gày thứ tư. Mình chưa bao giờ thiết tha với Hà Nội chẳng ngờ xa nó mấy ngày đã nhớ. Chấm dứt công việc ở đây càng sớm càng tốt. Mau mau về Hà Nội.Mình bắt đầu tìm được chìa khóa vụ hài cốt mộ liệt sĩ. Chủ Tịch Huyện hay Phó Chủ Tịch Văn Xã, ai mới là kẻ chủ mưu?Một sự thật kinh khủng khiếp! Không thể tin nổi lũ chúng nó là người.Hôm nay Hoàng cứ nhìn mình, ánh mắt rất lạ. Có ý gì không hay tại bản tính đa nghi của mình?*
Mới bốn ngày đã thấy mệt. Có khi phải kính chuyển Hoàng về Hà Nội. Càng để Hoàng nhúng sâu vào vùng kí ức của anh không biết còn chuyện gì xảy ra nữa, nguy lắm. Một mình Ly Ly cũng thừa sức hoàn thành phóng sự điều tra bốn kì như đã y ước với sếp.
Ly Ly nhảy ra khỏi giường, chẳng may giẫm phải chân Hoàng. Anh lồm cồm bò dậy. Thấy mình trần như nhộng bị cuốn chặt trong tấm chăn chiên, Hoàng hết nhìn anh lại nhìn Ly Ly. Sao anh lại thế này? Cái mặt ngơ ngáo thật đáng ghét. Mặc quần áo vào đi đại văn hào! Ly Ly ném áo quần tấp lên Hoàng.
Mình chuyển về đây rồi à, chuyển khi nào nhỉ? Hoàng ngồi ngó quanh, hỏi đi hỏi lại. Ly Ly quay lại giường ngồi, tì cằm vào gối lườm lườm nhìn Hoàng. Để mặc thân hình cớm nắng khoanh trắng bợt khoanh hun khói vàng ố và đen nhẻm, Hoàng leo lên giường ngồi cạnh Ly Ly. Sao nhìn anh ghê thế... Tính ăn thịt anh lần nữa à? Hoàng cười xòe, cái cười cò giả. Đã bảo ngủ đi mà! Ly Ly gắt, cô dịch nhanh ra.
Hoàng nằm xuống mở mắt thao láo. Đầu hè nhà khách, con gà trống choai của cô nhân viên phục vụ phòng cất tiếng gáy loe choe. Tiếng gáy cố làm ra vẻ bảnh chọe của lũ gà choai nghe thật buồn cười, em nhỉ? Ly Ly không trả lời. Vào lúc khác, đấy là cái cớ cho Ly Ly đùa nghịch với Hoàng, chí chóe tranh cãi mãi không thôi và kết thúc bằng một cú tình êm ái. Lúc này thì không. Ly Ly thấy chán ngoét. Cái thứ mềm nhũn, đen nhẻm Hoàng không thèm che đậy khiến cô phát ớn, muốn ói.
Ly Ly thò chân xuống đất, quờ quờ tìm dép. Em đi đâu? Hoàng âu yếm giữ tay Ly Ly, hỏi khẽ. Ly Ly chực hất tay đi, chực gắt: 'Tránh ra!" Ngay lập tức cô biết mình vô lý. Ngủ đi hot boy! Ly Ly quay lại thò tay véo mạnh chim Hoàng một cái rõ đau, cô bước nhanh ra cửa.
Hoàng đoán Ly Ly đang điên vì một việc gì đó. Rất có thể vì Hoàng bỏ bê một ngày không làm gì giúp cô. Ly Ly đang phát cuồng vì mớ tài liệu chưa khui đuợc mà tiền thì sắp hết. Việc của Hoàng là phải moi cho đuợc một vài phong bao khả dĩ có thể tiêu xài trong vòng một tuần nữa, anh đã không chịu làm.
Thực ra tiền chẳng đến nỗi cần nhiều đến thế. Ăn ở có uỷ ban huyện lo. Người ta hầu hạ chỉ thiếu nước rửa chân cho mình nữa thôi. Tiệc nhỏ tiệc lớn ê hề, chỉ sợ không có bụng mà chứa. Một chút tiền tiêu vặt đáng bao nhiêu mà phải lo?
Chắc Ly Ly phòng xa. Vào giai đoạn cuối, khi biết rõ mục đích về đây của hai người, khi không còn cách gì chặn lại bài phóng sự điều tra sẽ ra đời nay mai, có thể người ta sẽ lạnh mặt quay lưng, lạnh lùng tính tiền ăn ở cả chục ngày bám trụ nơi đây, tính với giá thật cao, vét sạch túi hai người rồi lịch sự đuổi cả hai rời khỏi ủy ban huyện trong thế trâng tráo, ghẻ lạnh.
Chuyện này khó xảy ra, biết đâu đấy bỉ nhân không có gì là không làm. Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy. Chẳng biết mình thuộc hạng gì. Thân phải bảo trọng bị gậy không đuợc bỏ, ấy là triết lý của Ly Ly. Bám theo thứ triết lý của cô phóng viên chip hôi này thực mệt quá.
Nếu không bị Ly Ly dắt mũi vào công cuộc chống tiêu cực rởm đời của cô, Hoàng sẽ chẳng phải lo gì hết. Nhà văn nghèo nhưng giàu bè bạn. Đi khắp nước quanh năm cũng không bị đói. Chỉ cần một người cho một bữa ăn cũng thừa sức no nê cả đời. Đấy là chưa kể nếu cầm theo một giấy giới thiệu của Hội Nhà văn, anh có thể được đón rước ngất trời, ba ngày một tiệc nhỏ năm ngày một tiệc lớn rung đùi há miệng đớp. Người ta chỉ ngại mấy anh nhà báo thôi chứ đám nhà văn nếu không gây lợi thì cũng vô hại. Ai cho anh nói chuyện tiêu cực trong văn chương? Có nói được thì cũng rặt các chân dung phiếm chỉ, ai người ta thèm chấp.
Giá một mình về đây thì hay biết bao nhiêu. Hoàng thấy tiêng tiếc cho quyết định vội vàng của mình. Anh châm lửa hút, rít vài hơi thật sâu, lim dim nhìn khói bay phơ phất lẩn quẩn trên trần nhà.
Tiếng cú ở đâu đó chua và gắt lúc lúc lại rúc lên. Tiếng cú nghe quen lắm, nó là con cú què vẫn đậu trên ngọn cây đa già Xóm Cát. ừ nhỉ, có khi chính nó cũng nên. Tuổi thọ của cú là bao nhiêu nhỉ? Vô lẽ hai mươi năm có lẽ nó vẫn còn sống. Biết đâu đấy, có khi đúng nó thì sao.
Hoàng bò dậy, vội vã mặc áo quần nhanh chóng lần ra ngõ.
*
Mưa đã tạnh, trời đất vẫn còn đầy hơi nước. Gió từ bờ sông nhè nhẹ thổi, cuốn theo đám hơi nước lạnh lẽo, mùi tanh rin rín cuốn quanh người. Hoàng đứng tựa gốc cây xoan trước cổng nhà khách ngó ngơ lên trời chờ đợi tiếng cú kêu.
Con cú què tội nghiệp, mày hãy còn sống đó ư? Xưa mày treo mình trên ngọn cây đa, nom xa như một chiếc mũ rách, kiên nhẫn rúc lên bất kể nắng hay mưa. Tiếng kêu cũng lụy theo mùa. Nắng thì nhẹ và trong, mưa thì chua và gắt. Người ta bảo mày chính là hồn của bà Rú thọt chân hiện về. Bà thắt cổ tự vẫn trên ngọn cây đa, ngay trong đêm bà bắt được ông Rạc chồng bà ngủ với chị Rá tâm thần.
Bà chết vì tình ở cái tuổi sắp kề miệng lỗ, chết vì ghen tuông với một kẻ tâm thần, để lại bốn đứa con gái đã lớn phổng lên rồi chẳng có ma nào rước. Hồn bà không được lên trời, hóa thành con cú què đeo lấy ngọn cây đa, đêm về rúc lên những tiếng khóc nấc. Đôi khi người ta nghe rõ tiếng con cú réo gọi tên ông Rạc, chị Rá, réo như chửi gắt. Đôi khi lại nghe nó nức nở gọi tên con, cứ nửa tiếng lại kêu tên một đứa con gái: Rúp, Rụp, Rí, Ri.
Dân Xóm Cát, không sót một ai đều có tên bắt đầu bằng âm ''R" - Rúm, Réng, Ring, Rang... kể cả những thiếu nữ xinh tươi vẫn hồn nhiên với các nhãn hiệu khó xực: Rùm, Rủm, Rím, Roen... Nghe như trò đùa, như trò bịa đặt vô duyên của mấy tay viết kịch nghiệp dư vẫn ăn quẩn quanh đề tài sinh đẻ có kế hoạch.
Ông Rúm đã nghiêm trang giải thích cho Hoàng vào đêm thứ mười kể từ ngày Hoàng trở về Xóm Cát. Vào năm bốn mươi, bốn mốt thế kỉ trước Xóm Cát chỉ có bốn gia đình, họ đều là dân trốn tù, một thứ tù hình sự thông thường thời nào cũng có. Để giấu biệt tung tích, họ phải vùi tên thật xuống đáy cát và đặt một tên mới. Lúc bình thường đặt một cái tên thực dễ vô cùng, kể cả những người một chữ bẻ đôi cũng không biết. Nhưng đây là chuyện khác. Đặt tên thế nào để chứng tỏ họ cùng một dòng họ, an cư lạc nghiệp giữa trảng cát mù mịt này đã lâu đời. Chẳng những đổi tên những người trốn tù mà tên của những người thân của họ cũng phải đổi. Ấy là chuyện khó.
Nghĩ mãi không ra, một người tự dưng nói đùa: 'Thôi thì cứ Rủ Rỉ Rù Rì mà đặt, toàn rờ tất." Mọi người cười ồ. Sau ngẫm lại thấy hay hay. ừ, có khi thế mà hay. Không họ không hiếc chi cả cứ trọc lóc mỗi "rờ", quan trên có hỏi cứ nói bừa là người Chút về đây sống đã mấy đời! Tất cả cười lăn, vừa cười vừa đua nhau phát hiện ra muôn vàn những thuận lợi của cái chữ "rờ" nhằm che mắt quan trên. Vậy thì rờ, rờ cũng được chứ sao, rờ... rờ mãi đến ngày thành chuyện nghiêm túc, thành lệ làng, ai có tên không
"rờ” không phải dân Xóm Cát. Gia đình nào cả gan đặt tên con không "rờ" là trái lệ làng, bị phạt nặng, coi như con hoang.
Ngày mới về Xóm Cát Hoàng không cách gì phân biệt được trước một mớ hỗn loạn toàn âm "r". Anh lẫn lộn lung tung, lúc này buồn cười lúc khác tức phát điên lên. Sau, quen mặt bén tiếng thấy cũng chẳng đến nỗi nào. Nhiều người yêu mến đã gọi Hoàng là Roàng, anh còn thấy hay hay. ừ, Roàng cũng được chứ sao. Có khi còn hay hơn chán vạn cái tên Hoàng cũ rích, cả tỉ người dùng đi dùng lại.
Hoàng thấy vui vui với cái âm "rờ" bất chợt vang lên trong kí ức. Con cú què lại kêu, nó buông hờ một tiếng nặng trĩu hơi nước từ phía bụi tre Nhà khách ủy ban huyện rồi đập cánh bay về phía Bắc. Hoàng đoán thế vì ngay sau đó nó lại kêu lên một tiếng nhẹ tênh phía Xóm Trầu. Từ đó ra Xóm Cát không xa, chỉ chừng năm cây số cát là cùng.
