Tiểu thuyết lịch sử
Chương 6

 
 Năm Bính Ngọ°, vua Chiêm cử hoàng thân Chế Phục sang Đại Việt lo việc hôn nhân. Sứ đoàn của Chế Phục có trên ba trăm người. Họ đi bằng đường thủy, đến Thăng Long vào cuối tháng sáu. Lần này lễ vật họ mang theo không nhiều. Chế Phục đã được các quan Đại Việt tiếp đón rất nồng hậu. Sứ đoàn được sắp xếp tạm trú ở một khu quán dịch mới xây dựng khá tiện nghi, được cung cấp thực phẩm và nước nôi đầy đủ. Hôm sau Chế Phục vào triều bái yết vua Anh Tôn. Sau khi xem quốc thư và tờ kê khai lễ vật, trong đó có cả bản đồ hai châu Ô và Rí, vua Anh Tôn nói với Chế Phục:
 -Kể từ nay hai nước Việt - Chiêm xem như một nhà. Trẫm sẽ cùng triều thần bàn định ngày đưa công chúa về Chiêm. Từ xa xôi đến đây chắc các khanh cũng đã mệt lắm. Hãy tạm thời về quán dịch nghỉ ngơi vài hôm. Vấn đề lương thực sẽ có người lo liệu giúp khanh đầy đủ.
 Chế Phục vâng lệnh dẫn bọn tùy tùng trở về nghỉ ở quán dịch.
 Chế Phục đi xong, vua Anh Tôn tươi cười nói với Chiêu Văn vương Nhật Duật:
 -Nhờ ơn trời cho Tổ phụ° tuổi thọ vô biên, Tổ phụ đã chứng kiến được cảnh non sông gấm vóc tổ tiên tạo dựng nay lại thêm một phen mở rộng! Cháu rể của Tổ phụ là Chế Mân đã chính thức dâng châu Ô và châu Rí cho Đại Việt. Đây là bản đồ vùng đất «sính lễ». Xin Tổ phụ tự mình chọn lựa một người có khả năng ra trấn thủ vùng địa đầu huyết mạch đó!
 Vua trao bản đồ cho Chiêu Văn vương. Chiêu Văn đại vương hớn hở cầm xem rồi lại trao cho một vị đại thần khác, vương nói:
 -Xem ra vùng đất này hơi hẹp, núi non lại nhiều, khá hiểm trở. Dân mới, đất mới, phải có những tay già dặn việc cai trị mới xong. Quan gia nên giao cho Điện súy Phạm Ngũ Lão tính liệu tốt hơn.
 Vua Anh Tôn hỏi Phạm Ngũ Lão:
 -Ý quan Điện súy thế nào?
 -Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ giao phó việc này, hạ thần sẽ tìm người để trình lên bệ hạ quyết định.
 Vua Anh Tôn lại nói:
 -Được, khanh hãy tìm người sẵn cho trẫm. Còn một việc nữa cũng quan trọng không kém. Trẫm cần một người đại diện cho trẫm để đưa Huyền Trân công chúa sang Chiêm Thành. Ai có thể gánh vác việc đó?
 Thời gian gần đây không mấy khi gặp Huyền Trân công chúa, Trần Khắc Chung không khỏi xốn xang trong lòng. Nay gặp cơ hội này ông đâu bỏ qua được? Khắc Chung liền thưa:
 -Nếu bệ hạ không chê, hạ thần xin gánh vác việc này.
 Chiêu Văn vương Nhật Duật nói:
 -Khắc Chung ăn nói giỏi, lại là thầy học của công chúa, đưa dâu được đấy!
 Vua Anh Tôn nói với Khắc Chung:
 -Khanh chịu gánh vác việc này thì trẫm thật an tâm. Hãy tuyển lựa ngay một sứ đoàn để sẵn sàng lên đường. Kể hết từ hạng có chức phận đến những lính tráng phục dịch, hộ tống chừng một nghìn người đủ không?
 Khắc Chung thưa:
 -Xin bệ hạ quyết định cho việc đi đường thủy hay đường bộ mới tính số người được!
