(Trả lời phỏng vấn) Hỏi: Có sự khác nhau nào giữa một Trịnh Công Sơn trước năm 1975 và sau năm 1975 trong sáng tác của nhạc sĩ? Trịnh Công Sơn: Sự khác nhau là rất lớn, hai mươi năm trôi qua mà không có gì thay đổi đó mới là điều lạ, và khi ấy tâm hồn người sáng tác chẳng khác gì mặt nước ao tù. Hỏi: Quê hương xứ Huế và Đạo Phật có ảnh hưởng thế nào đối với sáng tác của Nhạc sĩ? Điều gì trong cuộc sống có ảnh hưởng lớn nhất? Theo Nhạc sĩ để cảm nhận được cái hay cái đẹp của âm nhạc và các sáng tác của Nhạc sĩ nói riêng, thính giả cần có điều kiện gì? TCS: Huế và Đạo Phật ảnh hưởng sâu đậm trên tình cảm thời thơ ấu của tôi. Tất cả những gì thuộc về cuộc sống đều có ảnh hưởng trên đời sống tinh thần và tình cảm của tôi. Để có thể cảm nhận được cái hay cái đẹp trong âm nhạc và riêng trong những ca khúc của tôi, cần có một linh cảm nhạy bén và vốn kiến thức nhất định. Hỏi: Các bài nhạc của Nhạc sĩ càng về sau càng thể hiện tính triết lý. Phải chăng càng lớn tuổi người ta càng có nhiều nỗi cô đơn trong Một cõi đi về của mình? TCS: Đúng là như vậy. Hỏi: Người ta thường nói: “Những tác phẩm bất hủ trên mọi lãnh vực nghệ thuật đều do tài năng cộng với sự đau khổ mà thành ". Vậy các ca khúc của Nhạc sĩ do những yếu tố nào tạo nên? TCS: Câu nói trên cũng đúng với những ca khúc của tôi. Hỏi: Theo Nhạc sĩ, ca sĩ nào thể hiện thành công nhất tác phẩm của mình? Nhạc sĩ có thể cho một nhận đinh thật công bằng giữa Khánh Ly và cô Bống trong mối quan hệ với Nhạc sĩ về nghệ thuật không? Trong dịp về thăm cố hương lần này Khánh Ly có thu giọng ca khúc nào của Nhạc sĩ không? Nhạc sĩ có ý định cùng Khánh Ly làm một tour biễu diễn xuyên Việt không? TCS: Cách diễn đạt của Khánh Ly và Hồng Nhung hoàn toàn khác nhau. Mỗi người đều có thính giả riêng của mình. Tuy nhiên cái giới nghe và yêu thích Khánh Ly vẫn đông đảo hơn nhiều. Trong nghệ thuật Khánh Ly là một người làm việc rất nghiêm túc và luôn luôn giữ một mối liên hệ mật thiết với tác giả để tìm hiểu cặn kẽ những điều tác giả muốn nói trong tác phẩm. Đầu năm nay Khánh Ly có dự định về nhưng phút cuối, Khánh Ly có điện về cho biết vì những lý do riêng tư nên chưa về được. Hỏi: Hình như chương trình "Những dấu chân không năm tháng " không thành công như mong đợi của Nhạc sĩ? Phải chăng các ca sĩ đương thời không thể hiện được cái thần của bài hát? TCS: Có thể là như thế thật. Hỏi: Nhạc sĩ Văn Cao đã từng viết: Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ trong túi ra”. Nhạc sĩ có thể bật mí với độc giả đôi điều về cái túi của mình không? Túi có bị vơi đi khi đã quá nhiều chữ được chuyển vào ca khúc? TCS: Văn Cao chỉ nhắc lại câu nói này của Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người mà tôi rất kính trọng. Tôi có cảm tưởng cái túi này chưa vơi đi bao nhiêu. Hỏi: Nguồn lực nào đã giúp Nhạc sĩ chuyển tải tới công chúng nhiều thế hệ những ca khúc như thách đố với thời gian ? Trong cuộc sống đời thường nhạc sĩ có được thành công và hạnh phúc như trong sáng tác không ? TCS: Công bằng mà nói thì động lực chính là công chúng. Tôi muốn mang đến cho họ những gì hay nhất lạ nhất. Thành công và hạnh phúc không phải là cặp bài trùng luôn luôn dành riêng cho một người như một ân sủng bất khả vãn hồi. Vì vậy thất bại và bất hạnh là điều khó tránh khỏi. Hỏi: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Nhạc sĩ nói với mình hay nói cho ai? Nhạc sĩ đã đi như vậy bao giờ chưa? Và đã nếm được vị mệt ấy chưa? TCS: Cõi đi về ấy dành chung cho tất cả mọi người. Hỏi: Tại sao ở xứ Huế, mà trong các tác phẩm của mình không có một bài nào nói lên phong cách hay nét đẹp riêng của Huế? TCS: Những ca khúc trước năm 75 hầu như đều mang phong vị Huế, mặc dù không có một chữ Huế nào trong bài. Hỏi: Từ trước đến nay ai yêu nhạc Trịnh Công Sơn đều hiểu rằng nhạc sĩ có cái nhìn độc đáo về tình yêu. Vậy Nhạc sĩ nghĩ sao về ý nghĩa của tình yêu mà Nhạc sĩ hằng sống? TCS: Trong giờ phút này tôi không nghĩ gì về tình yêu cả. Và thành thật mà nói, tôi cũng chẳng hiểu tình yêu đã cho tôi một ý nghĩa gì. Hỏi: Để viết được những ca khúc về tình yêu, thì sự rung động của trái tim Nhạc sĩ ở mức độ chân thành trước tình yêu hay chỉ là ảo ảnh của tình yêu. Đã có lần Nhạc sĩ nói: "Khi bạn hát một bản tình ca nghĩa là bạn đang muốn hát về cuộc tình của bạn". Phải chăng khi một ca khúc mới ra đời là một mối tình mới của Nhạc sĩ? Nhạc sĩ đã có bao nhiêu mối tình? TCS: Tất cả đều là ảo ảnh. Thậm chí khi tôi phát biểu một điều gì đó thì chẳng qua do cũng chỉ là ảo ảnh của những ý tưởng của riêng tôi. Có khi phải có hàng trăm mối tình thoáng qua, đọng lại, ngắn ngủi dài lâu, mới viết được dăm bảy ca khúc hay, bởi vì sáng tác không hề làm công việc của cái máy: cứ bỏ một đồng xu vào thì rơi ra một lon nước. Hỏi: Trong nhạc tình của Nhạc sĩ, mọi người luôn tìm thấy mọi tâm trạng, tình cảm của mình về tình yêu. Nhạc sĩ nói hộ cho con người tất cả, nhưng chính mình Nhạc sĩ đã trải qua tất cả chưa? TCS: Tôi viết về những gì tôi đã sống và cả dự đoán những gì có thể xảy ra. Hỏi: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng" đó có phải là quan niệm sống và sáng tác của Nhạc sĩ không? Theo Nhạc sĩ, quan niệm đó có còn đúng trong thời buổi có quá nhiều thay đổi như hiện nay ? TCS: Thời buổi nào cũng cần phải có quan niệm sống như thế. Con người và động vật chỉ có khác nhau từng ấy thôi. Hỏi: Nếu có một đóa hồng quý giá, Nhạc sĩ sẽ tặng cho ai? Đức tính nào của con người khiến Nhạc sĩ cúi đầu kính phục? TCS: Tôi sẽ tặng mẹ tôi. Rất tiếc mẹ tôi không còn nữa. Đặc tính của con người khiến tôi cúi đầu kính phục có lẽ là lòng vị tha. Hỏi: Nhạc sĩ nhớ gì về quá khứ, nghĩ gì về hiện tại và hy vọng gì ở tương lai? Nhạc sĩ sẽ sống ra sao nếu một ngày nào đó Nhạc sĩ chia tay với âm nhạc? TCS: Quá khứ hiện tại tương lai trong tôi chỉ là một. Nếu có gì khác biệt thì đó là trạng thái tinh thần của từng giai đoạn và sự thay đổi trong những diễn biến tình cảm. Tôi dự định sẽ chia tay với âm nhạc để viết những bài tạp bút ngẫu hứng và vẽ. Hỏi: Sự tài hoa của Nhạc sĩ không chỉ thể hiện trong âm nhạc mà còn trong thi ca, hội họa, tư tưởng triết học, và ngôn ngữ Pháp. Vậy nếu chiêm nghiệm lại mình, Nhạc sĩ nghĩ gì về hai câu thơ của Nguyễn