A! Con cú đang bay về Xóm Cát. Nó đúng là con cú què. Đích thị là nó rồi. ít ra Xóm Cát vẫn còn một sinh vật cho Hoàng bíu víu lấy để mà nuôi hy vọng. Phải thế chứ, vô lẽ chết rụi cả sao.
Hoàng lần theo tiếng cú, cũng phải kiểm tra đích xác có thật đúng nó không. Tiếng cú dụ Hoàng lần mò trong đêm, vượt quá Xóm Trầu, qua bãi tha ma rộng mênh mông, Hoàng đã đứng trước bãi phi lao còi cọc từ lúc nào.
Mưa tạnh hẳn, phía Đông đang rựng sáng. Những cây phi lao mọc vống ngược trên nền cát trắng mờ hệt trăm ngàn người mang tơi đội nón ngồi thu lu đợi mặt trời lên. Tiếng cú nghe tít tắp tan loãng giữa mênh mông cát.
Trước mắt chỉ có cát, trắng hoang trắng ướt rượt trắng lạnh lùng. Mùi trống không tê lạnh như mùi của cõi âm. Đằng Đông lóe một ánh chớp màu vàng chanh, tõe lên nền trời đám rễ lân tinh kéo đến đỉnh đầu. Rựng sáng nơi đây giống tranh
Chiều Firence của Severini.
Cái gì ở phía xa? Thôi rồi, cây đa! Cây đa già đó kìa, cái chạc ba bỗng bừng lên cùng với đám lá vàng khô mọc lưa thưa trên ngọn cây.
Hay nhỉ! Thì ra Hoàng đã tìm nhầm vị trí. Trước mắt anh bây giờ mới chính là nơi Xóm Cát, không phải nơi bữa trước Hoàng và Ly Ly đã đến. Hoàng chạy vụt lên, càng chạy càng thấy nó rất rõ. Rõ ràng cây đa vẫn còn đấy, nó không chết cũng chẳng bị gió cát vùi lấp. Lạ quá.
*
Chính Hoàng đã nhìn thấy cây đa trước khi phát hiện ra Xóm Cát.
Từ khoảng cách bảy cây số đường chim bay, qua ống nhòm, Hoàng thấy nó đúng là cây đa chứ không phải cây phi lao. Một cây đa già đứng sừng sững giữa cát trắng rợn người.
Kỳ quặc, giữa cát trắng lại có một cây đa! Rõ ràng là cây đa, em không thể nhìn nhầm được. Hoàng nhăn nhở nói với Xê Trưởng. Thì ai nói cậu nhìn nhầm mô. Xê Trưởng nói. Anh dân Nghệ lại nói ngọng, hai tiếng cuối cùng nghe như nhịn dâm. Hoàng cố nhịn cười. Dù là lính nửa nắng anh cũng đã quá nhiều kinh nghiệm điên khùng của lính tráng một khi họ buộc phải đối mặt với những dị tật của quê hương. Chuyện cá gỗ, chuyện tôm tép, chuyện nhà máy cháo, rau má đường tàu, ngửi mồm con bọ... đã làm sưng đầu mẻ trán không biết bao nhiêu anh lính cùng một chiến hào.
Ở đấy có dân. Xê Trưởng nói tỉnh bơ, cứ như anh đã từng đi qua đó. Bất kì lúc nào Xê Trưởng cũng ngửi được mùi dân dù tín hiệu có được thật mơ hồ. Rõ tài. Lên xe đi các đồng chí! Ta gửi dân chọ dầu ni rồi té. Xê Trưởng nhảy đại lên cabin chiếc xe tải xích tăng. Sáu chiếc xe tải xích tăng chở năm chục phuy dầu chậm chạp bò về Xóm Cát.
Lúc này đã chạng vạng, mặt trời đã khuất sau núi Ngậm Ngùi gửi lại chút kí ức ngày một màu đỏ ối.
vương vất khắp nền trời phía Tây. Hoàng nhìn như dán cái màu đỏ ối phía núi Ngậm Ngùi. Sao mà giống trời chiều ngày thất trận đầu tiên đến thế, cái màu đỏ ối ấy...
Buổi chiều cách đấy tám hôm tiểu đoàn tên lửa của Hoàng đã bị một trận nốc ao. Đau đớn khỏi phải nói, cay đắng nhục nhã đến phát khóc lên được. Chỉ một chút chểnh mảng của trung đội ra đa P12, sau đó là sự chậm tay đến kì quặc của viên sĩ quan điều khiển, tiểu đoàn đã lãnh trọn ba quả tên lửa không đối đất.
Khi đó Hoàng đang ở xe tính toán. ''Xờ rai-ai!" Tiếng loa trong xe tính toán rè rè giọng Dê Trưởng. Nửa giây sau chiếc xe điều khiển bị bắn tung lên trời, vỡ ra trăm ngàn mảnh. Thật ra Hoàng không nhìn thấy nó vỡ ra, ấy là Xê Trưởng kể lại với anh như vậy. Vào những giây phút khủng khiếp ấy, Hoàng cũng bị bắn tung lên, đầu đập vào trần xe. Cánh cửa xe tính toán bật tung, lửa khói ập vào kín đặc. Một khối lửa đập vào mặt Hoàng với một áp lực kinh khủng.
Mẹ ơi! Tiếng hét khiếp đảm của trắc thủ hệ lập lệnh. Nhờ tiếng hét ấy Hoàng đã lấy hết sức bình sinh co chân đạp thẳng vào tủ linh kiện tung người ra khỏi xe.
Đập vào mắt Hoàng là cái xe phát sóng, nó bị bóp dúm, cái ăng ten hình nan thuyền rách toác, nom giống như mồm con quái vật khổng lồ vừa nhai phải một quả mìn. Xe điều khiển đã mất tăm, để lại một cái hố nông choèn, đen xỉn. Sáu người trong xe điều khiển không để lại một tí tóc. Họ chết như không chết. Như không hề có họ từ trước tới nay.