 Hưng Nhượng vương Quốc Tảng nói:
 -Thăng Long - Đồ Bàn xa cách, nhiều núi non hiểm trở, đi đường bộ không tiện. Chỉ nên đi đường thủy. Nay giặc biển đã yên, hai nước lại đang thông hòa, gặp gió bão ghé trú đâu cũng được, nơi nào cũng sẵn sàng giúp đỡ. Quan gia cho một nghìn người là đủ rồi.
 Vua Anh Tôn nói với Khắc Chung:
 -Khanh tự liệu xem cần thêm bớt gì không? Xong, hãy bàn với các viên chức giữ các phần hành để trưng dụng người cũng như thuyền bè, nhất là phải lo lương thực thật đầy đủ. Đừng quên lo liệu luôn phần lương thực cho sứ đoàn Chiêm Thành đấy nhé. Thu xếp mọi việc xong hãy trình cho trẫm biết.
 °
 Từ khi được Khắc Chung giảng cho nghe về những công lao hiển hách của các bậc nữ lưu thời trước đối với tổ quốc họ, Huyền Trân như đã cởi bỏ hết mọi ưu phiền. «Những vị nữ lưu ấy phải trải qua những hoàn cảnh hết sức nghiệt ngã thật, nhưng cuối cùng lại được người đời sau nhắc nhở ca tụng, công đức họ càng được sáng tỏ, vinh dự lắm chứ! Đâu có gì để phải tiếc hận? Người đời mấy ai làm được như thế?». Từ suy nghĩ đó, viễn tượng lấy chồng xa xứ trước đây làm nàng lo sợ bao nhiêu giờ nàng lại háo hức trông chờ bấy nhiêu. Nàng dần đâm ra ước mơ mình được trở thành một người đàn bà phi thường! Niềm ước mơ đó đã thúc đẩy nàng ra sức học hành. Huyền Trân miệt mài với sách vở, quên ăn quên ngủ, đến độ những kẻ hầu hạ phải luôn nhắc nhở, khuyên ngăn. Ngoài những kiến thức thu thập được từ các giảng quan, công chúa còn tự mình tìm hiểu qua những tài liệu sách vở lưu trữ ở nhà tàng thư của triều đình. Những gì không tự tìm hiểu được, công chúa lại nhờ các giảng quan giải thích. Việc quá chăm vào đường học vấn mà chẳng quan tâm gì đến việc sắp phải đi lấy chồng ngoại chủng xa xôi của công chúa đã khiến nhiều giảng quan ngạc nhiên. Tất nhiên, Khắc Chung biết rõ cái động lực thúc đẩy công chúa có thái độ như vậy hơn ai hết.
 Về phía dân chúng, khi nghe tin công chúa bị gả chồng xa xứ, ai cũng thương cảm ngậm ngùi. Đối với giới bình dân, ngay việc con gái họ được tuyển chọn làm cung nữ trong nước, người ta đã sợ hãi rồi! Một lần ra đi coi như một lần vĩnh biệt! Tâm trạng đó đã được biểu hiện một cách rõ rệt qua một thành ngữ vẫn lưu truyền trong dân gian: «đưa con vô nội». Người con gái ra đi có thể có hạnh phúc, có thể tìm được niềm vui trong cuộc sống mới hay không là một chuyện, nhưng với những người thân của nàng, sự ra đi ấy là một sự mất mát lớn không có gì đền bù nổi. Thà đói thiếu mà hôm sớm có nhau cũng còn hơn sang quí mà phải sống xa lìa nhau! Một trang quốc sắc thiên hương phải đi lấy chồng ngoại chủng, dù là lấy vua chúa, cũng chẳng khác chi một cuộc lưu đày! Người ta đã tưởng tượng ra muôn vạn nỗi đau khổ của một nàng tiên trên trời đột nhiên bị rơi vào vòng giam hãm của một kẻ man rợ! Càng nghĩ người ta càng thương công chúa hơn.
