Tám kẻ giang hồ

     răng sáng thật, song gió lạnh quá. 
Có lẽ vì bao nhiêu gió của những miền khói lửa dồn cả vào chốn rừng sâu thăm thẳm này, cho nên mới mùa thu mà khí lạnh đã đến sớm quá. 
Màu trăng trắng như sửa, mơ màng qua màn sương mỏng phản chiếu màu xanh đen của lá rừng đẹp và buồn như một bức tranh tang! 
Ngọn núi cao nhất đã biến mất trong chiếc áo sương. Chỉ còn mấy con đồi thâm thấp, ngồi im bên sườn núi, tựa hồ mấy con chiên hiền lành ngồi ngủ bên cạnh thảm cỏ xanh ngon, đã đổi thành màu đen của đêm, mặc dầu trăng Trung Thu đêm nay sáng lắm!
Đoàn người đi nối đuôi nhau, bây giờ đã đến đầu một cây cầu. Như một chiếc vòng cung, cây cầu sắt mảnh dẻ nằm vắt ngang một cái khe sâu thẳm tưởng chừng không có đáy. 
Có tiếng nước chảy róc rách đều đều, trộn với tiếng gió vi vu, tiếng lá xào xào, và văng vẳng tiếng thác mơ hồ đổ ở đâu xa... 
Một người trong bọn cất tiếng: 
- Cầu Pạch Hổ, anh em a! 
- Thế à? Vậy thì gần tới Thạch Kỳ rồi! 
- Đành vậy, song qua được cây cầu cheo leo này là cả một chuyến đi mạo hiểm và tốn thì giờ. 
- Thế kia à?
- Tôi đã mất người bạn đồng hành độc nhứt trong vực thẳm này đây! Thật là thảm khóc. 
Một người đang gật gù ở dưới gốc cây ở đằng chót đoàn, vói lên hỏi một cách nóng ruột: 
- Khó thế nào cũng mặc, ta phải qua đi chớ, miễn là còn được một thanh sắt nối liền hai bờ... 
Người mở lời đầu tiên trả lời: 
- Không còn thanh sắt nào nguyên vẹn cả! Nó gẩy rồi. Và sự gẩy đổ ấy đã có một lịch sử thật bị thương, nó đưa một chiếc xe hoa với cặp uyên ương xuống vực thẳm ngay trong ngày cưới... 
- Ồ, câu chuyện lạ nhỉ?
- Phải! Người ta bảo là số mệnh đấy. Hình như hai linh hồn chết yểu ấy linh thiêng lắm, cho nên dân vùng này còn nghe tiếng hát thê lương não nùng của họ trong những đêm tối trời hay mưa gió... 
Người ngồi dưới gốc lại nói: 
- Dẹp quách câu chuyện tơ tóc ấy đi anh Thái, ta hãy tính đến chuyện qua cầu để rồi còn tới quán Bông uống trà và ăn bánh Trung Thu thưởng trăng và giải lao chớ! 
- Tán thành ý kiến của anh Đồng! 
- Nào ta qua cầu! 
- Bây giờ phải tính thế này. Người nào có tài leo nhảy, nắm một đầu giây luộc, đi đến múc chỗ cây cầu gãy, nhảy một cái cho qua nhịp cầu còn lại ở bên kia rồi cột chặt đầu giây vào thành cầu. Anh em ở sau cứ việc đánh đu qua.
Một người bộ dáng còn trẻ trung đứng ngay dậy, tình nguyện:
- Tôi đi trước cho. 
- Anh Trung à! Tốt lắm... 
Như một đoàn khỉ vượn đi ăn đêm, 8 người lần lượt qua cây cầu Bạch Hổ cheo leo và rên siết ẻo ẹt dưới sức nặng của những người thân hình phốp pháp, lực lưỡng. 
Xa xa, tiếng thác mơ hồ vẫn đổ đều trong tiếng gió rì rào. Ngoài ra, rừng cây im lặng, tắm ánh trăng thu, huyền bí và vắng vẻ... 
2 giờ sau, đoàn người đã qua cầu. 
Họ lại lầm lũi lên đường rừng khúc khuỷu quanh co... 
Một người có óc hài hước bật lên nói:
- Bánh Trung Thu quán Bông của cô Sáu Lìn ngon lắm, ráng quên mỏi chân, anh em nhé! Chúng ta 8 người nhất định ăn chẵn 4 cái bánh... Phong lưu bỏ lúc phong trần mà. 
- Trà Long Chẻng với bánh Trung Thu, loạn ly này mà được hưởng của ấy, kể cũng may đấy chớ, anh em nhỉ...