Lần đầu dính bom đạn chứng kiến một lúc mười sáu cái chết Hoàng thấy mệt mỏi hơn là sợ hãi. Ngồi tựa gốc cây cụt ngọn nhìn tấn thảm kịch vừa xảy ra, Hoàng không thể tin nổi tất cả đã mất đi nhanh chóng vậy. vô lẽ đã mất hết thật rồi sao? Thằng Thường, thằng Quân, thằng Lệ, thằng Dư... chúng nó vừa đánh tiến lên với mình đây mà. Thằng Hoạt vừa vác con chó về, khoe chục cân gạo đổi được con chó hơn chục cân, không ai dân vận giỏi như nó. Đáng lẽ giờ này nó đang thui chó chứ nhỉ. Con chó hãy còn đó thằng Hoạt đã biến mất không dấu vết...
Vừa mới vào Khu Bốn chưa đầy một năm tiểu đoàn của Hoàng đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Đây là điều Xê Trưởng quan tâm nhất. Trọn một ngày Xê Trưởng lồng lộn ném đủ thứ bẩn thỉu lên trời. Bây giờ phải tính chuyện kéo nhau ra Hà Nội nhận khí tài mới. Trước đó phải tính chuyện gửi năm chục phuy dầu cho dân, lúc quay vào sẽ nhận lại.
Thực ra đối với một tiểu đoàn tên lửa ngần ấy dầu chẳng nghĩa lý gì, nhưng vứt thì phí quá. Đối với Xê Trưởng chẳng có gì đáng để vứt hết, kể cả một đôi hạt cơm vô tình dính bên mép. Hoàng không phản đối cũng chẳng đồng tình, anh lẳng lặng làm theo mệnh lệnh.
Sáu chiếc xe tải xích tăng chậm chạp bò vào Xóm Cát, sẩm tối thì đến. Dăm bảy đứa trẻ chạy ra. Chúng đi lại, ngó nghiêng, thì thầm với nhau với các bộ mặt nghiêm trọng. Từ trong mười một nóc nhà có chừng vài chục người lớn thủng thẳng đi tới. Họ đứng thành một khối, lẳng lặng quan sát đoàn xe.
Im lặng một cách đáng ngờ. Hoàng chú ý quan sát họ. Không rõ mặt một ai. Ngửi thấy mùi khét mù chua đặc, thứ mùi đặc trưng của mồ hôi đã biến chất. Hẳn tất cả đều gầy đét rách nát bẩn thỉu, Hoàng nghĩ vậy.
ớ đây ai là chủ nhiệm hợp tác xã? Xê Trưởng nhảy đại xuống cát, hỏi như quát. Lũ trẻ cười ré lên. Xê Trưởng dừng lại nhìn hết lượt dân Xóm Cát, ông cần biết lý do gì lũ trẻ kia lại cười còn người lớn không một ai lên tiếng.
Rứa ai là bí thư chi bộ? vẫn tiếng cười lũ trẻ. Chúng còn hoan hỉ vỗ tay bem bép. Đám người lớn vẫn nín thinh. Hoàng nom thấy rõ họ dần xích lại gần nhau hơn, tạo thành một khối vuông đen đặc.
Cảnh giác! Xê Trưởng bắt đầu nổi cáu, anh đến sát Hoàng nói nhỏ, lừ lừ tiến đến gần đám đông. Tôi yêu cầu bà con trả lời. Xê Trưởng cố gắng nói chậm để tránh khỏi phải nói ngọng, điều mà ông tưởng vì thế lũ trẻ đã cười ré lên.
Chúng tôi là bộ đội, bộ đội cụ Hồ. À... Đã bắt đầu có tiếng xì xầm từ trong khối vuông đen đặc đó. Chúng tôi muốn làm việc với cán bộ chủ chốt của làng ta. ở đây chỉ có Trưởng xóm thôi. Một nguời trong khối vuông rụt rè lên tiếng. Tốt. Cho xin gặp.
Khối vuông bắt đầu ồn ào. Hình như họ đang thảo luận xem ai là Trưởng xóm của họ. Rất lâu sau một người thấp nhỏ, lưng hơi gù tách khỏi khối vuông. Tui đây. Một ông già khoảng sáu chục tuổi, hai mắt toàn tròng trắng, đó là một người mù. Lần sau không được hỏi xược như rứa! ồng lừ lừ bước đến trước mặt Xê Trưởng độp một câu khô khốc.
Một cú đáp bất ngờ. Hoàng dựng tóc gáy. Chắc chắn Xê Trưởng sẽ gầm lên. Xê Trưởng vốn vậy, không cho phép ai xúc phạm ông vì bất kì lý do gì, trừ cấp chỉ huy. Xê Trưởng tự ý thức được ông đang chiến đấu cho ai, vì bát cơm manh áo của ai, đó là niềm kiêu hãnh vĩnh cửu không ai có quyền tước đi, trừ cấp chỉ huy.
Hoàng vội vàng nhảy ra khỏi xe. cần phải có mặt đúng lúc xảy ra xô xát. Thật may chuyện đó đã không xảy ra. Xê Trưởng chắp tay cúi đầu trước đám đông, thái độ kính cẩn không chê vào đâu được. Xin lỗi... thành thật xin lỗi bà con. Tôi vội quá... thành ra rứa. Hoàng lại bị bất ngờ. Đó là lời xin lỗi hiếm hoi trong suốt cuộc đời chinh chiến của Xê Trưởng.