 Rồi cái tin vua Chiêm Thành nhường hai châu Ô và Rí cho Đại Việt để làm sính lễ cũng lan ra ngoài! Dân Đại Việt đều phấn khích vui mừng. Nhất là số cư dân ở vùng biên giới Chiêm - Việt. Nhiều người nghe nói mà sung sướng đền sửng sờ, chưa dám tin là chuyện có thật! Trước đây hơn hai trăm năm, vua Chiêm Chế Củ dâng vua Lý ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính, dân Chiêm đã hết sức uất hận. Họ vẫn luôn lăm le giựt lại phần đất ấy. Vì thế, người dân Đại Việt sống gần biên giới Chiêm Thành không lúc nào được yên thân. Những vụ cướp bóc, hãm hiếp, giết chóc luôn đe dọa người dân biên giới. Những đám giặc vô danh lúc nào cũng chực sẵn đâu đó. Quân triều đình đến thì chúng biến mất, quân triều đình lui thì chúng lại xuất hiện như ma. Vua quan Chiêm Thành lại luôn chối bỏ không chịu trách nhiệm về những vụ quấy nhiễu đó. Nay vua Chiêm dâng thêm đất cho Đại Việt không phải là ý trời giúp họ sao? Sắp tới đây biên giới Việt Chiêm sẽ được dời xa hơn về phía nam. Chắc chắn vùng đất họ đang sống sẽ được bình yên hơn! Đời sống của họ cũng sẽ lên hương hơn! Rõ ràng là trời đã ngó xuống! Người đã mang nguồn vui kỳ diệu đó đến với họ là ai nếu không phải là Huyền Trân công chúa?
 Ý nghĩ đó được truyền tụng ra, công chúa được tôn sùng như một nàng tiên hộ mệnh. Dân chúng càng thấy rõ ý nghĩa cao đẹp khi công chúa đi lấy chồng xa xứ. Không hẹn mà từ triều đình đến thứ dân, từ kinh thành đến thôn dã, ở đâu người ta cũng cầu Trời vái Phật ban phước cho công chúa.
 Ai ra đi mà chẳng lưu luyến người thân? Huyền Trân cũng không thoát ra ngoài lẽ đó. Lúc bấy giờ công chúa rất mong được gặp Phụ hoàng. Nhiều lúc nàng thấy thương nhớ Phụ hoàng đến quay quắt. Hình ảnh một vị hoàng đế hiển hách một thời trở thành một vị sư còm cõi sớm chiều kinh kệ trong ngôi chùa hoang vắng tịch mịch đã nhiều phen khuấy động tâm tư nàng. Một hôm Huyền Trân nói với vua Anh Tôn:
 -Hoàng huynh cho em đi gặp Phụ hoàng một lần cuối trước khi ra đi được không?
 Vua Anh Tôn đã nói:
 -Em thực hiện được ý muốn của Phụ hoàng là trả được đạo hiếu rồi. Bây giờ Phụ hoàng đã là người xuất gia, lúc này Người đang «nhập thất», không tiếp xúc với ai cả. Em đến thăm chỉ khơi dậy tình phụ tử làm Người phân tâm chứ được ích gì. Sau này Phụ hoàng có trách vấn, anh và mọi người sẽ biện bạch cho.
 Chỉ vì không nên khơi dậy tình phụ tử làm Phụ hoàng bận tâm mà lúc sắp phải đi xa nàng không được gặp Phụ hoàng ư? Hay vì một lý do nào khác?
 Từ nỗi thắc mắc đó, công chúa đã cố tìm hiểu nguyên nhân. Cuối cùng thì nàng cũng biết được! Hóa ra chỉ vì lo chúi đầu vào sách vở mà công chúa không hề biết gì đến việc vua Chiêm phải dâng cho Đại Việt hai châu Ô và Rí để cưới nàng!
