Tôi Luôn Sống Với Hiện Tại

(Trả lời phỏng vấn)
°Xin mượn một cách người ta von rất hay về Tagore, ông là một "Người tình của cuộc đời”, “người lính canh của cuộc sống”. Vâng, có thể nói anh là "Người lính canh của tình yêu " “Người tình của người tình"...không?
- (Cười) Nếu cần phải có một tên gọi cho vui, thì tôi nghĩ rằng mình có lẽ là "Người tình của cuộc sống"...
° Cuộc sống của anh thế nào, anh nghĩ nhiều về quá khứ hay hướng về hiện tại, tương lai?
Tôi luôn sống với hiện tại. Cái giờ phút mình đang sống đây tôi thấy mới thật là quan trọng.
° Sự nổi tiếng, anh có phải đôi khi trốn chạy nó không ?
Có nổi tiếng là một sự trả giá mệt mỏi, buồn phiền. Được có những phút riêng tư, tĩnh lặng là hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng không nên để mình rơi vào không gian vắng vẻ quá.
° Có lẽ. Tôi thấy rằng anh ngồi một mình nhưng tiếng chuông điện thoại luôn luôn reo. Một ai đó đã nói rằng, trong một lúc say sưa nào đó, anh chứ không phải ai khác, mới là người hát nhạc Trịnh Công Sơn hay nhất...
Điều đó thì tôi nghĩ rằng, trong mọi lúc tôi luôn luôn là người hát hay nhạc của tôi. Vấn đề đơn giản là tôi hiểu nội dung bài hát mà mình đã sáng tác.
°Điều gì quan trọng trong cảm hứng và sáng tạo của anh, nuôi dưỡng một tâm hồn âm nhạc anh suốt đời? Tình yêu, những người phụ nữ hay là sự hấp dẫn của câu chữ ngôn từ?
Câu hỏi này khá thú vị. Tôi đã nhiều năm suy nghĩ về chuyện này. Cuối cùng tôi đã tin rằng có một cái gì đó không xa xôi cũng không gần gũi, cái đó chính là định mệnh, cũng như định mệnh vẫn thường chi phối cả một đời người. Cũng như tôi đã sống và luôn nghĩ về cuộc đời, về con người.
° Bây giờ sáng tác thì anh sẽ sáng tác như thế nào?
- Tôi nghĩ về một lối sáng tác mới, phù hợp với đời và với tôi. Đó có thể là những bài hát thật ngắn, ngắn như một bài thơ 4 câu, ngắn như ngôn từ đang ngắn đi trong cuộc sống hiện tại. Ý tưởng súc tích hơn, hoặc có thể vẫn như cũ, nhưng con đường đi đến nó sẽ gọn ghẽ hơn...Mà nói chung, sáng tác là sáng tác, tôi thấy "không thế nào cả! "
° Vâng, xin cảm ơn anh
MAI THI thực hiện
 
Âm Nhạc Mùa Xuân Tình Yêu
( Trả lời phỏng vấn)
° Trong các nhạc sĩ nổi danh, thưa anh Trịnh Công Sơn, anh là thi sĩ của âm nhạc hay âm nhạc của thi ca? Vì sao anh viết được lời ca và ngay cả một thi sĩ tài danh nhất cũng phải nể phục? Có phải anh là người đầu tiên ở Việt Nam đã xoá nhoà ranh giới thi ca âm nhạc?
