Một cái chết vô nghĩa

     nh ta bước xộc vào bếp, mắt ngước lên xà nhà. Mặt anh phờ phạc như là đã đánh mất đâu ba cục vía, một phần hồn cho ma xó rồi thì phải. Nhìn quanh quất một hồi, anh ta uể oải bước tới gở sợi giây buộc lòng thòng trên đầu gạt-măng-dê mà vợ anh thường dùng để treo bó hẹ hay mớ rau. 
Mân mê một hồi anh ta cằn nhằn: 
- Nhỏ thế này thì làm khỉ gì được! 
Rồi anh ta xụ mặt xuống, nặng như là có cục đá đeo thêm vào.
Con mèo đói từ hồi chiều kêu lên meo meo như khiêu khích, lại càng làm cho anh ta cáu kỉnh thêm. Nó vẫn kêu mãi chớ! Cái tiếng meo meo nghe thật là dễ ghét. Anh vớ cây củi, hăm hở rượt theo. 
Con mèo chạy nhanh hơn anh ta nhiều. Bất ngờ, anh vấp phải sợ giây mà vợ anh dùng để cột con heo đã trộng cảy. 
- Éc! Éc! Con heo la inh ỏi! 
- Ờ! Sao mà cái tiếng heo kêu lại êm tai đến thế! Nghĩ cũng lạ! 
Anh gặp được sợi giây rồi! À, có thế chớ. Sợi giây này bảnh quá. Anh nghĩ thế rồi cứ thấy lòng rối beng lên như tơ vò chín đoạn.
Vì anh sắp làm một đại sự đây. Thật vậy, anh ta tính treo cổ lên xà nhà chết phứt cho rảnh... 
- Ừ! chết phứt cho rảnh nợ trần gian. 
Anh tự nhắc cho lòng anh như vậy, không biết là lần thứ mấy mươi. 
Thật ra thì anh cũng biết rằng chết treo trên xà nhà, lủng la lủng lẳng, cái lưỡi thè lè, tứ chi xuông đuột, kể ra thì xấu xí quá. Nếu có tấm kiếng treo trước mặt, dễ thường anh cũng mắc cở chết đi! Nhưng không may cho anh ta là ở nhà bếp chỉ có bốn bức tường nám khói đen thui mà thôi! 
Anh quả quyết, quăng sợi giây lên xà nhà rồi cột chặt nó vào đó. Anh say mê làm việc ấy, hình như đã quyết tính phen này đi về bên kia thế giới tìm thiên đàng xem sao!
Rồi anh đánh một cái thòng lòng ở đầu mối giây thòng xuống: ở đây, anh đã định rồi, lát nữa sẽ chui đầu vào, rồi xô cái ghế dưới chân là xong hết, là vĩnh biệt cả cái đời khổ sở này, vĩnh biệt cả con chó con mèo, con heo và con vợ... 
Gió bên ngoài xào xạc thổi qua ánh nắng. Lòng anh nóng thêm. Con heo được thả lỏng vẫn kêu eng éc. Anh thấy vui vui tai, có lẽ chỉ có nó chứng kiến cái phút long trọng này của đời anh. 
Chiếc thòng lòng rỏ xuống bắt anh ta suy nghĩ. Coi nó giống như một cái dấu hỏi có vẻ kỳ quái. Dấu hồi ấy xen vào tâm trí đang lộn xộn của anh ta, như là gào lên mà hỏi: 
- Chết không? 
- Hay là không chết?
Rồi nó nhảy múa trong đầu anh như một bản Rumba có đèn đỏ vậy. Tần ngần vài phút giữa không khí nặng nề ấy, anh ta lắng tai nghe chín tiếng đồng hồ thong thả gò trên nhà. 
Vợ anh sắp về. Anh nghĩ vậy, rồi chặc lưỡi một cái mạnh, quả quyết nhảy lên ghế, chui đầu vào trong. 
Con heo lại kêu như vui mừng thấy chủ làm trò xiệc. 
Không biết có phải tại anh chưa tới số hay sao mà đã ba lần, cứ đạp cái ghế văng ra, là sợi giây đứt cái phịch, liệng anh lăn cù xuống đất, đau ê ẩm cả mình mẩy. 
Anh giận quá. Tính chết phứt cho rồi mà còn rắc rối mãi. Hồi sáng tính đi mua một sợi giây luột đề về chết cho ngọt, mà sờ lại túi, chẳng còn xu nào! Rầu! 
Bỗng có tiếng chú chệt mua heo rao eo éo ở ngoài cửa. Và con heo kêu eng éc nghe vui tai lạ! Thật là một bản hòa tấu hay quá, lạc vào tai anh.
Mắt ánh sáng lên. Miệng anh nở một nụ cười tinh ma. Thế là anh ta chạy bay ra cửa kêu «Chệt! Chệt» như một thằng vô giáo dục vậy. 
Một lát sau, chú lái heo dẩn con heo vốn liếng của vợ anh đi rồi, anh bỏ gấp vài trăm bạc vào túi, chạy vội vàng ra cửa như bị ma rượt. Đừng tưởng anh ta đi mua giây lượt về thắt cổ mà lầm! Anh ta lại đi sòng bài cào hay tài xỉu gì đấy!
*

