Một chuyện Tình hoang đường
- Viết cho cháu Sơn – Châu

     gày ấy đã xa rồi. Những câu chuyện bi thiết này không chết trong quan tài dĩ vãng. Nó vẫn sống trong lòng người, trong lòng đời, trong lòng anh, trong lòng tôi, và trong lòng mọi người đa cảm, tựa hồ rể cây một gốc cổ thụ đã ăn sâu vào lòng đất để sống một cuộc đời bất diệt trong ấy... Mặc dầu câu chuyện ấy có vẻ hoang đường! 
Anh Sơn ơi!
Đêm nay, trong lúc ngọn gió bấc đầu mùa đến khua lộc cộc trên cánh cửa phòng tôi – căn phòng nho nhỏ của một gác trọ trên một giòng sông buồn rười rượi suốt tháng quanh năm – tôi lại chua xót mơ tưởng rằng đấy là bàn tay anh quờ quạng trên then cửa tìm về với tôi, trong hơi thở đầu tiên của gió đông...
Lòng tôi thao thức. Và giữa lúc thiên hạ đang yên ngủ, tôi tung chân ngồi dậy ra mở toan cánh cửa phòng... để đón anh! 
Anh có vào với tôi hay không? Nào ai biết! 
Ngọn đèn dầu lửa héo hắt rung lên. Tôi hy vọng được gặp linh hồn anh trên cơn gió ấy... 
Hồn tôi tìm về dĩ vãng, buồn mang mang. 
Nếu sự thần giáo cách cảm có thể dùng làm con đường bưu điện giao thiệp cho người dương thế với cỏi âm ty, thì chắc chắn trong giờ phút này, có linh hồn anh bên cạnh tôi...
Hai chúng ta đã chung một ngọn đèn – vẫn ngọn đèn hoa kỳ thắp bằng dầu lửa, khập khiễng như một anh thương binh đã giải ngũ – và trên bàn viết này, mấy bài thơ của anh, của tôi vẫn nằm chung với nhau cùng kê đầu trên trang giấy của một cuốn sách đã bao lần ở trong lòng bàn tay chúng ta... 
Anh Sơn! Anh về đấy à! Chắc anh đau lòng lắm nhỉ! 
Mối sầu đem xuống tuyền đài chưa tan! Anh đã bạc mệnh giữa tuổi xanh phơi phới, và trong lúc cánh cửa hạnh phúc vừa mở ra đón anh. Chao ơi! Não nề thật! Song anh hãy an lòng đi! Trong một thôn nhỏ bé bên cạnh con sông có giòng nước phù sa đỏ lòm, ở hướng mặt trời mọc kia, con của anh, thằng Châu, đã lớn rồi. Nó vẫn mạnh khoẻ và chị ấy, vợ anh, người vợ yêu quý của anh, người vợ trẻ đẹp của anh, vẫn sống nề nếp trong gia đình bên họ ngoại...
Anh hãy an lòng đi. Chị Sơn là người chung tình, chị vẫn chung tình với anh... Mắt chị quầng đen vì bao nhiêu đêm tuôn lệ ướt gối chăn, để tưởng nhớ đến mối tình thắm thiết của anh chị, bị gẫy đổ trong cơn gió loạn... 
Và đây là một bằng cớ chung tình của chị... Nét sầu hiện trên mặt người quả phụ đau khổ ấy, làm cho tôi tin rằng cái đức thờ chồng nuôi con của chị sẽ được lâu dài... 
Tôi nghĩ miên man như vậy ô hay, lạ thật!
Nhưng Sơn à, tôi hiểu anh nhiều hơn ai. Lòng tôi với lòng anh đã cảm thông nhau đến tận độ trong những ngày mà hai kẻ đầu xanh sống chung với nhau như một đôi nhân tình... Tôi hiểu anh. Anh có tấm lòng của một nghệ sĩ. Anh đã yêu cái gì là tha thiết với nó lắm, tha thiết đến có thể chết được, vì nó... Và anh cũng đã tha thiết yêu vợ anh trong một mối tình ngẫu nhiên, giữa thời loạn... Khối tình ấy, dù nó không kết thành một trái tim bằng đá đỏ như trái tim chàng Trương Chi kia, nhưng tôi chắc nó cũng theo hồn anh xuống cõi hoàng tuyền, không bao giờ tan... 