- Có lẽ đã lâu lắm rồi tôi hoàn toàn quên lãng cái biên giới giữa các bộ môn nghệ thuật và văn học. Tôi đã làm tất cả những điều ấy với một sự đãng trí rất hồn nhiên. Gần như tôi không còn bận tâm về những khái niệm, về những phạm trù. Có lúc dường như tôi đã lăn lộn tôi giữa con người đang làm việc này và con người đang làm việc kia. Có thể nói rõ hơn là tất cả những gì tôi đã làm bấy lâu nay tưởng như là nhiều công việc khác nhau nhưng thật ra chỉ là một. Và như vậy cũng có nghĩa là người đời muốn định nghĩa tôi như thế nào cũng được. Tôi vui lòng và cám ơn tất cả mọi thứ tên gọi. Cũng có thêm điều này rất cần nói với tất cả bạn bè anh em là tôi không bao giờ có ý định làm một điều gì khác thường cả. Có lẽ cũng giống như con chim sinh ra để hót, hoặc như người thợ nề hồ thì xây lên một chốn trú ngụ cho con người tránh nắng tránh mưa vậy thôi. Tôi nghĩ rằng, nếu không có gì phiền, thì cũng nên đơn giản hoá vấn đề văn nghệ này cho đời đỡ phức tạp. Mục đích đầu tiên sau cùng của nghệ thuật và văn học, theo tôi là mang đến cái hay cái đẹp cho đời người. Tự thân nó không có mầm mống của một mưu toan nào cả. Hãy cho nó thanh thản tự do và mãi mãi là hiện thân của điều thiện của cái đẹp.
°Anh là một người Huế, sao ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội của anh lại Hà Nội đến thế?
- Hình như định mệnh buộc tôi chỉ có những mối tình với người Hà Nội. Từ đó tôi thường nghĩ về Hà Nội rất nhiều. Nếu sau 1975 tôi được phép ra Hà Nội hơn nữa mãi đến năm 1977 mới được đi. Nguồn cảm hứng của ngày hội ngộ như mơ ước trong bài Tôi sẽ đi thăm bỗng như bị một nhát dao cắt lìa đi. Tiếc quá. Nhưng rồi 1984 tôi được ở với mùa thu Hà Nội gần hai tháng. Suốt ngày nằm thơ thẩn ở bãi cỏ bên Hồ Tây. Thế là bài Nhớ mùa thu Hà Nội ra đời. Ra đời với một số phận không may mắn. Nghĩa là bài hát được thu xong bị cấm phổ biến cho đến vài năm gần đây mới được trả lại tự do để cho mọi người nghe. Tuy nhiên bài hát vẫn bị cắt đi cái phần coda mà tôi thích: Nhớ đến một người để nhớ mọi người. Khi bạn yêu một người nào đó ở một xứ sở xa lạ thì lập tức nơi chốn đó sẽ trở thành quê hương của bạn ngay, điều đó đơn giản quá mà một vài người có thẩm quyền cứ muốn hiểu khác đi. Cũng đáng buồn thật.
°Những người lính rất thích bài Huyền thoại Mẹ của anh. Xin anh cho biết đôi nét về nguồn cảm xúc và xuất xứ bài ca này.
Tôi viết bài Huyền thoại Mẹ. Bài hát viết từ nhiều nguồn cảm hứng. Dạo tôi ra Quảng Bình được nhìn bức ảnh mẹ Suốt tóc bay ngang trời chống thuyền qua sông giữa bom đạn rồi kết hợp với những thực tế cùng những câu chuyện nghe được, tôi nghĩ đến mẹ và tôi viết. Mẹ tôi về lòng dũng cảm và lòng thương con thì là duy nhất trong cuộc đời này.
-Hơn thế những người lính trẻ vẫn còn độc thân như anh, xin anh cho biết mối quan hệ giữa âm nhạc của anh và tình yêu, nhiên là tình yêu đôi lứa ? Anh nghĩ gì về tình yêu, về sự bất tử và cái chết?
- Nếu vì một lý do nào đó mà tôi mất hẳn chức năng biết yêu, và mất tình yêu có lẽ bây giờ tôi không trở thành người viết tình ca. Cái may ở đời là bị phụ tình. Với tôi, trong tình yêu không có sự bất tử. Người ta chỉ muốn lãng mạn hóa nó đó thôi. Cái thời kỳ ấy, có nghĩa là thời kỳ hiểu nhầm ấy đã mất tăm mất tích rồi. Tuy vậy trong sự bất tử có thể có tình yêu. Đây là một sự lãng mạn mới, âm thầm, kín đáo hơn nhưng mà cũng đáng yêu hơn. Cái chết là một điều đáng gờm nhưng không ai tránh khỏi được. Để có được một sức mạnh chống lại nó thì hãy yêu và hãy biết yêu như thế nào đó để cái chết chỉ còn là một tồn tại viển vông, chẳng cần thiết.