*

* *

Trung Thu lại đến một lần nữa. Mười hai tháng nặng nề qua, trên giòng thời gian ấy lại ghi thêm bao nhiêu là tang thương nữa. Khói lửa xây thành trên đất nước, mù mịt cả quê hương. 
Trăng vẫn sáng và rừng vẫn còn khoác nguyên vẹn tấm áo xanh đen của năm xưa. Núi và đồi vẫn ngủ yên dưới màu sương thu. Chỉ có gió thu là thổi nhiều hơn càng đem cái lạnh đến sớm hơn mọi năm. 
Đêm này có hai khách bộ hành vượt ngang khu rừng này để đến xóm Thạch Kỳ. 
Họ so vai nhau, mau mắn bước trên con đường rừng gồ ghề, lắng nghe tiếng thác đổ ở xa, rót vào lòng mình bao nhiêu hơi gió lạnh lùng.
- Lạnh rồi! 
- Mới giữa thu! Năm nay lại lạnh hơn năm ngoái đấy. 
- Gần tới cầu Bạch Hổ chưa! 
- Vài ngàn nữa thôi. 
- Trăng ngang đỉnh đầu, có lẽ lối 2 giờ ta tới Thạch Kỳ nhỉ! 
- Còn phải tính thời giờ leo qua cầu Bạch Hổ... 
Hai người đã tới cầu. Họ ngồi nghỉ một chút, rồi không đàm luận như tốp người năm ngoái, họ giơ ngay sợi giây luộc ra nhanh nhẹn bước lên cây cầu cheo leo ấy, như là đã quên thuộc qua đây nhiều lần rồi... 
Họ không cần nhảy qua quảng cầu gãy nữa, chỉ quăng sợi giây. Đầu giây quấn vào thành cầu, còn một đầu họ ghịt vào thành cầu bên này... Rồi cũng như cặp khỉ leo cây họ đánh đu sang... 
- Leo cái lối này lại nhớ đến anh Thái! Chính ảnh đã bày ra kiểu leo giây này... 
Người kia buột miệng thở dài một cái, trong lúc có ngọn gió mạnh chạy ngang, làm rung chuyển vòm cây bên ven vực... Cả một trận mưa lá! 
- Mau qua. Chúng ta có thể đến quán Bông lối 1 giờ. 
- Có phải cái quán uống trà ăn bánh Trung Thu năm ngoái đấy chăng? 
- Chính đấy! Năm nay chỉ có hai ta. 
Một nổi buồn kéo đến. Hai người nhìn nhau trong đêm tối, hai bàn tay sờ soạng, gặp nhau, rồi siết chặt lấy nhau... Họ chia cho nhau nổi niềm thương nhớ 6 bạn đồng hành năm ngoái, đã tản lạc và mất mát đi...
Chỉ còn hai ta! 
- Hai ông dùng trà nhé! 
- Dạ, cô cho trà ngon và bánh ngọt... 
Cô chủ quán còn trẻ, hữu duyên, có cặp mắt huyền đen láy, sâu thẳm dưới làn mi dài, và mơ màng như chứa một tâm sự gì kín đáo lắm. 
Nhanh nhẹn, cô đem ra 8 cái chén, một bình trà và 4 dĩa bánh Trung Thu vàng chói. 
- Ô kìa! Sao lại 8 cái chén hở cô? 
- Và lại đến 4 dĩa bánh giống nhau, hai đứa tôi ăn làm sao hết? 
Có chủ quán nghiêng mái tóc ra ngoài ánh trăng, thoáng nhìn một cái về khu rừng phía xa, chậm rãi trả lời:
- Tôi ngỡ hai ông còn 6 người bạn đồng hạnh nữa chớ! Xin lỗi hai ông nhé... 
Đôi bạn nhìn nhau. Trong lòng họ, nguồn lưu luyến, bâng khuâng và thương nhớ lại trào lên... 
- Sao cô lại đoán thế, hở cô? 
E thẹn, cô chủ quán trả lời trong một cái cười gượng: 
- Tôi cũng không hiểu tại sao nữa...
Và bỗng nhiên mắt cô chớp mau, ươn ướt. 
Một người tên Tường cất tiếng: 