Tôi hiểu lòng anh. Vì tôi còn nhớ một câu chuyện tình mà anh đã kể cho tôi nghe nhiều lần...

*

* *

...« Chàng là một nghệ sĩ. Nét bút tài tình của chàng đã vẽ cho thiên hạ bao nhiêu bức tranh tuyệt mỹ. Gót chân hồ hải của chàng đã đi khắp bốn phương... Chỗ nào có cảnh đẹp, là tự nhiên người thấy chàng nghệ sĩ đẹp trai ấy xách va ly đến... Với một cái giá vẽ một tấm vải, vài hộp sơn, dăm cây bút lông, chàng hồn nhiên ca hát với chim, với gió, với vạn vật để chụp lại trên mặt vải một cảnh hoàng hôn em ả, một phút bình minh lộng lẫy, hay là một cơn phong ba bão tố! 
Đời, đối với chàng, thật là đẹp như mộng. 
Nó lại càng lộng lẫy huy hoàng hơn khi chàng gặp một thiếu nữ có sắc đẹp kiều diễm... Nàng đẹp thật. Bao nhiêu đóa hoa đứng bên cạnh cái sắc đẹp diễm lệ của nàng, đều phải lu mờ đi như những chòm sao bên cạnh mặt trăng sáng rõ...
Tiếng dương cầm thảnh thót sau một rặng liễu tơ xanh mướt, đã cuốn hút cả tâm hồn chàng nghệ sĩ... Sức tưởng tượng được tiếng đờn khích động, chảy ra dồi dào và phì nhiêu trên ngọn bút lông của chàng, tựa hồ một chiến sĩ lâm trận nghe trống chiêng dậy lồng lộng trong nhịp ca chiến thắng huy hoàng... 
Chàng say mê, vẽ, vẽ như điên cuồng... 
Nét bút thoăn thoắt trên mặt vải, mắt chàng sáng rực lên... Và chỉ trong nữa giờ, khi tiếng dương cầm lảnh lót ngân cái dư âm cuối cùng của một bản đàn cổ điển êm và chậm kia, thì trên mặt vải, một người con gái đẹp như tiên nữ đã hiện ra!
Đằng sau dáng liễu thướt tha có những đường tơ mềm mại theo nhau chảy xuống mặt hồ thu êm lặng, người thiếu nữ mà sức tưởng tượng dòi dạo của chàng trong nữa giờ khích động đã vẽ nên, ôi! Thật là một trang tuyệt thế giai nhân... Một sắc đẹp khuynh thành lồng trong một khung cảnh nên thơ, có năng lực màu nhiệm làm sống lại cả cái bản đờn thanh tao vừa từ trong ngần lá liễu bay ra... Cứ nhìn vào sự linh động rung rinh của đường tơ liễu và cứ ngắm người thiếu nữ huyền ảo trong tranh, nghệ sĩ có cảm tưởng nghe thấy phảng phất trên mặt hồ nước gợn lăn tăn, làn sóng êm mơ của bản nhạc thần tiên vừa dứt!
Giữa phút say mê diệu kỳ này, chàng nghệ sĩ bỗng giật mình. Có tiếng nói ở sau lưng mình: 
- Ồ! Thần tình quá! 
Tiếng nói êm như tiếng sáo chiều hôm, chàng nghe quen thuộc lạ... Và như đã có điện tín của âm dương báo trước rồi. Chàng có cảm giác chớp nhoáng rằng người đẹp trang bản đờn đang đứng phía sau mình và thốt lên lời khen ngợi ấy...
Quả thật là Nàng... 
Chàng quay lại kính cẩn: 
- Kính chào Nàng!
Bức vẽ bằng tưởng tượng ấy, quái lạ thay, lai giống in Nàng, Nàng bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt chàng, bên hồ thu, tơ liễu rung...
Nhưng chàng không ngạc nhiên, vì lẽ chàng còn đang ở trong một cơn mơ thoát trần... Người kinh ngạc đầu tiên, chính là Nàng. 
- Ông làm thế nào mà vẽ giống em quá, thưa ông? 
Chàng cũng chẳng biết trả lời ra sao, im lặng như một người không biết nói... Hai con mắt chàng như đôi con thuyền đang bị đánh đắm trong biển mơ, hai con mắt tha thiết quá! 
Mắt nàng thì thật là tuyệt trần! Nó đẹp một cách mơ màng huyền diệu, phản chiếu cả một hồ thu trước mặt mà tơ liễu tựa hồ những lông mi đen biếc nên thơ mọc trên bờ đôi mắt trong sáng của Nàng...
Như Lưu Nguyễn đã một lần lạc đến động Thiên Thai, Chàng nghệ sĩ đê mê đến tuyệt đỉnh, khi trên đôi môi thẳm yên chi của người đẹp nở lên một nụ cười lộng lẫy... Và khi mà bàn tay búp măng trắng như ngọc ngà của nàng đưa lên vuốt những sợi tóc mây lòa xòa trên vừng trán thanh tân kia thì chàng đã say, say túy lúy như một lưu linh đã uống cạn năm bảy hủ Hoàng hoa tửu rồi! 
Ôi! đôi bàn tay ngọc đẹp diệu kỳ! Chỉ đẹp đến thế là cùng! 
Cuộc gặp gỡ bằng tưởng tượng của tâm hồn Chàng với tiếng dương cầm sau rặng liễu giờ đây đã biến thành sự thật hiển nhiên! 
Thật là một giấc mơ diệm ảo, tưởng chừng giấc Nam Kha của cố nhân cũng chẳng đẹp bằng...
Nó lại còn thần tình hơn như người đời vẫn nói «như gấm thêu hoa». Vì cuộc gặp gỡ này đã se thành mối giây kết chặt hai tâm hồn Chàng và Nàng với nhau. 
Đôi trai tài gái sắc ấy đã thành duyên tơ tóc, một mối duyên đẹp hơn tất cả những cái gì yêu kiều mà bao nhiêu thi nhân nghệ sĩ đã ca tụng xưa nay. 
Nhưng nếu cứ như thói thường, cuộc tình duyên tình cờ ấy được kéo dài đến «răng long đầu bạc» thì làm gì lại có câu chuyện éo le đoạn trường này... 
Xưa nay hồng nhan hay bạc mệnh và cái gì đã bắt đầu bằng một sự tình cờ, tất nhiên cũng sẽ có một kết quả bất thường éo le. 
Cuộc tình duyên đầm thắm như bức vẽ, êm ái như giấc mơ ấy, tiếc thay, vừa hết mùa Xuân là cũng tàn tà cái ngày trăng mật đang mặn mà!
Mùa đông qua rồi mùa Xuân tới, tình của Chàng và Nàng vẫn đẹp như thơ! 
Nhưng khi mà đàn én trắng chuẩn bị chắp cánh bay về với Biển Đồng xa rộng, khi mà nắng đã bắt đầu gay gắt và hoa phượng bắt đầu nở đỏ cả một góc trời, thì một tai nạn đột nhiên bay đến trong đời tình ái của đôi vợ chồng son trẻ này! 
Ôi! Tai ác! Thật là ghê gớm như một tiếng sét lở lên hốt nhiên trong lúc trời đang thanh lặng!
Một tai nạn đến, chàng qua đời giữa cái tuổi xanh 25, còn phơi phới màu hy vọng và rào rạt nguồn hạnh phúc. 
Thế là Nàng thành một góa phụ, cũng giữa tuổi xanh hơ hớ, với một sắc đẹp còn khả dĩ làm nghiêng ngửa lắm cơ đồ... 
Người chung quanh cũng mũi lòng ái ngại cho sự đau khổ của Nàng góa phụ trẻ trung ấy! Và mỗi khi nàng than kể đến cái chết của chàng là có nhiều người phải rơi sa những hàng lệ thật tình! Nàng còn nhớ: 
- Anh ấy gần chết mà vẫn không nhắm được mắt lại. Nước mắt cứ tràn ra trên hai gò mà xanh xao của anh! Cổ anh nghẹn ngào nói mà không thành tiếng, anh muốn nói với tôi những lời yêu đương cuối cùng với câu từ biệt... Nhưng không nên lời... Tôi còn như bị thôi miên vì ánh sáng cuối cùng của cặp mắt ứa lệ khi anh nhìn tôi đến phút tắt hơi!