 Khi nghe cái tin lạ tai này, Huyền Trân giật thót mình. Tại sao Chiêm Thành lại phải dâng đất? Như vậy hóa ra việc Thượng hoàng gả nàng cho vua Chế Mân không phải do thành ý ư? Lẽ nào dân Chiêm không bất mãn? Trong khi Phụ hoàng tìm cõi tịch mịch để cầu đạo, Người há lại muốn để nàng dấn thân vào chỗ đua tranh giành giựt? Chủ ý Phụ hoàng chắc hẳn không phải thế! Nàng nhớ lại lần giã từ nàng để trở về núi Yên Tử, Phụ hoàng đã ân cần dặn nàng «Con đừng phiền não lo sợ chi cả. Cứ nghe lời cha! Người chồng tương lai của con là một bậc vương giả, một vị anh hùng, rất xứng đáng để con trao thân gởi phận. Sự hi sinh của con chắc chắn không vô ích. Ở đời cái đáng sợ là việc gây tội ác, là làm cho kẻ khác đau khổ. Ở đây con chỉ đem lại sự yên ổn cho dân cả hai nước, có thể ngăn chận hoặc giảm thiểu được những tranh chấp, giành giựt. Con sẽ là sứ giả hòa bình, sẽ được dân cả hai nước mang ơn. Sự hi sinh đó sẽ được người đời tôn vinh, không có gì để sợ hãi hay xấu hổ cả”. Bây giờ nước Chiêm phải dâng đất để cưới nàng thì nàng làm sao trở thành sứ giả hòa bình, được dân cả hai nước mang ơn như Phụ hoàng đã nói? Dân Chiêm không coi nàng là kẻ thù đã là may lắm rồi!
 Ý hướng ban đầu của Phụ hoàng, khi hứa gả nàng cho Chiêm vương chỉ có mục đích nối kết tình thân giữa hai dân tộc, xây đắp nền hòa bình giữa hai quốc gia láng giềng. Người hoàn toàn không nói gì đến việc vua Chiêm nhường đất để làm sính lễ. Hay đây là hảo ý của vua Chiêm? Liệu quốc dân Chiêm có bằng lòng không? Khi tìm hiểu về xứ sở của người chồng tương lai, nàng đã từng đọc những tập sử liệu liên hệ đến Chiêm Thành. Dân Chiêm đa số rất bất mãn về hành động dâng đất cho ngoại bang của vua Chế Củ. Dưới nhiều hình thức khác nhau, họ đã không ngừng quấy phá những người dân Đại Việt sống trên vùng đất mà vua Chế Củ đã dâng. Chẳng lẽ Chiêm vương Chế Mân không nhìn thấy điểm đó?
 Đó chắc hẳn là lý do khiến hoàng huynh không muốn để ta gặp Phụ hoàng!
 Lỡ làng cả rồi! Huyền Trân cảm thấy thất vọng sao sao ấy. Đã bao nhiêu ngày liền nàng cứ bị ray rứt bới những ý nghĩ đó. Nàng đâm ra kém ăn mất ngủ đến độ phờ phạc thấy rõ…
 ° 
 Huyền Trân đang ngồi trầm ngâm trong phòng thì có tiếng gõ cửa. Nàng nói:
 -Ai đó? Có gì cứ vào đi!
 Vú Diệu Hoa bưng một bình nước sâm đẩy cửa bước vào. Huyền Trân ngạc nhiên hỏi:
 -Nước sâm còn cả bình, vú bưng thêm làm gì nữa? Thị nữ đâu hết mà vú phải làm việc này?
 -Thưa, có việc cần trình công chúa nên già bưng vào luôn thể thôi.
 -Việc gì vậy vú?
 -Hoàng thượng vừa gọi già lên hỏi chuyện sáng nay. Ngài nghe độ này có lẽ công chúa buồn bã vì sắp đi xa nên có vẻ xuống sắc lắm. Ngài dặn già phải làm sao cho công chúa vui. Ngài cũng dặn phải khuyên công chúa bớt đọc sách đi! Ngài đang lo cho sức khỏe của công chúa lắm đó. Công chúa không chịu nghe lời già e hoàng thượng trách phạt già đấy!