Du:”Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau ". TCS: Tôi muốn viết sai câu thơ cua Nguyễn Du cho riêng mình: "Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh cũng là bể dâu”. “Chưa Kịp Thực Hiện Một Ước Mơ Nhỏ Đã Thấy Hết Năm Hết Tháng" (Trả lời phỏng vấn) ° Anh có thích mọi thế hệ đều gọi anh bằng anh không? - Dĩ nhiên là thích hơn gọi bằng chú, bác. Vả lại cũng chẳng phải bà con gì mà lại có chuyện chú, bác ở đây. Gọi anh chứng tỏ mình lịch sự, dễ thương như một người không có trí nhớ về tuổi tác; ngoài ra, nó còn thu hẹp lại cái ranh giới đáng ghét của những con người sống cùng trong thời đại. °Khoan nói tới chuyện âm nhạc, anh Trịnh Công Sơn, trong mắt nhìn nghệ sĩ của anh, ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết Việt Nam là gì? - Ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết Việt Nam có lẽ là ở chỗ mọi điều bình thường nhất trong năm bỗng chốc được xếp đặt lại trong một trật tự giá trị khác. Đang xuề xòa trở thành nghiêm túc, cái lôi thôi lếch thếch được giảm thiểu tối đa, cái ăn cái nói cái cười cùng được gọt giũa lại, cái giọt nước mắt đau cũng được nén gác lại cho năm sau, tất cả và nhiều nhiều, thậm chí có thằng định làm chuyện ác tạm gói dụng cụ gây tội chờ những ngày Tết qua đã. Ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết Việt Nam là chẳng có gì thiêng liêng cả. Xưa lỡ làm bộ thiêng liêng, lâu dần thành cái nếp, cái tập quán, đến nay cũng làm bộ tiếp nhưng ở giữa các đô thị lớn thì cái nếp ấy cũng đã mờ nhạt lắm rồi. ° Giờ anh còn nhớ cái Tết nào năm anh trẻ hơn 20 tuổi không? Lúc đó hẳn đang ở Huế? - Trẻ hơn 10 tuổi thì còn ăn Tết ở Huế. Trẻ hơn 20 tuổi phần lớn ăn Tết ở Sài Gòn. Ở Sài Gòn, Tết gia đình người ta thường về quê. Ở trọ, đêm giao thừa đi lang thang ngoài phố, khuya về ngủ. Chỉ còn nhớ cái dư vang của những ngày Tết xa xưa ấy nó hoang vu lắm. ° Âm nhạc của anh như một bữa tiệc dọn theo kiểu Huế: Mời khách ăn nhiều món, mỗi món một ít nhưng món nào cũng rất ngon. Vậy có thể nói đến những ca khúc của Trịnh Công Sơn như một bữa tiệc kiểu Huế hay không? - Đây là một câu hỏi hay, đồng thời cũng là cái nhìn của người đặt câu hỏi. Câu hỏi này nên để những người yêu nhạc của tôi cho ý kiến là đúng và tốt nhất. Dù sao tôi cũng đã ăn mòn răng trong những bữa tiệc kiểu Huế. Nay gần như rất hiếm. ° Đã nhiều năm, anh thường “phiêu diêu” với ly rượu. Chất men quan trọng như thế nào trong cảm hứng sáng tạo của anh? Dạo gần đây anh đã bỏ rượu, điều này có ảnh hưởng đến công việc của anh không? - Trước đây rượu là kẻ đồng hành với tôi trong cuộc sống. Không thể thiếu rượu được. Nó là chất xúc tác tốt để tôi làm việc. Uống để vui đời, chứ không uống để say. Uống thì ngòi bút trơn tru hơn, cọ vẽ bay bổng hơn và trí tưởng tượng được dịp trôi nổi về những bờ cõi ngẫu hứng lạ lẫm hơn. Giờ đây tôi đang tạm thời xa rượu vì sức khỏe, tạm khất lại một thói quen đã cùng mình như hình với bóng trên những đoạn đường dài của sáng tạo. Tôi hy vọng là mọi việc cũng sẽ ổn thỏa thôi. ° Người ta cũng có thể nhận xét được rằng hầu hết các ca khúc của anh đều viết với cung