Anh đã nấc lên, nấc lên không ngừng khi hai bàn tay đã lạnh giá và cứng đơ. Anh thương tôi lắm, và không thể nhắm mắt lúc vĩnh biệt tôi...» 
Nàng đau khổ vô cùng, ủ rũ như rặng liễu trưa mùa hạ. 
Người ta tưởng chừng mối sầu trong lòng nàng không bao giờ nguôi được, và như thế thì linh hồn chàng ở cõi chết cũng còn được an ủi... Song, người ta phải một phen rất ngạc nhiên khi, một năm sau, thấy nàng son phấn lại là ôm cầm bước sang thuyền khác!
Nàng không sầu nữa, và vui hớn hở, áo mới lê thê, tóc dài xanh mướt, lại về nhà chồng trong một buổi sáng mùa Xuân, lòng hân hoan như cô gái trinh tiết mới lấy chồng, và hồn nhiên như trong đời mình chưa có bóng một gã đàn ông nào đi qua, chớ đừng nói một cái khăn tang hay một nấm mồ! 
Nàng là một sắc đẹp. Cô con cháu đích tôn của thần Vệ nữ ấy đã quyến rũ bao nhiêu ong bướm. Một con bướm hạnh phúc và may mắn nhứt được nàng mở rộng rèm hoa cho lọt vào trong một buổi đầu Xuân có hoa thủy tiên thơm ngát, có pháo đỏ ngập sân, và rặng liễu bên vệ hồ reo một khúc nhạc Xuân thanh nhã đón chiếc oanh vàng từ trên trời cao rộng theo đàn én trắng từ biển Đông bay về!
Lòng nàng lại hơn một lần tràn hạnh phúc. 
Và khúc dương cầm cổ điển êm và chậm năm xưa, bây giờ lại thanh thót reo lên dưới 10 ngón tay búp măng ngọc ngà có đầu móng đỏ như máu ấy! 
Mây gió bay phơi phới! 
Muôn lá hoa phơi phới! 
Tình xuân phơi phới! 
Lòng nàng cũng phơi phới!
Khúc dương cầm vừa dứt, dư âm còn văng vẳng chạy quanh bốn bức tường vừa mới sơn lại bằng cái màu xanh nhạt mơ màng, bỗng nhiên Nàng cảm thấy lòng mình ngậm ngùi... 
Khúc đàn năm xưa! 
Ôi! Khúc đàn năm xưa đã khích động một chàng nghệ sĩ để tưởng tượng vẽ ra một bức tranh tố nữ ngàn vàng! Và bức tranh lịch sử ấy đã đóng vai Ông Tơ Bà Nguyệt mà se mối giây đỏ từ lòng nàng qua lòng người nghệ sĩ... 
Bức tranh thần giao cách cảm ấy vẫn còn kia. Những nét vẽ linh động hình như còn có bàn tay run rẩy của nghệ sĩ vờn trên mặt vải! Rặng liễu buông tơ xuống mặt hồ gợn sóng lăn tăn, là cả một kỷ niệm bất tử của tác phẩm tuyệt trần này! 
Mắt nàng mọng lên, rưng rưng đỏ. Lặng lẽ, hai giọt nước mắt trong như kim cương từ từ rơi ra!
Đau buồn, Nàng gục xuống cây dương cầm. Vài phím đờn bị động thốt ra những chữ «ré, mi» giọng thượng bỗng khô khan, the thé, và đứt đoạn như tiếng kêu thét lên của một con vật bị thương! 
 Lịm đi trong một phút của dĩ vãng, Nàng lắng nghe lòng mình nói lên một nhạc điệu ai oán vô cùng! 