 Huyền Trân lộ vẻ không vui:
 -Chính hoàng thượng làm cho ta xuống sắc đó chứ nào phải tại ta ham đọc sách hay buồn vì chuyện sắp đi lấy chồng xa!
 Vú Diệu Hoa ngạc nhiên hỏi lại:
 -Sao công chúa lại nói thế?
 Huyền Trân buồn bã phân trần:
 -Vú thấy trên đời còn tình nào cao sâu bằng tình cha mẹ đối với con cái và ngược lại? Mẹ ta đã mất lúc ta mới lên sáu, ta chỉ còn một mình Phụ hoàng! Thế mà lúc ta sắp đi lấy chồng xa xứ, muốn gặp mặt Phụ hoàng một lần cuối cũng không được! Chưa hết đâu! Trước kia ta vẫn nghĩ mình sẽ làm được một việc cao đẹp hiếm hoi là nối kết tình thân giữa hai dân tộc Việt - Chiêm như dự tính của Phụ hoàng, nhưng bây giờ cũng hết phương rồi! Chính tấm thân ta cũng đã biến thành một vưu vật để người ta trao đối nhau! Ta không buồn chán sao được? May mà có vú ta còn thố lộ được vài lời chứ không ta cũng chẳng biết ngỏ cùng ai?
 Vú Diệu Hoa than:
 -Trời ơi, hóa ra công chúa khổ tâm đến thế mà già nào có biết! Già cứ tưởng công chúa buồn vì sắp phải đi xa thôi! Công chúa không định trình cho Hoàng thượng biết nỗi khổ tâm đó ư?
 Huyền Trân lắc đầu:
 -Trình với báo làm gì nữa? Mọi việc triều đình đã sắp đặt cả rồi, có nói cũng thừa! Vú còn có điều gì cần nói nữa không?
 -Dạ, ngày mai mồng năm tháng năm, tết Đoan Ngọ rồi, công chúa thích ăn những món gì xin cho biết để đầu bếp nó lo. Già cũng xin phép ngày mai được ra ngoài thành mua lá uống như mọi năm.
 -Chóng nhỉ! Lại một năm nữa rồi. Trong người không được vui, ta cũng chẳng thiết chi việc ăn uống. Mọi việc vú cứ tùy tiện sắp xếp sao cũng được.
 -Công chúa không định làm gì đặc biệt ư? Dù sao tết Đoan Ngọ này cũng là cái tết cuối cùng công chúa còn ở Đại Việt. Mai kia về  Chiêm biết có tết Đoan Ngọ nữa không? Hay là công chúa xin hoàng thượng ra thành chơi một chuyến cho biết đi!
 Huyền Trân hơi mỉm cười:
 -Tết Đoan Ngọ chứ đâu phải tết Nguyên Đán! Có cũng được, không có cũng xong, quan trọng gì? Ta chẳng có hứng thú gì để đi chơi đâu cả!
 -Ấy chết, sao lại không quan trọng? Công chúa chớ nói vậy có tội đó! Tết nào cũng do tổ tiên truyền lại cả mà!
 Huyền Trân giải thích:
 -Vú lầm rồi! Tết Nguyên Đán mới là tết truyền thống của Đại Việt có từ ngày lập quốc. Dù có bắt chước ai thì nó vẫn đã được dân tộc hóa rồi. Vui tết Nguyên Đán là để nhớ ơn tổ tiên, là rước tổ tiên về nhà để cùng vui sum họp. Còn tết Đoan Ngọ chỉ là một cái tết ngoại lai do người Tàu truyền sang nước ta từ thời Bắc thuộc. Xét ra bắt chước tục này cũng chẳng hại gì nên nước mình cũng chẳng cấm cản.
 Vú Diệu Hoa có vẻ không hài lòng:
 -Công chúa nói vậy chứ ngày tết Đoan Ngọ linh thiêng lắm công chúa ạ. Không linh thiêng sao được khi tất cả những lá uống, trái cây hái từ buổi khuya đến giờ ngọ ngày mồng năm tháng năm đều trở thành vị thuốc cả? Công chúa chưa ra ngoài thành trong ngày Đoan Ngọ nên chưa thấy đó. Bất cứ chợ nào quán nào cũng bày bán đủ các loại trái cây mới hái rất ngon cùng với các loại lá uống vừa quí vừa rẻ. Đó không phải là ơn phước trời ban cho dân gian sao?