- Phải, cô ạ, chúng tôi cả thảy 8 người Năm ngoái cũng đêm Trung Thu này ghé đây ăn bánh uống trà thưởng trăng... Nhưng năm nay, tan tác cả rồi, còn đâu!
Tường im lặng rồi nói một mình: 
- Ôi! Bầy chim tan tác sau một trận bảo! À, anh Thành, hay là ta đốt nhang lên cúng các anh ấy về thưởng trăng với ta. 
Thành gặt đầu, buồn tràn lên khóe mắt long lanh... 
Ba nén nhang bốc khói rung rinh theo chiều gió... Tường van vái: 
- Hỡi hương hồn các anh Trung, anh Đồng, anh Tài, anh Thái, anh Thi, anh Tấn, có quanh quất đâu đây, xin về thưởng trăng với anh em tôi... 
Cô chủ quán trịnh trọng nói: 
- Hai ông cho tôi góp lời với, tôi có quen với một người trong 8 người khách giang hồ... đã qua đây một đêm trăng sáng... 
- Thế ư? Có phải anh Thái chăng?
- Dạ, chúng tôi cùng ở một làng, và cùng chung một giấc mơ... 
Nói đến đây, cô cúi xuống để giấu nổi cảm động đã tràn lên mí mắt và xuống má. 
Ánh trăng chênh chếch thừa dịp phớt ngang mái tóc đen huyền của cô, loang loáng như ánh sao rơi... Cô lâm râm khấn vái rồi nói: 
- Các ông buồn lắm? 
- Dạ, còn gì buồn hơn trên đường hồ hải, mất dần những bạn cố tri? 
- Trăng đêm nay đẹp hơn năm ngoái... 
- Nhưng ảm đạm quá, cô à... 
Tường đứng phắt dậy, mắt sáng lên:
- Ở đây có xóm Hoàng Hoa không cô? 
- Thưa ông, xóm Hoàng Hoa thì không có, nhưng rượu cúc thì cũng đủ uống để tiêu một vài mối sầu... 
- Cô ý nhị quá! Thôi, cho chúng tôi một bầu rượu to bằng cái bầu của ông tiên Lý Thái Bạch đi cô! 
Hai mái đầu xanh gục vào nhau... Một cái bỗng ngửng lên rồi một bàn tay đưa lên vuốt mớ tóc rối bồng... Tường cất tiếng ngâm: 
Mời anh cạn hết chén này
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn
Tiếng gà đã rộn trong thôn
Nữa đường phiêu lảng chỉ còn đêm nay
Để lòng với rượu cùng say (1) 
- Thơ ở đâu thế? 
- Của anh Thái đấy mà! Rồi lại ngâm tiếp:
Giờ này còn của hai ta
Giang hồ rượu ấy còn pha lệ người (1)
(1) Thơ Lưu Trọng Lưu
Xong, anh nốc cạn ly rượu chót, đứng dậy bảo Thành: 
- Nào, mời tráng sĩ lên đường chớ. 
Thành nửa mơ nửa tỉnh: 
- Hãy thắng cho ta con ngựa giỏi nhứt tầu đi! Ta sẽ vượt qua muôn trùng vạn lý để đến chốn huy hoàng lộng lẫy như cung Quãng kia...
Hai chàng khách say trăng, say rượu, say buồn và say cố tri, say ngày mai ấy khoác tay nhau đi, đi nữa... 
Cô chủ quán mỉm cười chào, và nói: 
- Hai ông không ăn bánh à? 
- Có đấy chớ! Chúng tôi chỉ ăn một cái thôi, còn ba cái kia để dành cho 6 người bạn... 
Thế rồi, trong đêm trăng giữa gió lạnh, họ cùng lạnh lùng bước lên con đường thiên lý hải hồ, chả biết có còn ngày nào qua cầu Bạch Hổ và uống trà ăn bánh ở quán Bông nữa chăng? 
Giữa lúc ấy, cô chủ quán đỡ ba dĩa bánh và sáu cái chén lên một cách kính cẩn, lòng xót xa, vương vấn như nỗi lòng của một ông vua Đường thuở xưa đã vương vấn sau một đêm du nguyệt điện...


Lẽ sống của người bịnh