Thế giới đang có một cái gì đó không ổn, một sai hỏng khủng khiếp, hắc ám nó thấm vào mọi vật như một màn sương dày mù mịt, lén lút bao quanh Xcarlét. Cảm giác bất ổn đó còn thấm sâu hơn cả cái chết của Bonni vì giờ đây nỗi đau không chịu nổi ban đầu đã chuyển thành sự cam chịu chấp nhận tổn thất. Tuy nhiên cái ý thức kỳ quái về tai họa sắp tới ấy vẫn dai dẳng, như thể một cái gì đen xì, tùm hụp đang đứng kề bên vai nàng, như thể đất dưới chân nàng có thể biến thành cát lầy khi dấn bước trên đó. Trước đây, nàng chưa hề biết đến lọai cảm giác khiếp sợ này. Cả đời, tỉnh táo đứng chắc chân trên lẽ thường, những điều duy nhất khiến nàng sợ là những điều nàng có thể nhìn thấy - tổn hại, đói, nghèo, mất tình yêu của Asli. Tuy không có đầu óc phân tích, giờ đây nàng vẫn cố phân tích, nhưng cách nào đó, nàng có thể chịu được nỗi bất hạnh này như đã từng chịu đựng những tổn thất ê chề khác. Nàng có sức khỏe, nàng muống bao nhiêu tiền cũng có và nàng vẫn có Asli, mặc dầu dạo này, nàng ngày càng ít gặp chàng. Ngay cả sự gò bó nảy sinh giữa hai người từ buổi tiếp tân tệ hại ở nhà Melơni cũng không làm nàng lo vì nàng biết nó sẽ qua đi. Không, giờ đây điều nàng lo sợ không phải là đau đớn hoặc đói hoặc mất tình yêu. Những nỗi lo sợ lọai ấy không bao giờ đè bẹp nàng như cái cảm giác bất ổn này - cái nỗi sợ thui chột người nó giống một cách kỳ lạ nỗi kinh hòang trong cơn ác mộng cũ của nàng, cơn ác mộng trong đó nàng chạy giữa một màn sương dày đặc chuyển động, tim cơ hồ muốn vỡ tung như một đứa trẻ lạc tìm hòai một nơi nương náu hư ảo. Nàng nhớ lại Rét bao giờ cũng có thể dùng tiếc cười để xua tan mọi nỗi sợ của nàng. Nàng nhớ đến niềm an ủi nàng tìm thấy khi ngả đầu vào bộ ngực rộng ngăm đen hay buông mình trong vòng tay chắc nịch của chàng. Và thế là nàng quay về phía chàng và lần đầu tiên sau bao tuần, mắt nàng thực sự nhìn thấy chàng. Sự thay đổi nàng bắt gặp ở chàng làm nàng bàng hòang. Con người này ắt sẽ không cười hoặc vỗ về an ủi nàng. Trong khỏang một thời gian nào đó sau khi Bonni chết, nàng quá giận chàng, quá chìm đắm trong nỗi đau buồn của bản thân nên cùng lắm cũng chỉ có thể nói năng lịch sự với chàng trước mặt gia nhân, không hơn. Nàng quá bận bịu mường tượng lại tiếng chân chạy lon ton của Bonni và tiếng cười như nắc nẻ của nó, nên chẳng bụng dạ đâu mà nghĩ rằng cả chàng cũng có thể đang nhớ đến những kỷ niệm ấy và còn đau đớn hơn cả nàng nữa. Suốt những tuần đó, họ đã gặp nhau giữa những bức tường vô tính cách của một khách sạnh, sống dưới cùng một mái nhà, ăn cùng một bàn, nhưng không bao giờ cùng chung ý nghĩ. Giờ đây, khiếp sợ và cô đơn, nàng những muốn phá tan cái hàng rào ấy nếu có thể, song nàng thấy ràng chàng đang né xa nàng, như thể không muốn nói với nàng bất cứ điều gì sâu kín trong lòng. Giờ đây, cơ giận qua đi, nàng muốn nói với chàng rằng nàng không coi là chàng phải chịu trách nhiệm về cái chết của Bonni. Nàng muốn ngả vào vòng tay chàng mà khóc mà nói rằng chính nàng cũng rất đỗi tự hào về tài cưỡi ngựa của con bé, cũng rất hay chiều theo những sự vòi vĩnh của nó. Giờ đây, nàng vẫn sằn sàng cúi rạp mình thừa nhận rằng nàng đã ném lời kết tội đó vào mặt chàng chỉ vì quá khổ sở, hy vọng giảm nhẹ nỗi đau của mình bằng cách làm chàng đau. Nhưng dường như không có một lúc nào thuận tiện. Chàng nhìn nàng bằng cặp mắt đen thất thần khiến nàng chẳng có cơ hội nào mà nói. Và những lời xin lỗi, hễ đã hõan đi hõan lại, thì ngày càng khó nói và cuối cùng, không thể bày tỏ. Nàng tự hỏi tại sao lại thế. Rét là chồng nàng, giữa họ là sợi dây bền chặt gắn bó giữa hai con người đã chung chăn chung gối và đã sinh ra một đứa con yêu để rồi phải thấy đứa con ấy bị mang đi quá sớm bào trong bóng tối vĩnh cửu. Chỉ có trong vòng tay của cha đứa bé ấy, nàng mới tìm được an ủi, trong sự trao đổi những kỷ niệm đau buồn mà thọat đầu có thể xót xa, nhưng sẽ góp phần làm lành vết thương. Nhưng giờ đây, trong tình trạng quan hệ giữa hai người như v65y, nàng có buông mình trong vòng tay một người hòan tòan xa lạ cũng chẳng khác gì. Chàng chẳng mấy khi ở nhà. Những hôm họ cùng ăn tối với nahu, chàng thường say. Cung cách uống của chàng không giống như trước. Trước kia, khi ngấm rượu, chàng trở nên thanh lịch hơn, đồng thời cũng cay chua hơn, kể những chuyện ngộ nghĩnh, tinh quái khiến nàng dù không muốn cũng phải cười. Bây giờ, chàng say một cách lặng lẽ, ủ ê và càng về khuya, càng mụ mẫm đờ dại. Đôi khi, vào lúc tảng sáng, nàng nghe thấy chàng phi ngựa vào sân sau và gõ cửa dãy nhà gia nhân gọi Pork đỡ chàng lên gác và đặt chàng vào giường nằm. Đặt chàng vào giường nằm! Rét, người bao giờ cũng đánh đổ các bạn rượu khác lăn ềnh xuống gầm bàn, rồi đặt họ vào giường nằm, mà không hề có dấu hiệu gì là say cả! Trước kia chàng ăn mặt chải chuốt bao nhiêu thì nay lại lôi thôi lếch thếch bấy nhiêu, và Pork phải cáu lên mới khiến đựơc chàng thay quần áo trước khi đi ăn tối. Mặt chàng bự rượu, quai hàm rắn rỏi giờ xệ ra bệnh họan và những túi hùm hụp dưới cặp mắt vằn tia máu. Thân hình to lớn của chàng với những bắp thịt rắn chắc cuồn cuộn giờ nôm rệu rã và bụng bắt đầu phệ ra. Nhiều khi chàng không về nhà hoặc thậm chí cũng không nhắn về là mình sẽ vắng nhà cả đêm. Cố nhiên, chàng có thể say nằm ngủ khò trong một buồng nào đó trên gác một tiệm rượu, nhưng Xcarlét bao giờ cũng đinh ninh rằng chàng ở nhà Uơtlinh trong những dịp ấy. Có lần, nàng trong thấy Bel ở một cửa hàng, dĩ nhiên bây giờ đã là một phụ nữ quá thì, mất gần hết vẻ mỹ miều trước kia. Nhưng, mặc dầu trát son phấn và mặc quần áo lòe lọet, nom ả vẫn mỡ màng và gần như ra dáng một người mẹ. Thay vì cụp mắt xuống hoặc trừng mắt thách thức như những ả lẳng lơ khác vẫn thường làm khi giáp mặt với các phụ nữ quý phái, Bel đường hòang nhìn lại nàng, quan sát mặt nàng với một vẻ chăm chú gần như thương hại khiến Xcarlét thấy nóng bừng má. Nhưng bây giờ, nàng không thể lên án chàng, không thể lồng lộn gầm thét với chàng, đòi hỏi sự trung thành hoặc tìm cách làm nhục chàng, cũng như không đủ quyết tâm để mở miệng xin lỗi về chuyện buộc tội chàng đã gây ra cái chết của Bonni. Nàng bị cầm tù trong một trạng thái hờ hững ngỡ ngàng, một nỗi khổ sở mà nàng không sao hiểu nổi, một nỗi khổ sở sâu sắc hơn bất kỳ điều gì nàng đã nếm trải. Nàng cô đơn và không thể nhớ ra trước đây đã có bao giờ cô đơn đến thế. Có lẽ cho đến nay, nàng chưa bao giờ có thì giờ để thật sự cô đơn. Nàng cô đơn và sợ hãi. Nàng chẳng có ai để tâm sự, chẳng biết dựa vào ai ngòai Melơni. Vì giờ đây, cả Mammy, chỗ dựa chủ yếu của nàng; cũng đã về ấp Tara. Vĩnh viễn ra đi. Mammy không hề giải thích vì sao bà ra đi. Đôi mắt già mệt mỏi của bà rầu rầu nhìn Xcarlét khi bà hỏi xin tiền tàu về Tara. Khi Xcarlét khóc, năn nỉ bà ở lại, bà chỉ trả lời: - U thấy tựa như bà Ilơn đang bảo u: " Về nhà đi, Mammy. U xong việc rồi.". Thế là u phải về thôi. Rét nghe hai người nói chuyện, bèn đưa tiền cho Mammy và vỗ về cánh tay bà: - U có lý, Mammy ạ. Bà Ilơn có lý. Công việc của u ở đây xong rồi. U về đi, nếu u cần gì, xin cứ cho tôi biết. Và khi Xcarlét phát cáu, lên giọng ra lệnh cho bà ở lại, chàng nói tiếp: - Thôi, im đi! Cô vớ vẩn lắm! Để cho u ấy đi! Ai còn muốn ở lại cái nhày này…bây giờ nữa? Trong khi nói, mắt chàng long lên một cách dữ tợn đến nỗi Xcarlét khiếp hãi lùi lại. - Bác sĩ Miđ, bác có nghĩ là anh ấy có thể…có thể mất trí không? Sau đó, nàng hỏi, cảm giác đơn côi thúc đẩy nàng tìm đến thỉnh vấn ông bác sĩ. - Không, ông bác sĩ nói, nhưng ông ấy uống rượu như cái hũ chìm và nếu cứ tiếp tục như thế thì coi như tự sát. Ông ấy yêu con bé quá, tôi đóan ông ấy uống để quên đi. Này, tôi khuyên cô ráng cho ông ấy một đứa bé khác càng sớm càng tốt. " Hừ!" Xcarlét chua chát nghĩ khi rời phòng khám bệnh. Nói thì dễ hơn làm nhiều. Nàng rất vui lòng có một đứa con khác, mấy đứa, nếu điều đó có thể dập tắt cái ánh ghê sợ ấy trong mắt Rét và lấp đầy những khỏang trống nhức nhối trong tim nàng. Một con trai với vẻ gân guốc đen giòn của Rét và một bé gái nữa. Ôi, một bé gái khác, xinh xắn, vui tươi, bướng bỉnh và hay cười, chứ đừng như con Ilơ ngẩn ngơ. Tại sao, ôi, tại sao Chúa không bắt Ilơ đi nếu như Người cần bắt đi một trong những đứa con của nàng. Mất Bonni rồi, mà Ilơ nào có an ủi gì được nàng. Nhưng Rét hình như không muốn có con nào nữa. Chí ít, chàng cũng không bao giờ đến buồng nàng, mặc dầu bây giờ, cửa chẳng khi nào khóa và thường thường hé mở ra ý mời chào. Chàng có vẻ như không thiết. Giờ đây, chừng như chàng chẳng thíêt cái gì ngòai uytxki và cái ả tóc đỏ nhếch nhác ấy. Giọng điệu giễu cợt của chàng trước kia chỉ là vui đùa, nay trở nên chua chát, những lời công kích của chàng trước kia được pha lõang bằng chất hài hước, nay trở nên tàn nhẫn. Sau khi Bonni chết, nhiều bà hàng xóm, bị chinh phục bởi cách đối xử tuyệt vời của chàng với con gái, đã sốt sắng muốn bày tỏ thiện cảm với chàng. Họ dừng lại giữa phố để chia buồn hoặc qua hàng rào, nói những lời thông cảm. Nhưng giờ đây, lý do để lịch sự hòa nhã là Bonni đã mất thì nhưng cung cách ấy cũng mất theo luôn. Chàng làm lơ các bà cùng những lời phân ưu chân thành của họ với thái độ thô lỗ, cục cằn. Nhưng, lạ thay, các bà không hề phật ý. Họ thông cảm, hoặc nghĩ là mình thông cảm. Những lúc chàng phi ngựa về trong hòang hôn, say khướt, gần như không ngồi vững trên yên, cau mặt với người hỏi chuyện mình, các bà thường chép miệng " tội nghiệp!" và càng ra sức dịu dàng và ân cần với chàng. Họ cảm thấy ái ngại cho chàng vì nỗi về nhà chẳng có gì hơn ngòai Xcarlét để an ủi trái tim tan nát. Ai nấy đều biết Xcarlét lạnh lùng và vô tình như thế nào. Ai nấy đều thất kinh thấy nàng có vẻ dễ dàng trở lại bình thường sau cái chết của Bonni, họ không hiểu hoặc không cần hiểu nàng phải cố gắng hết sức mới làm ra vẻ trở lại bình thường như thế được. Rét được cả thành phố dành cho mối thông cảm trìu mến nhất, mà chàng không biết cũng chẳng thiết. Xcarlét bị cả thành phố ghét và lần đầu tiên, nàng thấy thèm sự thông cảm của bạn bè cũ. Bây giờ, bạn cũ của nàng chẳng ai đến chơi, trừ bà cô Pitti, Melơni và Asli. Chỉ có các bạn mới của nàng đến thăm trên những cổ xe