 Huyền Trân nhìn vú Diệu Hoa với ánh mắt tinh nghịch:
 -Vú nói ngày Đoan Ngọ các loại trái cây, các loại lá uống đều thành vị thuốc vậy vị thuốc ấy dùng để chữa bệnh gì vú đã thấy chưa? Những người ghiền uống nước lá cây vẫn chỉ dùng những thứ lá uống quen thuộc để nấu chứ có ai dám dùng lá cây lạ chưa từng uống để nấu đâu? Trái cây cũng chỉ ăn loại trái cây đã quen ăn chứ đâu phải bất cứ trái cây nào ăn cũng được mà nói tất cả trái cây đều thành vị thuốc?
 Vú Diệu Hoa không trả lời được, ngượng ngập nói:
 -Ừ nhỉ! Cám ơn công chúa đã khai mở đầu óc lú lẫn của già.
 Suy nghĩ một lát, vú rụt rè hỏi:
 -Nhưng sao người ta vẫn hay làm việc trả ơn trả nghĩa trong dịp tết Đoan Ngọ nhỉ? Nào học trò đi tết thầy, nào con rể đi tết nhạc gia, nào người bệnh được cứu sống đi tết thầy thuốc…
 -Đó là truyền thống nếp sống đạo nghĩa đã có sẵn của Đại Việt ta. Vú thấy dịp tết Nguyên Đán người ta còn đi tết trả ơn trả nghĩa long trọng gấp mười tết Đoan Ngọ không?
 Im lặng một lát, vú Diệu Hoa lại nói:
 -Công chúa đang buồn bực, sao không tìm cách giải khuây? Hay ngày mai công chúa ra thành một chuyến biết đâu lại chẳng tìm được niềm vui?
 -Ngoài ấy có những gì vui vú nói ta nghe thử!
 -Chuyện vui thì thiếu gì! Nhưng cũng tùy ý thích từng người. Hiện giờ ở đâu dân chúng cũng đang bàn tán về chuyện công chúa sắp lấy chồng Chiêm Thành. Công chúa có thích chính mình được nghe những lời bàn tán đó không?
 Huyền Trân hơi tái mặt:
 -Người ta bàn tán thế nào?
 Vú Diệu Hoa cười cười:
 -Từ trong ra ngoài ai mà chẳng cảm mến công chúa! Người ta chỉ ái ngại tiếc rẻ một bậc quốc sắc thiên hương như công chúa lại phải gả cho một ông vua…
 Nói đến đây thì vú Diệu Hoa ngừng lại. Huyền Trân giục:
 -Nói tiếp đi chứ! Gả cho một ông vua thì sao lại phải ái ngại tiếc rẻ?
 Vú Diệu Hoa ngập ngừng:
 -Dạ, xin công chúa tha lỗi… Họ nói  ông vua… mán mọi ấy không xứng đáng.
 Huyền Trân nghiêm mặt nói:
 -Nói bậy đấy nhé! Phụ hoàng đã từng thăm viếng nước Chiêm, đã biết Chiêm vương thế nào mới hứa hôn chứ! Ai dám nghĩ Phụ hoàng lầm? Người nói cho ta biết Chiêm Thành là một quốc gia văn minh, anh hùng. Người Chiêm đã có những công trình kiến trúc, điêu khắc nghệ thuật trên những đền tháp rất độc đáo. Người Chiêm cũng từng chiến thắng quân Nguyên oanh liệt chẳng kém gì Đại Việt ta. Từ nay nghe ai còn nói Chiêm Thành là nước mán mọi, vú phải giải thích cho họ biết, bảo họ nói như thế là gián tiếp xúc phạm tới Phụ hoàng đấy!
 -Già xin nghe lời công chúa dạy bảo.