Thời Xuân ấy, thời xuân mà tấm lòng trinh tiết của một nàng con gái mở cánh cửa đầu tiên để đón ánh sáng hạnh phúc, ôi! Giờ đây đã qua rồi!
Cái cảnh tục huyền này như giây đàn đã đứt được nối lại, chưa chắc đã thắng nổi những giây phút chạnh lòng thảm thiết như hôm nay! 
Thế nhưng, nỗi buồn dầu có tha thiết đến thế nào, cũng chỉ là dĩ vãng... Và lòng người con gái ấy, khi đã say theo tiếng gọi yêu kiều của một cuộc đời hạnh phúc mới, có buồn cũng không hơn nỗi buồn của một thi nhân trong một con mưa gió! 
Khi nỗi buồn ấy đã theo trào tư tưởng, từ ngòi bút chạy ra trên mặt giấy thành ít vần thơ rồi, thì nó cũng đã tan biến theo một ngọn gió mau mắn nhứt thổi qua! 
Nàng cũng thế, có tâm hồn dễ xúc động vì buồn thì nó cũng rất dễ khích động vì cái vui. Cái tâm hồn dễ cảm của người con gái đẹp mà đa tình ấy không có bề sâu mà chỉ thoang thoảng như đợt mây trắng bay phớt ngang ánh sáng chiều rồi tan vào hư vô mà thôi...
Khi có một loạt pháo tết vang lên đì đùng ở ngoài ngỏ, và có tiếng nô cười của đoàn trai thanh gái lịch dập dìu trước hiên tây, thì hình như nỗi buồn quá khứ ấy đã chắp cánh và sắp bay đi một chỗ không biên giới nào rồi! 
Kìa, người chồng mới của Nàng đã vào, trên hai tay, khệ nệ những món quà Xuân để đẹp lòng tố nữ! 
- Anh đã vào đấy ư! 
- Ô kìa! Sao em tôi lại có nước mắt trên má đào?
Chàng âu yếm hỏi nàng và dìu nàng lấy chiếc khăn thơm tho nhứt, nhè nhẹ lau hai hạt kim cương còn đọng trên gò má phơn phớt phấn hồng của nàng! 
Cảm động, nàng nắm lấy tay người chồng mới, trái tim rung lên từng nhịp hấp tấp! 
Rồi câu âu yếm, câu âu yếm
Tình lên men ngát giữa trời Xuân!
- Em cho anh nghe một bản đàn Xuân? 
Tới giây phút này, thì Nàng đã quên cả cái kỷ niệm đau thương có thể gợi lên trong tiếng dương cầm rồi! Và nở một nụ cười cho thật xứng đáng là con cháu thần SẮC ĐẸP, Nàng dắt tay chàng lại gần cây đàn, kéo một chiếc ghế cẩm thạch đến sát ghế đờn, mời:
- Anh ngồi đây và muốn em đờn bản nào? 
- Một bản đàn Xuân để chúc tụng cho mối tình đôi ta xuân trẻ mãi! 
Ngoan ngoãn, mười ngón tay ngọc ngà trắng muốt – ôi! Bàn tay mỹ miều – lần đi nhẹ nhàng trên phím đờn. 
Cây đờn vô tri vô giác đã một lần xây nên một mối tình duyên bằng cái giọng bổng trầm thảnh thót, giờ đây lại ca hát một bản yêu đương khác thoảng màu ân ái êm đềm!
Nó có biết đâu rằng trong «vụ ái tình» của đời người con gái này, chính nó đã đồng lõa gây ra nhiều uẩn khúc đoạn trường! 
Bản đàn Xuân vừa dứt, người chồng say mê đặt bàn tay mình lên trên mười ngón tay trắng trong ấy cảm động: 
- Em đờn khích động quá! 
Bốn mắt nhìn nhau. Sóng yêu đương gợn lên long lanh và đằm thắm! 
Mười ngón tay siết chặt lấy nhau và hai đôi môi rạng nở nụ cười ân ái! 
Một bản nữa và một bản nữa... 
Hai lòng cùng say, say Xuân, say đờn, say khúc thượng hoàng!
Đón Xuân lên muôn điệu
Hai lòng chung một giây...
Có tiếng pháo nổ ngoài trời gió... 