° Có phải anh vừa tìm ra giai điệu mới trong hội họa của mình? Xin anh cho biết mối quan hệ giữa âm nhạc và hội họa của anh?
- Như tôi đã nói ở trên, tôi đang ở trong một trạng thái là không biết phân biệt nữa. Tâm hồn tôi đang như là một ngôi nhà mà hội hoạ, âm nhạc, và thi ca chỉ là thời tiết mùa màng đổi thay của một sự sống đang trú ngụ ở trong đó.
- Xin anh cho biết dự định sắp tới của mình?
- Sắp tới tôi phải làm việc nhiều hơn để lẩn trốn sự ám ảnh về cái chết.
Quốc Hưng Thực Hiện.
Nói Về Những Bài Hát ở Sài Gòn Trước 1975
(Trả lời phỏng vấn)
Năm 1993 đời sống âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh nổi lên hiện tượng karaoke với sự lấn át của các bản nhạc Sài Gòn cũ, nhiều người yêu nhạc giật mình vì phương tiện văn hóa đại chúng hiện đại này đã tạo cơ hội ngàn vàng cho loạt nhạc sến tràn ngập không gian. Chẳng lẽ ca khúc Sài Gòn trước 75 chỉ là như thế? Ba tập tình khúc Trịnh Công Sơn ra đời là một sự cải chính. Việc ấy gợi ý cho tôi - một người yêu nhạc - tìm đến anh hỏi chuyện về ca khúc Sài Gòn xưa, cốt để mình và những người giống như mình không sống ở Sài Gòn thời ấy có một cái nhìn đại khái nhưng chuẩn xác về một quá khứ dù muốn dù không vẫn hiện diện cách này, cách khác trong đời sống hôm nay. Sau một cú điện thoại, nhạc sĩ nhận lời ngay, mặc dù anh đang mệt sau nhiều đêm mất ngủ.
- Nói chuyện cũ dễ mênh mông. Vậy xin anh nói ngay, anh nhớ đến những tên tuổi nào?
TCS: (nghĩ một phút): đầu tiên là Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến. Phạm Duy bàng bạc trong tất cả đời sống âm nhạc, đặc biệt tràn ngập từ 1960 trở đi. Rồi một số nhóm: nhóm Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng (tạm gọi là nhóm trẻ), nhóm Hữu Thành, Văn Phụng (tiền chiến), nhóm “bolero" (gốc của nhạc được gọi là sến là từ nhóm này): Hoàng Thi Thơ, Duy Khánh, Y Vân - Y Vũ, và Trần Thiện Thanh, Thanh Sơn, Trúc Phương. Cũng phải kể Nguyễn Hữu Thiết (bố của ca sĩ Hồng Hạnh), Phạm Trọng Cầu (anh mang về một số bài từ Paris: “Em ra đi mùa thu..."). Tôi và một số bạn khác đi vào thanh niên, sinh viên, trí thức là chủ yếu.
- Trong những tên anh vừa nêu ngoài Phạm Duy và anh ra, tôi và các bạn tôi ở Hà Nội chủ yếu yêu Cung Tiến, Phạm Đình Chương, cũng có thích Vũ Thành An chút chút...
TCS: Y Vân rất đáng kể với "Lòng mẹ", Ngô Thụy Miên giới trẻ thuộc nhiều loại nhạc êm êm, và Từ Công Phụng “Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em". Còn một số nữa, phải ngồi một lúc, đào óc rồi mới nhớ ra.
- Tôi nghĩ cái gì lưu được trong ký ức mình là đáng kể. Anh nhận xét thật ngắn gọn về Phạm Duy thế nào?
TCS: Phạm Duy phát triển dân ca, đưa đến một màu sắc khác, cập nhật hóa, làm nó thoát ra khỏi thân phận cũ của nó (khác với giọng dân ca hơi thấp, không phát triển như Hoàng Thi Thơ...).
- Nói cách khác, dân ca ở Phạm Duy đã được đô thị hóa?