Té ra họ là dân thiệt ông ạ. tới khi hoàn thành cuộc bàn giao vui vẻ năm chục phuy dầu cho Xóm Cát, dọc đường trở về Hà Nội Xê Trưởng mới giải thích vẻ khúm núm, lời xin lỗi hiếm có của ông. Con người không biết đùa này vừa cho Hoàng một ý niệm mới, nghe qua tưởng là hài hước thực ra rất nghiêm trọng, nó cho phép Xê Trưởng dùng súng hay sự lễ độ để ứng xử với độ chính xác đến rùng mình.
Có điều, thiệt kì cục... Nỏ hiểu răng xóm đó lại chẳng có tổ chức chi cả. Xê Trưởng rầu rĩ nói. Chắc là dân tứ chiếng. Có mười một nóc nhà, chẳng ai quan tâm... Hoàng chép miệng, anh nói cho qua chuyện. Không quan tâm là răng? Xê Trưởng cao giọng. Hoàng rụt cổ. Giả sử địch nhảy dù xuống đó. Chúng xây dựng một căn cứ giữa lòng cách mạng thì mi tính răng. Hả, tính răng? cổ Hoàng lại rụt sâu hơn. Thử nghĩ mà coi, lại đùng đoàng ngay giữa lòng chế độ ta. Đó, nguy hiểm chưa? Hoàng không dám ư hử gì với Xê Trưởng, con người mấy chục năm rèn luyện tính khả nghi.
Mấy chục người dân Xóm Cát dưới sự chỉ huy của ông trưởng xóm đã trèo lên sáu chiếc xe tải xích tăng cùng bộ đội đẩy năm chục phuy dầu xuống cát, đưa đi cất giấu. Họ hò hét thúc giục nhau, vừa thở vừa nói vừa đẩy vừa kéo các phuy dầu. Đôi khi họ la ó, văng tục vì một vài trục trặc nhỏ. Quả nhiên là họ rất phấn khởi được làm một việc trọng đại như thế này. Xưa nay Cách mạng không hề giao cho họ bất kì một nhiệm vụ gì. Họ không làm, không được làm, không có gì để làm kể từ năm Ất Dậu. Đây là nhiệm vụ lớn lao Cách mạng giao phó như Xê Trưởng giải thích với họ.
Ngay cả năm Ất Dậu cũng vậy. Việc dân Xóm Cát đi phá các kho thóc đem về chia nhau, nói ra thêm ngượng, nó gần với động cơ trục lợi hơn là hành động cách mạng. Rõ ràng chưa lúc nào họ được làm một việc Cách mạng giao phó nghiêm túc như lúc này. Đây không phải lỗi của họ, Xê Trưởng nói đúng, đấy là do sự chểnh mảng của chính quyền khu vực mà thôi.
*
Có vẻ như mấy cô gái Xóm Cát muốn ghẹo Hoàng. Họ chạy đi chạy lại, cố tình va phải Hoàng, úi! Em xin lỗi! Rồi ù té chạy. Rồi cười như nắc nẻ. Hễ Hoàng đẩy phuy dầu nào, lập tức có một hai cô gái xán tới, đẩy thì ít lấn thì nhiều. Ui... bộ đội chi mà trắng rứa hè, trắng hơn công tử bột. Giọng gái to thanh thanh chua chua, mới nghe thôi đã muốn cắn cho một nhát. Tụi bay lấn vừa thôi, khéo không em tau ngã bây chừ! Lại cười. Khiếp, là cười! Vừa chạy vừa cười, mông đánh ngoay ngoảy đến là vui.
Hoàng cũng muốn vọc một cô nào đó theo cách nhỡ tay mà lính tráng hay áp dụng khi rơi vào môi trường nhốn nháo thế này. Cho vui thôi chứ chả để làm gì. Nhác thấy bộ mặt nghiêm trọng của Xê Trưởng anh đành nhắm mắt làm ngơ, cúi mặt đánh lờ hết mọi cuộc khiêu khích của chị em.
Trăng đã với lên một cây sào. Còn một phuy dầu ở đuôi xe thứ sáu. Đã có bốn chị em đang hí húi đẩy. Hoàng nằm vật xuống cát. Gió biển nhẹ và mát, anh thiếp đi chừng nửa tiếng.
Anh chi ơi, dậy mà đi tề! Ấy là thời điểm Hoàng ngao ngán nhất. Rõ là thân thằng lính. Thủ trưởng tôi đã ơn huệ xong chưa? Mắt Hoàng vẫn nhắm nghiền. Rồi!... Tề... mau lên tề!
Cùng một lúc sáu chiếc xe tải xích tăng nổ máy.
Đồng chí Hoàng! Xê Trưởng gọi to. Hoàng đâu? Có tôi. Lên xe! Rõ. Thật không ngờ, sau tiếng đáp đầy vẻ chán chường ấy, Hoàng nhìn thấy cô gái đang đứng cách anh đúng một bước chân chính là Thùy Linh.
Ui... Hoàng! Thủy Linh ôm mặt rú lên.
Ma quỉ! Đúng một bước chân, chỉ đúng một bước chân không hơn. Có thể giang tay và ghì chặt, có thể nhấc bổng và xoay vòng, có thể áp mặt và ngấu nghiến... Ma quỉ! Hoàng đã đứng chết lặng cho đến khi Xê Trưởng vừa chửi vừa ném anh lên xe.
Hai mươi năm sau, cũng có thể trọn đời, Hoàng không bao giờ quên được bóng Thùy Linh chạy bời bời dưới trăng, chới với đuổi theo sáu chiếc xe tải xích tăng. Hoàng ơi!... Dừng lại đi! Hoàng... dừng la-ại..đi-i! Thùy Linh đã gào lên thê thảm.
Giấu giếm làm gì, lúc đó Hoàng đã khóc òa như trẻ nít.
*
Chỉ mình Hoàng ngồi khóc như trẻ nít giữa trảng cát từ khi nắng chang chang cho đến khi sương đêm phủ khắp.
