Miếng bánh
Mới đầu tháng bảy, trường THPT Sơn Hà đã nhóm họp hội đồng sư phạm. Mục đích cuộc họp giữa hè này đã được thầy hiệu trưởng nêu rõ trong lời phát biểu mở đầu rất ngắn gọn. Một, thông báo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hai, thành lập hội đồng xét tuyển học sinh vào lớp 10 năm học mới. Và cuối cùng, vâng, ba là, phân công giảng dạy ôn tập hè và học kỳ một. Tôi xin lưu ý thêm, thầy hiệu trưởng nhấn mạnh, thu nhập của cả trường ta có thể ví như một cái bánh vậy. Nếu công bằng mà nói, nó phải được chia đều cho tất cả mọi thành viên, tùy theo số tiết thực dạy tại các lớp. Vậy nên, trong thời gian tiến tới loại bỏ hoàn toàn các giờ dạy thêm sai quy định trong nhà trường, để việc chia đảm bảo tương đối đều, các anh chị trong tổ đều phải đảm nhận dạy ít nhất ở hai khối lớp. Cụ thể là, thầy cô nào dạy các lớp 11, 12 sẽ phải có nghĩa vụ dạy ở một vài lớp 10. Ban giám hiệu chúng tôi sẽ căn cứ vào kết quả thỏa thuận ở tổ để xếp thời khóa biểu. Mọi đề xuất, thắc mắc của cá nhân, nếu chưa thông qua tập thể, sẽ không được lãnh đạo trường chấp nhận... Cuộc họp hội đồng diễn ra trong vòng mười lăm phút. Nói ít hiểu nhiều, cả trường đều biết nội dung quan trọng nhất là mục thứ ba trong lời phát biểu của thầy hiệu trưởng. Và đương nhiên, người đứng đầu trường đã chỉ đạo, việc phân công giảng dạy sẽ tiến hành tại các tổ chuyên môn. Từ phòng họp hội đồng, các thành viên tổ toán ùa ra, vừa cười nói vui vẻ vừa đi về phòng học số mười ba. Họ hỏi thăm nhau đủ chuyện. Nào là sau khi chấm thi tốt nghiệp, coi thi vào lớp 10 THPT chuyên, thầy đã kịp đi đâu chưa; sắp tới cô đăng ký coi thi và chấm thi cho trường đại học, cao đẳng nào? Phần lớn kêu ca chưa có thời gian đi nghỉ mát, thăm hỏi bà con, bạn bè ở xa. Mà còn đi đâu được nữa khi lại sắp phải dạy hè. Nhà trường đã đồng tâm nhất trí tất cả vì học sinh thân yêu, mình đứng ngoài cuộc sao được? Được xếp họp ở phòng 13, con số mà người ta cho là xui xẻo, tổ toán bắt đầu không mấy suôn sẻ. Vấn đề đầu tiên mà tổ bàn bạc giải quyết là những ai sẽ đứng các lớp 12. Thầy San dạy lớp 11 năm rồi đề nghị nên hoán đổi những người từ các khối 10 và 11 lên. Phải luân chuyển để hoàn thiện đội ngũ cho toàn diện chứ. Về ý kiến này, cô Xuân tổ trưởng tế nhị nói, các thầy cô đứng lớp 12 năm ngoái đều là thứ dữ có cỡ cả. Nhờ họ ốp học sinh đi học phụ đạo gắt gao mà trường ta đạt tỉ lệ tốt nghiệp từ 92 đến 95% đấy. E rằng những người mới, do chưa có nhiều kinh nghiệm, sẽ khó mà giữ được thành tích trường đã đạt được. Tiếp lời cho cô Xuân, cô Vân thỏ thẻ, thôi, không hoán đổi giáo viên giữa các khối thì ta bốc thăm vậy. Vì sao phải bốc thăm ư? Tôi có thể trả lời thẳng thắn ngay là, ở khối 12 có 5 giáo viên mà số lớp để dạy chỉ có 17. Làm một phép tính chia đơn giản, ta thấy có ba người chỉ được dạy có ba lớp, còn hai người sẽ được dạy tới bốn lớp lận. Thì bốc thăm, cô Xuân miễn cưỡng nói, cho khách quan. Thầy San được phân công làm năm cái thăm, trong đó ba cái ghi số 3, hai cái ghi số 4. Kết quả là cô Xuân vẫn dạy bốn lớp 12. Không phải do cô bắt được cái thăm có ghi số 4 mà bởi cô Vân cứ khăng khăng sẻ cho cô một lớp. Cô Vân cố thanh minh rằng, vì đang phải điều trị gan ngoại trú, cô chỉ đảm đương được ba lớp 12 và xin dạy một lớp 10. Thôi cũng được, cả tổ cho qua... Tiếp theo đó, tổ lại phải chia mười bẩy lớp 11 cho sáu người. Khó quá! Vì ai sẽ là người chịu nhận dạy hai lớp đây? Bởi vậy, khi thấy cô Xuân hí hoáy chuẩn bị sáu cái thăm, các thầy cô dạy khối 11 đều lặng lẽ quay mặt về hướng khác. Riêng thầy