TCS: Hiện đại hóa. Gần gũi giới trẻ thành phố. Ông còn thêm cả giai điệu và lời cho dân ca. Một con người rất tài năng, thông minh. Điểm thứ hai: không ai phổ thơ hay bằng Phạm Duy. Thời kỳ sau, ông phổ thơ rất nhiều. Bài thơ nào qua tay ông là nổi tiếng. Một nhà ảo thuật về phổ thơ.
Tiếng sáo Thiên Thai, Nắng chia nửa bãi... tuyệt vời. Ngoài Bắc hồi chiến tranh tôi nghe đài Sài Gòn, mê hai bài lắm. Thế những đạo ca, tâm ca, tục ca đóng góp gì không?
TCS: Chỉ có tính cách phong trào giai đoạn, vui chơi ngôn ngữ, không bền. Nhưng tục ca ông viết trong các buổi sinh hoạt của nhóm Du ca với Nguyễn Đức Quang cũng nổi tiếng...
- Cung Tiến tôi thấy đặc biệt. Chắc chất cổ điển ?
TCS: Cung Tiến có nền tảng rất vững bán cổ điển, màu sắc Tây Phương.
- Ăn khách nhất, chắc cũng như giờ, là loại nhạc “sến".
TCS: Thanh niên, sinh viên thích nghe Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Y Vân - Y Vũ. Đại công chúng thích cái gì dễ nghe, lời bình dân, nhạc eo éo, tức là nhạc "sến”. Thời nào cũng vậy. Tất nhiên, “sến" cũng có nhiều bậc. Nhóm "bolero" còn là bậc trên.
Những loại nhạc như thế có đóng góp gì không?
TCS: Điều quan trọng là nó đúng với tâm lý của thời đại nó. Như vậy cũng là đóng góp. Nhiều nhạc sĩ trẻ hôm nay khi khai thác một số mô típ của loại nhạc êm êm (người ta có thể nói ngay bài này giống Từ Công Phụng, bài kia giông giống ai đó...)
- Nói về ca từ. Anh thấy ai làm lời đẹp?
TCS: Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Cung Tiến.
- Tức là lớp trước. Các lớp sau có vẻ không chăm sóc lắm đến lời?
TCS: Có thể nhưng không tới.
- Vì sao?
TCS: Các lớp sau lời có thể thơ mộng (poétique) nhưng chỉ nghe đường được, không có chiều sâu, tâm tình không mở ra chân trời mới. Có lẽ vì hoàn cảnh sống, đời trước sống chậm, sáng tác theo cảm hứng; đời sau sống vội và phải sáng tác để sống, phải cạnh tranh để tồn tại, phải luôn có mặt để không bị quên. Ngay Phạm Duy về sau nghĩ không kịp lời, phải phổ thơ. Chính tôi cũng phải bảo đảm mỗi năm có một tập nhạc và một băng nhạc, có năm phải hai.
- Nhưng lời của anh đâu có bị tầm thường, thậm chí nhiều người còn coi anh thành công chủ yếu nhờ lời hay - như thơ.
TCS: Tôi có cách làm việc; năm nay tôi đi đây đi đó lấy mưa nắng cho năm sau. Tôi tích lũy gối đầu.
- Từ nãy anh chưa nói đến dòng ảnh hưởng nhạc Pop Âu Mỹ.
TCS: À, phong trào này có trung tâm là trường Taberd rồi vườn Tao Đàn. Đỉnh cao là các "đại hội nhạc trẻ". Rất thành công. Một số nhạc sĩ trẻ như Lê Hữu Hà từ chỗ dịch lời bài hát nước ngoài rồi làm nhạc pop-rock Việt Nam.
- Có đọng lại được gì không?
TCS: Chủ yếu là bắt chước.
- Hình như người Việt Nam cho đến hôm nay vẫn không hợp với rock?
TCS: Môi trường ở đây (điều kiện kinh tế, điều kiện sống) không đủ chất pop-rock. Vả lại các tóp-hít nước ngoài có lẽ cũng thỏa mãn người yêu rock rồi.
- Ca khúc Sài Gòn trước 75 thiêú chất hùng tráng mà ca khúc miền Bắc thời kỳ ấy dư thừa?