Sao mà khổ sở thế này hả anh? Ly Ly cố nói thật bình tĩnh. Em tìm anh mãi... suýt nữa phải đập cửa mấy cô trực phòng Nhà khách. May em đoán anh ở đây. Hoàng nhìn về khoảng trống trước mắt. Cây đa đã biến đâu mất rồi. Hoàng lầm bầm. Anh vừa trải qua một cơn mộng du, đúng không? Hoàng nhìn đồng hồ, giời ơi đã gần ba giờ sáng.
Ly Ly muốn khóc quá. Xóm Cát là thế nào mà nặng trĩu trong Hoàng làm vậy? Cái xóm ghê gớm, đã chết rồi vẫn giữ rịt lấy Hoàng, không cho anh cựa quậy. Chỉ ba tháng sống với nó thôi, dù là thương nhớ bằng giời cũng không thể làm cho người ta vì đoái thương mà quên hết chuyện đời.
Hoàng đã có khi nào chấn thương sọ não chưa nhỉ? Chưa khi nào nghe Hoàng nói tới. Suốt cả cuộc chiến tranh anh nhiều lần bị thương nhưng chỉ xây xát chút xíu, chưa lúc nào phải vào viện.
Không có lẽ vì Thùy Linh? Đó chỉ là mối tình đầu, ngọt ngào có cay đắng có, cả tủi nhục khổ đau nữa... đủ hết. Và cũng chỉ thế thôi, như ngàn vạn mối tình đầu khác, có gì ghê gớm? Những gì Hoàng từng nếm trải cũng chẳng khác gì ngàn vạn người nếm trải, có ai như Hoàng đâu? Hay là Hoàng thuộc tip những kẻ mang sẵn trong mình dòng máu tuyệt mệnh, tự phóng đại những mất mát cá nhân lên đỉnh điểm? Không, chắc chắn Hoàng không thuộc tip đó.
Hoàng thuộc tip dễ thỏa hiệp, sống kiểu gì sống thế nào đối với anh không quan trọng, vẫn luôn thấy Hoàng cằn nhằn cả ngoài đời lẫn trong văn chương nhưng đấy chỉ là bản tính hay cằn nhằn của anh, bản tính của những ai vừa mới nứt mắt đã được người đời vồ vập chiều chuộng. Trong sâu thẳm Hoàng là kẻ ích kỉ, chỉ biết đến mình không cần biết đến ai. May thay anh được sinh ra từ một dòng tộc lẫy lừng, gốc gác văn hóa bền vững để mọi chứng bệnh của thói ích kỉ không có chỗ dung thân.
Hoàng không chán đời đến vậy. Hằng thấy một chút gì đằm thắm, thiết tha vẫn bừng lên, tỏa ra từ dáng vẻ trễ nải đáng ghét của anh. Hoàng yêu đời và được đời yêu. Mấy ai được đời vồ vập được như anh, hà cớ gì anh chán sống?
Chứng bệnh của Hoàng là chứng bệnh mọi thời đại của người lính do virus chiến tranh gây nên hay là một lý do nào khác? Làm sao Ly Ly có thể biết khi cô đang ở kênh khác của cuộc đời. Thôi không biết nữa, đã quá nhiều mệt mỏi vì cái sự biết rồi, chuốc thêm nữa để làm gì?
Ngủ đi anh. Cứ thế này rồi đến chết mất thôi. Ly Ly ấn Hoàng nằm duỗi ra cát, cô ép sát Hoàng, nhè nhẹ vuốt tóc anh. Ngủ đi anh, ngủ đi...
Hoàng hoàn toàn tỉnh táo như vừa qua một giấc ngủ say. Khi cây đa già và con cú què không còn váng vất trong tâm tưởng, anh thấy thư thái lạ thường. Hoàng lùa tay vào áo Ly Ly, nhẹ nhàng mơn trớn tấm lưng mát mềm của cô. Thôi mà, ngủ đi... Ly Ly kéo tay Hoàng ra, cô lấy mũ mềm úp lên mặt anh.
Anh cưới em có được không? Câu hỏi nghiêm túc đến nỗi không thể nhịn được cười. Anh muốn cưới em thật đấy, tụi mình vợ chồng cho xong mẹ nó đi! Ly Ly úp mặt cười hì hì. Sao cười? Em không biết... tự nhiên thấy buồn cười. Hoàng cù nách Ly Ly, cô không chịu được, cười ré lên cố đẩy Hoàng ra xa.
Nói đi! Nói đi... sao cười? Hoàng xốc nách Ly Ly dựng dậy. Người ta đề nghị nghiêm túc, sao cười? Cái mặt Hoàng nghệt ra trong khi mắt trợn răng nghiến hệt mặt ông địa trong hội múa lân. Buông em ra rồi em mới nói! Hoàng thả Ly Ly, làm bộ nghiêm trang chờ cô nói. Ly Ly thong thả cuốn tóc, sửa sang lại quần áo rồi kéo tai Hoàng lôi đi. Thôi, về!
Ly Ly vụt chạy trước, thỉnh thoảng vốc cát quay lại ném Hoàng. Hoàng lệt bệt theo sau. Lúc này mới thấm mệt. Lưng thẳng đơ, bắp chân như xoắn lại Hoàng bước từng bước vẹo vọ.
Đằng Đông kéo một vệt đỏ rựng chạy dọc chân trời. Cái vệt đỏ mỏng tang như khe hở hẹp một cánh cửa vĩ đại, giấu trong đó cả một lò lửa mênh mông.
Ly Ly dừng lại chờ Hoàng. Cô nhìn bốn xung quanh. Cát vẫn cát trắng dịu kéo dài cho đến núi Ngậm Ngùi. Khoảng không bao la dần trắng rỗng khi ánh ngày dần kéo đến. Lạ quá, nơi đây đã từng có cuộc sống, dẫu âm thầm bức bối nhưng là cuộc sống đầy ý nghĩa, theo cách diễn đạt của Hoàng.