Người đàn ông nói:  
- Pháo lại nổ đấy em ạ! Chúng ta ra ngoài đi!
Nàng mơ màng nhìn ra: 
- Ô kìa! Hoàng hôn rồi, để em thắp đèn lên và mời anh ra phòng khách ăn bánh Tết của em!
Hai cái vai sát vào nhau. Bốn bàn chân son nhip trên mặt gạch bông đỏ ối sắc hoa xuân, tha thướt, tha thướt đi ra khỏi phòng... 
Vừa lúc ấy, cây dương cầm bỗng nhiên reo lên thành tiếng! 
Ô hay! Lạ lùng! 
Kinh ngạc, nàng quay lại. Tiếng đàn dứt! 
- Anh có nghe tiếng đàn không? 
Người đàn ông có lẽ hãy còn say nên không nghe cái gì, vội vàng cười đáp: 
- Em nghe lầm chăng, đâu có gì nào? 
Rồi họ ra ngoài phòng khách:
Cây dương cầm, trong bóng tối của căn phòng lại nổi lên những tiếng kêu!
Ngoài phòng khách, tiếng yêu đương bặt ngừng! 
Một sự im lặng nặng nề gieo trên bầu không khí. Ngoài xa tiếng pháo lẹt dẹt vẫn thưa thớt vọng về... 
Chầm chậm, êm êm, tiếng dương cầm ai oán nổi lên. Giọng bổng trầm thê thiết như sóng lòng của một người thất vọng, cảm động hội hộp tới thớ máu chót của con tim...
Ấy là một bản đàn cổ điển, cái bản đàn oan nghiệt đã giăng sợi giây tình và gieo duyên nợ giữa Nàng với Chàng năm xưa.
Tiếng nhạc tỏa ra không gian, càng ngày càng thảm thê ai oán, tưởng chừng xưa nay chưa có lời than thở nào não nề cho đến thế! 
Nàng kinh ngạc, xoe tròn đôi mắt đẹp: 
- Anh, anh, ai đàn trong ấy? 
Tiếng đàn bây giờ lại thêm vẻ ghê rợn làm cho hai người cảm thấy có một cái gì lành lạnh chạy dài cốt trong trung tâm của xương sống... 
Với người đờn ông kia thì tiếng đàn ấy không quen. Nhưng Nàng, Nàng đã nghe bản ấy nhiều lần, đã nghe tiếng đàn đó bao nhiêu phen và đã để cho con tim rộn rực niềm hạnh phúc bên cạnh Chàng, lúc sinh thời...
Bản đàn ấy, Chàng vẫn quen đàn cho Nàng nghe. Nhưng nó không thê lương thảm thiết như hôm nay...
Đàn khơi rĩ máu vết thương xưa... 
Bâng khuâng tình cũ than ai oán... 
Người đàn ông đứng dậy, dìu Nàng đến đứng trước cửa phòng âm nhạc, nhìn vào bóng tối đen... Một cảnh tượng lạ lùng hiện ra trước sự kinh ngạc của hai người... 
- Một người lạ!... 
Người đàn ông nói lẩm bẫm rất nhỏ.
Nàng kinh ngạc muốn rú thét lên, song còn đủ bình tĩnh để thắng lại. 
- Trời ơi! Trời ơi! Anh ấy hiện hồn về... 
Trước cây dương cầm trong bóng tối chập choạng do ánh đèn của phòng khách rơi rớt vào, một người đàn ông chăm chú đàn. Đầu hơi nghiêng về phía sau, mắt ngó lên bức tường chỗ có treo bức tranh «Tố Nữ bên Ngàn Liễu». Chàng say đắm vờn hai bàn tay trên phím dương cầm. 
Bản đàn đã đến đoạn chót. Tiếng ngân dài nghe lại càng ai oán hơn. Dư âm ấy tượng trưng cho một nỗi lòng đau khổ lắm... 