*

Tên anh ta là Bồ, thứ năm. Người ta thường gọi là Cậu Năm Bồ. Cậu Năm là con một đại điền chủ ở Rạch Giá. Sanh ra trong ngưỡng cửa trọc phú, cậu có tánh xài tiền ngay từ hồi nhỏ. Âu cũng là luật thừa trừ của Tạo hóa dùng cậu làm đối tượng cái tánh bỏn xẻng của ông Huyện Hàm Tòng, cha cậu. Lớn lên, cậu xài tiền như đổ nước. Học hành bơ biếng, cậu chẳng bằng ai. Nhưng về ngón ăn chơi thì ít người theo kịp cậu. 
Góp lúa, bán lúa rồi ăn chơi, đó là lẽ sống của cậu từ khi được tự do sử dụng cái gia tài kếch xù của cha mẹ để lại. 
Ngồi không, ăn xài, đến núi cũng phải lở. 
Vừa đến năm loạn lạc nổi lên trên đất Việt thì cậu cũng gần thành thằng bạch đinh, chỉ còn sót lại một cái danh từ trống rỗng gần như mỉa mai: Cậu Năm.
Lang bạt đi tản cư chạy chết được ít lâu cậu trở về thành vào hàng nhanh chân nhứt. 
Trong thời hổn độn, vàng thau pha lộn, Cậu Nam Bồ nhờ vận may phất lên, giàu có được một độ. Giữa đám đồng bào nghèo rách vì thời cuộc, cậu Năm nổi bật lên với bộ cánh sang trọng và lối ăn xài huy hoắc. 
Mèo mả, cờ bạc, hút xách, ba bốn vách tường cậu ngã vào tuốt. 
Chẳng ai biết rằng cậu mấy vợ, cũng như không ai hiểu đêm nay cậu đánh giấc nơi nào. Đời cậu sống chỉ để mà ăn chơi trụy lạc, bất cứ ở thời đại nào. Nước mất hay còn, cậu không cần quan tâm làm gì! Sự mất còn của một dân tộc đối với cậu không quan trọng bằng sự hớt mớ tóc uốn quăn quăn trên đầu. 
Nhưng đã bảo cậu là kẻ vô tài. Giữa đám gà cậu có thể làm con phượng, nhưng giữa đám phượng, cậu chỉ là con gà che. Người ta về thành đàn đống, cậu thấy mình sa sút về tiền bạc. Rồi lại cơn nghiền nặng hút nhiều, và thua bạc đậm đà. 
Tiền bạc phù vân của cậu chẳng mấy chốc lại tiêu vào những trận cười suốt sáng, tiệc rượu năm canh, và mây khói phù dung, đồng tiền sấp ngửa. 
Và bây giờ cậu nghèo, ở nhà ăn bám người vợ sau cùng, mới theo về với cậu cách đây gần một tháng. 
Hôm qua, bán một bộ quần áo tuýt so cuối cùng được trăm bạc, cậu tính vào tài xỉu thử vận lần nữa xem nó có lên không. 
- Bất quá thua thì thôi, còn ăn thì lại tha hồ hút tràn mây gió. Cậu tự bảo cậu, hay lừa dối cậu như vậy. 
Con số đỏ đã bay đi mất hút trong đời cậu rồi. Bộ đồ cuối cùng ấy lại tiêu ma vào dăm tiếng hối a oan nghiệt.
Cậu thơ thẩn về nhà, chán đời nhứt trong những kẻ chán đời. Vợ cậu đi từ sáng sớm, nhà trống trải, lạnh quá. 
Đời cậu giờ này mới thấm thía buồn. Tiền hết, quần áo hết, nhà trống lổng, đời thật chỉ có một màu đen với cậu. 
- Hừ, còn sống làm gì nữa. Cậu lấy hết can đảm mà tự bảo thế. 
Mà không chết cũng không xong. Nợ nần như chúa chổm, biết trốn vào lỗ nào kín hơn dưới nắp quan tài. 
Thế là cậu tính chuyện thắt họng.
*