TCS: Chỉ có loại nhạc nhà binh do các nhạc sĩ quân đội viết cho quân trường. Nhưng ngoài Bắc lại không có dòng nhạc đấu tranh: căm hờn, thiết tha, ước mơ, kêu gọi. Đến bây giờ sinh viên vẫn thích những bài đấu tranh dạo ấy, như bài "Nối vòng tay lớn" vẫn là bài hát tập thể trong sinh hoạt thanh niên. Bây giờ có tổ chức sáng tác bài hát tập thể, nhưng viết không được, không có không khí.
- Anh có theo dõi công việc của các nhạc sĩ cũ sau khi ra nước ngoài?
TCS: Khoảng 10 năm đầu rời nước họ còn viết được, cảm hứng đau thương của những ngày vượt biển vẫn còn nóng hổi. Sau đó, yếu dần, hiện nay thì bế tắc.
- Cùng với Phạm Duy, anh là một hiện tượng đặc biệt khác của âm nhạc Sài Gòn. Anh có một từ vựng và một âm hưởng rất riêng. Cái đó bắt nguồn từ đâu?
TCS: Nói tóm tắt thì tôi đi từ những cuộc tình nho nhỏ, đến triết lý về thân phận con người, rồi ám ảnh chiến tranh. Không gian mở rộng dần, các vấn đề trên đan vào nhau. Sinh viên thấy đúng là tiếng nói của họ lần đầu tiên có người nói lên. Còn âm hưởng, tôi ảnh hưởng của thi ca và âm nhạc da đen; blues, gospelsong. Tôi muốn viết nên điệu buồn da vàng.
Hoàng Hưng thực hiện
Sài Gòn 1/1994
Tạp chí nhạc, số 3, 4, 5/1994

Truyện Một Cõi Trịnh Công Sơn Lời mở Hồ Thị Hải Âu Yên Ba Văn Cao Bửu Chỉ Trịnh Cung Trúc Chi Nguyễn Duy Phạm Duy Nguyễn Khoa Điềm Quỳnh Dao Trần Thanh Hà Văn Cầm Hải Lê Hữu Nguyễn Thụy Kha Trường Kỳ Thái Kim Lan Tương Lai Nhật Lệ Khánh Ly Xin Cho Một Đời . . . Hoàng Long Trần Hữu Lục Trương Quang Lục Yoshi Michiko Anh Ngọc Người Hát Rong Của Thế Kỷ XX Hồng Nhung Phạm Phú Phong Bùi Vĩnh Phúc Trương Hồng Quang Đỗ Trung Quân Lê Minh Quốc Nguyễn Quang Sáng Nguyễn Trọng Tạo Có Một Nhà Thơ Tên Là Trịnh Công Sơn Cao Huy Thuần Trần Hữu Thục Đặng Tiến Hà Vũ Trọng Bùi Bảo Trúc Hải Trung Đỗ Minh Tuấn Thanh Tùng Hoàng Phủ Ngọc Tường Hạt Bụi Và Tia Sáng Căn Nhà Của Những Gã Lang Thang Nguyễn Thanh Ty Thế Uyên Bửu Ý Đèn Thắp Thì Mờ. . . Cám Ơn Và Xin Lỗi Nhớ Người Trong Cõi * Phụ Lục 1 Bài Hát Đầu Tiên Vết Thương Tỉnh Thức Nhật Ký Huế Phác Thảo Chân Dung Tôi Nhật Ký Tuổi 30 Cuộc Sống Viết Và Thở Một Cõi Đi Về Tình Yêu Và Tiếng Hát Tôi Luôn Sống Với Hiện Tại Chữ Tài Chữ Mệnh Cũng Là Bể Dâu Truyện ngắn Tôi Đã Mơ Thấy * Phụ Lục 2 Ca Từ Trịnh Công Sơn Ca Từ Trịnh Công Sơn (2) Ca Từ Trịnh Công Sơn (3) Ca Từ Trịnh Công Sơn (4) Ca Từ Trịnh Công Sơn (5) Ca Từ Trịnh Công Sơn (6) Ca Từ Trịnh Công Sơn (7)