 Huyền Trân ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
 -Chuyện này nghe cũng hay hay đấy. Vú hãy sắp xếp để sớm mai ta cùng ra thành với vú! Nhớ phải kín đáo đấy!
 Vú Diệu Hoa lộ vẻ vui mừng:
 -Thế thì công chúa mau tới xin hoàng thượng đi!
 -Không nên xin hoàng thượng làm gì. Ta phải âm thầm cải trang để đi như một kẻ dân dã mới có thể nghe được những lời dân chúng bàn tán chứ ngồi kiệu tiền hô hậu ủng thì dân chúng chỉ đứng mà ngắm còn ta nghe được cái gì?
 -Công chúa không sợ hoàng thượng biết được sẽ bị rày rà ư?
 Huyền Trân cười:
 -Ta ra thành lần này với mục đích mong được tận tai nghe dân chúng bàn tán về mình ra sao chứ đâu phải đi dạo suông? Đó là ý muốn của ta mà! Nếu hoàng thượng biết được ta cũng trình bày thế thôi. Ta nghĩ chắc chắn ngài sẽ không trách ta đâu! Vú chưa biết đấy, chính hoàng thượng cũng thích lén ra thành chơi lắm.
 -Thật vậy sao? Làm sao công chúa biết chuyện đó?
 Công chúa đưa ngón tay ra dấu im lặng lên miệng rồi cười:
 -Ngài đã đi chơi đêm ngoài thành nhiều lần lắm. Có lần ngài đã bị bọn du đãng ném đá trúng đầu đó! Vú lựa vài đứa hầu nhanh nhẹn một chút, ăn mặc xoàng xoàng thôi để đi cho tiện.
 Vú Diệu Hoa cười hỉ hả:
 -Thế mới phải chứ! Già tin chắc chuyến này công chúa sẽ vui lắm.
 °
 Trong thành Thăng Long vẫn có rất nhiều gia đình ghiền uống các thứ nước lá đặc biệt họ mua vào dịp tết Đoan Ngọ. Cứ đến ngày ấy dân quê lại lũ lượt gánh các thứ lá uống lên kinh thành để bán. Họ bán đủ lá uống còn tươi lẫn lá đã phơi khô sẵn. Lá tươi thì bó từng bó, lá đã phơi khô thì đã được xắt nhỏ, bỏ từng bao, từng bội hoặc thúng. Dân thành thị những ai tin các thứ lá hái trong ngày mồng năm có vị thuốc thường mua lá tươi, đắt hơn. Những người ghiền uống thì mua lá đã phơi khô. Vì thế cứ đến ngày ấy, cửa thành Thăng Long lại được mở rất sớm để dân trong thành ra ngoài mua lá uống và trái cây.
 Buổi sáng ấy Huyền Trân cùng đám thị nữ cũng trà trộn với dân chúng để ra thành.
 -Chào quí bà quí cô! Chắc quí bà quí cô vừa ở trong thành ra?
 -Vâng, chúng tôi vừa ở trong thành ra!
 -Những trái mít này ngon lắm! Nhãn này cũng ngọt và dày cơm lắm! Mời quí bà quí cô mua về dùng! Mua ngay đi, chậm tay không còn nữa đâu! Lá uống chúng tôi cũng có luôn đây! Thứ gì cũng có. Mời quí bà quí cô. Quí bà quí cô mà ăn mít này, nhãn này một lần quí bà quí cô sẽ nhớ mãi. Nhất định sang năm khi trở lại đây quí bà quí cô sẽ tìm lại chỗ chúng tôi cho xem!
 Bà lão vui vẻ liến thoắng mời mọc trong khi hai cô gái quê chỉ im lặng ngồi tại chỗ. Huyền Trân nói nhỏ với vú Diệu Hoa:
 -Mít đẹp thật! Lấy mấy trái đi. Thầy Khắc Chung rất ưa ăn mít, ta về gởi biếu thầy một hai trái!
 Vú Diệu Hoa lựa năm trái mít lớn và một mớ nhãn. Vú nói với bà lão:
 -Để đó chốc nữa tôi nhờ phu khuân lại mang về. Bà lấy thêm giúp bốn bó lá tươi để đó luôn!