Làm sao Xóm Cát có thể bền gan sống giữa trắng phau và bỏng rát cả trăm mùa hè đỏ lửa để rồi kết thúc bằng một cái chết tang thương và bí ẩn. Hoàng nói nếu không sinh ra ở đây sẽ không cách gì hiểu nổi tại sao người ta có thể yên tâm sống ở cái 'Lò thiêu xác" này đời này sang kiếp khác. Tất nhiên. Nhưng từ đây về Thị Trấn Ninh Giang chỉ bảy cây số cát chứ bao nhiêu. Dân Xóm Cát hết thảy đã một lần về Thị Trấn, họ thừa có khả năng làm một phép so sánh giản đơn.
Hoàng nói thì cũng giống như anh ngày mới về Hà Nội, anh không hiểu người ở đâu ra mà lắm thế, cứ từng đoàn nườm nượp chạy rong ngoài đường phố. Chẳng hiểu người ta lấy đâu ra thời giờ nắm tay nhau dạo hết phố này ra phố nọ. Hoàng đã mục sở thị một đôi trai gái vừa sáng tinh mơ đã ra quán cà phê ngồi lì cho đến tối. Hóa ra phố phường lại tẻ nhạt, vô vị đến thế a? sống quen rồi anh mới hiểu mỗi một cuộc sinh tồn đều có cái lý riêng của nó.
Đã đành là thế. Nhưng ở cái nơi rỗng không này lại là chuyện khác. Hoàng đã kể cho Ly Ly, ở đây vào mùa hạ, đêm thật tuyệt vời nhưng ngày thật đáng sợ. Nó lột trần và đốt cháy tất cả. Từ chín giờ sáng đến tối sập, người ta luôn ở trạng thái bất an, ngực râm ran những bức bối. Không ai muốn ngồi yên một chỗ, lúc nào cũng muốn chạy trốn, muốn thoát thân nhưng chẳng biết vì lẽ gì.
Gió nóng thổi quay cuồng, cát rịn cùng với mồ hôi và hơi cát nồng bốc lên đến chóng mặt. Từ chín giờ sáng đến ba giờ chiều, gió như một kẻ cuồng chạy rối loạn trên trảng cát, bốc lên từng khối bụi cát khổng lồ. Vào lúc mặt trời bò xuống gần đỉnh núi Ngậm Ngùi gió cũng biến đi đâu, trảng cát bây giờ mới thực sự là lò bát quái. Nóng đến ngột thở đến phát rồ.
Khó lòng nói hết cái nóng ghê rợn ở nơi đây. Lửa không táp ở ngoài mặt, nó bốc ngùn ngụt từ trong ruột bốc ra. Nguời ta luôn muốn nhảy xuống giếng, muốn hét rống lên, muốn đập phá một cái gì đó. MỒ hôi đặc quánh trên mỗi lỗ chân lông. Từng sợi tóc khô giòn, nóng rực. Da thịt bốc lên một mùi da thịt cháy nắng khét mù.
Hoàng kể vào thời điểm gió chết đứng này, chị Rá tâm thần bao giờ cũng nhảy ra múa may. Chị tụt quần, cầm quần phất như phất cờ đại, vừa phất vừa chạy khắp xóm. ''Quần đây rồi! Quần mới đây rồi bà con ơi!" ồng Rúm cũng tụt quần nhưng không phải chạy khắp xóm, ông lăn đùng xuống khe Mật. Ông nằm ngửa, chỉ để hở mỗi hai lỗ mũi, đánh một giấc đến sáu giờ tối. Khó ai có đuợc giấc ngủ kì khôi như ông: chìm trong nuớc, ngủ say như chết nhưng không bao giờ để nước chui tọt vào mũi. Một đôi nguời học theo ông, chỉ đuợc dăm muời phút, cố lắm nửa giờ, là sặc nuớc ho gần chết.
Dân Xóm Cát ai nấy đều chạy ra khe Mật. Kẻ thì nhúng bao tải quấn quanh người, ngồi rúm ró duới bóng cây, nguời thì để nguyên quần áo lăn đùng xuống khe rồi ba chân bốn cẳng chạy vào nhà, nửa giờ sau áo quần khô cong, lại chạy ra lăn đùng xuống khe, lại ba chân bốn cẳng chạy vào nhà. Thoạt nhìn dễ nhầm đấy... là cuộc đại náo của những kẻ động rồ.
Vui nhỉ, hay nhỉ! Chậc, nghe là lạ chứ thú vị gì đâu. Đấy là chốn chỉ nên biết cho vui chứ không nên sống cùng.
*
Ô, Hoàng sao thế? Sao lại đứng trơ ra thế kia?... Hoàng! Ly Ly kêu to. Cô đi nhanh về phía Hoàng. Hoàng không động cựa, anh đang theo dõi cái gì đó. Anh vẫy vẫy Ly Ly, mặt vẫn không thôi ngoảnh về phía bãi tha ma. Ly Ly ngoảnh về phía đó. Bãi tha ma của Thị Trấn Ninh Giang, chính quyền gọi là nghĩa địa.
Có người! Rất nhiều người!
Thấp thoáng giữa những nấm mộ cát mọc dày đặc không hàng lối là những bóng người lúc ẩn lúc hiện. Dăm bảy cái bóng vụt dậy lại dăm bảy cái bóng thụp xuống. Một vài cái bóng ôm cái gì đó chạy lom khom rời khỏi bãi tha ma, chui tọt vào đám phi lao rậm rịt mọc ven bờ cát, men Thị Trấn. Vuợt qua đám phi lao là tới Xóm Trầu. Nguời Xóm Trầu tìm kiếm cái gì chăng? Có gì ở bãi tha ma mà tìm. Nếu có bốc mồ bốc mả tất nhiên chẳng ai làm giờ này và cũng không làm lén lút thế kia.
Những cái bóng bẹt dính chuyển động khá nhịp nhàng lúc cúi xuống lúc vươn lên, thỉnh thoảng lại nhảy phốc một cái và chạy lom khom cũng nhịp nhàng như múa. Lạ quá.