*

Mợ năm về nhà thấy mất con heo, chửi bới om sòm. Rồi không biết làm gì, bỏ cả cơm nước chẳng thèm nấu, mợ đi đánh bài. 
Và chiều ấy, cậu Năm, sau khi đã đốt cả con heo của vợ vào Tài Xỉu, bén mảng về nhà như con chó cụt đuôi. Cậu ngó trước ngó sau, lấm lét như tên ăn trộm rồi lại bỏ đi, lòng buồn như một bến sông lạnh, cuối mùa thu vắng khách... 
Đêm ấy giữa lúc mợ Năm đang vui với 20 cây bài tứ sắc bên hàng xóm, bỗng có tiếng súng nổ và tiếng chó sủa. 
Mợ cũng chẳng quan tâm làm gi, cứ ung dung đánh bài. Thời buổi loạn ly này, ai hơi đâu mà lo chuyện súng nổ. 
Đêm trôi qua nặng nề, trăng suông mờ lạnh thê lương như màu thế gian tang tóc.
Sáng hôm sau, khi mợ Năm về tới nhà, thấy xác cậu Năm nằm gục trên vũng máu trước hàng ba, viên đạn xuyên ngang ngực. Mợ rú sợ hãi, hô hoán lên. Một vài người hàng xóm vác bộ mặt lãnh đạm và sợ sệt chạy lại. 
Tay cậu Năm còn cầm một chiếc chìa khóa mới tinh giống in chìa khóa tủ của mợ Năm. Cũng là người thông minh, mợ hiểu ngay. Và tự nhiên thấy nổi giận, mợ tru tréo lên xỉa xói vào xác chết: 
- Trời ơi, lại tính về mở tủ của tôi! 
Thì ra đêm ấy, cậu Năm biết vợ cậu vắng, tính lẽn về đánh cắp ít tiền đi gở gạc bài cào mặc dầu lúc ấy đã giới nghiêm... 
Sự liều lĩnh đó đã đánh giá đời của cậu công tử ăn chơi trụy lạc ấy...
*

*

Mười bữa sau, mợ Năm trút bỏ khăn tang vào một xó tủ, trang điểm má hồng môi son, để lại bước sang thuyền khác. 
Cái chết của cậu Năm không làm cho ai để ý, mà cũng vô nghĩa đối với mợ. 
(BỊ KIỂM DUYỆT BỎ MỘT ĐOẠN)