 Bà lão trong chốc lát bán được một số hàng lớn vui mừng cám ơn rối rít. Vú Diệu Hoa đã trả tiền một cách rộng rãi khiến bà lão càng vui. Vú bắt đầu gạ chuyện:
 -Tết Đoan Ngọ này bà lão phát tài rồi đấy nhé! Này, người Chiêm Thành có ăn tết Đoan Ngọ như người mình không bà lão nhỉ?
 -Tôi cũng không biết. Quí bà quí cô ở trong thành chắc biết rõ điều đó hơn chúng tôi chứ! Nghe nói vua gả công chúa cho vua Chiêm Thành quí bà quí cô có biết bao giờ họ sang đón dâu không? Tội cho công chúa…
 -Nghe nói trong năm nay thôi. Nhưng cũng chưa rõ khi nào. Bà lão nghe dân chúng nói sao về công chúa không?
 Bà lão xuýt xoa:
 -Thời gian này ngày nào lại chẳng nghe người ta nhắc đến công chúa! Nghe công chúa vừa hiền đức vừa xinh đẹp, lại còn quá trẻ mà phải đi lấy một ông vua già tận xứ nào ai mà chẳng buồn cho bà! Nhưng nghe nói vua Chiêm Thành dâng cho vua mình hai vùng đất rộng lắm ai cũng mừng.
 Một bà bán lá cạnh bà lão tán thán:
 -Như thế công lao của công chúa đối với nước mình to lớn quá chị nhỉ! Tội nghiệp, cầu trời phù hộ cho công chúa về với chồng được vui vẻ, hạnh phúc.
 Một bà khác lại nói:
 -Công chúa chắc trước là kiếp tiên nên đã đẹp lại nhân ái như vậy. Dân mình đội ơn bà không biết mấy. Sau này phải đúc tượng mà thờ cho bà mới phải!
 Lại một giọng khác nữa:
 -Không phải tiên thì cũng là người đã tu nhiều kiếp. Nhưng tôi chưa phục công chúa bằng Thượng hoàng. Cái ngai vàng vậy mà ngài bỏ đi như quăng một chiếc dép đứt! Thật chẳng khác gì đức Thích Ca ngày xưa. Ngài đức độ như vậy nên mới sinh được một công chúa như vậy!
 Nghe những lời tán tụng ấy, vẻ mặt công chúa tươi hẳn lên. Vú Diệu Hoa lại dẫn công chúa đến những chỗ khác. Ở đâu công chúa cũng được nghe dân chúng nói những lời ca ngợi công đức của nàng. Vú Diệu Hoa nói nhỏ với công chúa:
 -Công chúa thấy chưa? Dân chúng có cảm tình với công chúa đến thế đấy!
 Huyền Trân nở một nụ cười cảm động:
 -Tốt lắm, kể ra cuộc ra thành hôm nay cũng đáng nhớ đời. Những ngày gần đây ta thật tình chán nản vì cuộc hôn nhân của ta gần như trở thành một cuộc đổi chác. Nhưng thôi, biết được lòng dân Đại Việt đối với ta như vậy thật là một niềm an ủi lớn cho ta…
 Vú Diệu Hoa tươi cười hỏi:
 -Dân chúng tôn sùng, thương mến công chúa như vậy đáng lý công chúa phải vui tươi hẳn lên mới phải chứ? Hay công chúa còn muốn gì nữa?
 Huyền Trân chậm rãi nói:
 -Dân Đại Việt nghĩ về ta như vậy quả đáng mừng rồi. Nhưng ta biết chắc dân Chiêm Thành lại oán hận ta nhiều lắm! Ta mắc nợ họ!

Chú thích:
°Bính Ngọ: 1306
°Tổ phụ: ông nội, vua Anh Tôn gọi Trần Nhật Duật bằng ông. Nhật Duật là em ruột của vua Thánh Tôn, ông nội của vua Anh Tôn.