Cái gì thế nhỉ... Ma à? Ly Ly ớn lạnh. Một cái gì rờn rợn chờm lên hai bên mang tai. Cái gì... ghê quá... Ly Ly bíu lấy tay Hoàng. Im! Hoàng quát khẽ. Anh rón rén tiến về bãi tha ma. Ly Ly lo lắng bám theo sau, tay không rời vạt áo Hoàng. Buông ra nào! Hoàng giật vạt áo. Không, em sợ... Ly Ly càng bíu chặt lấy Hoàng. Ma thật rồi. Chẳng ngờ những đồn thổi từ vạn kiếp lại hiện ra rành rành trước mắt cô.
Ngồi xuống! Hoàng kéo mạnh Ly Ly, cô mất đà ngã ngồi. Anh vội vàng bò đến bụi phi lao lùn tịt truớc mặt. Ly Ly hớt hãi bò theo Hoàng, luống cuống hót lấy cổ anh. Chưa bao giờ cô sợ đến thế. Hoàng không thèm quan tâm đến nỗi sợ hãi khác thường của Ly Ly, anh còn tỏ ra khó chịu. Làm cái gì thế! Hoàng đẩy Ly Ly ngã lăn kềnh, phát vào mông cô một cái rõ đau rồi nhoài lên, căng mắt nhìn nhìn về phía trước.
Những cái bóng đen cũng thụp xuống, chìm hẳn giữa lờ mờ những mấp mô trắng nhợt. Hình như các bóng đen đã phát hiện ra Hoàng và Ly Ly. Chúng biến lẹ làng trong chớp mắt. Hoàng lao lên chạy thục mạng về phía bãi tha ma.
Hoàng! Ly Ly muốn chạy đuổi theo Hoàng, hai chân cô như có ai bắt chéo. Ly Ly ngã khụy, cố vùng lên lại ngã khụy. Hoàng mặc kệ Ly Ly, một mạch xông thẳng vào bãi tha ma. Vương vãi những dấu chân giẫm đè lên nhau, những mảnh vụn ván quan tài lẫn trong đám cát mới bói tung lên và mới vùi trở lại. Hoàng ngồi ngó ngơ bốn xung quanh. Thoang thoảng mùi gì như mùi huyệt vừa mới bốc.
À ra thế, tiên sư bố chúng mày. Hoàng gằn giọng lầm bầm. Đ. mẹ chúng mày, ông biết chúng mày làm gì rồi.
Ly Ly cũng đã bò đến bãi tha ma. Anh làm cái gì thế? Ly Ly vồ lấy Hoàng. Gì? Em không ngờ anh lại nhẫn tâm đến vậy. Hoàng chẳng hiểu vì sao Ly Ly giận dữ. Anh mặc kệ Ly Ly, chẳng mấy khi anh quan tâm tới thói đỏng đảnh của các cô gái con nhà giời, "'hạt giống đỏ". Con cái quan lớn vẫn thường lấy đỏng đảnh làm duyên, thói thường Hoàng rất ghét.
Hoàng rút thuốc hút, trầm ngâm nhìn quanh bãi tha ma. Em có biết vừa xảy ra chuyện gì không? Em không cần biết! Ly Ly gắt ngang. Cô nén tiếng bật khóc. Anh chưa nói cho em biết tại sao anh lại tàn nhẫn với em đến vậy!
Hoàng vẫn không hiểu gì cả. Ly Ly lồng lộn đi đi lại lại quanh Hoàng, ý chừng như muốn xé xác anh ra. Em làm sao thế? Ly Ly túm lấy cổ áo Hoàng day lấy day để. Làm sao à? Ác với người ta thế mà còn dám hỏi làm sao! Hả!? Hả!? Hả!? Ly Ly rít lên và òa khóc.
Bây giờ Hoàng đã hiểu. Thủa bé đến giờ không hề biết sợ ma là gì, Hoàng cứ tưởng ma quỉ chỉ là chuyện đùa chơi, đàn bà con gái thường viện có đây mà làm nũng, không ngờ Ly Lỵ sợ đến vậy. Hoàng ôm vai cô nói lời xin lỗi. Anh mà nhà văn cái gì, tâm lý hạng bét! Hoàng cười khịt khịt, đáng lẽ không nên cười vào lúc này, anh không nhịn được.
Ly Ly chẳng tươi tỉnh lên chút nào tuy đã qua con điên tiết. Cô bình tĩnh tìm cớ bênh vực cho Hoàng. Có thể Hoàng vừa phát hiện ra một điều gì ghê gớm lắm anh mới tập trung cao độ đến quên phắt hết thảy. Vốn dĩ Hoàng khá tinh tế, chỉ cần một chút thay đổi của cô anh cũng dễ dàng đoán ra, đâu đến nỗi thế này.
Anh nói vừa xảy ra chuyện gì? Ly Ly gặng hỏi. Hoàng lắc đầu không đáp, anh lại rút thuốc hút. Anh hút nhiều quá, vừa mới đó đã ba điếu. Ly Ly cằn nhằn. Cô biết những lúc căng thẳng hoặc có chuyện gì bối rối, Hoàng chẳng biết làm gì hơn là dùng thuốc lá đốt cháy hai lá phổi.
Thật kinh khủng. Hoàng hắt ra ba tiếng rồi ngồi im. Kinh khủng cái gì... ơ kìa! Ly Ly hỏi, lại hỏi thêm một lần nữa Hoàng không đáp. Chẳng biết làm gì hơn, Ly Ly lôi Hoàng dậy, kéo anh về Nhà khách ủy ban huyện.
Nắng đã chạy dài trên trảng cát, thưa thớt vài vạt vàng nhạt vắt qua những đụn cát vun cao đẹp như ngực thiếu nữ dậy tình, dân ở đây vẫn quen gọi là vú cát.