Có một thời tôi cần viết nhạc như cần thở vậy. Thời trẻ trung, vọng động, thở nhiều, viết khỏe. Càng lớn công việc hô hấp càng đề huề, bớt căng thăng, nhịp viết lách có bề lả lơi lai rai hơn. Có một bầu không khí dành cho sự hít thở. Vì hô hấp quá cần cho sự sống nên không mấy ai chịu lười thở. Người ở đồng bằng thở theo kiểu sông rạch trôi đi miên man lở bồi phù sa, nước phèn, mặn, ngọt. Người thung lũng thở kiểu ẩm đục sương giăng. Người ở trên non thở hồn nhiên lãng đãng. Văn Tự Trên mặt đất này, từ rừng núi, những làng quê đến các đô thị, ở đâu cũng có các con đường để đi. Con đường có thể rất thô sơ, có lúc rất ngoạn mục để từ đó con người đi tìm những con người hay tìm đến những chốn những nơi cần cho những công việc riêng tư. Có những con đường rừng núi do bàn chân người đi mãi thành một lối mòn. Có những con đường do sự sắp xếp của đầu óc theo một mô hình để con người thong dong đi đứng do bàn tay con người làm nên. Dù bằng cách nào thì những con đường ấy vẫn có bổn phận giúp cho con người tìm đến một nơi nào đó mà mình thích. Có những ngã ba, ngã tư, ngã năm, sáu, bảy và vào thời đại này những con đường lại chồng chéo lên nhau từ những tầng rất cao đến những tầng thấp sâu. Những con đường ấy làm nên một thứ văn tự hay nói nôm na hơn là một thứ chữ viết báo hiệu sự có mặt của đời sống con người. Con vật cũng có lối đi riêng. Mỗi loài chim đều có một thứ văn tự viết bằng đường bay của chúng trên bầu trời. Văn tự của con kiến được con người đặt tên là "file indienne". Và còn biết bao nhiêu loài vật khác, cả đến những loài côn trùng vô danh cũng đều có một loại văn tự riêng biệt mà chỉ có chúng mới tự nhận ra. Đó là một kiểu văn tự viết bằng sự sống riêng biệt của muôn loài. Bèo dạt hoa trôi có một kiểu văn tự trên nước. "Ecriture sur l'eau". Trên những sông ngòi quê ta có đời sống của lục bình, của bèo làm những cuộc phiêu du không ngừng nghỉ. Chúng như một bộ lạc du mục cứ mãi ra đi và đã vẽ lên một thứ văn tự trên dòng nước. Có người ngồi bên dòng sông ngắm nhìn đám lục bình trôi đi và phút chốc bỗng ngậm ngùi về một thứ văn tự hồn nhiên đã tan biến vào hư không. Đó là cuốn bạch thư hùng vĩ mà muôn loài đã để lại cho bầu trời, mặt đất và sông nước. Những văn tự hư ảo phiêu bồng đó dù không được lưu trữ nhưng trong trí nhớ của những người thích suy tưởng về cuộc sống chung, nghĩ lại đôi lúc cũng bồi hồi. Thế giới Âm Nhạc - Tháng 3/1997 Sự Vật Con Người 1- Những ngày đầu năm mới tịch dương, sải chân tà tà về những ngày cuối lịch âm cũ, bầu trời thành phố sớm chiều có một màu sắc khí hậu êm ả dịu dàng. Trời đất như thế, thường khiến ta tìm một nơi yên tĩnh ngồi uống rượu, uống trà với bạn. Buổi chiều chúng tôi thường đến một quán quen vào giờ chưa có khách. Nói với nhau dăm ba câu chuyện về đời, về người, về nghệ thuật. Tiếng nói chỉ đủ rơi quanh chỗ chúng tôi ngồi. Quán vẫn cho chúng tôi nghe một thứ âm nhạc đã chọn kỹ, âm lượng mơ hồ như một thứ tiếng nói khác của thiên nhiên. Anh bạn họa sĩ của tôi nói: Đôi khi âm nhạc cũng đuổi người ta đi. Ý muốn nhắc nhở thứ âm nhạc ồn ào không thuận lợi mấy cho một khung cảnh màu sắc sỗ sàng. 2- Quán có những hàng ghế, bàn mây sơn trắng. Sỏi trắng và bãi cỏ xanh. Đèn bật lên, quán bỗng chuyển sang một đời sống khác. Người bạn tôi nói: Hình như loại cây nào không có hoa thì cũng không có trái. Cây tre chỉ có lá mà thôi. Tôi nghĩ thầm: mụt măng cũng có thể xem như một loại trái hài nhi của tre vậy. Tiếc rằng những thứ trái hài nhi ấy chưa kịp manh nha thành thân, thành lá lại thường oan mệnh trước cuộc hóa thân. Những âm thanh rời lẻ có khi hóa thân thành những dòng nhạc đẹp, nhưng lắm khi cũng yểu mệnh vô thường. 