Hội, thầy cảm thấy rất bức xúc mỗi khi tổ phải họp để phân công khối lớp. Lúc này, cũng như mọi người, thầy càng hiểu rõ hơn, thủ phạm tạo ra cái không khí nặng nề kia chính là các giờ phụ đạo buổi chiều. Năm kia, thầy Hội dạy bốn lớp 10, thu nhập của thầy là một triệu hai trăm năm chục ngàn đồng, bao gồm cả lương chính và tiền phúc lợi. Còn năm ngoái, thầy được ưu tiên dạy bốn lớp 11. Nhờ có ba mươi hai tiết phụ đạo, thu nhập của thầy tăng vọt lên tới hai triệu một trăm ba chục ngàn. Cho dù Hội đã cố bao biện rằng có làm thì có hưởng, nhưng mỗi tháng đứng trước quầy thủ qũy lãnh tiền, thầy vẫn không sao xoá được cảm giác mình đang mắc lỗi với ai đó. Hội biết, vì sĩ diện mà chẳng ai dám nói toạc ra sự thật về miếng bánh to, miếng bánh nhỏ kia. Cái lớn, cái nhỏ, tức là sự chênh lệch trong phân phối thành quả lao động trong một tập thể, chính là nguyên nhân dẫn tới sự đố kị, ganh ghét, bè phái và cả những điều tiếng không hay về người này người kia nữa. Nhìn lướt qua phòng họp, thầy Hội biết người ta đang trông chờ ở mình một điều gì đó, thật khó nói. Ừ, hoàn cảnh kinh tế nhà thầy cũng tàm tạm. Là người cao tuổi nhất trong tổ, thầy thấy mình không còn đủ dũng khí để đưa tay ra bốc một cái thăm? Vả lại, theo nguyên tắc chia khối lớp của thầy hiệu trưởng, nếu như thầy chỉ nhận dạy ở khối 10, chắc chắn nhà trường cũng không chấp nhận cơ mà. Người ta sẽ điều chỉnh lại, phân công thầy dạy hai lớp 11. Không rõ vì muốn làm cho không khí cuộc họp bớt căng thẳng hay vì một ý tưởng táo bạo khó đoán trước, thầy Hội khoan thai đứng dậy, phẩy tay nói, thôi, không phải bốc thăm nữa, vì một lý do chưa tiện nói, năm nay tôi lại xin dạy ở khối 10. Cô Xuân chỉ chờ có thế, không đợi thầy Hội kịp ngồi xuống ghế, cô đã bật dậy xác nhận, cả tổ nghe rõ thầy Hội vừa nhận dạy ở khối 10 rồi nhé. Vậy nên tôi đề nghị cô Lan, cô Hồng dạy bốn lớp 11, bốn anh chị còn lại dạy ba lớp. Vui vẻ cả nhé! Ơ kìa, Vân ơi, em ghi vào biên bản họp tổ cho giấy trắng mực đen đi chứ! Nghe cô Xuân nửa đùa nửa thật như thế, cả tổ ồ lên cười vui vẻ. Nhưng ngay sau đó, một nỗi lo âu mơ hồ bất chợt xuất hiện, len vào tâm hồn thầy. Giả sử ban giám hiệu cứ xếp thời khóa biểu y như biên bản họp tổ thì sao? Rồi ai đó có thể vu vơ tưởng rằng, thầy Hội không dạy được các lớp 11, 12 nên đã tự nguyện xuống dạy ở lớp 10? Hay ông này bắt đầu mát tính rồi, tiền chia cho mà còn sĩ, tự bỏ qua túi người khác là cớ làm sao? Những câu hỏi dồn dập khiến cho sống mũi thầy Hội cay cay, lấm tấm mồ hôi. Cũng may, tới đó thì buổi họp kết thúc. Thầy Hội không ngoái đầu nhìn lại, vội vã bước như chạy ra khỏi phòng. Giữa bữa cơm trưa, nhận ra vẻ mặt tư lự của chồng, vợ thầy hỏi, năm nay ông thầy dạy mấy lớp phụ đạo, thu nhập liệu có khá hơn năm ngoái không? Hội thở dài, bảo chả có giờ dạy thêm giờ nào hết. Người vợ tròn mắt, chết, chết thật, thế thì đói to à! Không có thực làm sao ông vực được đạo? Sao ông không đề nghị người ta chia cho? Con không khóc mẹ nào cho bú? Hay là ông cao ngạo, ra vẻ ta đây, nhường hết cho người ta rồi? Thời buổi bây giờ vật giá cái gì cũng tăng vọt. Tiền gạo, thịt, mắm, muối, tiền điện nước, xăng xe, tiền học phí, vui cũng tiền mà khóc cũng tiền! Có cả hàng trăm khoản cần tiêu mà ông lại dám coi thường tiền ư? Người ngợm gì mà cứ lớ nga lớ ngớ như rơi từ trên trời xuống vậy! Chỉ khổ cái thân tôi... Thầy Hội buông đũa, bỏ vào buồng nằm. Ruột gan thầy xót như bào, cứ sốc lên từng đợt. Đầu óc thầy ong ong, quay cuồng như bị trúng gió đột ngột. Mồ hôi trên trán thầy vã ra như tắm. Tiên trách kỉ, hậu