La thứ. Đó có phải là một sự cố ý không? Nếu đúng như vậy thì cung La thứ đã là bạn tri âm của tâm hồn anh như thế nào? - Nhận xét này có phần đúng. Có một thời tôi đã cố tình khai thác hết khả năng của mình trên cung La thứ. Sau đó thấy tạm đủ và nhất là nhiều khi thấy nhiều người lạm dụng nó như một cung bậc dễ làm mủi lòng, thậm chí sướt mướt nên tôi chuyển qua nhiều cung khác nhất là những cung trưởng. Cái buồn trong cung trưởng nó mênh mông và trong sáng hơn. ° Nhiều thế hệ xa cách nhau đều thích nhạc của anh. Anh giải thích sao về điều đó? Mỗi thế hệ đều mang đến cho tôi một nguồn cảm hứng. Tôi đã cố gắng sống hòa hợp và biểu hiện những suy nghĩ của mình bằng mạch nguồn cảm hứng ấy. Người sáng tác không thể sống tách rời và lạc điệu với thời đại mình đang sống. Do đó nó không có tuổi tác và mỗi thế hệ đã qua hay sắp đều là những mùa màng cần thiết trong tâm hồn người sáng tác và cho phép nó chia sẻ được những vui buồn của từng thế hệ mà nó đi qua. ° Nếu anh ở xa đất nước, anh có nghĩ rằng anh sẽ viết khác không? - Không những sẽ viết khác đi mà thậm chí là không thể viết được nữa. Tiếng Pháp có chữ "culture" vừa có ý nghĩa là văn hóa vừa có ý nghĩa là trồng trọt. Một nền văn hóa này lại trồng trên một mảnh đất khác thì e rằng không thể phát triển bình thường được. ° Đến nay có lẽ chưa có ca sĩ nào hát nhạc Trịnh Công Sơn giàu sức mạnh truyền thông như Khánh Ly. Có phải đó là tình yêu ? - Không hề có chuyện tình yêu ở đây. Đó là một thứ tình bạn khá đặc biệt kết tụ lại những đam mê chung về cuộc sống, tính lãng mạn, sự hồn nhiên. Trong cuộc hạnh ngộ này, người sáng tác và người hát làm thành một thể thống nhất bất khả phân ly. Từ đó sự hát và ký hiệu trên trang giấy mất đi nhường chỗ cho một lời tâm sự về đời, về người tưởng như của hai người nhưng thật ra chỉ là một mà thôi. ° Tết đến, giới trẻ lại mong được lắng nghe một chút tâm sự như Tết năm nào rất thích thú được chiêm nghiệm về ý nghĩa cuộc đời trong tùy bút “Giao thừa” của anh. - Không hiểu sao càng lớn càng thấy cái Tết nhỏ lại. Nó như là một thủ tục phải làm chứ không phải là nỗi chờ đợi háo hức như nhũng ngày còn bé. Nó không còn mang ý nghĩa một ngày hội như thời trẻ. Đó là nỗi bất hạnh của những kẻ đã ăn quá nhiều cái Tết. Cái gì ăn nhiều quá cũng không tốt. Đồ bổ ăn nhiều cũng sinh bệnh nếu không thì cũng đâm chán. Do đó, càng lớn lên, càng đi qua nhiều cái Tết càng thấy hờ hững dần với nó. Ở một độ tuổi nào đó, con người có cảm giác thời gian càng lúc càng qua nhanh, chưa kịp thực hiện một ước mơ nhỏ đã thấy hết năm hết tháng. Vì vậy khi Tết đến, tự nhiên thấy mình như một kẻ phạm tội, một kẻ vô tích sự trước cuộc đời. Dù sao thì Tết vẫn là Tết. Giao thừa thiêng liêng vẫn là giao thừa thiêng liêng. Còn cái chuyện buồn vui trong mỗi người thì lòng ai tự biết lấy. Tôi vẫn làm cái việc đốt những nén nhang trong đêm giao thừa, mở cửa bước ra cổng giữa đêm tự đạp đất nhà mình. Nếu có hứng thú thì cùng người bạn chạy xe quanh những phố phường trong một đêm như mọi đêm gọi là đêm giao thừa, để nhìn cái rộn rịp cuối cùng của một năm. Hoàng Dạ Thi thực hiện