3- Những quán hàng cũng có một kiếp sống vô thường. Nơi đây ngày xưa có quán. Hôm nay có thể không còn. Bóng dáng của quán ấy ở lại trong trí nhớ của con người. Con người mất đi, trí nhớ về quán ấy cũng mất đi. Sự vắng bóng đó có khi vô nghĩa, trong cái bề bộn của cuộc sống, nhưng ngẫu nhiên, ai biết được bỗng rơi tõm vào đời riêng của một người. Câu chuyện về một cái quán khả ái nào đó tình cờ được nhắc nhở. Và phút chốc cái quán cũng bàn ghế, cảnh trí, người ngợm của cái ngày nào xa xôi ấy bỗng thức dậy trong trí nhớ một người xa lạ. Cái quán kia phục sinh trong một đời sống khác. Cũng như thế, có những câu hát một thời đã sống, đã lãng quên và sống lại. 4- Một tác phẩm không bị lãng quên thường được mở rộng đường để đi đến chốn không bờ bến của những giá trị dường như huyễn hoặc. Con người bị lãng quên là kẻ đã tự đánh mất mình để rồi xóa nốt mình trong trí nhớ của kẻ khác. Cũng như thế, có những dòng nhạc của một đời người đã đứng ngoài và cao hơn số phận của người đó. Thế giới âm nhạc, số 1/1990 Tôi đã đi qua những bề thế ấy, viết và thở. Có khi viết thở kiểu hào hoa phong nhã công tử Bạc Liêu. Có khi hồn xiêu phách lạc viết thở theo phong thái ngỡ ngàng rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh. Lại có lúc thơ thới hồn nhiên viết thở tựa hồ như những bước chân hân hoan của "Hoàng tử bé" rong chơi qua mọi vùng sinh thái tinh cầu. Thời đại chúng ta đang sống, con người xô đẩy nhau la ó về chuyện cần làm sạch sẽ môi sinh. Càng văn minh càng ô nhiễm khó thở. Không khí vốn là một món ăn thiên nhiên tạo hoá đã dành sẵn cho lá phổi. Bỗng một hôm, hai bữa, ba bốn ngày nọ tiếp nối đổ xô về hàng loạt những thứ bụi bặm kệch cỡm múa may rối rắm trên trời dưới đất, trên nguồn dưới lũng, không dung tha, không khoan nhượng. Thứ bụi rác độc hại đã xé toang buồng phổi sự sống của chúng ta. Mọi thứ sinh linh khác cũng khó bề tồn tại. Không khí vốn vô tư. Ai muốn thở cũng được. Tôi vốn viết nhạc cũng như thở vậy. Có điều khi thở tôi chọn cái không khí trong lành để cho lá phổi không than phiền và cái sự hô hấp cũng bớt đi phần gian nan. Một bài hát cũng vậy. Hát để thăng hoa đồng thời cũng để an ủi. Sản phẩm văn nghệ chỉ đẹp khi có khả năng xoá đi những nỗi giận hờn. Nó có bao giờ, muốn đèo bòng một thứ khác để tự hủy diệt nó đâu. “Phải Biết Sống Hết Mình Trong Mỗi Sát Na Của Hiện Tại" ° Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo chính là Phật giáo. Từ những ngày còn trẻ, tôi đã học kinh và thuộc kinh Phật. Thuở bé tôi hay đến chùa vì thích sự yên tĩnh. Có những năm tháng nằm bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến nhà tụng kinh cầu an và tôi thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa nhũng câu kinh đó. Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hóa Đông Tây góp nhặt được, còn có lời kinh kệ vô tình nằm ở đấy. ° Không hiểu sao những năm gần đây, tôi thường nghĩ về Phật giáo như một tôn giáo mang nhiều tính hiện sinh nhất. Bắt đầu bằng chữ sát na, một đơn vị thời gian siêu nhỏ. Phải biết sống hết mình trong mỗi sát na của thực tại. Từ mỗi cái ăn, cái uống, cái đi đứng nằm ngồi. Không làm công việc này mà nghĩ đến công việc khác. Với tôi, đó cũng là thiền, là một cách sống đích thực. Tôi vẫn tiếp tục thực tập cách sống như thế hàng ngày. Tôi đang cố gắng quên Phật giáo như một tôn giáo. Tôi muốn đó là một thứ triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người thuộc tôn giáo khác. Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi. ° Với tôi, Phật giáo là một triết học làm cho ta yêu đời hơn chứ không phải làm cho ta lãng quên cuộc sống. °...Tôi không quan niệm tìm đến với Phật mà là trở về với Phật tính trong cõi riêng mình. Đó là quê hương, là chiếc ngai Phật. Tôi ngồi, Phật sẽ tràn ngập tôi và tôi sẽ tràn ngập Phật. Như một cơn lũ dũng mãnh đầy phù sa, mang theo trong nó những gì có thể nuôi dưỡng được cho một cõi "Ngộ" ra đời. "Thấy" và biết" và từ đó làm nảy sinh một nụ cười tủm tỉm, một thoáng cười hàm tiếu mà La Joconde của Léonard de Vinci mới có thể trong muôn một so sánh được. ° Cuối năm 1995, tôi có viết được một bài hát mà tôi rất thích và bạn bè ai cũng thích. Đó là bài "Sóng về đâu”. Bài này lấy cảm hứng từ câu kệ: "Gate Gate. Paragaté. Parasamgaté. Bodhi svaha". ° Tôi đang đi tìm một cách biểu hiện mới. Muốn vậy, khi sáng tác, tôi phải lãng quên hiện hữu này để đi vào một thực tại, một thực tại phiêu bồng, ở đó không có những xung đột trần tục của chữ nghĩa và những lý luận ngõ cụt không đâu. Tôi đang tập hành Thiền về sự lãng quên. Lãng quên những gì không cần thiết cho đời và cho chính bản thân mình. Nguyệt san Giác ngộ 4/2001 Huyên Náo Và Tĩnh Lặng Trong những ngày nằm bệnh không có gì thích thú bằng sự tĩnh lặng. Không một ai quấy rầy đến sự nghỉ ngơi. Không có gì làm xao động cái không gian đã được đóng kín lại cho một cõi riêng tư. Nằm yên và nghe mình thở. Nằm yên và theo dõi những suy tưởng của mình trước cuộc đời. Nằm và cảm nhận cùng một lúc sự gần gũi và cả sự xa vắng đối với tất cả những gì đang cùng tồn tại hay đang vây quanh đời sống của ta. Đau ốm chỉ là sự tạm dừng chân trong cuộc hành trình về phía trước. Vắng bạn đương nhiên là buồn. Nhưng bạn nào và sự có mặt của bạn như thế nào đó mới thật là một niềm vui. Có những sự có mặt của bạn bè tương đương với một dấu lặng trong âm nhạc nên sự có mặt đó thường có khả năng mang đến cho ta một sự thoải mái thảnh thơi tựa hồ như niềm hoan lạc. Đó là những trường hợp ta không cần phải đối phó, không cần phải cố gắng lấp đầy khoảng trống bằng những câu chuyện gắng gượng, nhạt nhẽo. Nếu trong âm nhạc không có những dấu lặng, dấu nghĩ, thì đó là một tai họa. Đám đông và sự ồn ào không phải luôn luôn là đại diện của sự sống. Ta cần sự nghỉ ngơi và tĩnh lặng không phải chỉ trong lúc nằm bệnh mà ngay cả trong lúc đang sinh hoạt bình thường. Tiếng động ầm ĩ cũng giống như sự phát ngôn huyên thuyên không có cơ may chấm dứt trong những cuộc họp mặt hoặc trong những buổi trà dư tửu hậu. Đó chỉ là sự phá sản của những não trạng không bình thường. Nó làm mệt mọi người và cả cuộc sống. Có sự ồn ào của chợ và sự huyên náo của nghị trường. Nhưng giữa sự ồn ào của chợ và sự huyên náo dị thường của những cái loa vô tội vạ phát thanh về bất cứ vấn đề gì bất chấp người nghe muốn hay không thì tôi chọn sự ồn ào của chợ. Bởi vì đằng sau sự ồn ào còn có thực phẩm trần gian. Nó hứa hẹn những bữa ăn ngon trong không khí một gia đình sum họp. Đi qua cuộc sống hàng ngày tôi biết có rất nhiều người không biết hoặc không hề quan tâm đến sự tĩnh lặng. Họ thích nói và hình như cần phải nói với bất cứ giá nào. Họ nói về bất cứ vấn đề gì miễn là có một kẻ thứ hai để chịu đựng những điều họ muốn nói. Họ nói và cười sảng khoái cho riêng họ bất chấp kẻ khác có đồng tình hay không. Huyên náo và tĩnh lặng là hai trạng thái tinh thần khác nhau. Người ta có thể phát bệnh vì tiếng la hét quá độ chứ không bao giờ mệt mỏi vì sự yên tĩnh. Tạp chí Sóng Nhạc