Rồi Chàng chầm chậm và nặng nề đứng dậy, ngắm phía cây dương cầm bằng cặp mắt tha thiết... Run tay, Chàng rờ rẩm những phím đàn, thân hình cây đàn, rồi quỳ xuống, sờ soạng như một người say rượu đến mất trí không còn làm chủ được động tác của mình nữa... Nét mặt Chàng lúc ấy là hiện thân của Thần Đau Khổ. Nó tiết ra trên khóe mắt một nổi niềm bi thương không bờ bến...
Cứ thế, Chàng lập lại cái cữ chỉ ấy, làm như tha thiết luu luyến lắm đối với những đồ vật thân mến đã tạo nên những kỹ niệm và hạnh phúc của đời mình... 
Bước một bước, lại lùi một bước, Chàng tần ngần lưu luyến không muốn đi... Mắt chàng lại hướng về bức tranh Tố Nữ, một tác phẩm lịch sử của lòng Chàng. 
Tần ngần im lặng ngắm Nàng trong bức tranh, giây lâu chàng gục đầu xuống hai bàn tay. Hẳn chàng khóc, khóc cho sự tan vở của đời mình, và khóc cho cảnh tang thương biển ảo. 
Khi ngẩng đầu lên, nét mặt chàng có vẻ hằn học, sự hằn học của một người về viếng thăm chốn cũ thân yêu của mình mà phải thấy người bạn đời mà mình thương nhớ, đã qua tay kẻ khác. Chiếc ghế của mình ngồi, ngày nay một người đàn ông lạ đến xâm chiếm mất rồi. Và cái chỗ ngồi trang trọng nhứt trong trái tim của Nàng bây giờ cũng đã có kẻ khác đến lật đổ hình ảnh Chàng xuống mà soán đạt rồi! 
Có còn gì nữa! Cái bàn thờ nguội lạnh nhang khói kia, lại còn thêm vẻ mỉa mai châm biếm! 
Có lẽ những ý tưởng ấy đã làm cho Chàng hằn học và quay gót đi về phía cánh cửa sổ mở ra vườn bích đào đang trổ bông Xuân!!!

*

* *

Anh Sơn ơi, 
Câu chuyện có vẻ hoang đường thật đấy. 
Giữa thế hệ của khoa học này, ai mà tin được sự hiện hồn của cõi âm ty! 
Nhưng chắc anh cũng nghĩ như tôi khi kể chuyện ấy cho tôi nghe, và thì cũng nghĩ như anh khi kể chuyện cho người khác nghe, rằng cái phần thực hay hư không cần thiết lắm. Ma có thể hiện hồn hay không, cũng chẳng quan hệ... 
Ta cần tìm trong câu chuyện, cái ý nghĩa tượng trưng của nó! 
Phải không anh! 
Mà câu chuyện này là tượng trưng đầy đủ của sự thật... Một người chồng sẽ vô cùng đau khổ khi thấy vợ mình qua tay kẻ khác và hình ảnh mình bị xô xuống dưới chân cho kẻ khác bước lên!
Não nề thay! 
Người trên trần thế đau, thì kẻ ở âm ty cũng đau, nào ai tránh khỏi định luật ấy, khi con người có trái tim trong lồng ngực...
Tôi hiểu anh nhiều, Sơn ạ! Anh tha thiết với cái gì mà anh yêu thích. Lúc sống thì thế, lúc chết cũng không thay đổi, chắc anh vẫn còn ôm ấp khối thương nhớ xuống cỏi tuyền đài! 
Yên lòng nhé! Sơn ơi! Chị ấy vẫn xứng đáng cho anh tha thiết, và con anh, thằng Châu nó sẽ lớn lên để kế nghiệp cho anh trên con đường nhiệm vụ của người chiến sĩ quốc gia... 
Cái cảnh của anh không phải chỉ có một. Nó là cảnh chung của thời loạn này trên đất nước chúng ta, và trên tất cả hoàn vũ...
Hiện giờ, còn có bao nhiêu nàng quả phụ thương con xót chồng, ôm gối chiếc giữa đêm đông, nên lòng đau mà giữ mối tình trinh bạch với người đã khuất đi... 
Nghĩ vậy, nên tôi viết câu chuyện này ra mặt giấy trong một đêm lạnh rạt rào như đêm nay, dù nó có vẻ hoang đường, phải không anh?