng tôi phải ăn một bữa thịt vịt dai ghê gớm. Du bảo:
- Vì nó thông minh quá nên thịt nó mới dai.
Tôi thì đoán già đoán non:
- Lão vịt này chắc hẳn đã đỗ bằng xéc-phi-ca và đã làm lý trưởng và lấy đến mấy vợ.
Lan dỗi trèo lên gác xép nằm đọc truyện và đợi hàng xực tắc quen đi qua vào buổi trưa để ăn cho đỡ hận.