trách nhân. Hơn lúc nào hết, thầy Hội tự thấy mình hèn quá, ích kỉ quá! Thầy là người ý thức rất rõ rằng, người ta phải sống rồi mới làm thầy, mới nói những chuyện cao siêu được. Thế mà, khi thầy hiệu trưởng thân mật vỗ vai hỏi, theo ý thầy, có nên dũng cảm bỏ việc dạy thêm trá hình đi không, nên làm như thế nào để thu nhập của anh em trong trường bớt chênh lệch nhau; thay vì góp ý ban giám hiệu nên giải quyết theo hướng lấy tổng số tiền thu được từ các giờ dạy phụ đạo chia đều cho tổng số tiết thực dạy, trong trường ai dạy nhiều hưởng nhiều, dạy ít hưởng ít, thầy lại tìm cách né tránh câu trả lời bằng cách lảng qua chuyện khác. Hèn? Hay cái khoản thu nhập hai triệu tư kia nó làm thầy lúng búng? Ai lại đi vạch áo cho người xem lưng, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của những người được phân công dạy các lớp phụ đạo? Ờ, sao lúc đó thầy không đặt bản thân mình vào vị trí của các thầy cô không dạy phụ đạo mà suy nghĩ, trăn trở và nói lên tâm tư của họ nhỉ? Chả lẽ trường chỉ ưu ái các thầy dạy văn, toán, lý, hóa, ngoại ngữ ở các khối 11, 12 - khối có giờ phụ đạo? Còn các thầy cô dạy khối 10 hay các bộ môn sử, địa, công dân, kĩ thuật, thể dục, phụ trách thư viện, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm,...không phải là giáo viên trong trường? Nghĩ tới đây, thầy Hội nhỏm dậy, với điện thoại. Thầy định gọi cho thầy hiệu trưởng, mong muốn ông có thể chia sẻ và làm vơi đi nỗi tâm sự đang rối bời trong lòng mình. Song cũng vào thời điểm đó, bên tai thầy bỗng vẳng lên những lời chì chiết của người vợ. Thầy rụt tay lại, nằm vật xuống giường. Phải gọi ngay cho Xuân thôi, bây giờ vẫn còn kịp, Hội nghĩ. Và thầy nhấc cái điện thoại lên. A lô, Hội đây. Ừ, ừ, mình đã nghĩ lại, mình muốn...Cứ thử xem. Ừ, thế nhé. Cảm ơn nhiều… Chiều tối cô Xuân mới gọi điện lại cho Hội. Vâng, không thể thay đổi được anh ạ. Ngay sau lúc anh báo lại, em đã gọi cho thầy hiệu trưởng. Nhưng xui cho anh là máy của thầy ấy lại ngoài vùng phủ sóng. Dạ, thời khóa biểu hè thì đã xếp xong từ lúc năm giờ chiều rồi. Cô hiệu phó chuyên môn nói tổ đã thống nhất thế, dứt khoát không chiều theo ý của cá nhân nào nữa. Vâng, nguyên tắc một người dạy hai khối lớp chỉ là tương đối thôi mà. Khó cho em lắm. Anh thông cảm nghe anh. Riêng cái đề nghị thêm của anh, em đã báo ban giám hiệu, họ hứa sẽ xem xét lại sau khi hết ôn tập hè. Nhưng em biết là khó đấy! Quyền lợi của số đông mà. Một mình thầy hiệu trưởng, thêm anh nữa cũng vẫn chỉ là số ít... Thầy Hội bỏ máy, khẽ thở dài. Chả lẽ dứt bỏ những giờ phụ đạo, nói thẳng ra là những giờ học tăng tiết bắt buộc, lại khó khăn đến thế sao? Ừ nhỉ, một tháng rưỡi hè! Học phí cho năm môn học phụ đạo là ba trăm ngàn. Kết quả học sinh được những gì? Được học trước chương trình! Và mất đi những ngày hè vui vẻ? Còn thầy Hội, thầy sẽ được nghỉ hè tiếp. Điều quan trọng hơn, thầy được ít nhất hai bài học. Ở đời, ăn bánh phải trả tiền! Vì thế, đừng ai tưởng rằng thầy Hội không phải đóng học phí. Đắt lắm! Đó chính là cuộc đời, với những quãng lội đã qua, đang qua và sắp tới! Cho tới đầu năm học. Lệnh của Sở giáo dục cấm việc dạy thêm trong trường được ban ra. Ông hiệu trưởng họp hội đồng sư phạm lại và nói:- Chúng ta sẽ thành lập Trung tâm giáo dục thường xuyên. Đây không phải là các lớp phụ đạo cũ. Có điều, các thầy cô nhớ cho các trò làm đơn. Không bắt buộc. Trò nào tự nguyện mới được học! Vì như vậy mới hợp lệ. Sở, Bộ không thể khiển trách, còn quyền lợi của các thầy cô thì vẫn như trước! Được chưa?Hội cúi gằm mặt xuống, tai đỏ rực…