bóng lộn, sốt sắng bày tỏ cảm tình, háo hức muốn giải khuây cho nàng bằng những chuyện tầm phào về những người bạn mới khác mà nàng không hề quan tâm tới. Tất cả bọn " người mới " ấy đều là những kẻ xa lạ! Họ không hiểu gì nàng và họ sẽ không bao giờ hiểu nàng. Họ không hay biết gì về cuộc đời nàng trước khi nàng đạt tới địa vị cao sang và an tòan trong tòa nhà lớn ở phố Cây đào. Họ càng không muốn nói về chuyện quá khứ của bản thân trước khi họ xênh xang áo gấm, ngựa xe lộng lẫy. Họ không biết gì về những cuộc vật lộn của nàng, những thiếu thốn của nàng, tất cả những gì khiến nàng đang được hưởng tòa nhà lớn này, những bộ quần áo đẹp, những khay vàng đĩa bạc, những buổi chiêu đãi linh đình. Họ không biết gì hết và họ bất cần, những con người không biết từ đâu tới ấy, những con người dường như bao giờ cũng chỉ sống hời hợt trên bề mặt, không chia sẽ với nàng những kỷ niệm chung về chiến tranh, về đói rét và vật lộn, không cùng chung gốc rễ ăn sâu xuống cùng một vùng đất đỏ. Giờ đây, trong sự cô đơn của mình, nàng những muốn tiêu thì giờ các buổi chiều với Mêibel, hoặc Fanni, hoặc bà Elxinh, hoặc bà Oaitinh, hoặc thậm chí người nữ chiến binh ghê gớm là bà Meriuêzơ. Hoặc bà Bonnel, hoặc … hoặc bất cứ ai trong số bạn bè cũ và hàng xóm của nàng. Vì những người này còn biết. Họ đã biết thế nào là chiến tranh, là khủng khiếp, là lửa khói: Họ đã thấy những người thân của mình bị chết trước khi đến hạn kỳ, họ đã ăn đói, mặc rách, đã sống trong cảnh nơm nớp, với lũ lang sói luôn rình rập ngòai cửa. Và họ đã dựng lại cơ đồ trên hoang tàn đổ nát. Thật khuây khỏa nếu được ngồi với Mêibel mà nhớ lại rằng Mêibel đã từng chôn một đứa con nhỏ chết trong cuộc chạy trốn như điên trước đạo quân của tướng Sơmơn. Nỗi cô đơn của nàng hẳn sẽ nguôi dịu nếu có Ranni ở đây vì nàng và Fanni cùng mất chồng trong những ngày thiết quân luật đen tối. Sẽ là một thú vui dữ dằn nếu đựơc cùng với bà Elxinh vừa cười vừa nhớ lại bộ mặt của bà vào cái ngày Atlanta thất thủ, khi bà quất ngựa kéo chiếc xe tải phóng qua Ngã Năm, những thứ vơ vét được ở kho lương thực xóc nảy lên vương vãi cả ra ngòai. Thật thú vị nếu được ôn lại chuyện cũ với bà Meriuêzơ, giờ đây đã ổn định chắc chắn với cửa hàng bánh ngày càng phát đạt, và hỏi bà: " Bà có nhớ sau khi đầu hàng, tình hình tồi tệ như thế nào không?Bà có nhớ lại đận chúng ta túng thiếu đến nỗi không biết rồi sẽ kiếm đâu ra giầy dép mà đi? Thế mà bây giờ thử nhìn chúng ta mà coi." Phải, giá như vậy thì thật thú vị. Bây giờ nàng hiểu vì sao khi hai cựu chiến sĩ liên bang gặp nhau, họ ôn lại chuyện chiến trận hào hứng đến thế, tự hào đến thế, luyến nhớ đến thế. Đó là những ngày thử thách tấm lòng kiên trung của họ và đã vược qua. Họ là những người kỳ cựu. Nàng cũng kỳ cựu, nhưng nàng không có chiến hữu nào để ôn lại chuyện chiến trận. Ôi, giá lại được ở giữa những người cùng hội cùng thuyền, những người đã trải qua cùng cảnh ngộ và biết những thử thách đó đau đớn như thế nào… và, mặc dầu thế, những nỗi đau ấy tham dự một phần lớn lao như thế nào trong đời ta! Nhưng, cách nào đó, những người ấy đã lánh xa nàng. Nàng hiểu ra rằng đó là lỗi tại nàng. Trước đây, nàng chưa bao giờ quan tâm điều ấy… Và bây giờ, Bonni đã chết, cô đơn và sợ hãi xâm chiếm nàng và nàng thấy bên kia bàn ăn sang trọng hào nhóang, một con người xa lụ mụ mẫm vì rượu đang tan rã ra dưới mắt nàng.